Flame Phantom (Viêm Ma)

Chương 41





Bước xuống nhà chứa xe bay, Giao Long thong dong đi giữa mùi dầu nhớt, kim loại và cả mấy khẩu đại liên nằm vương vãi khắp nơi. Bố trí ngay dưới cánh Hồng Ma, nối liền nhau thành một vùng rộng hàng trăm thước, về lý thuyết, hầm chứa này có thể ních đến hơn sáu trăm xe, với khoảng bốn trăm chiếc đóng thùng và số còn lại thuộc nhóm trực chiến. Đa số là kiểu cường kích, tức chuyên dùng tấn công đơn vị mặt đất, với mũi to bè và đại liên ba nòng lắp vào đó, trong khi động cơ đẩy và buồng lái nằm ở phía sau.

Với chiều dài chỉ khoảng tám thước, nó nhỏ gọn hơn cả những tàu phóng bom bay nhỏ nhất, trong khi lại đảm bảo được tính bảo vệ vừa đủ và hỏa lực hàng khủng. Sáu pháo ba mươi ly trên hai cánh, mỗi bên ba cây, dư sức cày nát một tiểu đội nếu ở vị trí thích hợp. Lại thêm, đại liên ở mũi có thể xoay, tuy khá hạn chế, nên rất thích hợp đánh càn bên dưới. Điểm yếu của mẫu này là mũi quá to, lại bành ngang ra, khiến khả năng xé gió bị giảm đi rất nhiều. Thân xe cũng làm theo kiểu thông thường, không nhắm vào tính khí động học mà là khả năng cầm cự, nên nó rất cứng và tù. Bánh xe cũng là kiểu cố định, không gập vào được, nên rất dễ ảnh hưởng khi bay cao và bổ nhào.

Vimana tấn công mặt đất đầu tiên, thiết kế LAtV01.

Hai chỗ ngồi, hai đai an toàn, tốc độ tối đa bốn trăm hai mươi cây mỗi giờ, trần bay lý thuyết hai ngàn bốn trăm thước, nó là phiên bản xe bay đầu tiên được phát triển cho tác chiến chi viện cơ động. Lên xuống thẳng đứng, dùng cùng nguyên lý vận hành như các tàu bay nhưng ở quy mô bé hơn hẳn, một chiến hạm tiêu chuẩn lớp Định Quốc nếu cải biên sẽ có thể nhét tới năm, sáu mươi xe thế này. Hỗn hợp dung dịch đốt Divaenium – nước cất giúp thứ này cực kỳ kinh tế, và cũng gần như không ô nhiễm môi trường. Đối với các lực lượng đổ bộ mà nói, thì có thứ này bay vòng vòng trên đầu giống như đội hình phalanx được kỵ binh hetairoi bảo vệ vậy.

Nhưng không thể đánh nhau chỉ với cường kích đối đất được.

Trần bay bị hạn chế nặng nề, không thể sống sót qua các phong lộ và máy chém, mẫu LAtV01 chủ yếu dùng cho chi viện, đến nỗi cực chẳng đã thì là tuần tra tác chiến trên không, Giao Long vẫn chưa thỏa mãn. Không, phải là toàn bộ nhóm nghiên cứu của cô chưa thỏa mãn. Mục đích của họ ban đầu là một loại phương tiện mới, nhỏ hơn cả thuyền phóng bom bay, nhưng phải đảm bảo được tính cơ động ở mức tối đa, cùng với đó là khả năng hoạt động tầm xa và hỏa lực có thể đạp thẳng vào mặt lũ phi long hai cẳng kia. Và dĩ nhiên, khi bản thân không khác gì cái xe thồ, nó không thể đạt sự cơ động yêu cầu, và cũng không thể không chiến theo mong đợi được.

Nắm chặt tay, Giao Long rời khỏi cầu thang dựng gần thẳng đứng, đi sâu vào trong. Khoang xe bay của Hồng Ma xây gần như biệt lập khỏi các phần còn lại của tàu, với vách ngăn dày hai thước Stalinium, lại thêm một lớp chì mỏng giữa hai phần tường. Các bồn nhiên liệu được bố trí tách biệt hoàn toàn, xung quanh gắn hàng trăm ống dẫn to tướng, với van điều chỉnh và đồng hồ báo áp suất. Dung dịch Divaenium pha nước cất rất khó cháy, ném lửa vào nó cũng tắt ngấm, nhưng đó là ở áp suất tiêu chuẩn. Nếu bị đưa vào buồng đốt cao áp của xe, nó sẽ nổ ngay lập tức, tạo thành năng lượng đẩy pít tông. Thậm chí hạ áp đột ngột cũng có thể nổ nữa, nên luôn phải kiểm tra các bồn chứa là vậy.

Khoang Giao Long tiến xuống là chỗ ở cánh trái tàu. Từ đây nhìn ra, cô thấy rõ cả cửa sập khổng lồ được mở rộng, hướng về phía trước, trông thẳng ra cầu cảng. Ngoài kia, sương khói nhiều quá! Mà chẳng phải sương, hơi nước chứ nhỉ? Nhiều hơi nước quá, bốc trắng xóa cả khu cảng đậu rộng mấy cây vuông. Hồng Ma hướng mũi ra chân núi, nên từ đây không nhìn được hệ thống cơ khí đằng sau, nhưng vẫn trông rõ các cần cẩu. Đặc biệt, tầm nhìn ở đây tuyệt đối hoàn hảo để quan sát dãy pháo phụ dưới đát mạn trái. Bắt đầu từ tối qua, giờ họ đã bắt đầu tháo xuống tới dưới rồi.

Từng giàn giáo khổng lồ được bắc lên, nom như xây cao ốc ở Gia Định, chỉ để đảm bảo mấy cái ụ nặng hàng trăm tấn ấy không rơi bịch xuống đất. Ừ thì… Chúng mà rơi kiểu đó thì có chuyện lớn đó, nhưng hiện tại Giao Long không lo lắm. Việc tạo ra cấu trúc tháp pháo ngược, tức nằm dưới đáy tàu, là một thành tựu cực lớn của thời Cách mạng Hơi nước, với hàng trăm cơ quan nhỏ bên trong giúp tạo thành một mạng lưới tròn chạy giữa chân tháp pháo và bệ giữ. Thang nâng đạn làm y hệt phía trên, nhưng thay vì đưa lên thì chúng đưa xuống. Vả lại, do làm theo lối module ráp vào nên việc tháo lắp không tốn quá nhiều thời gian. Thứ cần chú ý chính ở đây là các cần cẩu, thứ sẽ giữ mấy ụ tròn tròn ấy khi chúng tách khỏi bệ.

“Cũng may mình lôi hết đạn ra rồi.”, Giao Long nghĩ thầm.

Hôm qua, ngay khi nhận tin hàng tới, Giao Long đã ra lệnh trực tiếp cho bộ phận hậu cần với hỏa lực vận chuyển đạn dược, thuốc phóng ra. Cô không muốn cái dinh của mình giống một con chiến hạm nào đó nổ văng tháp khi đang buông neo. Hồng Ma không phải con ốc sên, vì vậy nếu có nổ, Giao Long hi vọng đó sẽ là do tĩnh điện trong không khí, làm tàu bắt lửa và cháy rụi như quả khí cầu nào đó… A, nghĩ thế thì Oa Lân lại gắt lên cho xem. Hờ, kệ chứ. Trong cái dàn thi quỷ của chồng, cô chỉ ngán đúng một người, người mà “Thi Hoàng” cũng phải nể đến năm sáu phần.

– Quyết thắng!
– Quyết thắng.

Đưa tay chào kèm câu khẩu hiệu thần thánh, Giao Long liếc mắt trông xuống người thuộc cấp trước mặt mình. Một cô gái độ khoảng ngoài hai mươi, da dẻ xanh xao đang hướng cặp mắt đỏ rực màu máu lên mà chằm chằm nhìn mình. Cao chừng thước bảy, cô ta ưỡn căng bộ ngực tròn to lên, chân khép sát, giơ cao tay phải chào cấp trên. Không phải đồng phục thủy thủ, thay vào đó người này lại mặc đồ kỹ sư, với áo dài tay có hai túi trước ngực, quần dài túm ống, chân đi ủng và đầu đội mũ lưỡi trai, tất cả đều là màu xám tro.

Người ở bộ phận kỹ thuật sẽ không đeo cầu vai, phù hiệu hay thêu vạch vàng ở cổ tay áo, vì khi làm việc thì chúng sẽ bẩn ngay. Chỉ những sĩ quan cấp cao, như Jessie, mới dùng cầu vai, mà đó là cô ta mặc lễ phục của bên đó rồi. Còn bình thường, như cô gái này và nhiều người khác đang làm việc, thì họ xác định nhau bằng tấm bảng tên nhỏ đeo ngay trên mép túi phải.

Chiếc thẻ kim loại đeo trên cổ cũng được, nhưng nhóm kỹ sư phải cài nút cao lên tới kín mít cổ, găng tay lại dày cộm, nên lấy thẻ ra khá bất tiện. Một số phanh vài cúc trên cùng, để lộ chiếc áo thun ba lỗ trắng kẻ sọc xanh bên trong, ôm sát mình, vừa đủ làm lộ bộ ngực căng tràn nhựa sống – dẫu tất cả là thi quỷ – và khe sâu thần thánh giữa hai quả đồi đó. Không có quy định nào bắt các lực lượng ngoài quân đổ bộ phải mặc loại áo này, đó chỉ là chút “sở thích” của Hồng Ma, để cô ta có thể tia ngực người ta bất cứ lúc nào.

Dĩ nhiên, Giao Long không có cái ham muốn ấy.

Cô quan tâm thứ khác.

Hoàn thành màn chào hỏi thủ tục, Giao Long mới hỏi cô gái kia:

– Tình hình sao rồi?
– Thưa, mọi thứ vẫn theo đúng tiến độ! – Cô gái kia đáp lời – Theo báo cáo, đã có tổng cộng một trăm năm mươi bảy trong số hai trăm tiêm kích được chuyển lên tàu, cùng với đó là mười bốn ngàn tấn đạn ba mươi ly dùng cho chúng! Thuyền trưởng, thực sự chỉ dùng pháo ba mươi ly sẽ không sao chứ?
– Chịu thôi. – Giao Long nhún vai – Ta đâu phải người phụ trách mảng này! Vụ xe bay là Bộ Tổng tư lệnh lo hết, ta chỉ nhận hàng về và tiến hành sản xuất thôi… Nhưng tới giờ này họ mới giao mẫu thì cũng không biết phải mần ăn sao nữa.
– Vâng…

Hạ thấp giọng, nữ sĩ quan kia tiếp tục báo cáo. Do phiên bản xe bay “tự trồng” đầu tiên lại là cường kích, nên mẫu mới mà Bộ Tổng tư lệnh yêu cầu Tổng cục Kỹ thuật và các viện nghiên cứu hàng không là loại khu trục cơ, hay nói dễ hiểu hơn là tiêm kích. Cũng như khu trục hạm, khu trục cơ sẽ thực sự có khả năng ứng chiến không đối không, bay hộ tống hạm đội, thực hiện các động tác di chuyển vốn bị cho là bất khả thi đối với tàu, và trên hết là rẻ và dễ chế tạo, có thể nhanh chóng đưa vào dây chuyền sản xuất hàng loạt.

Hiện tại các phiên bản được gửi cho Giao Long đều là thiết kế “A”, tức kiểu đầu tiên. Mà cả năm vùng kia cũng thế, họ đều nhận những chiếc giống hệt nhau. Có vẻ khả năng sản xuất công nghiệp nặng của Trung ương đã tăng đáng kể từ sau vụ bạo loạn bốn năm trước. Để làm được lô hàng này, họ đã học theo cách người ta đóng Hồng Ma: Các nhà máy khác nhau tạo tác riêng từng bộ phận, sau đó đưa về quân xưởng để lắp ráp lại cho hoàn chỉnh.

Với cách làm theo bộ phận rời này, các nhà máy, xí nghiệp có thể chuyên biệt vào làm một hay vài phần, trong khi xưởng quân đội chỉ việc lắp ráp lại. Phương án này giúp đẩy nhanh tiến trình chế tạo lên so với kiểu làm truyền thống, tức các khu công nghiệp sẽ tự mình “thầu” từ đầu tới cuối, không chia sẻ gì cả. Đồng thời, nó cũng kích thích sự luân chuyển “gì đó” nữa, thuyền trưởng không muốn nói tới ở đây.

– Sâm. – Giao Long gọi tên cô thủy thủ – Ta giao cô quản lý hậu cần và kỹ thuật cái đám mới tới đó, được chứ?
– Sao cơ? Tôi á?
– Còn ai nữa sao, Lại Thùy Sâm?

Gằn thật mạnh từng chữ, Giao Long đặt bàn tay lạnh ngắt lên vai trái người thuộc cấp. Thành viên trên tàu, không ai cô không biết tên và quân hàm. Thùy Sâm, Trung tá quân nhân chuyên nghiệp nhánh kỹ thuật hàng không, dù không hẳn là sĩ quan chính quy nhưng khả năng đã chứng minh cô ta xứng đáng đứng ở đây. Thủy thủ trên tàu đều là tinh binh Hồng Ma đích thân lọc ra, là tinh hoa của tinh hoa trong lực lượng thi quỷ dưới quyền cô ta. Có thể ở trên con tàu này, trừ Mộc Ma là được tiến cử, còn lại tất cả đều là dân có thực lực.

Vả lại, chuyện thành ra như bây giờ cũng một phần do Giao Long.

Từ bốn năm trước, Đế quốc Liên hiệp đã bắt đầu dự án xe bay, kế hoạch đầy tham vọng để tạo ra đội quân “đông như ruồi” có thể nhanh chóng triển khai tại bất cứ nơi đâu trên lãnh thổ. Vì không có căn cứ quân sự tại nước ngoài, Đế quốc buộc phải dựa vào sự hiện diện của các Không hạm đội để đảm bảo tình hình biên giới, đồng thời xuất quân chi viện. Tuy nhiên, một lần cử hạm đội chừng trăm tàu đi cũng tốn cả mớ tiền, dĩ nhiên là tiền Tổng lãnh, nên các lãnh đạo cấp cao đã ngồi lại họp, tìm một phương án khả thi để thực hiện, thay cho việc cứ đụng chuyện là phải gửi tàu.

Lúc đó, với cương vị là “Phó” Đô đốc và là Tham mưu trưởng Không hạm đội 6 – cấp ba sao vàng chỉ trên giấy, thực tế là lon bốn sao, cô đã đề xuất cho ông nội mình việc sử dụng “vimana”, loại phương tiện mới được phát minh. Ông đã bị hấp dẫn bởi ý tưởng này, và nhanh chóng cho thành lập một ủy ban nghiên cứu, thứ sau này có sự chung tay của Tổng lãnh Linh Giang và Tổng lãnh Viễn Tây, hai vị lãnh chúa đứng đầu các vùng đất biên giới. Được gọi vui là “hội biên cương”, ủy ban gồm hơn một trăm nhà nghiên cứu, sĩ quan quân đội, kỹ sư và giảng viên hàng không đã tập hợp lại ở Đông Kinh, ngồi thảo luận về tính khả thi của dự án này.

Dĩ nhiên, mọi thứ đã thành công.

Không chỉ bắt đầu cuộc cách mạng hạm đội, Giao Long đã vẽ ra một viễn cảnh mà ở đó, không chiến sẽ không còn gói gọn trong những chiến hạm đấu pháo ở tầm vài mươi cây nữa, mà sẽ gồm những cỗ xe bé xíu, mang theo bom bay và bom tiêu chuẩn tấn công tàu địch từ cự ly hàng trăm cây số. Đây là kế hoạch đầy tham vọng, bởi nếu thành công, nó sẽ thay đổi bộ mặt không chiến một lần và mãi mãi. Không còn lấy đấu pháo tay bo làm chủ đạo, thay vào đó sẽ là các đợt oanh kích tầm xa khủng bố. Khác hẳn học thuyết Jeune École nhấn mạnh vào tính cơ động của tàu khu trục và sức hủy diệt của bom bay, pháo phản lực các kiểu, đây sẽ thực sự là một kiểu tác chiến mới toanh, chưa từng được thấy kể cả từ thời các kỵ binh rồng cưỡi wyvern làm mây làm gió trên trời.

Tuy thế, các xe bay thời đầu lại bị kha khá hạn chế. Trần bay của chúng thấp, buồng lái hở khiến áp suất không khí và nhiệt độ giảm, đồng thời vì mở toang ra mà phi công sẽ khó hít thở hơn bình thường. Ở trên tàu, khi bay mọi cửa ra đều bị đóng chặt, bởi áp suất trong ngoài chênh lệch rất lớn. Xe bay thời đầu không có buồng lái kín, nên nó gây ảnh hưởng mạnh tới người ngồi trong. Họ có thể bị tụt huyết áp, chóng mặt, buồn nôn, suy hô hấp và thậm chí bất tỉnh, dễ gây mất lái và tử vong. Không chỉ con người, mà các á nhân không thuộc nhánh chim và xác sống đều chịu cái bất lợi này, bởi hệ hô hấp không phù hợp với việc bay tốc độ cao tại nơi có áp suất thấp. Tầm hai, ba ngàn thước sẽ không thấy rõ vấn đề, nhưng ở khoảng sáu ngàn, độ cao chuẩn của một trận đọ pháo, thì áp suất thấp sẽ là chuyện rất lớn.

Chừng nào các nhược điểm này còn tồn tại, kế hoạch của Đế quốc vẫn chưa thể tiến hành.

Với tầm nhìn của mình, Hoàng đế và Thừa tướng – cách gọi cũ của người đứng đầu Bộ Tổng tư lệnh, đã biết rằng trong tương lai không xa, ngay cả khu trục mà Giao Long ra sức phát triển cũng sẽ đánh mất vị trí bá vương trên không. Cũng tương tự như cách khu trục đang dần vượt mặt thiết giáp hạm trong việc là xương sống của hạm đội, xe bay sẽ vượt dần khu trục ở tầm chiến đấu, số lượng chế tạo, khả năng và chi phí triển khai.

Nghe có vẻ không ăn nhập mấy tới quân sự, nhưng chính các lý do kinh tế mới là thứ rào cản lớn ảnh hưởng tới việc mở rộng quy mô hạm đội, đóng mới tàu hay đầu tư vào chuyện này chuyện kia. Không thể ăn không khí mà làm quân sự được. Nếu xe bay chứng tỏ được chúng mang lại hiệu quả tác chiến tương đương, nhưng lại có giá thành và chi phí duy trì rẻ hơn, thì dễ chừng vài mươi năm nữa cơ cấu các Không Hạm đội sẽ đổi khác ngay.

Bước thẳng vào trong, tới khoảng có lẽ là giữa tàu, Giao Long dừng lại. Tại đó, cấu trúc khác hẳn. Trần cao ít lắm cũng sáu, bảy thước, đỡ bằng mấy thanh dầm Stalinium sơn đen, ở trong có nhiều lỗ tròn to. Bóng đèn treo dưới chúng, gắn vào các ống kim loại chạy dài. Bất cứ nơi nào trên tàu cũng có ống thế cả, với hàng tá van vặn và đồng hồ áp suất. Chúng là mạch máu của Hồng Ma, chuyển hơi nước và linh lực từ cái lò đốt ra các bộ phận khác, kể cả động cơ.

Nằm ngay dưới trần kim loại là năm mươi cỗ phi xa to oành, đen trũi, xếp thành hai hàng dài, mỗi bên hăm lăm chiếc để xiên xiên. Đây là lô đã hoàn tất lắp ráp, vì hàng chuyển đến ở dạng tháo rời và đóng gói trung từng kiện nên thủy thủ phải tự lắp vào. Kỳ quặc nhỉ, Giao Long nghĩ bụng, khi đã mất công ráp chúng lại rồi, còn phải tháo rời rồi mới đóng gói và vận chuyển được. Nhưng… Hừm, hiện tại chỉ có tổ hợp công nghiệp Kẻ Chợ ngoài đó là đủ khả năng để làm loại xe mới này thôi, nên đành chịu vậy. Tàu hỏa tốc xuyên núi vượt rừng chạy vô tới đây cũng không thể chở quá nặng, nên tháo rời cũng được. đằng nào mà chẳng phải lắp vào!

Đứng trước hai hàng xe, Giao Long ung dung tiến từng chút, tay chắp sau lưng, đưa mắt nhìn qua ngó lại mấy mẫu mới. Khác với LAtV01, xe bay này không có mũi to. Đổi lại, nó bóp mũi gần như nhọn hoắt, chĩa thẳng ra trước với phần vỏ dẹt bọc ngoài, kéo từ mũi xuống tới đôi cánh đằng kia, gần chỗ đuôi lái đứng. Phía thân sau, buồng lái vẫn được đặt gần chót, nhưng đã có thay đổi đáng kể: Không còn là xe mui trần nữa, bây giờ chúng đã có nóc kín, xung quanh bọc kính chống đạn, cố định bởi một bộ khung bằng hợp kim nhôm.

Dù nói là “khung” nhưng khi thử mở, Giao Long nhận ra nó chỉ gồm phần giữ cố định mảnh kính trước, còn toàn bộ phía sau là kính trong suốt, kéo dạt ra sau. Bên trong chỉ độc một ghế, với cần điều khiển nằm ngay trước ghế lái, bàn đạp bên dưới, còn các mặt đồng hồ, cuộn biểu thị áp suất thì bố trí trước mặt và xung quanh. Đồng bộ một cỡ nòng, dùng cùng hệ thống khai hỏa nên mọi việc vô cùng đơn giản. Bấm chiếc nút đỏ trên đỉnh cần lái để mở khóa an toàn, canh cho mục tiêu nằm trọn trong vòng ngắm quang học đặt đằng trước, sau đó bóp vào chiếc cò súng được gắn đối diện kính ngắm. Tất cả súng sẽ đồng loạt khai hỏa, trừ khi kẹt hay hết đạn.

Đằng đuôi, ngay gần như bên dưới buồng lái là hai cánh ngắn, xiên ra sau, mặt trước cong vòng lên như parabol, mỗi bên lắp ba khẩu đại liên ba mươi ly. Thêm bốn cây trước mũi, tổng hỏa lực của mẫu mới là mười pháo liên thanh, cơ số mỗi cây ba trăm phát bắn. Như vậy, về cơ bản thì xe mang theo tới ba ngàn quả đạn pháo. Không phải con số dễ chịu gì cho cam, nhưng so với việc phải tải cây ba nòng to oành và băng đạn dài ngoằng chỉ thấy trên phim đen trắng của kẻ tiền nhiệm thì vầy vẫn dễ chịu chán. Pháo dùng cơ chế lùi khóa nòng bằng phản lực vỏ đạn, tương tự súng K20, nên bảo trì không hẳn là khó chịu. Nhiều chiếc được tháo mảnh kim loại bên trên ra, vài ba cô thi quỷ trong đồng phục xám tro đang kiểm tra vũ khí, và tiếp đạn vào trong. Chỉ thử nghiệm thôi, dùng đạn bắn sơn màu. Vì lý do an toàn, tất cả xe bay đều phải tháo đạn ra khi để trong kho.

– Thế nào? – Giao Long gọi vọng qua – Bên các cô có thấy gì bất thường không?
– Không, thưa thuyền trưởng! – Một người đáp.
– Hệ thống vận hành hoàn toàn bình thường! – Người khác nói ngay – Nhưng chỉ với một ghế lái thì thứ này chẳng lẽ chỉ cho một phi công sao?
– Chà, có vẻ thế.

Đến ngay kế bên chiếc xe đầu tiên của hàng trái, Giao Long đưa tay gõ nhẹ vài cái vào mũi nó. “Coong… Coong…”, âm thanh mới trong làm sao! Nghe như tiếng chuông chùa vậy. Đối với khí cụ bay, khi dùng tay gõ vào, tiếng càng thanh nghĩa là chất lượng vỏ càng tốt. Các cỗ xe thường dùng thứ nhẹ và rẻ như hợp kim nhôm thay vì mấy món khủng cỡ sắt, thép, titan hay Stalinium, bởi nhôm về cơ bản có tỉ trọng nhẹ hơn, bền, dễ gia công và chế tạo hơn hẳn. Tuy LAtV01 được bọc ngoài vỏ nhôm một lớp Stalinium dày ba ly, nó khiến giá thành bị đội lên rất nhiều, bởi kim loại ấy rất hiếm và hoàn toàn nhập khẩu từ Novgoroussiya mới có được.

Lần xuống tới cánh, Giao Long nhắm chừng mẫu này dài cỡ mười, mười một thước. Dài hơn so với cường kích, nhưng thiết kế thân thuôn thuôn, giống điếu xì gà lại khiến nó có cảm giác gọn gàng, nhỏ nhắn hơn hẳn loại phi xa cục mịch kia. Hừm, thuyền trưởng nghĩ, nếu nói loại kia là xe đời đầu mũi to chạy chậm, thì chiếc này giống như nhảy phốc lên thành xe đua chuyên nghiệp ấy.

Khác với thiết kế cũ, tiêm kích loại mới sở hữu đến hai động cơ quạt đồng trục nằm ở tận cùng đôi cánh. Khá to, chúng hướng đôi quạt hai cánh ra sau, trong khi cửa hút gió lại bố trí phía trước. Các lỗ nạp dung dịch Divaenium được làm tách biệt, nghĩa là các động cơ dùng nguồn riêng chứ không phụ thuộc vào một bồn nhiên liệu chung. Ngay dưới chúng là bánh đáp, đường kính dễ phải bốn tấc, nối với một trục lớn bằng nhôm. Dựa theo hình dạng và vị trí – chiếc trục nằm ở phía đầu động cơ, hướng về mũi – thì khi bay, nó sẽ gập chín mươi độ về sau, nằm ẩn hoàn toàn bên trong cấu trúc gần như là hình trụ tròn đầu nhọn như trái bom kia.

Bước ra tận cùng phía sau, Giao Long thấy mỗi trục quạt đều có một lỗ nhỏ, thứ mà một kỹ sư gần đó bảo là để đút thanh xoay vào. Các động cơ thời này, trừ của chiến hạm do quá lớn, đều cần một “nguồn” nhỏ bên ngoài để khởi động thực sự, vì dù động cơ trong đã nổ máy, nó chưa đủ để xoay quạt. Chỉ cần một thứ gì đó, thậm chí là tay không, xoay nhẹ một trong hai bộ quạt là máy chạy ngon ơ. Hơi bất tiện, nhưng nó lại giúp người dưới đất kiểm tra xem hệ thống đẩy có bị gì không. Dù sao thì động cơ Divaenium cũng chỉ giúp nâng thôi, còn chuyện tiến tới vẫn phụ thuộc vào cánh quạt mà.

– Báo cáo chi tiết đi.

Nói như ra lệnh, Giao Long gọi một người đang cầm xấp giấy lại. Theo đó, thiết kế mới, định danh là Thiên Trường F1A “Tia chớp”, là thiết kế tiêm kích đánh chặn tầm cao, được sản xuất tại tỉnh Đông Đô, chính là tỉnh trực thuộc kinh thành Đông Kinh của Đại Việt. Tốc độ cao nhất của nó là bảy trăm tám mươi cây mỗi giờ tại độ cao sáu ngàn thước, trần bay tối đa mười hai ngàn so với mực nước biển tiêu chuẩn.

Vỏ làm từ hợp kim nhôm – titan nhẹ hơn so với vỏ thép dập của LAtV01, giúp phương tiện có kích thước lớn và mang nhiều vũ khí, đạn dược hơn nhưng vẫn đảm bảo được trọng lượng và khối lượng cất cánh ngang bằng. Tuy nhiên, với việc dùng động cơ mười xi lanh chữ V, công suất lên tới bốn ngàn tám trăm mã lực, chạy dung dịch Divaenium thì cả lực nâng và đẩy của F1A đều vượt trội hoàn toàn. Bánh đáp có thể thu vào cũng là một lợi thế, vì nó giúp giảm sức cản không khí và…

– Được rồi.

Ngắt ngang lời cấp dưới, Giao Long đưa tay sang bên, bảo dừng lại. Đoạn, cô hỏi:

– Thông số thực chiến của nó đã được kiểm định chưa?
– Thưa, rồi ạ! – Người kia đáp ngay.
– Tầm hoạt động?
– Thưa, một ngàn sáu trăm ba mươi cây ở độ cao tiêu chuẩn, trang bị đầy và tốc độ hành trình ạ!
– Tốc độ hành trình là?
– Bốn trăm cây trên giờ! Tải trọng cất cánh đầy là bảy ngàn và hai trăm năm mươi cân đã gồm phi công và nhiên liệu!
– Hừm, tốt.

Nhìn một lượt tất cả tiêm kích trong khoang, Giao Long bước đi thật chậm, ghé mắt vào mà trông mà ngắm. Tay nằm sâu trong túi áo khoác, cô sải từng bước thư thái, chiêm ngưỡng tất thảy chúng. Những mẫu này sẽ xuất hiện tại hội nghị trưng bày các thành tựu khoa học quân sự, diễn ra ngay sau cuộc diễu binh mừng mười năm Hoàng thượng đăng quang, vì vậy chúng phải được đảm bảo ở trạng thái tốt nhất có thể.

Đương nhiên các xe này đã thuộc biên chế của Hồng Ma, và nhiều chiếc khác đang được chuyển lên qua hệ thống thang máy lớn nằm chính giữa tàu, nhưng trong cuộc “khoe của” ấy, các Tổng lãnh sẽ đem một ít xuống. Nhìn tuyệt thật, Giao Long nhủ thầm, tốc độ cao, tính cơ động ưu việt, động cơ khỏe, và với hệ thống lái không khác đời trước là bao, đây mới chính là thứ sẽ thực sự làm nên cuộc cách mạng đó.

~oOo~

Quay lại ghế thuyền trưởng, Giao Long ngả lưng xuống, thở dài. “Thi Hoàng” không cần thở, nhưng cô vẫn cứ thích làm vậy, vì nó giúp cái đầu đỡ mệt. Những thông số lý thuyết của F1A nhìn rất tuyệt, nhưng vì chưa được tự mình kiểm chứng, cô chưa dám khẳng định trăm phần trăm hiệu quả tác chiến. Nó là bước khởi đầu, nhưng cũng là chìa khóa then chốt để Đế quốc thực hiện giấc mộng vươn mình, chính thức trở thành siêu cường thế giới, chứ không phải chỉ bị gói gọn trong một vùng vài triệu cây vuông thế này nữa.

Ngày xưa, Hội đồng Đế quốc đã phạm một sai lầm nghiêm trọng khi không chịu xâm chiếm thuộc địa, dù vào thời đó, thế giới mới chỉ có Espánia và Portugale đua nhau lấy đất Tân Thế giới, còn bên này thì đất đai bạt ngàn. Quá chú tâm vào chiến tranh và uy lực trên bộ, các thế hệ sau này đã nhận ra ông bà họ đánh mất một cơ hội vô cùng lớn, mà nếu không bỏ lỡ, bây giờ Albion đã chẳng thể xưng hùng xưng bá được.

Huơ nhẹ tay, Giao Long biến ra một con quạ đen sáu mắt. Đưa nó lên, cô nói:

– Một hai ba năm, ông già nghe ta không?
– Rớt nhịp rồi.
– Biết, khỏi nói.

Người đáp lời là Tổng lãnh Linh Giang, Đại Công tước Trịnh Hồng Đức.

Đưa quạ lên gần miệng, Giao Long không quên dựng thêm kết giới nhỏ xung quanh. Do tàu đang tái cấu trúc, hầu hết nhân sự ở các bộ phận không phải nhà chứa và động cơ đã rời đi. Đám Oa Lân chắc rủ nhau đi đâu chơi rồi, còn Hồng Ma thì dẫn anh Karl tới viện nghiên cứu để đặt hàng vũ khí. Mà, dù có đi nơi nào chăng nữa thì luôn có một mảnh linh hồn của con dở đó trên này, nên phải đề phòng. Những chuyện lần này kể cả người thân tín nhất cũng không thể để biết được.

Ngưng luôn cả việc chia sẻ giác quan, Giao Long gần như cô lập bản thân với thế giới xung quanh. Kết giới bao trùm khiến hình ảnh thuyền trưởng bên trong giống như đang ngủ, nhưng thực tế cô đã tiến vào một vùng không gian khác. Tối om, nhưng giống như trời đêm, trên cái nền đen đặc ấy lại đầy những vì sao lấp lánh. Có cả hàng trăm hàng triệu các thiên hà bé xíu, đường kính cỡ chiếc đĩa vừa vừa, xoáy thành xoắn ốc trôi nổi xung quanh. Có luôn các đám tinh vân, ngôi sao, hành tinh rải rác khắp nơi, nhỏ tới mức ngay cả với ánh mắt này, Giao Long cũng chỉ thấy chúng như lũ vi sinh vật.

Không gian tâm linh ma pháp mức độ cao nhất chính là hiện thực hóa thế giới tâm hồn của người sử dụng. Và với Giao Long, thì tâm hồn cô chính là vũ trụ. Đại dương của ánh sao, trải rộng đến vô cùng vô tận, một đại dương hoàn toàn không bờ bến. Thế giới tự do thực sự mà cô luôn hướng tới, nhưng với khả năng hiện tại, điều đó là không thể.

Để quạ đậu trên tay, Giao Long cất giọng:

– Bên ông chuẩn bị tới đâu rồi?
– Mới thử hàng. – Ngài Tổng lãnh đáp – Lái đã lắm!
– Cái… Ông thử rồi hả?

Gần như hét thẳng vào quạ, Giao Long trợn mắt, nhăn mặt, không thể tin vào tai mình nữa. Trong khi lô hàng từ nhà máy Kẻ Chợ gửi tới chỉ mới bắt đầu được dỡ hộp và lắp ráp, bên đó đã cho bay thử rồi à?

Không kìm được hiếu kỳ, “Thi Hoàng” mất luôn cái vẻ lạnh lùng thường ngày mà hỏi dồn hỏi dập:

– Rồi sao? Bay được chứ? Bán kính cua là bao nhiêu? Trần bay thực tế kiểm định chưa? Sơ tốc pháo? Kính ngắm có hoạt động không?…
– Từ từ coi. Làm gì mà như con nít vậy? – Ông lão nói.
– Vâng, xin lỗi.
– Không sao, hào hứng thế là tốt. Biết không, mấy đám cháu ta còn nhảy tưng tưng lên đòi được lái đấy!
– Phư, và họ đều già gấp đôi ta.
– Lớn đầu nhưng còn trẻ con lắm.
– Phư…

Một phút im lặng, và…

– A ha ha ha ha ha ha ha!
– Ga ha ha ha ha ha ha ha ha!

Không gian gần như nổ tung bởi tiếng cười!

Hai Tổng lãnh, những nhà chiến lược lãnh đạo hàng trăm ngàn quân, cười phá lên như mấy đứa trẻ. Nhưng, không có luật nào cấm họ cười thế cả. Dù có là thi quỷ hay long nhân, thì họ vẫn đang “sống”. Tiếng cười đó, cái kiểu cười ha hả mà nhìn vào có vẻ rất điên kia, là thứ mà chỉ có những người đích thân điều khiển vạn quân, nắm trong tay sinh mệnh của hàng trăm ngàn binh sĩ dưới quyền mới có thể bật ra được.

Nó cực nặng.

Không phải giọng trong trẻo của người thiếu nữ mười chín, cũng chẳng giống kiểu già cả của ông lão râu bạc, nó là tiếng cười điên rồ vào những giờ phút cấp bách nhất. Đối với những tướng quân, khi phá lên thế, họ mới thực sự thấy đầu óc mình thư giãn, mới có thể bình tĩnh mà suy tính tiếp được. Bởi, nãy giờ dù không gặp nhau, thứ làm cả hai cảm thấy mệt não chính là chuyện những chiếc tiêm kích kia. Chúng quá tốt, và thực sự là vượt xa những chuẩn mực thông thường. Tuy nhiên, chính vì cái sự vượt trội đi trước thời đại ấy mà bên Tổng cục Kỹ thuật cũng như các nhà máy tỉnh Đông Đô tạo ra, mà họ không biết mình phải dùng chúng thế nào.

Tiếp tục trao đổi với Tổng lãnh Linh Giang, Giao Long nhận ra một vấn đề: Xe bay dù đã cải tiến thì vẫn không đủ khả năng bay qua máy chém, chứ đừng nói là phong lộ. Tuy về lý thuyết, các luồng khí trong “máy chém của Trời” rất lớn, và sẽ tạo ra những khoảng hở đủ to để xe bay lách qua, thì chi lưu xung quanh chúng vẫn dư sức bằm nát khối nhôm thành cái đống thịt băm mà người Columbia hay ăn cùng bánh mỳ. Nhôm – titan không có cửa chơi lại chúng, còn nếu vào phong lộ, ước tính sức gió bên trong của nó là gấp hai lần tốc độ âm thanh, xoắn thành những mũi thương xoáy ốc cực mạnh mà lao như tên bắn. Bên ngoài phong lộ còn có chi lộ nhỏ, chạy hình xoắn ốc, với sức gió thường dao động từ tám tới chín trăm cây một giờ.

Ngoài ra, máy chém hình thành chính là từ sự chênh lệch khí áp và sức gió từ chi lộ đánh xuống, hay xuất hiện ở tầm ba ngàn thước, và trải rộng vài trăm cây trên không, nên muốn vượt qua mà bay cao hơn thì… chỉ có nước cất cánh từ đại dương, vì toàn bộ Đế quốc Liên hiệp đều nằm dưới một hệ thống chín phong lộ khổng lồ!

– Nếu bay qua các vùng không có phong lộ thì sao? – Giao Long hỏi.
– Về lý thuyết thì có thể. – Đại Công tước trả lời – Tuy nhiên, nếu thực sự cô muốn làm chuyện đó, thì nó sẽ phải cất cánh từ quần đảo Trường Sa hay xa hơn, nếu không máy chém băm nát ngay. Vả lại, kể cả Trường Sa cũng không đảm bảo an toàn. Chẳng phải nó nằm gần dòng Manille sao?
– Khó thật nhỉ.

Hơi trầm ngâm, Giao Long nói:

– Nếu cái này mà không giải quyết được thì nửa sau kế hoạch coi như đổ bỏ, đúng chứ ông già?

Thay vì “phải không”, Giao Long dùng “đúng chứ”. Tuy có vẻ giống, thực sự chúng rất khác nhau. “Phải không” chỉ cho thấy sự tin tưởng ở mức nào đó vừa phải, trong khi “đúng chứ”, nói hoàn toàn có thể hơi khoa trương, nhưng cũng là nắm chắc tám, chín phần. Một Tổng lãnh, chỉ huy quân chủng hợp thành sẽ không liều lĩnh mà nói những từ gần như khẳng định ý của mình mà không nắm trên bảy mươi phần trăm khả năng thành công.

– Kế hoạch của chúng ta…

Hơi dừng lại, Tổng lãnh Linh Giang nói tiếp. Từ khi bắt đầu công nghiệp hóa, Đế quốc đã nhận thức được sự thiệt thòi của mình so với các cường quốc khác, và hậu quả của việc không chiếm thuộc địa chính là thị trường tiêu thụ sản phẩm lẫn nhân công giá rẻ đều không có. Nền kinh tế phất lên tới bây giờ là nhờ chính sách kinh tế tự do của Hội đồng, cho phép các lãnh thổ bên trong tự do lưu thông hàng hóa với mức thuế vận chuyển thấp, đồng thời mời nhà đầu tư nước ngoài tham gia làm các công trình hay đầu tư lớn. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Kinh tế Đế quốc tính ra đứng thứ tư, và quân lực tổng hợp là hạng năm thế giới, nhưng ảnh hưởng toàn cầu còn hạn chế. Cây gậy và củ cà rốt, vừa thiếu vừa yếu.

Vả lại, từ khi có xe bay, đã có một luồng quan điểm hoàn toàn mới về việc ứng dụng nó trong chiến tranh thay cho các tàu chiến cũ, và người thổi lên ngọn gió ấy chính là người phụ nữ được gọi là “Thi Hoàng” kia. Giao Long, chỉ với đúng một câu phát ngôn “vu vơ”, đã hỏi rằng cho một trăm xe gắn pháo tự động, mỗi chiếc đeo một bom bay thì có đủ quật chết một thiết giáp hạm không, đã khiến Thừa tướng chú ý. Bởi, cô ta nói chuyện đó không phải ở quán cóc ven đường, mà là ở phòng họp tối cao của Bộ Tổng tư lệnh, khi Hoàng đế cùng các tướng đang tham gia họp bàn tìm phương án tác chiến mới!

Nhưng với những vấn đề kỹ thuật, và sự thật là xe không thể chịu được khi vượt máy chém, lẫn trữ lượng hành trình cũng ít hơn hẳn tàu, không có cách nào biến nó thành lực lượng chiến đấu tiền phương được. Giao Long đề cập tới chúng chỉ vì mấy thứ đó hợp với học thuyết cơ động của cô ta, chú trọng các phương tiện nhỏ, nhẹ, rẻ nhưng hỏa lực mạnh và tốc độ cao, đánh rỉa máu một lực lượng lớn và đắt tiền hơn. Quả thực, giá tiền cho một khu trục Xích Quỷ ngang với… hai trăm chiếc LAtV01, thì chế tạo thật nhiều nhưng không thể triển khai ở các vùng xa cũng bằng thừa. Cái họ có, nếu sản xuất hàng loại, sẽ chỉ là một đội quân “nước nâu” thủ nhà đông đảo nhưng không thể công kích ra xa, cũng không thể vận hành quá lâu.

Và cuối cùng, mọi chuyện lâm vào bế tắc…

Tới khi một người nêu ý tưởng.

“Này, sao không làm loại tàu chuyên dùng chở mấy con xế hộp đó?”

– Và Hồng Ma là cái món thí điểm, nhỉ? – Giao Long mỉm cười – Hiểu ý ta chứ?
– Dĩ nhiên. Ha ha, mọi chuyện càng lúc càng vui rồi đấy!