Những Điều Còn Nuối Tiếc

Chương 3: Đầu đời (3)




Người viết văn giống như mèo, bởi họ là những sinh vật kín đáo, dễ thương và thông thái. Và mèo giống người viết văn cũng bởi vì những lý do tương tự.

– Robertson Davies —

—Chấp niệm về tuổi trẻ ngông cuồng.

Tần Lam bước đi trong đôi giày bata màu xanh nhạt, trong tay đang cầm phổ nhạc của đứa trẻ nhát gan kia, theo chân qua rất nhiều ngả rẽ, chầm chậm nhìn ngắm cái lưng thẳng tấp đang di chuyển qua từng căn nhà gỗ cổ xưa.

Đây là khu phố cổ duy nhất giữa lòng thành phố hoa lệ này.

Cô bé hít sâu một hơi căng phổi, mùi kẹo đường ngọt ngào, mùi thịt nướng thơm nức mũi đến cả cái mùi hăng hắc của lò rượu truyền thống đằng xa cũng trộn lẫn góp vui. Những cái cột điện rỉ sét vì vài trận mưa trong suốt nhiều năm trở lại đây. Tiếng nô đùa của những đứa trẻ với làn da rám nắng. Hoàng hôn nhẹ nhàng rơi xuống chân trời, khung cảnh tách biệt nên thơ.

Có những nghệ sĩ, họ thích đi đây đó, dùng phong cảnh để làm mới phong cách của chính mình. Nhưng lại có những nghệ sĩ, bốn bức tường, đêm tối đen, không đèn, không ánh sáng, dùng sự cô đơn để chấm phá cho tác phẩm nghệ thuật của mình. Dạng người thứ nhất thì yêu độc giả của mình hơn. Dạng còn lại chính là yêu bản thân của họ hơn những thứ vô tri ngoài kia. Suy cho cùng, những người làm nghiệp vụ sáng tác đều sẽ có một trái tim yêu ngôn từ và âm thanh.



Ngô Cẩn Ngôn mơ màng chìm vào giấc mộng. Trong đầu đột nhiên lóe ra gì đó nên liền ngồi bật dậy, lăn xăn xỏ chân vào hai chiếc sandal bị đá văng ở dưới ghế.

"Của em."

Thanh âm trong suốt kia lại một lần nữa vang lên bên hai cánh tai nhỏ của em, trái tim vì thế mà đập nhanh hơn một chút. Điều đó giống hệt như lần đầu được chân chính đặt tay lên những phím đàn piano, những cái đệm cao su phía dưới làm cho trái tim em lung lay, các ngón tay thật khẽ mà tự nhiên nhảy múa.

Nhận phổ nhạc về tay, lòng em dâng lên cảm xúc mừng rỡ. Nếu như là đám bảo vệ tàn nhẫn kia nhặt được thì chắc chắn 'xương máu' của em sẽ hoàn toàn bị vất vào đống rác cho những con chó hoang tha hồ cáu xé.

"Cảm ơn..."

Em rụt rè cười mỉm, phải thật lâu sau mới dám ngước mặt lên nhìn cô gái này.

Nhìn mái tóc dài mướt của cô, em lại thấy ghen tị vì mái tóc của mình đã dường như héo khô như đám cỏ ngoài kia sau một thời gian dài chống chọi lại tấn thuốc diệt cỏ của con người.

"Không có gì đâu, Cẩn Ngôn."

Cẩn Ngôn kinh ngạc một lúc khi cô biết tên của em mặc dù đối với em thì cô chỉ là một chị gái xa lạ vừa gặp mặt. Em cụp mi nhưng chẳng tài nào mở miệng hỏi được. Em rất ghét phải giao tiếp bằng lời nói. Em ghét phải nhìn vào ánh mắt dè bỉu mình của đám bạn học chung lớp. Vì thế nên những việc em có thể rất quan tâm đến, em cũng sẽ không hỏi.

Ngôn từ của em chỉ có những người thực sự hiểu về âm nhạc mới có thể nghe được.

Chiều tháng ba lộng gió, mặt trời giờ đây chỉ còn lại một nửa khi bắt đầu bận rộn chiếu sáng cho bán cầu đối diện. Những đứa trẻ ban nãy nô đùa bây giờ cũng đã cất xe đạp của mình vào trong góc nhà, thay ra bộ quần áo nhem nhuốc mồ hôi. Chú bán kẹo đường cũng đã bắt đầu nổ máy xe, di chuyển đến nơi đông đúc hơn để mưu sinh.

Tần Lam không ngại ngần mà ngồi xuống cạnh bên em, dùng lời nói dịu dàng, âm ấm để xua tan đi dáng vẻ phòng vệ ấy.

"Chị không nghĩ bản thân sẽ có một ngày lại chú ý đến mọi thứ xung quanh như thế."

Em lại không đáp. Nhất thời những lời nói của chị ấy đối với em nó nhẹ đến mức dường như đã hòa vào trong làn gió và bay đến miền đất xa xôi nào rồi.

"Đây chắc hẳn không phải là lần đầu tiên em chơi lén đàn ở trung tâm nhỉ?"

Ngô Cẩn Ngôn phút chốc hổ thẹn. Thật ra mọi thứ đối với em đã quá mệt mỏi rồi, khoảng thời gian ba tháng đi theo thầy là thời gian khiến em cảm thấy vui vẻ và tự do với sở thích của mình nhất. Em được đến những nơi có nhiều nhạc sĩ kì cựu, được đứng cạnh, cảm nhận lấy mùi hương nước hoa đắt tiền của sự nổi tiếng, được nghe thấy tiếng đàn đầy xúc cảm của họ trước một khán phòng vài chục ngàn người. Dù cho, em xuất hiện với vị trí là cô gái lau đàn kiếm chát mà thôi.

Tuổi trẻ chính là như thế đấy. Ngông cuồng, nhiệt huyết. Sẽ thật buồn cho một ai đó không có lấy được hoài bão của mình trong khoảng thời gian thiếu niên này. Chỉ có độ tuổi thiếu niên thì mới có thể trải qua trọn vẹn được thứ gọi là đam mê, mơ ước. Sau này, có thể em sẽ chẳng còn yêu thích âm nhạc nữa, chẳng còn vương vấn cái cảm giác được chạm vào phím đàn như hiện tại, chẳng còn khao khát đuổi theo một vì sao lấp lánh trên bầu trời mặc dù chưa biết được khi nào thì tới nơi. Mọi thứ sẽ thay đổi theo thời gian, lòng người cũng thế, về người với người lẫn người với vật. Nhưng bởi vì như thế, cho nên hiện tại em phải kiên quyết, phải đấu tranh hết sức có thể.

Em siết chặt tay, cuối cùng cũng chịu để hai cánh môi từ từ chuyển động để nói chuyện.

"Chị là ai?"

"Chị là nhà văn."

Tần Lam cười tươi một cái.

Căn cứ ở đâu nàng cho mình là nhà văn? Nhà văn mười tám tuổi ư?

Không.

Vốn dĩ văn chương không giới hạn bất kì độ tuổi nào, càng không phải là nghề chỉ nhìn vào học vị mà đánh giá. Văn chương xuất phát từ trái tim cho nên khi trái tim của một con người hoàn toàn hướng về văn chương thì tự khắc bản thân của họ là nhà văn.

Cô bé không ba hoa, không nói thế cho sang. Chẳng qua trong chính trái tim của cô đã khẳng định được rằng bản thân yêu văn đến mức độ nào, trân trọng nó, bồi đắp nó và hoài bão mở ra một thế giới văn chương muôn màu, muôn vẻ.

Cẩn Ngôn thoáng kinh ngạc nhưng không thể hiện. Vì em hiểu, nếu bản thân thể hiện sai lệch thì sẽ vô tình chạm vào tự tôn của một người nghệ sĩ. Bản thân em cũng thế cho nên không bao giờ có thể khẳng định bản thân mình là một nhạc sĩ.

"Tên chị là gì?"

"Hải Phong."

Hải Phong.

Chính là biển và gió.

Khi đêm đến, ánh trăng dần hiện lên một hình lưỡi liềm ẩn hiện sau đám mây, phút giây những luồng gió mát rượi từ tận chân trời đổ về, chầm chậm ôm lấy đại dương mênh mông, hòa vào cái lạnh giá của nước biển, một chút xúc tác ấm áp nho nhỏ xảy ra. Đó chẳng phải cũng là một sự lãng mạn hay sao?

Đây là những gì Tần Lam sẽ nói khi ai đó chê bai rằng cái tên Hải Phong quá cứng nhắc, không hợp với một người con gái như cô bé. Mẹ Tần Hải Nam đã đặt cho cô cái tên đó khi cô chỉ là một cái bào thai chưa thành hình.

Khiến bố của cô bé trở nên bi thương đến như vậy tất cả cũng do Tần Hải Nam là một nhà văn quá yêu nghề. Thậm chí, có thể chết vì chính những dòng văn chính tay mình viết ra. Nhưng Tần Lam lại nghĩ khác. Một nhà văn có thể có cơ hội trở thành nhân vật trong một câu truyện của chính mình là một sự may mắn.

Mẹ của cô bé là một người thực sự may mắn.



Ngày một, tháng tám, năm hai mươi hai.