Flame Phantom (Viêm Ma)

Chương 76




Bữa sáng đã dọn lên rồi.



Ngồi quây quần bên chiếc bàn tròn, người nhà Tổng lãnh cùng nhau thưởng thức tô phở bò còn nóng bốc khói, cuốn lên theo mùi hương thơm phức của nước lèo, hương hành ngò và thịt bò bên trong. Nước đùng đục, sợi phở lại trắng nõn nằm im đấy với những lát hành cắt gọn, lại trụng vào thêm giá và rau thơm ăn cùng, chỉ ngửi thôi đã thấy ngất ngây. Cả nhà cùng thưởng thức, cửa mở toang cho thoáng khí. Gió lùa mát rượi, mấy người lớn cũng cởi bỏ áo khoác ngoài. Mộc Ma cột tóc cao lên cho mát, trong khi Viêm chỉ loay hoay túm lại thành cái đuôi ngựa sau ót, được Hồng Ma cho sợi thun cột tạm vào.



Bữa sáng được phục vụ bởi các linh hồn hậu cần ở nhà bếp phía sau, xong rồi các “hầu gái” mang lên đây trên những chiếc xe đẩy bằng gỗ nhìn vô cùng cổ quái. Viêm chợt nhận ra không chỉ có mấy u linh kinh dị ngoài kia, mà họ đứng hết ngoài đó, tán dóc với các thi quỷ hộ tống, thì những người còn lại đều trông khá bình thường và thân thiện. Hồn ma phát sáng màu xanh lá nhẹ, bay là là trên nền đất, mờ mờ ảo ảo như lớp sương đến độ có thể trông xuyên qua vài nơi, lại rất hiền và hiếu khách. Họ lễ phép cúi chào trước tất cả, chắc hẳn bởi nhóm Giao Long mới là chủ nhà thực sự, rồi còn lịch sự rót trà mời nữa.



Lúc này, yên vị rồi, Viêm mới nghĩ lại ban nãy.



Người phụ nữ điều khiển u linh ấy là Phạm Thị Kim Phượng, con gái của Thừa tướng, và nói theo cách nào đó, “chị họ” của Viêm. Do vẫn đang mang thân phận “con nuôi” của Giao Long, cô bé đành chấp nhận chuyện này. Một người duyên dáng, xinh đẹp, con lai mang ít nhất ba dòng máu giữa người Giao, tộc Dạ Xoa vùng Bồn Điện và chủng tiên phương Bắc, tương đương với các chị đẹp tai dài đã bị lùa gần tuyệt chủng, nghe qua thôi cứ tưởng như mới bước ra từ truyện Băng Phong tào lao nào đó chứ. Mẹ chị tộc tiên, phải mấy trăm năm rồi, bây giờ đang đi du lịch nước ngoài. “Tiên” xịn ấy, chẳng phải mấy thằng tào lao bí đao cưỡi kiếm bay lòng vòng đâu! Gia thế chẳng phải vừa gì, cha làm Thừa tướng, nắm hết binh quyền trong nước. Mẹ là bà chủ công ty lớn chuyên về nông sản, có tận chục khu đồn điền trên vùng núi Tây Bắc, tiền nhiều không thiếu. Lại có cô là Tổng lãnh U Minh, “dượng” Hồng Ma coi như một vị vua rồi. Nói tóm lại, ô dù to không tả nổi.



Nhan sắc chị ta cũng không phải dạng xoàng, chỉ phải tội mặt mũi u ám quá. Chắc do luyện ma pháp nhiều. Nó nhớ mợ Dung cũng có vẻ rất mệt mỏi. Nhưng hôm ấy, nhỏ chỉ tưởng rằng mợ mệt do công việc chất đống, chứ không phải dùng phép. Giờ trông người này xem, xanh xao hết cả, thiếu sức sống, lại mặc đồ trùm mấy lớp, coi sơ qua đã thấy phát bệnh rồi. Và… chẳng biết sao, không thấy có chút xíu xiu thiện cảm nào!



Chị Phượng, gọi thế thôi chứ đã bốn mươi mùa xuân rồi, tính ra cũng đáng tuổi mẹ Viêm. Nhưng xét về thế hệ trong nhà, hai người lại chung một hàng. Cái vụ này phải nói tới cố Tổng lãnh nhiều con quá, cách biệt tuổi tác đến nỗi anh em mà đủ làm cha con luôn. Thừa tướng lại trên dưới bảy mươi, trong khi “Thi Hoàng” chỉ hơn Phượng ba năm, dẫu hai người ấy là anh em họ. Cậu Trung cũng chỉ bốn mươi sáu, mà khoan, sao mình lại biết nhỉ? Viêm không nhớ có từng hỏi tuổi mấy người lớn, nhưng chúng cứ nhảy ra trong đầu. Quái thật, kiểu ai đó cố tình bơm tri thức vô. Như bơm nước tăng ký heo vậy, hì, so sánh kỳ cục quá hể?



Ừm, không biết, không quan tâm nữa.



Vắt chanh vào tô, Viêm khuấy khuấy lên. Đói lắm rồi. Tắt não và xơi thôi!



“Phư… Hà… Hà… Hà… Nóng!”



Đỏ ửng mặt, Viêm khẽ xuýt xoa, khi đôi bờ môi đỏ xinh dùng hết sức hút cọng phở trắng nõn vào. Nóng quá! Nóng phỏng mỏ rồi! Không ngờ trời mát rười rượi mà nước bên trong vẫn đủ để nó đỏ hết mặt mày thế, tới mức ứa nước mắt dù còn chưa đớp miếng ớt nào. Hơ, nhìn vô cái chén nhỏ, nơi bỏ mấy khoanh ớt xanh đỏ xắt sẵn, nó không dám nghĩ tới chuyện bỏ vô ăn chung. Nghĩ thôi đã thấy sợ rồi. Bị phỏng, lưỡi tê rần rần, vòm miệng chẳng còn cảm giác gì, phải dừng lại hớp miếng trà ấm cho đỡ thốn. Ấy thế mà uống trà vào lại dễ chịu cơ! Chẳng biết có nguyên do sâu xa hay kiến thức khoa học cao siêu gì không nữa, nhưng miệng đang nóng như lửa thiêu, hớp ngụm trà xanh rót để nguồi nguội, hơi ấm chỉ vừa đủ cho làn khói mỏng tanh bốc lên chút xíu, lại “chữa cháy” cực kỳ. Cảm giác như sống lại vậy.



Bình tĩnh gắp thêm đũa nữa, lần này có trúng luôn giá, rau cải và hành xắt, nhỏ nhanh chóng để tất cả lên chiếc muỗng nhôm, kê gần miệng thổi phù phù. Tiếng thổi nhỏ lắm, tưởng như chỉ mình mình nghe, rồi sau đó lại cho vào nhai. Trước đó, nó đã đặt miếng bò tái lên trước, nên trong khoang mồm lúc này có đầy đủ hết những gì thơm ngon nhất của phở bò. Vị thịt ngọt lịm, ra nước dễ chịu nơi đầu lưỡi, lại cùng với hơi ấm vẫn còn vương lại đôi chút, cái thanh thanh của rau thơm, cọng giá mọng nước, chất chua dịu của nước chanh vắt vào và phần bột của sợi phở trắng, hòa cùng nhau như bản hợp âm tuyệt diệu của thức ăn, khiến chẳng những vị giác mà cả não bộ cũng phải ngất ngây. Tuyệt vời, thật sự tuyệt vời!



Nuốt trôi xuống, Viêm còn cảm nhận được rõ rành rành sự ấm áp dịu nhẹ ấy đi xuống theo cổ họng vào thực quản, qua ngực đến tận bao tử. Nhỏ không vội gắp thêm đũa nữa, mà nhẹ nhàng lấy muỗng múc chút nước lèo, tầm chỉ vừa một thìa cà phê cho cái muỗng ăn canh cỡ lớn, thổi qua rồi húp thở. “Ưm!”, nó khẽ bật. Khác trăm phần trăm mấy tô phở tiệm, những chỗ lúc nào cũng đổ hàng gói bột ngọt, bột nêm để tạo vị ngọt mặn quá thể đáng! Nước phở này rất vừa ăn, mặn có, ngọt có, lại thêm vị chua ngay mức, kích thích cái miệng, điều khiển cái tay, mắt nhìn chằm chằm, mũi căng phồng ra, chỉ muốn ăn tiếp, ăn đến khi không còn gì sót lại. Nghĩ thế, nó lại gắp, lại thổi, lại ăn, ngon lành.



Tương đen và tương ớt nơi này làm cách nào đấy chẳng biết, nhưng thay vì để trong chai nhựa, chúng lại được đựng trong các lọ thủy tinh đậy kín, khi cần sẽ lấy thìa nhỏ múc ra, cho riêng vào từng dĩa sứ con con để chấm. Mà tương cho vào chén, dĩa nhỏ cũng phân ra rất rõ, không có chuyện quẹt từ bên này qua bên kia, mà chấm lần lượt. Nó liếc thấy Mộc Ma làm thế, đầu tiên chấm miếng bò tái bên tương đen trước, sau đó mới đến tương đỏ. Nếu muốn ăn rau hay phở, cũng làm như vậy. Không thì dùng muỗng múc tí đỉnh lên, lúc ăn cho vào sẽ mang theo cả vị. Hoàn toàn chẳng thấy ai cho thẳng tương vào phở, có lẽ đó là văn hóa ăn uống chỗ này? Chẳng rành.



Rồi Viêm chợt nhớ…



Hồi còn đi phụ bưng hủ tiếu – mới gần tuần trước chứ mấy – nó còn thấy người ta ăn nữa. hẻm trăm ba mốt chỗ nó làm có cái tiệm phở cũng bề thế, với xe đẩy đằng trước, bên hông nhà bắc nồi nước lèo lớn, có mấy cục than tổ ong để bên ngoài và cái thùng rác lớn đan bằng tre, bên trong bỏ đầy mấy sợi rau lặt không xài tới. Người ta rửa tô chén ngay trên lòng hẻm, nước chảy lênh láng ướt cả quãng, đến cái cống gần đó, vậy mà chỉ đi lên mấy bậc thềm thì lại khác ngay.



Sạch sẽ, thoáng đãng, có quạt quay mát rượi. Bàn inox kê bốn ghế, khách vô ăn nườm nượp. Hình như quán ấy gà, bò gì cũng có, thấy treo đầy trên chiếc xe kính để cố định ngoài cửa. Mọi khi đi ngang, Viêm chỉ dám liếc nhìn. Làm gì có tiền mà ăn? Sống ở thành phố mà nghèo còn hơn dân quê, tiền làm về phải cung phụng ông già, trong khi ổng chỉ có nhậu với đá gà là giỏi. Vậy đấy, thèm lắm mà có đời nào được ghé răng vô đâu!



Giờ thì ăn thỏa thích, lạ thật. Cứ như giấc mơ vậy. Một gia đình ấm cúng, với những người thân ngồi cùng quanh bàn ăn, vui vẻ nói cười, không quan tâm tới những thứ bên ngoài. Một giấc mơ… thật đẹp. Nhỉ?



Không biết nữa.



Tập trung lại ăn uống, Viêm tiếp tục gắp phở xơi ngon lành. Những người khác cũng vậy, giữ im lặng chứ không thấy nói năng gì. Cậu Trung với Mộc Ma thì khỏi bàn, hai cậu cháu ngồi kế bên nhau, sì sụp húp phở. Chị Phương điềm tĩnh ăn, dáng bộ khoan thai, từ tốn, hoàn toàn không có chút gì vội vã. Cách ngồi rất khác, thay vì khom lưng xuống xơi tự do thoải mái, chị ta lại giữ người thẳng, ngực ưỡn, chân khép lại, đầu chỉ hơi cúi để vừa đủ tiện đưa muỗng lên. Tư thế cực chuẩn, không tỳ vết, hệt như quý tộc thứ xịn. Còn nhìn lại Mộc Ma, mang tiếng là con của nhân vật cỡ bự, lại… À mà thôi, không nhìn nữa. Cậu Trung có tuổi rồi, không nói được. Nó cũng thấy cậu hay còng lưng, từ lần đầu gặp nhau.



Tuy nhiên, bất thị ngờ nhất là hai bà đằng kia. Một linh hồn và một “Thi Hoàng”, hay xác sống có ý thức cho nó gần gũi, cũng húp phở như đúng rồi. Muốn té lộn cổ ghê, chưa bao giờ nó thấy mấy “sinh vật” này ăn uống như người sống được vậy cả. Ở điện, tuy có từng ngồi chung với cu Thiên, nhỏ cũng chỉ biết cu cậu xực tiết canh vịt, có rắc đậu phộng rang và rau thơm ăn đỡ ngán. Lúc đó nó không nghi ngờ, vì Thiên là “Thi Hoàng” con, chủng quỷ hút máu cao cấp nhất, nên ăn tiết canh cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Do còn bé chưa uống máu người được, Viêm đã đinh ninh vậy. Còn các linh hồn của mợ Dung cũng không thấy ăn gì sất, chỉ có tới bữa mợ đem cả mâm bự ra bày giữa sân, đốt nhang cầu khấn, cúng kiến gì đó rồi đốt bùa. Lúc ấy âm binh tụ tập lại, nhìn rôm rả lắm. Mộc Ma có bảo đó là nghi thức “khao quân”, người luyện âm binh sẽ phải khao lính ăn, nếu không lính phản lại thì thốn khỏi tả.



Bởi những điều mắt thấy tai nghe đấy, nó đã nghĩ hai mẹ lớn cũng sẽ không ăn. Nên từ chuyện bất ngờ khi thấy ma hầu đem tô lên, tới việc họ đánh chén tự nhiên như nàng tiên, đều không tin nổi!



“Tốt nhất là đừng nghĩ nữa.”, Viêm tự nhủ, “Phận mình mình lo thôi, nói ra hồi lại thấy mất ngon.”



Cứ thế, nó quyết định chôn luôn câu hỏi trong lòng, ăn tiếp như không có gì xảy ra.



– Gì đấy?



Đang dùng bữa, bất giác Hồng Ma buông đũa, nhìn Viêm chằm chằm. Giật mình, con bé làm bộ tiếp tục cúi xuống xơi, nhưng cảm giác lại không bình thường.



Trong khi đó, chúa sừng lại quay qua thì thầm với “Thi Hoàng”:



– Nó thắc mắc sao tụi mình cũng ăn kìa! Dễ thương ghê, muốn qua nựng phát quá!

– Làm bậy bạ thì cậu sẽ được treo đầu lên cột buồm.

– Ý da, sợ quá cơ! Cậu dám không?

– Bệnh gì cữ?



Từng từ từng chữ Giao Long thốt ra đều mang sức nặng kinh người, dù rõ ràng điệu bộ hoàn toàn không có vẻ gì đe dọa. Cô nói hết sức nhẹ nhàng, từ tốn, đôi môi tím tái ngậm mút lấy đầu đũa, nuốt chửng những sợi phở trên ấy. Lại múc muỗng nước lèo lên húp cho thấm cổ họng. Dễ chịu thật. Vị khác hẳn những thứ đồ hộp ngày ấy, không chi ở độ tươi mà còn là không khí nữa. Thôi, cô chợt cắt ngang suy tư ấy, đang ăn không nghĩ chuyện buồn. Những gì của quá khứ thì cho nó chìm xuồng luôn, đào mộ lên chỉ tổ mệt. mệt não, và cả tim nữa. Có mấy cái chôn vùi mãi mãi lại tốt hơn.



Dĩ nhiên Giao Long biết Viêm nghĩ gì. Không cần đọc suy nghĩ, mà bản thân cô cũng chẳng thể dùng nó như chiêu “bị động”, chỉ có thể chủ động thâm nhập, thì với kinh nghiệm bấy lâu nay, chắc chắn biết được. Chẳng hiếm người ngạc nhiên khi biết mình thuộc cùng một lớp với đám ma cà rồng nhưng vẫn có thể ăn uống hết sức bình thường, đồ ăn vào chẳng bị “đào thải” như cái hội chỉ có thể xơi thịt sống thế bánh mỳ, uống máu tươi thay rượu vang đó. Cái giá cho việc thích nghi và mở rộng quần thể là chấp nhận thoái hóa bộ gene, thu nạp thêm nhiều điểm yếu thế à? Đáng buồn mà.



Dẫu sao, “Thi Hoàng” vẫn ở một đẳng cấp khác hoàn toàn. Vậy nên cứ tận hưởng bữa sáng nóng hổi này thôi.



~oOo~



Xong xuôi bữa sáng, các linh hồn lại lên dọn dẹp tô chén, đồ thừa, mang cả ra nhà sau. Chờ khi họ đi khuất bóng, Viêm mới hỏi:



– Ở đây không làm “khao quân” ạ?

– Tùy.



Nhấp ngụm trà ấm, cậu Trung nói:



– Với một số người dùng nhiều, kiểu mợ con, thì phải cúng mỗi ngày ba bữa. Còn như Phượng thì mỗi tuần một lần, do nhu cầu điều quân khác nhau. Ở nhà nhân công chủ yếu là âm binh, làm việc nhiều nên phải trả công tương xứng. Chỗ này chủ yếu vợ chồng chị con ở, ma quỷ gì đa số đi canh cửa hết, không cần dùng nhiều nên lương bổng cũng thấp. Làm theo năng lực, hưởng theo lao động thôi. Chứ ngồi mát ăn bát vàng mà coi được à?

– Thím vẫn dùng âm binh làm quân tập trận hả chú? – Phượng hỏi vào.

– Bóc lột hơn địa chủ. Chú thấy tội cho đám đó, tư bản phương Tây sợ không bằng thím mày đâu.

– A…



Ngồi nghe nãy giờ, Viêm thấy mông lung quá. Nó quay sang mẹ con nhà kia “cầu cứu”, vì nói tới chuyện kiến thức thì họ bá lắm rồi.



Rung rung đùi, dựa ngửa ra sau, Hồng Ma dĩ nhiên biết Viêm đang muốn gì. Nhưng cô không nói. Mộc Ma thì mới ăn no, mồ hôi còn chảy lấm tấm, chẳng hơi sức đâu quan tâm. Thuyền trưởng khỏi bàn, mặt không biến sắc nhưng cũng làm bộ xoa xoa bụng, như thể muốn trào bồn. Hai bà lớn không ai bảo ai, lại ngầm thống nhất không lên tiếng, để người khác giải thích. Chơi kỳ vậy đấy.



Im lặng một lát, cậu lại nói, giọng đều đều, từ tốn mà nặng tưởng ngàn cân:



– Mày làm cái nghề này cũng coi chừng. Chú thấy có mấy đứa dụ hồn như mày, làm lạng quạng bị âm binh nó tới vật trào đờm phọt máu. Đâu năm ngoái còn có vụ tinh trả thù, thằng cha thầy pháp bị nó vật chết trên đê ngoài quận Thanh Hà phải không? Bậy bạ có ngày hít nhang trừ cơm.

– Chú cứ lo quá, con chỉ nhận mấy vụ kiểu tìm mộ người thân hay trục vong thôi! Cỡ lớn như cái tinh rắn đó thì một trăm con cũng chơi không lại. Mấy người ở ngoài kia cũng là sư phụ con để cho, chứ mình con thu phục sao hết! Phải không sư phụ?

– Ờ…



Vừa nói đoạn, Phượng quay lên nhìn Hồng Ma, lúc này đang ngửa cổ huýt sáo kiểu “Ta không biết gì sất”. Điều này làm Viêm thấy ngờ ngợ. Lại bà cô này à? Lẽ nào lại trùng hợp ác liệt vậy chứ? Hừm, nó nghĩ, nhưng nếu là bà đầu đỏ thì dám lắm chứ! Hương Hương là đệ tử của cô ta, chị ấy chuyên về luyện thi thuật dù Viêm chưa thấy qua bao giờ. Ở đây Phượng có thể ra lệnh cho u hồn. Tuy cách thức không rõ, nhưng chắc so với mợ Dung cũng không khác mấy. Viêm không biết mợ học từ ai, cơ cái đà này thì dễ cũng từ cùng lò ra lắm. Học thuật điều khiển ma từ một con ma, nghe như học thuật giết rồng từ rồng vậy. Tréo ngoe hết sức.



– Ta sẽ không ý kiến.



Hồng Ma chợt nói.



– Phượng, tự bơi đi!

– Ơ cái bà già này!

– Tự giải thích đê!



Nói đoạn Hồng Ma biến đâu mất tiêu! Chỉ trong chớp mắt!



Bị bỏ lại đó, Phượng lắc đầu nguầy nguậy, thở dài. Cậu Trung cũng không nói gì. Chỉ có Viêm đần mặt ra không hiểu cái quái gì vừa xong nữa.



Đó là lúc nó chuẩn bị “nát não”.



– Thầy bỏ trò chạy lấy thân, có lẽ phải kỷ luật rồi.



Im lặng nãy giờ, Giao Long đã lên tiếng.



– Biết vậy gọi Lệ theo để còn xích cổ bả nữa. Chạy mất tiêu rồi.

– Mẹ con mà, nói hoài cũng có vô đầu đâu…



Bên kia bàn, Mộc Ma cũng nói chõ vào. Rồi nhìn Viêm, nhỏ bảo:



– Cảm giác ngu người thế nào? Hồi lần đầu ra đây tớ cũng vậy đó!

– Tức là… không phải lần đầu à? – Viêm tròn mắt.

– Nhà mình mà tập trung đủ thì con còn đập đầu chết nữa. – Cậu Trung nói – Nhiêu đây là còn ít. Thêm bên nhà mấy anh, chị, em bọn ta về thì dễ cũng phải trăm mạng hơn.

– Òa… Mà, Hồng Ma là thầy của chị Phượng thiệt hả?



Tay lái vàng trong làng bẻ cua!



Giao Long giữ ý nghĩ đó trong bụng, không nói ra. Nhưng, cô biết, Viêm đã bắt đầu nhiễm khả năng ôm cua thần thánh của con chột rồi. Mấy cái đấy dùng đánh lạc hướng người ta rất tốt, chỉ sợ đánh lái quá mình văng theo luôn thì lại khổ. Thấy cũng tội mà thôi cũng kệ, mặt nó ngu một cục rồi. Thôi thì hôm nay lại “phổ độ chúng sanh” vậy. Nghĩ thế, “Thi Hoàng” mỉm cười rồi lên tiếng:



– Phượng, giải thích kỹ hơn về cái phép luyện hồn con học với cái nghề trục vong đang làm đi, không chú con nhảy tưng tưng lên nữa giờ.

– Ê con kia, xiên ai đó mậy?

– Ờm… Ai biết? – Giao Long nhún vai, mặt tỉnh bơ không chút hối lỗi.

– Thôi bỏ đi. Luyện hồn thì ta cũng biết rồi.

– Cậu biết ạ?



Viêm ngạc nhiên hỏi.



– Biết phòng thân thôi.



Cậu Trung trả lời thế. Rồi uống hớp trà, cậu lấy trong túi áo ra một tấm gì đó. Thứ khiến không chỉ Viêm mà cả Mộc Ma cũng phải bất ngờ, vì nó không giống như cái gì đó cần thiết cho sĩ quan cấp tướng. Mẩu giấy gấp lại đến mấy lần, bên ngoài ố vàng, sờn cũ, lại thêm cái vẻ cổ quái của mấy thứ bùa chú trong phim kinh dị khiến Viêm cảm thấy không lành. Nên tốc biến đi không? Nó tự hỏi, chạy đằng nào mà được cơ chứ? Ngoài kia có biết bao nhiêu hồn ma quái dị, hình thù kinh hãi đang “mai phục”, còn có thi quỷ của Hồng Ma. Ờm, nếu so ra thì thi quỷ nhìn còn dễ thương chán. Ít nhất họ còn tút tát nhan sắc và mặc quân phục ưa nhìn.



– Thứ gì vậy ạ?



Dù lo lắng, Viêm vẫn không kìm nổi tính hiếu kỳ. Nó rụt rè hỏi, trong khi cặp giò sẵn àng bỏ chạy bất cứ lúc nào.



– Một dụng cụ ma thuật, gọi là giấy định vị. – Phượng nói – Em dùng phép vào nó, nguồn khí âm sẽ tụ họp lại. Cái này dùng để dụ mấy âm hồn là chủ yếu thôi, chứ không có tác dụng gì mấy đâu! Còn muốn có đội quân âm binh trung thành thì còn phải qua đủ trò đủ kiểu nữa mới được!

– Nó ảnh hưởng rất mạnh tới các loài mang tính âm, như giống thủy quái, ma da, ma chết đuối, và… thi quỷ.



Nói đoạn, cậu Trung quay sang em gái, hỏi:



– Chịu được không?

– Được.



Giao Long gật đầu, khẳng định chắc hơn đinh đóng cột.



– Vậy ta làm đây.



Trải nó trên bàn, hai đứa nhỏ nhìn vào thì thấy trên ấy chỉ là mảnh giấy trắng. Không có gì, thậm chí một nét bút cũng không. Đoạn, chị Phượng chồm người tới, dùng chính móng tay bấm “nhẹ” vào da, vừa đủ bật máu. Ấn ngón cái vẫn còn đang rướm máu ấy xuống, chị bắt đầu khấn bằng một ngôn ngữ nào đó Viêm chưa từng biết tới:



“Ba hồn cho linh tính thanh cao về với thiên đình.

Bảy phách cho phần còn sót lại ở cùng thế gian.

Chín tầng cho những kẻ phải chịu gột rửa.

Và một lời thề dành cho kẻ chiêu hồn đã khuấy động u linh.

Ta kêu gọi u linh bốn phương về đây, nơi chủ nhân ngự trị.”



Tức thì, mảnh giấy cũ mèm ấy rực sáng lên màu xanh lá nhàn nhạt, giống hệt ánh sáng khi các hồn ma xuất hiện. Nhanh như cắt, Phượng lại rê đầu ngón cái thành hình ngôi sao năm cánh, nối năm đỉnh lại thành một hình ngũ giác lớn. Với mỗi đỉnh, chị dùng máu mình vẽ vào một biểu tượng, gồm lần lượt hình vạch ngang, gợn sóng, chiếc lá, ngọn núi nhỏ và đốm lửa. Chính giữa ngôi sao viết từ “Hồn” bằng chữ Quốc ngữ, sau đó lại đưa tay lên, bấm mạnh cả vào bốn đầu ngón còn lại. Khi cả năm ngón tay đều dính ướt máu, Phượng lại ấn xuống lần nữa, mỗi ngón trúng ngay vô một đỉnh của ngôi sao, với ngón cái rơi vào chỗ vẽ hình gạch ngang.



Bất thình lình, không khí trong nhà trở nên lạnh quái lạ. Dù sáng sớm đi nữa thì cũng không thể như vậy được. Từ ngoài hiên, gió rít từng hơi dựng tóc gáy, lá cây va nhau xào xào xạc xạc không bình thường. Một thi quỷ xin phép vào, nói nhỏ gì đó với Giao Long. Cô gật đầu. Tức thì người đó đi ra, tay lần xuống chiếc túi da bên hông áo, đựng khẩu súng lục. Giao Long cũng bắt đầu hành động. Không còn ngả người đầy thư giãn nữa, cô chuẩn bị súng, ngửa mặt lên trời. Khịt khịt mũi mấy cái, thuyền trưởng nói:



– Khí âm chuyển dòng. Trình con lên thêm chút rồi đó Phượng.

– Dạ, con còn dở lắm, hi hi…



Vừa nói, Phượng vừa gãi đầu chữa thẹn.



Nhưng Giao Long không khen suông.



Là một sinh vật thuộc “cõi âm”, dĩ nhiên “Thi Hoàng” cảm nhận được dòng chuyển động của không khí, nhất là âm dương, thứ người thường hầu như không thể nhận thức được. len lỏi trong từng mạch máu, chạy rần rần dưới lớp da lạnh cóng hơn băng, cảm giác dòng khí đổi chiều rất rõ ràng. Với đại đa số con người và á nhân, điều này không mấy quan trọng. Nhưng Giao Long khác. Trở thành quỷ hút máu tức là từ á nhân thành yêu ma, sự nhạy cảm với âm dương tăng lên gấp nhiều lần, và còn nhiều ác nữa vì là giống “chết”. Cảm giác bức bách, khó chịu khi khí âm chuyển hướng bất chợt, còn tệ hơn hoàn lưu áp thấp hay mấy cơn bão trên cao. Vì những thứ đó dù gì cũng chỉ là hiện tượng tự nhiên, còn thứ này đánh thẳng vào bản năng. Âm thịnh dương suy, bản năng quỷ hút máu trỗi dậy mãnh liệt. Và điều đó khiến cô khát khô cổ, đói meo bụng dù ban nãy vừa ăn xong xuôi.



“Khá thật.”



Giao Long cười thầm. Xoa đầu Viêm, kéo cánh tay dài hơn hai thước chỉ để làm trò đó, cô nói nó nghe về cái thứ này:



– Thuật chiêu hồn đấy, thấy sao?

– Thuật chiêu hồn? – Viêm ngạc nhiên, nhìn lại.

– Mới bước đầu thôi, chưa gọi được gì đâu! – Mộc Ma chen vô – Muốn gọi được u linh thì còn phải có đàn tế, lễ vật, mâm cúng, đốt nhang,… đủ thứ, tờ giấy đó chỉ là ‘thính” thả trước thôi!

– Rành ghê, ha ha ha! – Trung bật cười.

– Coi giang hồ đất cảng làm riết nhớ thôi! Với… con phải biết vài bước để còn chạy trốn đám u linh đó nữa chứ…

– Mợ sẽ lột da mày nếu nghe đó, ha ha ha!

– Ý da, sợ quá, sợ quá!



Trong lúc mấy người bên ấy nói chuyện, Viêm lại từ từ mò sang bên Giao Long. Không biết vì lý do gì mà nó có cảm giác cứ muốn nép sát vào, như gà con rúc vô dưới cánh mẹ. Đẩy ghế qua sát bên, nó ngồi cạnh thuyền trưởng, gần tới mức tưởng như tấm áo bành tô đã thành cái mền phủ lên người. Khi này, con bé mới kéo nhẹ tay “Thi Hoàng”, miệng lí nhí:



– Thuật chiêu hồn… là sao vậy ạ?

– Hứng thú à? – Giao Long nhướng mày.

– Dạ, thì…



Chọt chọt hai đầu ngón trỏ vô nhau, Viêm hạ thấp giọng, tưởng như chỉ đủ mình nó nghe:



– Dạ, là… nó là ma thuật, phải không ạ…? Nên con muốn…

– Vẫn chưa bỏ mộng cơ à? Thôi được rồi. Phượng đâu.

– Có con!



Vừa nghe gọi, Phượng nhanh chóng trả lời.



– Ta nói nó nghe không sao chứ? Có đụng chạm bí mật làm ăn gì không?

– Dạ không sao ạ. Con bé cũng có làm được gì đâu?

– Đúng vậy nhỉ. Nó vô hại.

– Ớ? – “Nó” thộn mặt ra, cảm thấy như bị coi thường.



Nhưng không còn cơ hội lên tiếng nữa, vì thuyền trưởng bắt đầu nói rồi.



Ma thuật chiêu hồn, thứ ấy Giao Long chẳng còn lạ lẫm gì. Hồi còn bé, Lệ và Oa Lân liên tục làm trò này, gọi đến những ánh ma trơi bập bùng để trang trí sân vườn. Dĩ nhiên sau đó Hồng Ma cốc đầu cả hai vì tội “già đầu mà không nên thân”, dùng cấm thuật để làm những trò tào lao. Một ma pháp mạnh mẽ có thể siêu việt được thế giới của người sống và cái chết, gọi về những linh hồn đã mất hàng chục, thậm chí hàng trăm, hàng ngàn năm và thao túng như các âm binh.



Thậm chí nếu người luyện đủ cao tay, có thể xua cả đám quỷ cõi âm, kéo linh hồn người chết về, cưỡng chế phục sinh. Nhưng điều đó, theo các văn bản cổ còn sót lại và cả nhân chứng sống vừa ba giò bốn cẳng chạy mất tiêu kia, chỉ dùng được trong trường hợp vừa chết hay không tổn hại quá nhiều, cơ thể vẫn có thể cứu. Nó không phải toàn năng, vì kể cả có gọi hồn về mà xác không còn đảm bảo các yêu cầu tối thiểu hỗ trợ sự sống nữa thì cũng vô ích. “Không ma pháp nào toàn năng. Nếu có thì nó không thể gọi là ma pháp nữa.”, Giao Long nói.



Một biến thể khác, Phượng nói chêm vào, được dùng rộng rãi hơn là khu hồn thuật, tức đuổi hồn đi. Thuật này thường được các pháp sư khu hồn như chị ta dùng để xua đuổi oán linh, hồn ma gây hại. Tương tự với các linh mục nhà thờ làm lễ trừ tà, thuật khu hồn sử dụng pháp lực của người thực hiện, các vật mang tính thánh và nghi thức cầu kỳ, huy động lượng lớn linh lực không chỉ từ người thực hiện mà còn cả long mạch và các đối tượng xung quanh để đánh đuổi hồn ma gây hại. Những đối tượng thường bị nhắm tới là oán linh, tức các linh hồn chết còn oan khuất, chưa thể siêu sinh mà ở lại quấy phá trần thế, làm chuyện xằng bậy. Khu hồn sư sẽ tới xử lý chúng.



Trái với nhiều người tin rằng yêu quái có thể dễ dàng xử lý bọn này, thực tế người với yêu đều bất lực như nhau, vì “ma” không thuộc về thế giới của sự sống. Không thể chạm đến bằng tác động vật lý, ma pháp cũng phải dùng loại đặc thù nên xua đuổi rất khó. Nhiều khu hồn sư như Phượng có xuất phát là thuật chiêu hồn, nhưng sau đó chuyển qua xua đuổi tà ma đơn giản vì kiếm chắc dễ hơn. Cũng có người làm vì “công lý”, dù không nhiều lắm, do đây là công việc đặc thù và rất nguy hiểm. Nếu gặp oán linh cao tay, thầy pháp có thể bị nó vật ngược lại. Để chống chuyện đó, các khu hồn sư thường hoạt động thành nhóm, hay nuôi một đạo âm binh, để chiến đấu hỗ trợ nhau.



Đối đầu với ma còn khó hơn quỷ hút máu hay xác sống, vì tuy đều thuộc “cái chết”, mấy loại kia còn có cơ thể vật lý để xả đạn. Ma có gì? Một lớp sương mờ mờ ảo ảo, nhiệt độ thấp và những thứ khiến người ta phát điên. Chỉ có những trang bị đặc thù, như kiếm làm từ gỗ cây dương liễu đã làm phép thánh, nước thánh của nhà thờ, kinh sách tôn giáo và vài thứ khác là có tác dụng. Không thì cứ niệm chú gọi hồn lên, âm binh sẽ thay mình dần nhừ tử con oán linh kia. Sau đó thì đuổi nó đi, hoặc tiêu diệt tại chỗ. Nhưng cách dùng âm binh đánh không được khuyến khích nếu đối tượng đã nhập vào vật chủ, vì có thể gây các thiệt hại ngoài ý muốn.



Đến đó, Viêm hỏi:



– Vậy từng có thiệt hại ngoài ý muốn rồi ạ?

– Có, đầy.



Bên mé bàn, cậu Trung thu tờ giấy lại. Dòng khí thay đổi, tính âm không còn nặng nề nữa. Bấm ngón tay, Giao Long quay ra ngoài nhìn, thấy trời quang mây tạnh bình thường. Lúc nãy thi quỷ vào báo chính là nói việc trời trở đen bất thường, có dấu hiệu mưa bão và “một thứ gì đó” khác. Khí âm cuồn cuộn ngay trên nóc đã bị đánh tan. Nhưng một điều quái lạ rằng, dù xung quanh đen kịt là thế, chỗ trung tâm nơi tám dãy quây quần lại hoàn toàn không chút gợn đen, nắng vàng vẫn chiếu xuống như thường. Nếu Viêm biết, con bé sẽ lại nhảy cẫng lên đòi kể cho xem. Cô giữ im lặng, không phải vì lười giải thích, mà do lo rằng não nó không chịu nổi từng đó thông tin.



Kỳ thực, các kiến thức nãy giờ cô cháu nhà họ Phạm nói chỉ là bề nổi của tảng băng trôi, những thứ cơ bản của cơ bản mà ai nhập môn cũng phải biết. Còn về bản chất của chiêu hồn thuật, nó lại là một ma pháp xưa hơn nữa: Truy ngược về tận kỷ nguyên Xích Quỷ, vào thời “tu tiên” vẫn còn thịnh hành ở thế giới này. Họ không thực sự tu “tiên”, chỉ đơn giản tăng cường sức mạnh và thách thức các giới hạn của bản thân.



Chiêu hồn thuật ra đời vào thời ấy, vốn có tên gốc là phép thao hồn, cùng với thuật thao thi, tức điều khiển xác chết, là hai thứ cơ bản của Tử linh Thánh pháp, loại phép thuật dạng “thánh” được coi như tuyệt học trấn quốc của hoàng gia Xích Quỷ. Do chính Hồng Ma tạo ra từ việc tổng hợp và cải tiến các phép trước đó, kết hợp với khoa học, nó trở thành nguồn gốc của thi quỷ sau này. Tay phải nắm giữ linh hồn, tay trái điều khiển thân xác, kẻ nào làm chủ được nó tới mức cao nhất thì những thứ “nghịch thiên” như hồi sinh người chết, tạo nên sinh mệnh nhân tạo hay thậm chí vọc luân hồi cũng đều có thể làm được.



Từ sau khi Xích Quỷ sụp đổ vào triều Viêm Đế Hồng Ma, bí thuật này cũng bị thất truyền. Trải qua hàng vạn năm, bằng cách nào đó một tông môn ở Hoa Đông, tự xưng Vĩnh Hằng Tông, đoạt được bí quyết thao hồn. Nghiên cứu phép ấy, họ lại chia nhỏ nó thành các ma thuật nhỏ hơn như trục xuất ác linh, chiêu dụ u hồn, luyện âm binh, làm bùa ngãi, phép thuật nguyền rủa,… cũng như mô phỏng những gì còn sót lại để làm ra “cương thi”. Do không có được bí pháp thao thi, vốn là thứ dạy cách điều khiển thi thể mà không bị cứng, thối rữa hay chịu sự hủy hoại dưới ánh Mặt trời, cương thi Hoa Đông bị cứng đờ lại, mặt mày nhăn nheo, cử động khó khăn và sẽ “thăng” nếu bị Mặt trời chiếu vào, do tính dương của ánh nắng quá mạnh với chúng.



Các hồn sư Hoa Đông, gọi chung những người luyện phép liên quan tới âm hồn bóng quế, nhìn chung đều học lỏm theo các bí pháp của Vĩnh Hằng Tông trôi dạt trong giang hồ, sau khi nó cùng chín đại tông môn khác bị Hồng Ma dẫn quân tiêu diệt trong chiến dịch Bắc tiến một ngàn năm trước. Bản thân những cuốn đó lại chỉ là hàng chất lượng lỗi của bí thuật Xích Quỷ, một nỗ lực sao chép, làm hàng nhái trong vô vọng các sản phẩm của một nền văn minh xuyên không như đi chợ. Và khi lưu lạc giang hồ thế, chúng lại tiếp tục mất đầu mất đuôi, không còn đủ các bài dạy. Vì vậy về sau này, hồn sư Hoa Đông càng ngày càng yếu, do luyện không tới nơi tới chốn. Âm binh, cương thi, đều không thể đạt tới độ hoàn mỹ như Hồng Ma đã từng làm được.



Hiện tại, chính xác ở thời điểm hiện tại, chỉ có ba người đang sống thực sự được học các bí thuật của Tử linh Thánh pháp do đích thân Hồng Ma truyền dạy. Hương Hương đi về nhánh thao thi, chuyên sử dụng xác sống cường hóa để tác chiến. Dung và Phượng theo nhánh thao hồn, dù có hơi khác, vì bà chị dâu quý hóa chủ yếu tập trung vào chiêu mộ và xây dựng đội âm binh lớn mạnh, tinh nhuệ có thể đảm nhiệm nhiều vai trò. Trong khi đó cháu mình lại thiên về khu hồn, làm việc như một pháp sư trừ tà chính hiệu, nhưng chắc chắn thực lực vẫn chưa đâu vào đâu. Linh lực là một vấn đề, ba người đều chỉ sở hữu cỡ trung bình, nhưng phần nhiều vẫn dựa vào sự chăm chỉ luyện tập. Nếu làm tốt, biết đâu sau này lại tạo thành một thế hệ thi quỷ mới thì sao? Nghe thú vị ra phết, Giao Long nghĩ. Còn bây giờ, tốt nhất là giữ im lặng đã. Cứ quan sát, và chờ cơ hội chọc Hồng Ma. Cô không ngu tới mức không biết rằng chồng mình kỳ thực chỉ tàng hình ngồi đó, chứ chẳng có trốn đi đâu đâu!