Flame Phantom (Viêm Ma)

Chương 6




– Độ cao chín ngàn ba trăm, tốc độ một trăm tư và đang giảm! Thuyền trưởng, chúng ta đã ở ngay trên điện rồi!



Ngoảnh đầu lại sau, Hương Hương cố hét thật to, dù khoảng cách từ bánh lái tới ghế thuyền trưởng chỉ là hai chục thước. Nhưng cô vẫn gào lên, bởi lẽ… đài chỉ huy giờ đang ồn lắm! Hàng ngàn, hàng vạn thứ tạp âm kinh khủng, từ tiếng hơi nước đập rầm rầm trong ống dẫn, tiếng ống kim loại rung lên lạch cạch, tới cả việc toàn thượng tầng chao đảo vì mất thăng bằng khiến cái chỗ này loạn hơn cả nước Mỹ năm hai ngàn mười hai! Phải cố lắm Viêm mới không ngã, mà sao ngã được, nó ôm cứng ngắc cái lưng ghế rồi. Có khi cả tòa tháp nghiêng hẳn chục độ, thấy rõ trời đất chao đảo, vậy mà, nó thầm thán phục, mấy cái người ở đây lại chả xê dịch chút nào cả.



Đứng bên trái Giao Long, Oa Lân tay cầm sổ, tay cầm bút, mắt nhìn mấy chiếc đồng hồ treo trên tường. Ngoài cái to nhất đặt ngay trên tường, sau lưng ghế dùng chỉ giờ ra thì Hồng Ma có ba loại đồng hồ chính: Áp suất đường ống, áp suất động cơ và đồng hồ đo độ cao. Viêm nghĩ, mấy thứ đó chắc giống như đồng hồ trên máy bay nhỉ? Áp suất, độ cao đều là những thứ quan trọng cần để bay, mà hồi sáng Hồng Ma có nói, lệch chút xíu thôi cũng lật tàu luôn. Nhớ lại thế, nhỏ lại lén nhìn Oa Lân. Cô ta thỉnh thoảng ngước lên coi đồng hồ, rồi lại cúi xuống cặm cụi ghi chép gì đó. Nó không rõ, nhưng cũng nhìn theo.



Hai bên tường, chỗ nào cũng gắn đầy đồng hồ. Chúng không được làm như bình thường, mà chỉ có độc một kim mỗi cái, xoay trên vùng hình quạt từ không tới khoảng hai trăm cho đồng hồ áp suất và cũng từ không, nhưng tới tận mười sáu ngàn đối với những đồng hồ độ cao. Mức chia đơn vị cũng khác nhau: Đồng hồ áp suất chia mỗi khoảng hai chục đơn vị, kéo dài mãi tới hai trăm. Còn những cái dùng đo độ cao cách mười vạch là một số, lần lượt không, một, hai,… tới mười sáu, và đơn vị bên dưới ghi là “ngàn thước”.



Nhưng khác với loại áp suất, đồng hồ độ cao to gấp đôi, bên trong cò kèm theo ba chiếc nhỏ nữa, đều chia từ không lên, nhưng lại khác nhau. Cái thứ nhất lên tới chín trăm, thứ hai tới chín mươi, và cuối cùng chỉ đạt đến chín. Mỗi lần đồng hồ độ cao nhảy số, Viêm thấy kim lớn nhất phải chờ cho kim của ba cái nhỏ kia nhảy xong rồi mới dừng lại. tất cả chúng đều là “thước”, khác với cái to bự ngoài cùng. Cả phòng có mười đồng hồ kiểu đó, còn loại áp suất thì gắn dễ tới cả trăm trên mấy ống đồng. Mà chúng rung quá, hết uỳnh uỳnh lại lạch cạch, làm con nhỏ nhức đầu chết đi được!



Nhìn thuyền trưởng, Oa Lân thấy sếp mình trừng mắt. Giao Long giơ tay trái lên, chỉ đưa ba ngón. Hiểu ý, cô hét to:



– Tiếp tục hạ! Tốc độ ba mươi! Thi hành!

– Rõ! – Hương Hương hét – Tiếp tục hạ! Tốc độ ba mươi! Thi hành!



Nhận lệnh xong, Hương Hương lập tức giữ chặt bánh lái lại. Một tay giữ lái, tay kia cô đưa sang bên, nắm lấy cần gạt của tay chuông truyền lệnh. Kéo lên tới mức “Achtung”, cô quay sang bên, nhìn vào mấy chiếc la bàn. Cả ba kim đều chỉ về phía Tây Bắc trên mặt số, tức là tàu hiện đang hướng về phía Đông Bắc, có lẽ hơi lệch chút. Đoạn, cô lại kéo một tay cầm khác. Lần này cả một trụ cao nhô lên, bên trên có đầy các mặt đồng hồ và cả màn hình vẽ đường lên xuống như biểu thị động đất nữa. Hương Hương tập trung vào đồng hồ đo vận tốc ở góc trái trên cùng, xem kim giảm dần từ một trăm bồn mươi xuống dưới. Mà Hồng Ma chậm lại cũng lẹ thật, kim chạy rề rề nhưng không dừng lại chút nào.



Kim độ cao giảm dần, đã về ngưỡng sáu ngàn hai trăm thước. Mây vẫn còn, nhưng những tầng cao nhất thì bị bỏ xa rồi. Tàu đang ở tầng đối lưu, nơi các dòng khí lớn xuất hiện liên tục. Đây cũng là cái khác biệt so với Trái đất mà lần đầu Viêm thấy. Suốt cả quãng dài từ tám ngàn thước cao xuống đây, thân tàu đã liên tục bị các dòng khí lưu đánh vào. Chúng cuồn cuộn như gió lốc, sấm chớp đì dùng, đánh vào thân tàu rất mạnh. Mà hình như càng xuống càng mạnh hơn thì phải? Nhưng không ai tỏ ra lo lắng cả, dù tàu chao đảo như muốn lật. Nó lấy làm lạ, tại sao…



– Mới chút xíu này mà đã đúng không nổi à? – Hồng Ma giữ chặt nhỏ – Yếu quá, yếu quá!

– Nhưng… tàu lắc vậy cơ mà? – Viêm tròn mắt hoang mang.

– Chuyện thường thôi. – Oa Lân nói – Hồi xưa chị với Hương Hương đi biển còn gặp sóng cao cả chục trượng, mà còn bị Hồng Ma bắt phải leo lên hạ buồm. Còn Masami thì sống xứ động đất quen rồi nên chút đỉnh này nó chả sợ đâu.

– Nói gì em đó? – Masami kêu vọng lên.

– Nói cưng không sợ sóng dữ!

– Vậy đi!



Dứt lời, Masami quay lại làm việc. Trên kia, Oa Lân bẻ cổ mấy cái rắc rắc. Tiếp tục quan sát đồng hồ, cô không quên ghi ghi chép chép. Hồng Ma bảo nhỏ, đó là nhật ký hải trình chung, yêu cầu sĩ quan cấp cao thứ hai trên tàu phải ghi chép lại mỗi ngày để đảm bảo thông tin chính xác. Ngoài nó ra, vẫn còn nhật ký hải trình của thuyền trưởng, thường chỉ ghi chung chung. Khi hạ cánh, người ta sẽ dựa vào hai cuốn đó để biết trên tàu đã có chuyện gì, tàu đi đâu về đâu, tiêu thụ trung bình bao nhiêu tấn thực phẩm, thuốc men, đạn dược,… để phía hậu cần còn biết đường bổ sung.



Chăm chú nghe giảng, Viêm bỗng thắc mắc về mấy cái “khí lưu” nãy giờ vẫn cứ đánh vào tàu. Thứ đó hoàn toàn không có ở Trái đất, nhưng cơn “bão lốc xoáy” nằm ngang phóng với vận tốc hàng trăm cây trên giờ. Hồng ma nói chúng hình thành do điều kiện tự nhiên của nơi này: Địa hình “Trái đất” bên đây nhiều núi và bị chia cắt mạnh hơn bên kia, nên việc chênh lệch khí áp giữa các vùng dẫn đến những cơn gió cuộn nhau tạo thành lốc xoáy, còn chúng bay ngang là do ảnh hưởng của hải lưu. Chúng tồn tại khắp thế giới, giống như hải lưu, và cũng được đặt tên. Khí lưu lớn nhất, được người Việt gọi là “Đại Phong Lộ”, tức “con đường gió vĩ đại”, chạy ngoằn ngoèo từ vùng Bắc cực xuống tận gần Nam cực, với khoảng tám trăm hai mươi chi lưu, phụ lưu xung quanh.



Nghe đến đó, Oa Lân dừng bút. Nhìn sang Viêm, cô nói:



– Người ta đồn sức gió của nó đủ mạnh để cắt một thiết giáp hạm thành mớ sắt vụn, chả khác gì em đút cà rốt vô cánh quạt đang quay cả!

– Chém gió! – Hương Hương la lên – Rõ ràng cái thứ đó nghiền chiến hạm ra bã luôn, “cắt” là thế nào chứ?

– Nói vậy con nít sợ. – Oa Lân gằn giọng – Lo lái đi, tía lia!

– Em cũng ít gì.



Mở lời, Giao Long đưa mắt lườm Oa Lân, làm cô thuyền phó sợ điếng người. Lập tức, nàng ta quay ngay về làm việc ghi chép. Giờ Viêm đã thấy, cái vẻ sợ hãi của họ đối với “Thi Hoàng” không phải chỉ là trò đùa cắt lương. Thực sự từ người cô ta, khí áp khủng bố tỏa ra vô cùng mãnh liệt, đến nỗi cuồn cuộn lên như sương mờ. Nãy giờ cô ấy gần như không nói gì, chỉ ngồi yên thôi mà đã đe dọa thế này rồi, tới lúc ra lệnh tác chiến không biết đáng sợ cỡ nào nữa.



Nhỏ nghĩ lại rồi, nếu Hồng Ma có khí chất của bậc đế vương, minh quân thì Giao Long chính xác ngược hoàn toàn, từ thần thái tới bộ dạng đều toát lên sự hắc ám cùng cực của Ma vương bạo chúa, tàn độc. Tới cả ánh nhìn cũng lạnh tanh. Đôi lúc, chỉ liếc tí đỉnh thôi là con bé đã muốn đóng băng tới tận linh hồn rồi! Đôi mắt đen tuyền với sáu vòng đỏ, chưa một lần nó thấy ánh lên tia sáng nào cả. Tất thảy chỉ là một màn đêm vĩnh cửu, với sắc đỏ lập lòe…



Ruỳnh!



Toàn tàu va đập mạnh. Trên tường, kim áp suất nhảy loạn xạ. Vài mặt kính lung lay. Cả mấy đường ống cũng rung lên, tiếng lạch cạch nãy giờ càng lúc càng lớn hơn. Thậm chí mấy âm thanh “coong… coong…” do hơi nước di chuyển đập vào góc ống cũng to hơn hẳn. Ghì chặt bánh lái, Hương Hương biết tàu vừa tông phải khí lưu. Đã hạ xuống khoảng sáu ngàn mét, khu vực khí lưu nền, cũng là chỗ dữ dội nhất nếu không tính “Đại Phong Lộ”.



Hầu như không tàu nào dám bay vào khu vực dày đặc các dòng khí lưu nền cả, bởi sức gió và khả năng hủy diệt chúng gây ra có thể sáng ngang với hàng trăm trận siêu bão với sức gió giật trên cả cấp mười hai. Chỉ trừ Viêm, những người kia đều biết khí lưu nền hoàn toàn có thể xé nát cả tàu khu trục chỉ trong chớp mắt. Chúng không dày đặc nhưng hay đổi dòng thất thường, đặc biệt vùng gió rìa sắc lẹm như dao phay cắt thép, nên dân tàu bay gọi chúng là “Máy chém của Trời”.



– Tới rồi! Tới rồi! – Hương Hương gào đến khản cổ – Máy chém của Trời! Thuyền trưởng, an toàn hay mạo hiểm?

– Làm gì ấy à? – Giao Long mỉm cười – Em nghĩ cơn gió mát ấy cắt được hai mét Stalinium không Oa Lân?

– Bằng niềm tin! – Oa Lân quả quyết – Hiểu chưa gái?

– Rõ!



Vẫn nắm chặt tay lái, Hương Hương cho tàu bay thẳng vào luồn gió kia. Nhưng Viêm vẫn chưa thấy gì, dù nhỏ cảm nhận rõ ràng mũi tàu đang bị va đập cực kỳ mạnh. Có lẽ do Hồng Ma quá lớn chăng? Để tải được mấy cây pháo chính vĩ đại kia thì con tàu này nhất định không bé, và cũng không phải dạng vừa rồi! Gió cắt rất mạnh, tiếng đập uỳnh uỳnh càng lúc càng to hơn, nhưng không có gì khác xảy ra cả. Thậm chí trên kính, lúc này đã tiến vào vùng gió mạnh, cũng không trầy lấy tẹo nào. Trên cầu, mặt ai cũng tỉnh bơ ra, cứ như có mỗi nó lo vậy. Thấy lạ, nhỏ hỏi Hồng Ma:



– Mọi người… không sợ ạ?

– Chuyện cơm bữa đó mà! Quen cả rồi!



Hồng Ma đáp, đoạn đưa tay xoa đầu cô bé. Bà cô lửa sau đó mới nói:



– Nếu là vỏ thép và nhỏ như khu trục thời xưa thì sợ, chứ nhóc nghĩ ta, cái tàu dài một cây sáu làm bằng Stalinium lại phải xoắn trước mấy cơn gió cỏn con này á?

– Stalinium? – Nhỏ ngây người.

– Cái đó chỉ tồn tại ở đây thôi! – Oa Lân nói – Thứ kim loại hư cấu, ảo lòi, thiên vị nhất vũ trụ đó…

– Và ta đóng từ thứ đó đó. Muốn sao? – Hồng Ma cười cười.



Im lặng. Không ai nói gì cả. Họ hiểu khi nào nên và không nên phát biểu. Còn riêng Viêm, Hồng Ma chỉ dặn nhỏ sau này đừng thắc mắc, chỉ cần mặc định nó như vậy là được rồi. Con bé cũng không muốn hỏi thêm, bởi lẽ có cố thì cũng không hiểu gì cả. Nghe Hồng Ma bảo, nó chỉ gật đầu.



Ruỳnh…! Ruỳnh…! Ruỳnh…!



Càng lúc, tiếng gió đập vào thân tàu càng rõ hơn. Đã hạ xuống sáu ngàn một trăm thước, tốc độ ba mươi. Từ đây nhìn ra, họ thấy rõ từng luồng gió sắc lẹm, xam xám rít lên liên hồi bên ngoài. Mấy lá cờ của Hồng Ma, vẫn treo ngoài đó, được cô “bọc” lại bằng ma thuật, giữ cho chúng không bị gió cắt nát. Gió đập vào cửa sổ, vào vách tháp nghe rõ mồn một. Trong này, vừa chịu rung lắc vừa thêm mấy cái ống kêu như mấy bà bún mắng cháo chửi, Viêm thực sự muốn hư hết não rồi! Nhìn mấy dòng khí chém chan chát vào cửa sổ trước mặt mà nó lạnh hết sống lưng. Lỡ dại kính bể, gió chém vô thì chẳng phải đi đời nhà ma cả lũ sao?



Nhận thấy rõ sự lo lắng của con bé, Giao Long liếc bạn, ra hiệu để mình lo. Hồng Ma cũng hiểu ký, để Viêm qua chỗ cấp trên. Ghế thuyền trưởng khá to, kể cả đối với người khổng lồ như Giao Long. Ngồi nép sang trái, cô để đứa nhỏ, lúc này sợ đến cứng đơ người, vào mé phải, rồi lấy vạt áo trùm người nhỏ. Cánh tay to kềnh quàng qua vai nó, cái bàn tay xanh lè, khô đét đúng kiểu xác chết giữ chặt lấy hông. Tay kia cô ta vịn thành ghế, hai chân đạp mạnh xuống sàn. Oa Lân thấy, nhưng không ý kiến gì. Theo lý mà nói, chỉ thuyền trưởng mới được ngồi vào đó, nhưng cái tàu này dị đó giờ rồi, nên cô cũng không bận tâm mấy cái tiểu tiết vụn vặt ấy nữa.



Giữ Viêm bên cạnh, ép sát thái dương nhỏ vào ngực mình, Giao Long mới nói:



– Lần đầu đi tàu bay nhỉ?

– A…



Viêm ngạc nhiên. “Thi Hoàng”, tới giờ nó vẫn gọi cô thế, có mở miệng nói đâu, nhưng sao nó lại nghe giọng cô ta? Mà khoan, giọng nói sao cứ như vang lên ngay trong đầu mình vậy?



– Ta đang nói với nhóc đây.



Giao Long nhướng mày, trừng mắt nhìn nhỏ. Cái cặp mắt đen thui kia đang trừng như muốn ăn tươi nuốt sống nó! Kinh dị… Kinh dị quá! Lạnh hết cả sống lưng rồi! Nó phải làm gì? Phải nói gì? Mở miệng đáp lại? Nhưng “Thi Hoàng” không hé môi nửa lần, mọi người cũng đang tập trung lái, vậy nó phải làm gì đây?



– Xin lỗi nhé, chắc nhóc không quen chuyện nói thẳng vào đầu đâu nhỉ?



Đúng là “Thi Hoàng” đang nói! Mà lại còn nói thẳng vô tâm trí nhóc tỳ nữa!



Cố giữ chút bình tĩnh cuối cùng, nó “đáp”:



– Dạ… Dạ… Có… gì không… ạ…?

– Nhìn nhóc run mắc cười quá thôi. – Giao Long khẽ nhếch môi – Mà lên tàu rồi thì gọi ta là “thuyền trưởng”, hay gọi hẳn tên luôn đi. “Thi Hoàng” chỉ có đám thi quỷ mới gọi thôi.

– Dạ… Là vậy ạ? – Nhỏ vẫn ngập ngừng.

– Ừ. Mà sao cũng được, gọi sao nhóc thấy thoải mái nhất ấy.

– Dạ… thưa… “thuyền trưởng”… được không ạ?

– Tùy.



Nói đoạn, Giao Long thình lình ôm chặt Viêm vào lòng. Ngay khi ấy, một tia sét lớn, tím biếc đánh uỳnh ngay vào tàu! Chấn động lớn tới mức cả đài chỉ huy rung lên bần bật, toàn tòa tháp chùa vĩ đại tưởng như muốn sập hẳn xuống. Nhưng Hồng Ma lập tức báo cáo, không có thiệt hại gì đáng kể ngoài vết cháy sém. Ngoài ra, theo lời Oa Lân, sét ở khu vực này là bất thường vì thường thì “máy chém của Trời” thổi rất mạnh, tự thân gió đó cũng tạo thành lớp ngăn không cho tích điện từ bên trên đánh xuống. Việc sét đánh tàu hẳn phải là do Hồng Ma quá to, lại có thượng tầng cao và nguồn linh lực dồi dào, họi đủ các điều kiện để dẫn “Tử sắc lôi”, tức sét tím ban nãy, đánh xuống.



– Lần cuối cùng bị sét đánh là khi nào nhỉ? – Giao Long nhướng mày, hất hàm – Đồng chí Hồng Ma?

– Hình như là… ba tháng trước? – Hồng Ma thè lưỡi – A hi hi, chả nhớ!

– Ước gì ký hiệu của cậu là LZ129 nhỉ?

– Cả lũ chết chùm đó! – Oa Lân nói ngay – Chị bớt ước ba cái tào lao đi!

– Vậy à? Vậy thôi, làm gì căng thế?



Xua tay tỏ vẻ đuối lý, Giao Long lại ngồi ngay vào, ánh mắt vô hồn, bất cần đời cứ thế nhìn thẳng ra ngoài. Nhưng dù trông như thế, cả Hồng Ma lẫn Oa Lân đều biết Giao Long không đơn giản. Hồng Ma đã ở cùng thuyền trưởng từ khi cô ta mới thành thi quỷ, thậm chí trước đó nữa, và thậm chí chính cô còn chưa dám vỗ ngực tự hào phán mình hiểu rõ tận cùng con ngốc này. Oa Lân lại càng khó hơn, do biết nhau tuy lâu nhưng thời gian tiếp xúc thực tế không nhiều nên cô hoàn toàn không hiểu được Giao Long thực sự muốn điều gì.



Những gì nàng tóc gợn sóng ấy biết chỉ là Giao Long ngày thường rất hiền, thậm chí tới mức gọi là “thánh mẫu” với ai theo mình, nhưng đặc biệt tàn bạo với kẻ chống đối. Ngoài ra, tuy chưa tận mắt thấy nhưng cô nghe nói Giao Long bị cuồng sát, nghiện clo, khao khát bạo lực và rất thích nhìn người ta quằn quại trong đau đớn. “Ác quỷ Siegfried”, đó là cái tên người phương Tây đặt cho cô ta sau khi dùng Hồng Ma, lúc đó là zeppelin, sục clo cả chiến tuyến dài mấy trăm cây!



Nhưng hùm dữ không ăn thịt con, Giao Long bạo chúa ác cách mấy cũng có lúc mềm lòng. Thủy thủ đoàn trên tàu đã từng thấy sự tàn độc của thuyền trưởng khi xử lý “phản động”. Oa Lân cũng thấy, cách Giao Long hành quyết “phản động” thậm chí khiến nhiều thi quỷ nôn tại chỗ vì quá tởm lợm. Nhưng có lúc cô ta lại hiền như đất, ân cần giúp đỡ người già, dạy chữ cho con nít và ngồi đàn hát cùng nông dân. Đặc biệt, đối với “đứa trẻ đó”, Giao Long thậm chí chưa một lần to tiếng quát mắng. Điều đó, nhiều lúc, làm Oa Lân không thể hiểu được đâu mới là con người thật của Giao Long: Thi quỷ cuồng sát nghiện hóa chất hay người mẹ hiền, người bạn dễ mến?



– Oa Lân. – Hồng Ma nhắc khẽ – Đừng nghĩ quá nhiều. Tập trung chuyên môn đi!

– Rõ!



Bỏ hết mọi chuyện tạp nham ra khỏi đầu, Oa Lân quay lại việc ghi chép. Tàu đã bớt lắc, và gió cũng không còn mạnh nữa. Kim đồng hồ chỉ mức năm ngàn, chín trăm, tám mươi và sáu thước. Đã rời khỏi vùng khí lưu nền, nhưng chi lưu của chúng vẫn còn xuyên xuống hơn hai trăm thước nữa. Dẫu thế, chi lưu này đối với Hồng Ma không hơn gì cầm quạt giấy phe phẩy trước mặt, mát còn không đủ chứ đừng tính tới gây thiệt hại.



Thản nhiên, Hương Hương lái tàu bay cái một qua khu vực đó. Tốc độ vẫn giữ nguyên ba mươi lý trên giờ, biểu thị bằng cái đồng hồ vận tốc kia. Trong khi đó, toàn bộ các chấn động lên tàu đã được cái bảng đo rung chấn ghi chép lại. Cũng không quá dữ so với Hồng Ma. Bản thân chính là con tàu, cô biết mình không sao cả… trừ cái tia chớp chết tiệt làm dơ chỗ kia!



Vẫn giữ nhóc Viêm trong tay, Giao Long tiếp tục nói thẳng vào đầu nó:



– Oa Lân tới giờ vẫn còn chưa biết ta ác hay hiền nữa. Mà kệ, nó muốn nhìn ta sao cũng được.

– Dạ? – Viêm ngây người, không hiểu gì cả.

– Giờ chưa hiểu đâu. – Cô bảo – Ta chỉ thấy mắc cười thôi. Oa Lân sống hơn ngàn tuổi rồi mà khờ y như nhóc. Nói thẳng ra thì chỉ là đứa nhóc to xác ấy.

– Dạ…



Lặng thinh, Viêm không biết mình nên nói điều gì nữa. Thực sự thuyền trưởng bây giờ rất khác lúc sáng. Khi không có ai, cô ta là người dễ gần, tuy ít khi cười và cái giọng thì cứ đều đều, nhưng khi nhiều người tập trung ở đây, cô ấy lại có vẻ rất lạnh nhạt. Đến cả ánh nhìn cũng không trao đổi với họ một lần, giọng nói thì lí nhí, thậm chí không thèm lên tiếng ra lệnh nữa. Tất cả công việc đều do Hồng Ma và Oa Lân lo liệu, còn bản thân mình chỉ ngồi yên như tượng! Nó tự hỏi, rốt cuộc cô ta nghĩ gì trong đầu chứ?



Đúng lúc nhỏ đang trầm ngâm, Hương Hương nói lớn, phá tan bầu không khí khó chịu nơi đây:



– Thuyền trưởng! Đã ra khỏi tầng chi lưu! Độ cao năm ngàn bảy trăm sáu mươi bảy thước và đang giảm dần!

– Được! – Hồng Ma ra lệnh – Giữ nguyên hướng đi, cẩn thận bên dưới! Hạm đội đã chờ sẵn chúng ta rồi! Oa Lân, thông báo cho toàn tàu! Masami, Mộc Ma, khóa hệ thống vũ trang lại. Bây giờ không cần chúng nữa!

– Rõ!



Nhận lệnh xong, ai cũng bắt tay ngay vào việc. Hương Hương giữ nguyên hướng lái, trong khi Oa Lân đi sang bên, tới chiếc bàn kim loại bố trí đầy các ống đồng có chụp bảo vệ. Mở cái to nhất lên, cô vặn van điều khiển hết cỡ. Kê sát miệng vào, Oa Lân truyền lệnh. Ngồi bên cạnh, Viêm nhoài người ra coi thì Hồng Ma bảo đó là hệ thống “liên lạc” trên tàu. Ở cái quốc gia này, điện thoại vẫn là thứ vô cùng xa xỉ, ngoài ra lại dễ bị nghe lén nên lúc đóng tàu, để giảm chi phí nên hai người quyết định dùng lại hệ thống ống liên lạc cũ từ thời các zeppelin, loại tàu bay giống điếu xì gà, để tiết kiệm. Ngoài ra, ưu điểm của ống nói là chúng có thể thay đổi các “vách ngăn”, bằng cách xoay van, chỉ cần một ống thôi cũng đủ ra chỉ thị cho mọi bộ phận chứ không cần như điện thoại, phải gọi đến từng nơi.



Không hề thua kém, hai chỉ huy bên dưới nhanh chóng đưa tay gạt cần khẩn cấp, khóa toàn bộ hệ thống vũ trang. Chúng giống như “khóa an toàn” của súng vậy, cơ chế đặc biệt nhằm đảm bảo các máy vận chuyển đạn không thể hoạt động. Như vậy, dù tháp pháo có xoay thì cũng không thể mang các quả đạn nặng hàng mấy tạ lên được, nên việc bắn là bất khả thi. Khóa của Mộc Ma còn cứng hơn, do các tháp phòng không của Hồng Ma dùng thủy lực từ động cơ để khai hỏa nên đóng nó tức là đóng luôn cả súng, búa kim hỏa hay sáu nòng tự nạp đều chết cứng cả. Chúng cũng chỉ cần một đòn bẩy đơn giản thôi, vì nếu phức tạp quá thì sẽ rất phiền phức. Vả lại, vào cảng phải khóa vũ khí lại, vì từng có chuyện trước đây rồi.



Cúi sát vào Viêm, Hồng Ma nói nhỏ:



– Hồi trước ở Columbia có con khu trục ngáo cần nã pháo vô nhà chỉ huy ngay trong cảng, xém chết! Hai năm trước thì ở Albion có nổi loạn, nguyên một hạm đội đình công đòi tăng lương, lại cướp cả dàn vũ trang đe dọa cảng nên giờ người ta mới có quy định tàu chiến khi vô cảng phải khóa vũ khí lại. Nước nào cũng vậy hết đó, chả riêng gì chỗ này đâu!

– Nhưng lỡ… có chuyện khẩn cấp thì sao ạ? – Nhỏ ngập ngừng.

– Tàu nào cũng phải có một nhóm ở lại đài chỉ huy để canh chừng cả, nên khỏi lo! – Hương Hương nói vọng ra – Như chị chả hạn!

– Biết bị khóa giò rồi! Lo lái đi! – Hồng Ma quát vui.



Chờ con đệ tử quay đi, Hồng Ma mới đứng thẳng lên, ra vẻ nghiêm nghị lắm. Lúc này Oa Lân cũng đã truyền lệnh xong, quay về đứng bên trái Giao Long. Ngồi trên ghế, nhưng Viêm lại nghĩ về câu nói ban nãy của hai người họ. Ý Hồng Ma là ai bị khóa giò? Lúc Hương Hương nói “chị” ấy, chị ta muốn nói chính mình hay Hồng Ma? Người bị khóa chân trên tàu là ai?



– Đừng nghĩ quá nhiều. – Giao Long bất ngờ nói – Kệ đi.

– Nhưng…

– Kệ họ đi.



Nói đoạn, Giao Long tiếp tục làm thinh. Viêm cũng không hỏi, mà chính ra thì không dám hỏi. Không phải sợ, mà nó nghĩ bây giờ mọi người cần im lặng để tập trung vào công việc. Không nhớ hồi trước đọc ở đâu nhưng phi công khi đang hạ cánh thì xuống gần mặt đất tuyệt đối không được nói chuyện để giữ tập trung. Nếu lơ là thì chỉ chút đỉnh thôi cũng đủ khiến mọi thứ tan nát rồi. Bây giờ, Mộc Ma đang ở tuốt phía dưới, Hồng Ma canh chừng toàn bộ, Oa Lân lo ghi chép, Masami kiểm tra dàn vũ khí, Hương Hương cầm lái, nó không biết nên làm gì nữa. Chẳng lẽ cứ ngồi đây làm cái bình bông như Giao Long à?



Nhưng Viêm không phải chờ lâu. Khi hạ xuống tầm độ cao bốn ngàn bảy trăm thước, máy điện tín trên tàu bắt được tin nhắn. Ngay lập tức, Hồng Ma phân thân xuống đó, tạo thành một bản sao nhỏ hơn của chính mình, nhận tin và đánh nó ra giấy. Sau đó cô đánh lại tin trên giấy vào máy mã hóa, sau đó đốt bản cũ đi, đem tờ giấy mới đánh lên lại cho Giao Long. Nhìn nó, thuyền trưởng có vẻ khá hài lòng. Ngoắc Oa Lân xuống, cô ghé miệng vào, nói nhỏ với sĩ quan phụ tá của mình. Viêm không rõ họ nói gì, nhưng trông Oa Lân ban đầu hơi ngạc nhiên, sau đó bình thản trở lại. Nó muốn hỏi, nhưng thấy hơi sợ. Lỡ đâu là chuyện cơ mật gì nữa sao?



Đúng lúc đó, Hồng Ma lại cúi xuống, thì thầm vô tai nhỏ:



– Tin báo từ Không Hạm đội 6 đấy. Họ chờ sẵn rồi.

– Không… hạm đội? – Viêm ngây người.

– Lực lượng dưới quyền Giao Long! Nhóc nghĩ con ngốc đó cho xây phòng đô đốc để làm gì chứ?

– Đừng nói quá nhiều. – Giao Long trừng mắt.



Chỉ nói bấy nhiêu, Giao Long đã khiến Hồng Ma phải câm họng. Không khí trên cầu chùng hẳn xuống, thậm chí không ai dám thở mạnh. Tiếng ống kêu cứ vang lên đều đều, cả âm thanh va đập bên trong cũng rất rõ ràng. Họ làm việc trong im lặng, không ai nói với ai lời nào, tập trung toàn bộ suy nghĩ cho việc hạ cánh. Tuy không ai nói ra, họ hiểu giai đoạn hạ cánh quan trọng tới thế nào.



Viêm cũng biết điều đó. Mấy lần coi tin máy bay rơi trên tivi, thường là lúc bay lên với đáp xuống. Mà so với mấy cái máy bay chở khách đó thì Hồng Ma còn to hơn nhiều, vậy nên nếu lỡ có gì thì hậu quả chẳng phải rất khủng khiếp sao? Nó không dám nghĩ tới, nhưng rõ như ban ngày, Hồng Ma mà rơi ngay vào khu dân cư thì còn hơn là thảm họa nữa!



Uỳnh… Uỳnh…



Tàu đã hạ xuống kha khá. Nhìn lên đồng hồ độ cao, Hương Hương thấy họ đã vào vùng thấp. Tốc độ vẫn giữ nguyên: Ba mươi lý trên giờ là vận tốc tối thiểu để Hồng Ma vẫn bay về trước được. Từ lúc bắt đầu hạ cánh tới giờ, con tàu đã phải lượn một vòng khá lớn. Không biết vì sao nhưng Hồng Ma dường như không thể đáp thẳng đứng được, phải bay một quãng dài lấy đà rồi mới giảm dần tốc độ. Viêm nhận ra thế, vì từ sáng giờ tàu cứ bay lượn vòng mãi. Con bé nghĩ, chắc Hồng Ma cũng giống máy bay, phải chạy đà mới đáp được. Mà lại không giống sao, lúc được Giao Long ẵm lên, nó đã thấy rõ cặp cánh lớn dang rộng sang hai bên tàu rồi mà!



Vẫn chăm chú lái, Hương Hương báo cáo:



– Độ cao bốn ngàn năm trăm! Tốc độ ba mươi!

– Giữ nguyên hướng đi! – Oa Lân ra lệnh – Hồng Ma, “AL” thu được gì không?

– Có, khá nhiều.



Hồng Ma gật đầu. Đứt lời, cô đưa tay lên bịt tai, nhắm mắt lại. Vài giây sau, cô nói:



– Tiếng động cơ khá rõ, cách chúng ta khoảng một ngàn thước bên dưới. Mười sáu thiết giáp hạm, hai mươi tuần dương hạng nặng, hai mươi tám tuần dương hạng nhẹ, một trăm mười lăm khu trục, toàn bộ là kiểu dreadnought. Ngoài ra có ba mươi tàu đổ bộ loại zeppelin, độ cao khoảng ba ngàn. Các tàu dàn đội hình hai cánh, đang chờ chúng ta xuống.

– Ngài Tham mưu trưởng đón tiếp long trọng nhỉ? – Oa Lân mỉm cười – Là tình đồng chí hay anh em thế, thuyền trưởng?

– Sao cũng được. – Giao Long thở dài – Đi tập trận về thì về đại luôn đi, còn bày đặt “tiện đường qua đón”. Mà cũng chả sao. Hương Hương, canh tàu đi cùng hướng với họ. Hồng Ma, cậu đánh điện qua bên đó bảo tụi mình sẽ đáp ngay khi về điện Cây Quế. Bảo Phó Đô đốc Trung gặp tớ ở cầu số không.

– Rõ!



Tự nãy tới giờ, không biết đây là lần thứ mấy Giao Long đích thân ra lệnh nhỉ? Viêm nhẩm tính, hình như không quá một bàn tay? Thuyền trưởng thực sự rất kín tiếng, cô hầu như không nói gì suốt quá trình xuống. Ấy vậy mà giờ cô ta đã bắt đầu hành động. Theo chỉ thị từ chỉ huy tối cao, Hồng Ma đánh điện hồi đáp hạm đội ngay, còn Hương Hương hơi thay đổi lộ trình bay, dựa vào hướng Hồng Ma nói mà bẻ lái. Nhỏ thầm phục sát dất Hồng Ma khi vừa mã hóa điện tín lại vừa có thể “nghe” được bên ngoài. Mà khoan, “AL” là cái gì nhỉ?



– Akustischer Locator. – Giao Long truyền âm vô đầu nhỏ – Tiếng Việt là bộ định vị âm thanh. Chúng là mớ loa bự móc trên cột buồm đó. Trừ hai loa dẫn bắn đặc biệt nối thẳng xuống chỗ của Masami, còn lại đống đó đi vào đài quan sát bên trên. Giờ này đám thi quỷ trùm kín mít của Hồng Ma đang lúc nhúc ở trển rồi.

– Oa… Mà sao cô biết? – Nó hỏi nhỏ.

– Chỗ nào có thể trống chứ đài quan sát với động cơ là phải luôn túc trực. Ở cả hai cột buồm, mỗi đài đó đều cần ít nhất sáu mươi mươi người vận hành cùng lúc để đảm bảo tầm “nghe” luôn bao quát toàn tàu, không để lọt mất cái gì cả.



Nói đến đó, Giao Long bảo từ đài chỉ huy đi lên tới đỉnh các “cột buồm” đều là đài quan sát cả. Nhưng chúng chia ra từng bộ phận khác nhau: Vùng trên cùng là phòng dẫn bắn, nơi nhóm dẫn bắn quang học truyền tin xuống cho chỉ huy hỏa lực, và từ chỉ huy hỏa lực lệnh lại truyền xuống cho tháp pháo. Xuống dưới là vùng điều hành, hoạt động như đài chỉ huy thứ hai để điều phối hoạt động của đài quan sát. Nơi này cũng có trách nhiệm quan sát đường đi nước bước, đo đạc thiên xăn, coi chuyện thời tiết để báo cáo xuống lái tàu. Nhóm hoa tiêu làm việc ở đây, và cùng với phòng dẫn bắn, họ được coi là “mắt” của tàu.



Xuống khỏi vùng điều hành là trung tâm thu phát âm, cũng chính là nơi nối dây chính của các máy định vị âm thanh. Tuy đài quan sát tầng nào cũng có, nhưng chính trung tâm mới là nơi nghe chính. Dữ liệu âm thanh được đưa lên vùng điều hành thông qua các máy điện tín và không cần mã hóa, bởi lẽ tin nội bộ khó bị bắt hơn tin truyền giữa các tàu. Cùng với nó, tin dẫn bắn quang học và việc đo đạc nắng mây, thời tiết sẽ được tổng hợp thành các báo cáo và truyền xuống đài chỉ huy bằng các thang máy đặc biệt, đảm bảo tốc độ làm việc giữa các vùng.



Xuống đây rồi, báo cáo sẽ được nhóm giám sát ở cầu thứ hai kiểm tra lần chót rồi báo ngược về cầu chỉ huy. Cầu chỉ huy sẽ làm việc cuối cùng là ra lệnh cho các bộ phận thực hiện nhiệm vụ, từ cơ động luồn lách tới bắn trả, phòng không và đủ chuyện linh tinh khác. Vì vậy nên hai vị trí chỉ huy hỏa lực với phòng không mới không cần thiết phải “thấy” mới ra lệnh được.



Dừng chút, Giao Long lại nói:



– Nhưng thiết kế này chỉ cột buồm trước mới có, cột sau chỉ có mỗi vùng điều hành. Nó lo liệu toàn bộ mọi thứ nên sẽ nặng nề hơn, nhưng thường thì chỉ làm việc dẫn bắn và nghe âm thanh xung quanh. Phía sau cũng có đài chỉ huy, nhưng chỉ dùng lúc khẩn cấp.

– Phức tạp vậy ạ? – Viêm nghiêng đầu – Sao không gom hết lại một chỗ đi?

– Nhiều việc lắm, tách ra dễ tập trung chuyên môn hơn. Còn đằng sau ta nhét hết vô một chỗ thì đơn giản thôi. Bao giờ nhóc bay lùi thì tính chuyện tách nhé!



Nghe vậy, Viêm lại thấy não mình đang chảy ra. Quá nhiều kiến thức trên trời dập tới một lúc, sao mà chịu cho thấu đây? Bộ định vị âm thanh, lại thêm cái cấu hình “bó tay chấm nước tương” của Hồng Ma nữa, óc nó quá tải rồi! Nó ngồi ôm đầu, hai mắt trống rỗng, xem ra đã tới giới hạn chịu đựng. Giao Long biết, nhưng vẫn làm thinh. Cả Hồng Ma cũng thấy, nhưng thay vì cúi xuống nói chuyện cho nhỏ đỡ mệt như bình thường, cô chỉ đứng đó nhìn, miệng cười đầy mỉa mai. Cô không cười con bé, mà cười cái đứa cố nhét hàng tá kiến thức cao siêu vô đầu đứa nhỏ chưa tròn mười ba tuổi kia. Dĩ nhiên, thuyền trưởng hiểu, nhưng cô vẫn làm thinh. Nhây vậy đủ rồi.



Độ cao bốn ngàn. Tốc độ ba mươi.



Đã xuống rất gần khu vực Không hạm đội 6 đang chờ. Tranh thủ lúc hạ cánh, Giao Long cố tình nhồi thêm vô đầu Viêm mấy chuyện tào lao nữa. Cô bảo:



– Mộc Ma nói với nhóc về “Luftflotte” rồi nhỉ? Vậy ta không cần dài dòng nữa. Không Hạm đội 6 là lực lượng dưới quyền ta, có nhiệm vụ xung kích chiến lược và đồng thời bảo vệ không phận phía Nam của Đế quốc Liên hiệp.

– Dạ…?



Viêm chính thức ngu người, bởi lẽ tới giờ nó vẫn chưa hình dung nổi cái “Đế quốc Liên hiệp” này to cỡ nào. Hồi nãy Masami có nói Đế quốc Liên hiệp lớn vô cùng, với Đại Việt là trung tâm, xung quanh là thành bang và lãnh thổ cát cứ của các lãnh chúa. Theo lời chị ta thì thuyền trưởng là quý tộc lãnh đạo vùng “U Minh”, nghe có vẻ giống rừng U Minh ở miền Tây quá!



Nó chưa dám chắc, nhưng nếu hai thế giới tương đồng tới mức các quốc gia chỉ khác tên và sai lệch lãnh thổ chút đỉnh, vậy có khi nào Giao Long thực sự cai trị vùng U Minh không? Nếu vậy thì Việt Na… Đại Việt bên này lãnh thổ thế nào? Rộng hơn hay bé đi? Đế quốc Liên hiệp có bao nhiêu lãnh thổ bên trong? Rồi lực lượng quân sự nữa! Nó chợt nhớ, các nhân vật chính light novel khi qua dị giới thường sẽ đi tìm thông tin, và các “vương quốc” bên đó thường sẽ có quân đội yếu kém, chỉ biết trông cậy vào anh hùng được triệu hồi. Nhưng ở cái thế giới nơi con người chiếm thiểu số này, mọi thứ có lật ngược không nhỉ?



– Nhóc nghĩ xem? – Giao Long chợt nói – Đệ lục Không Hạm đội của ta có tổng cộng sáu trăm ba mươi bảy chiến hạm các loại, chưa kể khí cụ bay cá nhân, phòng không và các tàu phi tác chiến. Cái nhúm kia chỉ là một phần nhỏ của nó thôi, thậm chí chúng còn không có Thuận Thiên, Kim Quy, hai cái nhà xưởng bay của ta nữa! Vậy quân lực của ta có mạnh không?

– Hơn… hơn sáu trăm tàu?



Viêm giật thót tim, suýt nữa thì hét toáng lên rồi! Nhìn cái người có vẻ hắc ám pha bất cần này mà lại là chỉ huy của hạm đội hơn sáu trăm tàu bay sao? Cô ta còn nói chưa tính các “khí cụ bay”, phòng không và cả tàu không chiến đấu nữa, vậy rốt cuộc tổng lực lượng dưới quyền Giao Long là bao nhiêu?



Nó muốn hỏi, nhưng lại thôi.



Vì bây giờ tàu đã xuống thấp lắm rồi.



Ba ngàn tám trăm…



Ba ngàn bảy trăm…



Ba ngàn sáu trăm.



Đã xuống sát tới chỗ hạm đội đang chờ. Một số tàu thậm chí còn bay cao hơn mức ba ngàn năm trăm. Từ đây nhìn ra, Viêm thực sự không thốt nên lời trước sự kỳ vĩ của hạm đội này! Do kính khá lớn nên nhỏ nhìn thấy hết cả, hàng mấy tốp cả chục tàu chiến lớn bay lượn xung quanh, cờ phướn rợp trời, họng pháo kỉa thẳng, trông uy dũng như sắp sửa xung trận!



Tàu nào tàu nấy đen trũi, cái mũi nhô dài ra như cây thương sẵn sàng húc nát đối phương. Chúng to lắm, nhỏ ước chừng mỗi chiếc phải ít nhất năm trăm mét chiều dài. Các tàu đó có pháo ở cả trên boong và dưới đáy, mang mỗi chiếc tám tháp pháo hai nòng to chảng và cả lô pháo phụ đặt trong mấy tháp xoay xoay bên hông. Đặc biệt, chúng có hai cột buồm cao, bên trên gắn đầy các “bộ định vị âm thanh” hình loa kèn, có cái đơn, có cái đôi bẻ ra hai bên, cùng hướng về một phía.



Cột buồm cũng to lắm, và tuy xây thẳng đứng lên, lại nhìn không hề nặng nề. Giữa hai cột mắc đầy dây cáp, với ống khói lớn nằm giữa hai tháp chỉ huy, xung quanh là các ụ phòng không. Đằng đuôi tàu, ba chiếc bánh lái nằm độc lập, với hai cái trên và cái còn lại bên đưới, nhìn rất giống đuôi máy bay. Các tàu ấy bay bằng cánh quạt, mỗi tàu hai trục dài gắn đến chục cánh quạt quay tít mù khói trông lạ vô cùng! Chúng treo đủ thứ cờ, nhưng ở đỉnh cột buồm sau chỉ treo duy nhất một lá, gồm hình chữ thập vàng với vòng tròn đỏ và bốn màu xanh lam thẫm, đen, xám và huyết dụ. Màu sắc ấy giống với cờ Hồng Ma treo ở mặt trên, trong khi chúng không có lá cờ đỏ với con chim đen. Lấy làm lạ, nhỏ kéo áo Giao Long, hỏi:



– Sao mấy tàu đó không có cờ kia vậy?

– Đó là hiệu kỳ của ta. – Giao Long nói – Chỉ soái hạm mới treo thôi. Như vậy người ta mới biết ai là chỉ huy. Còn cái cờ màu mè đó là quốc kỳ của Đế quốc Liên hiệp. Bọn ta, mang tiếng là nhiều lãnh thổ tự trị, nhưng thực tế vẫn là một chỉnh thể.



Hướng mắt vào một chiến hạm đương bay lại gần, Giao Long bảo:



– Nhìn kỹ đi Viêm. Thiết giáp hạm lớp Định Quốc là tấm khiên bảo vệ quốc gia này đấy. Không riêng U Minh đâu, mà là trên toàn Đế quốc Liên hiệp. Chúng là lực lượng phòng ngự mạnh nhất trong hạm đội thường đấy.

– Vậy mà cậu bảo tớ đừng nói quá nhiều! – Hồng Ma nhảy ngay vô đầu Viêm – Phun bao nhiêu chuyện rồi hả?

– Những điều cần thiết. – Thuyền trưởng trừng mắt, rồi quay lại nhỏ – Được làm việc trên lớp Định Quốc là điều rất vinh hạnh, bất kể quý tộc hay dân thường đều muốn nó.

– Vậy con cũng nên…

– Quên đi!



Gạt phăng câu nói chưa dứt của nhỏ, Giao Long đổi thái độ ngay. Nhìn sang Hồng Ma và Oa Lân, cô gật đầu, giơ ba ngón tay. Ngay lập tức, hai người họ tiến lên ba bước, để Giao Long và Viêm phía sau. Dĩ nhiên, Oa Lân vẫn tiếp tục ghi chép, theo dõi tình hình, còn Hồng Ma ra chỉ thị điều khiển tàu. Mấy người khác răm rắp làm theo, cứ như thể họ mới là chỉ huy thực sự vậy. Giao Long không để ý, cô quay lại nói với Viêm:



– Thời thế thay đổi rồi. Ta không chủ trương dùng tác chiến hạm đội cổ điển nữa, mà là quân cơ động. Thiết giáp hạm bây giờ chủ yếu để thủ nhà thôi, còn các chiến dịch sẽ do những tàu nhỏ và kinh tế hơn thực hiện. Mà, hễ cần đánh trận lớn thì ta vẫn lôi đầu chúng đi thôi!

– Dạ? – Viêm ngạc nhiên – Nhưng Hồng Ma cũng bự mà?

– Hồng Ma tự cung tự cấp được. Đám chiến hạm ăn như… hạm kia ta kham không nổi đâu. Nên Không Hạm đội 6 đa số là tàu nhỏ, chạy nhanh và có thể hoạt động xa nhà, thiết giáp hạm ta chỉ có vài chục con để xài lúc quyết định. Bữa nào bí quá thì mượn tàu đám bạn, vậy thôi.

– Có người chịu cho cô “mượn” ạ?

– Vì lợi ích chung của cả nước.



Nheo nheo mắt, Giao Long ngả người ra sau ghế. Cô thở dài, miệng thì thầm, nhỏ tới mức ngoài Viêm ra, không ai khác nghe được cả.



“Ad victoriam, ex machina, non sibi sed patriae.”



Độ cao ba ngàn năm trăm.



Đã bay ngang hàng hạm đội. Giữ chặt bánh lái, hương hương cho tàu đi theo họ. vẫn còn quá sớm để chuyển tay chuông sang “Halt”, nên giờ cả chiếc tàu chiến sừng sững ấy cứ bay là là trên trời, càng lúc càng thấp dần. Nhìn ra ngoài, Viêm thấy có cả mấy tàu nhỏ hơn, chỉ có tháp pháo đơn ở mạn và sau đuôi, cùng phần “thân dưới” nối với bên trên bằng mấy đường ống. Có cả loại tàu hạng trung, mang tháp pháo đôi, mũi không quá nhọn nhưng nhìn cũng chết khiếp, bay lại gần. Tất cả chúng đều treo cờ chữ thập sáu màu. “Quốc kỳ” ấy khác hẳn cờ đỏ sao vàng, nhưng nhìn cũng vui mắt chứ nhỉ? Viêm nghĩ thầm, liệu có bao giờ mình được chỉ huy hạm đội lớn như Giao Long không?



——————————-



Một số chú thích nho nhỏ:

– Stalinium: kim loại huyền thoại, tuyên bố adamantium, vibranium,… không có tuổi.

– LZ129: Số hiệu của tàu bay Hindenburg. Nổ tung trong chuyến bay cuối do nghi vấn tĩnh điện trong không khí đốt cháy các túi hidro dùng tạo lực nâng.

– Ad victoriam, ex machina, non sibi sed patriae: Dành lấy chiến thắng từ những cỗ máy, không phải vì bản thân mà là cho Tổ quốc (dịch thoát ý).