Cổ Phật Tâm Đăng

Cổ Phật Tâm Đăng - Chương 26: Tâm Đăng rơi châu hoàn tục




Thời gian lặng lẽ trôi qua...



Đông tàn, rồi xuân đến, và mùa hạ oi bức lại trở về đất Tây Tạng.



Và mùa hè nóng nực nặng nề trôi qua, để cho mùa thu lại đến...



Trăng đã sắp tròn và ngày hoàn tục của Tâm Đăng sắp đến. Trong lòng chú vừa nôn nao, vừa chua xót, vì rằng chú thấy việc mà chú lo sợ từ hồi trước đến giờ, bây giờ nó đến với chú, muốn tránh cũng không được.



Trong một buổi lễ cực kỳ rộn rịp, trong Bố Đạt La Cung treo đèn kết hoa, bài trí cực kỳ lộng lẫy.



Đúng đêm rằm trung thu, Điệp Bố cử hành lễ hoàn tục cho Tâm Đăng. Chú rưng rưng nước mắt mà thụ lễ, và sau khi buổi lễ hoàn tất, Tâm Đăng thu dọn hành trang, lệ rơi tầm tã lui ra khỏi chùa, lui ra khỏi một nơi mà chú sống ngót hai mươi năm trời, để về ở chung với Bệnh Hiệp.



Về ở với Bệnh Hiệp chưa được năm hôm, thì một việc mà chú hằng thường ngày lo nghĩ đã xảy ra với chú.



Vào một đêm tối trời sau khi Tâm Đăng cùng Khắc Bố luyện xong đường võ Thiên Phong chưởng, Tâm Đăng thấy tinh thần của mình tỉnh táo lắm, vội vàng đi tắm rửa rồi lên giường yên nghỉ.



Vừa mơ màng chợp mắt, chợt trên mái ngói có một tiếng động thật khẽ.



Tố cáo cho Tâm Đăng biết rằng có một người khinh công thượng thặng đang phi hành qua mái ngói của mình.



Vội vàng nhổm dậy lóng tai nghe ngóng, và có tiếng động khe khẽ lại vang lên, bỗng thình lình khung cửa sổ mà ngày xưa Vạn Giao đã mở ra khi biểu diễn võ công, bây giờ chợt bị một người mở ra.



Lối mở cửa của người đó thật lạ, thường thì muốn mở cửa sổ đó phải đứng bên dưới, dùng nội lực mà rút cả một khối đá ra.



Bây giờ người kia đứng trên mái dùng nội lực mà đẩy khối đá trở xuống, và khối đá kia lơ lửng giữa từng không mà chẳng rơi xuống đất, do đó cũng biết người mở cửa sổ kia có một nội lực cao siêu như thế nào.



Tâm Đăng còn đương bần thần thì một chiếc bóng mờ bay vọt qua khung cửa sổ, bộ điệu cực kỳ lanh lẹ và nhẹ nhàng, chân vừa chấm đất là người này vung tay đẩy phắt lên đóng cửa sổ lại.



Dưới bóng đèn mờ nhạt, Tâm Đăng trông rõ người mới đến kia chính là Cô Trúc lão nhân.



Bệnh Hiệp mặc dù nằm mê trên giường nhưng ông ta vẫn phát hiện có người lẻn vào nhà, Cô Trúc lão nhân thong thả đi đến bên giường của Bệnh Hiệp hỏi rằng :



- Lạc huynh, độ rày nghe thấy bệnh tình ra sao?



Bệnh Hiệp chỉ lắc đầu mà thở dài, và Tâm Đăng lúc bấy giờ đã bước tới ra mắt sư phụ.



Cô Trúc lão nhân đi thẳng vào vấn đề, nói với Bệnh Hiệp :



- Hôm nay tôi đến đây để dẫn Tâm Đăng vào hồ Tuấn Mã...



Bệnh Hiệp mỉm cười, gật đầu mà nước mắt ràn rụa, chắc có lẽ ông mến Tâm Đăng lắm.



Nhưng dù sao việc phải đến đã đến, và sau khi nói vài câu giã biệt, Tâm Đăng và Cô Trúc lão nhân cất bước lên đường.



* * * * *



Chiều hôm sau khi màn đêm buông xuống, cảnh núi rừng Tây Tạng biến sang màu âm u đen thẳm...



Từ La Sa, kinh đô của Tây Tạng, có hai bóng người trổ thuật phi hành đi nhanh vun vút.



Đêm khuya cảnh vắng, hai người ấy như hai mũi tên đi nhanh như bay như biến vào hồ Tuấn Mã.



Người đi đầu là một lão già râu tóc bạc phơ, người đi sau là một trang thiếu niên anh tuấn, không cần nói cũng đủ biết hai người đó chính là Cô Trúc lão nhân và Tâm Đăng vậy.



Cô Trúc lão nhân vừa đi vừa mừng khấp khởi nghĩ :



- Trác Đặc Ba ơi... lưới trời lồng lộng, nhưng vay máu thì phải trả máu, hôm nay ta đang dẫn đồ đệ của ta lên đường tìm mi đây.



Từ kinh đô Tây Tạng đến hồ Tuấn Mã phải trải qua một con đường hơn hai trăm dặm, một nửa phải đi thuyền.





Sau hai tiếng đồng hồ hai thầy trò Tâm Đăng đã đến một thị trấn to lớn nằm bên bờ sông La Sa.



Tìm một ngôi khách sạn để nghỉ ngơi, sáng hôm sau hai thầy trò mới thuê một con thuyền dong buồm mà vào hồ Tuấn Mã.



Xế chiều hôm sau, thuyền của Tâm Đăng mới cập bến một thị trấn nằm bên cạnh bờ hồ, Cô Trúc lấy tiền ra trả cho trạo phu rồi hai thầy trò mới lên bờ dạo phố.



Đây là một thị trấn khá to, thương mãi thật là thịnh vượng, người qua kẻ lại đông như vầy.



Sau khi đã rảo sơ khắp thành phố rồi, Cô Trúc lại thuê một khách sạn to nhất.



Ông ta bảo rằng hai thầy trò sẽ ở dài hạn nơi đây, để thám thính chỗ cư ngụ của Trác Đặc Ba.



Đêm hôm ấy, sau khi Tâm Đăng tụng xong một hồi kinh, thì trời đã sang canh hai.



Cô Trúc lão nhân đang ngủ mê trên giường, Tâm Đăng một mình buồn bã, vội xô cửa bước ra ngoài bách bộ.



Bên ngoài là một dãy hành lang dài hun hút, hai bên có treo hai ngọn đèn lồng leo lét.



Đứng trong hành lang nhìn thẳng ra ngoài, thấy bóng trăng huyền ảo, Tây Tạng về đêm thật là lạnh lùng hiu quạnh.



Từng cơn gió cao nguyên thổi về, đem lại cái lạnh thấu xương. Chú thở dài thầm nghĩ :



- Mấy hôm nay sư phụ có chiều nhớ quê hương xứ sở lắm, chẳng lẽ phong cảnh miền Trung Nguyên lại đẹp hơn hồ Tuấn Mã này ư?



Còn đang thẫn thờ suy nghĩ chợt nghe trên mái ngói lại có tiếng động thật khẽ vang lên.



Lóng tai nghe ngóng, thính giác báo cho chàng biết có một người đang trổ thuật phi hành thượng thặng lướt nhanh từ đằng đông về đằng tây.



Trong trí của chàng nảy ra một ý định, dợm cất mình đuổi theo để tìm hiểu nguyên nhân cớ sao người này lại đi đâu giữa đêm hôm khuya khoắt.



Gót chân của Tâm Đăng vừa cất lên khỏi mặt đất chừng một tấc, chàng giật mình, vì rằng cũng từ đằng đông lại nổi lên tiếng động... và của một người khách dạ hành đi về phía tây nhanh như biến.



Trong một cái chớp mắt, Tâm Đăng vội vàng xuống một cái Thiên Cân Tấn, để cho thân mình rơi trở lại mặt đất và lẹ làng thu mình vào một góc tường.



Cứ nghe chiều hướng đi của người này, rõ ràng hắn đang đuổi theo người ban nãy.



Đợi cho hắn lướt qua khỏi đầu hơn năm trượng rồi, Tâm Đăng mới vội vàng sử một thế Nhất Hạc Xung Thiên bay vù lên mái ngói.



Hai mũi vỏ hài của chàng vừa đặt lên mái, là chàng lập tức trổ thuật xà hình, như một con rắn dài bò theo mái, để đuổi theo hai người ban nãy.



Vừa bò, Tâm Đăng vừa nhóng cổ nhìn về phía trước, thấy dưới bóng trăng mờ ảo, có hai bóng người đi nhanh như bay như biến.



Người đi đầu vị trí hơi xa nên nhìn không rõ, còn kẻ đi sau thì mái tóc huyền buông xõa ngang vai, rõ ràng đó là một thiếu nữ.



Tim của Tâm Đăng đập mạnh, thần trí bồn chồn nóng nảy, vì cứ nhìn cái khổ người của nàng thiếu nữ kia thật là quen thuộc.



Tâm Đăng nghĩ rằng, người này không phải Mặc Lâm Na thì cũng là Trì Phật Anh chứ chẳng phải người xa lạ.



Nghĩ vậy, không biết từ đâu đem đến cho chàng một nguồn sức mạnh, hai cánh tay của chàng như hai cánh tay vượn lướt đi nhanh thoăn thoắt để đuổi theo người thiếu nữ.



Chợt... người đi đầu dừng lại, vận nhãn quang, Tâm Đăng trông rõ đó là một thiếu niên anh tuấn, bộ điệu cực kỳ gọn ghẽ trong một bộ y phục dạ hành màu đen.



Và trong chớp mắt đó, thiếu nữ đi sau đã bắt kịp, cùng trong một lúc, Tâm Đăng cũng đã trờ tới.



Lúc bấy giờ chàng còn cách hai người chừng mười mấy trượng, mượn ánh trăng mờ, Tâm Đăng bấy giờ trông chính xác, quả nhiên đó là một nam và một nữ, họ đều đứng quay lưng về phía chàng nên chàng không trông rõ mặt.



Liếc nhìn sang cánh tả, thấy có một mái nhà cao lên, có thể dùng để ẩn thân, chàng vội vàng sử một thế Di Hình Hoán Bộ nhẹ nhàng bay vút lên.




Như một con chim én, Tâm Đăng lướt vào mái nhà và thu hình trong bóng tối, dường như gã thiếu niên kia giật mình quay đầu nhìn lại, nhưng không trông thấy gì, hắn lại quay đi.



Tâm Đăng thầm nghĩ :



- Người này thật là lợi hại, thân pháp của ta nhẹ nhàng thế mà hắn cũng nghe ra.



Lúc bấy giờ, một áng mây mờ kéo ngang qua vầng trăng sáng, bầu trời bỗng âm u dày đặc, và cặp thanh niên nam nữ kia kề đầu vào nhau thì thầm to nhỏ.



Bộ điệu của hai người thân mật lắm, nếu Tâm Đăng không lầm thì đó là một cặp tình nhân.



Áng mây mờ kéo ngang thật lâu mới dứt, và bóng trăng lại rạng rỡ, Tâm Đăng cố nhìn thật rõ mà chẳng trông rõ mặt mày.



Nằm trong một góc mái nhà, Tâm Đăng thầm nghĩ :



- Bất cứ hai người này đi đến đâu thì ta cũng đuổi theo cho biết, để truy rõ nguồn cơn, dù sao đối với sư phụ, cũng là một người tốt, vì rằng sư phụ sẽ biết thêm một nguồn tin rất có lợi.



Hai người kề tai to nhỏ một lúc lâu, dường như cuộc chuyện trò đã chấm dứt, nàng thiếu nữ kia bay mình xuống mái ngói.



Chỉ thấy thân hình của nàng nhẹ nhàng như một cánh nhạn, từ trên cao la đà xuống mặt đất, nhìn thân hình quen thuộc đó, trong lòng Tâm Đăng nhói lên một cái, thầm nghĩ :



- Thôi... đích thị là người quen.



Trống ngực của Tâm Đăng đánh thình thình, đầu chàng nóng bừng, mắt chàng hoa lên.



Tâm Đăng còn đang bàng hoàng ngơ ngẩn, chợt thấy người thanh niên mặc áo dạ hành kia quay đầu nhìn lại, dường như hắn chưa muốn đi vội, đang cúi đầu mân mê một món đồ trong tay, ra chiều thích thú lắm.



Thế rồi hắn ngẩng mặt nhìn trăng, đi qua đi lại bách bộ trên mái ngói, tâm thần chìm đắm trong suy nghĩ mông lung.



Thỉnh thoảng Tâm Đăng lại nghe hắn thở dài rồi lại cười khúc khích, rồi lại lẩm nhẩm những tiếng không đâu, có lẽ thần kinh của hắn đang bị xúc động mãnh liệt thì phải.



Trong bóng tối, Tâm Đăng mỉm cười, mình tự nói với mình :



- Ai đây? Nửa đêm canh vắng mà lại bách bộ trên mái ngói, có việc gì làm cho hắn vui vẻ quá như vậy?



Độ tàn hai, ba nén hương thì nguồn tâm tư của người ấy mới bắt đầu lắng xuống, và Tâm Đăng mới nhìn rõ vật đang cầm trong tay hắn là một sợi dây chuyền, có đính theo một miếng vàng lóng lánh.



Hắn uể oải đi về phía Tâm Đăng, lúc bấy giờ mặt trăng đã chui hẳn ra ngoài, tỏa một thứ ánh sáng rạng rỡ khắp không gian.




Người ấy mệt nhọc đi lần tới và Tâm Đăng giật mình đánh thót vì rằng con người chợt vui chợt buồn như một kẻ thần kinh thác loạn, đi bách bộ trên mái ngói kia chính là Tần Trường Sơn.



Mất hết bình tĩnh, Tâm Đăng cũng như một người thần kinh thác loạn, đứng phắt dậy.



Trường Sơn thấy bất thình lình từ trên mái ngói nhô lên một bóng người, khẽ kêu lên một tiếng kinh hoàng, dùng hai tay bảo vệ tiền tâm, thối lui hai bước rồi quát hỏi :



- Ai đó?



Lỡ bộ rồi... Tâm Đăng bước ra nói :



- Tần sư huynh, tôi... Tâm Đăng đây.



Trường Sơn “À” lên một tiếng kinh dị rồi hỏi rằng :



- Sao sư huynh ở đây?... Đến bao lâu rồi?



Tâm Đăng tung mình nhảy xuống, nhẹ nhàng đáp trước mặt của Trường Sơn cười rằng :



- Tôi đến đã lâu, thấy sư huynh nói chuyện với một người thiếu nữ.




Trường Sơn hốt hoảng :



- Mi thấy rõ? Và nghe rõ những điều ta nói?



Tâm Đăng lấy làm lạ, lắc đầu :



- Vì cách xa quá nên trông không rõ, nghe không thấy! Người thiếu nữ kia là ai đó?



Trường Sơn thở phào nhẹ nhõm, trả lời :



- Ban nãy, vô tình đi ngang qua đây, gặp một người bạn nên trò chuyện vài câu...



Tâm Đăng thấy Trường Sơn tinh thần thảng thốt vội nói lảng sang chuyện khác, do đó mà chàng biết những tay cao thủ lẫy lừng như Khúc Tinh, Lư Âu, Thiết Điệp... đều tụ tập chung quanh hồ Tuấn Mã.



Sẵn dịp, Tâm Đăng hỏi thẳng một câu, càng làm cho Trường Sơn thêm lúng túng :



- Chẳng hay Trì Phật Anh cô nương có đến hay không?



Câu hỏi này như một mũi tên bén bắn thẳng vào trái tim của Trường Sơn, chàng hổ thẹn cúi gầm đầu xuống và sắc mặt bừng đỏ.



Thái độ đó làm cho Tâm Đăng sinh nghi, vừa định hỏi tiếp, chợt nghe Trường Sơn ấp úng trả lời :



- Cô ấy... có đến...



Câu trả lời nhạt nhẽo của Trường Sơn càng làm cho Tâm Đăng thêm nghi ngờ, chàng có biết đâu kể từ ngày Phật Anh hẹn chàng dong thuyền đi chơi, vô tình chạm mặt Mặc Lâm Na đến nay, thì Trì Phật Anh đã thay đổi rất nhiều.



Kể từ ngày ấy đến nay đã trải qua sáu tháng. Trong sáu tháng này chàng nghe thấy mình thương nhớ Phật Anh lắm.



Nhưng về phần Phật Anh thì lại bắt đầu liên lạc mật thiết với Tần Trường Sơn, và nàng đã tìm thấy nơi người thanh niên tuấn tú này một nguồn an ủi.



Mặc dầu Trì Phật Anh chưa sinh ra một mối tình đằm thắm như nàng đã từng với Tâm Đăng, nhưng đôi bên đã ra chiều ý hợp tâm đầu lắm.



Nếu Tâm Đăng là một người thông minh sáng suốt hơn nữa, thì có lẽ chàng đã nhận ra người thiếu nữ đang trò chuyện với Tần Trường Sơn trên mái ngói ban nãy chính là Trì Phật Anh.



Một bầu không khí nặng nề bao trùm lên tâm tư của hai người trẻ tuổi.



Trường Sơn uể oải thở dài nói rằng :



- Xin Tâm Đăng huynh lưu lại đây đêm nay để cùng tôi trò chuyện, và ngày mai chúng ta sẽ lên đường du ngoạn, xem địa thế của hồ Tuấn Mã.



Tâm Đăng lắc đầu trả lời :



- Không thể được, vì tôi còn phải về hầu sư phụ.



Trường Sơn nghe nói gật đầu mà rằng :



- Vậy thì chúng ta tạm biệt, ngày mai sẽ lại gặp nhau.



Thế rồi hai người chia tay, lúc bấy giờ trăng đã xế ngang đầu và đằng xa xa có tiếng trống trở canh ba.



Trường Sơn thong thả đi về phòng mình, vừa đi chàng vừa mân mê sợi dây chuyền mà Phật Anh vừa trao tặng ban nãy.



Ngửa mặt nhìn vầng trăng lạnh, Trường Sơn thì thầm như tự nói với chính mình :



- Ta nhất định phải chiếm hữu nàng cho kỳ được...