Cuộc Sống Hạnh Phúc Ở Nông Trường

Chương 105: Có Công Mài Sắc, Có Ngày Nên Kim




Tháng đầu tiên sau khi Lý Cường và Mạc Đình Sơn đi khỏi, Mạc Lệ Quyên tìm Trần Thái Học, trả lại cho ông hai mẫu đất. Tôn Trung Hậu lập tức nhận lấy.

Nhóm Lý Cường tuy được đặc cách tuyển nhận, năng lực hơn người nhưng nói cho cùng vẫn chưa đạt yêu cầu. Vậy là bốn anh em cùng với những đội viên khác của đội lính Đặc nhiệm bị Đào Trọng Nghĩa mang đi huấn luyện, tạm thời không liên lạc được với bên ngoài.

Lúc bấy giờ, những cơn mưa xuân đã về với Bản Á. Đất đai được uống nước đầy đủ khiến thảm thực vật dần hồi phục như cũ.

Từng đám rau rừng và nấm mọc lên cạnh bìa rừng, chúng non và xanh mơn mởn. Nhân dân cả nước hận không thể mở tiệc chúc mừng.

Cơn hạn đã qua rồi!

Có nước, ba mẫu ruộng nhà Mạc Lệ Quyên lại tiếp tục trồng lúa. Lệ Vân Lệ San phải đi học ở trường, tan học về nhà mới có thể phụ giúp chị hai.

Tuy vậy, công việc lại chẳng khó khăn lắm, vì cả ba chị em nhà họ Mạc đều có sức mạnh hơn người. Bọn họ chẳng những chăm sóc ba mẫu ruộng ở ngoài mà mấy mẫu ruộng trong không gian cũng được gieo đầy lúa mạ.

Để tiện cho việc trông nom con nhỏ, Mạc Lệ Quyên chặt cây làm thành một cái chuồng gỗ khá to đặt trên giường đất chỗ lều. Khi cô bận việc thì hai anh em được thả vào trong đấy cùng với đống đồ chơi. Cũng may hai bé rất ngoan ngoãn, đứa nhỏ Bảo Nghi tuy nghịch ngợm hiếu động nhưng chẳng bao giờ quấy khóc đòi ẵm, khiến mẹ chúng nhẹ nhàng không ít.

Ngày này, sau khi hoàn thành công việc ngoài đồng. Mạc Lệ Quyên dẫn theo Bảo Dương Bảo Nghi đi về nhà.

Vừa tới cổng thì đã thấy dáng bà Mai từ đàng xa, xách theo chiếc giỏ rơm quen thuộc. Mạc Lệ Quyên nhanh chóng mở cửa mời bà vào. Quả nhiên bà ấy mang qua hai con thỏ.

Khác với những lần trước, hai con thỏ này đặc biệt vô cùng, một con màu đen, một con màu trắng. Đều không tìm được một sợi lông màu khác.

Hai con thỏ còn sống, không biết ông Thụ bắt như thế nào mà trên người chúng chẳng có một vết thương.

"Còn thu không cháu?" Bà Mai hỏi nhỏ.

Mạc Lệ Quyên gật đầu: "Dạ còn ạ." Nói đoạn, cô đi vào lấy hai đồng đưa cho bà ấy.

Năm trước đến giờ, tiền mà hai ông bà kiếm được nhờ đám thỏ đã lên tới sáu bảy chục đồng. Đối với người nông dân thì số tiền này đã rất lớn trong khi mỗi năm cày bừa vất vả, họ chỉ dư được hơn hai mươi đồng.

Bởi vậy, ông Thụ bà Mai và vợ chồng Đinh Tiến Dũng rất trân quý cơ hội này. Ở bên ngoài tuyệt nhiên chẳng dám nhiều lời dù chỉ một câu.

Mạc Lệ Quyên nhìn hai con thỏ. Cô muốn gây giống từ chúng. Áo khoác lông thỏ thuần một màu trắng hoặc thuần một màu đen đều rất quý giá hơn nữa rất dễ bán ra.

Cô muốn xây một trại nuôi thỏ trong không gian, thịt thỏ thì hun khói còn da lông thì làm các mặt hàng thời trang. Nhà bọn họ có thể âm thầm buôn bán trước. Sau đó, đến năm 1978, khi quốc gia cho phép hộ kinh doanh cá thể hoạt động, bọn họ còn có thể dời trang trại ra ngoài.

Càng nghĩ, Mạc Lệ Quyên càng cảm thấy ý nghĩ này rất hay. Bởi sau nạn đói thì giá lương thực sẽ dần quay về bình thường, việc làm nông trong không gian vừa cực nhọc mà lợi ích chẳng to lớn bằng trại nuôi thỏ.

Nhưng trước hết cô phải bảo đảm rằng ngoài loài thỏ xám thường gặp, trang trại của bọn họ còn gây giống thành công loài thỏ thuần trắng và thuần đen.

Nghĩ đến đây, Mạc Lệ Quyên xách hai con thỏ vào không gian.

Trước tiên, cô phải làm cho chúng hai cái chuồng riêng biệt. Sau đó là chuẩn bị thức ăn và nước uống.

Trước giờ Mạc Lệ Quyên chưa từng nuôi thỏ nên chẳng có chút kinh nghiệm nào, đành phải từ từ mò mẫm.

Cô cũng canh thời gian mà ghi chép lại mọi thứ, thấy có điều gì không ổn thì phải theo dõi sát sao, hoặc là thay đổi ngay cách mà cô đang áp dụng.

Bất kì một việc gì cũng vậy, thực hành lúc nào cũng khó hơn lý thuyết, mà trong chuyện nuôi thỏ, Mạc Lệ Quyên chẳng có được một chút lý thuyết nào. Thứ cô dựa vào là sự kiên trì và bền bỉ.

Có công mài sắc, có ngày nên kim.

Sau bao nhiêu lần bị con thỏ làm hư hao chuồng gỗ, Mạc Lệ Quyên cuối cùng cũng biết thiết kế chuồng làm sao không bị chúng gặm mất.

Trong không gian có bốn mẫu đất, Mạc Lệ Quyên nuôi gà và nuôi heo trong một mẫu, nuôi thỏ và trồng cỏ cho thỏ trong một mẫu, còn hai mẫu còn lại thì trồng lúa nước.

Thời gian một ngày cũng bị cô sắp xếp rất chặt chẽ, xen kẽ giữa những việc bên ngoài và bên trong không gian, khiến Mạc Lệ Quyên đều sắp thành cái chong chóng, quay vòng liên tục.

Bận rộn như thế nên thời gian trôi qua rất nhanh.

Đến khi đám thỏ con thuần trắng và thuần đen được sinh ra thành công thì đã bước qua tháng sáu. Hai anh em Bảo Dương Bảo Nghi được một tuổi rưỡi và cha chúng, đồng chí Lý Cường đã rời nhà được nửa năm.