Flame Phantom (Viêm Ma)

Chương 32




Cộng hòa Carib, một đêm giữa tháng Ba, một ngàn chín trăm hai mươi ba.

Trên chiếc ghế bố nơi hiên nhà, Thiếu tướng Không quân Jonathan Flint ngả mình nghe đài, trên tay vẫn cầm ly rum nâu đen mát lạnh. Đã ngoài ngũ tuần, nhưng người đàn ông phong trần với nước da hung đỏ, mái tóc đen tết lọn xõa ra sau cùng cặp sừng hươu lớn trên đầu vẫn cứ mạnh mẽ như chàng trai đôi mươi. Chiếc áo sơ mi đen phanh cúc phô ra toàn bộ thân hình cơ bắp, với bộ ngực vạm vỡ và sáu múi bụng rắn chắc tưởng như có thể nghiền nát cả đá tảng. Bắp tay cuồn cuộn như mấy quả đồi, cơ chân như thép luyện đặc biệt làm người đàn ông ấy trông y như siêu anh hùng bước ra từ truyện tranh.

Nhưng đằng sau vẻ cường tráng ấy, vị chỉ huy từng thống lĩnh đại hạm đội Carib lại đang từng ngày vật lộn với bệnh tật, và cả những vết thương cũ từ thời chiến tranh. “Siegfried”, cái chiến tuyến mà nhắc tên thôi cũng khiến con nít đang gào cũng phải câm nín, đã khía lên thân thể và cả tâm hồn vị tướng này quá nhiều vết thương. Mất hai ngón cuối của bàn tay trái, gần như toàn bộ chân phải cùng hàng chục vết bỏng do lửa và vũ khí hóa học khiến sức khỏe ông suy sụp từng ngày. Độc clo, thứ cả hai phe đều xả không hạn chế trong cuộc chiến bốn năm ấy, không gây hại cho các á nhân nhưng yêu ma như Wendigo, tộc ông, lại chịu muôn vàn di chứng về sau.

Với trái tim nặng trĩu nỗi đau, hai lá phổi cực nhọc thở từng hơi một và đôi mắt gần như mù hoàn toàn bởi khí độc, Flint khẽ lắc đầu. Đưa ly rượu pha lê lạnh ngắt lên, ông ta ngửa cổ, hớp một hơi quá nửa. Uống rum phải dùng ly miệng rộng, bên trong rót gần đầy với cục đá to, lúc uống miệng ky chụp cả lên mũi, để cái mùi thơm lừng của mía đường và gỗ ủ tràn ngập vào trong, mới thực là cách thưởng thức đúng. Vị rượu vừa ngọt lịm, vừa cay nồng, với độ cồn lên tới tám mươi khiến người ông nóng phừng phừng. Rượu nóng, với cục đá lạnh hòa quyện vào nhau, vị ngọt của mía đường với cái cay xè xè, và hương thơm nức mũi thực sự xoa dịu những nỗi đau này.

“Nhớ lấy John, mày có thể thiếu tiền, thiếu nhà, thiếu gái, nhưng tuyệt đối không được thiếu rum! Đi biển không có rum chả khác gì da đỏ không cầm tomahawk!”

Lời ông già tự nhiên lại vọng về bên tai. Flint vẫn nhớ lão nhà mình, thủ lĩnh da đỏ miền Tây Columbia và cũng từng là cướp biển. Cái thói nghiện rượu này từ lão ta mà ra đây mà! Flint không quan tâm, với ông có rượu là được, và nếu cần thì bới tung thế giới để tìm ra thứ rượu ngon nhất cũng đáng lắm. Cha ông, cựu hải tặc Tiyonne Đá lửa, đã lãnh đạo ba mươi ngàn lính liên quân Lakota – Wendigo đánh với quân đội Columbia hồi năm bảy lăm của thế kỷ trước, cuối cùng khiến cái xứ da tái ấy mất một nửa quân lực chỉ trong bốn ngày.

Nhưng cuối cùng họ vẫn thua, lực lượng không đủ. Tiyonne rời Columbia với vợ và hai người con lớn, về Le Nassau, Carib rồi sống ở đây luôn. Cả hai thế hệ, gia đình Flint luôn được coi là những anh hùng trong việc chống lại cái cường quốc mặt trắng bệch kia bành trướng ảnh hưởng. Buồn cười thật, Flint khẽ nhếch môi, khi cả cha, các anh và mình đều ra sức chiến đấu chống lại Columbia. Người Lakota, các Wendigo còn lại, cả những tộc da đỏ bản xứ khác cũng chiến đấu để ngăn sức bành trướng quá nhanh của cái xứ cờ gần năm mươi sao ấy.

Trời đã khuya.

Sương giăng khắp muôn nơi. Tại biệt thự nhìn ra biển trên bến Le Nassau, thủ đô và cũng là cảng lớn nhất Cộng hòa Carib, tiếng đài phát thanh rè rè là âm thanh nhân tạo duy nhất vang vọng lên. Từ nhà ra biển chỉ chừng vài chục mét, Flint nghe rõ được tiếng sóng rì rào, rì rào vỗ bờ, với lớp bọt biển trắng xóa vỡ tan trên nền cát bạc. Cả tiếng dừa nữa, xào xạc trong làn gió biển, thứ gió mang theo vị mặn chát của đại dương mà tạt cả vào mặt, vào mũi mình.

Sóng gió cuộc đời đã trui rèn nên người lín chiến dày dạn kinh nghiệm, với trái tim chai lỳ và ý chí mạnh mẽ, đến nỗi ngay cả bệnh tật, thương tích cũng không khiến ông trông yếu hơn. Flint rời tiền tuyến, lui về làm ở Bộ Tham mưu chỉ vì mắt đã quá kém, chứ ông còn tỉnh táo lắm. Ít nhất, cho tới khi mù hoàn toàn, vị sĩ quan cả nửa đời cống hiến này vẫn sẽ tiếp tục vì xứ sở này. Kể cả không phải người bản xứ, gia đình xuất thân từ phía Bắc và mẹ là dân da trắng, ông vẫn coi nơi đây là quê nhà mình.

Vặn nhỏ chiếc đài lại, Flint thả lỏng người, nằm nghe. Chút rượu rum mới đủ ấm dạ chưa thể làm ông say được. Cái đầu này còn tỉnh táo lắm, đủ để nghe tin mà tối nào đài phát thanh cũng có. Tuy nhiên, bản tin đêm nay lại quan trọng hơn, vì ông biết, sắp tới “ngày đó” rồi.

Đế quốc Liên hiệp lại chuẩn bị cuộc tập trận thường niên.

Là chiến dịch diễn tập thuộc hàng lớn và tốn kém bậc nhất lịch sử, suốt mấy mươi năm trở lại, quốc gia đó đã tổ chức gần hai mươi cuộc diễn tập. Hầu như năm nào cũng có thay đổi, thêm các nội dung mới và bỏ những thứ đã quá lạc hậu. Dĩ nhiên, không thể không tính tới quy mô của nó. Là thao diễn bắn đạn thật kiêm thực hành đổ bộ, trấn áp bạo động và tấn công đột kích, năm nào Đế quốc cũng hướng pháo về phía lãnh hải Yamato mà nã. Dĩ nhiên đạn bay không tới, nhưng ai cũng ngầm hiểu đó là sự dằn mặt: Họ không muốn phương Đông xuất hiện một tân binh có thể đe dọa thế cân bằng của “Ngũ Bá” bây giờ.

Qua cái radio rè, Flint nghe kênh quân đội nói về quy mô lần này. Năm nào cũng vậy, Đế quốc sẽ công khai “phần lớn” lực lượng, và luôn là các con số xấp xỉ, ước lượng chứ không bao giờ họ cho chính xác cả. Xem ra đó là cách mấy người ấy giữ bí mật, lại gây tò mò lẫn bất an cho những đối tượng cần lưu ý. Đợt này, tổng lực lượng sẽ dao động từ sáu trăm năm mươi tới sáu trăm bảy mươi chiến hạm các cỡ, bốn tàu hậu cần và sẽ có thêm sự tham gia của “vimana”, mấy phương tiện bay kiểu mới mà nhiều quốc gia đang phát triển. “Vimana?”, Flint chột dạ, “Bên đó họ gọi là “xe bay” nhỉ? Nhìn cũng giống xe hơi thật… Lâu rồi không gặp hai con mắm đó, ha ha…”

Cứ mỗi năm, vào tháng ba thì thế giới lại nín thở ngồi chờ tin Đế quốc Liên hiệp tập trận. Tình hình Viễn Đông lúc nào cũng căng như dây đàn bởi cứ cuối tháng Ba, đầu tháng Tư thì phía Nam làm một cú, tới giữa tháng Mười thì đằng Bắc rùm beng phát nữa. Chưa bao giờ họ huy động ít hơn nửa triệu quân, chủ yếu chuyển từ các quân khu và “Đại Lãnh địa” tới.

Đã thành truyền thống, vùng Linh Giang và U Minh, với Không Hạm đội 2 với 6 tương ứng, sẽ diễn tập quân sự ở vùng lãnh địa phía Bắc, Không Hạm đội 1 phụ trách khu biển Đông tới quần đảo Manille, “vùng đệm” của Đế quốc với Columbia và lãnh thổ Nam Đảo tiếp giáp Australistz. Các nhóm khác canh chừng biên giới phía Tây, nơi thuộc địa Gautama xứ Albion là mối đe dọa chính. Cách phân chia này hơi rối, nhất là khi Không Hạm đội 6 ở phía Nam lại phải lên tận phương Bắc, còn lực lượng Hoàng gia thì xuống vùng biên cương đằng Nam chơi.

– Cha đang nghe gì vậy?
– Là con à?

Quay lại nhìn, Flint thấy con gái lớn nhà mình đang tiến lại, trên tay cầm chai rum tám chục độ chắc chắn mới lấy từ kho lên. Rosalia “Rose” Flint, mười bảy tuổi, là nàng công chúa duy nhất trong bốn đứa con của Flint. Không như mấy tiểu thư đài các “da trắng”, cô bé không mặc mấy thứ cầu kỳ, cũng chẳng phải kiểu đồ ngủ rộng thùng thình nhấn ngực, tay áo phồng hay mang dép lê.

Mười bảy, cái tuổi thuộc hàng đẹp nhất nhì của thiếu nữ, cô nàng lại khoác trên mình bộ đồ thủy thủ xám màu tro, với tà váy dài quá gối, yếm cổ xanh và khăn quàng đen. Với vẻ đẹp kiêu sa, quý phái mà mạnh mẽ, hoang dã như đóa hồng giữa sa mạc, Rose vuốt lại mái tóc nâu đang tung bay trong làn gió biển mát rượi mà đến bên cha mình.

Cầm chặt cổ chai rượu rum sẫm màu vàng nâu óng ánh, vỡi nhãn “BARCANDI 160o” cùng hình vẽ đầu lâu xương chéo và dòng cảnh báo cháy “WARNING! FLAMMABLE!” ngay phía dưới, Rose bước đến ngồi cạnh cha mình. Tuy nhìn có vẻ gia giáo và rất đoan trang, cô nàng thực ra lại là tay bợm nhậu có hạng. Bình thường Rose không uống, chỉ khi nào có tiệc lớn thiếu nữ mới khiến mấy đấng mày râu lác mắt nhìn vì khả năng tu “nước có lửa” chẳng khác gì cướp biển xịn ngày xưa cả. Mà không chỉ mỗi nó, ba thằng giặc nhà Flint đều thế cả. Đôi khi ông nghĩ, do di truyền chăng? Ông bà nội chúng nó đều là cướp biển nát rượu, bên nhà vợ lại là chủ đồn điền mía và ủ rượu bán có tiếng, đẻ ra đám con uống rượu trừ bánh mỳ thì cũng… có lý, hửm?

Ngồi cạnh cha mình, Rose đưa Flint chai rượu. Nhìn sang chiếc bàn tròn kế bên, vừa hay, chai rượu ông mang ra ban nãy đã hết nhẵn. Nhận cái chai từ con gái, ông nói:

– Con có đem thiếu ly không thế?
– Mai con còn học mà! – Rose mỉm cười đầy duyên dáng – Nên tối nay cha uống một mình rồi!
– Ừ nhỉ, mới thứ Tư mà.

Cười với vẻ tiếc nuối rõ mồn một, Flint khui chai rượu. Chỉ với tay trần, ông đã giựt phăng cái nút gỗ ra mà chẳng có chút gì khó khăn. Rót rum vào ly, nhìn cái màu long lanh, lấp lánh ánh vàng hổ phách tuyệt đẹp, vị tướng trung niên giơ cao ly lên giữa trời, rồi lại ngửa cổ ực một hơi cạn sạch. Dưới ánh trăng đem nay, sáng dịu nhẹ vàng thi vị vô cùng, với vị thần gọi gió mang theo hơi biển mằn mặn dễ chịu, rượu đã ngon lại càng ngon hơn.

Ông tự nhủ, người phương Đông uống rượu thưởng hoa, là ngồi giữa thiên hạ mênh mông, nơi không gian bao la, với mảnh trăng say chuếnh choáng trên đầu. Họ uống một mình, đẹp, rộng, nhưng cũng khá cô đơn. Còn ở đây, cũng trăng, cũng đêm, nhưng lại là ngay nhà mình, gần với những người thân yêu nhất. Uống thế này cũng có cái thú của nó, nhất là khi rum thường cay và nồng hơn hẳn rượu gạo bên kia.

Trong lúc ngồi nghỉ ngơi, Rose tranh thủ xem lại cây gậy của cha mình. Tuy ông đã được phẫu thuật để lắp chân máy, một kỹ thuật vô cùng phức tạp và đắt tiền, thì Thiếu tướng vẫn giữ chiếc gậy ấy lại. Ông bảo, cái chân mới không chắc chắn chút nào. Thực thế, nó chỉ vừa đủ để giúp ông đứng thẳng và đi loanh quanh với tốc độ của mấy bô lão đầu tóc bạc phơ, còn nướu mất răng, chứ để bước đi nhanh thì vẫn cần cái gì đó hỗ trợ. Nó chỉ là thanh thép bình thường, với phần tay cầm làm cong vòng như cán ô và chân chống bịt cao su tổng hợp. Rose không rõ làm sao cha có thể đi “nhanh hơn” chỉ với nó, nhưng ông thực sự di chuyển khá tồi nếu thiếu thứ đồ chống này.

Đang suy nghĩ, Rose bỗng thấy hứng thú với bản tin trên đài. “Đế quốc Liên hiệp”, cái tên này nhỏ nghe nhiều rồi, nhưng chưa tới đó bao giờ. Thực ra, cũng vì đặc thù công việc của cha mà chuyện cả nhà cùng đi du lịch là cực kỳ khó, lại thêm anh cả đang học năm hai trường không quân, anh ba ôn thi cuối cấp và cu út đang chuẩn bị thi vào lớp mười nữa. Nhưng Rose tò mò, cô nhỏ muốn biết đất nước của “người bạn cũ” mà cha hay kể là thế nào, mà mỗi lần nói về lính bên ấy thì ổng lại cao hứng tới vậy.

Nghĩ là làm, Rose kéo áo cha, hỏi ngay:

– Cha nè, cái “Đế quốc Liên hiệp” đó là thế nào vậy ạ?
– Xứ đó à?

Bất ngờ trước câu hỏi của con, Flint hơi dừng lại chút. Rồi ông hỏi nó:

– Sao tự nhiên muốn biết vậy?
– Thì lúc nào kể chuyện hồi đó cha cũng lôi họ vô mà! Albion, Valhöll, Novgoroussiya, thậm chí là Columbia con biết hết rồi, chỉ có nước đó là chưa thôi! Kể đi mà, nước đó thế nào vậy?
– Từ từ, để cha nghe xong đài đã.

Đưa bàn tay chai sần, thô ráp bởi hàng chục năm cầm súng và bánh lái mà xoa nhẹ đầu con gái, Flint trầm ngâm bảo. Ông vẫn đang nghe tin tức, xem xem lần này họ tập trận ra sao, và cũng nói con gái nên nghe. Rose, vốn muốn nối gót cha trở thành sĩ quan, lập tức đồng ý. Vì có hai người, nên ông vặn núm âm lượng lên thêm chút, vừa đủ để họ nghe mà không làm động tới người trong nhà. Đoạn, ông bảo con mình:

– Nghe kỹ này.
– Dạ!

Rose gật đầu.

Radio lại tiếp tục phát. Theo thông báo chính thức từ phát ngôn viên Bộ Tổng Tư lệnh Đế quốc Liên hiệp, thì đồng tổng chỉ huy của chiến dịch lần này là hai vị Tổng lãnh, tức là hai tướng năm sao một lúc. Flint giải thích ngay, Bộ Tổng Tư lệnh của họ tương ứng với “Bộ Chiến tranh” hay “Bộ Quốc phòng” của Carib, dù cách dịch này không chính xác lắm. Việc có hai tướng năm sao một lúc khiến Rose giật bắn mình, vì với cô bé mà nói, thì hai tướng cấp soái cùng ra trận thì chỉ có thể là đại chiến dịch, chứ sao lại có thể chỉ với một cuộc tập dợt thường niên?

Nhận ra điều con mình bối rối, Flint ôn tồn giải thích. Điều ấy với người Tân Thế giới, tức châu lục này, khá lạ, vì họ không có chế độ quý tộc. Tuy nhiên, ở những quốc gia theo chế độ quý tộc địa phương, phân quyền từ lâu thì điều này hoàn toàn không lạ. Bởi lẽ, quân đội họ tới giờ vẫn mang bản chất của quân đội lãnh chúa phong kiến, chứ vẫn chưa thực sự chuyển hóa thành quân đội tập trung của triều đình. Dù đều là tướng lĩnh cấp cao và có thực lực, Flint đã thấy quân Đế quốc ở Siegfried đánh tốt thế nào, thì việc họ là quý tộc vẫn không thay đổi. Sự can thiệp bằng quyền lực chính trị và địa vị có thể gây nên những chuyện không ai ngờ đến, nhất là trong cái xứ quân phiệt ấy.

Vì mang tính quý tộc lãnh chúa, nên quân đội của các Đại Lãnh địa chỉ công nhận Tổng lãnh của họ, và ngoại lệ duy nhất là Hoàng đế, như chỉ huy tối cao. Đối với người sinh ra và lớn lên ở nhà nước thuần Cộng hòa như Flint và Rose, điều này thực sự khó hiểu. Rose vẫn đang loạn trí vì sự nhập nhằng quý tộc – sĩ quan này. Cô bé không hiểu, quân đội mà không tập trung vào tay một thống lãnh tối cao, lại chia ra cho quá nhiều thành phần thì sao mạnh được? Chưa kể hai người đó lại là đồng tư lệnh chiến dịch, vậy ai ra lệnh và ai nghe?

– Rối thật nhỉ? – Flint xoa xoa cằm – Nhưng dù thế, con vẫn phải tôn trọng họ. Mỗi quốc gia đều có các lề thói riêng của mình.
– Dạ, con hiểu rồi ạ!
– Vả lại, chuyện quý tộc nuôi quân không phải hiếm.

Ở Valhöll và Novgoroussiya, ngoài quân đội chung nằm dưới quyền Bộ Chiến tranh, họ vẫn còn lực lượng của các nước cấu thành bên trong. Ngay cả Albion, đế quốc hùng mạnh nhất hiện tại, vẫn duy trì chế độ quý tộc ở quy mô khá nhỏ, chủ yếu là các thành viên họ hàng Hoàng gia cũng như người có công với đất nước. Một số nhà quý tộc lâu đời, như gia tộc Công tước Wellington xứ Gibraltar hay nhà Phó vương Mounbatten vùng Gautama, đều có lãnh thổ, nền kinh tế và quân đội sánh ngang với mấy nước đang phát triển, thậm chí hơn một số mặt.

Tuy thế, điều khác biệt cơ bản giữa các lãnh chúa phương Tây và lãnh chúa Đế quốc Liên hiệp nằm ở quyền lực. Trong khi nhiều đại quý tộc sở hữu quyền hành chính trị tương đối, họ lại bị ràng buộc quân lực bởi các quy định của Hiến pháp, thứ không phải cứ muốn là thay đổi được. Chưa kể, quân đội Hoàng gia luôn sẵn sàng xử lý bất cứ lúc nào.

Còn Đế quốc Liên hiệp, các lãnh chúa chủ yếu là quý tộc từ bậc Công trở xuống, nhưng quyền hành chính trị đối với Trung ương không nhiều. Đổi lại, họ gần như toàn quyền với đất đai nhà mình, dù vẫn phải tuân theo Tổng lãnh và các quý tộc cấp cao hơn. Sáu “Tổng lãnh”, những đại quân phiệt của xứ đó, đã từ bỏ hầu hết quyền lực chính trị đối với triều đình, đổi lại họ giống như vua trong lãnh thổ riêng vậy. Quy mô quân sự của các Tổng lãnh cũng không phải dạng vừa, khi một Không Hạm đội đã có thể nghiền nát vài nước hạng ba dễ như trở lòng bàn tay. Và dù các Đại Lãnh địa không được xem là quốc gia cấu thành, thế lực và tiếng nói của họ vẫn cực kỳ có trọng lượng, chưa kể tới Hoàng đế đích thân lên tiếng.

– Sao vậy? – Rose ngạc nhiên, nhướng cao đôi chân mày thanh tú – Con tưởng họ…
– Cứ lừa đó con, cú lừa đó.

Chép miệng, Flint lắc đầu nguầy nguậy, nói về cách Đế quốc Liên hiệp đã cho cả thế giới ăn cú lừa lớn tới thế nào. Ngoài mặt nhìn vào, Đế quốc là thực thể gồm một quốc gia gốc và sáu Đại Lãnh địa cấu thành. Nó tương tự với chính quốc của Albion, khi họ gồm bốn nước nhỏ trong cái quần đảo ấy. Tuy nhiên, khác với những nước theo kiểu liên hiệp phương Tây, Đế quốc có sự tập trung cao về quyền lực chính trị nhưng phân hóa mạnh mẽ trong quân ngũ.

Mỗi lãnh địa, bang tự do lẫn thành phố thuộc Trung ương đều có lực lượng vũ trang riêng, và chỉ trừ mấy chỗ Trung ương họ trực tiếp quản thì còn lại, quyền hành gần tối cao nằm trong tay Tổng lãnh. Điều này một phần là bởi yếu tố lịch sử, khi sáu Tổng lãnh đầu tiên vốn là sáu vị quân vương đầy quyền lực đã đứng ra cùng Hoàng đế của họ đánh đuổi giặc Bắc, giành lại đất cũ. Và giống như Thánh quốc Romulusea và Thịnh vượng chung Polska-Litwia ngày xưa, Đế quốc Liên hiệp theo chế độ “bầu vua”. Như vậy, sáu Tổng lãnh chính là sáu Tuyển đế hầu, có quyền chọn ra người kế nghiệm Hoàng đế. Nhờ đó mà quyền hành trong tay sáu vị ấy còn vượt xa cả Thừa tướng, triều đình lẫn bất cứ tổ chức nào. Ngay cả vương gia hoàng thất trông thấy cũng phải sợ một phép.

Tuy nhiên, đã có sự thay đổi trong cán cân quyền lực.

Flint nói, điều này do người bạn cũ là dân Đế Quốc kể, vào khoảng thế kỷ mười sáu, một Hoàng đế đã tiến hành cải cách đất nước. Thay vì cố gắng tập trung tất thảy quyền hành vào một nhóm nhỏ và dễ gây bất đồng với nhân dân, ông ta đã cho cải tổ lại hệ thống hành chính, cho phép dân thường có học thức cao được đề cử vào làm trong chính quyền. Việc bầu cử lan rộng khắp nơi, trong khi đất nước mở toàn bộ cửa khẩu, tăng cường giao thương tối đa với tất cả các nước trong khu vực và quốc tế.

Cùng với đó, bằng quyền hành tối cao, quân đội và sự ủng hộ của bốn Tuyển đế hầu, vị Hoàng đế vĩ đại kia đã thành lập Hội đồng Đế quốc, có thể coi là “quốc hội” đúng nghĩa đầu tiên của thế giới. Mọi thành viên đều là cử tri do dân bầu lên, bất kể xuất thân thường dân hay quý tộc. Các chức danh cũ như Thượng thư, Thị lang,… bị bãi bỏ, thay vào đó là danh xưng Bộ trưởng, Phó Bộ trưởng,… và sáu bộ cũ của thời phong kiến được chia thành nhiều bộ, cục khác nhau, do các vị Bộ trưởng, Cục trưởng đảm nhiệm. Người đứng đầu Hội đồng là Chủ tịch Hội đồng Đế quốc, tương đương Chủ tịch Quốc hội bây giờ, bầu lên với nhiệm kỳ năm năm và không được giữ quá hai nhiệm kỳ và một chức vụ trong thời gian này.

Việc cải cách còn mở rộng sang tới quân sự. Hệ thống phân cấp hàm, phẩm trật dựa trên cấp bậc quý tộc bị bãi bỏ, thay vào đó là các quân hàm, chia hai ngạch sĩ quan và hạ sĩ, quân lính. Những quý tộc lâu đời, tức các lãnh chúa yêu ma, nhìn chung không đồng ý với điều này. Họ không bị tước đi tước vị, nhưng lại không được chỉ huy theo kiểu phẩm hàm mà phải dựa vào cấp bậc quân đội kiểu mới. Điều đó có nghĩa, một Bá tước đạt thành tựu lớn trên chiến trường có thể được phong hàm cao hơn một Công tước, thậm chí hơn cả người trong Hoàng gia, và như vậy đã có vài cuộc bạo loạn xảy ra.

– Có loạn ạ? – Rose khoái ngay – Thế nào vậy cha?
– Chịu thôi. – Flint trề môi, lắc đầu – Con Giao nó không kể thì sao cha biết?

Nói tới đó, ông chợt đổi chủ đề. Nhân khi radio vẫn còn phát, hai cha con nghe tiếp tình hình. Bản tin gần xong rồi, nhưng vẫn còn vài điều thú vị khác. Tổng quân lực cho chiến dịch lần này là khoảng bảy trăm ngàn lính, khá nhiều cho một chuyến đi bình thường. Ngoài ra, với việc huy động hàng trăm chiến hạm, cùng vô số khí tài các kiểu, nhiều nhà quan sát cho rằng nhân cơ hội này Đông Kinh định sẽ phô diễn sức mạnh quân sự của mình. Theo kế hoạch, họ sẽ duyệt một lần ở quảng trường Tam Đình, chỗ ngay phía trước Hoàng cung để kỷ niệm bao nhiêu năm ngày Hoàng đế hiện thời lên ngôi, sau đó mới lên khu vực quen thuộc phía Bắc.

Nghe hết tin, Flint tắt radio. Cả hiên nhà lại chìm vào tĩnh lặng, chỉ còn màn đêm và ánh trăng bạc. Đêm nay nhiều mây, mây to từ phong lộ gần đó bị đẩy vào, che gần hết cả bầu trời. Mấy vì sao lấp lánh đã khuất bóng từ lâu, chỉ còn Mặt trăng sáng rỡ vẫn nhẹ nhàng ánh lên sau lớp mây dày. Gió thổi mạnh. Sóng vỗ rì rào, từng lớp, từng lớp cồn cào đập vào bãi cát dài. Hàng dừa cao nghiêng mình trước gió, lá đan nhau kêu xào xạc ồn ã đến lạ. Nhìn trời, Flint thấy mây hóa đỏ từ từ. Mưa sao? Lạ tật, mùa này vẫn chưa tới lúc dòng biển chuyển hướng, sao lại mưa sớm quá thế?

Dẫu sao, đề phòng vẫn hơn. Đứng dậy, Flint một tay cầm chai rỗng, tay cầm gậy quay vô nhà. Tuy hàng hiên có mái che nhưng mưa tạt thì cứ tạt thôi. Rose phụ cha xếp ghế, bàn lại rồi cũng mang theo ly rượu uống dở, cái radio và chai rum còn quá nửa kia theo. Vào nhà rồi, ông đóng của lại. Ngoài kia, gió càng lúc càng mạnh hơn. Biển bắt đầu nổi sóng lớn. Lạ thật, Le Nassau quay mặt vào biển Carib, nơi không có cái hải lưu nào cắt ngang, vậy mà vẫn có bão được à? Flint không chắc, nhưng ông bảo Rose về phòng và chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Căn biệt thự này xây theo chuẩn boongke chống bom đạn, nên bão thường không đủ làm nó lung lay. Tuy nhiên, nếu đó là bão “thường”.

~oOo~

Ngồi trong phòng làm việc, Thiếu tướng Flint đang xem lại đống báo cáo mà bên Tổng cục Tình báo với Kỹ thuật gửi về. Theo đó, việc phát triển các khu trục hạm lớp Saint Augustine mới đang vô cùng thuận lợi, nhưng có nhiều vấn đề nảy sinh trong lúc thi công. Phía quân cảnh và mật vụ đã gô cổ ít nhất bốn gián điệp được cử tới từ Columbia, vốn định ăn cắp bí mật của loại tàu mới này. “Lớp Saint Augustine là vũ khí mới của chúng ta.”, Flint bóp trán, chua chát nghĩ, “Đám da tái đó lại muốn cướp bí mật công nghệ à? Chúng nó không làm được gì ngoài mấy trò trộm cắp với diễn biến hòa bình sao?”.

Cố bình tĩnh, Flint hớp tạm một ngụm vang đỏ cho đỡ mệt người. Gian phòng rộng rãi với cửa sổ kính cường lực duy nhất nhìn lên lưng đồi sau nhà được tạo hình giống như buồng thuyền trưởng của tàu buồm xưa, nằm trên vách cong dôi hẳn ra ngoài. Bên trong, không có đồ đạc gì đáng giá. Tài sản trong đây chỉ là chiếc đèn trần gắn với ống dẫn, cùng cái tủ quần áo bằng gỗ sồi và chiếc bàn làm việc. Tới cả ghế cũng chỉ là đồ rẻ tiền mua đại ngoài chợ trời. Nhưng trên bàn, lại bày ra la liệt các thứ sổ sách, bản thiết kế và sổ ghi chép. Đeo cặp kính gọng tròn lên mặt, Flint bắt đầu công việc buổi tối. Sẽ có rất nhiều công văn cần xem qua trước khi chuyển sang Bộ Tham mưu đây.

Công việc thực sự rất mệt. Đối với người chịu trách nhiệm chính trong việc phát triển loại tàu mới phù hợp với chiến tranh hiện đại như ông, thì tuổi tác, tư duy và thế giới quan là những rào cản vô cùng lớn. Nhiều á nhân, yêu ma, chứ không chỉ tộc Wendigo, đều gặp khó khăn trong việc cố vượt qua một trăm năm đầu đời. Bởi lẽ, đây là thời gian tâm lý và suy nghĩ họ phát triển như người thường. Ở độ tuổi mà với con người đáng lẽ đã sắp về ăn lương hưu, họ vẫn phải còng lưng ra làm, phải luôn tự đổi mới cách tư duy để nhìn nhận thế giới bằng những “đôi mắt” mới.

Có những người, như bà già đầu đỏ mọc sừng ông quen, đã thành công trong việc “trẻ hóa” chính mình. Không chỉ là hình dáng bên ngoài, điều quan trọng là mấy kẻ như thế đã vượt lên được sự tấn công của tuổi già, của suy nghĩ dừng lại, nghỉ ngơi. Tư duy của họ không ngừng đổi mới, thích nghi với những cách sống, cách nghĩ, cách làm mới của từng thời đại. Nhưng cũng có những người đã không thể chiến thắng. Họ để bản thân bị ràng buộc với các định kiến của thời đại mình, cho rằng thời mình là thời vàng son và đám con cháu về sau đang phá hỏng cả. Dĩ nhiên, không thể quá cấp tiến được, nhưng cũng không thể cứ mãi bảo thủ. Đám sống dai, bất tử như Hồng Ma, mụ già chết tiệt đó, đi lên được là vì họ vận động không ngừng nghỉ.

Chưa kể, chiến tranh là thứ vận động không ngừng.

Chưa bao giờ trong lịch sử thế giới, những cuộc chiến lại phải dừng hẳn lại. Chiến thuật, chiến lược là những thứ luôn thay đổi linh hoạt để đảm bảo giành được chiến thắng quyết định mở mức thương vong thấp nhất có thể. Cùng với sự thay đổi của mấy nhà chiến lược gia, các cố vấn, học thuyết quân sự, thứ biến thiên như cái sàn chứng khoán, thì bên kỹ thuật như ông Flint càng phải đuổi theo cho kịp. Vũ khí phải bắt kịp tư duy, và tư duy phải thay đổi để sử dụng vũ khí tốt nhất.

Như con xác sống đó từng nói, cái gì cũng nằm trong quy luật duy vật biện chứng, đan xen nhau. Có thể có những thứ thoạt nghe tưởng như đối lập gay gắt, lại là hai nửa của cùng một sự vật, vĩnh viễn không thể tách rời. Hừm, lạ thật. Gần hai chục năm rồi mà mấy câu nói khi say bét nhè ấy vẫn cứ ám ảnh ông. Lời cô ta không sai, đã nghiên cứu triết học thì sẽ thấy duy vật biện chứng xét tất cả trong hệ thống vật chất – ý thức, luôn có sự tương tác lẫn nhau giữa mọi sự vật sự việc.

Như vậy, vì chiến tranh ngày càng khốc liệt, người ta sẽ có nhu cầu làm ra mấy món đồ chơi có thể giúp họ xử đẹp địch ở khoảng cách an toàn. Rồi từ nhu cầu ấy, các loại vũ khí mới được tạo ra. Càng mới, càng tối tân thì sức sát thương càng dữ và chiến trường càng khốc liệt hơn, bởi bên nào cũng có nhu cầu cả. Nó là một vòng lặp không hồi kết, vì vĩnh viễn không thể xóa bỏ ham muốn ấy của các chủng loài.

Ai cũng có dã tâm, dục vọng muốn xưng bá, muốn thu lợi tức, muốn chà đạp người khác, muốn chinh phạt,… nhưng không muốn mình phải chết. Đúng vậy, không ai muốn mình phải chết. Vì vậy họ mới tạo ra vũ khí, ban đầu từ chính những thứ có sẵn, rồi sau đó là đồ cứng hơn như đá, đồng và sắt chẳng hạn. Cuối cùng, cùng với sự phát triển của xã hội, chiến tranh càng trở nên tàn khốc, và vũ khí cũng phải cải tiến để bắt kịp thời đại.

“Có phải cô đã thấy trước điều đó… Giao?”

Tự hỏi chính mình một câu vẩn vơ, Thiếu tướng Flint lấy trong hộc bàn ra xấp tài liệu dày cộm đóng dấu “Tuyệt mật” bên trên. Lật ra trang đầu, thứ ông thấy chính là tên dự án này. “Đề án 2300: Khu trục tác chiến độc lập lớp Uranus. Người thiết kế: Hernado de Llhima, Francois Eisenberg và Alexander Lyndon Flint.”. Tên con trai ông nằm ngay trong dòng những người thiết kế! Vẫn thật khó tin, thằng bé đã cùng mấy người trong quân đội nghiên cứu loại tàu mới này từ khi mới vào năm nhất. Tới giờ, bản mẫu đầu tiên đã sắp hoàn thành rồi. Chính ông đã đóng dấu phê duyệt, vì toàn bộ Tổng cục Kỹ thuật ngồi vào họp mà cũng không thấy có vấn đề gì cả.

Thật sự rất đáng kinh ngạc, khi chỉ từ bức tranh vẽ chơi chiếc kỳ hạm, tuần dương chiến hạm Wanderlust của cha mình mà cậu học viên Alexander lại có thể cùng hai kỹ sư quân sự khác nghiên cứu ra hẳn một mẫu khu trục mới toanh. Dĩ nhiên, họ vấp phải nhiều chỉ trích từ phe bảo thủ trong Bộ Tham mưu, cho rằng loại tàu này quá giống lớp Xích Quỷ của Đế quốc Liên hiệp. Nhưng ông đã khiến mấy người đó im lặng khi đem ra hợp đồng mua bản quyền thiết kế Wanderlust có chữ ký của mình, Tổng tư lệnh quân đội Carib và Tổng lãnh U Minh, khiến họ không thể nói gì hơn.

Cả Xích Quỷ và Uranus đều bắt nguồn từ Wanderlust. Nhìn bản thiết kế, ông thấy rõ cái phong cách “hai thân” huyền thoại, với thân trên bố trí dàn hỏa lực chính, cãi mũi dùi thần thánh cùng tháp chỉ huy và cột buồm, trong khi thân dưới gắn cánh, sáu động cơ đồng trục đẩy một đôi quạt và hai trục quạt lớn phía đuôi. Điểm khác biệt lớn nhất giữa ba lớp là kích thước, khi Wanderlust của ông dài tới hơn ba trăm mét, mang mười lăm pháo hạm cỡ bốn trăm tám mươi ly trên năm tháp chính ba nòng, thì Xích Quỷ lại dùng loại pháo nhỏ và tháp đôi, thay vào đó vũ khí chủ lực lại là “bom bay” phóng từ tháp xoay bốn ống và ống phóng cố định ở mũi.

Tới Uranus, mọi thứ còn hơn vậy nữa. Con tàu được trang bị hệ thống tích hợp điều khiển hỏa lực với radar và máy đo xa, giúp việc dẫn, ngắm và nạp trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Các tháp phóng ngư lôi học tập theo lớp Xích Quỷ, bên trong có thang nâng để nạp đạn giữa trận chứ không phải dùng một lần rồi chạy về cảng nạp tiếp như đa số khu trục phương Tây bây giờ.

Đặc biệt, với việc kích thước tàu khá nhỏ, chỉ dài cỡ trăm sáu mươi mét và ít chi tiết thừa, lại có radar đời mới và hệ thống chạy im lặng gắn cùng động cơ, nó đã trở thành một sát thủ thứ thiệt. Bom bay dựa trên mẫu “Sonne C14” của Valhöll và “Hùng Vương 03” của Đế quốc Liên hiệp, được vài người bên phòng nghiên cứu vũ khí bay hỗ trợ chế tạo. Nó tương thích tốt với thiết kế tàu, không quá cồng kềnh, đặc biệt tầm bay xa đến ba trăm hai mươi hải lý giúp con tàu có thể tấn công từ ngoài tầm bắn của đối phương. Ngoài ra, thứ đó sẽ được gắn bộ phận dẫn hướng đời mới nhất, hoàn toàn độc lập, biến nó thành những “tên lửa dẫn đường” thực sự đầu tiên trên thế giới, chứ không phải kiểu bom bay phóng ra rồi cầu mong nó trúng.

Đọc qua lần đầu, ông không dám tin con mình lại có thể chỉ bằng tưởng tượng mà vẽ được ra cái tàu này, từ đó mới thành nền tảng cho hai người kia, hai giảng viên trong trường, đề nghị hợp tác nghiên cứu nó. Do thằng bé học bên kỹ thuật không quân, nên cái này mà thành công thì chắc nó không cần làm luận án tốt nghiệp luôn quá! Loại chiến hạm này, nếu được sản xuất hàng loạt, rất có thể sẽ là một pha lật kèo không thể nào ngoạn mục hơn của Cộng hòa Carib, biến họ từ thế lực không quân khu vực trở thành lực lượng ít nhất là đủ mạnh ở vùng Trung Tân thế giới.

Say sưa với tính toán của mình, Flint không để ý rằng ngoài kia, trời bắt đầu mưa.