Flame Phantom (Viêm Ma)

Chương 22




– Nhìn kỹ mục tiêu! Nhắm… Bắn!



Đoàng! Đoàng! Đoàng! Đoàng!…



Nghe tiếng súng bắn dồn dập bên tai mà Viêm tưởng như đang thưởng thức pháo nổ trong mấy đĩa múa lân bán ngoài phố dịp Tết chứ! Hàng chục âm thanh giòn giã vang lên nhịp nhàng, hiệp đồng tựa bản nhạc chúc tụng tuyệt vời, và tiếng đạn ghim thủng mấy tấm bia đằng xa cũng thật tuyệt vời. Từ lầu cao nhìn xuống, trông mấy người lính mặc quân phục đen trũi, dài tay, cổ áo tròn, đầu đội mũ ca lô quân đội cầm trong tay mấy cây súng trường kỳ lạ đang tập bắn mà Viêm thích chí vô cùng.



Lúc nãy khi đi lang thang, tụi nó đã tới được khu luyện tập. Bình thường, một đứa mặc đồ thường dân như Viêm sẽ bị cấm không cho vào, nhưng ngay khi thấy Mộc Ma, hai thi quỷ canh cửa đã nhanh chóng cho chúng nó vô trong. Tuy nhiên, họ cũng nhắc tụi con nít rằng thao trường đang được sử dụng bởi một trung đoàn huấn luyện năm Hai chuyên ngành Đổ bộ đường không nên tạm thời không được xuống đó mà chỉ được phép vào nhà điều hành.



Mộc Ma buồn ra mặt, nhỏ tính cho Viêm thấy khả năng bắn súng của mình ở môi trường ngoài trời, nhưng thay vào đó, vô chào hỏi mấy sếp chỉ huy rồi đặt chỗ trong khu tập bắn “trong nhà” cũng không tệ. Mà kể cả thế, vận may vẫn không mỉm cười với chúng nó vì hôm nay diễn ra cuộc thi bắn súng lục của học viên nhánh Sĩ quan tham mưu, cũng năm Hai, nên phải chờ tới mười một giờ rưỡi mới được. Tuy nhiên, thủ trưởng ở đây, cũng là thi quỷ, đã cho tụi nó lên tháp quan sát để coi người ta tập bắn ngoài sân, vì Mộc Ma và nhất là cu Thiên có mặt ở đây.



“Con ông cháu cha cũng hay nhỉ?”, Viêm thầm nghĩ.



Đó giờ toàn nằm nhà coi tivi, đây là lần đầu con bé được chứng kiến trực tiếp quân đội một nước tập luyện, dù là dị giới cũng đủ khiến nó phấn khích lắm rồi. Tuy không phải thế giới Trung cổ, không phải huấn luyện cận chiến với những thanh trường kiếm ngầu hơn quả bầu nhưng thế này còn tuyệt hơn nữa! Cứ mỗi lần súng nổ, tim Viêm lại “Thịch!” một phát, tưởng chừng như sắp phóng hẳn ra khỏi lồng ngực vậy. Ngoài ra, nếu đã có súng thì thể nào cũng phải có lê. Súng không lê như học không nghỉ hè, thiếu hẳn đi sự cân bằng hoàn hảo. Nghĩ thế, con bé mỉm cười, mơ mộng nhìn xuống dưới.



Khu luyện tập của điện Cây Quế khá rộng, với tổng diện tích lên tới ba cây số vuông, với hai cây chiều dài và một cây rưỡi bề ngang, nó đảm bảo sự rộng rãi cần thiết để có thể thực tập tác xạ với cả đạn thường và đạn có niệm chú. Xung quanh khu vực này là các bờ đất đắp cao để ngăn đạn lạc bay lung tung ra ngoài, còn chiều dài hai cây giúp đảm bảo cho các đơn vị bắn tỉa có thể thực tập ngay trong khu vực này, với bia bắn cách họ khoảng một cây tới một cây rưỡi. Nhỏ đầu sừng bảo, người ta làm vậy vì loại súng trường mới, có khả năng bắn hai chế độ sở hữu tầm sát thương hiệu quả chỉ với khoảng bốn trăm thước dùng thước ngắm quang học, và tám trăm thước tới một cây ba với ống ngắm cải tiến C18 vừa được chế tạo cách đây không lâu.



– Hai chế độ?



Ngạc nhiên, Viêm bỗng cao giọng, chồm người lên, hướng thẳng mặt về phía Mộc Ma. Chống tay trên mặt bàn gỗ trong phòng quan sát, nơi không có gì hơn một gian phòng bình thường trừ vách chống đạn cực dày có thể cản cả đạn niệm ma pháp, con bé muốn biết nhiều hơn. Hiểu ý bạn, Mộc Ma bảo nó bình tĩnh, ngồi xuống. Cu Thiên ngồi lọt thỏm trong lòng nhóc chột, huơ huơ bàn tay bé xíu, kiểu như bảo chị Viêm bình tĩnh lại. Đợi bạn ngồi xuống, Mộc Ma mới lắc đầu, thủ thỉ rằng nó chỉ được nói những điều mẹ cho phép, không bị coi là bí mật quân sự. Liếc mắt qua lại, thậm chí dùng cả ma pháp để kiểm tra xem có ai “giám sát” không, nó mới bảo:



– “Hai chế độ” tức là súng có thể lựa chọn giữa bán tự động và hoàn toàn tự động ấy! Chờ chút, để tớ lấy cho!



Đưa tay xuống thắt lưng, Mộc Ma lấy khẩu súng lục ra, đặt lên mặt bàn gỗ. Chỉ tay vào nó, nhỏ bảo:



– Khẩu này gọi là Gia Định Kiểu 93, thường gọi tắt thành K93, một trong những loại súng lục bán tự động dùng kẹp đạn đầu tiên! Nhưng mẫu của tớ là loại cải tiến nên nó gắn hộp đạn được, coi nè!



Ngoắc cả Viêm lẫn cu Thiên lại, Mộc Ma cầm súng giơ ngang trước mặt hai đứa kia. Chúng nó mê mẩn nhìn súng, vì dù có ở trên tàu thì đây cũng là lần đầu Viêm được thấy súng lục ở cự ly gần vầy, gần tới mức thấy cả mấy số xê ri dập nổi bên trên cùng dòng chữ “Nhà máy quân sự – Tổng kho Gia Định” trên tay cầm, chỗ gần cò súng. Trong khi đó, Thiên vốn không quan tâm mấy chuyện phức tạp. Mới ba tuổi đầu, còn chưa nói sõi được một câu nên thằng nhỏ chỉ coi “súng” là thứ đồ đẹp mã, nhìn rất ngầu mà cậu mợ nó hay đeo bên hông, cũng như biểu tượng đầy quyền lực của các sĩ quan.



Xoay xoay khẩu súng, Mộc Ma cho Viêm nhìn thấy cả phần nòng nhô khỏi thân súng dài chừng mười lăm phân, trong khi thoi và búa kim hỏa nằm về phía sau. Nó không có nắp bệ khóa nòng như mấy cây AK, cũng không có phần “kéo về” giống súng lục ở Việt Nam. Mà thay vào đó, nó sở hữu một khoang lõm, vừa đủ để tống vỏ đạn ra. Hạ búa xuống, kéo thoi về sau, Mộc Ma cho tụi kia nhìn vào bên trong, thấy cả buồng đạn và cái lỗ hình chữ nhật phía dưới, vốn dùng để lắp băng đạn vào. Nó nói, đối với K93 cũ, đạn sẽ được nạp bằng thanh kẹp mười viên từ trên xuống, nhưng với loại mới thì chỉ cần gắn hộp đạn vào bên dưới là xong.



Mộc Ma giảng, loại súng này sử dụng nguyên lý “đẩy lùi”, theo tiếng Albion là “blow back”, thuật ngữ chỉ việc máy súng lợi dụng chính phản lực đẩy về của vỏ đạn khi kích nổ thuốc súng phía trong để đẩy lùi khóa nòng về sau, vừa đủ để lò xo trong hộp chứa đẩy viên đạn mới lên, đồng thời tống cái vỏ đồng còn bốc khói ra ngoài. Sau đó, nhanh như cắt nó đẩy đạn vào buồng chứa, bóp cò phát nữa là pằng, súng bắn và quy trình kia lặp lại. Cơ thế này tương đối đơn giản và dễ bố trí trên súng ngắn hơn là loại trích khí đầu nòng hay lùi bệ khóa nòng, vì nó yêu cầu ít diện tích và dễ chế tạo hơn. Tuy nhiên, nó vẫn tồn tại nhược điểm.



Cất cao giọng, Mộc Ma phát biểu như giảng viên quân sự:



– Cơ chế đẩy lùi yêu cầu máy súng và lò xo khỏe để có thể nhanh chóng đẩy đạn mới vào buồng chứa! Ngoài ra, khi chế tạo thì người ta cũng phải tính tới phản lực vỏ đạn đẩy dồn về phía sau, từ đó tính ra lò xo cần lực bao nhiêu để hãm, cũng như kéo nó trở về. Đạn cũng cần phải chuẩn để khi kích nổ, năng lượng sẽ nằm vừa đúng hoặc tệ nhất là xấp xỉ với sai số không được vượt quá bốn chữ số thập phân, nếu không thì nó sẽ không đủ mạnh để đẩy lùi, hay tệ hơn là mạnh quá mà hư súng luôn!

– Hể…? – Viêm tròn mắt nhìn đầy ngạc nhiên, pha lẫn cả thích thú – Vậy súng này dùng đạn gì vậy?

– Đạn hả? Hừm…



Dừng một chốc, Mộc Ma đưa khẩu súng ra xa tầm tay cu Thiên lúc này đang cố với tới nòng súng, vì dù không có đạn thì thằng nhỏ vẫn có thể đập hai đứa kia đay điếng với tay cầm. Thay vào đó, cô bé bảo nó ngồi yên, lát nữa sẽ cho coi kỹ hơn. Nghe vậy, nhóc tỳ lặng thinh như tượng, khoanh chân lại, im re mà lắng nghe chị dạy.



Lúc đó, Mộc Ma mới hỏi:



– Mẹ tớ cho cậu coi cây Gewehr 96 của bả rồi chứ hả?

– Ghe… À là cây súng trường đó. – Viêm hơi nhăn mặt – Lần nào nghe cái tên đó tớ cũng muốn trẹo lưỡi.

– Kệ cái tên đi, cậu cứ đọc “gờ chín sáu” là được rồi! – Mộc Ma nhún vai, nháy mắt nói – Mà bỏ vụ tên qua một bên đi! Nhìn kỹ cái lỗ bên dưới súng nha!



Lật khẩu K93 lại, Mộc Ma cho Viêm coi cái lỗ lắp băng đạn vô. Bề ngang khoảng một phân rưỡi với chiều dài chừng năm, sáu mươi ly gì đó, nó có ngạnh để cài vào và một cần gạt nhỏ. Mộc Ma nói, do hộp đạn được cài vào nên khi cần tháo rat hay cái mới, việc duy nhất phải làm là bấm vô cái gạt ấy. Chiếc kẹp giữ phía trong sẽ nhẻ ra, và mình chỉ việc rút hộp trống bỏ chỗ khác, gắn cái mới vào là xong. Tuy dễ vậy, nhưng với súng đời cũ, khóa nòng sẽ đóng ngay sau khi, Mộc Ma nhấn mạnh ba chữ “ngay sau khi”, viên đạn cuối cùng được đẩy xuống. Khóa nòng khi đó tự động đóng lại, đẩy thanh kẹp đạn ra ngoài và nếu ai không cẩn thận thì tạm biệt ngón cái luôn. Vì vậy người ta sau này mới làm ra loại đạn để trong hộp thế này.



Chỉ xuống chỗ mấy người lính đang bắn tập, Mộc Ma bảo cái thứ cong cong như quả chuối thép gắn bên dưới dung đó chính là hộp tiếp đạn, loại cơ số ba mươi hai viên. Viêm gật đầu, nhỏ biết đó là gì. Mấy cây AK cũng có băng đạn cong, nhưng cơ số cụ thể thì nó cũng không rõ nữa. Nhỏ nhìn mấy anh lính áo đen nằm dài trên sàn, tỳ lực lên bao cát mà bắn mấy chiếc bia cách đó cả trăm thước mà thấy tội. Nhưng điện Cây Quế ít nắng, lại thoáng mát nên cũng không tới nỗi quá khó chịu.



Do tháp chỉ cao vài mươi thước, Viêm vẫn trông rõ được thứ súng trường kia. Không quá khác biệt so với AK, nhưng chúng rõ ràng dài hơn và không có cái thanh nhỏ phía trên nòng súng, cũng chẳng hề lắp cái gì cao cao ngay trên miệng nòng. Thân súng chủ yếu bằng gỗ ép, Mộc Ma bảo vậy, với màu sơn nâu vàng bóng loáng. Phần báng súng nằm liền với tay cầm, thiết kế giống như khẩu G96 của Hồng Ma, nhưng thay vì ấn đạn từ trên xuống thì chúng dùng băng đạn cong. Do bắn bán tự động nên mỗi lần bóp cò, chỉ duy nhất một viên đạn phóng ra, nhưng vậy cũng đủ rồi. Ai cũng bắn trúng vòng tròn trên bia, rõ ràng đã tập luyện rất nhiều.



Khi bắn, tuy không thực sự thấy kỹ nhưng Viêm để ý mấy cái “búa kim hỏa” phía sau súng hơn. Khác với súng Trái đất, loại này không có cái nắp che bên trên, nên mỗi lần bóp cò ai cũng thấy búa đập vào đằng sau. Liền sau đó, nó nổ đoàng một cái, đạn phóng vèo ra, và khóa nòng bị đẩy lùi lại, hạ cả búa xuống. Nó lùi khoảng sáu phân, không đủ để đập trúng mặt binh lính nhưng nhìn vẫn khá ghê. Với lại, con bé nghĩ, họ không sợ nó lui như thế thì kẹt đạn hay gì sao?



– Ừ thì cũng có kẹt. – Mộc Ma chợt nói, liếc mắt như thể chuyện thường lắm – Mà cái đó cũng có sao đâu! Máy súng này dễ tháo lắm, tới cái nòng cậu còn cho nó rớt ra được mà!

– Thiệt hả? – Viêm ngạc nhiên hỏi.

– Ờ, thiệt. Chỉ cần tay cậu khỏe như đô vật sáu múi là dễ thôi!

– Hả…



Nhìn Viêm há cái mồm ra như con hà mã, Mộc Ma suýt nữa đã cười phá lên. Trong khi đó, cu Thiên vẫn ngồi yên, mở to đôi mắt “thiên thần”, chăm chú nghe hai chị nói chuyện. Lâu lâu nó mới cựa mình mấy cái, làm thân hình nhỏ xíu chạm vào bụng Mộc Ma, khiến con nhỏ thấy nhột nhột. Nhưng chỉ vậy thôi, thằng bé nghe lời nên không quậy súng nữa. Dẫu vậy, nó vẫn cứ cồm đầu lên bàn, tỳ cái cằm bé xíu với đôi bàn tay dễ thương nhưng lạnh ngắt như nước đá xuống mặt gỗ. Bé con phồng má, nhìn khẩu súng không đạn, xem chừng muốn chơi lắm mà không được.



Nói về súng rồi, Mộc Ma mới qua tới thứ Viêm muốn biết: Đạn. Lấy trong túi quần ra cái vỏ đạn bằng đồng, cao khoảng bốn phân, với thiết kế như chai nước cổ cao. Nếu phải nói trông nó giống gì nhất, Viêm sẽ nghĩ ngay tới đạn AK, thứ nó thấy trên những chương trình quốc phòng. Vỏ đạn bằng đồng, đánh bóng loáng bên ngoài, trong khi phía trong lại xỉn màu và nặng mùi kim loại hơn. Phía dưới chót nó có một lỗ nhỉ chỉ vừa bằng cây kim mà bạn nó bảo rằng để kim hỏa đánh vào hạt nổ. Bên ngoài, đáy vỏ đạn làm hơi rộng hơn thân, với một rãnh tròn làm sâu vào trong, vốn được dùng để cài đạn vào kẹp và bây giờ là băng. Nếu không có rãnh ấy, cả viên đạn sẽ rất dễ trượt ra chứ không cần tới lò xo hay tay ai đẩy nữa. Khi đó, trọng lực là quá đủ để làm nó rớt rồi.



Đưa vỏ đạn cho Viêm xem, Mộc Ma bảo:



– Đây, đạn chuẩn của liên minh ba nước! 8x50mm Patrone 85, sản xuất lần đầu ở nhà máy Parabellum của Valhöll đảm bảo cho cậu vết thương có miệng như cái tô ăn phở luôn! Gần bốn thập niên phục vụ và nó vẫn khiến mấy thứ đạn khác muối mặt!

– Nó mạnh lắm hả? – Viêm nhướng mày hỏi.

– Mạnh thì không hẳn, nhiều thứ đạn mới có sơ tốc nòng và sức xuyên, cũng như đường bay căng hơn. – Nhỏ chột nhún vai – Nhưng cái chính của Patrone 85 là nó dùng được cho nhiều loại súng khác nhau!



Ngồi lại xuống mấy chiếc ghế gỗ, Mộc Ma quay người về phía giá sách phía sau. Lôi từ ngăn thứ ba từ dưới lên một cuốn sách to, hơi cũ nhưng vẫn rất sạch sẽ, mấy góc bìa còn được bọc đồng, nhỏ để xuống trước mặt Viêm. Trên lớp bìa da thuộc đỏ đậm là dòng chữ vàng óng “Vũ khí Đế quốc 1300 – 1900”. Đoạn, nhỏ nói trong sách này có ghi chép lại mọi kiểu vũ khí đã từng được Đế quốc Liên hiệp sử dụng từ đầu thế kỷ mười bốn tới cuối thế kỷ mười chín, trải qua sáu trăm năm không ngừng phát triển và tiến bộ. Lật mục lục đầu tiên, con bé tra tới mấy mục gần cuối, khiến Viêm giật mình, xanh mặt khi biết cuốn này dày đến gần một ngàn trang chưa tính bìa! Giấy hơi ố màu, nhưng vẫn đọc rõ được những chữ đen được in trên đó.



– Thấy rồi! Trang bảy trăm lẻ tám!



Reo lên như đứa con nít được tặng quà, Mộc Ma lập tức lật ngược sách lại, về đúng trang ban nãy nhỏ bảo. Cu Thiên cũng phụ lật, nhưng vì chưa biết đọc nên thằng bé chỉ làm theo quán tính. Nhìn bàn tay bé xíu xiu khổ sở nắm mấy trang giấy to cỡ tờ A4 mà lật liên tục làm Viêm thấy cưng nó lắm, nhất là khi bé con nhăn mặt vì… lật mãi chưa tới! Được chừng chục trang, cục cưng chán quá bỏ luôn, không làm nữa. Nó lại ngồi khoanh tay, phồng má như trùm nhà người ta, để mặc hai chị muốn làm gì thì làm. Mộc Ma muốn chọc, nhưng lại sợ thằng cu chơi tử khí thì chết cóng giữa xứ nhiệt đới luôn nên cũng để yên.



Cuối cùng cũng tới được trang Mộc Ma cần. Chỉ vào đó, Viêm trông thấy hình vẽ viên Patrone 85 với đầy đủ vỏ, đầu đạn, hạt nổ và thuốc súng. Đúng như Hồng Ma bảo, loại đạn này có đầu nhọn hoắt, với hình vẽ cắt ngang, cho thấy giữa đầu đạn với thuốc nổ có một khoảng trống nhỏ, cỡ một phân, cùng hạt nổ bên dưới. Viêm bắt đầu đọc: “Patrone 85, đạn vũ trang sử dụng thuốc súng không khói. Chuyên dụng cho súng trường và súng lục.”



Đọc tiếp, quả nhiên con bé thấy khẩu Mauzer C90 của Valhöll, tiền thân của súng K93, nhưng sử dụng kiểu khóa nòng lùi khác so với kiểu đẩy về dùng trực tiếp phản lực của viên đạn. Ngoài ra, còn có súng trường Gewehr 96, với ghi chú rằng nhập khẩu từ nước bạn là chín mươi sáu ngàn khẩu, sau đó có giấy phép tự chế tạo với tên gọi Đông Dương Kiểu 98, trong sách ký hiệu K98, là mười tám triệu sáu trăm hai mươi ngàn khẩu. Viêm ngớ người: Cái cây G96 bản Việt đó hóa ra lại sản xuất nhiều tới vậy á?



Tiếp tục đọc, Viêm càng lúc càng điếng người, trong khi Mộc Ma ngồi nghiêng thân, bắt chéo chân, chống khủy tay phải lên bàn. Nhìn nhỏ sang như mấy bà quý tộc, nhưng cũng đầy uy dũng của một chỉ huy lão thành, mặc cho việc mới tốt nghiệp chỉ nửa năm. Cu Thiên vẫn ngồi yên, nhưng đang khá chán. Cũng không lạ, mười một giờ trưa rồi mà nó vẫn không chơi bời gì, trong khi hồi trước thằng bé quậy tưng cả chánh điện. Để bé bớt chán, và cũng giết thời gian trong lúc không có gì làm, Mộc Ma kéo ghế sát lại chỗ cửa sổ, cho thằng nhỏ nhìn xuống dưới rõ hơn.



Dưới sân tập mọc đầy cỏ xanh um, một hàng dài mười người nằm song song nhau đang tập bắn. Tựa thân lên mấy bao cát, họ nằm chếch sang một bên, tùy theo tay thuận, và dang rộng chân ra. Chỉ xuống đó, con chột nói rằng người ta làm vậy để giữ mình chắc hơn, không bị phản lực làm lệch hướng cơ thể, tuy phần lớn lực giật về đã được cái khóa nòng kia triệt tiêu rồi.



Nghe tới đó, Viêm cũng hí hửng bỏ sách qua bên mà xúm lại coi. Quả thực đúng như Mộc Ma nói, họ nằm y như trên tivi hay chiếu trong mấy chương trình quân đội. Ai cũng im như tượng, trong khi ba hàng người phía sau đứng nghiêm. Một sĩ quan có cầu vai màu đồng, xem chừng là chỉ huy đơn vị, cầm khẩu K93 đi lại từng người, lấy chân đá nhẹ vào hông, ý bảo chỉnh tư thế lại. Có khi anh ta còn cúi xuống, đích thân chỉnh tay cho binh sĩ, rồi đi sang người tiếp theo. Nhận ra đây là nhóm quân ban nãy bắn, và chỉ mới ba phút trôi qua, nên Viêm cũng không quá bất ngờ.



– Hừm, thượng úy à?



Hơi mở to mắt, Mộc Ma nói rồi chỉ xuống cầu vai người ấy. Quả thực, chúng có ba ngôi sao năm cánh dập nổi trên nền đồng, trong khi Mộc Ma chỉ có hai sao. Nhưng con tóc đỏ lại xua tay, liếc mắt, cho rằng điều đó bây giờ không quan trọng. Chuyện tập bắn này hầu như tuần nào cũng có, bữa nay chỉ là do mới về nên nó quên lịch thôi.



Quay lại chuyện chính, Mộc Ma nói thêm về các loại súng này. Do sách khá cũ và xuất bản vào đầu thế kỷ nên vẫn chưa cập nhật các loại súng trường bán tự động với tiểu liên. Theo đó, đạn Patrone 85 còn được vương quốc Terra Méxca dùng làm đạn tiêu chuẩn trong quân đội mình, từ đó tạo ra khẩu Mondrágon M1898, cùng năm với K98 của Đế quốc Liên hiệp.



Liếm môi phát cho đỡ khô, Mộc Ma tiếp tục bài giảng quân sự, thứ khiến Viêm chết mê hơn bất kỳ bà giáo Sử nào giảng bài trên trường. Nếu so với kiểu dạy học chán chết con gián ở nhà, thì việc được học ngay tại thao trường như ở đây thú vị hơn hẳn. Hiển nhiên là vậy, Mộc Ma khẽ cười, có đứa con nít nào lại thích kiểu dạy khô khan đâu chứ!



Tới thanh niên trên mười tám lúc học quân sự còn được giảng dạy sinh động, thậm chí nhấc cái mông đi thực tế khắp U Minh rồi làm báo cáo dựa theo chỉ dẫn của “giáo quan” – các giảng viên quân sự được gọi thế – còn vui hơn hẳn việc phải ngồi mài đũng quần trên ghế, nghe ba thứ số liệu khô khan và làm toán thì không bao giờ được phép ứng dụng thực tế mà phải luôn theo sát sách vở. Nhiều anh chị cùng khóa nói Mộc Ma là bà cụ non, nhưng vậy thì sao chứ? Học mà không hứng thú, không thực tiễn thì học cái quái gì?



Tiếp tục bài giảng, Mộc Ma bảo:



– Hồi ấy, người ta không hề ngờ là một ông tướng ở cường quốc hạng hai như Terra Méxca lại có thể làm ra khẩu bán tự động như vậy được! Dùng cùng cỡ đạn với G90 và K93, nó sở hữu tốc độ bắn nhanh hơn hẳn vì quân lính không cần phải kéo thoi nạp đạn quá thường xuyên. Nhưng xui cho ổng là chính quyền Méxca hồi đó không chịu thứ súng mới này!

– Sao vậy? – Viêm ngạc nhiên – Tớ tưởng quân đội sẽ muốn vũ khí tốt chứ?

– Ừ, quân đội muốn, nhưng trung tướng Enmanuel Mondrágon, người làm ra loại vũ khí cách mạng này, lại không có đủ sự ủng hộ “hành lang”. Hối lộ ấy! Thế nên đám chính “chị” gia đâu có thèm quan tâm, ngay cả những gã chóp bu quân đội cũng ít ai tin tưởng vào thứ súng mới! Họ cho rằng cơ chế bắn của M1898 quá cầu kỳ, sẽ đẩy giá thành khẩu súng lên nhiều hơn so với kiểu khóa nòng lùi nhờ phản lực, vốn rất được ưa chuộng trên súng máy và súng lục thời đó!



Hít một hơi thật sâu, Mộc Ma bật “chế độ giảng viên” lên mức tối đa và thao thao hệt như một sĩ quan dày dạn kinh nghiệm. Nhỏ bắt đầu nói, vào cuối thế kỷ trước thì súng máy đã ra đời, nhưng nó vẫn dựa theo nguyên lý lùi khóa nòng bằng phản lực vỏ đạn giống như súng lục. Tuy loại này khá ngon vào thời điểm đó, nó cũng có bất cập là lực đàn hồi của lò xo chỉ tới một mức nhất định, và với kiểu phản lực “đẩy”, dùng lò xo để kéo khóa nòng lên và không hề có nắp che bệ khóa thì rất dễ xảy ra việc kẹt đạn, tệ hơn là đạn nổ quá mạnh khiến thoi nạp hỏng và không thể bắn tiếp. Nhận ra vấn đề, trung tướng Enmanuel Mondrágon, năm ấy năm mươi bảy tuổi, đã bắt tay vào nghiên cứu và chế tạo một loại súng mới, dùng cơ chế trích khí kết hợp khóa nòng xoay để vừa thay thế loại súng phản lực cũ, vừa tạo ra súng trường có khả năng bắn liên tục, dù khái niệm “liên tục” khi đó chỉ đơn giản là bóp cò liên tiếp không cần kéo thoi chứ không phải kiểu bóp một lần rồi giữ cho nó xả hết cả băng đạn.



Khẩu Mondrágon M1898 có thiết kế ngoài không quá khác biệt so với G96, mà trước đó chính ông cũng tham gia trong cuộc chế tạo theo hiệp định tương trợ lẫn nhau giữa hai quốc gia. Tuy nhiên, với loại vũ khí mới này, ông cho sử dụng trích khí cùng pít tông giúp đẩy khóa nòng về sau, nhanh chóng nạp lại đạn mà không cần phải tốn thời gian kéo, bơm hay gạt đòn bẩy như các loại súng trước.



Với nó, khi bắn ra luồng khí sẽ được trích lại một phần vào ống dẫn bên dưới, đẩy pít tông và thoi về sau và tự nạp đạn lên, không cần thao tác thủ công nữa. Ngoài ra, thay vì dùng các kẹp đạn thông thường, vị tướng này lại thiết kế súng có những hộp đạn có thể tách rời, mang tám viên đạn 8x50mm ở hai bên. Nhờ vậy, tốc độ nạp cũng nhanh hơn và người lính không phải sợ việc bị cắt phăng ngón cái nữa.



– Tiện quá vậy? – Viêm xen ngang – Sau đó thế nào? Mình có mua không?

– Từ từ rồi biết! – Mộc Ma nhướng lông mày, tròn mỏ nói như cô giáo – Bình tĩnh, nghe tiếp nè!



Tuy có nhiều ưu điểm, M1898 vẫn có một cuộc đời khá lận đận. Xét về bối cảnh thì cuối thế kỷ mười chín, ở thế giới này vẫn chưa quen với khái niệm “trích khí”. Dù kỹ sư hỏa khí Robert Browning người Columbia đã giới thiệu nó vào bốn năm trước khi khẩu M1898 đầu tiên được chế tạo, thứ ấy vẫn bị đánh giá là phức tạp và khó chế tạo hơn so với súng trường bắn phát một và súng ngắn bán tự động giật lùi phản lực.



Khi Terra Méxca xảy ra nội chiến cuối năm một ngàn tám trăm chín mươi tám, Mondrágon đã cố chào hàng loại súng này cho Columbia, tuy nhiên các nhà quân sự lúc ấy không cho rằng thứ “ngốn đạn như chocolate” ấy thực sự hiệu quả, vì nó có độ giật tương đối cao và không hợp với cỡ đạn chuẩn của họ. Chỉ có Valhöll chấp nhận sản xuất M1898, và sau đó họ liền nhận ra cả tiềm năng lẫn những bất cập của nó.



Cuộc chiến tranh Gaia là nơi lô M1898 bản Valhöll, còn gọi VM1898 đầu tiên tham gia thực chiến. Loại súng mới tỏ ra ưu việt với tốc độ bắn nhanh hơn hẳn những khẩu Fusil Lebel 1888 của quân Gaullia, đồng thời chứng minh cho thế giới thấy súng trường bán tự động không phải giấc mơ hão huyền. Chính tướng Mondrágon cũng đã sang Valhöll làm việc và sáng tạo ra phiên bản súng trường tự động dùng hộp đạn cong ba mươi viên và trung liên VM1903 huyền thoại, hộp đạn một trăm viên dạng băng tròn đã xả đạn như rót lửa lên đầu địch.



Tuy thế, loại súng mới ấy cũng hay kẹt đạn, đặc biệt do môi trường bùn lầy ở chiến hào, nên thường được các đơn vị nhảy dù với không quân sử dụng hơn. Cũng như mọi loại khác, thân súng được làm hoàn toàn bình thường, sau đó binh lính mới niệm ma pháp đơn giản lên đầu nòng, ngắm và bắn. Bùm! Nát một ổ hỏa lực! Nếu với tốc độ bình thường, một người lính với khẩu G96, được coi là vượt trội hơn cả Fusil Lebel, cũng chỉ được mười lăm phát một phút thì M1898 có thể bắn những bốn mươi viên, tức là dùng đến năm hộp tiếp đạn loại tám viên. Những khẩu súng thời đầu không ưa bùn đất, nhưng sau vài cải tiến thì có vùi trong sình lầy thì lúc lấy lên, lau sạch miệng nòng là vẫn bắn tốt.



Nhưng…



– Súng rất tốt nhưng người rất tiếc.



Nhún vai với vẻ mặt đầy chán nản, con mắt phải nhắm hờ, Mộc Ma lắc đầu trong sự khó hiểu của cả Viêm và nhóc Thiên. Lật sang trang, con bé chỉ tay vào hình khẩu súng máy thân gỗ sẫm màu, bên dưới có chân chống hình chữ V và hộp tiếp đạn tròn. Nhìn theo, Viêm giật mình nhận ra dòng chữ “Trung liên Mondrágon M1903, nhập mua lô duy nhất gồm hai trăm khẩu ngày 28 tháng Ba năm 1904. Súng dùng cỡ đạn Patrone 85, chiều dài nòng 577 ly, tổng trọng lượng 5, 8 cân. Người nhận: Thiếu tá Không quân Phạm Huyền Giao…”. Tuy nhiên, nó không được in trong sách, mà chỉ là bản vẽ tay trên tờ giấy nhỏ được ép vào trong, cùng kiểu viết chữ đặc trưng không giống ai mà hôm qua, hóa ra là vậy thật!



Vội nhìn Mộc Ma, nhưng Viêm lại chỉ thấy ánh mắt đầy chán nản cùng gương mặt tỏ rõ vẻ buồn bã. Nhóc sĩ quan mười hai tuổi hơn nói đầy buồn nản, rằng súng M1898 và các biến thể bị cho là quá phức tạp và không đáp ứng được những tiêu chuẩn thời đó của Đế quốc Liên hiệp. Các chỉ huy thời đó vẫn quá bảo thủ trong tư duy vũ khí, cho rằng tổ hợp hỏa lực xung kích sẽ nằm ở nhóm phối hợp súng trường – tiểu liên – súng máy, vốn chỉ thích hợp cho việc tác chiến trên các chiến trường quy mô rộng rãi, thoáng đãng chứ không phù hợp với việc tác chiến đô thị. Lúc đó, chỉ có Giao Long mua về, với mục đích tháo ra thử nghiệm đồng thời thử nghiệm, nhưng cô ấy không định chế tạo súng trường mà là một loại trung liên mới, cơ động và dễ dùng hơn loại trung liên trước đó, vốn phải có cả một bầu nước lớn để làm mát.



– Không ai ở cái xứ này nhận ra giá trị của nó cả!



Rầm!



Đập mạnh tay xuống bàn, Mộc Ma rít lên đầy ức chế. Là người chuyên về vũ khí, trang thiết bị, lại là sĩ quan chỉ huy phòng không của pháo đài bay lớn nhất thế giới, dĩ nhiên con nhỏ biết loại súng đó tốt như thế nào. Tuy nhiên, còn chưa giận được bao lâu thì nó lại hít một hơi thật sâu vào, ưỡn bộ ngực ép chặt trong mấy lớp áo lên, rồi thở ra thật nhẹ. Cu Thiên cũng “giúp”, thằng nhỏ đưa tay chạm lên bụng Mộc Ma rồi cũng làm bộ hít thở theo. Sau chừng vài lần như vậy, nhỏ chột bình tĩnh lại. Nó nói, quan điểm thời đó khác bây giờ. Vào lúc đó, người ta chưa hoàn toàn có khái niệm “xung kích chiến thuật”, vẫn coi chiến tranh là việc tấn công của tập thể lớn chứ không phải các phân đội hỏa lực ba người như bây giờ. Vì vậy nên tư duy vũ trang cũng khác.



Lắc nhẹ đầu, Mộc Ma thở dài, bảo:



– Thời thế thay đổi rồi! Hồi xưa nó còn tốt thì bị coi thường, bây giờ xem xét súng bán tự động thì lại lôi ra, nhưng thiết kế đó lỗi thời rồi!

– Lỗi thời? – Cu Thiên bỗng lên tiếng – Là gì? Là gì?

– À, lỗi thời tức là cái gì không còn hợp nữa đó!

– A… U…



Vừa nói, Mộc Ma vừa cúi mặt xuống, áp gò má lên đỉnh đầu Thiên, rồi đưa tay nựng hai gò má lúm đồng tiền ấy. Viêm chỉ biết đứng hình, nó không dám tin cái đứa mới hôm qua còn kêu bé cưng là “thằng giặc con” bây giờ lại cưng đứa nhỏ đó tới vậy. Thậm chí cũng không có vẻ gì là Mộc Ma sợ tử khí cả. Giờ lỡ dại, Thiên xả cái thứ khí lạnh thấu linh hồn đó ra thì chắc con kia lãnh đủ nhỉ? Bị ướp lạnh như vậy thì không biết cảm giác sẽ thế nào… Chắc hẳn là chẳng dễ chịu đâu nhỉ?



Bỏ chuyện ấy sang bên, Mộc Ma tính thầm rằng giờ chắc cũng gần mười một rưỡi rồi. Nó đặt việc tập bắn là một rưỡi trưa, lúc bắt đầu giờ hành chính ca chiều, với chỉ một trong năm mươi phòng tập. Hồi sáng, lúc bị lôi khỏi phòng, mẹ có dặn nó có mặt ở cảng số không trước mười hai giờ kém mười lăm, và con bé thì không muốn phải vắt giò lên cổ mà chạy như hôm qua đâu. Cũng may, khu cảng cách thao trường chỉ chừng mười phút đi bộ, với đường tắt đặc biệt chỉ nhân sự làm ở đó và thành viên chánh điện biết. Đường đó Hồng Ma đi là kẹt ngay, trừ khi hóa tí hon, còn hai đứa thì dư sức. Vậy nên bây giờ, cứ ngồi đây mà tám nhảm đã. Đời còn dài mà!



Chép miệng mấy cái, con bé đeo bịt mắt nói:



– Nãy giờ tới đâu rồi nhỉ? À, tụi mình tổ lái xa quá rồi!

– Tổ lái gì?



Viêm ngạc nhiên nhún vai. Từ qua giờ, có lần nào nói chuyện mà hai đứa nói đúng một chủ đề đâu. Toàn con này lượn qua, con kia lạng lại, rồi ôm cua, đánh võng, cuối cùng thì rời xa đường chính hàng cây số lúc nào chẳng hay!



Nói là vậy, nên cuối cùng Mộc Ma cũng về lại chủ đề. Nhìn xuống mấy người lính đang đứng lên cất súng, nhỏ biết buổi tập bắn đã xong. Lúc này, nó mới chỉ cho Viêm kỹ hơn. Loại súng những học viên quân sự kia vừa dùng là súng trường Lê Thắng Kiểu 20, thường gọi là K20, do Thượng tá, quân nhân chuyên nghiệp Lê Thắng tộc Gốp chế tạo. Từ ba năm trước, chúng đã được đưa vào sản xuất quy mô lớn, thay thế dần G96 và K98, còn hai loại đó được xếp lớp lại thành “vũ khí hạng hai”, cấp phát cho dân quân, cảnh sát vũ trang và các đơn vị quân địa phương của quý tộc với giá rẻ bèo. Tuy nhiên, đạn dược vẫn phải mua của Trung ương vì chính phủ cấm tư nhân tự sản xuất súng đạn.



Loại súng mới này dựa trên ba cơ sở là thân K98, máy K93 và cơ chế bắn có thể thay đổi của M1903. Lý do Giao Long mua phiên bản trung liên này chứ không phải bản gốc M1898 là vì cô muốn kiểm tra cơ thế bắn hai chế độ, thứ khá mới mẻ lúc đó, để có thể hạn chế việc xả đạn điên cuồng và nhanh nóng nòng không. Dĩ nhiên, điều đó nhằm tìm loại súng máy mới, nhưng cũng bí mật nghiên cứu cơ chế, với nhóm sĩ quan tham gia gồm Giao Long, cậu Trung, Thượng úy Lê Thắng và khoảng mười sĩ quan chuyên nghiệp bên kỹ thuật hỏa khí cầm tay khác. Trong khi phần nòng được đặt trong ốp gỗ giống K98, súng K20 lại có máy súng kim loại nằm riêng, trông hoàn toàn không khác gì khẩu K93 phóng lớn với báng có thể tách rời.



Súng tương đối ngắn hơn so với K98 nhưng vẫn đảm bảo khả năng và tầm sát thương hiệu quả cao hơn so với các loại tiểu liên hiện nay, vốn chỉ có thể bắn hiệu quả chừng một trăm thước trở xuống và đầu đạn mất tốc nhanh. Thân súng K20 có nhiều cải tiến như ốp lót tay làm bằng gỗ ép nhiều lớp chứ không phải gỗ nguyên khối, giúp nó nhẹ và bền hơn hẳn. Phần thân máy trên ban đầu cấu tạo giống hệt súng lục K93 nên có búa kim hỏa và khóa nòng giật lùi dôi hoàn toàn ra sau, vỏ đạn tống ra theo chiều thẳng đứng lên nên khá cản trở tầm nhắm, thành ra sau này người ta đã thay đổi thiết kế để nó đẩy đạn sang bên phải. Nguyên cái thoi cũng được lắp thêm tay kéo cùng phía để người dùng có thể dễ dàng thao tác hơn, nhất là lúc khám súng, chứ không phải khổ sở đưa tay, gồng hết sức bình sinh mà kéo cái núm vuông phía đuôi nữa.



Tuy nhiên, điều vượt trội của K20, theo Mộc Ma huyên thuyên nãy giờ, là băng đạn cong ba mươi hai viên và cần gạt chỉnh chế độ bắn giúp nó vừa nạp nhanh, vừa linh hoạt trong tác chiến. Ở chế độ bán tự động, hệ thống hoạt động như một khẩu K93 nòng dài bình thường, bắn từng viên một nhưng không phải tốn sức kéo thoi ra sau.



Nhưng chuyển sang chế độ tự động hoàn toàn, chỉ bằng việc gạt cái khóa an toàn cũng ở bên phải lên, một cái hãm đặc biệt sẽ được chèn vào, ngăn không cho cơ quan bên trong chặn búa kim hỏa lại. Như vậy, mỗi lần bắn, búa kim hỏa đều sẽ được bệ đẩy về vị trí chờ, sau đó chỉ cần giữ cò là nó lại tự dog965 đập lên. Khóa nòng về vị trí sẽ kéo viên đạn tiếp theo vào buồng chờ, sau đó lúc búa đập, thanh kim hỏa sẽ lập tức đánh vào hạt nổ, kích nổ thuốc phóng và bắn đạn ra. Phản lực của chính vụ ổ đẩy cái “quy lát”, cách gọi khóa nòng theo kiểu Gaullia, về sau, và chu trình đó tiếp diễn tới khi nào ngưng bóp cò hay hết đạn thì thôi.



– Một cái hay nữa là K20 giật khá ít nếu cậu so nó với C96 hay thậm chí là đống tiểu liên mấy Gốp hay đeo!



Vừa nói, Mộc Ma vừa cười tươi rói như hoa hướng dương mới mọc. Trong khi đó, Viêm lại cảm thấy khó hiểu, không biết vì sao mà lại giật ít nữa. Nếu so với AK ở nhà, loại đầu tiên, thì trên tivi cũng thấy nó giật điên rồi. Kể cả súng trong phim Mỹ cũng giật. Người ta gọi nó là gì nhỉ? Ừ phải rồi, “phản lực”. Là “phản lực”! Nghĩ thế, nhỏ nói ngay:



– Nhưng phản lực…

– Cậu biết hơi bị nhiều cho một đứa con gái thường dân thời bình đó.



Phát biểu với cái giọng nửa thật nửa đùa, Mộc Ma nháy mắt, ý nói Viêm nghĩ gì nó biết hết luôn rồi. Lại nựng má cu Thiên, thằng nhỏ nãy giờ đã sắp ngủ gục vì bài giảng bất tận của giáo quan Độc Cô, Mộc Ma nói:



– Theo nhiều thử nghiệm từ đó tới giờ thì tớ dám đưa ra giả thuyết, K20 triệt tiêu lực giật về tốt hơn so với súng khác, bởi vì cái thoi lãnh giùm kha khá rồi!

– Cái thoi? – Viêm tròn mắt không hiểu.

– Ừ, là cái thoi, Khóa nòng ấy! – Nhỏ chớp mắt – Trong các loại súng cũ, khóa nòng cố định lúc bắn đạn ra nên phản lực dồn toàn bộ vào súng, vì khi đó chúng là một thể thống nhất! Cho nên cậu mới thấy báng súng giật mạnh vào người đó! Kể cả tiểu liên cũng vậy, vì bệ khóa nòng của chúng nằm trong một không gian “kín” nên lực thoi kéo về tiếp tục dội vào nắp bệ khóa, truyền vào các bộ phận khác! Tuy nhiên, K20 có bệ khóa nòng nằm tự do, nên khi giật về sau mỗi phát ấy, lục đó sẽ triệt tiêu vào không khí, nên phần lực binh lính nhận phải sẽ ít đi rất nhiều! Nói chung là cây súng đó êm lắm, bị cái là bắn liên thanh vẫn giật như thường thôi! Nhưng nếu muốn làm xạ thủ thì cậu cứ lắp ống ngắm lên, để bán tự động và bắn thôi! Có điều với cái băng cong đó thì nằm canh hơi khó à!

– Hả? Toàn bộ là giả thuyết của cậu?



Nghe hết cái đống “phổ cập giáo dục” đó, Viêm không còn dám tin vào tai mình nữa. Con nhóc mất mắt đang ngồi trước mặt mình biết nhiều tới vậy sao? Và chẳng lẽ tất cả mấy cái này đều là điều được nói cho người khác thoải mái vậy? Viêm thấy đầu mình choáng váng, tiếp nhận lượng kiến thức khổng lồ đó khiến óc nó ong ong hết cả lên. Lấy tay phải ôm đầu, chống cùi chỏ bên kia xuống bàn, Viêm hít thật sâu rồi lại thở ra để bình tâm lại. Mộc Ma, nhỏ nghĩ, làm thế nào mà lại biết được nhiều vậy chứ?



– Kiến thức phổ thông trong quân đội đó!



Nháy mắt đầy ẩn ý, Mộc Ma nói như úp nguyên xô nước đá lên đầu Viêm. Nếu cái này là kiến thức phổ thông, vậy thứ gì là chuyên ngành nữa? Kinh dị… Mà khoan, ban nãy nhỏ chả bảo đó chỉ là giả thuyết của mình á? Có xạo không vậy?



– Thề có bà mẹ mọc sừng nhà tớ chứng giám, giả thuyết đó tớ tự chế ra!



Giơ tay phát biểu đầy hăng hái, nhỏ lại ném cho Viêm nụ cười quái đản. Tới lúc này, con bé không còn biết phải nói gì ngoài thở dài thườn thượt. Trong thâm tâm, nó thực sự thấy sợ cái con Mộc Ma này rồi!



———————-



Một số loại súng và đạn có thật trong chương:



– Đạn Patrone 85: Tên nhại theo Patrone 88 của Đức, ngoài ra khác hẳn.

– Fusil Lebel 1888: Phỏng theo Lebel Model 1886 của Pháp.

– G96 và K98: Lấy từ Gewehr 98 của Đức. Tránh nhầm với Karabiner 98k cũng có ký hiệu là K98.

– Mauzer C90: Lấy từ Mauser C96 của Đức.

– Gia Định Kiểu 93: Là khẩu Sơn Tây Kiểu 17 của Trung Hoa Dân Quốc.

– Mondrágon M1898: Dựa trên súng trường bán tự động Mondrágon cùng tên, chỉ khác là M1908.