Flame Phantom (Viêm Ma)

Chương 73




Đã nửa đêm.



Ngồi trên chiếc ghế gỗ mây gần cửa sổ, Giao Long lặng người nhìn ra ngoài trời, trong khi Viêm cuộn tròn mình trong tấm mền bông mà ngủ ngon lành. Giường gỗ có trải nệm êm ấm ấy vốn dành cho một người, có thể thêm trẻ nhỏ cỡ cu Thiên, nhưng con bé lại khá bự rồi nên nếu hai “mẹ con” ngủ chung, sẽ rất khó chịu. Số lượng gối cũng ít, chỉ có đúng một chiếc, xem ra họ không tính tới trường hợp này. Mà phòng cấp tướng ở đây cũng chỉ như vậy, quân đội Đế quốc không quá chú tâm tới nội thất căn cứ mà tập trung hơn vào khả năng tác chiến, phòng ngự. Những thứ như tiện nghi sinh hoạt, phòng ở,… chỉ nằm vào mức tối thiểu.



Tắt đèn, gian phòng một giường, một tủ đồ chìm vào bóng tối. Cửa sổ hướng khuất nên cũng chẳng hứng được ánh trăng, dù trên kia sáng rỡ lạ kỳ. Chỉ có sao, từ đây trông ra sao trời lấp lánh như kim tuyến, như ai đó đã mang hết đá quý của thế gian mà trám lên vòm trời vũ trụ. Mây bay lững lờ, cái màu xanh xanh đen đen ấy chầm chậm che mất mấy đốm lấp lánh kia, rồi lại né sang chỗ khác. Gió thổi nhẹ. Khu vực điều hành nằm sau tấm vách pháo đài, được xây lên hàng chục thước, khả năng phòng ngự tốt, nhưng chính nó cũng che đi mất những cơn gió trời lồng lộng vốn thổi rất mạnh ở vùng ngoại ô. Kẻ Chợ không như điện Cây Quế, nó nằm cách phong lộ gần nhất cũng hơn trăm cây về phía Đông Nam. Gió to ở đây chỉ đơn giản bởi địa hình trống trải xung quanh, ít kiến trúc che chắn.



Vẫn còn vài hôm tới khi tiến hành buổi diễu binh kỷ niệm. Theo kế hoạch, ngày mai phần lớn vẫn sẽ ở lại cảng, trong khi Giao Long cùng “con gái” và một vài người nữa sẽ tới khu dinh thự của nhà Tổng lãnh U Minh, nằm tại vùng ngoại ô tỉnh Đông Đô nhưng chỉ cách kinh thành khoảng mười phút đi xe. Chỗ ấy vốn là khu điện các được Mạc Minh Tông, vị vua cùng thời ông nội, xây tặng cho như món quà cưới từ người họ hàng xa. Cũng không phải quá bề thế, ông nội không thích nhà rộng quá mức, chỉ là căn biệt thự một tầng lầu với tám dãy xây nối nhau thành hình bát giác, hình mẫu của tòa chánh điện bây giờ. Tường xây bằng đá ong với loại vữa đặc biệt chuyển từ miền Nam ra, ngói dùng đúng loại lợp dinh Tổng lãnh cũ ở Gia Định, mua từ cùng lò, kiến trúc mang đậm phong cách người Giao với lối trang trí đơn giản nhưng tinh tế, không quá mức cầu kỳ, lại dùng các mô típ quen thuộc với đời sống như con cò, ruộng lúa, hoa sen,… chứ chẳng phải rồng phượng cao siêu gì.



Nơi đó vốn là chỗ nghỉ ngơi của ông khi ra Bắc, nhưng từ khi Giao Long trở thành Tổng lãnh và hoàn toàn dọn lên tàu, sống cuộc sống bị chính thằng em họ trời diệt không chết gọi vui là “dân du mục” thì tòa biệt thự ấy để lại cho gia đình một người bà con thuê ở. Tiền thuê gần như cho không, nhưng cô vẫn đứng tên chủ hộ. Dù sao thì, ở Đế quốc, đất đai vẫn thuộc về Nhà nước và các quý tộc. Người dân bình thường chỉ có quyền “sử dụng”, chứ không được “sở hữu” đất. Dĩ nhiên, đôi khi cái hệ thống này gây ra không ít chuyện nhức đầu. Nhưng nó vẫn đảm bảo lợi ích của các yêu ma, những kẻ vẫn giữ tư tưởng cát cứ địa bàn chứ không hòa hợp được như con người. Mà, cô thở dài, chẳng phải chính loài người cũng mang tư tưởng kiểu vậy sao?



Phòng ngủ lặng thinh, chỉ còn hơi gió lùa trên ống thông, và tiếng thở nhè nhẹ, nhỏ nhỏ của con bé đang quấn mền kín người ấy. Khoan, tiếng thở bé gái? Giao Long giật mình, cô nhớ lại lần gần nhất sang Trái đất, trước khi vô tình gặp lại Viêm, đã vớ phải một thứ “đáng quan ngại”. Một bản ghi âm dài mười giờ đồng hồ tiếng thở của “loli”, cách mà những đứa “ba chấm” bên đó gọi các nhân vật nữ có ngoại hình nhỏ nhắn, giống con nít từ khoảng mười một, mười hai tuổi đổ xuống. “Trái đất quả nhiên không tầm thường!”, cô đã nghĩ thế khi… mới nghe chưa đầy ba giây cái cờ líp ấy! Cảm giác như có thằng da ngăm sáu múi mặc đồ bó đen đỏ nào đó đứng sau lưng mà hét lên “Ngươi đang bước thẳng vào Địa ngục đấy!”, nhưng thực sự, nó đáng sợ hơn mình nghĩ. Phải là thứ đáng kinh tởm nào mới làm ra được trò như vậy chứ?



Nhưng… cũng nhờ cái khả năng “xuyên không” quái đản này, cô mới có thể thấy được nhiều thứ. Những điều đôi mắt này chưa bao giờ biết tới.



Nhắm mắt lại, Giao Long gọi về những ký ức năm xưa, khi cô dành hàng thập kỷ chu du giữa mấy chục vũ trụ song song, đến những vùng đất chưa từng có ai ở Thủy Tinh biết được.



Nơi đầu tiên Giao Long đặt chân đến là một thế giới “tiên hiệp” hoành tráng, với năm vị bá chủ của khu rừng, chín tầng trời, ma giới và loài voi chín ngà không bao giờ ngại việc húc tường chạy trốn. Người lùn mặc giáp tấm phiến, yêu tinh làm nông nghiệp, và bộ xương lập thành tông môn. Khu rừng khổng lồ trải dài trăm vạn dặm. Ở đó cô đã gặp người ở thế giới này đáng ra là mẹ của Hồng Ma, nhưng bên kia lại là “bà ngoại” mình. Đau não thật, và cả người ấy nữa, cái người cô đã cho mượn tử cung, lại sống cực khỏe trong tòa thành đang xây lên dần.



Chỗ khác tới, vùng biển hoang tàn những tòa nhà bỏ trống, trải dài đến vô cùng vô tận, nơi từng tồn tại một nền văn minh tiên tiến. Nhưng họ bị hủy diệt bởi chính sự tham lam vô độ. Tàn phá rừng cây, xả khí thải, xung đột vũ trang, cuối cùng chính hành tinh đó chống lại họ. Biến đổi khí hậu, tầng ozone bị thủng, hiệu ứng nhà kính các thứ, loài người ở đó đã tuyệt chủng. Thứ còn sót lại chỉ là tòa tháp thật cao, lưu trữ gen các loài động vật và một siêu máy tính nhiều mô đun quản lý nơi ấy.



Một nơi nữa gần tương tự Thủy Tinh, khu vực có vẻ là Cộng hòa Carib, nhưng trong thời kỳ cướp biển hoành hành. Chiếc galleon đen ba cột buồm ấy đạp lên đầu ngọn sóng mà lướt tới, lá cờ đầu lâu súng chéo kiêu hãnh bay giữa trời xanh. Họ đã tập hợp một hạm đội lên tới hơn trăm tàu để chiến đấu chống cường quyền áp bức. Pháo nổ đì đùng, trận chiến quyết định ấy tất cả cướp biển trong vùng lao vào đánh với hải quân hoàng gia. Cuộc chiến vì tự do và sự tồn tại của nền Cộng hòa non trẻ.



Lại có vùng, toàn bộ thế giới đều trở nên khô cằn. Nhìn khắp mười phương tám hướng cũng chỉ thấy sa mạc với những ngọn núi khô khốc, còn nước ngầm thì quý hơn kim cương. Người ta đi lại giữa các khoảng cách lớn bằng tàu bay, giống như Thủy Tinh, nhưng lại dùng nguyên lý bay khác. Cũng chẳng phải mấy chiếc vimana phản trọng lực, họ thực sự dùng máy bay, tính khí động học cao. Cô sang ngay khi đang xảy ra chiến tranh, một con tàu nhận nhiệm vụ chở tướng quân nước này sang phía đồng minh để tiến hành bàn kế hoạch phản công chung. Bắn nhau ì xèo giữa trời luôn.



Nhưng cái xó đặc biệt nhất, làm Giao Long phải suy nghĩ nhiều nhất chính là Trái đất.



Không đơn giản chỉ là sự tương đồng lớn về địa lý và lịch sử của hai thế giới, mà còn bởi trong cơ thể này vẫn còn một phần tư dòng máu đến từ nơi ấy. Trái “đất” nhưng lại xanh tươi màu nước, đẹp long lanh như viên ngọc quý giữa vũ trụ, khác biệt hoàn toàn mọi thứ cô từng biết trước đây. Nơi đấy không có ma pháp, tia cực tím và long mạch lại quá cực đoan cho việc hình thành các tế bào điều khiển dòng linh lực, nên những phép thuật nhỏ bé, được bên đó gọi là “phép màu”, kỳ thực cũng chẳng có gì đặc sắc lắm.



Dĩ nhiên, sinh ra và lớn lên ở Đế quốc, Giao Long đã quen với chuyện ma quỷ dị đoan. Cô không hứng thú gì cái trò cương thi xứ Cảng Thơm, cũng chẳng nuốt được điện ảnh kinh dị miền Cờ Hoa, và đặc biệt nói “Không!” với mấy cái phim ma Việt Nam, vì trong mắt cô, chúng vừa nhảm nhí lại mang tính tuyên truyền tới lố bịch! Phim ma nhưng lại muốn khán giả tin là không có ma, ma không tồn tại, mọi thứ đều do con người? Còn trò hề gì nhạt nhẽo hơn! Coi phim ma mà thấy khán giả cười vì mấy trò hù dọa tẻ ngắt, thô thiển thì thực chẳng còn gì để chê. Cả cái tư duy làm phim, kiểm duyệt và trình độ sản xuất, đều dưới ngưỡng chấp nhận được. “Thi Hoàng” ít đi coi chiếu xi nê, nhưng nếu phải so thì phim đen trắng kinh điển kiểu Nosferatu, Dracula hay Frankenstein của cùng thế giới ấy ăn đứt phim Việt cả về kỹ xảo, diễn xuất và nội dung, dù ra đời cách nhau gần thế kỷ.



“Ờm… Thôi, chửi quá khẩu nghiệp.”



Nghĩ thế, Giao Long lè đầu lưỡi, rồi tiếp tục hồi tưởng. Trái đất có nhiều kỷ niệm nhất, vì cô ở đó khá lâu, qua cũng nhiều lần, trong khi mấy chỗ khác chỉ như cưỡi ngựa coi bông.



Ở đó, Giao Long chủ yếu giả làm một Việt kiều gốc An Giang vừa về từ “Đức”, đang đi tham quan các nơi. Vì dạng người của cô chẳng khác gì người thường, trừ cái chiều cao có thể hơi quá với cái lứa con gái mười chín, lại dễ lẩn vào đám đông hơn. Nếu không tính những điểm trừ như người ta văng tục khắp nơi, rác xả ngoài lề đường, vỉa hè thành chỗ đậu xe hay cứ mưa là ngập, thì cũng thú vị đó chứ? Hệ thống xe buýt lúc đầu cô tới phải gọi là tệ, các xe cũ xì, chạy giật và thái độ của lơ xe thiệt chỉ muốn bắn phọt óc! Nhưng khi đến lần nữa, xe đã được đổi mới, nhỏ gọn, chạy êm và người ta bán vé cũng lịch thiệp hơn hẳn.



Người dân rất dễ mến, nói mình là người ở xa về thăm quê thì ai cũng chỉ dẫn tận tình, mấy bà cụ bán xôi còn khen tóc mình đẹp nữa. Không biết cái gì cứ việc hỏi, họ sẵn lòng hướng dẫn, niềm nở như người một nhà. Các cô bán hàng quán trước bảo tàng, điểm tham qua du lịch nổi tiếng còn bắn tiếng Albion như đại liên, phát âm và khả năng giao tiếp ăn đứt tụi con nít cả ngày ngồi lê cặp mông trên ghế nhà trường chỉ để học ngữ pháp, từ vựng đi thi. Khu phố Tây cũng rất thú vị, nhiều người Tây từ khắp các nước bên ấy tới chơi, có khi ở lại luôn, trở thành một nơi văn hóa vô cùng độc đáo. Vào đấy bắn tiếng nước ngoài thì chỉ có thể gọi là gắt. Chủ yếu là “tiếng Anh”, tức tiếng Albion ở Thủy Tinh, cùng với “tiếng Pháp”, “Đức” và nhiều nước khác.



Gần đó là cái chợ gì lớn lắm, Giao Long không nhớ tên nhưng trên mỗi cổng đều có một tháp đồng hồ lớn, bên hông có hẳn con đường mua sắm riêng. Người quấn khăn kín mặt đi lại nườm nượp, cô đoán có lẽ họ cũng giống các thím trùm kín bưng ở Liên minh Babylon? Văn hóa người ta, mình không rõ tốt nhất đừng nên khịa.



Đi ăn ở đủ quán khắp Sài Gòn, lang thang tiệm sách và vi vu trên chiếc xe đạp tự mua, dĩ nhiên không thể cứ mặc bộ quân phục được. Bỏ hết áo bành tô, đồ lính, thắt lưng, nón kêpi, bao súng vào không gian bên trong, diện những bộ mà nếu dám mặc ở đây kiểu gì cũng bị Hồng Ma lao vào sờ mó, nắn bóp không thương tiếc, cô nàng tự tin dạo phố, chút chút lại bắt gặp những ánh nhìn vừa kinh ngạc vừa “ba chấm” trước gương mặt thật sự có chút Tây và vẻ ngoài hay bị con chồng gọi đùa là “nghiêng nước đổ bồn” ấy! Áo sơ mi trắng may sát dáng, quần kaki ôm sát và đôi giày xăng đan dành cho nữ, thế là đủ. Trời nắng quá thì choàng cái áo khoác qua vai, đội mũ lưỡi trai hay nón vành rộng, vậy là đủ. Đạp xe nên không cần nón bảo hiểm, nhưng vẫn nên đội cái gì đó cho đỡ nắng, vì lúc cô đến ấy đang bắt đầu vô mùa khô, nắng gắt.



Bây giờ nghĩ lại, Trái đất vẫn thú vị nhất. Lang thang qua hàng chục vũ trụ song song, đã thấy rất nhiều thứ, nhưng chỉ nơi ấy mới thật sự khiến Giao Long thấy yên lòng. Một nơi bình yên tới lạ. Người dân hòa nhã, thân thiện, lại cảm giác như đang ở nhà. Chế độ chính trị… có lẽ không nên bàn tới, mỗi quốc gia có chế độ và tư tưởng của mình, nếu cứ áp đặt kiểu chủ quan, duy ý chí các quy chuẩn của mình vào thì chẳng thể nào được.



Nhắc đến thế, thuyền trưởng lại ngứa gan. “Hợp chúng quốc Mỹ”, cũng như Columbia bên này, là một đám nhiễu sự. Tuy bên Trái đất không bị vả tới thảm hại như tại đây, ngược lại Terra Méxca bên đó mới là phía thua nát, hai nước vẫn cứ có thói quen đi nhúng mũi vào chuyện xứ người ta. Cơ quan Tình báo Liên bang CIA ấy, chắc chỉ trùng hợp thôi nhỉ, tồn tại ở cả hai thế giới, đều là lũ đứng sau giật giây các hoạt động chống phá chính quyền, diễn biến hòa bình dẫn tới bạo loạn lật đổ, gây loạn lạc ở những quốc gia yếu và có chính quyền không vừa mắt đám da trắng mũi cao nọ.



Vụ Phiên An chưa ai quên đâu, chính bọn “xi ai ây” đó đạo diễn cho đám phản động làm loạn, lại tranh thủ bắt tay với bè lũ tư tưởng cực đoan mà làm giặc, khiến không biết bao nhiêu người đau khổ. Bên kia thì đi cà khịa toàn mấy nước có dầu, hay chế độ không theo phe mình, bên đây lại cố tình thọc ngoái các vùng thuộc địa, tìm cách kích động người dân nổi dậy chống chính quyền. Còn nuôi khủng bố. Cái này hai thằng như nhau. Ngoài mặt thì bảo là lực lượng nổi dậy, kỳ thực toàn mấy con “cún” phản động vẫy đuôi khi thấy chủ cho ăn và sẵn sàng quay ra cắn lại lúc bị bỏ thôi. Nhân phẩm quăng chó gặm hết rồi. Ừm mà, cô chợt nhớ, Columbia bên này làm quái gì mua được Alaska đâu nhỉ? Rõ thất bại mà!



Nhưng mà…



Đi du ngoạn nhiều thế, Giao Long mới thấy mình đang sống thực sự.



Ngày ấy, vì hai nguồn linh lực trong người xung đột quá dữ dội, cơ thể này bại liệt toàn bộ nửa dưới, có lấy kim khâu chích “nhẹ” cũng chẳng cảm thấy gì. Sau đó bị Lệ chửi một trận, cũng vui! Có khi thử trượt xe lăn từ trên nhà xuống sân, chỉ có mấy bậc thềm thôi mà té đập đầu. Nhưng không hiểu sao cơ thể lại lành rất nhanh, nhỏ giờ cũng ít thấy bệnh tật gì. Kiyo bảo do cơ địa người tộc Giao vốn khỏe sẵn, trong người có kháng thể mạnh nên chịu được vi khuẩn, nhưng cũng không biết phải nói sao với việc lành vết thương chỉ trong vài giây, tuy chỉ là những trầy xước nhẹ. Bà nội thì liên tục gõ đầu, nói rằng đừng có liều mạng nữa. Nhưng khi ấy, trong đầu cô bé Giao mới chỉ mười một, mười hai, đang vào cái tuổi nổi loạn thì phá phách vậy mới tạo được cảm giác đang “sống”. Dính liền với xe lăn từ bé, không thể tự do đi lại, Giao khi đó chỉ đơn giản nghĩ mình muốn tự do hơn, liên tục làm mấy trò tào lao bí đao. Giờ nghĩ lại, nhiều lúc muốn chui xuống hố cho đỡ nhục!



“Chơi gì cũng ngu, có chơi ngu là giỏi!”, cái câu Lệ từng mắng ấy theo tới tận giờ, và có lẽ đúng vậy thật. Đánh cờ với ông nội, cô chuyên dùng những nước tưởng ngu người mà hóa ra… ngu thiệt, thua sấp mặt liên tục! Nhưng đó là khi mới bắt đầu chơi, còn đã quen rồi, cũng những cách đi ngu ấy lại trở nên biến hóa khôn lường, từng ép không chỉ một mà những ba Tổng lãnh phải ướt lưng áo, mặt đỏ bừng bừng chỉ vì không tìm được thế đánh trả.



Đánh sa bàn còn khốc liệt hơn. Cô chủ Giao thường ưa các chiến thuật không chính thống, chủ trương dùng các đội nhỏ đến vừa đánh vu hồi, tạt sườn, cắt hậu quân, sau đó dùng đơn vị cơ động cao, hỏa lực tập trung mạnh để đánh diệt từ từ. Nghe có vẻ giống chiến tranh du kích, nhưng với tác chiến hạm đội, điều đó lại rất điên rồ, đặc biệt là trong cái thời người ta vẫn tin rằng không chiến quyết định bởi tàu to pháo lớn. Ông nội xuất thân trọng kỵ thuộc Lục quân, về đánh tàu bay không rành nên thường thất bại. Người Giao hay chơi nhất là bác Cả, tức cha của Thừa tướng bây giờ, và cũng hay chiến với Tổng lãnh Bồn Điện mỗi khi có cơ hội, do họ đều là dân cộm cán của Không lực Hải quân.



Tới cả việc đóng Hồng Ma, chủ trương học thuyết Jeune École và thách thức hầu như tất cả các tướng Không quân lão làng cả nước trong việc áp dụng lý thuyết vào thực tế, có thể nói là chơi ngu không ai bằng. Nhưng “chơi gì cũng ngu, chỉ có chơi ngu là giỏi”, mấy cái “ngu” ấy chưa bao giờ khiến Giao Long phải thấy hối hận. LBB2520 toàn bộ do mình dốc tiền túi, không rớ một xu vào ngân quỹ lãnh thổ, lại còn hốt về được hai nhà bác học đại tài trong việc đóng tàu và vật lý năng lượng, coi như quá lời. Jessie vẫn đang nghiên cứu cách phát triển động cơ vi hạt lượng tử, còn Guggenheim lao vào thiết kế các mẫu pháo điện từ tự hành, đều không phụ thuộc vào linh lực. Hồng Ma cũng cho thấy năng lực công nghiệp của Đế quốc đủ để đóng tàu to cỡ khu phố, sẵn sàng cho kế hoạch G sau này, lại “tự dưng” được thêm cái bệ thử hàng nóng miễn phí. Chẳng có gì lỗ cả, đóng một cái tàu định làm nhà riêng cho nó ngông xíu mà thu về hàng đống quả ngọt, có mơ cũng không tưởng tượng nổi.



Thuyết Jeune École và việc dùng khu trục thay chiến hạm lớn cũng vậy. đều là những ý tưởng bị Đế quốc coi thường. Nhưng thực tế đã chứng minh, vào thời kỳ đầu cuộc Đại chiến, Gaullia đã khiến cho cả Valhöll và Albion, hai cường quốc tàu bay của phương Tây, phải đau đầu vì lối đánh đó. Không chú trọng vào các hạm đội chạy theo hàng và bắn qua mạn – làm kiểu đó chắc chắn kiệt quệ tài nguyên và hiệu quả không bao nhiêu với cái Không quân bèo bọt của mình, Chiến thuật tấn công với các đội tàu nhỏ mang bom bay đầu đạn xuyên giáp, đương lượng nổ lớn đánh tạt sườn hạm đội trong khu vực gần không phận, phối hợp với các pháo đài phòng không dưới mặt đất cho thấy hiệu quả rất tốt của lối tư duy này. Tuy nhiên nó mới chỉ là đánh phòng ngự. Phải tới cái năm xảy ra chiến tranh Yamato – Novgoroussiya, Không Hạm đội 2 mang quân ứng cứu đã dùng chính xác Jeune École cho việc tập kích, đánh chia rẽ và cô lập tiêu diệt từ từ địch, mới thực sự chứng minh giá trị tiến công của nó. Và vai trò của khu trục, loại tàu chủ lực của tư duy này, cũng được đề cao lên hẳn.



Mà, nhắc khu trục, Giao Long lại thấy buồn cười. Vì cái động cơ nâng quá lớn, tàu ở đây bét lắm cũng dài mấy trăm thước. Khi qua Trái đất chơi, tàu chiến cùng loại, cùng thời của họ, tức đầu thập niên hai mươi của thế kỷ trước, so với mấy con Xích Quỷ, chẳng khác gì con chó Phốc kế bên tê giác! Khu trục Trái đất tới giờ vẫn bé tí nị, và nếu không tính lũ “tàu sân bay hạng nhẹ giả danh khu trục vì lý do chính trị” nằm trong biên chế của cái quốc gia không khác gì phiên bản thảm hại gấp trăm lần của Yamato – dĩ nhiên là quan điểm “Thi Hoàng” – thì không con nào trong cái thể loại đó có thể sánh về kích thước, tải trọng và độ bọc giáp của tàu bên này.



Kích cỡ của khu trục Đế quốc nói riêng và toàn Thủy Tinh nói chung dao động từ hai trăm tới hai trăm năm mươi thước, coi như tương đương với các tàu chiến chủ lực bên ấy, dàn hỏa lực cũng không phải ít. Pháo đa dụng với góc nâng linh hoạt, từ âm hai mươi tới tám mươi lăm độ và tốc độ xả đạn cao đẩm bảo khả năng chi viện hỏa lực cấp tập. Vũ khí tấn công chính sử dụng bệ phóng bom bay xoay ba trăm sáu mươi độ, tùy nước mà có các thiết kế khác nhau về số nòng và cỡ đạn. Lại thêm các ống cố định ở mũi và đuôi, dù chúng khá tù nhưng có vẫn hơn. Hàng thủ chủ yếu vẫn là các khẩu đội phòng không. Đế quốc dùng tháp đôi song song sáu nòng bốn mươi ly, tổng cộng mười hai họng pháo, trong khi dàn tiêu chuẩn của Albion là pháo Vickers cùng cỡ, nhưng lại bố trí thành hai cụm bốn nòng riêng biệt, nạp đạn rời chứ không dùng băng dài. Novgoroussiya một mình một cõi chơi hẳn con hàng năm chục ly, tốc độ bắn hơi chậm hơn nhưng lại phối hợp tốt với các khẩu đội ba mươi và mười hai ly bảy đằng sau, tạo thành lưới lửa phòng không nhiều tầng chứ không đồng nhất, kể cũng tiện vì đảm bảo ở từng cự ly sẽ có hàng xử lý khác nhau.



Dĩ nhiên, cô biết, so với khu trục Trái đất hiện tại thì không thấm vào đâu. Nhưng nếu là khu trục của thập niên hai mươi thì chỉ tính riêng việc phòng không, e rằng bên ấy không chiếc nào ngang hàng.



Rồi, nghĩ thế nào chẳng biết, Giao Long rời ghế, tới bên giường. Ngồi xuống cạnh Viêm, cô đưa bàn tay giấu kín sau chiếc găng mà nhẹ nhàng vuốt gò má hồng hào, lúm đồng tiền ấy, lại cúi người thơm lên mái đầu hẵng còn vương mùi bồ kết. Nhỏ ngủ thật vô tư, đôi mắt đáng yêu nhắm nghiềm lại, khuôn miệng bé xinh khe khẽ ngáy, hoàn toàn không có chút gì đề phòng. Thoải mái thật, cô nghĩ. Nếu là hơn hai thập niên trước, nằm trong vũng sình đó chắc chắn sẽ không thể nào vô tư thế này. Lúc nào cũng phải giữ một mắt mở thao láo, tai vểnh lên sẵn sàng nghe còi báo động, và vũ khí phải luôn nằm gần tầm với nhất có thể. Lắm thằng ngủ còn ôm theo lựu đạn, súng lục, tiểu liên, tới cây G96 cũng chẳng dám rời.



Chiến tranh là thế, luôn khiến người ta nơm nớp lo sợ. Không có thì giờ nghỉ ngơi, chẳng chiếc gối nào mà ngả đầu xuống. Đại bác gầm thét, súng máy cất lên từng hồi rợn người, lựu đạn hất tung đất bùn và cả từng mảnh thịt vụn, hòa với nhau thành khúc đồng ca tởm lợm, nồng nặc mùi tanh tưởi, khó chịu của bùn, máu và thuốc súng. Có những khi chỉ nằm xuống chút thôi, đã phải bật dậy đeo mặt nạ vì bên kia phun khí mù tạc. Bị bao vây, quay đi quay lại chỉ toàn kẻ địch, đồ ăn thức uống, đạn dược thuốc men cứ thế mà vơi, vẫn phải tiếp tục. Đầu gối chìm trong vũng sình, xung quanh thi thể đồng đội nhung nhúc giòi bọ chuột cống, vẫn phải tiếp tục. Những người lính mệt mỏi rã rời trong cuộc chiến ấy, đôi tay chai sần chỉ vì kéo thoi nạp đạn, toàn thân đầy các vết thương, nhưng vẫn phải tiếp tục. Vì lý do mà họ chiến đấu, lý do của quân Liên minh, chính là bảo vệ quê hương. Nếu Valhöll thất thủ, toàn bộ vùng Trung Gaia sẽ rơi vào tay Gaullia. Bên kia Espánia cũng phải ra sức chiến đấu, chống lại đà tiến quân và chia lửa cho các đồng minh miền Đông. Thiệt hại nhân mạng đã tính bằng chục triệu, không thể không khiến người ta rùng mình.



“Gặp nhau trên chiến trường đấy!”



Mấy lời ấy thật quá ngây thơ.



Ngày đó, Giao Long chưa biết “chiến trường” thực sự là như thế nào. Những bản tin trên báo, đài chỉ nói về các chiến dịch của “phe ta”, những chiến thắng quân sự quan trọng, bên địch chết mất bao nhiêu, lính Liên quân anh dũng và tinh nhuệ thế nào,… khiến không biết bao nhiêu người cùng thế hệ mình hào hứng, sẵn sàng tinh thần để sang nước ngoài thực hiện “nghĩa vụ quốc tế”, cách gọi trang trọng của việc tham chiến hỗ trợ đồng minh. Trong doanh trại, nơi lính nghĩa vụ được đào tạo, không khí phấn khởi, háo hức len lỏi vào đến từng ngóc ngách nhỏ nhất. tất cả đều là những nam, nữ thanh niên mới chỉ độ mười tám tới hai mươi, chưa một lần biết đến chiến tranh thực sự. Họ chỉ được tiếp cận các thông tin qua hệ thống truyền thông, qua lời thầy cô và những gì người ta được phép công khai.



Những người rời đi ấy đều nghĩ rằng mình làm điều này là vì Tổ quốc, vì nghĩa vụ quốc tế với các đồng minh. Không sai, nhưng lại quá lý tưởng. Thế hệ chưa một lần biết tới chiến trường thực sự, chỉ được học trên giảng đường và các thao trường, chưa một lần cảm nhận sức nặng vô cùng khi phải tự tay bóp cò, bắn chết đối phương trước mặt. Họ như những con cừu non chưa hiểu lẽ đời, cho rằng chiến tranh là cái gì đó rất hào nhoáng, vĩ đại, nơi để bản thân trở thành anh hùng và mang về vinh quang cho gia đình, cho đất nước. Lối suy nghĩ ấy đã quá ngây thơ. Thậm chí bây giờ nghĩ lại, Giao Long vẫn không khỏi thấy mắc ói. Da gà nổi rần rần chỉ vì nhắc lại những “kỷ niệm” đấy.



Không ai, trong lứa quân đầu tiên đến Siegfried đầu năm một ngàn chín trăm lẻ một ấy, lại nghĩ rằng đó là Địa ngục. Địa ngục thật sự.



Vỡ mộng.



Chiến tranh không hề lãng mạn, anh hùng như họ nghĩ. Nó là cái chết. Cái chết hiện hình dưới những viên đạn vô tình, xé gió lao vun vút và găm thẳng vào óc người lính xấu số vô tình nhú lên khỏi chiến hào. Bụp! Âm thanh như ai đó ném viên sỏi vào vũng bùn, chưa đầy một giây sau máu tươi văng tung tóe, cùng cái xác vô hồn với đôi mắt còn mở thao láo ngã ngược về đằng sau chiếc thang, đập mạnh xuống nền đất và lìa đời. Sự kinh hãi, hỗn loạn dần lan tỏa trong hàng ngũ đám lính mới. Vài đứa ngồi thụp xuống, bịt tai lại, luôn mồm rằng đây không phải sự thật, đây là giấc mơ. Sĩ quan sẽ gào lên, bảo tất cả đứng lại vào hàng ngũ, tiếp tục bắn. Bất tuân, bắn tại chỗ.



Súng máy xả từng hồi, đạn lao vèo vèo qua từng lớp hàng rào kẽm gai, nhắm vào những tên quần đỏ đang chạy tới. Rồi sau đó là hiệu lệnh xung phong. Toàn đơn vị, khắp chiến hào hình gấp khúc ngoằn ngoèo, trèo lên thang mà lao khỏi vị trí. Lại băng qua kẽm gai, từng lớp rào ngăn bộ binh, lại đối diện với ụ súng máy địch xả áp chế, chồng lấn hỏa lực để tiêu diệt được nhiều nhất. Lại thêm súng trường bên ấy bắn hỗ trợ – địch đâu có ngu! Chúng làm gì chỉ phụ thuộc mấy cây đại liên, súng trường để làm gì? Loại súng của Gaullia, Fusil Modèle 1886, có khả năng chứa tới mười viên. Tuy cũng dùng đạn tám ly, thứ ấy có gấp đôi trữ lượng đạn, và tốc độ bắn vượt trội hoàn toàn G96, dù loại kia ra mắt sau những một thập kỷ. Tốc độ bắn nhanh, sơ tốc nòng cao và lượng đạn một lần nạp nhiều hơn hẳn giúp hỏa lực của Gaullia áp chế hoàn toàn Valhöll và Đế quốc, chỉ đến khi lô K98 số lượng lớn đầu tiên cập cảng thì Liên quân mới có thể tạm gọi là cân bằng.



Buổi sáng chiến đấu, đến tối vẫn không thể bình thản nghỉ ngơi. Địch liên tục đi rỏn, có mấy khi chúng còn liều mạng đột kích chiến hào phe ta, tìm cách bắt cóc lính để khai thác thông tin. Hay trong đêm, đối phương bất ngờ dùng vũ khí hóa học để tấn công, nhiều lắm. Chiến trường trải dài trên biên giới hai nước, đặc biệt là Cộng hòa tự trị Flanders và các vùng đất thấp đã bị Gaullia thôn tính trước đó. Tộc Alf ở đây rất mạnh, hoạt động trong những khu rừng già của miền Ardénnes kéo xuống đến Argönne và liên tục tiến hành chiến tranh du kích, dùng Fusil 1886 với cả cung và nỏ để quấy rối, làm tiêu hao sức chiến phe ta. Có nhưng hôm, chỉ vừa ăn xong, tính đặt lưng xuống ngủ thì bị đồng đội dựng đầu dậy vì tin báo địch tập kích.



“Không bao giờ có thể nghỉ ngơi!”, đó là điều người ta lặp đi lặp lại ở Siegfried. Chiến trận tới dồn tới dập, có khi đang ăn dở mà nghe kẻng báo thì cũng phải lao ngay xuống hào hay cái lỗ nào đó mà trốn: Địch câu pháo! Từng loạt từng loạt rơi vèo xuống, nổ tung như pháo hoa, hất văng tùm lum những khối đất vụn, thịt và xương bị nướng chín bởi nhiệt độ quá cao, cùng với tiếng gào thét đầy đau đớn của đám “chẳng may” chưa bị giết, với các vết thương tuôn máu đỏ òng ọc. Đêm khuya, đang ngon giấc mà nghe còi báo động là ba giò bốn cẳng đội nón, cầm súng chạy ngay vô vị trí chiến đấu, hoặc lượn chỗ khác nếu không muốn bị “thần Pháo binh” tới ghé thăm. Chiến đấu với cặp mắt thâm quầng, đầu óc quay cuồng và cái mồm đắng nghét vị cà phê, đó là điều xảy ra luôn luôn.



Quay về từ chiến trường, hầu hết cái lứa đó – ai không chết – đều bị hậu chấn tâm lý. Bất kể học viên quân sự hay lính nghĩa vụ, cuộc Đại chiến là cái gì đó quá sức họ. Mà không chỉ lính Đế quốc, ngay cả các nước phương Tây cũng không thiếu người đâm ra loạn trí. Nhiều người bắt đầu tự hỏi, liệu quân sự hóa có phải đúng đắn? Họ dần hoài nghi chế độ hiện tại, nghi ngờ các giá trị, thành tựu mà Đế quốc đạt được nhờ chủ nghĩa quân phiệt. Trong mắt họ, “chủ nghĩa quân phiệt” là nguồn gốc của chiến tranh, thuộc về chính trị. Những thành phần này mang theo mầm mống tư tưởng xét lại về lan truyền trong nội bộ quân lính. Dù đã có cấp trên nhắc nhở, thậm chí kỷ luật, nhưng dư âm của thứ đó vẫn cứ còn âm ỉ.



Ngoài lũ ấy, vẫn còn một bọn nữa, cũng từ chiến trường về nhưng bị “vặn vẹo” tệ hơn: Những kẻ cực đoan. Vốn dĩ nền giáo dục, văn hóa truyền thống của Đế quốc đề cao vai trò của quân đội như một tập thể chung nhất, với sức mạnh để bảo vệ quê hương, biên giới và những gì mình yêu quý, không phải để xâm lược, nhưng cuộc chiến này đã làm thay đổi điều đó. Lần đầu tiên trong gần tám mươi năm quân đội Đế quốc mới lại tham chiến ở nước ngoài với tư cách lính viễn chinh, chiến dịch Nam Đảo cách đó gần một thế kỷ kỳ thực là cuộc tấn công chống xâm lược. Còn lại thì chủ yếu đều là chiến tranh bảo vệ biên giới, ngay cả lần đánh với Albion ở Gautama cũng để ổn định vùng biên Bồn Điện.



Lũ cực đoan diều hâu ấy cho rằng có sức mạnh quân sự thì phải mang quân bành trướng, đánh đổ chính quyền dân chủ, thành lập cái gọi là “quân đội có quốc gia”. Đều là những tư tưởng hiếu chiến, cổ súy bạo lực, chiến tranh. Những đối tượng như vậy đều bị cho vào danh sách theo dõi đặc biệt, đồng thời tiến hành điều trị tâm lý. Kết quả cho thấy, khoảng bảy mươi tới bảy mươi sáu phần trăm chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hậu quả của Đại chiến.



“Hậu chấn tâm lý”, cái tên được đặt cho “căn bệnh” này, chỉ ra rằng những người có xu hướng cực đoan này là nạn nhân trực tiếp của chiến tranh. Phải chứng kiến bạo lực mỗi ngày, không thể ăn ngủ điều độ, lại liên tục nhận tin đồng bạn mình hi sinh, cũng như không ít lần tự tay giết người, đã làm tâm lý họ méo mó. Nói theo mấy ông già cổ hủ thì là “bản lĩnh không vững”, nhưng nhiều trong số đó lại là các sĩ quan cấp úy và tá, tức đã được rèn luyện ý chí rất nhiều.



Kết luận sau cùng được rút ra, ý thức cực đoan cuồng chiến lẫn tư duy xét lại đó là hậu quả tổng hợp của cả các tổn thương thời chiến và cách tuyên truyền, giáo dục đề cao sức mạnh quân sự. Đế quốc định hướng người dân rằng quân đội là tấm khiên của đất nước, là bạn và người bảo vệ nhân dân, nhưng sau khi biết được bộ mặt xấu xí của thực tế, họ vỡ mộng và tìm cách chối bỏ. Một số chọn cách chống lại, yêu cầu nền dân chủ và bỏ việc quân sự hóa các cơ quan công quyền, cấu trúc giáo dục và các hình thức tuyên truyền. Số khác quyết định trở thành bầy diều hâu khát mùi thuốc súng, muốn quân phiệt hóa triệt để quốc gia và tiến hành chiến tranh bành trướng.



Đều là những cách phản ứng tiêu cực.



Và chính những thứ tiêu cực đó, kết hợp với vài nhân tố khác và những đồng tiền bẩn thỉu bơm đểu từ bọn xi ai ây, đã gây ra thảm kịch Phiên An. Hàng trăm ngàn người bị ảnh hưởng, dư âm của nó trong xã hội tới giờ vẫn còn. Thậm chí tới khi xảy ra, Giao Long vẫn chưa một lần từng nghĩ mình sẽ phải chĩa súng vào người từng là đồng đội, đồng chí, từng cùng một đơn vị, ngồi chung bàn ăn, nhậu chung quán. Một cơn ác mộng thực sự, thạm chí khi nhắm mắt lại cô vẫn có thể thấy chúng, những cột khói bốc cao cuồn cuộn nơi tòa thành cổ, đằng sau những bức tường đất đắp dày cộm. Đám con nít khóc thét bên xác cha mẹ, giữa những tòa nhà bị đại bác bắn sập, lửa bốc cuồn cuộn còn người dân bỏ chạy tán loạn, trong khi đám giặc thản nhiên đưa xe bọc thép vào ngõ phố, cảnh tượng đó vẫn còn in rõ trong ký ức.



Nếu mấy mươi năm trước, “Thi Hoàng” mỉm cười trước thủ đô Parisée bị thiêu ra tro, với nhà thờ lớn và cái tháp cao ba trăm thước bị đánh sập, thì bây giờ cô chỉ có thể khóc trong im lặng khi chứng kiến cảnh người dân bị chính quân đội xả súng tàn sát. Phiên An, vùng kinh tế lớn vào loại bậc nhất U Minh, chỉ trong phút chốc đã chìm vào hỗn loạn. Thành phố Gia Định bị quân cực đoan chiếm hoàn toàn, trong khi Định Tường và tổng kho trên ấy chống cự quyết liệt. Dinh Công tước Phiên An bị bắn nát, vợ con ngài Công tước bị lũ khốn nạn ấy đâm lê đến chết. Kể cả khi đã thành công đàn áp tụi ấy, truy nã đến tận cùng những kẻ tham gia, thì có những thứ sẽ không bao giờ có thể quay lại được. Có những người đi rồi sẽ đi mãi mãi.



Đưa tay xoa đầu Viêm, thuyền trưởng bỗng nhớ lại mấy lời cuối cùng của người chị họ trước khi ra pháp trường. Chính cô thi hành án, bằng lưỡi lê. Xử tử bằng lê từ lâu đã bị coi là cách tử hình tệ nhất, dành cho những ai phạm tội chết cực nặng. Đêm cuối cùng, cô hỏi vì sao chị, một người rõ ràng tâm lý bình thường, lại làm điều dại dột như vậy. Trong bộ đồ tù đen sọc trắng, vẻ mặt hốc hác, mái tóc rối bời và đôi tay bị còng chặt, chị nói…



“Vì chị không muốn thế hệ tụi nhỏ phải lớn lên trong một cái xã hội lúc nào cũng nơm nớp sợ chiến tranh này! Chế độ quân phiệt là sai lầm, muốn tương lai tụi nó tốt hơn, nhất định phải theo dân chủ! Chị… ít nhất, muốn Liên có thể ngủ mà không phải mở một mắt, không phải vểnh tai canh còi báo động!”



“Nhưng chị à, muốn có hòa bình, phải luôn chuẩn bị cho chiến tranh.”



Lời cuối cùng Giao Long dành cho chị, người đã yêu thương mình từ bé, cuối cùng vì tình thương ấy mà mờ mắt, không bao giờ được thốt lên. Cô chôn chặt nó trong lòng. Bởi, cũng như chính thế giới này, sự thật luôn rất xấu xí. Chừng nào còn nhiều nền văn minh, còn sự đa dạng trong các quan điểm, vẫn sẽ còn xung đột. Xung đột ý thức hệ, xung đột lợi ích, xung đột đức tin, rất nhiều thứ. Và, như một chủ nghĩa ở Trái đất đã nói, sự thay đổi về lượng dẫn đến thay đổi về chất. Xung đột chồng xung đột, mâu thuẫn chất mâu thuẫn, tới một lúc sự chịu đựng đạt giới hạn thì mọi thứ sẽ bùng nổ. Thế giới đang ngồi trên một kho bom khổng lồ. Chỉ cần châm mồi lửa, chiến tranh sẽ lại nổ ra. Suy cho cùng, bản chất của nó chưa bao giờ thay đổi cả.



Chiến tranh nóng, chiến tranh lại. Chiến tranh trực tiếp, chiến tranh ủy quyền. Chiến tranh giữa các nước, nội chiến trong nước. Chiến tranh vũ trang, chiến tranh phi vũ trang. Đến tận cùng bản chất, vẫn đều là “chiến tranh”, đều là đỉnh điểm xủa sự xung đột giữa các phe.



Và hiện tại, trong lòng các quốc gia lại đang nổi lên một cuộc chiến mới. Nó không ồn ã, rùm beng súng đạn và đổ nhiều máu như Đại chiến Gaia, không gây ảnh hưởng cán cân quyền lực như Chiến tranh Đế quốc – Albion, cũng chẳng phải cái gì thảm khốc như Nội chiến Terra Méxca hay Nội chiến Hoa Đông, mà lại đáng sợ vô cùng. Thực ra, nó đã bắt đầu lâu lắm rồi, chỉ là người thường không biết. Ngay cả các sĩ quan cấp úy và tá cũng gần như không hay. Hoạt động tuyệt mật chỉ có cầu vai vàng nắm được.



Cuộc chiến thinh lặng – sự đối đầu giữa các thế lực tình báo.



Thu thập tin tức.



Lùng bắt gián điệp.



Tung thông tin giả.



Các nhân viên tình báo của Tổng cục Tình báo Đế quốc đã sớm phân tán và trà trộn vào những quốc gia đối địch tiềm năng, dưới những thân phận giả. Họ được quân đội hỗ trợ cho nhân thân mới, giúp làm hộ chiếu, đào tạo về văn hóa nước mình sắp tới và thậm chí đi xa tới mức sắp xếp cho lính của mình được nhập quốc tịch – tất cả chỉ để phục vụ nhiệm vụ trộm thông tin. Tổng cục Tình báo đã cử người đến Hoa Đông, Cộng hòa Thổ Phồn và vùng Gautama, trong khi Bồn Điện tăng cường công tác phản gián trong nước. Giao Long, nhờ mối quan hệ với các mafia, đã cài người vào Vương quốc Remusa và Bờ Đông của Columbia, ngay dưới mũi cái lũ thích thọc ngoáy chế độ nước khác. Yamato cũng là mục tiêu, và thông qua Đại sứ quán, cô đã thành công cho người sang “du học”, kỳ thực là lấy thông tin mà thiết giáp hạm lớp Kii chính là thành tựu lớn nhất cho tới hiện tại.



Những người tham gia nhiệm vụ này đều xác định cảm tử, vì nếu bị bắt, Đế quốc sẽ không giải cứu. Nhập quốc tịch và trở thành công dân bên đó, lập gia đình, sinh con đẻ cái, đều là vỏ bọc. Nhiệm vụ phải đưa lên hàng đầu. nếu bị bắt, họ sẽ bị bên ấy truy tố tội danh “phản quốc”, và Đế quốc sẽ chỉ thông báo về gia đình là người này đã “hi sinh trong lúc luyện tập”. Thậm chí nếu phản bội, sẽ có người tới bịt miệng. Điệp viên phải luôn trong tâm lý sẵn sàng chết, họ không thể mong được cứu. Trước sau đều vậy, đã làm là ở đơn vị thực hiện luôn lễ truy điệu sống, và mọi thông tin về người đó sẽ bị Tổng cục xóa bỏ.



Tàn nhẫn, nhưng chiến tranh là vậy.



Vuốt tóc Viêm, Giao Long nghĩ, thật yên bình. Có thể ngủ ngon vầy, thời của cô chẳng thể nào mong được. Trẻ con thì phải ăn, ngủ, học và chơi. Chúng nó không có tội tình gì mà phải bị lôi vào chiến trường. Vụ biến Phiên An đã để lại cho Đế quốc vết sẹo không bao giờ lành. Những người lớn, những người thực sự yêu nước và yêu người quan trọng với mình, biết rõ điều gì phải làm. Để lũ trẻ có thể vô tư say giấc trong mền ấm nệm êm, để không còn phải nghe tiếng đại bác ru đêm, phải đặt dấu chấm hết cho mọi thứ ngay trong thế hệ này. Vì tương lai con trẻ, và tương lai của Tổ quốc.