Flame Phantom (Viêm Ma)

Chương 0-4: Ngoại truyện 3




“Sao mình lại rơi vào cái tình cảnh này?”



Ngồi trong gian phòng rộng lớn, xung quanh đầy các ống hơi nước và bản vẽ treo lung tung, Mộc Ma co rúm trên chiếc ghế gỗ, đến thở mạnh cũng không dám. Mồ hôi tuôn ra ướt đẫm mặt mày, mấy ngón tay bé xíu hết đan vào nhau lại nắm chặt, bấu lấy gấu quần chỗ đầu gối. Mắt nó trừng trừng, không dám trông thẳng lên, mà chỉ dám hướng xuống sàn nhà. Nhỏ sợ lắm, cái bịt mắt bên phải đã ướt đẫm mồ hôi rồi.



Rốt cục… Tại sao chuyện này lại xảy ra?



Vừa tốt nghiệp Học viện Không quân, chuyên ngành tác chiến phòng không, vậy mà Mộc Ma đã được hốt ngay về kỳ hạm của Tổng lãnh xứ U Minh. Theo lẽ thường, tân sinh vừa tốt nghiệp sẽ đi tập huấn một năm trên tàu, bay qua các quốc gia khác nhau để giao lưu học hỏi, cuối cùng khi trở về mới được phân đơn vị chính thức. Nhưng mình lại bị mẹ tới lôi đi ngay khi lễ bế giảng kết thúc, rồi ném vô cái ghế “chỉ huy phòng không” cho bả? Cái câu chuyện hài nhạt toẹt gì thế này! Dù có muốn đốt cháy giai đoạn, hay thậm chí là con ông cháu cha, thì cũng đâu thể nào trơ trẽn vậy chứ! Mẹ à!



Đứng bên góc phòng, mẹ nó, Tư lệnh Quân Đô bộ dường không, Phó Đô đốc Hồng Ma đang thư thái nhâm nhi cốc cà phê bốc khói, chân bắt chéo, tờ báo lơ lửng trước mặt. Nhìn bà già mình thảnh thơi tới phát ghết, Mộc Ma chỉ muốn biến ngay khỏi đây, nhưng không thể! Chẳng biết tu luyện bao nhiêu năm, Hồng Ma đã có thể kéo dài tóc tới mức chúng vươn mấy mươi thước, chặn đứng cánh cửa duy nhất ra vào nơi này. Áo choàng đen vẫn phủ trên người, và cặp sừng đỏ tươi màu máu trông như lấp lánh dưới ánh Mặt trời buổi trưa đang chiếu qua cửa sổ, khiến mẹ trông cứ như… nhỏ không biết nữa, cái mớ gì đó dị hợm, dở hơi hết thuốc chữa chăng?



– Đừng nói xấu mẹ con vậy chứ.

– A! Dạ… dạ… dạ…



Vừa chớm nghĩ, một giọng nói âm u, lạnh lẽo đã vang lên ngay trong đầu Mộc Ma. Không như tiếng nói thông thường, âm vực phát ra lại trầm đến lạ thường, vọng lại từ mọi bề không gian chứ chẳng phải hướng cụ thể nào.



Là “Thi Hoàng”.



Đối diện Mộc Ma qua chiếc sa bàn lớn, “Thi Hoàng” Giao Long khoanh tay trước ngực, ép cặp bưởi khổng lồ đùn hẳn lên, khiến con bé chỉ nhìn thôi đã muốn nghỉ thở rồi. Nhưng… nghĩ chuyện vòng một thế là đủ, tại sao mình lại phải ngồi đây hầu chuyện với cô ta?



Khắp cái xứ này không ai không biết Giao Long cả. Từng được biết với cái tên cũ Phạm Huyền Giao, cô ấy vốn dĩ bị xem như phế vật, khi linh lực trong mình quá lớn dẫn đến cơ thể không chịu nổi, bại liệt hoàn toàn nửa thân dưới cũng như thần kinh bất ổn. Tuy nhiên, từ sau “đêm ấy”, Huyền Giao trở thành Giao Long, thành “Thi Hoàng” tái xanh, mặt đơ như cây cơ, với ánh nhìn như kiểu muốn nhấn chìm đối phương vào bóng đêm vô tận. Và, khi đã thành “Thi Hoàng”, cô ấy liên tục “gây bão”, từ chiến trường Siegfried cho tới vụ bạo loạn gần bốn năm trước, nơi nào cũng thấy cả.



Mộc Ma không rõ đối với người bên ngoài, ấn tượng của họ về Giao Long là thế nào, nhưng trong học viện, nhắc tên cô ta thôi cũng đã là điều gần như cấm kỵ rồi. Các chiến thuật của tướng lĩnh nổi tiếng đều được đưa ra mổ xẻ, phân tích trên lớp để chỉ ra ưu, nhược điểm của chúng, dưới dạng thuyết trình, riêng Giao Long thì gần như… không có gì cả! Trong suốt thời gian tại Gaia, cô, lúc đó là lính ngạch nghĩa vụ, chỉ dùng những chiến thuật cơ bản của chiến tranh đường hào. Chỉ khi Hồng Ma xuất hiện, khoảng đầu năm ngàn chín trăm lẻ hai, cái tên “Ác quỷ Siegfried” với khẩu hiệu “Clo, clo nữa, clo mãi” mới bắt đầu nổi lên.



Trong chiến tranh, “Thi Hoàng” rất ưa thích chiến thuật tàn nhẫn.



Người ta vẫn nói thế.



Tuy chưa bao giờ được trực tiếp diện kiến thế này, những câu chuyện về cách chiến đấu của Giao Long khiến Mộc Ma không khỏi rùng mình. Hai mươi mốt tuổi, cô ấy chỉ huy hạm đội zeppelin tấn công hủy diệt hậu phương của Gaullia. Đánh thành phố bằng vũ khí hóa học, bom cháy và đạn pháo nổ mạnh! Với tư tưởng, mà nhiều người gọi mỉa bằng chữ “đức tin”, rằng chiến tranh hiện đại là chiến tranh tổng lực, và ngay cả thường dân cũng là lực lượng hỗ trợ quân chính quy, Giao Long đã gây ra thảm họa nhân đạo kinh khủng bậc nhất thập niên đầu thế kỷ hai mươi, khi ra lệnh vây hãm thủ đô Parissée của Gaullia, quân thi quỷ bên ngoài dùng súng phun lửa bắn vào những người dân cố bỏ chạy, trong khi bom cháy và clo liên tục được phun xuống. Chỉ một đêm, “Kinh đô ánh sáng” trở thành đống gạch vụn. Không công trình nào nguyên vẹn, toàn thành phố nguy nga với hàng trăm di tích lịch sử bị hủy diệt không chút tiếc thương.



Tội ác đó khiến Giao Long bị không chỉ kẻ địch, mà ngay chính đồng minh và cấp trên ghê sợ. Tàn bạo, khát máu, hiện thân của ác ma, họ gọi cô bằng đủ mọi từ ngữ kinh khủng nhất thuở bấy giờ. Nhưng các tài liệu giải mật về sau cho thấy, Giao Long thực chất chỉ làm nhiệm vụ tấn công phủ đầu, phá hủy tuyến phòng ngự d’Arc của địch.



Việc hỏa thiêu Parissée là “công trạng” của Sư đoàn Pháo binh 115, thuộc sự chỉ huy trực tiếp của Hoàng thái tử Friedrich “Fritz” Ferdinand của Valhöll. Tuy thế, vẫn không thể thay đổi sự thật là cô ta đã ra lệnh cho Quân đoàn Đổ bộ đường không 2, vốn dưới quyền Hồng Ma – quỷ của mình – bao vây thành phố và ném clo, giết bằng hết mọi dân thường không kể già trẻ gái trai. Vì vậy, ở một góc độ nào đó, cô ta vẫn ác lắm.



Một nhà chiến lược trời sinh với mộng bá chủ không tưởng.



Theo lẽ thường, để trở thành tướng năm sao, ít nhất cũng phải gần sáu mươi, với rất nhiều công trạng hay đóng góp cho nền quân sự nước nhà. Tuy nhiên, Giao Long còn khủng khiếp hơn. Ba quyển “tài liệu” cô ta xuất bản đã thành sách gối đầu giường cho các nhà cầm quân Đế quốc, với góc nhìn và cách tiếp cận việc điều binh hoàn toàn mới mẻ. Đạp đổ hoàn toàn tư duy “Trận chiến quyết định”, Giao Long, dưới sự hỗ trợ của Tổng lãnh vùng Linh Giang và Viễn Tây, đã xúc tiến một cuộc cải cách lớn chưa từng thấy trong cơ cấu quân đội.



Tạo thành liên minh với hai lãnh địa xa nhất, các “tường thành” bảo vệ Đế quốc khỏi mối đe dọa phía Bắc và Tây, cùng với U Minh là cứ địa, người phụ nữ ấy đã họp với những “lão làng” của quân đội Đế quốc, thể hiện và bảo vệ thành công luận án của mình. Kết quả thì thực tế đã chứng minh, Giao Long không sai. Tuy nhiên vào lúc đó, tầm nhìn ấy lại quá sớm. Gần hai thập niên là quá dư để quân đội, trong thời đại này, nhận ra và thay đổi phương thức tác chiến. Nhưng cô đã đảm bảo các lý thuyết của mình sẽ không lạc hậu trong từng đó thời gian.



Thực sự, Mộc Ma rất sợ người này. Nhưng con bé không phải sợ các lời đồn thổi vô căn cứ, hay chuyện Giao Long là quỷ hút máu. Mấy cái đó có gì ghê dâu? Thứ nhỏ sợ chính là tầm nhìn xa vời vợi, có thể thấy rõ cả tương lai mấy mươi năm sau kia.



Có một sự khác nhau rất lớn giữa tướng quân trực chiến và chiến lược gia. Đó là tướng quân không nhất thiết phải đề ra chiến thuật hoàn hỏa, nhưng chiến lược gia, với vai trò của mình, thì không những chiến thuật, họ còn phải đề ra cả những chiến lược đúng đắn nhất cho toàn quân. Vì chiến tranh không phải chỉ đánh một hai trận là xong, nó là cả một quá trình xây dựng và phát triển các bên, nên ngoài những người trực tiếp tham chiến, những người ở lại hậu phương lo chuyện hỗ trợ, thì còn phải có những bộ não thiên tài, kiệt xuất giúp cho mọi thứ vận hành trơn tru, đúng quỹ đạo nữa.



Và, Mộc Ma tự hỏi, mặt đối mặt với người như vậy, liệu nó có còn đủ tự tin mà đuổi theo giấc mơ của mình không?



– Tùy nhóc.



Đột nhiên, Giao Long cất lời. Không hề hé rẳng, cô nói thẳng vào tâm trí Mộc Ma.



– Đối với ta, người ngoài nói thế nào cũng được. Dù gì thì trái tim này cũng ngừng đập lâu rồi, và máu cũng lạnh tanh. Thứ duy nhất còn lại trong này…



Đặt tay phải lên ngực, ngay chỗ đáng ra là trái tim, cô mỉm cười:



– Là một ngọn lửa màu đen, lay lắt như hồn ma bóng quế, nhưng khi cần thì vẫn mãnh liệt lắm.

– Ngọn lửa… màu đen…?



Mộc Ma không hiểu. Ý Giao Long là gì?



Tuy nhiên…



– Không nói về ta nữa. – Giao Long mở lời, lần này trực tiếp nói – Biết vì sao ta gọi nhóc tới đây không?

– Dạ…

– Trước tiên, biết đây là đâu không?

– Dạ, là… Bộ Tư lệnh U Minh ạ?

– Đúng vậy.



“Đúng vậy”, một câu đó thôi, mà tưởng như không khí xung quanh Mộc Ma bị rút cạn cả. Bộ Tư lệnh U Minh là cái chỗ mà có nằm mơ, đám cấp thấp như con bé cũng không thể vào được. Để làm trong Bộ Tư lệnh, trung tâm chỉ huy quân sự tối cao của một Đại lãnh địa, với cấp úy sẽ cần ít nhất ba thư tiến cử, đồng thời trải qua cuộc kiểm tra năng lực, xác định xem có đủ khả năng hay không. Mà cũng toàn những chức vụ lặt vặt, chưa bao giờ có ai vừa ra trường đã dược chỉ định “cái rụp” vào ghế nóng cả! Huống hồ, Bộ Tư lệnh U Minh còn là trường hợp siêu cá biệt, cá biệt ngay trong cả những cái cá biệt nhất.



Khác với những sở chỉ huy quân sự thông thường, nơi này thực chất là một chiến hạm to khủng bố, có một không hai trong lịch sử. Đóng hoàn toàn bởi Stalinium, thứ siêu kim loại tưởng chừng đã thất truyền từ cuối kỷ nguyên của Thần, nó tạo thành “cơ thể” mới cho Hồng Ma, vốn là một u linh bất tử đã ám thế giới này gần sáu mươi lăm ngàn năm. Vì sở thích, cùng sự lười biếng của mình, mà Tổng lãnh Giao Long đã dời dinh Tổng lãnh từ điện Cây Quế lên đây, và theo lệ, nó cũng thành tổng hành dinh mới.



Đây là một đẳng cấp hoàn toàn khác của kỳ hạm, khi dưới lá cờ của nhà họ Phạm, con tàu này không chỉ ra lệnh cho sáu trăm ba mươi bảy tàu chiến khác thuộc Không Hạm đội 6, mà nó còn có trong tay hai trăm tàu zeppelin và một triệu hai trăm ngàn quân thi quỷ của bà già, thêm năm trăm ngàn lính chính quy và bốn triệu quân nhân dự bị trên toàn xứ nữa! Không chỉ là kỳ hạm của hạm đội, từ nơi này, Tổng lãnh, tức thống lĩnh quân đội tối cao, có quyền huy động toàn bộ quân số lãnh thổ mình mà chỉ Hoàng đế mới có quyền can thiệp. Cái uy quyền ấy, thêm việc thực tế Hồng Ma có thể cơ động tổ lái sang nơi khác, khiến Giao Long về thực tế là hoàn toàn dư sức tập trung nhanh các đơn vị tại bất cứ nơi nào cô ta cần.



Hồng Ma, như bà ta từng nói, được đóng riêng vì lợi ích của Giao Long. Với tổng bộ có thể tự do di chuyển, cô ta sẽ dễ dàng nắm vững tình hình, không cần thiết phải chờ đợi qua nhiều cấp trung gian rắc rối. Đồng thời, con tàu cũng là biểu tượng cho uy quyền của gia tộc Phạm, trấn áp các lực lượng phản động vốn chưa bắt giữ hết trong vụ loạn trước đây.



Vậy… mình ở dây làm gì?



– Vì cái này.



Lấy trong áo bành tô ra bảy lá thư, Giao Long để chúng lên bàn. Tất thảy đều không có tem, nhưng được đóng dấu “tuyệt mật” của quân đội, thậm chí cài bằng con ấn ma pháp chỉ có người nhận mới mở được. Lần lượt đưa cho Mộc Ma xem, Giao Long bảo chúng là thư tiến cử do các sĩ quan cấp cao viết và gửi trực tiếp cho cô. Trong số này có thư của cả Tham mưu trưởng, tức anh họ mình, và dù không muốn nhưng cô vẫn phải đọc, vì đây là thư tiến cử. Ba trong sáu lá còn lại tới từ Học viện, gồm thư của thầy Hiệu trưởng, Trưởng bộ môn Phòng không và giáo quan quản lý học viên. Các thư kia, có một chiếc đến từ Tư lệnh Hải đoàn 18, hai thư còn lại là của thuyền trưởng và sĩ quan chỉ huy phòng không thiết giáp hạm Ái Quốc, đều khẳng định khả năng của Mộc Ma cũng như tiến cử cô bé vào làm trên tàu này.



Chỉ qua một lượt, tất cả thư dều đã rọc bao, Giao Long nói:



– Bình thường ta sẽ chuyển đống này cho bộ phận nhân sự ở điện, nhưng đây là chuyện khác. Ngoài thư của anh… ý ta là ngài Tham mưu trưởng, tất cả đều có gửi kèm báo cáo chi tiết về thành tích của nhóc. Bảng điểm ta cầm trong tay, trung bình chín chấm tám và tốt nghiệp loại ưu không phải trò đùa.



Chỉ lên cầu vai Mộc Ma, Giao Long hỏi:



– Điều kiện để tốt nghiệp lon Trung úy là gì?

– Dạ, điểm trung bình các môn trong bốn năm học phải trên chín rưỡi, đồng thời trong hai năm cuối phải có báo cáo đánh giá “khá tốt” từ ít nhất bốn sĩ quan cấp tá trở lên, không kể họ hàng thân thích! Vì Tư lệnh Quân đổ bộ là mẹ con, nên…

– Ta biết.



Khẽ thở dài, Giao Long nói, rồi ném cho Hồng Ma đang rung đùi đọc báo cái nhìn lạnh hơn lưỡi lê. Đoạn, cô quay lại, bảo nó:



– Chắc con cũng biết chuyện mẹ con và ta kết hôn rồi?

– Ơ… Dạ, con… có biết…



Nhẹ nhàng gật đầu, Giao Long nói, vì lý do đó mà cô muốn bỏ qua thư của Tham mưu trưởng. Quân luật quy định, thư tiến cử không có hiệu lực nếu người viết là họ hàng trong hai đời, tức thế hệ cha mẹ và mình. Vì Hồng Ma kết hôn với Giao Long – chuyện đó gây chấn động dư luận cả một thời – nên xét theo gia phả, dù Mộc Ma có là “con riêng” của bà mọc sừng, thì Tham mưu trưởng vẫn có thể xem là cậu họ của nhỏ. Và vì Giao Long và Phó Đô dốc Trung thuộc cùng một thế hệ, nên thư đó coi như đọc chơi cho vui. Chuyện phức tạp vậy đấy. Cũng bởi thế mà, Giao Long bảo, “chồng” cô mới ngồi uống cà phê như thể nãy giờ không có chuyện gì, thực ra là đang lo sốt vó lên, còn cô thì không biết nên làm sao cho đặng nữa.



Nhưng rất may, cứu viện đã tới!



Sáu lá thư tiến cử kia thực sự là viện quân tuyệt vời mà lúc này không chỉ Mộc Ma, mà chính Giao Long đang cần. Với bảng điểm học phần của bé chột, tất cả các môn đều là loại ưu thì dù phần đối đáp hơi thấp, nó vẫn vớt vát được hầu như toàn bộ.



Đánh giá thực hành và khả năng xử lý tình huống đều là “khá tốt”, đây là kết quả rút ra từ cuộc tập trận hồi tháng Ba. Tuy nhiên, trong tất cả các bản báo cáo dều ghi rằng, cô bé “không mấy nhanh nhạy” trước các tình huống bất ngờ, vượt ngoài khuôn khổ sách vở. Vì vậy, thực sự thực lực chỉ huy của Mộc Ma, nếu con bé muốn trở thành Tư lệnh, cần được đánh giá chính xác. Một vị tướng nếu chỉ có thể làm theo sách vở mà bí bách trước các tình huống bất ngờ thì chỉ là kẻ tầm thường, thậm chí là tội đồ với đất nước. Và Mộc Ma, nếu Giao Long không sai, đã đặt một chân trên con đường trượt dài đó rồi.



“Có phải ý cậu là vậy không, Hồng Ma?”



Nhìn thành tích học tập, không nghi ngờ gì Mộc Ma là một trong các sĩ quan xuất chúng nhất lứa này. Ba năm vượt mười hai lớp phổ thông, mài dũa kiến thức, kỹ năng với bốn năm học viện, chắc chắn cô bé có đủ tri thức để làm việc trên tàu. Tuy nhiên, đó cũng là cái hại.



Tuy nhiên, đó cũng là cái hại.



Con mắt phải bị che đi chính là dấu tích của “người đó”, Giao Long không nói ra. Mộc Ma có rất nhiều điểm tương đồng với cô ta, vị Bồ Đề đã viên tịch hơn ba mươi năm trước. Nếu điều đó là thực, vậy việc con bé có kiến thức hơn người cũng dể hiểu. Cái khó chính là do nhỏ đốt giai đoạn kinh quá, nên kinh nghiệm thực tế không nhiều. Quá nhiều sách vở và quá ít đời sống, lại thêm cái kiểu đổi mới giáo dục tào lao, nên nó thủng một mảng rất lớn mà chính bản thân chắc cũng không nhận ra.



Nghĩ vậy, Giao Long cất mấy lá thư vào. Lúc này, cô mới chỉ vào sa bàn trước mặt. Nhìn nó, Mộc Ma hơi bất ngờ. Ở học viện, chúng nó được học về “sa bàn chiến”, hay nói nôm na là thể hiện cục diện trận đánh trên sa bàn. Khác với “sa bàn” mà dân chơi mô hình hay sưu tầm, đây thực chất là bản đồ quân sự cỡ lớn, được chia ô ẳn hoi, thể hiện tương đối chi tiết địa hình địa vật của một vùng nào đó mà trận đánh sẽ diễn ra. Đối với quân nhân, đặc biệt là những người nhắm tới vị trí tham mưu hay chỉ huy trưởng, thì việc biết cách thực hiện sa bàn chiến là điều có thể nói là sống còn. Bởi, không như đánh cờ, mặt sa bàn chính là mô phỏng chiến trường thực tế, còn các “quân cờ” là đơn vị dưới quyền mình. Sai một bước thôi, là không biết bao nhiêu sinh mạng sẽ phải lãng phí.



Sa bàn của Giao Long, trong nơi chắc hẳn là phòng riêng của cô ta, có dạng hình vuông, kích thước mười mươi ô loại một tấc đúng, tức toàn bộ cũng phải lên tới một thước mỗi cạnh. Không phải lớn, hay đúng hơn, khá nhỏ so với loại tiêu chuẩn, nhưng bé tin hin vầy lại phù hợp cho việc dùng tại nhà hơn. Các sa bàn cỡ lớn, theo tiêu chuẩn Đế quốc là dài hai mươi, rộng mười lăm thước, hay đặt cố định tại các trụ sở hay Học viện, Trường Sĩ quan và doanh trại hơn. Loại này chủ yếu cho mấy người đam mê quân đội chơi như đánh cờ, hay các “bề trên” lấy ra chơi mỗi khi trà dư tửu hậu.



Nhưng nói là thế, nó cũng thường được các giáo quan dùng để kiểm tra bất ngờ học viên, và trong giới học viên thì… chẳng khác gì chơi cờ hợp pháp ở trường, dù cách “chơi” thì khốn nạn hơn đánh cờ nhiều. Mộc Ma từng thua sấp mặt khi đánh sa bàn, với “vết nhơ” mười tám trận đại bại liên tiếp, mang tới cho nhỏ cái danh “vẹt chột” và “thường bại tiểu thư”. Vậy nên… thực lòng mà nói, Mộc Ma không muốn chơi tẹo nào.



Tuy nhiên, khi bắt gặp ánh mắt của Giao Long, tâm can Mộc Ma như đóng băng. Dù nhiều người từng nói, mắt nó nhìn đáng sợ lắm, với chỉ duy màu đỏ máu và ba vòng đen đồng tâm, thì khi thấy mắt “Thi Hoàng”, nó biết mình không là gì cả. Cô ta nghiêm túc thực sự, khí thế khiến đối phương dù ngồi cách xa cả thước hơn vẫn còn thấy gai người, lạnh buốt sống lưng. Cơ mà lạnh thật, không đùa đâu!



Đặt các quân cờ lên bàn, Giao Long xếp chúng theo ý muốn của mình. Chỉ có xanh đậm và đỏ, cô ta lấy xanh. Theo quy ước trên sa bàn của Đế quốc, màu xanh là lực lượng tượng trưng cho bất kỳ thế lực nào chống lại Đế quốc Liên hiệp, còn đỏ là màu của Đế quốc. Có hơi đụng chạm, vì Không Hạm đội 3 dùng xanh lơ làm biểu tượng, và quốc kỳ cũng có xanh lơ, nên người ta phải đổi thành xanh thẫm.



Đặt quân lên sa bàn, Giao Long bắt đầu bố trí đội hình. Do sa bàn có tỉ lệ một phần triệu, nên mỗi phân trên đây tương ứng với mười cây số ngoài đời thực. Dù bản thân thứ này không to, chính cái tỷ lệ có phần lố bịch kia khiến mấy quân cờ đặt lên trông dị hết sức, vì thực sự chúng cũng khá lớn rồi. Bố trí gồm một thiết giáp hạm làm hạt nhân, ba tuần dương hạng nặng, sáu tuần dương hạng nhẹ và sáu khu trục, đây là lực lượng khá điển hình cho một cuộc không chiến. Tổng quân lực của Giao Long là mười sáu tàu, tập trung từ ô A1 tới A3, nghĩa là dàn trải trên một chiến tuyến rộng tới ba mươi cây! Với bản đồ này, họ đang đứng ở mũi Năm Căn, dải đất tận cùng vùng U Minh Hạ.



Trong khi đó, nhìn bản đồ, Mộc Ma có thể thấy núi Thiên Cẩm và điện Cây Quế được đánh dấu khá rõ bằng các đường đồng mức và hình vẽ bát giác. Điện vốn xây hình bát gác, về sau mới thêm các pháo đài hình thoi để tạo thành kiến trúc Vauban. Nằm ngay lưng chừng núi, hướng mặt về phía Đông Nam, tòa thành khổng lồ vắt vẻo ở độ cao sáu trăm tám mươi thước như thể biệt lập giữa không trung, bao quanh là đại ngàn U Minh và các núi khác của Thất Sơn hùng vĩ.



Các quân cờ Giao Long trao cho, ngoài mấy chiến hạm, được đánh dấu bằng ký hiệu khắc bên trên, còn có mấy hình gỗ pháo binh bé xinh, chắc là hàng mua thêm, vì vốn dĩ mấy bộ sa bàn này thể hiện quân rất nghèo nàn và… sai tỉ lệ ác liệt! Nói trắng ra, không như bộ nghiêm túc dùng cho tướng lĩnh hay các tiết thao giảng ngoài trời, sa bàn cỡ nhỏ này là đồ chơi cho con nít và mấy người rỗi hơi, vì thiếu phòng học nên mới phải dùng tạm thứ này để giảng trên lớp. “Kiểm tra đột xuất”, thực không khác gì kiểm tra miệng, chỉ là đem thứ này theo, để quân lên và hỏi học viên xem phải làm gì tiếp theo. Sách có cả, học thuộc là qua cầu!



Nhưng…



Mộc Ma hơi chùn tay.



Liệu có đơn giản thế?



Nhỏ không biết.



Đối diện mình lúc này không phải mấy anh chị chung khóa hay giáo quan, mà chính là Tổng lãnh, Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang U Minh! Tướng năm sao đấy, không phải hạng vừa đâu! Không chỉ uy lực, mà ngay tới cách bố trí quân cũng rất nhanh chóng. Chẳng mảy may suy nghĩ, cô ấy đã nhanh chóng tạo thành đội hình. Toàn quân dàn thành hàng ngang, hướng mặt có khắc chữ – tức mũi tàu – lên trước.



Đây là đội hình phòng thủ tiêu chuẩn, khi các tàu đều hướng mặt ra thì tiết diện sẽ ít hơn, giảm tỷ lệ bị bắn trúng. Nhược điểm của chiến thuật này cũng chính là ưu thế đó, khi chỉ có pháo trước mặt bắn được, và nếu bị thoc sườn thì sẽ rất khó để toàn lực bắn trả. Ngoài ra, không như đội hình kim cương có thể tối đa hóa hỏa lực lẫn sức phòng thủ, đây là chiến thuật “thủ hiểm” rất rủi ro, khả năng tấn công thấp mà phòng ngự hai cánh cũng chẳng ra gì.



“Có khi nào cô ấy coi thường mình?”



Ý nghĩ ấy chợt xẹt ngang qua đầu Mộc Ma, nhưng lập tức, nhỏ trấn tĩnh ngay. Giao Long vẫn đang nghiêm nghị chờ đợi. Nhắm mắt lại, Mộc Ma định hình cách mình sẽ thủ. Do chưa biết yêu cầu thủ thành cụ thể ra sao, nên nhỏ bố trí mỗi pháo đài phòng thủ mỗi nơi hai pháo phòng không cỡ nòng lớn. Tổng cộng tám cái, tương ứng tám góc điện, nên sẽ là mười sáu pháo. Bên cạnh đó, vì biết điện Cây Quế còn có hệ thống phòng ngự riêng, bố trí dày khắp tường thành, nên xem ra mình sẽ chỉ phải bổ sung lực lượng thủ hiểm xung quanh. Vách Nam của núi, nơi đối diện với điểm A9 trên bản đồ, thuộc ô I9, là vùng khá thoải, thích hợp bố trí trận địa cao xạ. Ngoài ra, nơi này khá gần cứ điểm của Quân đoàn 2, nếu cần…



– Con có quyền gọi viện trợ mà?

– M… Mẹ?



Đang suy nghĩ, Mộc Ma giật mình tới nỗi suýt đánh rơi quân khu trục trong tay. Hồng Ma đã ra sau nó tự bao giờ, đang cúi đầu mà thì thầm vào tai. Chỉ tay vào sa bàn, bà già mỉm cười đầy toan tính:



– Thấy trụ sở Quân đoàn 2 không? Con cứ việc gọi cứu viện từ đó, dùng lệnh của mẹ là tuốt!

– Nhưng… Vậy là lạm quyền! – Mộc Ma phản đối ngay. Ít ra nó còn biết phải trái., không như ai đó xúi dại con.

– Dào, lo gì! Có con “Thi Hoàng” còn lấy tiền đi đóng du thuyền rồi bưng bả Bộ Tư lệnh lên đó cơ mà!

– Móc gì nhau đó?



Nghe tới chuyện đó, Giao Long lập tức “xù lông nhím”. Chống tay dưới cằm, cô bảo:



– Đó vẫn là tiền túi của tớ, không rớ một cắc vô ngân khố, hề? Đâu như con mọc sừng nào đó, dùng cái danh “Hộ quốc nữ thần” được sắc phong từ ngàn năm trước để làm trò bựa?

– Phư, được lắm! Mộc Ma, khỏi thủ gì hết! Dùng toàn bộ số quân con có mà nghiền nát nó luôn đi!

– Nhưng…



Đang định xếp quân, Mộc Ma giờ lại rối nùi tâm trí vì mấy lời xàm nhảm của mẹ. Nhớ lại khi ở học viện, vì muốn thử xem khả năng của mình thực sự tới đâu mà con bé đã “tắt” cái năng lực đọc suy nghĩ đi, từ đó tự xử lý và nhận ra, năng lực tư duy linh hoạt của nó phải nói là cống rãnh. Nhỏ giỏi về học thuộc lòng, nhưng vận dụng nâng cao thì thực sự khó mà làm được. Nó biết mình thiếu kinh nghiệm, thứ mà những người học bình thường có nhiều hơn. Tám tuổi bước vào giảng đường, xung quanh toàn “em trên mười tám”, nó lạc long lắm. Kinh nghiệm không có, bạn bè cũng chẳng lấy một ai, nhỏ nhại theo tiếng miền Trung chỉ để tự huyễn hoặc rằng mình có… bạn. Nhưng dù làm vậy đi nữa, vẫn không phủ nhận được việc mình thiếu kinh nghiệm sống.



Và chiến tranh không chỉ là kiến thức sách vở, nó còn là trải nghiệm thực tế, là kinh nghiệm hun đúc lại qua rất nhiều thế hệ.



Quên hết mọi kiến thức sách vở đã học, Mộc Ma bố trí quân theo cảm tính. Tại I10 và K10, nhỏ đặt hai thiết giáp hạm mỗi ô, ngay trước trụ sở Quân đoàn 2. Từ I9, I8 tới K8 phía sau, hai tuần dương hạng nặng và mười ba khu trục đứng trấn giữ. Theo cách bố trí này, chiến tuyến của Mộc Ma là một vòng cung lớn, trải dài trên năm mươi cây, nếu tính theo cạnh ô vuông, và dao động từ băm lăm tới năm mươi theo đường vòng. Độ cao mặc định cho hạm đội chiến trên sa bàn là một ngàn thước tính từ mặt nước biển, và vì núi Thiên Cẩm khá cao, hơn một ngàn ba trăm thước, nên thực tế quân lực của nhỏ chột dàn trải trên một độ cao lớn hơn hẳn go với Giao Long.



Pháo binh cũng đã bố trí hoàn tất. Theo quy định, kiểu pháo phòng không chủ lực là pháo hạm 356mm SK L/50 cải tiến, vốn là pháo hạm nhưng thay đổi để có thể tác chiến trên bộ. Tầm bắn tối đa đạt hai mươi tám cây ở góc nâng bốn mươi độ, có thể dùng đạn xuyên giáp, đạn nổ tăng cường hay đạn chùm phòng không chống wyvern, đó sẽ là hỏa lực phòng thủ vòng ngoài điện, yểm trợ cho hạm đội Mộc Ma đánh với Giao Long. Theo kế hoạch, nhờ có số lượng nhỉnh hơn và lợi thế sân nhà, Mộc Ma hiện đang nắm lợi thế rõ rệt. Nhưng, đứng cạnh con, Hồng ma khoanh tay, mím chặt môi. Liệu nó có thể cầm hòa không?



– Đừng coi thường con cậu thế chứ?



Giọng Giao Long vang rõ trong đầu Hồng Ma. Khẽ nhếch mép, bà già phản pháo:



– Gì chứ? Cậu thực sự nghĩ con bé làm được sao? Không thấy bảng điểm của nó à?

– Điểm số không phải tất cả.



Vẫn điềm nhiên trả lời, giọng điệu hệt như nhà thu hành đắc đạo, hiền từ và khoan dung, Giao Long dịu dàng hỏi:



– Chính cậu đã dạy tớ rằng thông số cũng chỉ là mớ rác nếu không kiểm tra, nhớ chứ? Thực nghiệm sẽ quyết định tất cả. Giống như hồi ấy, khi tớ làm đề án, dù Fritz bảo tớ điên, thì ông nội, cậu, thầy Strasser và thầy Fisher vẫn ủng hộ tớ. Mà lúc đó tớ chỉ là đứa học lực trung bình thôi, nhớ không?

– Nhưng cậu khác…

– Khác điều gì?



Dừng một chút, Giao Long lại nói:



– Có gì khác? Không. Không cái gì thuộc về xã hội này mà với tớ lại là thứ xa lạ. Con gái cậu cũng vậy. Hồng Ma, chấp nhận đi.

– Lảm nhảm gì vậy má?

– Tự kỷ thôi.



Nói đoạn, Giao Long nhoẻn cười. Nhìn sa bàn, cô ta bắt đầu tiến công.



~oOo~



Cuộc chiến trên sa bàn khép lại sau ba tiếng đồng hồ cân não. Giao Long đã chơi nghiêm túc, cô ta thực hiện đúng chiến thuật “đánh xong lượn”, liên tục cho khu trục tới phóng bom bay rồi quay lưng bỏ đi. Trong khi đó, thiết giáp hạm lượn lờ ở khu vực bên ngoài, nã pháo vào dàn phòng ngự ngoài của điện Cây Quế. Sa bàn chiến quyết định kết quả bước đi bằng cách tung xúc xắc, và dù khá nhọ khi toàn ra nút bé, Giao long lại đủ hên để không dính bất cứ đôi sáu nào, tức hành động thất bại. Nói vậy không có nghĩa trò chơi phụ thuộc hoàn toàn vào vận may: Người chơi vẫn phải tính toán chi li từng bước, đảm bảo hoàn thành yêu cầu và đánh đắm đối phương.



Yêu cầu của Giao Long là trong bốn tiếng, cô phải đánh thủng được phòng tuyến điện Cây Quế, tấn công vào tòa chánh điện, hoặc thắng sau khi hạ tám mươi phần trăm quân lực địch, bao gồm cả tàu và pháo mà mất không quá một nửa quân số. Đổi lại, việc của Mộc Ma là trong thời gian đó không để điện thất thủ, hoặc “đơn giản” hơn là giành chiến thắng chiến thuật: Đánh bại tối thiểu năm mươi phần trăm số tàu địch trong khi không mất quá bốn mươi phần trăm tàu mình.



Trận chiến hoàn toàn không cân sức.



Thông thường, đánh thủ thành sẽ dùng các hạm lớn, khả năng trụ đòn cao như tuần dương hạng nặng và thiết giáp hạm, tuy nhiên Mộc Ma lại dùng chủ yếu là khu trục. Tuy sa bàn không thể hiện được độ cao, nhưng thực tế nhỏ đã bố trí đội hình bậc thang ba lớp, tức ba hàng hạm bay song song nhưng chênh nhau, giống như các bậc thang vậy. Chiến thuật này cho phép tối đa hóa hỏa lực trong một không gian hẹp, thường dùng khi khu trục phóng bom bay từ các khoang xoay giữa thân.



Đã bố trí thủ chính diện rất chắc, nhưng cô bé không ngờ rằng Giao Long cho thiết giáp hạm di chuyển thẳng lên I3, tức đứng ngang hàng với đội hình thủ thành. Bước đi vô cùng liều lĩnh, khiến nhỏ trở tay không kịp. Sách có đề cập việc thiết giáp hạm chạy song song và bắn vào đội khu trục, lúc đó bắt buộc phải cơ động né tránh, đồng thời thu hẹp khoảng cách phù hợp để phóng bom bay. Tuy nhiên, mỗi khi cố di chuyển, tàu địch lại tiếp cận và quấy rầy. Lại một chiến thuật quy ước khác, ném bom trận địa pháo, nhưng chỉ ba khu trục thì Mộc Ma không mấy lo, tới khi nhận ra…



Mục tiêu của Giao Long không phải đánh chiếm điện Cây Quế, mà là hủy diệt hạm đội của mình!



Trong tổng số ba mươi ba tàu và pháo, Mộc Ma đã bị đánh chìm tám khu trục, một tuần dương hạng nặng và một thiết giáp hạm thiệt hại nặng, tổng thương vong là mười chiếc. Toàn bộ pháo đã bị loại khỏi vòng chiến đấu. Do yêu cầu là đánh hạ, tức tính luôn việc vô hiệu hóa, chứ không nhất thiết phải hoàn toàn hủy diệt, nên Giao Long đã đạt rất gần mốc tám mươi phần trăm. Đổi lại, cô ấy mất cả ba tuần dương hạng nặng, hai khu trục và một khu trục khác hư hỏng nhẹ. Lực chiến chính, chiếc thiết giáp hạm, trúng bom bay hai lần nhưng không mấy nguy hiểm. Tổng cộng, Giao Long mất năm tàu, hư hại nhẹ hai chiếc, số còn lại lành lặn. Còn xa mới đạt mốc thua chiến thuật một nửa số quân.



Và như vậy, dù Giao Long có không hạ đủ tám mươi phần trăm – chỉ thiếu chút đỉnh thôi, cô vẫn thắng nhờ điều kiện thứ hai. Mộc Ma thua vì để mất quá nhiều tàu, mà chủ yếu là trong nửa tiếng trở lại đây, con bé quýnh quá. Dù còn những tiếng rưỡi, nhỏ chột đã mất bình tĩnh và ra lệnh loạn xạ. Đặc biệt, nó đã yêu cầu một khu trục dưới quyền tông chìm tàu địch. Đòn đánh rất liều lĩnh, không, liều mạng, và theo cách nhìn của hai người lớn là ngu xuẩn. Bởi, như vậy cũng chính là góp công cho địch, đồng thời gây ra những thiệt hại cực kỳ nặng nề cho mình. Mộc Ma còn non nên có lẽ chưa hiểu hết, một chiến hạm và thủy thủ đoàn của nó giá trị đến thế nào.



“Nướng lính”, đó là điều tối kỵ của Không quân.



Sau cuộc đấu tập, cũng đã gần sáu giờ tối. Trước khi dẫn con đi ăn, Hồng Ma cùng vợ bắt nó ngồi xuống nghe “giáo huấn”. Hồng Ma bảo, đó là lý do nó bây giờ không thể làm chỉ huy đơn vị được. Con bé dễ mất bình tĩnh, nhất là ở lúc chung cuộc, và các mệnh lệnh đưa ra một cách hồ đồ sẽ ảnh hưởng cực lớn tới toàn quân. Trong khi đó, Giao Long phê bình lối chiến thuật quá dựa vào giáo trình, quá khô khan và thiếu linh động. Đây là đánh thủ cứ điểm, có sự hỗ trợ rất lớn của phòng không dưới mặt đất, nhưng Mộc Ma đã không tận dụng được điều đó.



– Nhóc biết nhóc sai nhất là gì không?



Khoanh ttay, nghiêm mặt, Giao Long hỏi Mộc Ma.



– Con đã… có ý nướng quân?



Con bé rụt rè, e sợ đáp.



– Không.



Dừng tại đây, Giao Long dọn bàn vào. Vừa xếp quân vào hộp, cô vừa hỏi:



– Muốn chỉ huy hạm đội không?

– Dạ… Có ạ! – Nó gật đầu.

– Vậy con phải làm tốt cái chức chỉ huy phòng không đã! – Hồng Ma nói – Nhưng quan sát con cầm quân, mẹ thấy con thiếu một thứ. Thiếu cái này còn trầm trọng hơn là thiếu kinh nghiệm!

– Dạ…?

– Nhóc không có tương tác với cấp dưới.



Dọn xong bàn cờ, Giao Long quay lại cuộc hội thoại. Với cương vị là Tổng lãnh, lời cô ta nói cực kỳ có trọng lượng, và khi bàn về việc quân, đối với sĩ quan mới ra trường thì đó không khác gì kinh sách đúc kết từ thực tế. Vừa đánh sa bàn vừa phân tích chiến thuật là chuyện bình thường với cấp tá trở lên, nên Giao Long làm được mà không mấy khó khăn.



Theo lời “Thi Hoàng”, thất bại của Mộc Ma tới chủ yếu từ việc con bé dựa quá nhiều vào hạm đội mà quên các đơn vị mặt đất. Ba tiếng đồng hồ, chỉ có hai lần, đúng hai lần, nó ra lệnh cho pháo binh khai hỏa chính xác, còn lại cứ “bắn tùy ý”. Tâm lý ỷ lại vào hệ thống phòng thủ của điện đã đâm một nhát chí mạng ngay vào chiến thuật mà nó nghĩ ra, khi trong các tàu bị bắn hạ, có hai chiếc là do đồng đội “phơ” nhầm.



Lệnh giữa các tàu cũng rời rạc, thiếu thống nhất và cũng khá vô nghĩa, khi nhỏ chỉ cố thủ hiểm mà không có bất cứ động thái tiến công nào cho tới mười phút trước, khi thiệt hại quá cao và quyết định làm liều. Chính việc làm ăn kiểu “người trong bao”, lệnh giao quá ít và thiếu mạch lạc, chuẩn xác đã khiến đội hình rối tung, các tàu đánh rất tệ dù về thực tế thì nó áp đảo cả về số lượng và hỏa lực.



Ngoài ra, còn một lỗi nữa.



– Con đã cố áp dụng “Trận chiến quyết định”, đúng không?



Hồng Ma chống cằm, hỏi con gái.



Mộc Ma gật đầu. Nhưng sau đó mẹ nó lại hỏi tiếp:



– Vậy, phát biểu định nghĩa “Trận chiến quyết định” xem?

– Dạ, ừm… Còn gọi là “trận Mahan” theo tên người nghĩ ra, nó là một trận chiến diễn ra giữa hai hạm đội, khi một bên kéo đối phương lại vùng trời gần nhà sau khi đã tiến hành tấn công tiêu diệt… dọc… đường…

– Vấn đề đó! – Bà già nhắm mắt – Để thực hiện đúng một trận đánh theo kiểu Mahan, con phải biết đánh rỉa máu địch. Liên tục tấn công chúng trên đường hành quân bằng các đội nhỏ và cơ động cao, gây suy giảm nhuệ khí lẫn lực lượng, và đối đầu với hạm đội chính của ta đang hừng hực khí thế và vũ trang tận răng. Đó cũng là cách Yamato đánh bại Novgoroussiya hồi trước, một trận Mahan kinh điển! Và con…

– Con đã không… đánh rỉa…

– Ừ, chuyện là thế đó.



Ngồi xuống ghế, Giao Long nói, học thuyết của Mahan thực chất đã lỗi thời hơn mười ba năm, nhưng ít ai nhận ra điều đó. Các mẫu khu trục đầu tiên đã chứng minh tính đúng đắn của “Trường phái nhỏ”, chuộng dùng tàu nhỏ, cơ động và mang bom bay đi đục mớn hơn là mấy pháo đài to oành oành nã pháo nhau cả ngày. Điều ấy cũng giống như dân Tây chuyển từ hiệp sĩ giáp trụ vác trường kiếm to bản sang anh bảnh trai ăn mặc hợp thời trang, cầm cây thích kiếm bé xíu như kim khâu nhưng nhanh nhẹn và nguy hiểm gấp bội.



Và suy cho cùng, với sự phát triển của khu trục bây giờ, không lâu nữa Không quân thế giới sẽ được chứng kiến một thời đại hoàn toàn mới. Từ giờ tới lúc đó, Giao Long bảo, việc của Mộc Ma là học, nghiên cứu và tìm ra đối sách. Thế hệ của cô đặt dấu gạch nối giữa kỷ nguyên tàu to pháo lớn với tàu nhỏ cơ động, thì thế hệ tiếp theo, lứa Mộc Ma, phải đảm bảo mình tồn tại được trong thời đại đó.