Những Đứa Con Của Nửa Đêm

Chương 15




Không có màu gì ngoại trừ màu xanh và đen tường màu xanh trời màu đen (không có mái nhà) sao màu xanh mụ Góa phụ màu xanh nhưng tóc mụ thật đen. Mụ Góa phụ ngồi trên một cái ghế cao thật cao cái ghế màu xanh mặt ghế màu đen tóc mụ rẽ ngôi giữa bên trái thì xanh bên phải thì đen. Trời cao vòi vọi cái ghế thì xanh mặt ghế thì đen cánh tay mụ Góa phụ dài như thần chết da tay màu xanh móng tay dài và sắc và đen. Giữa bốn bức tường là lũ trẻ màu xanh tường màu xanh cánh tay mụ Góa phụ vươn dài như rắn con rắn màu xanh lũ trẻ rú lên móng tay mụ thì đen chúng cào cánh tay mụ Góa phụ đang lùa lũ trẻ chạy và rú lên bàn tay mụ Góa phụ cuốn quanh chúng xanh và đen.

Và giờ từng đứa một bị tiếng ú ớ bị bóp nghẹt tay mụ Góa phụ nhấc lên từng đứa một lũ trẻ màu xanh máu chúng màu đen chảy ra dưới những móng tay khía vào tung tóe màu đen lên tường (màu xanh) cứ từng đứa một bàn tay cong cong nhấc lũ trẻ lên cao tít trên bầu trời đen kịt không có bóng sao mụ Góa phụ cười lưỡi mụ màu xanh nhưng răng mụ đen.

Và lũ trẻ bị xé thành hai mảnh dưới hai bàn tay mụ Góa phụ chúng vo vo từng nửa đứa trẻ vo chúng thành những quả bóng nhỏ bóng màu xanh đêm màu đen. Và từng quả bóng nhỏ bay vào trời đêm giữa những bức tường lũ trẻ rú rít khi từng đứa một qua tay mụ Góa phụ.

Và trong một góc con Khỉ với tôi (tường màu xanh bóng tối màu đen) bò rúm bò ró tường cao rộng xanh lẫn với đen không có mái nhà và bàn tay mụ Góa phụ vươn ra từngđứamột bọn trẻ thét lên và ú ớ và những quả bóng và bàn tay la thét và ú ớ và từng vũng đen bắn tung tóe.

Giờ chỉ còn mụ và tôi không còn tiếng thét bàn tay mụ Góa phụ vươn ra lùa bắt lùa bắt da mụ xanh móng tay mụ đen xòe vào góc lùa bắt lùa bắt trong khi bọn tôi co rúm lại ở trong góc da bọn tôi màu xanh nỗi sợ màu đen và giờ Bàn Tay vươn tới vươn tới và nó em gái tôi đẩy tôi khỏi góc còn nó rúm ró ngó trân trân bàn tay móng tay cong cong la thét và ú ớ và màu đen bắn tung tóe và cao tít lên trời và mụ Góa phụ cười vang xé toang tôi đang vo thành những quả bóng bóng màu xanh và bay vào đêm đêm màu đen...

Hôm nay cơn sốt dứt. Suốt hai ngày (tôi nghe nói vậy) Padma ngồi thâu đêm bên tôi, đắp khăn lạnh lên trán tôi, ôm tôi qua từng cơn co giật và giấc mơ về bàn tay mụ Góa phụ; suốt hai ngày cô tự oán trách mình vì phương thuốc thảo dược vô danh của cô.

“Nhưng,” tôi trấn an cô, “lần này, không phải vì thế đâu.”

Tôi nhận ra cơn sốt này; nó xuất phát từ trong tôi chứ không phải đâu khác; giống như một mùi hôi, nó bốc ra qua những kẽ nứt của tôi. Tôi lên cơn sốt đúng như thế này vào ngày sinh nhật thứ mười, và nằm liệt giường hai ngày; giờ đây, khi ký ức bắt đầu rỉ khỏi tôi, cơn sốt cũ này đã trở lại.

“Đừng lo,” tôi nói, “tôi nhiễm thứ vi khuẩn này từ gần hai mươi mốt năm trước.”

Ở đây không chỉ có chúng tôi. Đang là buổi sáng tại nhà máy rau quả dầm; mọi người đã đưa con trai tôi đến thăm tôi. Ai đó (là ai không quan trọng) đứng cạnh Padma bên giường tôi, bế con tôi trên tay.

“Baba, ơn Chúa là anh đã khỏe, anh không hình dung nổi anh đã nói gì khi mê sảng đâu.”

Ai đó lo lắng cất lời, cố gắng chen chân vào câu chuyện của tôi trước thời điểm; nhưng không ăn thua... ai đó, chủ nhân sáng lập nhà máy rau quả dầm này, cũng như công việc phụ trợ của nó là đóng chai, người đã chăm sóc đứa con không ai hiểu được của tôi, như đã từng... khoan đã! Chỉ một chút nữa là người này đã dụ được tôi nói ra, nhưng may thay tôi hãy còn tỉnh táo, dù có sốt hay không! Ai đó sẽ phải lùi lại và tiếp tục ẩn danh chờ đến lượt; và thế nghĩa là phải đợi đến phút chót.

Tôi đưa mắt từ người đó sang Padma. “Chớ có nghĩ,” tôi quở trách cô, “rằng vì tôi sốt, mà những gì tôi kể không hoàn toàn chính xác. Mọi chuyện đã xảy ra đúng như tôi miêu tả.”

“Trời ơi, ông và những câu chuyện của ông,” cô kêu lên, “suốt ngày, suốt đêm – ông tự làm mình đổ ốm! Nghỉ đi một tí, nào, có chết ai đâu?”

Tôi mím môi lại đầy bướng bỉnh; và giờ cô, đột nhiên đổi giọng: “Nào, nói em nghe: ông có thích món gì không?”

“Chutney xanh,” tôi đòi, “Xanh non – xanh như châu chấu.” Và một người tôi không thể nhắc tên nhớ ra và bảo Padma, “Ta hiểu ý nó rồi.”

... Tại sao, vào thời điểm quyết định này, khi đủ mọi thứ đang chờ để được tường thuật – khi quán café Pioneer đã ở rất gần, rồi sự kình địch giữa đầu gối và mũi nữa – tôi lại đưa một món gia vị vào cuộc đối thoại? (Tại sao tôi lại phí thời gian, của câu chuyện này, vào một món rau quả dầm quê mùa, trong khi tôi có thể miêu tả kỳ bầu cử năm 1957, khi cả Ấn Độ đang chờ đợi, hai mươi mốt năm về trước, đã bỏ phiếu?).

Bởi vì tôi đánh hơi; và nhận thấy, sau vẻ mặt lo âu của những người đến thăm, một làn hơi sặc mùi nguy hiểm. Tôi quyết tâm tự vệ; nhưng tôi cần sự trợ giúp của chutney…

Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa giới thiệu cho quý vị nhà máy lúc ban ngày. Đây là những gì chưa được miêu tả: qua lớp cửa kính xanh nhạt, phòng tôi trông ra một cầu treo bằng sắt rồi nhìn xuống tầng chế biến, nơi những vại đồng sôi lục bục, nơi những phụ nữ tay khỏe đứng trên bậc gỗ, khuấy những cái muôi cán dài qua làn hơi chua ngắt của dung dịch ngâm; trong khi (nhìn về phía kia, qua một ô cửa xanh nhạt trông ra thế giới) đường ray tỏa ánh sáng đục dưới nắng sớm, nối nhau cách quãng đều đặn ở trên là hàng cột tín hiệu rối bù của hệ thống điện khí hóa. Vào ban ngày, nữ thần neon màu xanh-và-nghệ của chúng tôi không nhảy múa bên trên cửa nhà máy; chúng tôi tắt nàng đi để tiết kiệm điện. Nhưng xe điện vẫn đang tiêu thụ năng lượng: từng đoàn tàu nội hạt màu vàng-và-nâu xình xịch chạy về phía Nam đến Ga Churchgate từ Dadar đến Borivli, từ Kurla và đường Bassein.

Hàng đàn ruồi người đậu dày thành từng lớp áo choàng quần trắng quanh tàu; và tôi không phủ nhận rằng, bên trong nhà máy, quý vị cũng có thể thấy ruồi. Nhưng để bù lại thì cũng có thạch sùng, nằm ngửa bất động trên trần nhà, má của chúng gợi nhớ đến bán đảo Kathiawar... cả các âm thanh cũng đang chờ được nghe thấy: tiếng vại rau quả dầm sôi sục, tiếng hò hát vang trời, tiếng chửi rủa thô tục, những câu đùa tục tĩu của đám phụ nữ tay lông lá; tiếng nhắc nhở thính mũi mỏng môi của đốc công; tiếng lanh canh lan khắp nơi của dây chuyền đóng chai nằm kế bên; và tiếng tàu hỏa rầm rập, và tiếng vo ve (không thường xuyên, song không tránh khỏi) của lũ ruồi... trong khi chutney màu xanh châu chấu đang được chiết từ vại ra, được đem lên trên một cái đĩa vừa được lau sạch, có những vạch màu nghệ và xanh ở viền, cùng với một đĩa bánh đầy tú hụ bánh trái từ cửa hàng Iran gần đó; trong khi những-gì-bây-giờ-đã-được-giới-thiệu diễn ra như thường lệ, và những gì bây-giờ-có-thể-nghe-thấy tràn ngập trong không khí (chưa kể những thứ có thể ngửi thấy), tôi, một mình trên giường, trong văn phòng, giật mình nhận ra rằng việc đi dã ngoại đang được đề xuất.

“... Khi anh khỏe hơn,” một người không thể nhắc tên đang nói, “một ngày ở Elephanta, sao lại không, làm một chuyến xuồng máy, trong động phù điêu đẹp tuyệt vời; hay là Bãi Juhu, đi bơi, uống nước dừa và xem đua lạc đà; thậm chí Aarey Milk Colony nữa!...”[1]

Và Padma, “Không khí trong lành, phải rồi, và cậu bé sẽ thích đi cùng bố.” Và người nọ, vỗ vỗ đầu con trai tôi: “Rồi, tất nhiên rồi, cả nhà ta sẽ đi. Đi Picnic; đi dã ngoại. Baba, như vậy sẽ tốt cho anh...

[1] Đây là những địa danh du lịch nổi tiếng ở Bombay. Elephanta là một hòn đảo ngoài khơi Bombay, có một hệ thống các hang động được điêu khắc công phu trong giai đoạn từ thế kỷ 5 đến 8.

Khi chutney vào, do người hầu bưng, tới phòng tôi, tôi vội vàng đặt dấu chấm hết cho những đề xuất ấy.

“Không,” tôi từ chối. “Tôi còn phải làm việc.”

Và tôi thấy ánh mắt trao đổi giữa Padma và người kia; và tôi hiểu mình đã nghi ngờ đúng. Bởi vì tôi đã từng bị lừa đi dã ngoại một lần rồi! Đã một lần, những nụ cười và gợi ý giả tạo về Aarey Milk Colony đã đánh lừa tôi ra khỏi nhà và leo lên một chiếc xe. Và rồi đột nhiên có những bàn tay tóm lấy tôi, có những hành lang bệnh viện và bác sĩ và y tá giữ chặt tôi trong khi một chiếc mặt nạ ụp thuốc tê xuống mũi tôi và một giọng nói vang lên, Đếm đi, đếm đến mười...

Tôi biết họ đang mưu tính gì. “Nghe này,” tôi nói, “tôi không cần bác sĩ.”

Và Padma, “ Bác sĩ? Ai bảo cần b...” Nhưng cô chẳng lừa được ai hết; và tôi mỉm cười nói, “Nào, cả nhà, ăn chutney đi. Tôi có vài chuyện quan trọng muốn kể cho mọi người.”

Và trong khi chutney – chính thứ chutney mà, hồi năm 1957, người ayah Mary Pereira của tôi đã làm thật tuyệt hảo; thứ chutney màu xanh châu chấu sẽ vĩnh viễn gắn liền với những ngày tháng ấy – đem họ quay lại thế giới quá khứ của tôi, trong khi chutney làm họ mềm môi và dễ tiếp nhận, tôi nói chuyện với họ, dịu dàng, đầy thuyết phục, và nhờ vào một hỗn hợp của gia vị và thuật hùng biện, giữ mình thoát khỏi bàn tay đám lang băm nguy hiểm.

Tôi bảo: “Con trai tôi sẽ hiểu. Tôi kể chuyện đời mình cho nó, cũng là cho mọi sinh linh khác, cốt để sau này, khi tôi đã bại trong cuộc chiến với những vết nứt, nó sẽ biết. Đạo đức, nhận định, tính cách... tất cả đều bắt đầu với ký ức... và tôi đang sao lưu.”

Chutney xanh trên pakora cay, trôi xuống dạ dày ai đó; màu xanh châu chấu trên chapati nhạt, biến mất sau đôi môi Padma. Tôi thấy họ yếu dần, bèn ép tới. “Tôi chỉ kể sự thật,” tôi nói lại lần nữa. “Sự thật của ký ức, bởi vì ký ức có sự thật riêng của nó. Nó lựa chọn, xóa bỏ, sửa đổi, phóng đại, giảm thiểu, tôn vinh, và bôi nhọ nữa; nhưng cuối cũng nó tại ra hiện thực của riêng nó, một phiên bản đa dạng nhưng thường khá nhất quán của các sự kiện; và không một người tỉnh táo nào lại tin phiên bản của người khác hơn của chính mình.”

Phải: tôi nói “tỉnh táo”. Tôi biết họ nghĩ gì: “Nhiều đứa trẻ chế ra bạn bè tưởng tượng; nhưng một ngàn lẻ một đứa! Thế thì điên quá!” Những đứa trẻ nửa đêm đã lay chuyển niềm tin của Padma đối với câu chuyện của tôi; nhưng tôi đã đưa cô về nẻo chính, và giờ không ai nhắc đến chuyện dã ngoại nữa.

Tôi đã thuyết phục họ ra sao: bằng cách nói về con trai tôi, người cần phải biết câu chuyện của tôi; bằng cách giải thích quá trình vận động của ký ức; và bằng các phương tiện khác, cái thành thật đến ngây thơ, cái ranh ma như chồn cáo.

“Ngay cả Muhammad,” tôi nói, “lúc đầu cũng cho rằng mình bị điên: hai người tưởng ý nghĩ ấy chưa từng nảy ra trong óc tôi? Nhưng Đấng Tiên tri có Khadija, có Abu-Bakr để bảo chứng cho ông về sự chân thực của Tiếng gọi; không ai phản bội ông khiến ông vào tay lũ bác sĩ tâm thần.”

Lúc này, chutney xanh đã lấp đầy tâm trí họ những suy tưởng của nhiều năm về trước; tôi thấy khuôn mặt họ xuất hiện vẻ tội lỗi, và hổ thẹn.

“Sự thật là gì?” Tôi hỏi tu từ, “Thế nào là tỉnh trí? Liệu Jesus có sống dậy từ dưới mồ? Người Hindu có không thừa nhận – Padma – thế giới là một thứ giấc mơ; rằng Brahma đã mơ, và đang mơ thành vũ trụ; rằng chúng ta chỉ thấy lờ mờ qua lưới-mộng, nghĩa là Maya. Maya,”

Tôi lấy giọng giảng giải, cao đạo, “có thể được định nghĩa là tất cả những gì hư ảo; là lừa gạt, giả tạo và trá ngụy. Quỷ hồn, u linh, ảo tượng, xảo thuật, hình thái bề ngoài của sự vật: tất cả đều là thành phần của Maya. Nếu tôi nói có những chuyện xảy ra, những chuyện mà mọi người, lạc lối trong giấc mơ của Brahma, thấy khó tin, thì trong chúng ta ai đúng ai sai? Ăn chutney nữa đi,”

Tôi duyên dáng thêm, và tự mình lấy thêm kha khá. “Rất là ngon đấy.”

Padma bắt đầu khóc. “Em chưa bao giờ nói rằng em không tin,” cô sùi sụt. “Dĩ nhiên, ai cũng có cách kể chuyện của riêng mình; nhưng...”

“Nhưng,” tôi cắt ngang đầy quả quyết, “cô cũng muốn - phải không – biết điều gì sẽ xảy ra? Về những bàn tay nhảy múa mà không chạm, và đầu gối? Và sau đó, cây ba toong kỳ lạ của Trung tá Sabarmati, và dĩ nhiên về mụ Góa phụ? Và lũ trẻ - chúng sẽ ra sao?”

Và Padma gật đầu. Phát mệt với bác sĩ với viện tâm thần; mọi người đã để yên cho tôi viết (một mình, trừ có Padma dưới chân tôi). Chutney và tài hùng biện, thần học và sự tò mò: đây là những thứ đã giải cứu tôi. Còn một thứ nữa – gọi nó là giáo dục, hay đẳng cấp xuất thân; Mary Pereira hẳn sẽ bảo đó là nết “con nhà nòi”. Bằng cách phô trương học vấn và bằng sự thuần khiết trong khẩu ấm, tôi làm họ hổ thẹn tới chỗ cảm thấy không đủ tư cách phán xét tôi; một hành động không đàng hoàng cho lắm, nhưng khi xe cấp cứu đang phục sau góc phố, thì cách nào cũng hợp lệ. (Nó ở đấy thật: tôi ngửi thấy.) Gì thì gì, tôi đã có một lời cảnh báo quý giá. Cố gắng áp đặt cách nhìn sự vật của mình lên người khác là một điều nguy hiểm.

Padma: nếu cô có chút nghi ngờ độ khả tín của tôi, ờ, nghi ngờ đôi chút không có gì sai. Đàn ông ngạo mạn thường mắc những sai lầm ghê gớm. Đàn bà cũng vậy.

Trong khi đó, tôi mười tuổi, và đang tìm cách trốn vào cốp xe của mẹ tôi.

Đó chính là tháng khi Purushottam vị sadhu (người tôi chưa hề thổ lộ về cuộc sống bên trong của tôi) cuối cùng đã tuyệt vọng về sự tồn tại bất động của mình, và mắc chứng nấc trí mạng đã hành hạ ông cả một năm, thường xuyên giật người ông lên khỏi mặt đất mấy tấc làm cái đầu nước xói trọc lốc của ông đập một cách đáng ngại vào cái vòi nước, và cuối cùng giết chết ông, khiến một tối nọ vào giờ cocktail, ông gục sang một bên khi chân vẫn xếp bằng tròn, bỏ lại đám mụn cóc của mẹ tôi vô phương cứu chữa.

Khi tôi thường đứng ngoài vườn của Biệt thự Buckingham về tối, ngắm từng vệ tinh Sputnik bay ngang trời, và cảm thấy vừa hoan hỉ vừa cô đơn như Laika bé bỏng, con chó đầu tiên và vẫn là duy nhất được phóng vào vũ trụ (nữ nam tước Simki von der Heiden, sắp mắc chứng giang mai, đứng cạnh tôi, dõi theo đốm sáng của Sputnik II bằng đôi mắt Alasce – đó là một thời kỳ loài chó đặc biệt quan tâm tới cuộc đua vào không gian)

Khi Evie Burns và băng của nàng chiếm cứ tháp đồng hồ của tôi, còn tủ giặt đã bị cấm và trở nên quá nhỏ, thế nên để đảm bảo bí mật và tỉnh táo, tôi buộc phải giới hạn việc viếng thăm bọn trẻ nửa đêm vào thời điểm riêng tư, lặng lẽ của riêng chúng tôi – tôi giao tiếp với chúng mỗi nửa đêm và chỉ vào nửa đêm, múi giờ dành riêng cho những điều kỳ diệu, và vì lý do nào đấy nằm ngoài thời gian; và khi – để đi vào vấn đề - tôi đã quyết tâm chứng minh, bằng cách tai nghe mắt thấy, điều khủng khiếp tôi thoáng thấy khi ngồi đằng trước trong tâm trí mẹ tôi.

Kể từ khi tôi trốn trong tủ giặt và nghe được hai âm tiết tai tiếng này, tôi đã nghi ngờ người mẹ đầy bí mật của mình; những lần đột nhập dòng suy nghĩ của bà đã khẳng định những nghi ngờ ấy; vậy là với một ánh mắt kiêng định, và một quyết tâm sắt đá, tôi viếng thăm Sonny Ibrahim vào một buổi chiều sau giờ học, với một ý định cầu viện sự giúp đỡ của nó.

Tôi tìm thấy Sonny trong phòng nó, tứ bề treo đầy poster võ sĩ đấu bò Tây Ban Nha, đương rầu rĩ chơi Cricket Trong Nhà một mình. Thấy tôi, nó buồn bã thốt lên, “Ê mày tao rất xin lỗi về vụ Evie con nhỏ không chịu nghe ai cả mà rốt cuộc mày làm cái quái gì nó thể hở?”... Nhưng tôi oai vệ giơ một tay lên, ra lệnh và nhận được sự im lặng.

“Bây giờ không phải lúc,” tôi nói. “Vấn đề là, tao cần biết cách mở khóa không cần chìa.”

Một sự thật về Sonny Ibrahim: bất chấp mọi giấc mơ võ sĩ đấu bò, thiên tài của nó nằm ở vương quốc của đồ cơ khí. Lâu nay, nó đảm nhiệm việc bảo dưỡng tất cả xe đạp ở Điền trang Methwold đổi lấy truyện tranh và nguồn cung cấp nước ngọt có ga miễn phí. Ngay cả Evelyn Lilith Burns cũng gửi gắm chiếc Indiabike yêu quý cho nó chăm sóc. Dường như mọi thứ máy móc đều bị chinh phục bởi niềm hoan hỉ hồn nhiên của nó khi nâng niu mỗi bộ phận chuyển động của chúng; không thiết bị nào cưỡng nổi sự săn sóc của nó. Nói cách khác: Sonny Ibrahim đã trở thành (thuần túy bắt nguồn từ khát khao khám phá) một tay mở khóa thiện nghệ.

Giờ đây khi có cơ hội chứng tỏ lòng trung thành với tôi, mắt nó sang lên. “Mày cứ để đấy tao! Dẫn tao đến đó!”

Khi chắc chắn không bị ai chú ý, bọn tôi bò dọc lối đi giữa Biệt thự Buckingham và Sans Souci của nhà Sonny; bọn tôi đứng sau chiếc Rover cũ của nhà tôi; và tôi trỏ cái cốp xe.

“Đây này,” tôi bảo, “tao cần mở được từ bên ngoài, và cả bên trong nữa.”

Mắt Sonny mở to. “Ê, mày đang mưu tính gì thế? Định bí mật bỏ nhà ra đi hả?

Để ngón tay lên môi, tôi làm bộ bí hiểm. “Không nói được, Sonny,” tôi nghiêm trang đáp, “thông tin tuyệt đối bí mật.”

“Trời ơi,” Sonny nói, và trong ba mươi giây nó chỉ cho tôi cách mở cốp xe bằng một mẩu nhựa mảnh màu hồng.

“Mày giữ lấy,” Sonny Ibrahim bảo, “Mày cần nó hơn tao.”

Ngày xửa ngày xưa có một bà mẹ, người, để có thể làm mẹ, đã đồng ý đổi tên; người đã đề ra cho mình nhiệm vụ phải sinh lòng yêu chồng từng chút một, nhưng lại không thể yêu được một bộ phận, cái bộ phận, lạ lùng thay, lại biến giấc mơ làm mẹ của bà thành có thể; người có đôi chân tập tễnh vì mụn cóc và đôi vai oằn xuống dưới chất chồng tội lỗi của thế gian; người có đức ông chồng mà cái bộ phận không thể yêu được đã không thể hồi phục sau tác động của một vụ đóng băng; và người, cũng như chồng mình, cuối cùng đã bị sự bí hiểm của điện thoại cám dỗ, dành thời gian nghe lời những người gọi nhầm số... Không lâu sau sinh nhật thứ mười của tôi (khi tôi đã hồi phục sau cơn sốt vừa quay về hành hạ tôi sau gần hai mươi mốt năm cách quãng), mới đây Amina Sinai nối lại thói quen là đột nhiên lên đường, và luôn ngay sau một cuộc gọi nhầm, thực hiện những cuộc mua sắm khẩn cấp.

Nhưng giờ, trốn trong cốp chiếc Rover, đồng hành cùng bà là một tên lậu vé, nằm trốn trong và được sự che chở của mấy tấm nệm ăn cắp, tay nắm chặt một mẩu nhựa mảnh màu hồng. Chao ôi, những vất vả ta phải chịu đựng nhân danh đạo lý! Những va đập và bầm tím! Những hít thở bầu không-khí-cốp-xe ốp cao su qua hàm răng lập cập! Và thường trực, nỗi sợ bị phát hiện...

“Nhỡ mẹ đi mua sắm thật thì sao? Nhỡ tự nhiên cốp xe bật mở? Nhỡ lũ gà sống bị tống vào, chân bị trói, cánh bị nẹp, một lũ gà cánh đập phành phạch mỏ mổ túi bụi xâm nhập nơi ẩn náu của tôi? Nhỡ bà thấy tôi, lạy Chúa, tôi sẽ phải im lặng một tuần liền!”

Đầu gối tôi co lại dưới cằm – được bảo vệ khỏi va vào gối bằng một mảnh nệm cũ sờn – tôi lên đường đến nơi chưa biết trong cỗ xe của sự bất chính mang tên người mẹ. Mẹ tôi lái xe rất cẩn thận; bà đi chậm, kỹ lưỡng ở từng cú rẽ; nhưng cuối cùng tôi vẫn thâm tím đầy người và bị Mary Pereira rầy la ra trò vì tội gây sự đánh nhau.

“Lạy Chúa lòng lành nhờ giời nên chúng nó mới không giã cậu nát thành từng mảnh Chúa ở rồi ra lớn lên cậu sẽ thành thứ gì không biết hả đồ da đen hư đốn đồ haddi-phaelwan[2] đồ đô vật da bọc xương!”

[2] Tiếng Hindi, cũng có nghĩa là đô vật da bọc xương; haddi nghĩa là gầy guộc.

Để tạm quên đi bóng tối rung xóc, tôi thâm nhập vào, với sự thận trọng tối đa, phần tâm trí đảm nhiệm việc lái xe của mẹ tôi, và nhờ vậy có thể nắm được lộ trình chuyến đi. (Và cũng phát hiện, trong tâm trí thường ngày ngăn nắp của mẹ tôi, một mức độ xáo trộn đáng báo động. Từ hồi ấy, tôi đã bắt đầu phân loại mọi người theo mức độ ngăn nắp bên trong, và nhận ra mình thích típ người bừa bãi hơn, những người mà suy nghĩ, vốn không ngừng tràn sang nhau khiến những hình ảnh mong ngóng đồ ăn chen vào những toan tính nghiêm túc để kiếm sống còn những huyễn tưởng tình dục in hằn lên những suy tư chính trị, có mối liên hệ gần gũi với bộ não ngổn ngang trăm thứ bà rằn của tôi, nơi mọi thứ đụng đầu nhau, và điểm trắng của ý thức nhảy tứ tung như một con bọ chét hết thứ này sang thứ khác... Amina Sinai, người mà bản năng sắp xếp cần mẫn đã ban cho một trí não ngăn nắp đến gần như bất thường, là một ca tuyển mộ kỳ lạ vào hàng ngũ của sự hỗn loạn.)

Chúng tôi đi về phía Bắc, qua bệnh viện Breach Candy và đền Mahalaxmi, về phía Bắc dọc theo Horaby Vellard, qua sân vận động Vallabhbhai Petel và đảo lăng Haji Ali, phía Bắc của nơi từng là (trước khi giấc mơ của William Methwold đầu tiên thành hiện thực) đảo Bombay. Chúng tôi đang hướng tới quần thể vô danh những chung cư và làng chài và xưởng dệt và studio phim mà thành phố này chuyển hóa thành ở vùng phía Bắc (không xa đây đâu! Không hề xa nơi tôi ngồi và thấy các đoàn tàu địa phương!)... một khu vực mà, hồi đó, hoàn toàn xa lạ với tôi; tôi nhanh chóng bị mất phương hướng và buộc phải tự thừa nhận mình đã bị lạc.

Rốt cuộc, đến cuối một con đường nhánh đầy người-ngủ-trong-ống-cống và tiệm sửa xe và người lớn và trẻ con nhếch nhác, chúng tôi dừng lại. Một lũ trẻ con bu lấy mẹ tôi khi bà bước xuống; bà, người không nỡ xua một con ruồi, phân phát những đồng xu nhỏ, vì vậy càng khiến đám đông phình ra ghê gớm.

Cuối cùng, bà cũng vùng vẫy thoát ra được và đi về cuối phố; một thằng bé nài nỉ “Nau se đi, Begum? Nau se số một hạng nhất đây, Begum? Con trông xe đến khi bà về, Begum? Con trông xe chuẩn lắm, bà hỏi mà xem!”... kinh hãi, tôi chờ đợi bà trả lời.

Làm sao tôi chui từ cốp xe ra được dưới mắt thằng nhãi trông xe này? Nó phiền toái đã đành; và hơn nữa, việc tôi chui ra sẽ gây chú ý trên phố... mẹ tôi đáp, “Không.” Bà biến mất ở cuối đường; thằng nhãi lau và trông xe hụt sau cùng cũng bỏ cuộc; có một khoảnh khắc khi mọi con mắt đều đổ dồn vào một chiếc xe thứ hai chạy qua, vì ngộ nhỡ nó cũng đỗ lại và thả xuống một quý bà cho tiền xu như cho lạc; và vào thời điểm đó (tôi đã quan sát từ vài cặp mắt để chọn thời điểm thích hợp) tôi thi triển tuyệt chiêu với mảnh nhựa hồng và trong nháy mắt đã đứng trên đường cạnh cốp xe đóng kín. Mím chặt môi đầy cương quyết, phớt lờ mọi bàn tay chìa ra, tôi cất bước theo hướng mẹ tôi vừa đi, một gã thám tử tí hin với cái mũi chó săn và một cái trống gõ vang rền ở nơi đáng lẽ là trái tim tôi... và tới trước cửa, vài phút sau đó, và quán Café Pioneer.

Kính bẩn ở cửa sổ; kính bẩn trên bàn – Pioneer Café chả là gì nếu so sánh với những Gaylord hay Kwality ở phần huy hoàng hơn của thành phố; một cơ ngơi thật sự lúi xùi, với dăm tấm biển sơn quảng cáo LASSI LUNG LING và FALOODA PHI PHÀM và BHELPURY ĐÚNG CHẤT BOMBAY, với nhạc phim phát ra từ chiếc đài rẻ tiền đặt bên quầy thu ngân, một gian phòng dài hẹp xanh xao trong ánh đèn tuýp lập lòe, một thế giới cấm kỵ nơi những gã đàn ông răng sứt ngồi quanh mấy chiếc bàn bọc vải giả da với bộ bài nhàu nát và ánh mắt vô cảm. Nhưng bất chấp tất cả vẻ hoang tàn ảm đạm ấy, Pioneer Café là nơi ký gửi rất nhiều mộng ước.

Hằng sáng, nơi này sẽ đầy rẫy những kẻ vô công rồi nghề đẹp mã nhất thành phố, mọi gã du côn và tài xế taxi và buôn lậu mạt hạng và mách nước đua ngựa, những kẻ đã từng, đã lâu rồi, đến thành phố này với giấc mơ về ngôi sao điện ảnh, về những ngôi nhà thiếu thẩm mỹ đến dị dạng và những khoản thu nhập trốn thuế; vì cứ sáu giờ sáng, các studio lớn sẽ cử mấy gã chạy vặt đến Pioneer Café để lùa diễn viên quần chúng cho buổi quay ngày hôm đó.

Trong vòng nửa giờ mỗi sáng, khi D.W. Ram Studio và Filmistan Talkies và R.E. Films tuyển người, Pioneer là nơi hội tụ mọi tham vọng và ước mơ của thành phố; sau đó đám tuyển trạch viên rút đi, dẫn theo những kẻ may mắn của ngày hôm đó, và quán cà phê vắng dần về trạng thái trì trệ quen thuộc với ánh đèn tuýp. Vào giờ ăn trưa, một nhóm giấc mơ khác đặt chân đến quán, để dành cả chiều vùi đầu quanh cỗ bài và Lassi Lung Linh và biri[3] nặng – những con người khác với những niềm hy vọng khác: khi đó tôi chưa rõ nhưng buổi chiều Pioneer có tiếng là nơi lui tới của đảng Cộng sản.

Khi đó là buổi chiều, tôi nhìn thấy mẹ tôi vào Pioneer Café; không dám đi theo bà, tôi đứng ngoài đường, gí mũi vào một góc cửa kính nhem nhuốc phủ mạng nhện; mặc kệ mọi ánh mắt soi mói – vì bộ đồ trắng của tôi, dù bị cốp xe vấy bẩn, vẫn được hồ cứng; tóc tôi, dù bị cốp xe làm rối, vẫn được xức dầu kỹ lưỡng; giày tôi, dù bị trầy xước, vẫn là đôi giày đế kếp của con nhà giàu – tôi dõi theo bà khi bà ngập ngừng và tập tễnh vì mụn cóc đi qua dãy bàn ọp ẹp và đám đàn ông rắn mắt; tôi thấy bà ngồi xuống một chiếc bàn khuất bóng ở cuối căn phòng hẹp; thế rồi tôi thấy người đàn ông đứng dậy để đón bà.

[3] Một loại thuốc lá rẻ tiền ở Ấn Độ.

Da mặt gã thõng thành nếp, cho thấy một thời gã từng thừa cân; răng gã ố xỉn vì ăn trầu. Gã mặc một tấm kurta trắng sạch thùa khuyết kiểu Lucknow[4]. Gã có mái tóc dài, dài kiểu thi sĩ, rủ qua tai; nhưng trên đỉnh đầu lại hói bóng. Hai âm tiết kỵ vang vọng bên tai tôi: Na. Dir. Nadir. Tôi nhận ra mình ao ước trong tuyệt vọng rằng tôi chưa từng quyết tâm đến đây.

[4] Một kiểu thêu xuất xứ từ Lucknow, thủ phủ bang Uttar Pradesh, Đông Bắc Ấn Độ.

Ngày xửa ngày xưa có một người chồng trong lòng đất đã bỏ đi để lại lời nhắn ly dị đầy yêu thương; một thi sĩ của những bài thơ không có cả vần, mạng sống do chó hoang cứu thoát. Sau một thập niên thất lạc gã bỗng từ dưới đất chui lên, bộ da lõng thõng như tưởng nhớ một thời tròn trịa; và, như người vợ năm xưa, gã có một cái tên mới... Nadir Khan nay là Qasim Khan, ứng viên chính thức của đảng Cộng sản chính thức của Ấn Độ. Lal Qasim. Qasim Đỏ.

Không có gì là vô tình hết: không phải tự nhiên ngượng có màu đỏ. Chú Hanif tôi đã nói, “Coi chừng dân Cộng sản!” và mẹ tôi đỏ bừng mặt; chính trị và tình cảm hội tụ trên má bà... qua màn ảnh bằng kính, bẩn thỉu, hình vuông của ô cửa sổ tại Pioneer Café, tôi xem Amina Sinai và kẻ không-còn-là Nadir đóng cảnh yêu đương; họ diễn xuất với sự vụng về của một diễn viên nghiệp dư đích thực.

Trên mặt bàn bọc vải giả da là một bao thuốc lá: State Express 555. Những con số cũng có ý nghĩa: 420, tên của bọn lừa đảo; 1001, con số của đêm, của phép thuật của những thực tại khác – một con số được thi nhân ưa thích và bị chính trị gia căm ghét, đối với họ mọi phiên bản khác của thế giới đều là mối đe dọa; và 555, mà suốt nhiều năm tôi nghĩ là con số tà ác nhất, mật mã của Quỷ, của Ma vương, của chính Shaitan!

(Cyrus-Đại-đế bảo tôi thế, và tôi không hề nghĩ đến khả năng nó nhầm lẫn. Nhưng nó nhầm thật: con số ma quỷ thực sự không phải 555, mà là 666: thế nhưng trong đầu tôi, một làn hắc khí vẫn tỏa ra từ ba số năm cho đến ngày nay)

... Nhưng tôi lạc đề mất rồi. Chỉ cần nói nhãn hiệu ưa thích của Nadir-Qasim là loại State Express nói trên; rằng con số năm được lặp lại ba lần trên bao; và rằng nhà sản xuất của nó là W.D.& H.O. Wills. Không thể nhìn thấy mặt mẹ tôi, tôi tập trung vào bao thuốc lá, cắt cảnh từ góc máy hai người sang quay cực cận gói nicotine này.

Nhưng giờ những bàn tay tiến vào khuôn hình – đầu tiên là tay Nadir-Qasim, vẻ mềm mại thi sĩ đã ít nhiều chai cứng; đôi tay run rẩy như ánh nến bò ngang mặt vải giả da, rồi rụt lại. Rồi một đôi tay đàn bà, đen như mun, nhích về phía trước như những con nhện duyên dáng; tay nhấc lên, khỏi mặt bàn giả da, tay lơ lửng trên ba số năm, bắt đầu vũ điệu kỳ lạ nhất, nhô lên, hạ xuống, xoay tròn quanh nhau, quấn quýt bện xoắn lấy nhau, những bàn tay khát khao đụng chạm, những bàn tay vươn dài căng cứng run rẩy đòi hỏi được vậy – nhưng rốt cuộc luôn luôn rụt lại, đầu ngón tay né tránh đầu ngón tay.

Bởi vì điều tôi đang chứng kiến trên màn kính lem luốc, nói cho cùng, là một bộ phim Ấn Độ, nơi tiếp xúc da thịt là cấm lỵ vì lo ngại nó sẽ làm hoen ố các mầm non thế hệ trẻ Ấn Độ; và dưới gầm bàn là những bàn chân và ở trên là hai khuôn mặt; chân tiến về phía chân, mặt nhẹ nhàng ngả về phía mặt, nhưng đều đột ngột khựng lại trong một nhát cắt kiểm duyệt tàn nhẫn... hai kẻ xa lạ, mỗi người mang một cái tên-màn-bạc không phải tên khai sinh của họ, diễn hai vai diễn nửa miễn cưỡng. Tôi bỏ đi trước khi bộ phim kết thúc, chuồn trở vào cốp chiếc Rover chẳng ai lau chẳng ai trông, vừa ước gì mình đã không đi xem, vừa không thể cưỡng lại ham muốn xem lại từ đầu lần nữa.

Điều cuối cùng tôi nhìn thấy: tay mẹ tôi nhấc ly Lassi Lung Linh còn phân nửa lên; môi mẹ tôi khẽ khàng và hoài nhớ chạm vào chiếc cốc đốm hoa; tay mẹ tôi chìa chiếc cốc cho Nadir-Qasim của bà; gã cũng đặt, lên bên kia cốc nước, đôi môi thi sĩ của gã. Vậy là đời đã bắt chước thứ nghệ thuật xấu xa, và chị của cậu Hanif tôi đã mang vẻ gợi dục của nụ hôn gián tiếp vào không gian u ám màu xanh đèn tuýp của Pioneer Café.

Tóm lại: vào đỉnh hè 1957, ở cao điểm của chiến dịch tranh cử, Amina Sinai đỏ mặt một cách khó hiểu khi có người tình cờ đề cập đến đảng Cộng sản Ấn Độ. Con trai bà – trong mớ suy nghĩ hỗn loạn vẫn còn chỗ cho một nỗi ám ảnh nữa, bởi vì một bộ óc mười tuổi dư sức dung nạp mọi ám ảnh – bám theo bà tới phía Bắc thành phố, và theo dõi một cảnh phim chất chứa nỗi đau của tình yêu bất lực.

(Giờ đây khi Ahmed Sinai đã bị đóng băng, Nadir-Qasim không còn ở thể bất lợi về tình dục; giằng xé giữa một người chồng nhốt mình trong phòng và nguyền rủa chó, với một người chồng cũ từng, trong yêu thương, từng chơi phụt-ống-nhổ, Amina Sinai chỉ còn biết hôn-cốc và múa-tay.)

Câu hỏi: tôi có bao giờ, sau lần đó, cầu viện tới sự phục vụ của mảnh nhựa hồng? Tôi có bao giờ trở lại quán cà phê của diễn viên phụ và phe Marxist? Tôi có bao giờ chất vấn mẹ tôi về bản chất ghê tởm của hành vi của bà – vì có người mẹ nào lại có lý do gì để - mặc kệ mấy chuyện ngày-xửa-ngày-xưa – trước sự chứng kiến của đứa con trai duy nhất, sao bà có thể sao bà có thể sao bà có thể? Trả lời: tôi không có; tôi không có; tôi không có.

Việc tôi làm: khi bà đi “mua sắm”, tôi tạm trú trong tâm trí bà. Không còn hăm hở tận mắt mình thu thập chứng cứ, tôi ngự trong đầu mẹ tôi, ngược lên phía Bắc thành phố; trong cuộc hành vi khó ai ngờ này, tôi ngồi ở Pioneer Café lắng nghe những cuộc đối thoại về triển vọng thắng cử của Qasim Đỏ; thoát xác nhưng hoàn toàn hiện hữu, tôi theo sát mẹ tôi khi bà tháp tùng Qasim trên đường vận động, ngược xuôi những chung cư trong quận (có phải đây chính là những dãy nhà cha tôi mới bán đi, phó mặc khách trọ của ông cho số phận?), khi bà hỗ trợ gã tìm người sửa vòi nước và vật nài chủ nhà tiến hành sửa chữa và tẩy uế.

Amina Sinai dấn bước giữa những kẻ khốn cùng thay mặt cho đảng Cộng sản – một sự thật chưa bao giờ thôi làm bà kinh ngạc. Có lẽ bà làm vậy vì cuộc sống của chính bà ngày một nghèo đi; nhưng ở tuổi lên mười tôi không sẵn sàng cho sự cảm thông; và theo cách của riêng mình, tôi bắt đầu mơ những giấc mơ báo thù.

Người ta kể rằng vị Caliph huyền thoại, Haroun al-Rashid, rất thích đi vi hành trong dân chúng thành Baghdad; tôi, Saleem Sinai, cũng đã bí mật chu du khắp ngõ ngách thành phố của tôi, nhưng khó mà nói rằng tôi thích thú. Miêu tả chân xác cái thất thường và kỳ quái, và mặt đối lập của chúng, nghĩa là các phiên bản được kịch tính hóa, cách điệu của cuộc sống thường ngày – những kỹ năng này, đồng thời cũng là thái độ tư duy, tôi đã nhảy – hoặc có thể đã hấp thu – từ nhân vật bá đạo nhất trong lũ trẻ nửa đêm, kình địch của tôi, đứa trẻ bị đánh tráo cùng tôi, đứa con danh nghĩa của Wee Willie Winkie: Shiva-đầu-gối-bự.

Đó là những kỹ năng, đối với hắn, được vận dụng một cách hoàn toàn vô thức, và hệ quả của nó là tạo ra một bức tranh thế giới với độ nhất quán đáng kinh ngạc, trong đó người ta có thể thuận miệng đề cập, một cách tùy tiện, tới những vụ sát hại gái điếm độ ấy bắt đầu nhan nhản trên báo-chí-vỉa-hè (còn xác chết nhan nhản trên vỉa hè), trong khi tiếp tục mải mê đắm đuối với từng chi tiết phức tạp của một nước bài nhất định. Cái chết, và thua bài đối với Shiva đều như nhau; dẫn đến sự hung bạo lạnh lùng, đáng sợ của hắn, mà cuối cùng... nhưng, để bắt đầu bằng những sự khởi đầu:

Mặc dù, phải thừa nhận, đó là lỗi của tôi, tôi vẫn phải nói rằng nếu tôi chỉ là một cái đài phát thanh, quý vị mới nắm được phân nửa sự thật. Thường suy nghĩ có tính ngôn từ bao nhiêu thì cũng có tính hình ảnh hoặc thuần túy biểu tượng bấy nhiêu; và dẫu sao, để giao tiếp được với, và để hiểu, các đồng nghiệp của tôi tại Hội nghị Những đứa trẻ Nửa đêm, tôi cần mau chóng vượt qua giai đoạn ngôn từ.

Xuất hiện trong những tâm trí đa dạng bất tận của chúng, tôi buộc phải chui xuống dưới lớp vỏ ngoài của những suy nghĩ bề nổi bằng đủ thứ tiếng không ai hiểu nổi, với hệ quả tất yếu (và được phô bày từ trước) là chúng sẽ nhận biết sự có mặt của tôi. Nhớ đến tác động sâu sắc của sự nhận biết ấy ở Evie Burns, tôi đã phải trải qua khá nhiều gian khổ hòng giảm nhẹ cú sốc mà sự xuất hiện của tôi gây ra.

Với mọi trường hợp, tín hiệu tiêu chuẩn đầu tiên tôi phát đi là hình ảnh gương mặt tôi, với một nụ cười mà tôi tin là điềm đạm, thân thiện, tự tin và có phong thái lãnh đạo, và một bàn tay chìa ra của tình bằng hữu. Tuy vậy, sự khởi đầu đã có nhiều va vấp. Phải mất ít lâu, tôi mới nhận ra rằng hình ảnh của tôi bị chính mặc cảm ngoại hình của tôi bóp méo nghiêm trọng; bởi thế nên bức chân dung tôi gửi đi qua sóng-ý-thức trên toàn quốc, toét miệng cười như con mèo Cheshire, là một bức chân dung gớm guốc hết mức có thể, phô bày một cái mũi bị phóng đại kỳ khôi, một cái cằm hoàn toàn không tồn tại và hai vết nhọ khổng lồ hai bên thái dương. Không có gì ngạc nhiên khi tôi thường bị chào đón bằng những tiếng rú giật mình kinh hãi.

Bản thân tôi cũng từng bị chân dung tự họa của đám bạn mười tuổi này làm cho hoảng sợ như thế. Khi hiểu ra vấn đề, tôi khuyến khích các thành viên của Hội nghị, từng người một, nhìn vào gương, hoặc một vũng nước lặng; và nhờ đó chúng tôi tìm ra được ngoại hình thực của nhau. Rắc rối duy nhất là thành viên từ Kerala (người có thể đi xuyên gương, chắc quý vị còn nhớ) lại vô ý chui ra từ tấm gương ở một nhà hàng tại khu thượng lưu ở New Delhi, và phải vội vã rút lui; còn thành viên mắt xanh đến từ Kashmir thì ngã xuống hồ và vô tình hoán đổi giới tính, rơi xuống thì là con gái còn nhô lên lại thành một cậu bé xinh trai.

Khi tôi lần đầu giới thiệu bản thân với Shiva, tôi thấy trong tâm trí gã hình ảnh được chứng thực của một thằng bé lùn, mặt chuột, răng mòn vẹt và cặp đầu gối lớn nhất thế gian.

Đối diện với một bức tranh hình thù quái dị đến thế, tôi tự cho phép nụ cười trong bức chân dung tôi phát đi hé lộ một chút khinh miệt; bàn tay tôi chìa ra bắt đầu lẩy bẩy và co giật. Còn Shiva, cảm nhận được sự có mặt của tôi, ban đầu phản ứng cực kỳ hung bạo; những con sóng sục sôi thịnh nộ làm bỏng ở trong đầu tôi.

Nhưng rồi, “Ê, này, tao biết mày! Mày là thằng nhà giàu ở Điền trang Methwold, phải không?”

Và tôi, cũng ngạc nhiên không kém, “Con trai Winkle – người làm thằng Mắt Chẻ bị chột!”

Hình ảnh của hắn phổng lên kiêu hãnh. “Phải, phải, tao đấy. Không đứa nào dám trêu vào tao!”

Việc nhận ra nhau làm tôi đâm khuôn sáo: “Ờ! Bố mày thế nào? Dạo này không thấy ông ấy...”

Và ở hắn, có gì rất gần sự nhẹ nhõm: “Ông ấy à? Bố tao chết rồi.”

Im lặng trong giây lát; rồi băn khoăn – không tức giận nữa, rồi Shiva, “Êu, nghe này, trò này oách phết – mày làm thế nào hả?”

Tôi bắt đầu màn giải thích quen thuộc, nhưng được một tí hắn đã ngắt lời, “Ờ! Nghe nầy, ông già bảo tao cũng ra đời vào đúng nửa đêm – mày hiểu không, thế tức là tao với mày là đồng thủ lĩnh cái hội của mày! Nửa đêm là nhất, hả? Thế - bọn nó sẽ phải nghe theo tụi mình sai bảo!”

Trước mắt tôi hiện ra hình ảnh một Evelyn Lilith Burns thứ hai, và quyền uy hơn... gạt bỏ ý tưởng nhẫn tâm này, tôi giải thích, “Đó không là ý tưởng chính xác của tao khi lập ra Hội nghị; tao mường tượng ra một, mày biết đấy, một kiểu liên đoàn các cá nhân bình đẳng thì đúng hơn, mọi quan điểm đều được tự do bày tỏ.” Có gì như một tiếng khịt dữ dằn vang vọng giữa những bức tường của đầu tôi.

“Cái đấy, ông bạn ạ, chỉ là rác rưởi. Ta làm được gì với một băng như thế? Đã làm băng thì phải có trùm. Mày nhìn tao đây” – (lại phổng lên đầy kiêu hãnh) “tao cai quản một băng trên Mantunga này được hai năm rồi. Từ hồi tao lên tám. Lớn bé đủ cả. Mày thấy sao hả?”

Và tôi, một cách không chủ đích, “Nó làm gì, băng của mày ấy – nó có nội quy các thứ không?”

Tiếng cười của Shiva bên tai tôi... “Khà, thằng công tử bột: có một thôi. Tất cả nghe lời tao, không là tao lấy đầu gối kẹp tụi nó phọt cứt ra!”

Tuyệt vọng, tôi tiếp tục cố gắng thuyết phục Shiva tán thành quan điểm của tôi: “Vấn đề là, bọn mình tồn tại hẳn phải vì một mục đích nào đó, đúng không? Ý tao là, phải có một lý do, đồng ý chứ? Cho nên tao nghĩ rằng, chúng ta nên cố gắng tìm hiểu xem đó là gì, để rồi, mày biết đấy, kiểu như cống hiến đời mình cho...”

“Đồ nhà giàu,” Shiva hét, “mày đếch biết gì sất! Mục đích gì, hả? Cả cái thế giới thối nát này làm đếch gì có lý do, hử? Lý do gì mà mày thì giàu còn tao thì nghèo? Chết đói thì có lý do gì, hả? Có Chúa mới biết có bao nhiêu triệu thằng ngốc sống ở đất nước này, và mày nghĩ có mục đích đấy! Này, nghe đây – mày giành được gì thì cố mà giành, làm được gì thì cố mà làm, rồi thì cố mà chết. Lý do đấy, công tử ạ. Còn lại đều là rắm hết!”

Bây giờ tôi, trên giường vào nửa đêm, bắt đầu lung lay... “Nhưng lịch sử,” tôi đáp, “và Thủ tướng đã viết cho tao một lá thư... và chả lẽ mày không tin cả... ai biết được chúng ta có thể...”

Hắn, bản thể đối lập của tôi, Shiva, ngắt lời: “Nghe nầy, nhóc – óc mày toàn thứ điên rồ, xem ra tao phải tiếp quản vụ này. Mày đi bảo tất cả bọn nhóc quái dị kia thế!”

Mũi và gối và gối và mũi... sự kình địch khởi đầu vào đêm đó sẽ không bao giờ chấm dứt, cho đến khi hai lưỡi dao chém xuống, xuống xuống xuống... liệu linh hồn Mian Abdullah, người bị dao hạ sát nhiều năm trước, có rỉ sang tôi, ngấm vào tôi ý tưởng về chủ nghĩa liên bang mở và làm tôi dễ bị thương vì dao, tôi chẳng thể khẳng định.

Nhưng thời điểm đó tôi tìm thấy một nguồn dũng khí liền bảo Shiva, “Mày đừng hòng quản lý được Hội nghị; không có tao, tụi nó thậm chí không nghe thấy lời mày nữa kìa!”

Và hắn, khẳng định lời tuyên chiến: “Công tử bột, bọn nó sẽ muốn biết về tao; mày cứ thử ngăn tao xem!”

“Rồi,” tôi đáp lại, “Tao sẽ.”

Shiva, vị thần hủy diệt, người quyền lực nhất trong các thần; Shiva, vũ công siêu phàm nhất; người cưỡi bò; người không có sức mạnh nào có thể kháng cự... thằng nhóc Shiva, theo lời hắn, phải chiến đấu để sinh tồn từ nhỏ. Đến khi bố hắn, độ một năm trước đó, bị mất giọng hoàn toàn, thì Shiva còn phải bảo vệ mình trước tình phụ tử đắm đuối của Wee Willie Winkie.

“Lão bịt mắt tao, giời ạ! Lão quấn giẻ quanh mắt tao rồi dắt tao lên sân thượng, giời ạ! Tụi mày biết tay lão cầm gì không? Một cây búa chó đẻ, giời ạ! Một cây búa! Lão khốn kiếp định đập gãy hai chân tao – chuyện này vẫn xảy ra, mày biết đó, công tử bột, họ làm thế với trẻ con để suốt đời chúng có thể ăn xin kiếm sống – mày mà què thì mày xin được nhiều hơn! Và thế là tao bị đẩy đến nằm lăn ra trên sân thượng, giời ạ; và rồi...”

Và rồi búa giáng xuống cặp đầu gối to hơn và lồi hơn bất kỳ tay cảnh sát nào, một mục tiêu ngon ăn, nhưng giờ cặp đầu gối ra đòn, nhanh như chớp, đầu gối mở ra – nghe thấy hơi gió của cây búa đang nện xuống và mở rộng ra; và cây búa bổ xuống giữa hai đầu gối, cán vẫn nằm trong tay bố hắn; thế là, hai đầu gối sập lại như hai nắm đấm. Cây búa, nện lốp cốp một cách vô hại xuống nền bê tông. Cổ tay của Wee Willie Winkie, bị kẹp giữa hai đầu gối của đứa con trai bịt mắt. Từng tiếng thở khàn khàn thoát ra từ đôi môi của người cha thống khổ. Thế nhưng hai đầu gối, vẫn khép vàovàovào, chặt nữa và chặt nữa, đến khi rắc một tiếng.

“Ép vỡ cổ tay lão! Cho lão biết tay - quá chuẩn, hả? Tao thề đấy!” Shiva và tôi ra đời vào lúc Ma Kết đang trỗi dậy; chòm sao này đã bỏ mặc tôi, nhưng lại ban cho Shiva một tài năng. Ma Kết, như mọi nhà chiêm tinh đều biết, là thiên tượng chủ về đầu gối.

Vào ngày bầu cử, 1957, đảng Quốc đại Toàn Ấn nếm một cú sốc nặng nề. Mặc dù họ thắng cử, nhưng mười hai triệu phiếu đã biến đảng Cộng sản thành đảng đối lập lớn nhất; và ở Bombay, bất chấp nỗ lực của Sếp Patil, một số lượng lớn cử tri đã không đánh dấu chữ thập lên biểu tượng hình-bò-thiêng-và-bê-non của đảng Quốc đại, mà ưu ái hai logo ít biểu cảm hơn của Samyukta Maharashtra Samiti và Maha Gujarat Parishad. Khi hiểm họa Cộng sản được thảo luận ở trên đồi, mẹ tôi tiếp tục đỏ mặt; và chúng tôi xuôi tay chấp nhận sự chia cắt bang Bombay. Một thành viên của Hội nghị Những đứa trẻ Nửa đêm đã đảm đương một vai phụ trong kỳ bầu cử.

Đứa con trai danh nghĩa của Winkie, Shiva, đã được tuyển mộ bởi - ừm, có lẽ tôi sẽ không nêu đích danh; nhưng chỉ có một đảng có nhiều tiền để chi như thế - và vào ngày bầu cử, người ta sẽ thấy hắn và băng của hắn, tự xưng là Những tay Cao bồi, đứng ngoài một phòng bỏ phiếu ở phía Bắc thành phố, đứa cầm côn lớn, đứa tung hứng với đá, đứa thì xỉa răng bằng dao, tất cả đều khuyến khích các cử tri bỏ phiếu một cách khôn ngoan và thận trọng... và khi vòng bỏ phiếu kết thúc, niêm phong ở trên hòm phiếu có bị phá? Hiện tượng nhồi phiếu có xảy ra? Dầu gì đi nữa, sau khi kiểm phiếu, kết quả cho thấy Qasim Đỏ bị thua một cách sít sao; và các khách hàng của kình địch của tôi đều hết sức hài lòng.

... Nhưng giờ Padma hỏi, nhẹ nhàng, “Hôm đó là ngày nào?”

Và, không hề suy nghĩ, tôi đáp: “Đâu đó vào mùa xuân.”

Lúc ấy tôi mới chợt nhận ra mình vừa phạm một sai lầm nữa – rằng kỳ bầu cử năm 1957 xảy ra trước, không phải sau, kỳ sinh nhật thứ mười của tôi; nhưng dù tôi giày vò đầu óc bản thân thế nào, trí nhớ của tôi vẫn từ chối, một cách bướng bỉnh, thay đổi trình tự các sự kiện. Điều này thật đáng lo. Tôi không biết có gì không ổn.

Cô nói, cố an ủi tôi một cách vô ích: “Ông mong chờ gì mà mặt ngẩn ra thế? Ai chả có lúc quên mấy chuyện nhỏ nhặt, bao giờ chẳng thế!” Nhưng nếu chuyện nhỏ đã qua, liệu chuyện lớn có sắp đến gần?