Đá Chanh Tuyết

Chương 16: Sống




Tôi đã từng là một kẻ luôn nghĩ đến cái chết. Tôi bắt đầu thắc mắc tại sao con người không được chết khi quá khổ sở? Ngoài cách chết đi, liệu rằng còn cách giải thoát nào không? Chết rồi, người ta có nhớ đến mình không? Người ta có oán trách mình không? Có lẽ là không đâu...

Trái Đất này vẫn cứ quay quanh Mặt Trời và Mặt Trăng vẫn cứ quay quanh Trái Đất. Cây hoa gạo trước nhà rồi sẽ đến mùa đỏ rực và thế giới này cứ tiếp tục chạy theo guồng quay bất tận, chỉ có mình tôi tìm được tự do ở đâu đó, trên thiên đàng, dưới hỏa ngục hay trong những áng mây bồng bềnh kia? Tôi không biết...

Chuyện xảy ra từ mấy năm trước, khi ấy tôi là một cô bé lớp trưởng siêng năng chăm chỉ học hành của lớp 7A2. Bố tôi đã thắt cổ tự vẫn trong vườn cà phê vào mùa hè năm ấy, sau khi phải đối mặt với số tiền nợ nần khổng lồ từ việc chơi tiền ảo. Bố vay từ đại lí cà phê đến chủ nhà đất, con số cứ tăng theo năm tháng đến nỗi căn nhà đã thiếu vắng đi những buổi chuyện trò quây quần bên nhau, cũng không còn tiếng cười đùa hạnh phúc. Đối với một cô bé chỉ mới 12,13 tuổi đầu, cha qua đời là một nỗi mất mát quá lớn, huống hồ bố tôi trước khi ra đi đã từng thay đổi như thế nào.

Tôi vẫn còn nhớ như in khoảnh khắc lần đầu bố dùng bàn tay đầy vết chai sạn đánh mẹ. Người mẹ với mái tóc dài qua thắt eo bị đánh đập đến mức chỉ còn thấy một màu tím bầm trên cơ thể.

Khi ấy, khuôn mặt tôi chìm trong sự hốt hoảng, thở một hơi cũng không dám. Một đứa con nít chưa đầy 10 tuổi chỉ biết trốn trong tủ quần áo để không chứng kiến cảnh bạo lực gia đình. Tôi luôn tự hỏi: người bố từng yêu chiều tôi đâu rồi? Người mẹ từng thắt bím tóc cho tôi nay còn đâu?

Tinh thần của bố trở nên điên loạn sau khi nợ nần mấy tỉ bạc, mẹ tôi có làm bao nhiêu việc cũng không đủ để trả nợ. Số tiền ấy cứ ngày càng nhiều hơn, đè nặng bờ vai của đôi vợ chồng trẻ.

Tôi bắt đầu biết bản thân mình không có cuộc sống tươi đẹp như các bạn. Những tháng ngày bị đánh, bị chửi cứ thế tiếp diễn cho đến khi bố tôi không chịu nổi tình cảnh khốn khổ của con nợ. Bố tự vẫn, mẹ trầm cảm, còn tôi biến thành đứa trẻ lớn lên trước những lời gièm pha, định kiến xã hội.

Ban đầu, các bạn đều dùng ánh mắt thương hại nhìn tôi, thế nhưng sau lưng, bố mẹ các bạn ấy luôn chỉ trỏ và nhắc nhở con họ bằng giọng điệu dạy dỗ của những người cha, người mẹ hiền từ:

- Đừng chơi với bạn ấy, bố bạn ấy là kẻ tự tử để trốn nợ đấy.

- Coi kìa, nhìn mặt hiền như vậy nhưng chắc chắn không khác bố mẹ đâu.

- Đừng tiếp xúc với loại người như thế nhé con...



Các bạn dần dần ý thức được gia cảnh tồi tệ ra sao, họ không còn thương hại nữa, mà chuyển sang công khai chỉ trích, khinh miệt bằng cả lời nói lẫn hành động. Lúc đầu, những lời nói ấy đã làm tôi òa khóc nức nở. Tôi kể cho mẹ nghe, nhưng những gì tôi nhận được chỉ là cái nhìn ghẻ lạnh của mẹ, mẹ tôi còn hững hờ đáp:

- Bọn họ có nói sai đâu mà mày khóc...

Ừ đúng thế nhỉ? Tôi là con của kẻ đã dùng cái chết để chạy trốn hiện thực mà...

Lê Thảo Diệp - người bạn từng chơi thân với tôi, cũng vì lời đả kích từ bố mẹ và hiệu ứng đám đông mà ruồng bỏ tôi. Thật ra tôi từng kể cho Diệp nghe về gia đình tôi. Sau khi nghe những điều khổ sở tôi chịu đựng, Diệp vừa khóc vừa hứa sẽ làm bạn với tôi cho đến hết đời.

Ấy thế mà cuối cùng cậu ấy lẫn trong đám người năm đó, nhìn tôi bằng con mắt khinh thường, buông những lời nói tổn thương nhẹ tênh, tưởng chừng chỉ là vài câu nói đùa hằng ngày:

- Bố tự vẫn vậy mà vẫn có tiền đi học hả ta?

- Nhìn mặt lầm lì, trông cứ sờ sợ.

- Ê đừng chơi với nhỏ này, biết đâu mốt nó lừa tiền mình...

Người ta rồi sẽ quên đi những lời họ nói, càng là những câu từ mang tính châm biến, càng quên nhanh, nhưng người nghe lại không thể quên được, có làm thế nào cũng sẽ nhớ từng câu, từng chữ như nhát dao sắc bén cứa vào tim. Chuyện đáng sợ hơn nữa vẫn còn chờ tôi ở phía trước, dăm ba câu nói này chỉ là khởi đầu cho chuỗi ngày kinh khủng của tôi ở mái trường cấp hai năm ấy.

Hoàng Bảo Khôi là con trai của đại lí phân bón cà phê, rất có tiếng ở chỗ tôi. Bố tôi là con nợ của nhà họ, bây giờ bố tự vẫn, họ không thể trông cậy gì vào người đàn bà và đứa con gái nghèo rớt mồng tơi. Dù ông chủ của công ti ấy đã giảm một nửa số nợ, nhưng mẹ tôi vẫn không thể trả hết, bao nhiêu năm làm việc cần mẫn, gánh chịu sương gió cũng không là gì so với số tiền nợ tăng theo từng giờ đồng hồ. Vậy nên đối với họ, chúng tôi chính là những tội đồ.

Lại nói về tính tình của Hoàng Bảo Khôi, cậu ta luôn kiêu căng, ngạo mạn, không ít lần ức hiếp người khác, tôi bỗng trở thành đối tượng hàng đầu để cậu ta động tay động chân.



“Hoàng Bảo Khôi” - ba chữ này đã làm tôi ám ảnh một thời gian dài. Cậu ta bắt đầu trêu ghẹo tôi đủ đường, gọi tôi là con nợ, những lời nói không hay trong trường cũng nhờ Hoàng Bảo Khôi mà được nhai đi nhai lại nhiều đến vậy.

Tôi còn có thể làm gì, bạn thân không còn, mẹ cũng chẳng để tâm đến cuộc sống như địa ngục của tôi ở trường học.

Ban đầu, chỉ là bạo lực ngôn từ, về sau mọi thứ càng khiếp sợ hơn. Những tiết thể dục, nếu như chúng tôi được tan học sớm, bọn con trai trong lớp sẽ chơi bóng và tôi luôn là người bị ném trúng. Những quả bóng vừa nặng vừa dơ khiến quần áo tôi lúc nào cũng luộm thuộm. Bọn họ còn dùng nước lau bảng hắt lên người tôi, khuôn mặt nham hiểm và nụ cười bỉ ổi làm tôi sống trong lo âu ngày ngày đêm đêm. Hay việc tôi bị bọn con gái tẩy chay bằng cách nói xấu, đặt điều trên mạng xã hội. Có lẽ đối với bọn người ấy, những câu từ văng tục chửi tôi chẳng là gì cả, họ vu khống thêm tội ăn cắp vặt, thái độ với đàn anh, đàn chị.

Tôi cũng chỉ biết gượng cười cho qua chuyện. Đâu phải tôi chưa từng nghĩ sẽ vùng dậy, sẽ mắng vốn lũ người vô nhân đạo ấy, tôi rất muốn nói: là bố tôi nợ nần, không phải tôi. Tôi chưa từng làm gì lỗi lầm đến mức phải chịu cả bạo lực gia đình và bạo lực học đường cả.

Và thế là mong muốn được biến mất trên thế giới này như một giấc mơ ấp ủ trong con người tôi. Tôi nghĩ rất nhiều, nghĩ đến lý do, nguyên nhân, nghĩ đến quá trình, nghĩ đến hậu quả và cả thái độ của những người ở lại.

Tôi cũng muốn thắt cổ tự tử như bố, nhưng tôi rất sợ chiếc cổ trắng nõn của mình sẽ hằn vết bầm, thế thì xấu lắm! Nếu được ra đi nơi biển lớn thì sao nhỉ? Không, tôi không thể. Tôi sống ở vùng núi, có lẽ cả đời cũng không bao giờ được ngắm nhìn biển trông thế nào và hình như biển thì luôn mộng mơ, xinh đẹp, nếu xác tôi làm mất đi vẻ đẹp ấy thì chẳng phải càng tội lỗi hơn sao?

Còn nếu gieo mình ở tầng lầu thứ ba của ngôi trường này, có vẻ trường học mà có ma nữ thì cũng không hay lắm! Còn dùng thuốc ngủ hay thuốc trừ sâu? Tôi ghét cay ghét đắng mùi thuốc...

Tại sao thế nhỉ? Tại sao đến khi rời đi, tôi vẫn không muốn thế gian này nhuốm màu tiêu cực từ con người tôi? Tại sao đã chọn lựa cái chết mà vẫn sợ sẽ ảnh hưởng đến người ở lại?

Bởi vì tôi vẫn còn lưu luyến với cuộc đời, vì tôi muốn được nhìn thấy nụ cười hé nở trên gương mặt gầy gò của mẹ tôi một lần nữa, vì tôi muốn biết hoa gạo năm sau có đẹp hơn năm nay không và vì... tôi muốn được sống.

Ngày tôi chết đi, có ai khóc thương tôi không? Có ai vì tôi mà đau lòng không? Có thể mẹ sẽ khóc vì vắng bóng một người giúp mẹ rang cà phê thì sao? Hoặc cũng có thể chú chó nhà hàng xóm chẳng thấy tôi nữa, nó sẽ nhung nhớ tôi mà đau lòng. Hoặc ngày tôi ra đi cùng bất hạnh, trời sẽ đổ cơn mưa lớn, tiếc thương cho cuộc đời bi ai của đứa trẻ tên Mộc Miên.

Con người đến với thế giới này vì theo đuổi hạnh phúc mà. Hạnh phúc trong những năm tháng đầu đời của tôi quá ít ỏi, tôi vẫn muốn được mỉm cười mãn nguyện. Dù đó là vài việc làm đơn giản như mỉm cười trước đàn mèo con, nhắm mắt tận hưởng cái không khí se se lạnh hay việc mở mắt thức dậy vào mỗi sáng. Ít ra thì phải sống đã, sống mới có khả năng tìm được hạnh phúc.