Những Đứa Con Của Nửa Đêm

Chương 11




Đã tròn hai ngày từ khi Padma sầm sập ra khỏi đời tôi. Trong hai ngày, vị trí của cô bên vại kasaundy xoài được một phụ nữ khác đảm nhận – eo cũng dày, lông tay cũng rậm; nhưng trong mắt tôi, chẳng thay thế được gì cả! – trong khi bông sen-phân của tôi đã biến mất đi đâu không rõ. Một sự cân bằng bị phá vỡ, tôi cảm thấy những vết nứt toác ra theo chiều dài cơ thể mình. Vì đột nhiên tôi còn lại một mình, thiếu sự lắng nghe cần thiết, và thế là không đủ.

Tôi bị bóp nghẹt trong nắm tay bất ngờ của một cơn phẫn nộ: tại sao tôi lại bị tông đồ độc nhất của mình đối xử phi lý đến thế? Bao người khác đã kể chuyện trước tôi, bao người khác đâu có bị bỏ rơi vội vàng như thế. Khi Valmiki, tác giả Ramayana, đọc kiệt tác của mình cho Ganesh đầu voi chép, vị thần ấy có bỏ rơi ông nửa chừng không? Tất nhiên là không. (Lưu ý rằng, mặc dù xuất thân đạo Hồi, tôi cũng là dân Bombay đủ để thông thạo những truyền thuyết Hindu, và thật tình tôi rất khoái cái hình ảnh thần Ganesh vòi voi, tai ve vẩy, cặm cụi ngồi chép chính tả!)

Làm sao để tiếp tục mà vắng Padma? Làm sao để từ bỏ sự vô ri và mê tín của cô, đối trọng cần thiết cho sự toàn tri chất chưa kỳ tích của tôi? Làm sao để làm việc mà thiếu vắng sự trần tục đầy mâu thuẫn của tâm hồn cô, điều giữ – đã giữ? – đôi chân tôi trên mặt đất?

Tôi đã trở thành, qua cảm nhận của tôi, đỉnh của một tam giác cân, được nâng đỡ cân bằng bởi hai vị thần song sinh, nam thần cuồng dại của ký ức và nữ thần hoa sen của hiện tại… nhưng giờ liệu tôi có nên chấp nhận tính đơn chiều hạn hẹp của một đường thẳng?

Tôi đang, có lẽ, trốn sau tất cả những câu hỏi này. Phải, có lẽ đúng thế. Tôi nên nói một cách giản đơn, không có tấm áo choàng là dấu chấm hỏi: Padma của chúng ta đã bỏ đi, và tôi nhớ nàng. Phải, chính thế.

Nhưng vẫn còn việc cần phải làm: ví dụ:

Mùa hè năm 1956, khi hầu hết mọi thứ trên đời còn lớn hơn tôi, con Khỉ Đồng em tôi phát sinh một quái tật là châm lửa đốt giày. Trong khi Nasser đánh chìm tàu ở kênh đào Suez, bởi vậy làm giảm tốc độ di chuyển của thế giới bằng cách buộc tất cả phải đi vòng qua Mũi Hảo Vọng, em tôi cũng nỗ lực ngăn cản bước tiến của chúng tôi. Buộc phải tranh đấu để được chú ý, bị ám ảnh bởi nhu cầu đặt mình ở trung tâm mọi sự kiện, kể cả những sự kiện chẳng dễ chịu gì (nó dù gì cũng là em tôi; nhưng chẳng Thủ tướng nào viết thư cho nó, chẳng ẩn giả nào dõi theo nó từ dưới vòi nước ngoài vườn; không được tiên đoán, không được chụp hình, đời nó là một sự đấu tranh từ phút đầu tiên), nó mang cuộc chiến của mình vào thế giới của giày dép, hy vọng rằng, chắc vậy, bằng cách đốt giày chúng tôi, nó sẽ làm chúng tôi đứng yên đủ lâu để nhận thấy nó ở đó… nó không hề cố gắng giấu giếm tội lỗi của mình.

Khi bố tôi vào phòng và thấy một đôi Oxford đen đang cháy, con Khỉ Đồng đứng ngay cạnh đó, diêm trong tay. Lỗ mũi ông bị tấn công bởi thứ mùi chưa từng có của giày da bắt lửa, trộn lẫn với xi đánh giày Hoa Anh Đào và một chút dầu Ba-Trong-Một… “Nhìn kìa, Abba!” con Khỉ Đồng duyên dáng nói, “Đẹp chưa kìa – hệt như màu tóc con!”

Bất chấp mọi cảnh cáo, những bông hoa đỏ tươi tắn của nỗi ám ảnh của em gái tôi nở rộ khắp Điền trang mùa hè năm ấy, mãn khai trên những đôi xăng đan của Nussie-vịt-bầu và giày dép đại gia của Homi Catrack; những lưỡi lửa màu tóc liếm lên đôi giày da lộn mòn vẹt đế của Ngài Dubash và đôi guốc gót nhọn của Lila Sabarmati. Bất chấp việc diêm bị giấu kỹ còn người hầu luôn cảnh giác, con Khỉ Đồng vẫn tìm ra cách, không sờn lòng trước mọi trừng phạt và đe nẹt.

Trong một năm liền, thỉnh thoảng, Điền trang Methwold lại bị khói của những đôi giày bị hỏa thiêu tấn công; cho tới khi tóc con bé sẫm lại thành màu nâu vô danh, và nó dường như mất hứng thú với những que diêm.

Amina Sinai, căm ghét ý tưởng đánh đập con cái, bản tính không có khả năng cao giọng, lâm vào cảnh gần như hết cách; và con Khỉ Đồng bị phạt, ngày này qua ngày khác, bằng sự im lặng. Đây là hình thức kỷ luật được mẹ tôi lựa chọn: không thể đánh con, bà ra lệnh cho chúng tôi khóa miệng lại. Một vài âm hưởng, không nghi ngờ gì nữa, của sự im lặng ghê gớm mà bằng nó chính mẹ đã hành hạ Aadam Aziz vẫn quanh quẩn bên tai bà – vì rằng, cả im lặng cũng có tiếng vang, rỗng hơn và kéo dài hơn tiếng vọng của bất cứ âm thanh nào – và với một tiếng “Suỵt!” dứt khoát, bà sẽ đặt ngón tay lên môi và lệnh cho lưỡi chúng tôi bất động.

Đó là một hình phạt chưa bao giờ thất bại trong việc dọa tôi phải phục tùng; con Khỉ Đồng, tuy vậy, được làm bằng chất liệu khó uốn nắn hơn. Trong câm lặng, sau đôi môi mím chặt như của bà ngoại, nó âm mưu hỏa thiêu đồ da – như đã có lần, đã lâu rồi, một con khỉ khác, ở một thành phố khác, đã thực hiện một hành vi khiến việc căn godown chứa vải giả da bị đốt trụi trở thành không tránh khỏi…

Tôi xấu bao nhiêu thì con bé xinh đẹp (dù có thể hơi gầy gò) bây nhiêu; nhưng nó, ngay từ đầu, đã tàn phá như một cơn lốc và ầm ĩ ngang một đám đông. Hãy đếm số cửa sổ và bình hoa bị vỡ một cách vô-tình-có-chủ-ý; hãy liệt kê, nếu quý vị có thể, số thức ăn không hiểu vì sao đã bay khỏi những cái đĩa ăn tối phản chủ của con bé, làm ố bẩn những tấm thảm Ba Tư quý giá! Im lặng, quả thật, là hình phát khắc nghiệt nhất nó có thể phải nhận; nhưng nó gánh chịu một cách tươi tỉnh, ngây thơ vô tội đứng giữa đống đổ nát của những ghế gãy và đồ trang trí vỡ vụn.

Mary Pereira nói, “Con bé ấy, Con Khỉ ấy! Đáng lẽ phải sinh ra với bốn chân!” Nhưng Amina, mà ký ức về lần sinh hụt trong gang tấc một thằng bé hai đầu vẫn ngoan cố chưa chịu phai mờ, trong tâm trí hét lên.

“Mary! Cô nói cái gì thế hả? Đến nghĩ như vậy cũng không được!”

… Bất chấp sự phản đối của mẹ tôi, một thực tế là phần động vật ở con Khỉ Đồng cũng ngang với phần con người. Và, như tất cả người hầu và trẻ con ở Điền trang Methwold đều biết, nó có khả năng nói chuyện với chim, và với mèo. Cả chó nữa: nhưng sau lần nó bị cắn, năm lên sáu, bởi một con chó hoang bị nghi mắc bệnh dại, và bị lôi đi, vừa khóc lóc vừa quẫy đạp, tới bệnh viện Breach Candy, mỗi buổi chiều trong ba tuần, để nhận một mũi tiêm vào bụng, có vẻ như con bé hoặc đã quên mất ngôn ngữ của chúng hoặc đã từ chối không dính dáng gì đến chúng nữa.

Từ chim nó học hát; từ mèo nó học được một hình thái độc lập nguy hiểm. Con Khỉ Đồng giận dữ nhất khi nghe ai đó nói với nó những lời yêu thương; khao khát được thương yêu, bị tước đoạt điều đó bởi cái bóng áp đảo của tôi, nó có xu hướng tấn công bất cứ ai dành cho nó điều nó muốn, như thể để bảo vệ mình trước khả năng bị đánh lừa.

… Chính vào thời điểm như thế Sonny Ibrahim thu hết can đảm bảo nó: “Này, nghe đây, em gái của Saleem – đằng ấy hơi bị được đấy. Tớ, ừm, đằng ấy biết đấy, rất khoái đằng ấy…”

Và lập tức con bé thẳng tiến đến chỗ bố mẹ thằng nhóc đang uống lassi trong khuôn viên biệt thự Sans Souci và bảo, “Dì Nussie, cháu chẳng biết anh Sonny nhà dì đang chơi trò gì. Mới vừa nãy cháu thấy anh ấy và Cyrus sau bụi cây, đang chà xát cái soo-soo buồn cười lắm ấy!”…

Con Khỉ Đồng rất xấu nết tại bàn ăn; nó giẫm nát các luống hoa; nó nhận biệt hiệu đứa trẻ rắc rối; nhưng nó với tôi vẫn cực kỳ thân thiết, bất chấp những bức thư đóng khung gửi đến từ Delhi và sadhu-dưới-vòi-nước. Từ đầu, tôi đã quyết định coi nó là đồng minh, chứ không phải là đối thủ; và, bởi thế cho nên, nó chưa từng oán trách tôi vì sự nổi bật của tôi trong nhà, nó bảo, “Có gì mà oán trách? Chẳng lẽ đấy là lỗi của anh nếu cả nhà đều thấy anh rất oách?” (Nhưng khi, nhiều năm sau, tôi phải phải đúng sai lầm của Sonny, nó cũng đối xử với tôi y hệt.)

Và chính con Khỉ Đồng là người, bằng việc trả lời một cú điện thoại gọi nhầm nào đó, đã khởi đầu chuỗi sự kiện dẫn đến tại nạn của tôi trong một cái tủ giặt màu trắng bằng gỗ thanh ken sát.

Chưa gì, ở cả tuổi gần lên chín, tôi đã biết ngần này: ai nấy đều chờ đợi ở tôi. Nửa đêm và ảnh-em-bé, các nhà tiên tri và thủ tướng đã tạo nên quanh tôi một màn sương lung linh và không thể tránh né của sự kỳ vọng… trong đó bố tôi kéo tôi vào cái bụng nhão xệ của ông trong cái mát mẻ của giờ cocktail và bảo: “Toàn thứ oách! Con trai: có gì không nằm trên giá chờ con? Thành tích oách, cuộc đời oách!”

Trong khi tôi, hết ngọ nguậy cái môi trề lại đến ngón chân cái, làm ướt áo ông với dòng nước mũi muôn đời vẫn chảy của tôi, mặt đỏ rực và ré lên, “Thả con ra, Abba! Mọi người thấy kìa!”

Và ông, làm tôi ngượng đến mức khó tin, ồm ồm, “Kệ cho họ thấy! Cho cả thế giới thấy ta yêu con trai ta thế nào!”… còn bà tôi, đến chơi với chúng tôi mùa đông nọ, cũng khuyên tôi: “Chỉ cần xắn tay nỗ lực, cái-gì-không-biết, cháu bà sẽ ăn đứt bất cứ ai trên đời này!”

… Trôi dạt giữa đám mây mù của niềm trông đợi ấy, tôi đã sớm cảm thấy trong mình những cử động đầu tiên của con vật không hình thù mà, trong những đêm vắng-Padma này, vẫn sục sạo cào cấu ruột gan tôi: gánh chịu lời nguyền của vô vàn hy vọng và biệt danh (tôi đã kịp có tên Cả Khịt và Thò Lò), tôi đâm lo sợ rằng tất cả đã nhầm – rằng sự tồn tại rất được trống giong cờ mở của tôi rồi sẽ hóa ra là hoàn toàn vô dụng, rỗng tuếch, không có lấy tí ti mục đích nào.

Và chính vì trốn chạy con quái vật này mà tôi hình thành thói quen náu mình, từ khi còn nhỏ, trong cái tủ giặt to màu trắng của mẹ tôi, bởi vì tuy sinh vật này ở trong tôi, song sự hiện diện êm dịu của vải lanh bẩn bao bọc xung quanh dường như đã ru được nó vào giấc ngủ.

Bên ngoài tủ giặt, bị vây quanh bởi những con người dường như sở hữu một ý thức về mục đích rõ ràng kinh khủng, tôi vùi mình trong những chuyện thần tiên. Hatim Tai và Người Dơi, Siêu Nhân và Sinbad đã giúp tôi qua được gần chín năm ấy. Khi đi chợ với Mari Pereira – khiếp hãi trước chuyện cô có khả năng đoán tuổi gà bằng cách xem cổ con gà, trước sự quyết liệt tuyệt đối khi cô nhìn chằm chằm vào mắt những con cá chim chết – tôi trở thành Aladdin, đang du hành trong một hang động kỳ bí. Trông những người hầu lau chùi bình lọ với một sự tận tâm vừa trịnh trọng vừa mơ hồ, tôi tưởng tượng ra bốn mươi tên cướp của Ali Baba nấp trong những chiếc bình phủ bụi.

Trong vườn, khi đăm đăm nhìn Purushottam vị sadhu bị nước xói mòn, tôi hóa thành thần đèn, và nhờ đó, trốn tránh được, trong đa số trường hợp, cái ý nghĩ kinh khủng rằng tôi, đơn độc trong vũ trụ này, chẳng có ý niệm gì về việc tôi nên là ai, hay tôi cần hành xử thế nào. Mục đích: nó lẻn đến sau lưng tôi khi tôi đứng trên cửa sổ phòng mình nhòm xuống những cô bé người Âu nhảy chân sáo trong bể bơi hình bản đồ bên bờ biển. “Biết tìm nó ở đâu?” tôi hét to; con Khỉ Đồng, ở chung căn phòng màu thiên thanh với tôi, giật bắn cả người lên. Khi ấy tôi sắp lên tám, nó gần bảy tuổi. Đó là một tuổi rất sớm để băn khoăn về ý nghĩa cuộc đời.

Nhưng trong tủ giặt không có người hầu; xe buýt nhà trường cũng vắng bóng. Khi sắp lên chín tôi bắt đầu đi học ở trường Trung học Nam sinh Cathedral và John Connon trên đường Outram ở khu Thành Cổ; được tắm táp và chải chuốt mỗi sáng, tôi đứng dưới chân quả đồi hai tầng nhà mình, mặc quần soóc trắng, đeo thắt lưng chun sọc xanh có khóa hình rắn, cặp đeo trên vai, quả dưa chuột cỡ bự hình cái mũi vẫn chảy thò lò như thường lệ; Mắt Chẻ và Tóc Dầu, Sonny Ibrahim và Cyrus-đại-đế khôn sớm cũng đứng đợi. Và trên xe buýt, giữa những hàng ghế lọc xọc và tiếng cọt kẹt hoài cổ của những ô cửa sổ, chao ôi những lời quả quyết! Chao ôi những sự chắc chắn gần-chín-tuổi về tương lai!

Sonny huyên hoang: “Tao sẽ trở thành võ sĩ đấu bò; Tây Ban Nha! Chiquita! Ê, toro, toro[1]!” Cái cặp giơ ra như tấm muleta của Manolete[2], nó vào vai tương lai của mình khi cỗ xe lọc xọc chạy qua góc phố Kemp, qua (Hiệu thuốc) Thomas Kemp & Công ty, bên dưới tấm poster vị rajah[3] của Hàng không Ấn Độ (“Hẹn gặp lại, cá sấu! Ta đi London trên Hàng không Ấn Độ đây!”) và tấm biển còn lại.

Trên đó, suốt thời thơ ấu của tôi, Nhóc Kolynos, một tiểu tinh linh răng sáng bóng đội chiếc mũ xanh, kiểu gia tinh, màu diệp lục lung linh, quảng cáo chất lượng cho Kem Đánh Răng Kolynos: “Giữ Răng Shạch và Giữ Răng Sháng! Giữ Răng Kolynos Cực Bóng Loáng!” Cậu bé trên tấm biển, lũ nhóc trên xe buýt: một chiều, bị sự chắc chắn là phẳng, chúng biết mình sinh ra để làm gì.

Đây là Keith Colalo Nội Tiết, một thằng bé bị phù tuyến giáp, môi đã lún phún râu: “Tao sẽ quản lý các rạp phim của ông già; bọn lợn chúng mày muốn xem phim, chúng mày sẽ phải xin tao chỗ ngồi!”

… Và Perce Fishwala Mập, mà bệnh béo phì không có căn nguyên gì khác ngoài ăn quá nhiều, và là đứa, cùng với Keith Nội Tiết, nắm giữ vị trí đặc quyền đầu gấu lớp học: “Xì! Chẳng là gì sất! Tao sẽ có kim cương và ngọc lục bảo và nguyệt thạch! Và ngọc trai to như hòn dái tao!” Bố Perce Mập quản lý của hàng kim hoàn còn lại của thành phố; kình địch của nó là con trai Ngài Fatbhoy, là đứa, vốn nhỏ người và mọt sách, luôn thất thế trong cuộc chiến của những đứa trẻ có tinh hoàn ngọc trai

…Và Mắt Chẻ, tuyên bố tương lai của nó sẽ là vận động viên Test cricket[4], thản nhiên xem bên tròng mắt trống rỗng của mình nhẹ như không; và Tóc Dầu, thằng anh đầu bù tóc rối bao nhiêu thì nó chỉn chu bóng mượt bấy nhiêu, nói, “Chúng mày đúng là lũ ích kỷ! Tao sẽ theo bố tao vào Hải quân; tao sẽ bảo vệ đất nước tao!”

Và thế là nó hứng một trận mưa nào thước kẻ, compa, viên mực… trên xe buýt, khi nó lạch xạch chạy qua Bãi biển Chowpatty, khi nó rẽ trái ra khỏi Marine Drive cạnh căn hộ của Hanif, ông chú yêu thích của tôi, thẳng tiến qua Bến xe Victoria đến Đài phun nước Flora, vượt Nhà ga Churchgate và Chợ Crawford, tôi giữ im lặng; tôi là Clark Kent điềm đạm đang bảo vệ thân phận bí mật của mình[5]; nhưng nó là cái quái gì nhỉ?

“Ê, Thò Lò!” Keith Nội Tiết réo lên.

“Ê, chúng mày bảo thằng Cả Khịt lớn lên sẽ thành gì?” Và tiếng hét đáp lại từ Perce Fishwala Mập, “Pinocchio!”

Và cả lũ hùa theo, ré lên một đoạn điệp khúc của bài “Người tôi chẳng còn sợi dây nào!”… trong khi Cyrus-đại-đế ngồi lặng lẽ như thiên tài, lên kế hoạch cho tương lai của trung tâm nghiên cứu hạt nhân hàng đầu đất nước.

[1] Chiquita: tiếng Tây Ban Nha, nghĩa là em gái bé bỏng. Toro nghĩa là con bò.

[2] Muleta là tấm vải đỏ của võ sĩ đấu bò. Manolete là một võ sĩ nổi tiếng của Tây Ban Nha những năm 40.

[3] Tiểu vương Ấn Độ.

[4] Còn gọi là Cricker Đối kháng, một hình thức thi đấu cricket, mỗi trận có thể kéo dài đến 5 ngày, đòi hỏi sức bền rất lớn ở mỗi cầu thủ.

[5] Trong series truyện tranh và phim Superman, Clark Kent là bộ mặt ngoài đời của Siêu nhân.

Rồi, ở nhà, là con Khỉ Đồng với trò đốt giày; và bố tôi, người đã trỗi dậy từ sâu thẳm của sự suy sụp để rơi vào, một lần nữa, trò rồ dại của những tetrapod… “Biết tìm nó ở đâu?” tôi khẩn cầu trước cửa sổ phòng mình; ngón tay người ngư phủ chỉ, một cách dễ gây ngộ nhận, về phía biển.

Bị cấm cửa bên ngoài tủ giặt: những tiếng réo: “Pinocchio! Mũi dưa chuột! Mặt nhờn!” Giấu mình trong nơi ẩn náu, tôi được an toàn trước ký ức về Cô Kapadia, cô giáo tại nhà trẻ Breach Candy, người, vào ngày đầu tiên tôi đi học, từ trên bảng ngoảnh lại chào tôi, thấy mũi tôi, giật mình đánh rơi cái lau bảng và làm giập móng chân cái của cô, trong một sự tái hiện chói tai song ít tiếng vang cái tai nạn lừng lẫy của cha tôi; vùi mình trong đống mùi soa bẩn và pajama nhàu nhĩ, tôi có thể quên đi, trong một chốc, sự xấu xí của mình.

Thương hàn tấn công tôi; nọc cạp nong cứu sống tôi; và sự phát triển quá sớm, quá nóng của tôi nguội dần. Tới khi tôi gần chín tuổi, Sonny Ibrahim đã cao hơn tôi bốn xăng ti mét. Nhưng có một thứ ở Bé Saleem dường như miễn nhiễm với bệnh tật và chiết-xuất-từ-rắn. Giữa hai mắt tôi, nó mọc ra trước và cắm xuống, như thể tất cả sinh lực tăng trưởng của tôi, bị ép ra khỏi phần còn lại cơ thể tôi, đã quyết định dồn sức vào cú đâm độc nhất vô nhị này… giữa hai mắt tôi và ở trên môi tôi, mũi tôi nở bung như một quả bí ngô đoạt giải. (Thế nhưng, tôi lại không phải mọc răng khôn; làm người nên biết bằng lòng với những gì mình có.)

Trong mũi có gì? Đáp án quen thuộc: “Đơn giản thôi. Bộ máy hô hấp; cơ quan khứu giác; lông.” Nhưng trong trường hợp của tôi, câu trả lời còn đơn giản hơn, dù rằng, tôi phải thừa nhận, hơi kinh tởm: trong mũi tôi là nước mũi. Thật lấy làm tiếc, tôi phải, không may thay, nhấn mạnh vào chi tiết: tình trạng ngạt mũi buộc tôi phải hô hấp qua đường miệng, cho tôi lượng không khí của một con cá vàng hổn hển; sự nghẹt thở kinh niên đày đọa tôi sống một tuổi thơ không mùi hương, những ngày tháng không biết tới hương xạ và hoa nhài và kasaundy xoài và món kem nhà làm; cả quần áo bẩn nửa. Một sự tàn phế ở thế giới bên ngoài tủ giặt có thể trở thành một ưu thế một khi ta ở trong. Nhưng chỉ trong thời gian ta lưu lại đó mà thôi.

Ám ảnh về mục đích, tôi lo lắng về cái mũi của mình. Mặc những áo quần cay đắng thường xuyên tìm đến từ bà bác hiệu trưởng Alia, tôi đi học, chơi cricket kiểu Pháp, đánh lộn, bước vào những chuyện thần tiên… và lo lắng. (Hồi đấy, bác Alia bắt đầu gửi cho bọn tôi một dòng bất tận quần áo trẻ con, mà trong từng đường chỉ bà dường như đã khâu vào nỗi bẳn gắt gái già của bà.

Con Khỉ Đồng và tôi xúng xính trong những món quà bà tặng, mặc đầu tiên là những món đồ con nít của nỗi cay đắng, rồi đến những tấm quần yếm của niềm oán giận; tôi lớn lên trong những chiếc quần soóc trắng hồ bằng thứ hồ của sự ghen tị, trong khi con Khỉ mặc những chiếc váy hoa xinh xắn của lòng đố kỵ không phai mờ ở Alia… không hay biết rằng tủ quần áo của mình đang trói mình vào tấm lưới nhện báo thù cùa bà, chúng tôi cứ thế sống cuộc đời ăn vận bảnh bao.)

Mũi tôi: đặc chất voi như vòi của thần Ganesh, nó lẽ ra, tôi nghĩ, phải là một cỗ máy thở siêu việt; một bộ khịt vô đối, như chúng ta vẫn nói; thay vào đó, nó bị nghẹt kinh niên, và vô dụng không khác gì một cái sikh-kabab bằng gỗ.

Đủ rồi.

Tôi ngồi trong tủ giặt và quên đi cái mũi; quên đi sự kiện chinh phục Đỉnh Everest năm 1953 – khi thằng Mắt Chẻ lem luốc khúc khích, “Êu, tụi mày! Tụi mày bảo Tenzing có len nổi lên mặt thằng Cả Khịt không?”

Và cả những lần cãi cọ giữa bố mẹ về cái mũi tôi, điều Ahmed Sinai không bao giờ chán đổ lỗi cho cha của Amina: “Chưa bao giờ họ nhà tôi có một cái mũi như thế! Chúng tôi có những cái mũi hoàn hảo: mũi kiêu hãnh, mũi hoàng gia, mình ạ!”

Ahmed Sinai đã bắt đầu, tại thời điểm này, tin vào cái dòng tộc hư cấu ông đã sáng tạo ra vì William Methwold; say tửu tinh bí tỉ, ông thấy dòng máu Mughal chảy trong huyết quản… Quên cả cái đêm khi tôi tám tuổi rưỡi, và cha tôi, hơi thở sặc mùi tửu tinh, bước vào phòng, giật chăn khỏi người tôi mà quát: “Mày đang làm cái gì thế hả? Lợn! Đồ lợn rách giời rơi xuống!”

Tôi nhìn lên, ngái ngủ; vô tội; ngơ ngác. Ông lại gầm lên: “Phù, phì! Đồ thối thây! Trời phạt những đứa như mày! Chưa gì ông ấy đã khiến mũi mày to như cây bạch dương. Trời sẽ làm mày còi cọc; sẽ làm cứt mày quắt lại!”

Và mẹ tôi, khoác áo ngủ chạy vào căn phòng đang sững sờ, “Janum, vì lòng thương xót; thằng bé chỉ đang ngủ thôi mà.”

Tửu tinh gầm lên qua môi cha tôi, áp chế ông hoàn toàn: “Nhìn mặt nó xem! Đời thuở nhà ai vì ngủ mà có cái mũi như thế?”

Bên trong tủ giặt không có gương; những câu đùa thô lỗ không chui vào đó, những ngón tay đang chỉ cũng không. Trận lôi đình của các ông bố bị bóp nghẹt bởi những ga giường bẩn và nịt ngực thay ra. Cái tủ giặt là một cái lỗ giữa thế gian, một nơi văn minh tự đặt mình ra ngoài, vượt khỏi chuẩn mực xã hội; điều này biến nó thành nơi ẩn náu lý tưởng nhất. Ở trong tủ giặt, tôi giống như Nadir Khan trong thế giới ngầm của anh ta, an toàn trước mọi sức ép, giấu mình trước những đòi hỏi của cha mẹ và lịch sử…

… Cha tôi, kéo tôi vào cái bụng nhão xệ của mình, nói bằng giọng nghẹn ngào của cảm xúc tức thời: “Được rồi, được rồi, thế, thế, con ngoan lắm; con có thể là bất cứ gì con muốn; con chỉ cần muốn cho đủ thôi! Giờ ngủ đi…”

Và Mary Pereira, lặp lại lời ông trong câu hát ru của mình: “Bất cứ gì con muốn thành, con sẽ được; Con sẽ được thành, bất cứ gì con muốn!”

Tôi đã ngộ ra rằng gia đình tôi tin tưởng tuyệt đối vào những quy tắc kinh doanh hiệu quả; họ mong đợi một món lợi tức ra trò từ khoản đầu tư vào tôi. Con nít được cái ăn chỗ ở tiền quà nghỉ-mát-dài-ngày và sự yêu thương, tất cả có vẻ như là một dạng bồi thường cho việc chúng bị sinh ra.

“Người tôi chẳng có sợi dây nào!” chúng hát; song tôi, Pinocchio, nhìn rõ những sợi dây. Các ông bố bà mẹ bị thôi thúc vì động cơ lợi nhuận – không hơn, không kém. Đổi lấy sự quan tâm của họ, họ trông đợi, từ tôi, món lợi tức khổng lồ của sự vĩ đại. Đừng hiểu nhầm tôi. Tôi chẳng lấy thế làm điều. Tôi, hồi ấy, là một đứa trẻ biết vâng lời. Tôi ước ao đem đến cho họ điều họ muốn, điều các ông thầy bói và những lá thư lồng khung đã hứa với họ; tôi chỉ không biết phải làm thế nào. Sự vĩ đại ở đâu ra? Làm sao để có được chút đỉnh? Khi nào?

...Khi tôi lên bảy, Aadam Aziz và Mẹ Bề trên tới thăm chúng tôi. Vào ngày sinh nhật thứ bảy của mình, một cách ngoan ngoãn, tôi chịu cho mặc đồ giống như cậu bé trong bức tranh người ngư phủ; nóng và bị bó chặt trong bộ trang phục ngoại quốc, tôi cười, cười mãi.

“Kìa, mảnh trăng bé bỏng của tôi!” Amina thốt lên khi cắt chiếc bánh phủ những con giống bọc đường.

“Yếu xếế! Cấm có rỏ nước mắt bao giờ!”

Đem bao cát ra chặn dòng nước lũ chực trào ra sau mắt, những giọt nước mắt vì oi bức và thiếu những Thanh Sô Cô La Dài Cả Mét trong đống quà sinh nhật, tôi đem một lát bánh đến cho Mẹ Bề trên đang ốm nằm trên giường. Tôi được đeo một cái ống nghe; nó lủng lẳng trên cổ tôi. Bà cho phép tôi khám; tôi kê cho bà tập thể dục nhiều hơn.

“Bà phải đi từ đầu phòng đến cái almirah rồi trở lại, mỗi ngày một lần. Bà có thể dựa vào cháu; cháu là bác sĩ.” Nhà quý tộc người Anh đeo ống nghe đỡ người bà có mụn ruồi phù thủy đi ngang phòng; tập tễnh, cót két, bà làm theo. Sau ba tháng điều trị như vậy, bà hoàn toàn bình phục. Hàng xóm đến mừng, đem theo rasgulla và gulab-jaman và các thức kẹo khác.

Mẹ Bề trên, ngồi uy nghi trên chiếc takht giữa phòng khách, tuyên bố: “Thấy cháu tôi chưa? Nó chữa cho tôi đấy, cáigìkhôngbiết. Thiên tài! Thiên tài, cái-gì-không-biết: đó là năng khiếu Trời ban.”

Có thật thế không? Tôi có nên thôi lo lắng không? Có phải thiên tài là điều tuyệt không liên quan tới việc mong muốn được, hay học hỏi cách, hay hiểu biết về, hay có khả năng để? Một điều, đến thời điểm đã định, sẽ lơ lửng choàng lên vai tôi như một thấm pashmina tinh xảo, hoàn mỹ? Sự vĩ đại như khăn san rủ xuống: thứ chẳng bao giờ phải mang tới dhobi[6]. Không ai nện thiên tài lên một tảng đá… Một manh mối ấy, một câu nói vô tình của bà tôi, là hy vọng độc nhất của tôi; và, sau này hóa ra, bà không sai sự thật bao nhiêu. (Tai nạn sắp xảy đến với tôi; và những đứa trẻ của nửa đêm đang đợi.)

[6] Thợ giặt.

Nhiều năm sau, tại Pakistan, vào đúng cái đêm mái nhà sắp sập xuống đầu bà và ép bà dẹp lép hơn cả cái bánh xèo, Amina Sinai nhìn thấy cái tủ giặt cũ hiện hình về. Khi nó hiện ra bên trong mi mắt bà, bà chào nó như một ông anh họ không-thật-sự-được chào đón.

“Lại là mày đấy,” bà bảo nó.

“Ừ, sao lại không? Độ này mọi thứ cứ quay trở lại với ta. Có vẻ như ta chẳng thể bỏ lại bất cứ thứ gì.” Bà đã trở nên già trước tuổi như mọi phụ nữ trong gia đình tôi; cái tủ gợi cho bà nhớ đến cái năm khi lần đầu tiên tuổi già âm thầm bò lên người bà. Cái oi bức dữ dội của năm 1956 – mà Mary Pereira bảo tôi là do bầy côn trùng vô hình phun lửa tí xíu gây ra – lại vo ve bên tai bà lần nữa.

“Những mụn cóc bắt đầu hành hạ tôi rồi,” bà nói to, và viên sĩ quan Dân Phòng đến đốc thúc lệnh tắt điện nở nụ cười buồn và nghĩ, Ngày trước người già tự khâm liệm cho họ trong chiến tranh; như thế họ sẵn sàng để chết khi cần. Anh ta luồn lách ra về giữa cả núi khăn bông phế phẩm chất gần chật kín căn nhà, để Amina lại nói chuyện quần áo bẩn một mình

… Nussie Ibrahim – Nussie vịt bầu – từng ngưỡng mộ Amina: “Chị có cái phong thái, cái dáng điệu thật hết sảy! Em thề đó là một kỳ quan trong mắt em: chị lướt đi như thể đứng trên một chiếc xe đẩy vô hình!”

Nhưng vào mùa hè của lũ côn trùng oi bức, người mẹ duyên dáng của tôi rốt cuộc đã bại trận trước đám mụn cóc, bởi vị sadhu Purushottam đột nhiên mất đi pháp lực. Nước đã xói hói một mảng trên đầu ông; dòng nước nhỏ giọt đều đặn qua năm tháng đã xói mòn ông. Phải chăng ông đã vỡ mộng về thằng bé được ban phước, Mubarak của ông? Phải chăng vì tôi nên thần chú của ông mất đi pháp lực?

Với vẻ gặp rắc rối nghiêm trọng, ông bảo mẹ tôi, “Yên tâm; chỉ cần chờ thôi; tôi nhất định sẽ chữa khỏi chân cho bà.”

Nhưng bệnh mụn cóc của Amina ngày càng nặng; bà tới gặp bác sĩ và họ đóng băng chúng bằng carbon dioxide ở độ không tuyệt đối; nhưng như thế chỉ khiến chúng mọc lại dữ dội hơn gấp bốn, thế nên bà bắt đầu tập tễnh, những ngày lả lướt của bà đã một đi không trở lại; và bà nhận ra lời chào hỏi không lẫn vào đâu được của tuổi già. (Ngập trong huyền thoại, tôi biến bà thành một selkie[7].

“Amma, có lẽ mẹ là nàng tiên cá thật ấy, hóa thành người vì tình yêu trao cho một chàng trai – nên mỗi bước chân cũng như bước trên dao!” Mẹ tôi mỉm cười, nhưng không thành tiếng.)

[7] Một sinh vật trong truyền thuyết Scotland, ở dưới nước thì là hải cẩu nhưng hóa thành người lúc lên bờ.

1956. Ahmed Sinai và Bác sĩ Narlikar chơi cờ và tranh luận – cha tôi ghét cay ghét đắng Nasser, trong khi Narlikar ngưỡng mộ ông ta ra mặt.

“Thằng cha ấy phá hoại việc kinh doanh,” Ahmed bảo; “Nhưng hắn có cá tính,”

Narlikar đáp, rực sáng đầy say sưa, “Chả ai dọa nổi hắn.”

Cùng lúc đó, Jawaharlal Nehru đang tham khảo các nhà chiêm tinh về Kế hoạch Năm Năm của đất nước, để tránh một Karamstan khác; và trong khi thế giới kết hợp giữa hiếu chiến và ma thuật; tôi nằm giấu mình trong chiếc tủ giặt không còn thật sự đủ rộng để cảm thấy thoải mái nữa; và Amina Sinai thấy lòng đầy tội lỗi.

Bà đang cố gắng gạt khỏi đầu cuộc phiêu lưu tại trường đua ngựa; nhưng không thoát được cảm giác ăn năn mà những món ăn mẹ bà nấu đã gây ra trong bà; thế nên không khó để bà nghĩ đến đám mụn cóc như một hình phạt… không chỉ vì hành động táo tợn nhiều năm trước tại Mahalaxmi, mà còn vì không cứu được chồng khỏi những tấm tem phiếu rượu màu hồng; vì tính cách bất thuần, không nữ tính của con Khỉ Đồng; và vì kích cỡ cái mũi của đứa con trai độc nhất. Giờ đây nhìn lại bà, tôi thấy dường như một màn sương tội lỗi đã bắt đầu tụ lại quanh đầu bà – làn da đen của bà tiết ra mây đen lơ lửng trước mắt bà. (Padma sẽ tin; Padma sẽ hiểu điều tôi muốn nói!)

Và khi cảm giác tội lỗi trong bà tăng lên, màn sương đặc lại – phải, sao không? – có những ngày ta hầu như không thấy đầu bà từ cổ trở lên!... Anima đã trở thành một trong những người hiếm hoi ghé lưng ra đón lấy những gánh nặng của thế gian; bà bắt đầu tỏa ra cái hấp lực của một người tình nguyện phạm tội; và từ đó ai tiếp xúc với bà cũng cảm thấy nỗi thôi thúc mãnh liệt nhất phải thú nhận những tội lỗi thầm kín của chính mình.

Khi họ đã quy phục trước ma lực của mẹ tôi, bà sẽ nở một nụ cười dịu dàng buồn bã ảm đạm với họ, và họ sẽ bỏ đi, nhẹ nhõm, trút lại gánh nặng của họ lên vai bà; và màn sương tội lỗi lại dày thêm. Amina nghe về chuyện người hầu bị đánh đập và quan chức được hối lộ; khi cậu Hanif tôi và cô vợ nàng Pia thần thánh tới chơi họ thuật là những vụ cãi cọ tới từng chi tiết nhỏ; Lila Sabarmati giãi bày những lần thất tiết của mình với đôi tai cao quý, sẵn lòng, nhẫn nại của bà; còn Mary Pereira phải không ngừng tranh đấu với sự cám dỗ gần như không thể cưỡng lại là thú nhận tội ác của mình.

Đối mặt với những tội lỗi của thế gian, mẹ tôi mỉm cười ảm đạm và nhắm chặt mắt lại; và đến trước khi mái nhà đổ xuống đầu bà, thị lực của bà đã suy giảm nặng nề; nhưng bà vẫn nhìn thấy cái tủ giặt.

Thật ra tận cùng cảm giác tội lỗi của mẹ tôi là gì? Ý tôi là thật sự, ẩn dưới đám mụn cóc và những tửu tinh và những lời thú tội? Đó là một nỗi bất an không nói nổi thành lời, một nỗi dằn vặt thậm chí không thể gọi tên, và nó không còn tự giới hạn trong những giấc mơ về một người chồng dưới lòng đất… mẹ tôi đã rơi (cũng như cha tôi rồi sẽ sớm rơi) vào bùa phép của chiếc điện thoại.

Vào những buổi chiều của hè năm ấy, những buổi chiều nóng như khăn bông, điện thoại sẽ reo. Khi Ahmed Sinai nằm ngủ trong phòng, chùm chìa khóa dưới gối và sợi dây rốn trong tủ, tiếng điện thoại réo xuyên thủng tiếng vo ve của lũ côn trùng oi bức; và mẹ tôi, tập tễnh vì mụn cóc, lê bước ra hành lang để nghe máy. Và giờ, vẻ mặt này là gì, mà vấy bẩn mặt bà với màu của máu khô?

... Không biết rằng bà bị theo dõi, những mấp máy như cá này của đôi môi bà là gì, những thì thầm tắc nghẹt này nữa?

... Và tại sao, sau khi đã nghe cả năm phút, mẹ tôi mới nói, bằng cái giọng như thủy tinh vỡ “Xin lỗi, nhầm số rồi”? Tại sao kim cương lóng lánh trên mi bà?

... Con Khỉ Đồng thì thào với tôi, “Lần sau có chuông, mình thử tìm hiểu xem.”

Năm ngày sau, lại là buổi chiều, song hôm nay Amina đi vắng, sang chơi nhà Nussie-vịt-bầu, khi chiếc điện thoại đòi hỏi sự chú ý.

“Mau! Mau kẻo nó đánh thức bố dậy!” Con Khỉ, nhanh nhảu như tên nó, nhấc ống nghe lên khi Ahmed Sinai còn chưa kịp thay đổi kiểu ngáy…

“À lố? Vầng? Đây là bảy không năm sáu một; à lố?” Chúng tôi lắng nghe, từng sợi thần kinh căng như dây đàn; nhưng mãi không thấy gì. Rồi, khi chúng tôi sắp sửa bỏ cuộc, giọng nói nọ cất lên.

“… À… vâng… a lô…” Và con Khỉ, gần như hét lên, “À lố? Ai đấy ạ?”

Lại im lặng; giọng nói nọ, không thể ngăn nổi mình lên tiếng, cân nhắc câu trả lời, thế rồi, “… A lô… Đây là Công ty Vận tải Shanti Prasad phải không ạ?...”

Và con Khỉ, nhanh như chớp: “Vâng, quý khách cần gì?”

Lại nín lặng, giọng nói, lộ vẻ bối rối, gần như biết lỗi, đáp: “Tôi muốn thuê một chiếc xe tải.”

Ôi lý do kém thuyết phục của giọng nói qua điện thoại! Ôi những lời ngớ ngẩn không lừa được ai của hồn ma! Giọng nói trên điện thoại đâu phải giọng của khách thuê xe tải; nó mềm, hơi đầy đặn, giọng của một nhà thơ… nhưng từ đó, điện thoại reo thường xuyên; đôi khi mẹ tôi nhấc máy, lắng nghe trong im lặng khi miệng bà làm những động tác của cá, và sau cùng, khi đã quá trễ, nói, “Xin lỗi, nhầm số”; và những lần khác con Khỉ và tôi bâu quanh máy, tai dán vào ống nghe, trong khi con Khỉ nhận đơn hàng thuê xe tải.

Tôi băn khoăn: “Ê, Khỉ, mày nghĩ sao? Không lẽ ông ta chả bao giờ tự hỏi tại sao xe không đến?” Và nó, mắt mở to, giọng lắp bắp: “Trời, anh có nghĩ rằng… hay là xe có đến!”

Nhưng tôi không thấy có khả năng nào là xe có đến; và một hạt giống ngờ vực tí ti đã được gieo vào tôi, một tia le lói tí ti của ý nghĩ rằng mẹ chúng tôi có thể có bí mật – Amma của chúng tôi! Người luôn bảo, “Giữ bí mật là nó sẽ thối ra trong ruột; không nói thật là sẽ bị đau bụng!” – một tia lửa nhỏ xíu mà việc tôi trải qua trong tủ giặt sẽ thổi bùng lên thành một trận cháy rừng. (Vì lần này, quý vị thấy đấy, bà cho tôi bằng chứng.)

Và giờ, rốt cuộc, đã đến thời khắc của quần áo bẩn. Mary Pereira rất hay bảo tôi rằng: “Nếu cậu muốn làm người lớn, baba, cậu phải thật sạch sẽ. Thay quần áo,”

Cô dặn: “Tắm rửa thường xuyên. Đi đi, baba, không là tôi gửi cậu đến bác thợ giặt, cho bác ấy dện cậu lên đá giặt bây giờ.”

Cô đem cả sâu bọ ra dọa tôi: “Rồi, cứ ở bẩn đi, rồi sẽ chẳng có ai yêu cậu hết, trừ lũ ruồi. Chúng sẽ đậu lên người cậu khi cậu ngủ; chúng đẻ trứng dưới da cậu!”

Phần nào, lựa chọn về chỗ ẩn náu của tôi là một hành động mang tính thách thức. Coi khinh dhobi[8] và lũ nhặng, tôi giấu mình vào nơi không sạch sẽ; tôi tìm thấy sức mạnh và sự vỗ về từ ga giường và khăn tắm; mũi tôi tự do rúc vào đám vải lanh sẽ chịu kiếp bị dện lên đá; và bao giờ cũng vậy, khi chui ra thế giới từ bụng con cá voi gỗ của tôi, sự minh triết chín chắn và buồn thảm của đồ giặt bẩn vẫn quấn lấy tôi, dạy tôi triết lý của sự lãnh tĩnh và phẩm-giá-bất-chấp-tất-cả và tính tất yếu không tránh khỏi khủng khiếp của xà phòng.

[8] Quần áo bẩn.

Một chiều tháng Sáu, tôi rón rén trên hành lang của ngôi nhà đang say ngủ, tới nơi trú ẩn tôi đã chọn cho mình; lẻn qua mẹ tôi đương say giấc nồng để chui vào sự im lặng ốp gạch men trắng của phòng tắm của bà; mở nắp đích đến của tôi lên; rồi gieo mình vào một lô mềm mại những vải vóc (chủ yếu là trắng) của nó, nơi ký ức duy nhất về những cuộc viếng thăm trước của tôi. Thở dài khe khẽ, tôi hạ cái nắp xuống, và đề quần dài và áo vét xoa dịu đi nỗi đau tồn tại, không mục đích và sắp tròn chín tuổi.

Có điện tích trong không khí. Sự oi bức, vo ve như ruồi. Một tấm khăn voan, lửng lơ đâu đó giữa trời, chờ chực để nhẹ nhàng buông xuống vai tôi… đâu đó, một ngón tay đặt lên đĩa số; đĩa số quay tròn và quay tròn, xung điện chạy dọc dây cáp, bảy, không, năm, sáu, một. Điện thoại đổ chuông. Tiếng chuông réo tắc nghẹt xuyên vào tủ giặt, nơi một cậu bé sắp-lên-chín nằm giấu mình co ro…

Tôi, Saleem, cứng người lại vì sợ bị phát hiện, bởi lúc này thêm nhiều tiếng ồn vọng vào trong tủ: tiếng lò xo giường kẽo kẹt; tiếng dép loẹt quẹt dọc hành lang; tiếng điện thoại im bặt khi đang réo nửa chừng; và – hay là tưởng tượng? Có phải giọng bà quá khẽ nghe không rõ? – tiếng từng chữ, thốt lên quá muộn như thường lệ: “Xin lỗi. Nhầm số rồi.”

Và giờ, tiếng chân tập tễnh quay lại phòng ngủ; và những nỗi sợ khủng khiếp nhất của cậu bé đang trốn đã thành hiện thực. Nắm cửa xoay tròn, hét lên cảnh báo cậu; từng bước chân sắc như dao cạo cắt sâu vào cậu khi chúng bước trên nền gạch men trắng lạnh. Cậu đông cứng lại như băng, cứng đờ như khúc gỗ; mũi cậu lặng lẽ nhỏ nước lên quần áo bẩn. Một sợi dải rút quần – vật báo hiệu hình rắn của tai họa! – luồn vào lỗ mũi trái của cậu. Khịt mũi tức là chết: cậu từ chối nghĩ đến điều đó.

… Bị siết chặt trong gọng kìm của nỗi khiếp sợ, cậu thấy mắt mình nhìn xuyên qua một khe hở giữa chỗ quần áo bẩn… và thấy một người đàn bà đang khóc trong nhà tắm. Mưa rơi từ một đám mây đen dày. Và giờ thêm nhiều âm thanh, nhiều chuyển động: giọng mẹ cậu bắt đầu cất lên, hai âm tiết, lặp đi lặp lại: và tay bà bắt đầu hoạt động. Đôi tai bị bóp nghẹt vì đồ lót căng ra bắt lấy hai âm thanh – âm này: Dir? Bir? Dil? – và âm kia: Ha? Ra? Không – Na. Ha và Ra bị loại trừ; Dil và Bir biến mất vĩnh viễn; và cậu bé nghe thấy, bên tai, một cái tên không được nói ra kể từ khi Mumtaz Aziz trở thành Amina Sinai: Nadir. Nadir. Na. Dir. Na.

Và tay bà chuyển động. Lạc trong ký ức của mình về những ngày tháng khác, về chuyện xảy ra sau khi những ván phụt-ống-nhổ trong một căn hầm ở Agra, chúng hớn hở vồ vập má bà, chúng ấp vú bà chặt hơn bất kỳ thứ nịt vú nào; và giờ chúng mơn trớn cái bụng trần của bà, chúng rê sâu xuống dưới… phải, đây là điều mình vẫn làm, tình yêu của em, như thế là đủ, đủ cho em, mặc dù cha em bắt mình, rồi anh chạy, và giờ thì điện thoại, Nadirnadirnadirnadirnadirnadir… bàn tay nâng điện thoại giờ đây nâng thịt, trong khi ở chỗ khác bàn tay kia làm gì? Hành vi gì, sau khi đặt ống nghe xuống, bàn tay kia đang thực hiện!... Không quan trọng; vì ở đây, trong không gian riêng tư bị theo dõi của mình, Amina Sinai lặp lại một cái tên xa xưa, lần này qua lần khác, đến khi cuối cùng bà bật ra, “Arre Nadir Khan, anh từ đâu ra thế hả?”

Bí mật. Một cái tên đàn ông. Những cử động chưa-bị-bắt-gặp-bao-giờ của đôi tay. Trong óc một đứa trẻ chất đầy những suy nghĩ không hình thù, bị giằng xé bởi những ý niệm nhất định không chịu lắng xuống thành lời; và trong một lỗ mũi trái, một dây dải rút đang như rắn trườn lên lên lên, nhất định không chịu bị lờ đi…

Và giờ – ôi bà mẹ vô sĩ! Kẻ lộ mặt ở hai lòng, với những xúc cảm không có chỗ trong cuộc sống gia đình; và còn nữa: ôi kẻ phô bày trắng trợn Trái Xoài Đen! – Amina Sinai, lau khô nước mắt, bị thôi thúc bởi một nhu cầu nhỏ nhặt hơn; và khi mắt phải của con trai bà nghé qua những nẹp gỗ trên nóc tủ giặt, mẹ tôi gỡ sari ra!

Trong khi tôi, nín lặng trong tủ giặt: “Đừng làm thế đừng làm thế đừng!”… nhưng tôi không nhắm mắt lại được. Đôi đồng tử không chớp thu vào hình ảnh lộn ngược của tấm sari rơi xuống sàn, một hình ảnh, như thường lệ, được não bộ lật ngược; qua đôi mắt xanh băng giá tôi thấy cái xi líp nối tiếp tấm sari. Và rồi – ôi kinh khủng thay! – mẹ tôi, đóng khung trong đồ giặt và nẹp gỗ, cúi xuống nhặt quần áo lên! Và nó đấy, đốt bỏng võng mạc tôi – hình ảnh bộ mông mẹ tôi, đen như màn đêm, tròn và cong, không giống gì trên đời hơn là một trái xoài Alfonso khổng lồ màu đen! Ở trong tủ giặt, thất thần trước hình ảnh ấy, tôi vật lộn với bản thân… sự tự kiểm soát trở thành bắt buộc đồng thời là bất khả… dưới tác động sét đánh của trái Xoài Đen, thần kinh tôi sụp đổ; sợi dải rút chiến thắng; và trong khi Amina Sinai ngồi lên bồn cầu, tôi… sao?

Không phải hắt xì; nó chưa đến mức hắt xì. Cũng không phải nhăn mũi; nó lớn hơn thế. Đã đến lúc nói thẳng: choáng váng trước giọng nói hai âm tiết và đôi tay vồ vập, kinh hoàng trước trái Xoài Đen, mũi của Saleem Sinai, phản ứng trước chứng cứ về sự hai lòng của người mẹ, run rẩy vì sự xuất hiện của cặp mông mẫu thân, đầu hàng sợi dải rút, và bị chế ngự bởi một cú khịt thảm họa – làm thay đổi thế giới – không thể đảo ngược. Sợi dải rút nhoi lên thêm nửa tấc trong lỗ mũi tôi đau nhói. Nhưng những thứ khác cũng nhoi lên: bị cú hít vào kích động ấy lôi kéo, chất lỏng trong mũi không ngừng bị hút lên lên lên, nước mũi xộc thẳng lên, ngược trọng lực, ngược tự nhiên. Xoang mũi chịu một áp lực quá sức chịu đựng… cho đến khi, trong cái đầu sắp-lên-chín ấy, có gì đó vỡ ra. Nước mũi bắn vọt qua con đập thủng, ùa vào những dòng kênh mới tối đen. Dịch nhầy, lên cao hơn mức cao nhất được định sẵn cho dịch nhầy. Nước thải, chạm tới tận, có lẽ, ranh giới của não bộ… có một cú sốc. Có gì đó tích điện đã bị nhiễm ẩm.

Đau.

Và rồi tiếng ồn, điếc tai đa thanh kinh dị, trong đầu cậu bé!... Trong cái tủ giặt gỗ màu trắng, bên trong khán phòng tăm tối của hộp sọ của tôi, mũi tôi bắt đầu hát.

Nhưng giờ không còn thời gian để nghe, vì một giọng nói đã ở rất gần. Amina Sinai đã mở ô cửa dưới của tủ giặt; tôi lăn ra long lóc với quần áo bẩn quấn quanh đầu như cái màng thóp. Sợi dải rút bắn khỏi mũi tôi; và giờ ánh chớp lóe lên xuyên qua vầng mây đen quanh mẹ tôi – và một nơi ẩn náu đã mất đi vĩnh viễn.

“Con không có nhìn!” tôi ré lên qua những ga với gối. “Con không thấy gì sất, Ammi, con thề!!”

Và nhiều năm sau, trên chiếc ghế mây giữa mớ khăn tắm ế và một cái đài loan báo những tin thắng trận bị cường điệu hóa, Amina sẽ nhớ lại rằng với ngón cái và ngón trỏ kẹp quanh tai thằng con dối trá, bà đã lôi nó đến chỗ Mary Pereira, người như thường lệ đang ngủ trên tấm chiếu cói trong căn phòng màu thiên thanh ra sao. Bà đã lệnh: “Con lừa non này, thằng vô tích sự rách giời rơi xuống này sẽ không được nói gì suốt một ngày” thế nào… Và, ngay trước khi mái nhà sập xuống đầu, bà đã nói to: “Lỗi tại tôi. Tôi đã nuôi dạy nó chẳng ra gì.”

Giữa tiếng bom nổ xé nát không gian, bà thêm, điềm đạm nhưng quả quyết, dành những lời cuối cùng trên thế gian cho bóng ma của một chiếc tủ giặt: “Giờ thì đi đi, tao chán nhìn mày lắm rồi.”

Trên đỉnh Sinai, Nhà Tiên tri Musa hay Moses nghe thấy những lời răn vô hình; trên Đỉnh Hira, Nhà Tiên tri Muhammad (còn có tên là Mohammed, Mahomet, Nhà-Tiên-Tri-Sau-Chót, và Mahound) đối thoại với Đại thiên sứ (Gabriel hay Jibreel, tùy quý vị). Và trên sân khấu của trường Trung học Nam sinh Cathedral và John Connon, tổ chức “dưới sự bảo trợ” của Hiệp hội Giáo dục Anh-Scotland, thằng Cyrus-đại-đế bạn tôi, đóng vai nữ như thường lệ, nghe tiếng Thánh Joan nói những câu thoại của Bernard Shaw. Nhưng Cyrus là trường hợp cá biệt: không như Joan, nghe thấy những giọng nói ngoài đồng, mà như Musa hay Moses, như Muhammad Nhà Tiên tri tối hậu, tôi nghe thấy những giọng nói trên một ngọn đồi.

Muhammad (cầu cho tên người được bình an, tôi xin bổ sung; tôi không muốn xúc phạm bất kỳ ai) nghe thấy một giọng nói bảo ông rằng “Hãy tụng!” và nghĩ là mình hóa điên; tôi nghe thấy, đầu tiên, ong ong khắp đầu toàn tiếng líu lô, như một kênh đài chưa dò đúng sóng; và với đôi môi bị khóa theo lệnh mẫu thân, tôi không thể đòi hỏi sự an ủi.

Muhammad, ở tuổi bốn mưoi, tìm kiếm và nhận được sự trấn án từ vợ và bằng hữu: “Đích thực,” họ bảo ông, “anh là Sứ giả của Chúa”; tôi, hứng chịu hình phạt này khi gầnchíntuổi, không thể tìm sự trợ giúp từ con Khỉ Đồng hay cầu viện những lời vỗ về từ Mary Pereira. Bị bắt câm lặng từ tối qua đêm đến sáng, tôi vật vã, trong đơn độc, để tìm hiểu điều đã xảy đến với mình; tới khi sau cùng tôi thấy tấm khăn choàng của thiên tài phấp phới bay xuống, như một cánh bướm thêu, dải khăn san của sự vĩ đại rủ lên vai tôi.

Giữa cơn oi bức của cái đêm nín lặng ấy (chỉ có tôi nín lặng; bên ngoài tôi, biển loạt soạt như tiếng giấy ở xa xăm; quạ rúc trong cơn quằn quại của những ác mộng lông vũ; tiếng xành xạch của những chiếc taxi rề rà vọng đến từ đường Warden; con Khỉ Đồng, trước khi thiếp đi với vẻ mặt đóng băng lại thành một chiếc mặt nạ làm bằng nỗi tò mò, nài nỉ, “Đi nào, Saleem; có ai nghe đâu; anh đã làm gì? Kể kể kể đi!”… trong khi, bên trong tôi, những giọng nói dội vào thành hộp sọ) tôi bị bóp nghẹt trong những ngón tay nóng hổi của niềm hưng phấn – đám côn trùng ngó ngoáy của cơn phấn khích nhảy múa trong bụng tôi – bởi vì sau cùng, theo một cách nào đấy mà hồi ấy tôi không hoàn toàn hiểu, cánh cửa mà Toxy Catrack từng đẩy khẽ trong đầu tôi đã bị mở bung ra; và qua đó tôi thoáng thấy – dù hãy còn mờ ảo, chưa định hình, huyền bí – lý do khiến tôi được sinh ra đời.

Gabriel hay Jibreel bảo Muhammad: “Hãy tụng!” Và thế là mở đầu khúc Thần tụng, tiếng Ả Rập gọi là al-Quran: “Hãy tụng: nhân danh Chúa, Đấng Sáng Tạo của người, người đã tạo ra Con Người từ những hòn máu…” Đấy là chuyện trên Đỉnh Hira ngoài Mecca Sharif; trên ngọn đồi cao hai tầng đối diện bể bơi Breach Candy, những giọng nói cũng lệnh cho tôi đọc theo: “Ngày mai!” Tôi khấp khởi nghĩ thầm. “Ngày mai!”

Khi mặt trời lên, tôi đã phát hiện ra rằng những giọng nói ấy có thể kiểm soát được – tôi là một cái đài, và có thể chỉnh âm lượng lên xuống; tôi có thể chọn từng giọng riêng lẻ; thậm chí, tôi có thể, bằng nỗ lực của ý chí, tắt cái tai nội tại vừa được phát hiện ấy đi. Nỗi sợ hãi rời bỏ tôi nhanh một cách đáng kinh ngạc; lúc trời sáng, tôi đã nghĩ, “Chà, cái này còn hay hơn Đài phát thanh Toàn Ấn Độ, chà; hơn cả Đài Ceylon!”

Để thể hiện lòng trung thành của cô em: khi hai mươi bốn giờ vừa hết, lập tức, con Khỉ Đồng chạy sang phòng mẹ tôi. (Hôm đó là Chủ nhật; chắc vậy: không phải đến trường. Hoặc cũng có thể là ngày thường – đó là mùa hè của những cuộc biểu tình thổ ngữ, và trường học thường phải đóng cửa, vì nguy cơ bạo lực trên các tuyến xe buýt).

“Hết giờ rồi!” nó kêu, lay mẹ tôi tỉnh giấc. “Amma, dậy đi: đến giờ rồi: anh ấy được nói chưa?”

“Thôi được,” mẹ tôi nói, bước sang căn phòng màu thiên thanh để ôm tôi, “lần này mẹ tha. Nhưng từ nay cấm không được trốn trong đó nữa…”

“Amma,” tôi hăm hở nói, “Ammi của con, mẹ nghe này. Con phải kể mẹ nghe chuyện này. Chuyện quan trọng. Nhưng, trước hết, phải gọi Abba đã.”

Và sau một lúc những “Hả?”, “Sao?” và “Không được,” mẹ tôi nhìn thấy có gì đó bất thường trong mắt tôi liền lo lắng gọi Ahmed Sinai dậy.

“Janum, mình lại đây. Tôi chẳng biết thằng Saleem nó bị làm sao ấy.”

Cả nhà và người ayah tề tựu trong phòng khách. Giữa những bình pha lê mài và nệm phồng, đứng trên tấm thảm Ba Tư dưới quầng bóng xoay tít của những chiếc quạt trần, tôi mỉm cười với ánh mắt thấp thỏm của họ và chuẩn bị cho sự mặc khải của mình. Nó đây rồi; khởi đầu của sự hoàn vốn cho những đầu tư của họ; món cổ tức đầu tiên của tôi – món đầu tiên, tôi tin chắc, trong số rất nhiều… bà mẹ đen, ông bố môi trề, con Khỉ em gái tôi, và người ayah che-giấu-tội-lỗi bồn chồn chờ đợi trong nỗi hoang mang.

Nói ra đi. Thẳng tuột, không màu mè. “Cả nhà nên được biết đầu tiên,” tôi nói, cố tạo cho lời mình ngữ điệu của người lớn. Và rồi tôi bảo họ. “Hôm qua, con nghe thấy những giọng nói. Những giọng nói nói chuyện với con bên trong đầu con. Con nghĩ – Ammi, Abboo, con thực sự nghĩ là – các Đại thiên sứ bắt đầu nói chuyện với con.”

Đấy! Tôi nghĩ. Đấy! Nói rồi đấy! Giờ sẽ có những cái vỗ lưng, kẹo ngọt, những lời tuyên bố công khai, có thể thêm những bức ảnh; giờ ngực họ sẽ căng lên niềm hãnh diện. Ôi sự ngây thơ con nít! Vì sự thành thực của mình – vì nỗ lực nhiệt thành tuyệt vọng làm vừa lòng người khác của mình – tôi bị tất cả các bên tấn công. Kể cả con Khỉ: “Chúa ơi, Saleem, tất cả những tamasha này, tất cả những trò vè này, chỉ vì một trong mấy trò đùa ngu ngốc của anh à?”

Tệ hơn con Khỉ là Mary Pereira: “Lạy Đấng Jesus Chris! Xin Người cứu vớt! Lạy Đức Thánh Cha ở Rome, hôm nay con nghe phải một điều quá sức báng bổ!”

Và tệ hơn Mary Pereira là mẹ tôi Amina Sinai: trái Xoài Đen giờ đã được giấu kín, những cái tên không thể gọi tên còn nóng hổi trên môi, bà kêu lên, “Xin Trời xá tội! Thằng bé sẽ khiến mái nhà sập xuống đầu chúng ta!” (phải chăng đó cũng là lỗi của tôi?)

Và Amina tiếp tục: “Thằng giặc đen! Đồ goonda! Ôi Saleem, con bị nhũn não rồi à? Chuyện gì đã xảy ra với bé con yêu dấu của mẹ – lẽ nào con đang biến thành một đứa điên rồ – một kẻ hành hạ người khác!?”

Và tệ hơn tiếng rú của Amina là sự im lặng của cha tôi; tệ hơn nỗi khiếp hãi của bà là cơn cuồng nộ ngự trị trên trán ông; và khủng khiếp hơn hết thảy là bàn tay ông, đột nhiên xòe ra, những ngón tay chuốn mắn, những khớp tay chắc nịch, khỏe như bò mộng, giáng cho tôi một cú dữ dội vào mang tai, khiến tôi ngã lăn lông lốc giữa căn phòng choáng váng trong bầu không khí kinh hoàng và làm vỡ nát cái mặt bàn bằng kính mờ màu lục; khiến cho, mới lần đầu tiên trong đời chắc chắn về bản thân, tôi đã bị ném vào một thế giới màu xanh, mờ đục như thủy tinh đầy những cạnh sắc, một thế giới nơi tôi không còn có thể kể cho những người quan trọng nhất về những gì xảy ra trong đầu tôi; những mảnh thủy tinh xanh khía toạc tay tôi khi tôi lao vào cái vũ trụ quay cuồng ấy nơi tôi bị đày đọa, cho tới khi quá quá muộn, phải bị dằn vặt bởi nỗi nghi ngờ thường trực rằng tôi sinh ra để làm gì.

Trong căn phòng tắm ốp gạch men trắng bên cạnh cái tủ giặt, mẹ bôi Mercurochrome cho tôi; gạc phủ lên vết thương của tôi, trong khi từ ngoài cửa giọng cha tôi ra lệnh, “Bà nó, hôm nay cấm không ai được cho nó ăn. Bà nghe chưa? Cho nó ôm bụng đói mà tận hưởng trò đùa của mình!”

Đêm đó, Amina Sinai sẽ mơ thấy Ramram Seth lơ lửng cách mặt đất mười lăm xăng ti mét, mắt trợn trừng trắng dã, ngâm nga: “Đồ giặt che lấp nó, giọng nói dẫn dắt nó!”… nhưng khi, sau vài ngày bị giấc mơ ấy đè nặng trên vai trên từng bước đi, bà thu hết can đảm hỏi đứa con ô nhục về tuyên bố táo tợn của nó, thằng bé trả lời với cái giọng cũng kìm nén như những giọt nước mắt không rơi suốt thời thơ ấu: “Con đùa ấy mà, Amma. Một trò đùa ngu dại, như mẹ nói ấy.”

Bà mất, chín năm sau, mà không hề phát hiện ra sự thật.