Flame Phantom (Viêm Ma)

Chương 39




Tám rưỡi tối giờ Valhöll, ngày hai mươi mốt tháng Ba Tây lịch.



Đã năm năm rồi cung Brandenburg mới lại nhộn nhịp tới vậy, từ lần Hoàng đế bệ hạ sang Đế quốc Liên hiệp dự kỷ niệm đăng quang vua bên đó. Sáu tháng trước, thiệp mời đã được Đại sứ quán Đế quốc gửi cho, ngỏ ý mời Hoàng đế hiện tại, Friedrich III, cùng Hoàng hậu và các hoàng tử, công chúa đến. Tấm thiệp cũng ngỏ ý mời cả các quan chức cấp cao trong quân đội, Hạm đội Biển khơi Valhöll và dĩ nhiên, những nhà khoa học làm việc cho Tổng bộ Chiến tranh.



Không cần ai nói, họ đều biết đây nhất định chẳng phải chỉ là chuyến diễu hành chúc mừng thông thường, mà còn là một cuộc trưng bày, triển lãm những thành tựu khoa học quốc phòng mới nhất, đồng thời là động thái quảng cáo trá hình. Liên minh ba nước đã làm điều này từ lâu, tạo thành một tam giác luân chuyển “hàng nóng” hợp pháp, bán chúng cho các quốc gia đồng minh, đồng thời kiểm soát cả thị trường lẫn cán cân quyền lực với Albion và Columbia, người muốn giành lại thế độc bá, kẻ đang cố ngoi lên thành nhà thầu quân sự số một.



Brandenburg khổng lồ, cung điện nguy nga bậc nhất Valhöll lúc này đầy ắp các chính trị gia, những tướng lĩnh quân sự, kẻ hầu người hạ và thậm chí là giới quý tộc, liên tục tiến vào chiếc cổng vòm lớn gắn đầy những kính màu của nó, vô đại sảnh trắng toát màu vôi và đi nhanh vào phòng họp. Khu phức hợp khổng lồ hình chữ “U” lớn với ít nhất năm tòa nhà đặt liền nhau, gồm ba dãy liên tiếp thẳng hàng, cùng hai phần còn lại vuông góc, hướng thẳng ra mặt tiền đang phải mở hết mọi cửa chính, cửa phụ để đón tiếp quan chức Chính phủ. Là nơi ở của Hoàng gia Hohenzollern từ khi Valhöll từ Lãnh địa Tuyển hầu tước trở thành Vương quốc, rồi cuối cùng là đế quốc hùng mạnh bây giờ, nó đã luôn nườm nượp những vị ‘quan to” rồi.



Vách tường vàng kim ngả màu dưới ánh đèn đường trở nên lung linh, huyền ảo đến lạ, trong khi ánh đèn hắt ra từ hơn hai trăm cửa kính, rọi thẳng xuống mặt đường và hồ Libera nằm phía bên phải khiến nó không khác gì lâu đài cổ tích. Năm tháp lớn, nằm tại bốn góc cung và trung tâm của dãy giữa, sừng sững giữa nền trời đêm.



Bên trên sao sáng lấp lánh, dưới đất đền chiếu muôn nơi, cung điện mấy trăm năm tuổi hiện lên rõ ràng giữa trung tâm kinh thành Branden, giữa siêu đô thị phồn hoa, với đầy ắp các tòa cao ốc, ống dẫn và đường sá trên cao, như biểu tượng vĩnh cửu của Hoàng tộc. Khung cảnh trái ngược nhau hoàn toàn: Giữa bốn bề thành phố siêu cơ khí, lại hiện lên tòa thành như trong cổ tích. Tháp canh bát giác cùng mái và vòm cong phong cách trung đại tạo nên vẻ đẹp hài hòa đến lạ, khác hoàn toàn những tòa nhà cao vời vợi, đâm thẳng lên nền trời kia.



Tại căn phòng đặc biệt, nằm ở tháp bát giác trung tâm của cung điện Hoàng gia, Hoàng đế Friedrich III đang chủ trì buổi họp “bất thường” của Tổng bộ Chiến tranh Valhöll. Mục đích lần này chủ yếu là về những bước chuẩn bị cuối cùng để nhà vua đi Đại Việt, kịp tới dự buổi diễu binh của đồng minh nhằm kỷ niệm một thập niên ngày Hoàng đế bên họ lên ngôi. Lần trước, và cả lần trước nữa, tức chính là lễ đăng quang, ngài đều sang, để xem xem lực lượng vũ trang của quốc gia được xưng tụng là “Thiên hạ đệ nhất Không quân” này như thế nào. Và đúng như kỳ vọng, sức mạnh quân sự đó chưa bao giờ khiến bậc lãnh đạo bốn mươi sáu tuổi, mái tóc vàng đã bạc quá nửa này phải lắc đầu chán nản.



Bao quanh bởi tám bức tường cẩm thạch chạm trở hình đại bàng đen hai đầu, cùng ba ô cửa sổ pha lê lớn, dễ cao hơn một thước, nằm trọn trong bộ khung vàng ròng nhìn thẳng ra sân trước cung Brandenburg, chiếc bàn dài hơn mười thước, hai đầu bo tròn ấy là nơi các quan chức cao cấp bậc nhất của Tổng bộ Chiến tranh, với trợ lý của họ, bí mật họp. Trần nhà treo đầy đèn chùm, tỏa ánh vàng vàng phủ cả lên các vách trắng, cùng chiếc bàn gỗ sồi kê mặt kính bóng loáng. Hai mươi người, gồm chín chỉ huy cấp cao, trợ lý của họ, Hoàng đế và Thủ tướng đã sẵn sàng để tiến hành mọi thứ.



Ngồi tại trung tâm cạnh dài của bàn họp, Hoàng đế Valhöll, Friedrich III an tọa trên chiếc ghế riêng làm từ gỗ tùng, khảm lên đó ngà voi, đá quý cùng biểu tượng đại bàng hai đầu nhìn sang hai phía, với chiếc vương miện lớn nằm tại trung tâm. Giống như vị vua nước đồng minh, vua Friedrich III không mặc các thứ hoàng bào màu mè, rườm rà, thay vào đó lại là bộ quân phục Lục quân đen, kiểu cách nhưng vẫn vô cùng quý phái.



Cổ áo cao, ôm sát vào khiến nhà vua trông thanh lịch hơn hẳn, trong khi đôi hàng khuy áo vàng óng, kéo dài từ ngực xuống quá eo, cài chặt hai vạt áo lại. Thời tiết Branden gần đây không được ấm cho lắm, nên dù đã là đầu xuân, khắp chốn vẫn cứ se se lạnh. Đôi cầu vai vàng rực, gồm ngôi sao sáu cánh dập nổi, đè lên trên hai chiếc gậy Thống chế đặt chéo phía sau khẳng định vị trí đặc biệt của ngài trong quân đội. Ống tay áo mỗi bên có bốn vòng vàng lớn xếp liến nhau, ngay sau đó là một vòng gợn sóng, cùng với cầu vai, và chiếc gậy ngắn chừng bốn tấc, làm bằng sừng rồng, một phía có tượng đại bàng hai đầu tung cánh khẳng định chắc chắn vị trí của nhà vua trong quân đội.



Tướng sáu sao.



Hoàng đế cai trị đất nước, cũng chính là Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Đế quốc Valhöll.



Đưa tay vê vê bộ ria mép vểnh hẳn lên, chìa khỏi đôi gò má đã bắt đầu xuất hiện các vết nhăn, Friedrich III lắng nghe những thuộc cấp tài ba nhất của mình báo cáo tình hình. Do lần này không phải sẽ chỉ có một hay vài tàu, mà là toàn bộ Hải đoàn Cơ Động 1 của Hạm đội Biển khơi, nên không thể chuẩn bị sơ sài. Ngoài một trăm ba mươi tàu sẽ rời đi, khi đến cản Münchjen, họ sẽ tập hợp với đội sáu mươi zeppelin đổ bộ khác, tới cảng Sjudezte lấy “hàng” và đi thằng qua Đông Kinh. Hành trình này dự kiến sẽ mất khoảng bốn hôm, và tới nơi lúc nửa đêm ngày hăm lăm tháng Ba giờ Đại Việt.



Ngồi đối diện nhà vua, Thủ tướng Đế quốc, ngài Ludwig von Bismarck đẩy chiếc kính lão gọng sắt tròn lên, nheo nheo mắt xem lại các báo cáo cuối cùng. Trong khi đức vua cùng Hoàng thất đi vắng, ông, vị chính trị gia lỗi lạc đã cống hiến hơn tám mươi năm cho nền chính trị Tổ quốc, sẽ gánh mọi trách nhiệm điều hành quốc gia này. Cũng như các đồng minh, Valhöll là nước quân chủ hạn chế, nơi đức vua “chia sẻ” một phần quyền lực của mình cho các chính trị gia.



Vị Thủ tướng hơn trăm hai mươi tuổi, tóc bạc trắng đầu, râu ria bạc phơ nhưng ông già Noel này đã hỗ trợ bốn đời Hoàng đế từ khi Valhöll mới chỉ là một cường quốc khu vực, tới chiến tranh thống nhất và vươn thành siêu cường toàn cầu như bây giờ. Mặc bộ đồ Tây cũ, với áo vest phía trong chiếc áo bành tô da Lục quân, ở người đó toát lên một phong thái khác hẳn. Đằng sau thân thể già nua, khuôn mặt nhợt nhạt đầy các nếp nhăn, cùng vết bớt lớn trên thái dương trái, ẩn sâu trong đôi mắt xanh dẫu già vẫn tinh tường ấy chính là vị đại anh hùng dân tộc của quốc gia này. Đã từng như thế, đang như thế và sẽ mãi như thế.



– Ngài Thủ tướng, đã sẵn sàng chưa?

– Vâng, thưa Bệ hạ.



Một cuộc đối đáp cụt lủn, nhưng những người ở đó đều biết, như vậy là quá đủ. Hoàng đế của họ không phải người hay nói dông dài, mà thường dùng những câu cực ngắn, càng ngắn càng tốt, đôi khi không nói gì mà chỉ ậm ừ ra hiệu. Đối lại, chính Thủ tướng cũng kiệm lời, và các chỉ thị cho Quốc hội cũng cực kỳ gãy gọn, súc tích, hoàn toàn không thấy màu mè như những nguyên thủ nước khác. Hai người họ ít nói đến phát sợ, và tuy ai cũng biết dạng người hướng nội thường khó làm lãnh đạo, thực tế đã đạp đổ toàn bộ những suy nghĩ đó. Trao đổi chỉ vài câu, Friedrich III đã xác nhận việc chuyển bị cho chuyến công du đã hoàn tất, và von Bismarck cũng biết mình sắp phải ở lại trông coi quốc gia một mình. Vẫn không có gì thay đổi cả.



Bên phải Thủ tướng, Tư lệnh Hải đoàn Cơ động 1, Trung tướng Không quân Ulrich Strasser đang xem lại báo cáo mà anh trợ lý của mình, Thượng úy Hans Göring đưa lên. Lần này lực lượng của ông sẽ nhận nhiệm vụ hỗ trợ chiếc SMS Kaiser Hohenzollern, kỳ hạm riêng của Hoàng đế tới Đông Kinh, vì vậy việc chuẩn bị và đảm bảo an toàn phải được đặt lên hàng đầu. Mặc bộ quân phục Không quân xanh đen cài hai hàng khuy, chiếc mũ sĩ quan hai sừng đặt trên bàn, ông đang sắp sửa nêu ý kiến… Chờ đọc xong mớ giấy tờ này đã. Bảy mươi tám tuổi, đã kinh qua ít nhất ba cuộc chiến, trong đó có cả Đại chiến Gaia, về dạy tại Học viện Không quân Friedrichshaven, rồi lại nhận quyền chỉ huy Hải đoàn, đầu ông đã không còn sợi tóc nào.



Được coi là người đã cách tân tư duy tác chiến không lực của Valhöll, những nếp nhăn phủ đầy gương mặt khắc khổ, chai sạn vì sương gió của vị lão tướng ấy chính là minh chứng rõ ràng nhất cho những đêm mất ngủ, những ngày lao lực vì đất nước, tìm ra các phương án tác chiến, các học thuyết mới, và cả thời gian dẫn dắt lứa học viên trẻ, những trụ cột tương lai của đất nước. Bộ ria mép vểnh cùng chòm râu dê dưới cằm bạc trắng, miệng móm mém không còn đủ răng, mắt mờ đến nỗi phải dùng cặp kính đặc biệt mới nhìn được, và đôi bàn tay gầy còm, ông vẫn cố xem xét báo cáo. Bây giờ, nhận nhiệm vụ hộ vệ Friedrich III, Strasser biết mình lúc này không phải chỉ đơn thuần là bảo vệ lãnh tụ nữa. Thời gian của ông đang cạn dần. Đây có thể sẽ là lần cuối cùng được du hành cùng người cựu học viên của mình, và sang bên kia, gặp “con nhóc đó”.



Lần này, Bộ Tham mưu Không quân ra chỉ thị cho Hải đoàn Cơ Động 1 hộ tống Hoàng đế. Dĩ nhiên, nhiệm vụ thế này không phải điều gì quá lạ đối với Strasser. Gần mười năm đảm nhận vị trí Tư lệnh đơn vị, ông đã theo canh chừng Bệ hạ trong hàng chục chuyến công du nước ngoài rồi. Đơn vị ông chỉ huy gồm những tàu có tốc độ và tính cơ động cao nhất của Hạm đội Biển khơi, lực lượng bảo vệ phía Bắc Valhöll, canh chừng Liên bang Aesir cũng như biển Baltika, nên được chọn cũng không lạ. Tuy thế, hành trình lần này lại khác hẳn. Xuống phía Nam hội quân với nhóm zeppelin, rồi đi thẳng một mạch sang Đông Kinh, lộ trình đó ngắn nhưng hoàn toàn không dễ chịu.



Nhìn tấm bản đồ thế giới trải rộng trên bàn, dưới ánh đèn vàng vọt, Tư lệnh Lục quân Erich von Himmelsdorf khẽ chau mày. Là chỉ huy chính tại vùng phía Nam của tuyến Siegfried khi xưa và hiện đang canh giữ các tỉnh biên giới giáp với Romulusia, lão tướng bảy mươi tuổi này biết rõ lộ trình đi qua quá nhiều quốc gia sẽ không đơn giản. Mặc cùng kiểu quân phục với Hoàng đế, nhưng cầu vai lại có ba sao vàng, tức Trung tướng, ngang với Strasser, von Himmeldorf lại trông trẻ hơn người đồng cấp của mình nhiều. Mặt ông không quá nhăn nheo, tuy bên má trái có vết sẹo lồi khá dài chạy dọc từ vành tai xuống. Ông ta khá mập, so với một tướng tiền phương, với mái đầu mạc gần hết cắt ngắn gọn, bộ ria mép rậm rạp và râu quai nón dài quá ngực.



Sau khi tham khảo mọi tuyến đường khả thi, Tổng bộ Chiến tranh lẫn Bộ Ngoại giao đều nhất trí sẽ chọn lộ trình chính thức từ Branden tới Münchjen, sang Sjudezte và từ đó, bay thẳng một mạch tới thủ đô nước bạn. Hành trình dự kiến sẽ đi qua Romulusia, Vương quốc Hungollente, Cộng hòa Ostman mới thành lập, Liên minh Babylon, tới phía Bắc Gautama thuộc Albion, vào Cộng hòa Thổ Phồn rồi cuối cùng là hạ cánh tại cảng hàng không quân sự Hồ Tây của Đông Kinh, nơi có sức chứa tối đa ba trăm tàu các loại. Tuy Valhöll không tham gia duyệt binh, nhưng các thành tựu khoa học quốc phòng của họ vẫn sẽ được trưng bày, cho các quốc gia khác xem qua.



Nhắc đến thành tựu, von Himmelsdorf lập tức nói, mấy thứ lần này là “độc nhất vô nhị”, chưa quốc gia nào có thể hình dung ra. Đoạn, ông kêu người Đại tá đứng cạnh mình lấy trong cặp ra một xấp tài liệu. Đặt nó lên bàn, ông nói:



– Tôi có mượn chút ý tưởng từ ngài Strasser, nhưng phần còn lại là công trình của tôi, anh bạn Guderian đây và Thiếu tướng von Manstein. Bệ hạ, đây sẽ là át chủ bài để chúng ta áp đảo trong cuộc trưng bày vũ khí và cả trên chiến trường đất liền!



Đặt xấp giấy cùng một mô hình sắt lên bàn, tướng von Himmelsdorf yêu cầu người phụ tá tự trình bày, vì, theo ông nói, chính anh thanh niên tóc vàng, trông mới hơn ba mươi ấy mới là người đã đưa ra ý tưởng về học thuyết này, còn ông và von Manstein chỉ hỗ trợ chỉnh sửa và “thực tế hóa” nó, do ý tưởng ban đầu có phần quá lý tưởng. Ông cũng nói, chắc chắn lần trưng bày vũ khí này, đế quốc sẽ khoe mấy cây K20 mới ra lò, Novgoroussiya mang ra thứ “tiểu liên” mới, còn món gì không thì chẳng ai biết được. Bảo mật quá tốt, nhưng thế cũng không sao.



Đứng lên trước toàn thể cả chục tướng lĩnh quân sự hàng đầu, cả Hoàng đế và Thủ tướng, anh đại tá trẻ gần như khớp, không nói được gì, Đôi tay hết nắm chặt vào nhau rồi lại nhàu nát túi quần, cuối cùng phải vài phút mới bắt đầu được. Người đó tên Adolf Guderian, gốc gác bình dân, nhưng lại có suy nghĩ của một thiên tài tương lai.



Thứ được trình bày ở đây chính là hai đồ án thi tiến sĩ của anh ta, gồm loại “phương tiện chiến đấu bọc thép” mới và học thuyết tác chiến chớp nhoáng, chuyên dùng để đánh gục các mục tiêu trong thời gian ngắn. Theo đó, binh chủng hợp thành, với nòng cốt là lực lượng thiết giáp và bộ binh cơ động, sẽ tập trung thành một “mũi thương” nhọn, đâm thủng phòng tuyến địch và nhanh chóng cô lập, tiêu diệt các cứ điểm. Không quân sẽ hỗ trợ tích cực cho quá trình này, vì nếu không đảm bảo được bầu trời “sạch”, quân thiết giáp sẽ bị nghiền nát ngay.



Mục đích thực sự của học thuyết đó được giữ bí mật. Tuy nhiên, phương tiện thực hiện nó lại được trình bày khá rõ ràng. Định danh “Panzerkampfwagen”, gọi tắt là “panzer”, thứ ấy dùng hệ thống bánh xích truyền động như máy cày, đằng sau còn có chỗ đặt động cơ và ống khói lớn. Điểm đặc biệt của nó chính là động cơ bọc giáp nghiêng góc sáu mươi độ, và bên trên có một “tháp pháo” đơn nòng xoay được, nom cứ như lấy tháp chiến hạm lắp vào. Toàn xe trang bị giáp nghiêng, với độ dày là năm phân ở mặt trước và sau, ba phân hai bên hông, đồng thời bọc bốn phân trên nóc tháp pháo để đảm bảo không bị các xe bay dội bom.



Vũ trang phương tiện gồm một pháo nòng dài 50mm KwK 22 L/60 có thể bắn đạn xuyên giáp đi xa tối đa sáu cây, và sức xuyên sáu mươi ly thép luyện ở góc va chạm bốn mươi lăm độ. Bên cạnh đó, nó còn một súng máy MG 15 đồng trục, trang bị thêm trung liên MG 10 dùng bầu nước tản nhiệt trên nóc để chống các phương tiện bay tầm thấp. Nguyên mẫu duy nhất đã chế tạo đạt vận tốc ba mươi cây mỗi giờ, không quá nhanh nhưng vẫn phù hợp cho nhiệm vụ thọc sâu và hỗ trợ bộ binh, đồng thời càn quét các ụ phòng ngự của địch.



Chế tạo nó với số lượng lớn là điều hoàn toàn có thể, vì khi thiết kế, Guderian đã chủ trương loại xe có thể dễ dàng chế tạo, dễ sửa, nhìn xấu cũng được, ưu tiên thực tiễn đặt lên hàng đầu. Xe trang bị hệ thống radio vô tuyến mới nhất, dải băng tần ngắn giúp nó có thể nhận và phát lệnh từ cự ly tối đa mười cây, và liên lạc được với zeppelin.



Tổng tải trọng xe này là hai mươi chín tấn, đã kèm cơ số bảy mươi viên đạn, một zeppelin có thể mang tối đa mười ba xe thế này. Kíp lái gồm bốn người, với xa trưởng kiêm liên lạc, pháo thủ, người nạp đạn và bác tài. Không yêu cầu đào tạo phức tạp, bác tài chỉ cần biết lái máy cày thì có thể đem món này lên đua trên đường cao tốc, còn pháo thủ và nạp đạn có thể lấy ngay dân pháo binh. Duy chỉ có chỉ huy là phải đào tạo thêm để quen với việc tác chiến trên khí tài mới.



– Thú vị. – Một vị tướng ngồi cùng hàng với Hoàng đế, ở tận cùng bên trái bàn nói – Vậy ý anh đây là nó sẽ tạo thành hỏa lực lẫn lô cốt cơ động để hỗ trợ bộ binh của ta?



Từ phía đó, giọng nói trầm khan vang lên. Nhìn sang, Guderian thấy đó là Tư lệnh Phương diện quân Nordensachsen, Paulus von Hindenburg, “Anh hùng của Siegfried”. Chín mươi sáu tuổi, ông thuộc hàng các tướng lĩnh già nhất, phục vụ từ thời Liên minh các vương quốc Valhöll tới nay. Mặc bộ quân phục Lục quân tiêu chuẩn với áo bành tô đen, nhưng vị tướng già, ria mép vểnh trên vẻ mặt mệt mỏi, nhăn nheo ấy có vẻ gì đó rất khác. Chắc hẳn đó là chiếc mũ sắt có đinh nhọn bên trên, biểu tượng từ thời Valhöll mới chỉ là một vương quốc bé tẻo teo bị ép trong các chư hầu của Thánh quốc Romulusia. Da dẻ nhợt nhạt, đầu bạc trắng, người phát phì, nhìn ông ta không khỏe chút nào. Ấy vậy mà, ánh nhìn vẫn còn tinh tường lắm.



– Vâng thưa ngài. – Guderian gật đầu – Theo đề án của tôi, một mũi tấn công lấy thiết giáp làm đầu, quân cơ động đi sau, sẽ vừa tiến công kẻ địch vừa bảo vệ được lính mình phía sau. Lớp vỏ giáp của panzer rất dày, dư sức chống chịu những cỡ đạn súng trường, súng máy hiện tại. Đối với lựu pháo và pháo cối, tôi không tin rằng đã có quốc gia nào nghĩ đến việc dùng đạn xuyên giáp động năng để chống lại các lô cốt biết đi cả. Ngoài ra, pháo KwK 22 đảm bảo được tốc độ bắn sáu phát mỗi phút, dùng cả đạn xuyên giáp và đạn nổ mạnh, thêm súng máy đồng trục cơ số sáu trăm viên đạn nên có thể đảm bảo yếu tố áp đảo hỏa lực đối phương.

– Vậy à? – Thủ tướng Bismarck khẽ kéo ria – Paulus, tôi tin ông không phải chỉ hỏi suông như thế?

– Đúng vậy, Thủ tướng. Đúng vậy.



Chỉ vào mô hình đó, ngài Hindenburg bắt đầu đặt nghi vấn. Một động cơ hơi nước bình thường có thể đạt tốc độ ba mươi cây mỗi giờ, điều này ai cũng biết. Tuy nhiên, nó cực kỳ nóng, và yêu cầu phải liên tục được cấp dung dịch làm mát pha loãng từ Divaenium, nước nhẹ và cồn công nghiệp. Giả sử đang chiến đấu mà xảy ra sự cố, như lò bị rỉ, hay các ống làm mát có vấn đề, áp suất tăng quá cao,… thì nhất định sẽ có chuyện xảy ra.



Chưa kể Divaenium khi vào lò nung của động cơ sẽ giải phóng tia gamma cực hại, có thể phá hủy cấu trúc tế bào cơ thể sinh vật, gây đột biến hay chết tức thời. Chiến hạm, hỏa xa và những phương tiện cỡ lớn dùng động cơ này để vận hành đều phải được lắp buồng chống phóng xạ bằng chì, trang bị thêm kết giới phòng thủ bên ngoài. Vậy một chiếc xe nhỏ thó thế này có đảm bảo được không? Nếu không, làm sao có thể, như Guderian trình bày, làm phương tiện xung kích lẫn bảo vệ cho quân đội?



Tuy cách đặt vấn đề có hơi sỗ sàng, nhưng hầu như không ai có ý kiến chống lại. Tập hợp ở đây đều là giới tinh hoa của quân đội. Tư tưởng của họ không giống các tướng lĩnh khác. Vả lại, sau khi thấy lực lượng kỵ binh “đáng tự hào” thua sấp mặt trong Đại chiến Gaia, nhìn từng sư đoàn kỵ mã đáng tự hào, chỉ huy bởi các quý tộc danh giá lần lượt ngã xuống đống sình lầy tởm lợm, đầy máu me đờm dãi trước họng súng máy kẻ địch, tư tưởng của họ đã quyết. Không thể coi kỵ binh là binh chủng lớn được nữa. Súng đạn có thể cải tiến, chiến thuật có thể thay đổi, nhưng ngựa thì không. Quân kỵ đã tới giới hạn của mình. Sình lầy, kẽm gai, súng máy, pháo binh, chúng đã khiến quân ngựa xung phong trở nên lỗi thời hoàn toàn.



Hai mươi mốt năm trước, Albion đã cho trình làng “xe bọc thép” đầu tiên, lô cốt di động đúng nghĩa, trang bị súng máy và một khẩu lựu pháo. Nó đã tạo nên một cú sốc cực lớn cho giới quân sự, khi lần đầu tiên trong lịch sử, một khí tài trên bộ lại đảm bảo “an toàn cận tuyệt đối” cho binh lính. Dĩ nhiên nó vẫn có vấn đề: Bộ truyền động tệ hại khiến xe xóc như điên, động cơ siêu nóng nên ai lái cũng phải cởi hết quần áo, dù mùa đông hay hè gì cũng thế, lại thêm lớp xích có thể bị phá hủy bởi một chùm lựu đạn chày nữa. Đứt xích là khỏi đi, và nó thành lô cốt. Súng máy bị hạn chế tầm nhìn khá nhiều, cách bố trí lựu pháo hai bên hông xe giống chiến hạm khiến góc bắn bị giới hạn khá nhiều, nhưng hiệu quả tâm lý và giá trị chiến lược lâu dài thứ ấy đem lại đã thay đổi hoàn toàn tư duy chiến tranh.



Vào thời điểm ra mắt, “thùng nước”, tên gọi của loại xe bọc thép chiến đấu kia, đã liên tục hỗ trợ chọc thủng từng cụm cứ điểm một ở tuyến Calais, nằm ở Bắc Gaullia, và đi sâu vào bên trong. Tuy nhiên, hai thập niên trôi qua, và nó vẫn chưa có bước tiến đáng kể nào. Theo cách giải thích của giới lý luận bảo thủ, đó là do kỵ binh vẫn tốt, linh động và hiệu quả hơn mấy cái lô cốt biết bò này. Giới nghiên cứu cho rằng do quan điểm coi “thùng nước” là khí tài hỗ trợ, tấm khiên biết đi cho tiểu đội nên nó vẫn chưa được phát triển quy mô lớn. Các chính trị gia lý luận rằng do quân số phần lớn là á nhân, yêu ma có sức chịu đựng cao nên mấy thứ này đứng ra “tank” sẽ chẳng có ích gì mấy, trong khi nhiều người lại bảo, dồn nguồn lực đóng chiến hạm hỗ trợ không lực còn có lý hơn.



Khoanh tay lại, von Himmelsdorf nói rằng, học thuyết sử dụng xe thiết giáp chiến đấu làm mũi chủ lực là điều vô cùng mới mẻ, và cùng với lý luận chiến tranh tổng lực của Strasser, lý thuyết hải đoàn cơ động đánh phá tuyến vận tải của Nguyên soái Fisher bên Albion, và học thuyết cơ động cấp đại hạm đội, dùng tác chiến chiều sâu phối hợp binh chủng hợp thành của Tổng lãnh Giao Long, đây sẽ là những trụ cột mới cho lý luận chiến tranh hiện đại. Theo ông, người có kinh nghiệm mấy mươi năm chinh chiến, cùng sự trợ giúp tại chỗ của chiến tướng nổi tiếng von Hindenburg, xe thiết giáp sẽ là chủ lực của tác chiến quy mô lớn trên bộ, thay thế hoàn toàn bộ binh truyền thống và quân kỵ.



Tiếp tục hỗ trợ cho phụ tá, người mà von Himmelsdorf rõ ràng đặt rất nhiều kỳ vọng vào, ông lại vỗ nhẹ lưng anh ta, bảo hãy nói lên ý kiến của mình. Bởi lẽ, học thuyết là do Guderian đề ra, có tham khảo rất nhiều nhưng cái cốt lõi vẫn là anh ấy viết. Được khích lệ, chàng Đại tá hít một hơi thật sâu, rồi lại trình bày. Một nội dung mà ngay đến Hoàng đế cũng bàng hoàng.



Tái cấu trúc quân đội Valhöll.



~oOo~



Mười giờ tối.



Cuộc họp đã kết thúc từ lâu. Trong số những tướng lĩnh và phụ tá tới đây, chỉ còn lại các ngài Strasser, von Himmelsdorf, Thủ tướng von Bismarck và các phụ tá của họ. Những người này đóng vai trò trụ cột trong chiến lược phát triển quân sự mới của đất nước, nên Hoàng đế đã đặc cách gọi lại. Không phải ai cũng có được diễm phước vào phòng riêng của nhà vua, ngự tại nơi cao nhất của tháp trung tâm, nhìn ra toàn bộ trung tâm thủ đô Branden vĩ đại.



Bước qua đôi cửa gỗ sồi cao lớn, hai bên đều khắc hình đại bàng hai đầu dang rộng cánh, bên trên là vương miện hoàng gia Hohenzollern cùng biểu tượng đầu lâu xương chéo, họ tiến vào trong. Nơi này, các tướng lĩnh thường được bí mật gọi tới để Hoàng đế đích thân giao nhiệm vụ, và cũng là nơi Thủ tướng von Bismarck hay phải vào mỗi khi chính phủ bất ổn.



Từ căn phòng này đây, Hoàng đế Friedrich III bí mật cai trị cả đất nước, hoàn toàn khác với Hiến pháp là nhà vua chỉ sở hữu bốn mươi phần trăm quyền lực Nhà nước. Một hành động mà nếu ở các nước cộng hòa, nhà lãnh đạo đã bị luận tội vi hiến và đưa ra Tòa án Tối cao, thì ở Valhöll, nó gần như vô nghĩa. Không có bằng chứng, mọi chỉ thị đều được truyền miệng, và không ai được mang dụng cụ ghi âm vào. Tất cả đều tuyệt mật, để Hoàng tộc tiếp tục bí mật thâu tóm quyền lực quân sự. Chỉ cần giới quân sự thôi, đã đủ rồi.



Trong căn buồng lớn hình bát giác, làm theo thiết kế tòa tháp chính này, Friedrich III đang nằm dài trên giường, bộ quân phục vẫn còn trên người. Tuy hai sĩ quan trẻ khá sốc khi thấy điều này, nhưng ba bô lão lại trưng ra bản mặt “Nữa à?” rồi bước vào.



Phòng riêng của nhà lãnh đạo, dĩ nhiên thiết kế phải khác. Tám góc tường được trang trí bởi tám chiếc trụ lớn, trắng toát, nhưng ngả vàng dưới ánh sáng của chiếc đèn chùm lớn mấy mươi bóng treo bên trên. Các trụ ấy đỡ lấy tám vòm lớn, tạo thành phần trần phòng, và cũng chính là mái tháp. Nơi đây rất lớn, với tám cửa sổ pha lê khung vàng nhìn ra mọi hướng, hơn hai mươi kệ sách để san sát nhau, cùng cầu thang di động để đức vua dễ dàng lấy sách.



Từ khi xây cung Brandenburg, nó gần như không mấy thay đổi, chỉ có khi Friedrich III kế vị, ngài đã cho tháo bớt những bức tranh mà theo ngài là “quá màu mè” xuống. Quân vương hiện tại không thích mấy thứ đó, nhưng lại rất ghiền sách vở, đến nỗi chất chồng cả trên sàn. Người nào không biết, chắc chẳng dám nghĩ đây lại là nơi sống của một trong bốn Hoàng đế cuối cùng của thế giới.



Giường riêng của Friedrich III được đặt sát vào bức vách nhìn thẳng ra sân trước. Khác với nhiều ông bà hoàng sẽ dùng loại giường to cố định, ngài chuộng thứ giường xếp gọn hơn, khi không dùng tới có thể thu vào như cái ghế xa lông, kéo bàn gỗ lại và thành nơi làm việc luôn. Nhà vệ sinh và nhà tắm riêng đều có ở đây, nằm tại các góc khác nhau. Chúng mới được xây thêm, vì ông vua này thường bận ngập đầu với đống giấy tờ, đến nỗi thời gian đánh răng cũng khó có nữa. Vì vậy, ngài gần như ở lỳ trong buồng riêng, họa hoằn lắm – như tối nay – mới gác lại công chuyện mà ra ngoài.



Chỉ tay vào mấy chiếc ghế để sẵn, Friedrich III ngụ ý bảo các tướng hãy ngồi đó. Chỉ có ba chiếc, nên hai phụ tá phải đứng phía sau. Trên bàn, đặt một xấp giấy lớn, cùng với đó là bản vẽ một loại tàu mới. Rõ ràng, đó là thứ Hoàng đế quan tâm lúc này, hơn là một học thuyết tác chiến đất liền.



Tuy nhiên, nhìn vào thì đó là thiết kế của loại chiến hạm xương sống của Không quân Valhöll hiện giờ. Thiết giáp hạm đổ bộ lớp Europa. Sử dụng khung thân zeppelin để vận hành, trang bị mười tháp pháo phụ nòng đôi và khoảng mười mấy tháp pháo chính, tháp chỉ huy đặt ở mé sau. Với năng lượng sinh ra từ động cơ ma thuật đen, thứ công nghệ thất lạc được tộc người Nibelgn vùng Đông Bắc lưu giữ, nó có thể vận hành liên tục hàng năm trời, và sẽ chỉ phải đại tu mỗi bốn năm, nếu không có sự cố gì. Được phát triển và sản xuát sau khi Dreadnought ra đời, dù thiết kế khá lỗi mốt nhưng chúng lại chính là nắm đấm thép mạnh nhất mà Valhöll đang có, dư sức đánh ngang lớp Caliburn đang dùng của Albion, và sáng ngang lớp Định Quốc mới của Đế quốc Liên hiệp.



Gọi Guderian tới gần, Friedrich III mới nói:



– Theo ngươi thì một chiếc Eurupa chở được bao nhiêu panzer?

– Vâng?



Bất ngờ trước câu hỏi vừa rồi, Guderian hơi chững lại. Nhưng sau vài giây bất ngờ, anh đã lấy lại bình tĩnh, rồi từ từ trả lời. Với khả năng của chúng, vốn là tàu tấn công đổ bộ và hỗ trợ mặt đất hơn là tác chiến hạm đối hạm, một chiếc Eurupa mẫu A, loại đầu tiên, có thể mang khoảng ba mươi xe trong khoang đổ bộ. Biến thể mẫu B chuyên dụng cho tàu đổ bộ, xếp chung với các zeppelin, có thể mang khoảng một trung đoàn năm mươi xe, trong khi biến thể C chuyên về tác chiến trên không thì ít hơn, chỉ tầm hai mươi, và sẽ bị hạn chế hoạt động khá nhiều.



Valhöll đang có trên dưới ba trăm tàu mẫu A, khoảng một trăm chiếc mẫu B và cỡ bốn mươi mẫu C, nên ảnh hưởng cũng không lớn lắm. Do dùng cùng thiết kế thân trụ dài như zeppelin đời cũ, nó có thể dễ dàng cải biến lại thành tàu thuần đổ bộ, thay thế cửa gondola bên dưới bằng các cửa há mồm, cho phép triển khai số lượng lớn thiết giáp ra ngoài. Dĩ nhiên, cũng như golem cơ khí, chúng khá nặng và cồng kềnh, nên mỗi tàu sẽ khó mang nhiều mà vẫn cơ động được. Nhưng nếu có thể làm với quy mô lớn, Guderian đánh bạo nêu ý kiến, nó có thể thay đổi hoàn toàn tư duy và phương thức tiến hành không vận và đổ bộ đường không.



– Các người nghĩ sao? – Friedrich III chống cằm – Khả thi chứ?

– Vâng, thưa Bệ hạ. – Tướng Strasser gật đầu – Erich, ông kiếm được thằng nhóc khá đấy! Kế hoạch đổ bộ xe thiết giáp bằng tàu bay này rất thực tế, và có thể cơ động triển khai số lượng lớn quân tới tiền tuyến. Lối suy nghĩ này rất phù hợp với học thuyết đánh chớp nhoáng cậu ta đề ra ban nãy, và Không lực cũng có việc để làm. Bệ hạ, thần đồng ý.

– Cũng được. – Ngài Bismarck nói – Vốn lớp Eurupa cũng là tàu đổ bộ búp bóng thiết giáp hạm rồi, không cần thiết phải quan trọng hóa vấn đề này. Tuy nhiên, nếu muốn làm cho thật hiệu quả thì hoặ tăng số đặt hàng mẫu B, hoặc dùng hỗn hợp chúng với zeppelin truyền thống, đặt thêm khu trục vào hộ tống. Đa số không quân hạng nặng của ta thuộc dạng “chậm”, chủ trương pháo to giáp dày, chỉ có Hải đoàn Cơ động 1 là nhanh tương đối, nên thần đề nghị dùng các hải đội cao tốc đi hộ tống nhóm này. Kiêm luôn cả việc oanh tạc nữa.

– Hừm, có lẽ.



Trong khi các tướng đang bàn luận, đứng phía sau, viên phụ tá của Strasser chỉ lặng lẽ quan sát. Một Trung úy trông gần ba mươi, chưa có chiến tích, công trạng gì nổi bật, lại được chính người quyền lực thứ hai trong Không quân chọn làm người hỗ trợ mình. Anh ta đứng yên, với vẻ mặt hơi cục mịch nhưng hiền lành, ánh nhìn khờ khạo và đầu hớt ngắn. Cặp kính gọng tròn trên mũi khiến bộ mặt đầy tàn nhan kia trông ngố hơn hẳn, dẫu thế, không giấu được cái mím môi kỳ lạ. Là một trong các phi công vimana, tức “xe bay” xuất sắc nhất, và đã ra nhiều chiến thuật khiến bạn học đồng khóa trầm trồ, chính Strasser đã đề nghị nhận anh làm cánh tay phải của mình. Tuy giờ chưa đâu vào đâu, nhưng một khi hoàn thành luận án, người thanh niên ấy có thể sẽ thay đổi hoàn toàn học thuyết không quân hiện hữu.



Gerhald Göring.