Flame Phantom (Viêm Ma)

Chương 44




Ban nãy, khi đang lang thang trong sân điện, đám Viêm bắt gặp nhóm Oa Lân đang ngồi đánh cờ… hay gì đó đại loại thế. Lần mò lại xem, chúng nó thấy mấy chị thực sự đang chơi cờ, nhưng là cờ gì thì Viêm hoàn toàn bó tay. Nó chưa hề thấy thứ gì như vậy trước kia, bàn cờ chín cột chín hàng với hai dãy số Tây và các quân đứng khắp nơi. Đã khai cuộc rồi, các quân đi đầu hình như là tốt. Nhỏ không dám chắc, cũng có biết chơi đâu. Đó giờ chơi mỗi cờ caro, mấy món “bác học” thế này nó bó tay chịu chết rồi.



Ngồi xuống cạnh bên Masami, vì không muốn quấy rầy mấy người đang chơi, Viêm được giải thích sơ về món này. Đại khái thì, theo lời Mộc Ma, nó là cờ soái, một nỗ lực mô phỏng chiến trận của người Hồng Bàng từ thời xưa. Xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ nhất ở vùng Phiên An, khi đó là khu tự trị của hậu duệ Mạc Vương, trò chơi nhanh chóng được phổ biến và từ vua tới dân, ai cũng khoái cả. Tới mức người phương Bắc còn sao chép và đem về, làm thành phiên bản riêng của mình. Trong bàn cờ soái gốc thì không có quân Trọng Kỵ với Pháo, thay vào đó sẽ là Cự Nỗ – tức nỏ lớn, và Tượng, voi chiến. Cách chơi thì y hệt hai quân hiện tại, Cự Nỗ hay Pháo đều cần một quân đứng trước mới ăn được, trong khi Tượng lẫn Trọng Kỵ đều đi ngang đi dọc, lại thêm khả năng đâm xuyên đội hình.



– Pháo tiến 3 – 3 ăn Binh.

– Rõ!



Ngồi mách nước, Oa Lân ra lệnh còn Liên tiến hành tấn công. Vừa vào cuộc, phe Liên đã nhanh chóng ăn quân Binh mới tiến của Hương Hương. Tuy thế, hoàn toàn không nao núng, cô hoa tiêu cho Khinh Kỵ tạt ngang, chặn hết mọi lối đâm xuống, đồng thời xua đuổi Pháo địch. Oa Lân hiện có hai lựa chọn: Chạy sang hai bên hoặc rút về. Tạt cánh rõ ràng là điều ngu xuẩn, Binh địch đa số chưa động, trong khi mình chỉ cách chúng đúng một ô. Đức nào cũng có thể lao lên đớp khẩu thần công quý giá này. Còn rút về, cô sẽ ở ngay chân Binh, quân Binh 3 – 8 chưa được sử dụng. Chắc chắn Hương Hương không dám đánh xuống đâu, vì dù có cho ngựa nhảy qua pháo rồi ăn lính, đội hộ vệ tại ô 4 – 9 đã thủ sẵn. Mất một Khinh ngay lúc khai cuộc là điều tối kỵ, chẳng khác nào mất một tay cả!



Lui quân.



Không chần chừ, Oa Lân ra lệnh lui binh. Ngay tức khắc, Liên thực hiện lệnh, kéo tuột Pháo từ 3 – 3 về tận 3 – 7, ngay chân Binh. Hiển nhiên, Hương Hương không tấn công. Thay vào đó cô cho Khinh Kỵ cánh trái của mình xung phong. Nhảy hấp qua quân đứng trước, nó tiến lên 8 – 3, sẵn sàng đâm thọc xuống. Lúc này, Hương Hương mỉm cười, nói:



– Nếu không nhanh thì chị sẽ thua trước khi kịp dạy gì đấy, đồ não thối rữa kia!

– Mơ hão chỉ tổ hao mỡ. – Oa Lân điềm tĩnh đáp lời – Liên, nói chị nghe xem ở trường, người ta định nghĩa “biển người” là gì nào?

– Dạ!



Lập tức đáp lời, Thượng tá Liên trình bày ngay. “Biển người”, theo nhũng gì được dạy ở trường, là chiến thuật sử dụng quân số đông vượt trội, lao lên thành từng làn sóng để đánh trực diện đại quân địch, đồng thời tạo thành áp lực tâm lý cho thấy quân đối diện rất đông, khiến uy thế địch tan vỡ. Các chiến thuật kiểu biển người đã được sử dụng từ lâu tại phương Đông, nổi tiếng nhất là trận đánh Trác Lộc lần ba và trận Kinh Dương cuối mùa Xuân năm chín trăm hai mươi, khi cả hai bên tham chiến đều huy động đại quân mức trăm ngàn. Ngoài ra còn có thể nói đến chiến dịch Passchëndaelle ở miền Đông Nam Gaullia, trong Đại chiến Gaia, khi biển người của cả hai bên đều thất bại và nơi đó trở thành cối xay thịt. Tổng cộng hơn hai triệu sáu trăm ba mươi bảy ngàn sinh mạng về với đất, chỉ để Liên minh chống Gaullia chiếm được năm cây đất.



Trong quá khứ, chiến tuật này rất được ưa chuộng tại phương Đông, nơi có dân số đông đúc. Trong khi đó ở đại lục Gaia, với đặc tính đất ít, người thưa, việc huy động quân số lên tới một trăm ngàn đã có thể coi là một kỳ tích. Tuy nhiên, biển người không đơn giản là lao tất cả quân lên. Liên nói, để thực hiện “biển” một cách hiệu quả, quy mô thích hợp nhất là từ tiểu tới sư đoàn, tức dao động khoảng tám trăm tới mười, mười lăm ngàn quân, tùy theo yêu cầu chiến địa.



Các đơn vị tham gia thường đi thành hàng ngang, tăng tối đa chiều dài để tạo thành những làn sóng lớn, trước nhất là khiến đối phương lầm tưởng về quân lực thực tế, thứ hai là việc dàn trải quân giúp tạo thành khoảng hở rộng giữa mỗi người lính, giảm khả năng chỉ một loạt súng máy hay ma pháp diện rộng mà diệt hết. Nó cũng được dùng tại phương Tây từ thời Trung Cổ tới giờ, với hình thức lao thẳng vào nhau hỗn chiến, hay sau loạt hỏa mai đầu tiên thì lắp lê và giáp lá cà, bên có quân số đông hơn thường sẽ thắng.



Ngoài ra, trong chiến tranh năm ngàn chín trăm lẻ tư, lẻ năm trước kia, quân đội Yamato đã dùng một kiểu đánh gọi là “xung phong Banzai”, bắt đầu với tiếng hô của chỉ huy và sau đó toàn quân sẽ đồng loạt chạy nước rút về phía địch, cận chiến và cố giết càng nhiều càng tốt. Chiến thuật này tỏ ra rất tốt khi đánh với quân Hoa Đông vốn huấn luyện và trang bị không đồng đều, nhưng khi Novgoroussiya sang, bằng kinh nghiệm lẫn trang bị hiện đại, họ dễ dàng bẻ nát các lượt tấn công này.



– Về lý thuyết thì là vậy.



Gật gù, Oa Lân nheo mắt lại. Đoạn, cô nói:



– Khinh Kỵ cánh phải, từ 7 – 7 tới 7 – 5. Cẩn thận kỵ binh địch đột tiến!

– Rõ!



Liên tiếp cho quân di chuyển, hai bên đồng loạt đấu trí với nhau. Không phải dân chuyên nên Masami và đám nhỏ chỉ ngồi coi, nhưng với kinh nghiệm của mình, chị rồng dễ dàng nhận ra ai đang bị áp đảo. Mồ hôi lăn dài trên trán Hương Hương, khi cô ta bất ngờ bị đánh bởi sáu Binh một lúc, Nãy giờ Oa Lân không hề động đến cánh mình, không đâm thọc gì khu vực kỵ mã, chính là để chuẩn bị cho nó. Chiến thuật ưa thích và cũng chính là nghệ thuật đã khiến Lục Oa Lân trở thành một trong những chỉ huy quân sự không phải tướng quân nổi tiếng bậc nhất, thậm chí làm nhiều người há mồm kinh ngạc khi biết rằng cô ta vẫn chưa được thăng hàm tướng.



Biển người.



– Tới đoạn ăn tiền rồi nè!



Vừa nói, Mộc Ma huých nhẹ khuỷu vào tay Viêm, kêu nhỏ chú ý. Thiên im re, nó muốn coi đánh cờ hơn. Ngồi lọt thỏm giữa hai chị, bé con hướng ánh mắt đen tuyền mà trong veo vào bàn cờ, quan sát các chị đánh liên tiếp. Bé con chỉ thích nhìn thôi, im lặng, không quan tâm gì tới bài giảng của Oa Lân cả.



– Nếu em định viết luận văn, vậy thì cứ đem mấy cái này chép vào. À, Trọng Kỵ từ 9 – 6 tiến lên ăn con Pháo hớ hênh đằng ô 2 kìa. Kéo ngang qua!

– Rõ!



Vừa nhận lệnh, Liên tức khắc điều quân ngay. Có lẽ vì lơ đễnh, Hương Hương đã đánh mất một quân Pháo quý giá. Ấy thế, mặt cô mới trông tối sầm lại, mồ hôi bắt đầu tuôn ra. Lại cởi áo khoác rồi. Cô chỉ làm vậy khi người đang nóng, lúc nghiêm túc đánh nhau thôi. Bây giờ, chính là như thế.



Chỉ đường Liên đánh, Oa Lân cũng không quên việc phụ đạo đàn em. Hít một hơi, cô nói, chiến thuật biển người dạy ở học viện là cơ bản, còn muốn học chuyên sâu thì phải vào khoa Tham mưu Lục quân của Học viện Sĩ quan Lục Quân, đóng bản doanh ngoài tỉnh Thiên Trường mới được. Trước đây khi chưa về bên này, Oa Lân có làm giảng viên tạm thời tại đó, phụ trách môn Chiến thuật thực chiến cấp chiến dịch. Và chiến thuật biển người, món kinh điển của mình, đã được bà chị đầu tảo biển này soạn ra, trở thành tài liệu học tập nghiêm túc cho học viên, cũng như để các sĩ quan khác tham khảo và ứng dụng, đặc biệt người nào đảm nhiệm mấy đội quân đông và “khó chết” sẽ rất thích.



Về cơ bản, Oa Lân nói, biển người là chiến thuật dùng ưu thế quân số vượt trội để đè bẹp địch. Nó cũng chỉ là phiên bản cao cấp hơn của đánh hội đồng, khi một lính địch có khi phải chơi “xô lô” mấy lính ta trên sa trường. Theo thời gian, chiến tranh phát triển ngày một tinh vi, và dĩ nhiên, thảm khóc hơn, thì biển người cũng thay đổi. Nhưng nó vẫn có những đặc tính sau mà không bao giờ biến được, nếu biến thì sẽ không thể gọi là biển người nữa.



Thứ nhất, biển người phải đông. Không đông không phải biển người.



Thứ hai, phải biết chạy nước rút về phía địch và còn đủ thể lực tả xung hữu đột. Nếu không sẽ tan nát ngay.



Thứ ba, không bao giờ để bộ binh đi lẻ. Phải luôn có kỵ mã bọc cánh, cung binh hay ma pháp sư hỗ trợ, đặc biệt bên nào có điều kiện thì sẽ cho thêm không lực vào. Bên tây thì là wyvern, sư ưng, phương Đông cưỡi đại bàng hay mấy con quái bay được. Yểm trợ trên cao.



Thứ tư, cái mà Oa Lân nói là quan trọng nhất, khả năng của chỉ huy.



– Khả năng của chỉ huy?



Nghe thế, liên giật mình.



– Đúng vậy, khả năng của chỉ huy.



Bên kia, Hương Hương đáp.



– Vì biển người là chiến thuật huy động lượng lớn quân, nếu em chỉ huy không khéo, sẽ là vùi hàng mấy ngàn sinh linh xuống mồ. Ở đây chị không nói đạo đức, vì tự thân chiến tranh đã là vô đạo rồi, mà xét về khía cạnh nguồn lực, nếu em để mất dù chỉ một người lính vô ích thì cũng là lãng phí nguồn lực quốc gia. Nếu em làm mất quá nhiều binh, thì dù là có thắng, trước sau tất sẽ bại! Chiến tranh không phải chỉ so quân bên nào mạnh hơn, đông hơn, so kèo tướng nào giỏi hơn, mà còn là cuộc chiến tổng lực của toàn quốc gia. Mở rộng hơn, em có đồng minh, có dư luận quốc tế, đều là những nguồn lực quý giá và cần sử dụng chính xác. Chiến tranh hiện đại là chiến tranh tổng lực, và người thắng là người biết khéo léo sử dụng nguồn lực của mình!

– Hì.



Khẽ bật cười, Liên nói nhỏ:



– Chị nói chuyện như dì em vậy!

– Vậy à?



Hơi dừng lại, Hương Hương mỉm cười.



– Có lẽ vì từ hồi về đây, chị đã luôn ngưỡng mộ chị ấy chăng? Tấm lưng ấy lớn lắm, nếu so với Hồng Ma còn lớn hơn nhiều.

– Ừ, công nhận.



Oa Lân nói chêm vào.



– Thực sự là quái vật.



Đến đó thôi, họ quay lại chơi cờ, vừa đánh vừa giảng bài. Oa Lân, với kinh nghiệm hai ngàn năm làm lính cảm tử và chỉ huy từ đại đội tới quân đoàn, dạy Liên những kiến thức mà kể cả các sử gia nhân loại cũng khó mà hình dung được nếu không nhờ thư tịch, bằng chứng cổ truyền lại. Theo đó, chiến thuật biển người phương Đông vào thời kỳ đầu là dồn một cục quân vào đánh nhau. Tuy nhiên, nó đã bị thay đổi vào tầm ngàn năm trước, trong chiến dịch Bắc Phạt. Từ đó, chiến thuật này hầu như giữ nguyên, đặc biệt áp dụng với các đội quân sống dai hơn gián như thi quỷ hay đám yêu ma cỡ trung.



Biển người của Oa Lân bây giờ đã có thể gọi là “nghệ thuật”, vì nó tận dụng được mọi đặc tính của yêu ma, lẫn sức mạnh quân sự của Đế quốc. Cô nói, cấp thi triển chủ yếu là tiểu tới sư đoàn, nhỏ hơn quân quá ít dùng không tốt, đông hơn rất khó vì đất hẹp. Cũng không nhất thiết phải ba người một súng: Từ thời hàng lạnh các chị đã cầm toàn kích với đao mà lao vào xiên lòi ruột địch rồi. Chỉ là với mỗi chủng loài thì sẽ có thay đổi để phù hợp với đặc tính hơn, không đóng khung bao giờ cả. Oa Lân nói, rồi xì một tiếng rõ dài, tư duy với chiến thuật quân sự mà đóng khung thì tế mạng cả đơn vị à?



Bắt đầu vào bài giảng.



Hít một hơi, Oa Lân vừa ra lệnh đánh cờ, vừa giảng giải. Đối với biển người, việc cần thiết là phải có không gian rộng rãi mới thi triển được. Các nhóm quân sẽ được dàn thành từng tuyến dài, cách từ ba tới năm mươi thước, tay mang vũ khí đầy đủ và cứ từ từ đi về phía địch. Dĩ nhiên, đấy là chiến tranh bây giờ, không hầm hào. Các đơn vị sẽ tản mát nhau, mỗi người phải cách người kia tối thiểu một thước để tránh bị bom đạn, pháo cối hay đại liên nó cho một loạt là ngã như rạ. Mấy đơn vị hỗ trợ, như lựu pháo, cối và đại, trọng liên đi sau sẽ yểm trợ hai bên cánh.



Phía sau nên phất cây cỏ làm bụi mịt mờ, bật nhạc, chơi kèn trống bú dích lốc bốc xoảng thật dữ dội vào, không làm địch sợ vì thanh viện thì cũng khiến chúng nó mất tập trung, tự hỏi như đi đánh trận hay ăn tiệc cưới mà rùm beng quá thế. Trước tầm năm trăm thước, sát thương chủ yếu do pháo gây ra, bởi đạn đại liên tuy căng nhưng độ giật lớn khiến tỉ lệ chính xác giảm, đồng thời phản lực về của súng lớn nên đại đa số yêu ma, là những tộc có kích thước vừa và nhỏ, khó có thể kiểm soát tốt.



Ở tầm năm trăm thước đổ lại, sát thương chính sẽ do các ổ hỏa lực hạng nặng của bên phòng thủ gây ra. Trong mức đó, đại liên, trung liên sẽ phát huy tốt hỏa lực. Cả súng cối và súng không giật, những vũ khí bắn đạn loại lớn tầm ngắn nữa. Để đối phó với lưới lửa này, các hàng ngang sẽ trở thành hàng dọc. Tuy nhiên, Oa Lân nói, không phải toàn bộ hàng, mà là cứ tuần tự từng tổ chiến đấu ba người đổi vị trí. Mỗi người sẽ đi cách nhau không quá một thước, lấp vào chỗ trống giữa các hàng ngang lúc trước. Giã những hàng dọc lúc này xuất hiện lỗ hổng lớn do quân di chuyển để lại, khiến tỷ lệ bắn trúng là rất thấp. Tuyệt đối không để quân đứng dồn cục, khác với biển người kiểu xưa là một khối quân lớn cùng lên. Bởi lẽ, để đánh trúng quân trong hàng dọc khó hơn hàng ngang, vì thế sẽ giảm thiểu thương vong.



Nghe tới đó, Liên gật gù, tay cặm cụi ghi chép vào quyển sổ nhỏ. Nhưng chợt, cô dừng lại, hỏi:



– Nếu địch câu pháo cầu vồng hay dùng ma pháp diện rộng thì sao ạ?

– Từ năm trăm thước đổ lại rất khó cho pháo, trừ khi hạ nòng bắn thẳng hay giảm liều phóng. – Oa Lân nói – Dĩ nhiên không gì là không thể cả! Địch chắc chắn có một vài pháp sư mạnh, có khi cả trung đội, và nếu chúng niệm bộc phá vô nòng đại liên thì đi tong ngay. Bởi vậy chị mới nói nó thích hợp với các loài khó tạch, chứ đem người thường ra là bấy nhầy rồi!

– Người thường à? – Hương Hương chợt xen vô – Xưa giờ chiến tranh luôn có quân đánh tầm xa, đội ma pháp sư và cả không lực nữa. Gặp mấy cái đó thì con người với á nhân nhìn chung chết chắc. Vậy nếu là loài không sống dai thì chiến thuật sẽ thế nào, thưa “dáo xư”?

– Mỉa ai đó mậy? Chiếu nè!



Cạch! Liếc mắt sang bên, Oa Lân tự mình đi quân, cho Pháo đến đứng trước Binh ở 5 – 5. Khu vực này hoàn toàn trống, Binh không lên được, còn quân kỵ thì mắc kẹt hai bên rồi. Trong cái khó ló cái dở người, Hương Hương cho Soái tiến thẳng lên 4 – 2, lúc này hoàn toàn trống. Soái có thể đi tới bất cứ ô nào xung quanh nó, miễn chỗ đó trống. Vệ cũng vậy, nên Hương Hương tạm thời chưa lo bị chiếu hết.



Khịt khịt mũi, thuyền phó bảo:



– Liên, con Hoa Đông kia không phải không có lý.

– Dạ?



Liên giật mình.



– Chiến tranh không phải sân chơi riêng của các tộc sống khỏe. Nó là chiến trường tổng lực, có bao nhiêu xài bấy nhiêu. Người Gốp, dân lùn Dware Nord hay ngay cả người Örc cao to đều giống nhân loại, đều dễ chết cả. Thế giới có một nghịch lý, là cái gì càng mạnh, càng bự, càng bá càng đứng cao trong chuỗi thức ăn thì càng ít. Nói như vậy, không phải vì nhân loại mạnh nên dân số ít, mà do họ bị yêu ma đồ sát lâu quá rồi, chỉ còn từng này thôi! Mà, đó không phải điều em cần quan tâm!



Hít vào thật sâu, đến nỗi ưỡn căng bộ ngực đẫy đà giấu sau chiếc áo bành tô kín bưng cúc, Oa Lân giảng giải về đặc tính của biển người. Nó là chiến thuật dùng số lượng đánh chất lượng, nhưng nếu trang bị tốt, ma pháp khỏe, chủng loài khủng thì dẹp luôn rồi. Điều Hương Hương vừa hỏi chính là đánh vô cái ý “nếu bên kia chất lượng cao thì sao”.



Về mặt tự nhiên, sức mạnh tỷ lệ nghịch với dân cư. Các chủng loài mạnh thường sẽ bị gò bó tại một vùng thổ nhưỡng riêng biệt, khả năng sống sót và duy trì giống nòi sẽ bị giảm mạnh nếu phải sang mấy vùng khác. Còn giả như thi quỷ cổ đại, để thích nghi với các môi trường khác, họ cũng phải tự tiến hóa, thay đổi bản thân, tới nỗi giờ nhìn vào không nhận ra nhau nữa. Vì vậy, nếu như đối phương mà mạnh như, Oa Lân tằng hắng, Masami đi, thì việc xuất hiện được một con là vô cùng hiếm. Tộc Jira giờ chỉ còn vài trăm người ở vùng Fugaku, với mỗi người thì chỉ cần sơ sơ… hai quân đoàn thi quỷ là đủ quật!



– Thương vong quá mức cho phép đó! – Hương Hương đập rầm xuống bàn – Với lại kiểu vũ khí sống đó không tính đi, giả dụ như nếu bên địch có một hội pháp sư tung chiêu diện rộng thì biển người sẽ đỡ thế nào?

– Bên này chắc không có?



Mỉm cười, Oa Lân đáp lời. Chuyện đối phó với biển người cô đã suy nghĩ rất lâu, thử nhiều trò khác nhau, vì biết địch biết ta mới trăm trận… chín chín thắng được. Nếu đối phương là cung binh, như người Alf, niệm phép vào tên rồi bắn, thì hoàn toàn có thể phản kích bằng việc niệm phép cường hóa vô khiên, tạo đội hình mai rùa rồi từ từ tiến, tới lúc vô cự ky mới bỏ khiên lao vô giáp chiến. Với ma pháp diện rộng, thực tế, sức công phá của một ngàn pháp sư cùng xả chưa chắc to bằng Masami vui vui khạc lửa hay Hồng Ma làm trò bựa.



Bởi lẽ, mạch linh lực của thế giới này đang ngày càng suy yếu, tương lai có thể sẽ không còn chuyện niệm phép vô hàng nữa, nên việc đánh phép diện rộng không mấy hữu ích nữa. Đổi lại, nó đã, đang và sẽ được thay bằng hỏa lực tầm xa, như các loại pháo chẳng hạn. Một trận địa pháo binh hoàn toàn đủ sức quét sạch biển người, nhưng bên kia cũng hoàn toàn có thể phản pháo lại và khiến pháo binh địch câm họng từ trước cả khi chúng kịp gáy.



Vì vậy, về cơ bản thì phép thuật cũng không khác mấy so với dội pháo hiện giờ.



Quay lại vấn đề chính, Oa Lân nói, ở tầm năm trăm thước đổ lại thì các ổ hỏa lực hạng nặng của đối phương có thể dễ dàng đánh vào đội hình quân ta. Tuy nhiên, không có nghĩa phe ta không động thủ. Pháo lớn vẫn sẽ tiếp tục dội hỗ trợ, trong khi các đơn vị hỏa lực liên thanh cỡ lớn sẽ di chuyển ra phía sau và hai bên quân ta, bắn phá yểm trợ và áp chế hỏa lực bên địch. Sát thương từ đại liên có thể được tăng lên nhờ ma pháp niệm đầu nòng, nhưng với độ giật lùi lón thì chũng vẫn rất khó để kiểm soát. Quân biển người lúc này sẽ chuyển từ đi đều sang bước nhanh, sải chân dài và tăng tốc để nhanh chóng tiếp cận tầm hỏa lực hợp lý. Ai cũng có súng trường cả – thời Oa Lân thì mang súng tiêu chuẩn K98 của Đế quốc – và một tiểu liên, một súng hoa cải, thêm cái lê với xẻng quân dụng để dùng khi vào tầm cuối.



“Tầm cuối”, thứ Oa Lân vừa đề cập, chính là hai trăm thước cuối cùng từ chỗ mình tới mục tiêu. Đã đến đây thì bắt đầu hội thi chạy nước rút mạo hiểm, băng qua mưa phép bão đạn của đối phương. Đây là tầm mà kẻ địch có thể bắn chính xác mình với vũ khí cá nhân, nhưng đổi lại chính quân mình cũng làm được điều tương tự. Pháo và hỏa lực hạng nặng tiếp tục bắn hỗ trợ, trong khi bộ binh phóng thẳng lên. Sau nhiều kiểm nghiệm thể lực với nhiều chủng tộc khác nhau, thì tầm hai trăm thước ấy là khoảng “chạy vũ trang” – mang đầy đủ hàng nóng trên người – lý tưởng, quân lính vẫn sẽ còn sức để đánh lúc nhào vô giáp lá cà. Vừa chạy vừa bắn, nhiều người sẽ dùng súng trường, gắn lê lên trước lúc chạy, và từng làn sóng một sẽ ập vào đối phương.



Dĩ nhiên, có người không thích súng trường nạp từng viên vì nó chậm quá. Điều đó không sao. Oa Lân nói, đánh quét hào như thời Đại chiến thì súng trường khá vô dụng. Nó dài, vướng, cồng kềnh, bắn như rùa và không thể so về tốc độ với súng máy. Nhưng súng máy nặng, cồng kềnh, đại đa số yêu ma nhỏ con sẽ khó cơ động được. Vì vậy người ta mới làm ra tiểu liên, với tầm bắn và đạn của súng lục, nó hoàn toàn có thể “quét” vài mươi thước trước mắt sạch bong sáng bóng, khiến máu tươi tung tóe như trang trí đêm lễ hội ma. Có người lại thích súng hoa cải hơn, như các đơn vị viễn chinh Columbia, vì đánh tầm gần nó cực kỳ hiệu quả. Cơ số tám viên, nạp đạn kiểu bơm, khi bắn sẽ văng ra hàng trăm mảnh nhỏ găm đầy vào đối phương. Chưa kể lực đạn gốc nữa, nó có thể hạ gục một gã Örc cao to chỉ với một phát duy nhất, còn như người Gốp là bấy nhầy như thịt xay luôn.



Khi tiến quân trong giai đoạn cuối, Oa Lân nói, quân ta sẽ không duy trì đội hình hàng dọc nữa. Thay vào đó, ba người ban đầu sẽ tách ra thành hình mũi tên ngược, với hai người đi trước, mang tiểu liên, làm mũi xung phong. Người đi sau có nhiệm vụ yểm trợ hỏa lực bằng súng trường đã lắp lê, tạo thành đội xung kích hỏa lực đâm sâu vào trong. Việc tách hai bên cánh ra không nhằm khiến địch dễ bắn hơn, dù người ta hay nhầm tưởng thế, mà để người sau chạy không trúng người trước.



Khoảng cách giữa các tổ ba người là khoảng năm thước, duy trì tới khi đã xộc thẳng vào phía trong địch. Như vậy, đội hình lúc này trở về kiểu hàng ngang, nhưng không phải dàn hết lên mà kỳ thực là hai hàng đứng xen kẽ nhau, phía trước hai người che một người sau. Nhóm ba người sẽ yểm trợ nhau kể cả khi đã đánh vào phòng tuyến địch, và cứ bốn nhóm là đủ một tiểu đội, công thủ toàn diện. Nhóm súng trường sẽ đảm bảo bắn tỉa và cận chiến, tiêu diệt sinh lực địch từ xa và tầm cực gần, trong khi những người manh tiểu liên sẽ đánh ở vài mươi thước. Ở cự ly này, dù là lính thường cũng có thể tạm thời tạo “hiao thoa ma pháp”, thành một lớp lá chắn tạm thời, và có thể đánh chiếm luôn cả các ổ hỏa lực địch nếu đủ gần.



Dĩ nhiên, chiến thuật này đang thay đổi.



Giơ hai tay lên trời, Oa Lân lắc đầu bảo:



– Đầu hàng.

– Vậy à?



Nhắm mắt lại, Hương Hương thở dài. Cục diện bàn cờ lúc này ngã ngũ, với hai quân Khinh Kỵ dứng trấn tại hai hàng tung 1 và 2, trong khi quân Trọng Kỵ còn lại đang giữ hàng tung 3. Ban nãy khi Hương Hương đâm kỵ binh đầu tiên, Oa Lân đã mất toàn bộ Vệ và cánh trái. Soái chạy lên hàng trên, lại tiếp một Khinh Kỵ nữa xuống. Vì Trọng Kỵ đứng chờ sẵn, nên rõ ràng, chạy lên trời may ra mới thoát. Oa Lân thua, Liên thua, nhưng họ cũng đã đánh cho cô hoa tiêu chỉ còn đúng bốn quân: Các quân mã kia và con Soái. Chỉ là thiếu một chút may mắn, một chút kinh nghiệm, để có thể giành lấy chiến thắng.



Khoanh tay trước ngực, Hương Hương ra hiệu, ý bảo Oa Lân nãy đòi bày ra thì giờ tự dẹp vào. Thuyền phó biết, và vì là kẻ thua, đành phải làm. Xếp từng quân vào chiếc hộp lớn hình chữ nhật, cô quay sang Liên, hỏi:



– Nhiêu đó đủ làm mấy lão chấm luận lác mắt rồi nhỉ?

– Ơ… Vâng!



Hơi ngập ngừng, nhưng Liên gật đầu.



Cất cả vào rồi, Oa Lân mới nói tiếp, thực ra biển người trong sách chưa phải tối ưu. Thời đại này đánh dấu sự lên ngôi bước đầu của vũ khí tự động, như súng máy, tiểu liên, súng trường tấn công các loại, nên học thuyết sẽ phải thay đổi theo. Không cách đánh nào là trường tồn, nó phải luôn thay đổi theo thời gian, hợp với thời thế, quốc gia, thế lực và các yếu tố khác. Giả dụ, với K20, không cần nhóm xung kích hỏa lực cơ cấu cũ nữa. Cứ mỗi người một cây, bốn hộp đạn và xông lên theo từng hướng thì luồn lách, đâm thọc còn hơn khinh kỵ thời xưa. Các tổ đại liên, trung liên vẫn sẽ đảm nhiệm yếu tố chi viện, hỗ trợ bên ngoài, nhưng chủ lực sẽ là loại vũ khí mới kia.



Lúc này mới thực sự là kết thúc,



Ngả người trên ghế, Oa Lân đã thấy đám Mộc Ma nãy giờ. Nhưng không phải giờ hành chính, cả bọn đang nghỉ trưa, lại bận chơi cờ nữa nên chẳng buồn chào. Mà cũng không nhất thiết phải chào. Việc ấy chỉ “khuyến khích”, không phải ‘ép buộc”, trừ khi đang trong giờ làm việc, ở doanh trại hay một số tình huống đặc biệt khác. Vả lại, lúc Liên tới cũng có chào hỏi gì đâu? Cô ta còn mặc thường phục nữa. Dù sao thì, điện Cây Quế vẫn là nhà họ, có giải ngũ thì vẫn sống trong đây thôi. Hồng Ma có một nửa quyền sở hữu chỗ này, nên con bà ta cũng được cái quyền “tiểu thơ” ấy. Hai thím kia cũng đâu chào hỏi gì… Mà nói đi nói lại, cũng vì cô ham đánh quá nên có quan tâm đâu!



Giảng giải xong xuôi, Oa Lân mới quay sang Masami. Nhìn chỉ huy hỏa lực, cô bảo:



– Nãy giờ vất vả rồi.

– Có gì đâu.



Mỉm cười, Masami nhẹ nhàng đáp.



Nãy giờ, cô vừa coi bàn cờ, vừa trông chừng đám nhỏ. Thiên ngồi im re coi mấy chị chơi, trong khi hai gái kia cứ xích sát vào nhau, tay để trên đùi, không nói tiếng nào. Trong ba người, Masami tiếp xúc với Viêm nhiều nhất, nên thấy nhỏ im lìm cũng hơi lạ. Lúc này, một người lên tiếng phá vỡ ngay bầu không khí:



– Thuyền phó nè, cô bé kia là ai vậy?



Hỏi đoạn, Liên liếc mắt, ý chỉ Viêm.



Nhận ra đây là cơ hội tốt để nói gì đó, Oa Lân mở lời, đồng thời giới thiệu Viêm với một trong bốn Thượng tá của tàu.



Vỗ vai Liên, Oa Lân nói ngay:



– Liên, bé kia là Phạm Huyền Viêm, siêu dễ thương thuyền trưởng mang về hôm bữa đó! Viêm, nhỏ này là Nguyễn Ngọc Kim Liên, Thượng tá “tạm thời”, phụ trách mảng hậu cần trên tàu và là cháu họ của thuyền trưởng! Hai bây chào hỏi nhau đi, trước sau cũng là chị em một nhà mà!

– Ơ… Dạ… Chào chị ạ!



Nghe giới thiệu là Thượng tá, Viêm luýnh quýnh đứng bật dậy, cúi người chào ngay lập tức. Đổi lại, Liên hoàn toàn không có vẻ gì quá đỗi bất ngờ. Tuy ban đầu có hơi khớp, nhưng chỉ chưa đầy hai giây sau, cô đã bình tĩnh lại, đứng thẳng và chào một cách duyên dáng vô cùng.



– Chào em, em gái.

– Dạ… Dạ? Em gái?



Tự nhiên nghe thế, Viêm giật mình, không biết có nhầm lẫn gì không. E, gái? Không, không, xét theo tuổi thì chắc… Ừ, là vì tuổi! nhìn chị ấy chắc ngoài hai mươi rồi, nên mới gọi mình thế! Chắc vậy nhỉ, đâu liên quan tới “cái đó”…



– Vụ đó cả tàu biết cả rồi.



Nói thế, Hương Hương mỉm cười.



– Chứ em nghĩ sao tụi chị hôm bữa lại tỉnh bơ khi thấy một đứa lạ hoắc trên tàu chứ?

– Dạ?



Cái mồm Viêm há to hơn cả lỗ đen.



Có nghe nhầm không?



“Vụ đó” chả lẽ là… Mà cả tàu biết hết…



– Thuyền trưởng, à không, dì Giao đã báo hết cho bọn chị trước khi đi.



Nhẹ nhàng ngồi xuống, Liên vừa nói, vừa huých nhẹ sang Oa Lân. Rõ ràng là đùn đẩy trách nhiệm mà!



Cũng chẳng trốn đi đâu được. Thở dài, Oa Lân nói, việc đem Viêm về đã được Giao Long phổ biến ít nhất hai ngày trước khi đi. Cô ta đã bảo tàu sẽ sang “một thế giới khác” để đón một thành viên mới, một bé gái, và sau đó, nếu được thì cô sẽ nhận nuôi nó. Tuy không nói rõ đó là ai, cái bữa viêm lên tàu, đám Oa Lân đã thấy mặt. Nhưng có vẻ con bé mệt quá nên không chú ý. Ba người cũng không ngạc nhiên, hoàn toàn không, vì chuyện thuyền trưởng của họ lâu lâu bỏ tàu nhảy đại qua cái thế giới nào đó rồi mua về dăm ba cuốn sách là chuyện thường như cân đường hộp sữa rồi.



– Thế giới khác mà bả xuyên như đi chợ!



Chốt câu xanh rờn, Oa Lân xì rõ to.



Hương Hương cũng công nhận, vì nếu không tính thi quỷ và Hồng Ma thì cô là một trong các sĩ quan đã theo Giao Long lâu nhất, từ sau khi rời đơn vị biệt động mà về đây. Năng lực không gian của “Thi Hoàng” đủ mạnh để tạo ra một kết giới siêu cấp, thường được gọi là “Tinh thần giới”, phản ánh chính tinh thần của người dùng, và khả năng du hành qua các vũ trụ song song. Dĩ nhiên, có vài nơi có thể sang định cư luôn được, nhưng có noi, như Trái đất, bài trừ ma pháp và không chấp nhận các sinh vật từ bên này. Trái đất, theo cô hoa tiêu, là thế giới rất “bảo thủ”, không chịu mở của với các không gian khác, nên việc đem Viêm qua bên này cực kỳ khó khăn. Cái nghi thức hôm đó, dù mấy câu thần chú chỉ là trò đùa – buồng lái, trừ Mộc Ma lúc đó không có ca, đã cười ngặt nghẽo khi biết Viêm thực sự đọc – chính là thứ giúp Viêm cắt bỏ ràng buộc với bên ấy mà hoàn toàn chuyển sang bên này.



– Mệt thiệt chứ!



Ngả người ra sau, Hương Hương nói.



– Bà đó toàn làm theo ý mình thôi! Thêm Hồng Ma cố vấn ngu nữa!

– Lần đầu chúng ta cùng quan điểm!



Oa Lân gật đầu lia lịa



– Hồng Ma chỉ xúi dại là hay, còn thuyền trưởng thì tửng quá! Cái lần thử lặn siêu không gian đó cứ tưởng chết cả đám rồi chứ!

– Ừ, nhớ lại vẫn kinh dị!



Cả Masami cũng nói theo.



Nhưng họ không đi vào chi tiết. Có những chuyện thuộc về chuyên môn, là chuyện cơ mật, nên nói vậy Viêm cũng không hỏi thêm. Giờ nó chỉ biết, vụ Giao long chuẩn bị giấy nhận nuôi này đã lên kế hoạch từ trước, thủy thủ đoàn ai cũng biết thuyền trưởng sắp nhận nuôi mình, và thực sự thì nhỏ bị đẩy vô thế “sụ đã rồi”. Bây giờ nó nhận ra, không chỉ ở đây mà kể cả là dị giới “bình thường”, một đứa mới gần mười ba như mình sẽ không tài nào sống sót nổi cả. Thế giới này có thể phát triển hơn thời Trung cổ, nhưng lưu manh đời nào cũng có, nên không gì chắc chắn mình an toàn.



Vả lại, trong light novel thì thường xuyên rồi sẽ có công ăn chuyện làm, bèo lắm cũng là nông dân, hay vô đại cái học viện to to nào đó. Ở đây thì không, Viêm không có công việc, đi học thì kiểu gì cũng lại mài đít quần trên ghế thôi, thẻ căn cước cũng chẳng giúp ích được như thẻ hội. Năng lực thì không dùng được: Cái lửa đen đó bậy bạ còn tự phản mình nữa. Thiệt là, quả này bị gài hàng nặng rồi!



– Bị gài nặng rồi.



Vỗ vai Viêm, Mộc Ma nhoẻn cười, nhìn đểu đểu đúng kiểu “Va chạm không?”.



– Mà bữa giờ em ngủ đâu vậy?



Một phút im lặng.



Mọi người nhìn Liên, nhân vật mới có phát ngôn “quan thị trọng” kia.



Đúng là chuyện đáng quan tâm. Mấy hôm rày lo chuẩn bị cho chuyến ra Bắc mà không ai chú ý tới chuyện Viêm ở đâu. Nghe nói đêm qua nhỏ ngủ lại tàu, nguồn tin từ một bà già mọc sừng nào đó, còn hôm kia thì ở trog tòa chánh điện. Nhưng lạ nước lạ cái, con bé có thể không quen, nên Hồng Ma đã bố trí con gái đi theo trông chừng, vừa bầu bạn cho nhỏ đỡ nhớ nhà. Ít nhất thì kế hoạch mà nhóm buồng lái được phổ biến là thế. Giao Long canh gác từ xa, phân thân của cô ta có khi đang đứng đâu đó ngay gần đây mà chẳng ai biết và quan sát cũng nên? Chuyện bọn nhỏ, chắc chắn không lọt khỏi tầm mắt người đó được.



Tằng hắng mấy cái, Oa Lân lên tiếng:



– Tối bữa kia chị thấy hai đứa nó ôm ấp nhau trong phòng con chột…

– Hả?

– Cái gì?

– Thiệt không?

– Sao chị biết?



Liên, người nêu câu hỏi, Hương Hương, người im lặng nghe, Masami, người đang trông chừng cậu quý tử, và cả Viêm, đứa trong cuộc, đồng loạt hét toáng cả lên. Duy chỉ có Mộc Ma tủm tỉm cười rồi quay mặt đi chỗ khác. Kỳ thực, nhỏ đã biết đêm đó mình làm gì: lúc thay đồ mẹ nói hết rồi, và cả việc Oa Lân đứng coi nữa. Đem hết mọi thứ kể ra, nhỏ chột bảo, chuyện này tốt nhất nên quên đi. Bởi nó không có gì to tát cả, trùm mền ngủ chung thì nóng nực, đổ mồ hôi thôi! Oa Lân cũng không thêm gì, trong khi hai chị lớn nhích lại gần, thì thầm gì đó. Viêm ngượng đỏ mặt, Mộc Ma huýt sáo kiểu “em ứ biết gì đâu” còn Liên thì khều tay Oa Lân. Cúi sát vào, chị Thượng tá tạm quyền thì thào:



– Hồi chưa gặp em còn nghi ngờ… chứ con bé nhìn rật khuôn dì Giao luôn! Có khi nào vụ mười mấy năm trước là bả tính không?

– Ừ, ai chứ má Giao thì dám lắm á!



Oa Lân đồng tình. Tuy không nói rõ “vụ mười mấy năm trước” là gì, nhưng cô bảo:



– Giống từ bản mặt tới thuộc tính, thì chị cá một ăn mười, không sai đi đâu được! Thuyền trưởng đã tính, tụi mình chơi không lại đâu! Cứ chờ coi tiếp theo thế nào đi!

– Dạ!



Họ nói một hồi, rồi lại quay ra. Dĩ nhiên, Mộc Ma đổi chủ đề, tránh chuyện buổi tối ngủ chung trong bộ đồ… ấy ấy. Tuy nhiên, trong lúc tất cả đều bàn luận sôi nổi, chỉ có cu Thiên ngồi im re. Bé con chẳng nói chẳng rằng, đôi mắt đen tuyền cứ mở to mà nhìn chằm chằm vào một gốc cây gần đó. Nó nhìn trối trân, lúc lại tròn tròn cái mỏ bé xinh như muốn nói gì đó, nhưng lại thôi. Khoanh chân lên, tay để thẳng xuống, bé ngồi hơi còng lưng, lòa xòa mái tóc đen dài như bóng ma.



Nơi ấy, mẹ nó đang đứng, quan sát tất cả. Chỉ thằng bé thấy, vì nó và mẹ cùng một “nguồn”. Đưa ngón trỏ lên trước môi, Giao Long khép hờ mắt, bảo con trai mình giữ im lặng.