Chương 82
Chuyện gặp tình lang của Lâm Du bị cuộc đối thoại của cậu và Lâm Bách Tòng đánh lạc hướng, không ai chú ý tới việc cậu đi suốt không thấy về nữa. Mà lại nói, ban đầu chuyện giấu cả nhà việc Văn Chu Nghiêu đã về Kiến Kinh còn có thể thông cảm được, nhưng bây giờ anh về ở ngay cách vách rồi, không báo với gia đình một tiếng thì thật sự xem được chút nào.
Nhưng Lâm Du nằng nặc không cho.
Lý do hoa mỹ là chưa đến lúc.
Mười giờ đêm, cậu len lén đẩy cửa phòng Văn Chu Nghiêu.
Chiếc đèn màu ấm trên đầu giường còn để sáng. Văn Chu Nghiêu choàng áo khoác ngồi tựa đầu giường lật sách, nghe có tiếng động mà chẳng buồn nhấc mắt nhìn lên.
"Đọc gì mà tập trung thế." Lâm Du trở tay khóa cửa, bảo: "Lỡ có trộm vào nhà anh cũng không hay biết gì thì làm sao."
"Cả căn nhà chỉ có mỗi một tên trộm là em đây thôi." Văn Chu Nghiêu ngẩng đầu nhìn cậu, bỗng nói: "Bé yêu, mỗi lần mình vào cửa đừng có lấm la lấm lét lúc nửa đêm canh ba thế này nữa được không. Anh bắt đầu nghi ngờ hai đứa mình có quan hệ bất chính thật rồi này."
"Gắng nhịn thêm vài hôm." Lâm Du đi đến đạp giày ra thuần thục lăn lên giường, vỗ vỗ chân Văn Chu Nghiêu rồi bảo: "Em còn chưa làm công tác tư tưởng với gia đình xong mà."
"Công tác tư tưởng gì? Chia cổ phần?"
Lâm Du cứng người, bàng hoàng quay đầu hỏi: "Sao anh biết?"
Văn Chu Nghiêu: "Bọn Mộc Chuẩn ở ngay dãy phòng phía trước, anh cũng đâu bị giam giữ, biến động lớn vậy lẽ nào anh không biết?"
Lâm Du trở mình nằm thẳng lại, gối đầu lên chân Văn Chu Nghiêu.
Cậu nằm ngửa đó, suy nghĩ chốc lát rồi hỏi: "Anh, vậy anh có ủng hộ quyết định của em không?"
"Anh ủng hộ hay không thì em cũng đã quyết định rồi mà?" Văn Chu Nghiêu xoa tóc cậu, nhìn vào mắt cậu mà nói: "Em muốn làm bất kỳ điều gì cứ việc làm. Nhưng nhớ điều này, đừng để bản thân ấm ức là được, chuyện gì cũng còn có anh."
"Em biết mà." Lâm Du nghiêng người dụi mặt vào bụng dưới Văn Chu Nghiêu nói vọng ra.
Cậu nói: "Trên thực tế em định làm thế này ngay từ đầu rồi, kiếp này em cứ yên lòng làm thợ mộc là được, vốn đây cũng là ước nguyện ban đầu. Hơn nữa, sau này nhất định anh còn đi xa trên quan trường, tài sản trong tay em quá lớn cũng phiền lắm, tranh thủ xử lý ngay từ bây giờ lại an toàn hơn."
Văn Chu Nghiêu khựng lại, tiếp đó anh cào nhẹ phần da sau tai cậu.
"Hối hận không?" Anh hỏi.
"Có gì mà hối hận chứ." Lâm Du thờ ơ đáp, "Chia ra rồi thì em vẫn là cổ đông lớn nhất của Ý Linh Lung mà, có quyền lên tiếng tuyệt đối. Chỉ là hiện tại anh sắp được điều về Kiến Kinh nhậm chức, em kín kẽ một chút tốt hơn, còn có thêm thời gian dành cho nghề mộc. Sau bao năm qua em nhận ra rồi, thứ em thích nhất vẫn là điêu khắc."
Lâm Du thò mặt ra, nhìn lên anh mình, nói: "Đời này có anh bên cạnh, được yêu người mình muốn yêu, làm chuyện mình thích, em thấy viên mãn lắm rồi."
Đây là lời từ tận đáy lòng Lâm Du.
Bôn ba hai kiếp, mọi thứ từng đánh mất giờ đã quay về, điều từng bỏ lỡ cũng được bù đắp trọn vẹn.
Quan trọng nhất, cậu đã có được người quý báu của mình, dù cuối cùng trong tay vẫn chẳng còn lại gì, cậu cũng muốn nói rằng mình không hề nuối tiếc.
"Anh, em chưa từng dám nghĩ anh sẽ yêu em, thật đó."
Con người sương gió lạnh lùng, chỉ để lại một bóng lưng giữa gió tuyết.
Còn bản thân Lâm Du, ôm áy náy mà đến, trong mắt ngập đầy vết sẹo tang thương.
Hai con người như thế làm sao có thể sưởi ấm cho nhau được đây?
Nhưng giông tuyết qua đi, bóng lưng ấy giờ trở thành người đàn ông với vòng tay ấm áp trước mặt. Trong mắt anh chỉ còn lại dịu dàng, đỡ sau cổ Lâm Du cúi đầu mà hôn.
Anh nói với cậu, thật kiên định và chân thành: "Sao lại không yêu em cho được, yêu em cả đời này, chỉ mình em."
...
Buổi sớm ở đường Thịnh Trường rất náo nhiệt. Trong giá rét tháng Chạp, hàng xóm láng giềng xung quanh mang bữa sáng của mình ra đầu đường ngồi tán chuyện rôm rả.
Cửa nhà họ Lâm là địa điểm tụ họp thường xuyên.
Nắng ấm của mặt trời sớm mai còn chưa kịp sưởi xuống, chỉ hắt một bóng xiên thật dài bên chân tường. Một bác gái vấn tóc bằng khăn vuông bị gió thổi nguội hết đồ ăn sáng trong chén vẫn chỉ lo cầm đũa tô vẽ giang sơn.
"Bà biết gì chưa? Hai căn cách vách nhà này bán hết rồi! Cùng một chủ mua đấy."
Ai đó hỏi tới: "Ai vậy? Hai căn này có phải rẻ đâu."
"Không biết, chưa gặp. Nhưng mà mấy hôm trước tôi thấy có mấy tốp đàn ông ra ra vào vào. Ghê lắm nhé, toàn đeo kính đen mặc áo đen. Tôi chả dám tới hỏi thăm câu nào."
Nói đến đây thì được công chúng tán đồng, một người khác nói: "Tôi cũng có thấy, có khi nào là mấy người không đàng hoàng không?"
"Tôi thấy không giống." Một vị khá lớn tuổi lên tiếng: "Hồi trước một trong hai căn là của hai vợ chồng họ Văn, à, đúng rồi, là bố mẹ ruột của đứa nhỏ được nhà họ Lâm nhận nuôi đấy, người ta còn vào quân đội cơ. Mà nói chứ thời bây giờ mà mua được hẳn hai căn nhà thì làm sao là dạng không đàng hoàng được."
"Nói cũng đúng, mấy năm rồi không gặp đứa con nhà họ Văn nhỉ."
"Chắc về nhà rồi, hồi trước nghe bảo có người trong dòng họ đến nhận mặt mà, còn chuyển cả mộ bố mẹ nó đi."
Người nhà họ Lâm không hay tụ tập tán dóc với người ngoài, nhưng luôn giữ quan hệ hòa thuận với hàng xóm. Khi bà cụ chưa qua đời cũng có danh tiếng nhất định. Gia tộc đó an cư ở đường Thịnh Trường bao năm nay, chuyện trong nhà luôn đóng cửa giải quyết, hiếm khi nào để người ngoài biết.
Bây giờ có người bàn đến thì cũng chỉ được đôi ba câu.
Vừa khéo đúng lúc Dương Hoài Ngọc đi chợ, bị cô hàng xóm cùng tuổi gọi lại hỏi thăm: "Ấy Hoài Ngọc, căn nhà cách vách chị bán cho ai thế?"
Nói đến người giàu có thế ai mà chẳng hào hứng nghe ngóng.
Dương Hoài Ngọc xách làn, nhìn nhìn bức tường cao sát vách rồi quay lại, có vẻ ngạc nhiên: "Bán khi nào thế chị?"
"Chị cũng không biết à?" Người vừa hỏi ngạc nhiên hỏi lại: "Hai nhà gần nhau thế, tôi còn tưởng nhà chị sẽ biết gì đó chứ."
"Chẳng nghe gì cả chị ạ." Dương Hoài Ngọc bật cười, "Mới sáng ra đã lo chuyện bán cho ai làm gì, sớm muộn gì cũng biết mà."
"Cũng đúng."
"Ấy không đúng." Lại có người lên tiếng. Là ông chủ làm trong xưởng máy móc, cán bộ mấy chục năm rồi, tác phong theo kiểu cũ, thường ngày rất ít khi lên tiếng. Hiện tại thấy Dương Hoài Ngọc ông mới nhớ ra rồi nói: "Gần đây xưởng tôi có mấy thanh niên lỗ mãng gặp chuyện, mấy hôm đó tôi làm ca tối suốt cả đêm, lúc về trời còn chưa sáng, vô tình thấy một người trẻ tuổi lắm đi từ trong đó ra, mà không chỉ một lần đâu nhé. Giờ nhớ lại, là con trai nhà họ Lâm chứ ai."
Dương Hoài Ngọc cười bảo: "Bác ơi, bác nhìn lầm rồi đấy, gần đây Tiểu Du bận lắm, tối cháu ngủ lại cửa hàng, đâu có về nhà."
"Không thể, không thể nào." Ông bác lắc đầu liên tục, "Tuy ông già này sắp về hưu rồi nhưng mà chưa có lão thị đâu nhé. Cả con đường này chỉ có con trai nhà họ Lâm là xinh trai nhất, không lầm được."
Lần này thì nói với giọng cực kỳ khẳng định.
Bà cô khơi chuyện đầu tiên cười nói: "Hoài Ngọc, căn cách vách này không phải của cô với Lão Lâm âm thầm mua dự bị cho con trai cưới vợ sau này đấy chứ? Còn giấu làm gì."
"Ôi càng nói càng ly kỳ rồi ạ." Dương Hoài Ngọc đáp.
Cô đang vội ra chợ, không tán gẫu với bọn họ thêm.
Nhưng khi đi ngang tường ngoài của căn nhà cách vách, bước chân cô chậm lại đôi chút.
Là thằng oắt con nhà mình thật à? Nó chạy vào nhà người khác làm gì? Còn vào lúc trời chưa sáng nữa chứ.
Dương Hoài Ngọc nhìn nhìn bức tường, định bụng về nhà sẽ bàn bạc với Lâm Bách Tòng xem thế nào.
Chạng vạng ngày hôm đó Lâm Du về đến, quen cửa quen nẻo vòng qua góc tường, đẩy cổng chính nhà sát vách họ Lâm. Cậu đi ngang hòn non bộ trong sân, vào chái phòng trong cùng.
Vừa bước chân qua cửa thì thấy Văn Chu Nghiêu ngồi trong sân dặn nhóm Mộc Chuẩn gì đó.
"Có chuyện gì vậy anh?" Lâm Du bước tới hỏi.
Cậu tiện tay đặt chiếc túi đang cầm xuống bàn rồi ngồi xuống ghế đối diện Văn Chu Nghiêu.
Văn Chu Nghiêu đưa mắt ra hiệu cho nhóm Mộc Chuẩn ra ngoài trước rồi mới rót nước cho Lâm Du, kể: "Không có chuyện gì lớn, gần đây nhiều người để ý nhà này, cứ ngóng nhìn vào trong, Mộc Chuẩn hỏi có cần đuổi đi không."
"Ai mà rỗi hơi thế." Lâm Du nhíu mày khó chịu.