Mai rùa cá sấu bị kéo lê tới tận dưới vách núi nham thạch, cách cửa hang đi vào chỗ ở của mãng xà biến dị chỉ một dòng sông.
Diệp An cởi dây thừng, cầm xẻng xúc hết đá vụn xung quanh mai rùa ra, rồi đào sâu xuống dọc theo mép mai, cắm nó sâu vào trong đất chừng nửa mét. Đến khi thấy ổn rồi thì lấp lại bằng bùn và đá nhỏ.
Rùa cá sấu có thể hình khổng lồ, mai lưng dài gần mười mét, vị trí cao nhất bên trong mai cách mặt đất cũng phải cỡ ba mét, đủ cho Diệp An đi lại trong đó.
Thịt thối đã được vét sạch, mai lưng còn chút mùi hăng, Diệp An quay lại hang động ngầm cầm dụng cụ đốt lửa tới, nhóm lửa xông bên trong mai khoảng ba ngày mới khử hoàn toàn mùi hôi.
Phần mai bụng cũng được gom lại hết, rửa sạch bằng nước trong đầm, rồi rải đều trên đất.
Để chống ẩm, dưới mai rùa được lót thêm một lớp đá vụn, chỗ nào hở thì dùng bùn lấp kín, rồi hơ lửa cho cứng lại, nâng nền nhà lên khoảng bốn, năm tấc.
Khác với gai xương lởm chởm không đều nhau trên mai lưng, phần mai bụng của rùa cá sấu lại trơn nhẵn, tựa như bước trên nền đá cẩm thạch, nhưng vẫn khác ở chỗ dù có đi chân đất cũng không thấy lạnh.
Hai bên mai rùa tạm thời chưa đóng kín được, gió bên ngoài lùa vào, tản đi mùi khói lửa sau khi xông. Diệp An khoanh chân ngồi trên nền nhà, chẳng có chút cảm giác lạnh nào, trái lại còn khá thích thú.
Những ngày tiếp theo, cậu bắt tay vào xử lý mấy tấm ván gỗ.
Cửa sổ đã lắp xong từ sớm, đinh đóng không đủ thì lấy dây thừng buộc vào mép mai rùa. Để cố định cánh cửa, Diệp An nhọc công một phen đục lỗ trên mai rùa, làm hư mất chừng ba cây xẻng sắt.
Hai cánh cửa sổ bằng gỗ là dạng đối nhau rất đơn giản, nửa ngày là lắp xong. Có điều, cậu muốn làm một bếp lò đất, nên trên cửa sổ cần phải chừa ra một khoảng không để dẫn ống khói qua.
"Nhìn thì đơn giản, làm khó thật."
Trước khi xây bếp lò, Diệp An nhớ lại thật kỹ kiểu bếp lò bằng bùn trong nhà gỗ hồi trước, trông thì rất dễ dựng, nhưng đến lúc bắt tay vào làm mới nhận ra tưởng tượng và thực tế khác nhau hoàn toàn. Bận bịu tròn hai ngày, đừng nói là bếp lò, đến cả cái vách bếp cũng xây không nổi.
Hết cách, cậu đành gác cái này sang một bên, đào một cái bếp dưới cửa sổ, dựng giá ở bên trên để sử dụng tạm trước.
Mấy vật dụng hồi trước đều bị đá đè hết rồi, Diệp An nhân lúc mưa nhẹ bớt, lùng sục quanh hang động mấy lần, cuối cùng chỉ vớt được mấy thanh gỗ, nhưng chẳng thể ghép lại được, đành phải chất đống trong nhà mới để sung làm củi đốt.
May mà trong hang động ngầm còn rất nhiều ván gỗ, Diệp An chọn mấy cái có thể sử dụng để làm một cái bàn lùn, không làm ghế mà trải thẳng da thú trên mặt đất, như thế còn thực dụng hơn cả ghế.
Cậu còn dọn mấy cái hòm gỗ, ghép chúng lại dựa sát tường, vừa làm hòm cũng có thể vừa làm giá gỗ.
Mai rùa rất cứng, bên ngoài thì lởm chởm gai, trong lại rất trơn nhẵn. Diệp An tìm cách kéo căng một sợi dây thừng lên trên cao, mang một phần thịt muối trong động ngầm ra, móc lên trên đó. Sau này có săn được mồi cũng có thể treo lên đoạn dây thừng này, phơi khô ướp thịt đều ổn cả.
Mùa mưa sắp kết thúc, sau mấy đợt mưa rào liên tục, thi thoảng có thể thấy trời hửng nắng, nhưng không được bao lâu thì lại đổ mưa tiếp.
Nhà mới đã làm xong, Diệp An dọn một hòm nhu yếu phẩm, mang theo cả gia đình chồn tuyết trong lồng sắt vào nhà.
Cửa ra vào và cửa sổ rộng rãi, nhưng trong phòng có hơi tối. Diệp An đóng mấy cây đinh lên tường, treo vài cái đèn lấy được từ trên thuyền. Ánh đèn có hơi tối, không sáng lắm, nhưng lại trông ấm áp.
Dựa sát tường là một cái giường gỗ cao gần đầu gối, dưới giường lót mấy hòn đá hình vuông, trên giường trải da thú thật dày, còn có gối nằm bọc trong một miếng vải cuộn lại.
Bàn gỗ cách giường thấp hai bước chân, trên bàn đặt hai cái mam gỗ, và chén đũa mới đẽo. So với hồi ở trong nhà gỗ, tay nghề đẽo gọt của Diệp An đã tiến bộ rất nhiều, chén đũa đã đẽo ra hình ra dạng, tròn ra tròn vuông ra vuông, không còn đẽo thành hình đa giác nữa.
Lò sưởi được đốt lên, dưới giá treo một cái nồi sắt, nước trong nồi sôi sùng sục, hơi nước và khói bay ra ngoài theo hướng cửa sổ, không lởn vởn trong phòng nữa.
Diệp An thả lồng xuống, ngồi cạnh bếp hong khô hơi nước trên người, rồi đứng dậy cắt một xâu thịt muối treo trên dây thừng, bốc một nắm hạt kê trong túi, cho vào nồi rửa sạch, đậy nắp lại, chờ cháo chín.
Có nhà rồi, tiếp theo là thức ăn.
Diệp An khoanh chân ngồi bên bàn, tay chống cằm, vừa chờ bữa tối, vừa nghĩ kế hoạch tiếp theo.
Sau mùa mưa là mùa khô, đợi khi lũ rút hết, chắc chắn sẽ có rất nhiều thú biến dị trên đảo rời đi, muốn kiếm dư dả thức ăn không phải chuyện dễ dàng. Để đối phó vói mùa khô sắp tới và mùa tuyết gian khổ hơn sau đó, để có thể sống sót trong hoàn cảnh khắc nghiệt ấy, cậu cần phải chuẩn bị chu đáo.
"Trái cây khó trữ, sấy khô* thì chưa từng làm qua, tạm thời thì không có cách nào cả."
*giải thích một chút lý do Ngạn chọn từ sấy khô thay vì phơi khô, sấy khô có nhiều kiểu sấy khô, một trong các cách đó là phơi khô dưới ánh mặt trời, lợi dụng ánh nắng và gió để sấy khô thay vì dùng dụng cụ tiên tiến, nên sấy khô = phơi khô, cá nhân Ngạn thấy trái cây sấy khô thông dụng hơn là phơi khô nên mới chọn từ này
"Có muối thì có thể ướp muối, thịt muối cũng được. Còn có cá nữa, có thể bắt nhiều làm khô cá."
Hạt kê trữ trong động ngầm còn rất nhiều, cậu lại không thể làm kẻ ăn không ngồi rồi, trước khi mùa mưa kết thúc phải dùng hết sức săn được nhiều con mồi nhất có thể để dự trữ mới được.
Mùi vị chịu đói không dễ chịu chút nào, Diệp An nhất quyết không muốn nếm thử lần nữa.
Nồi cháo truyền ra tiếng sôi lục bục, khí nóng bay ra khỏi nắp nồi, cháo hạt kê sềnh sệch trào dọc theo mép nồi, Diệp An vội vàng đứng dậy, dùng vải lót rồi mới mở nắp nồi ra, cầm quai gỗ của nồi sắt, bưng cả nồi cháo kê xuống, nhân lúc lửa còn chưa tắt thì đặt nồi sắt chuyên dùng để nấu nước lên giá, đút thêm mấy thanh củi vào trong bếp lò.
Chồn tuyết không hứng thú gì với cháo kê, lúc Diệp An bưng bát cháo húp, chúng tụ lại một chỗ xé thịt muối ăn, tranh giành tới nỗi suýt nữa là đánh nhau.
Diệp An ăn uống no nê rồi thì nước trong nồi đã sôi sùng sục.
Nhấc nồi nước nóng đặt lên bàn, cậu cầm khúc gỗ khảy khảy trong bếp, đào ra vài hòn đá đã được đốt nóng, để một chốc, đến khi bề mặt nguội lại chỉ còn ấm không nóng nữa, thì mới bọc lại lăn trên giường.
"Cuối cùng cũng có thể ngủ ngon rồi."
Sờ thử nhiệt độ giường, Diệp An mãn nguyện thở ra một hơi dài, đặt đá xuống dưới giường, kiểm tra cửa sổ, chắc chắn đã khóa kỹ, mới dùng tảng đá chặn lại sau cửa, rồi ngã mình xuống giường, thoải mái mà ngáp một cái.
Từ lúc rời khỏi nhà gỗ, cậu chưa từng ngủ đến sướng như vậy. Mặc dù động nham thạch nằm ở vị trí cao, nhưng lối ra vào đều mở toang, khác hẳn với không gian kín, sẽ cảm thấy thiếu an toàn hơn.
Bên ngoài trời lại đổ mưa, nước mưa lộp bộp rơi trên mai rùa, tựa như một bài hát ru, giúp Diệp An chìm vào giấc ngủ.
Trong khoảng thời gian này, cậu luôn bận rộn, từ đầu óc tới cơ thể đều rất mệt, sau khi chìm vào giấc ngủ sâu, nhè nhẹ vang lên tiếng ngáy.
Chồn tuyết ló đầu nhìn Diệp An một hồi, rối rít rúc vào nhau, tựa trong lồng ngủ say. Chỉ có con có vóc dáng nhỏ nhất to gan bò qua mặt bàn, nhảy lên giường, dùng cái đầu nhỏ đẩy tấm da thú cố gắng chui vào.
Diệp An ngủ rất sâu, nhưng lòng cảnh giác không biến mất, bị động tác của chồn tuyết quấy rầy, cơ thể theo bản năng suy nghĩ, bắt lấy cục lông cuộn tròn trên ngực.
Chồn tuyết rít lên, Diệp An mở mắt, mau chóng tỉnh lại.
Cảm nhận được cảm xúc tủi thân của chồn tuyết, Diệp An ngại ngùng mà vuốt lớp lông trắng như tuyết, mặc kệ nó cuộn tròn trên người mình, kéo da thú lên đắp, nhắm mắt ngủ tiếp.
Lần này Diệp An không thể ngủ sâu giấc được nữa, giữa đường tỉnh lại mấy chập, đợi đến khi mở mắt ra lần nữa, đã là sáng hôm sau.
Tiếng mưa đã ngừng, đẩy mở cửa sổ, trời vẫn chưa quang tạnh, mà xám xịt tối tăm.
Diệp An múc hạt kê ra nấu cháo, dùng tốc độ nhanh nhất lấp đầy bụng mình, rồi đuổi chồn tuyết về lại hang động ngầm, cầm vũ khí và dây thừng cần cho đi săn, rời khỏi căn nhà mới của mình, đi về phía đông cô đảo.
Lúc đi qua đầm nước, cậu chợt nhớ tới tảng đá dưới nước. Nhưng nước trong đầm quá sâu, còn có rất nhiều cá và ốc biến dị, giờ mà xuống nước là không ổn, đành phải chờ tới mùa khô, khi mực nước giảm xuống rồi nói tiếp.
Theo như cậu quan sát mấy hôm trước, mặt đông cô đảo có một bầy lợn rừng, số lượng khoảng ba mươi con, con lớn nhất nặng khoảng bảy, tám trăm cân*, con nhỏ nhất cũng phải hơn một trăm cân.
*cân là một đơn vị đo lường khối lượng của Trung Quốc, 1 cân = 1/2 kg, vì Ngạn đã quên là trong truyện có bao nhiêu lần đề cập tới khối lượng rồi, nên sẽ giữ nguyên, không chuyển thành đơn vị ký. Trong quá trình biên tập, tùy tình hình sẽ có thể đổi, khi đó sẽ có thông báo và đổi một lượt toàn bộ các chương truyện
Diệp An chọn mục tiêu là bầy lợn rừng này.
So với thỏ rừng và chuột đất giỏi đào động ẩn nấp, săn giết lợn rừng rất nguy hiểm, nhưng khi thành công thì thu hoạch cũng khá là dồi dào. Cậu vạch ra một kế hoạch, cố gắng tránh việc tấn công chính diện với lợn rừng, cách này cần chút mưu kế, xác suất thành công cũng cao hơn.
Băng qua một bụi cỏ cao, trước mặt là một mảnh đất trũng lầy lội, mỗi một bước chân Diệp An đi, bắp chân sẽ lún ngập trong bùn, lúc nhấc chân lên trên đùi còn bám thêm mấy con đỉa.
Khu đất trũng đối diện lùm cây là nơi bầy lợn rừng chiếm giữ, có dòng suối nhỏ chảy qua nơi này, đàn lợn rừng đang nghỉ ngơi bên bờ suối và tìm thức ăn. Trong mấy ngày ngắn ngủi, trong đàn có thêm bảy, tám con lợn rừng con, lưng có sọc ba màu, to chưa tới hai nắm đấm của Diệp An, nhưng lại hung hăng y như bố mẹ chúng, chỉ cần hai con là có thể xé xác một con chuột đất.
Diệp An tới vừa khéo, có hai con lợn rừng trưởng thành đang tranh nhau xác một con lửng. Lợn rừng đực cường tráng hơn kêu to một tiếng chói tai, giương cái răng nanh sắc bén đe dọa đối thủ.
Diệp An núp sau lùm cây, thử đồng hóa mấy con lợn rừng to khỏe nhất, kích thích dục vọng tàn sát và chiến đấu của chúng.
Dưới sự kích thích cơn hung bạo, cuộc tranh giành thức ăn mau chóng leo thang thành trận chiến sống còn. Toàn bộ lợn rừng đực đều tham gia vào cuộc chiến, lợn rừng cái vốn muốn mang lợn con lùi lại, nhưng giữa chừng cũng bị điều khiển kích thích, cùng gia nhập chiến trận.
Lợn rừng con bị trúng đạn lạc của trận chiến, có con may mắn né thoát, có con bị giẫm nát, con bị thương chưa chết thì ngã ra đất rên rỉ, tiếng rên của nó càng khiến lợn rừng mẹ điên cuồng hơn.
Cả bầy lợn rừng lâm vào hỗn loạn, toàn bộ lợn rừng trưởng thành đỏ mắt, điên cuồng tấn công nhau.
Diệp An có thể bắt được mọi suy nghĩ và cảm xúc của chúng nó, kích động bản năng tàn sát của chúng, trong đầu chẳng có tí cảm giác đau nào. Có kinh nghiệm từ mãng xà biến dị và rùa cá sấu, còn từng thử chủ động đồng hóa với rùa cá sấu, ý chí của đàn lợn rừng này căn bản chẳng gây ra tí thương tích nào cho cậu.
Diệp An đồng hóa lợn rừng không ngừng, gia tăng cơn thịnh nộ, kích thích thần kinh chúng nó. Trận chiến mau chóng lên đến cao trào.
Lợn rừng rú lên làm kinh động thú biến dị quanh đó, lần lượt có mấy bóng đen chạy ra khỏi khu rừng, đa số chạy thật xa, một nhóm nhỏ bị mùi máu tươi hấp dẫn, chần chừ đứng gần, cố tìm cơ hội mót một phần nhỏ.
Diệp An mặc kệ đám thú biến dị đó, nắm chặt đoản đao, thầm đếm tới mười, vô số bọ cánh cứng biến dị bay ra khỏi rừng, lao thẳng về phía chiến trường của bầy lợn rừng.
Lợn rừng da dày thịt béo, sức lực rất lớn, đến cả soi còn không sợ, duy chỉ sợ nhất đám trùng độc này. Răng nanh và thể lực của chúng chẳng có tác dụng gì với trùng độc cả, nhưng đối phương lại có thể chui tọt vào mũi, tai và mắt chúng, chỉ cần trên cơ thể có một vết thương cũng sẽ bị trùng độc xé toạc mất cả một miếng thịt lớn.
Đàn lợn rừng gặp phải thiên địch, bắt đầu kinh hãi chạy trốn.
Đàn bọ bám theo không rời, bao vây lấy một con lợn rừng có kích thước rất lớn, bao trùm lên nó như một đám mây đen.
Diệp An xuất hiện sau lùm câu, nhanh nhẹn cởi dây thừng ra, cột hai con lợn rừng chết trong lúc đấu nhau lại, chuẩn bị vác về nhà. Trên mặt đất còn xác một con lợn rừng cái và mấy con lợn con, bị giẫm đạp tới mức biến dạng, dính đầy bùn đất. Cậu không thể vác theo, đành để lại cho mấy con thú biến dị khác.
Không lâu sau khi Diệp An đi mất, trong rừng chợt vang lên tiếng sói tru, các loài động vật nhỏ đang thi nhau cắn xé xác lợn rừng hoảng hốt, ngậm thịt trong miệng rồi chạy tứ tán.
Tiếng tru vang vọng một hồi, xuất hiện bầy sói đang lần theo mùi máu tươi mà đến. Chúng vừa thấy xác lợn rừng thì thi nhau ngửa đầu tru lên, vui vẻ thưởng thức bữa tiệc cho không này.
Lang vương lông bạc ngậm gan và tim lợn rừng đi, mấy con khác mới bắt đầu ăn.
Diệp An đang chuẩn bị băng qua vùng đất trũng thì trong lòng chợt nảy lên, dừng bước quay đầu nhìn lại, bất ngờ đồng hóa suy nghĩ và cảm xúc của lang vương, rất phức tạp, phức tạp hơn hẳn so với những sinh vật sống cậu đã từng đồng hóa trước đó.
Ngừng lại một chốc, cậu định thần lại, tiếp tục khiêng con mồi trở về nhà.
Cùng lúc đó, một chiếc thuyền buôn nhỏ đang xuôi theo dòng nước, cách cô đảo nơi Diệp An ở càng lúc càng gần.
Trên thân tàu có vẽ ký hiệu thành Thương Nhân, nhưng trên thuyền không có thủy thủ hay hàng hóa, chỉ có ba cô gái trẻ tuổi xinh đẹp, trên người đầy máu.
.:.
.:.