“Cô có biện pháp gì chưa?”
“Biện pháp?” Khương Bồng Cơ bĩu môi: “Tất nhiên là có biện pháp rồi, nhưng trước mắt vẫn chưa có kế hoạch cụ thể.”
Hoàng Tung hơi ngạc nhiên, anh ta hiểu tính tình của Khương Bồng Cơ, nói một là một, nói hai là hai, không thèm giở trò bịp bợm gì trong vấn đề này. Cô nói trước mắt đã có biện pháp giải quyết vấn đề đồng ruộng không đủ độ phì nhiêu màu mỡ thì chuyện đó bảy tám phần là sự thật.
Không đợi Hoàng Tung hỏi, Khương Bồng Cơ đã tự tìm một cái ghế ngồi xuống, hai mày cau chặt lại.
“Ta đi gặp mấy vị lão nông có kinh nghiệm trồng trọt phong phú, thấy kinh nghiệm của bọn họ đều tương tự trong sách nông nghiệp.” Khương Bồng Cơ nói: “Nói cách khác, kinh nghiệm ‘quý báu’ mà bọn họ tích lũy nhờ vào việc cả đời làm lụng trên đồng ruộng có giá trị thực tế không cao lắm. Trừ những lão nông này ra, những nông dân khác canh tác không theo một phương pháp canh tác nào nên mới dẫn đến việc sản lượng thu hoạch không đồng nhất.”
Hoàng Tung nghiêm túc lắng nghe, Phong Giác ngồi một bên cũng lộ ra vẻ mặt như đang có chuyện cần ngẫm nghĩ, nhất thời quên cả mùi khó chịu phát ra từ người Khương Bồng Cơ.
“Chuyện này thì có gì kỳ lạ?”
Khương Bồng Cơ liếc anh ta một cái, tức giận nói: “Vấn đề ở đây là, nếu ai cũng áp dụng phương pháp canh tác của mấy vị lão nông kia thì tất nhiên sản lượng thu hoạch sẽ nhiều hơn. Kinh nghiệm canh tác của những lão nông đó được tích lũy cả một đời, nhưng phương pháp đó trong sách nông nghiệp cũng không phải bí mật. Điều này có nghĩa là gì? Nghĩa là tuyên truyền nông nghiệp chưa thích hợp, ta nên thành lập một phủ nha chuyên về việc canh tác.”
Hoàng Tung không hiểu ý của hai chữ “tuyên truyền”, nhưng Khương Bồng Cơ luôn có kiểu nói chuyện như vậy, có thể kết hợp với ngữ cảnh để đoán ra được ý nghĩa.
“Thành lập loại phủ nha này sao? Nhưng để làm gì? Dạy mọi người làm ruộng à?”
Hoàng Tung nói, giọng điệu có vài phần xem thường và khó hiểu.
Trong ấn tượng vốn có của mọi người, quan phủ hoặc là quan văn hoặc là quan võ, làm sao có thể liên quan đến chuyện làm ruộng? Đây chính là bổn phận của nông dân, làm sao có thể để phần tử trí thức đi dạy nông dân làm ruộng? Cho dù có nhà vừa làm ruộng vừa đi học, nhưng mục tiêu của người ta cũng là đi học chứ không phải cày cấy.
Khương Bồng Cơ vừa nhai đồ ăn vặt vừa nói: “Ai nói chỉ có người biết canh tác mới có tư cách đi dạy người khác? Chỉ cần người đó biết chữ, có bản lĩnh chỉnh sửa kinh nghiệm trong sách nông nghiệp thành bản mới, kết hợp với kinh nghiệm tâm đắc của lão nông, phổ biến rộng rãi những phương pháp đó để có nhiều nông dân biết đến hơn, như vậy không phải rất hiệu quả sao? Tất cả mọi người không cần hao phí cả đời mới đúc kết ra một xíu kinh nghiệm. Có hướng dẫn cụ thể, lượng thu hoạch dĩ nhiên sẽ tăng lên. Bá Cao, huynh nói xem đạo lý này có đúng hay không?”