Tào Tặc

Chương 597: Tên tiểu tặc Tào gia giờ ở đâu?




Buổi sáng sớm, thị trấn Dương Sách vắng ngắt không một tiếng động.

Một thị trấn to như thế mà còn chẳng thấy một sinh vật sống nào, nói gì đến tung tích của Tào quân.

Lưu Bị đứng ở cửa thị trấn Dương Sách, trừng to mắt nhìn, vẻ mắt quái gở cực kỳ khó coi, trong ánh nắng sớm mai lại lộ ra sắc tái nhợt. Trong khi đó Quan Vũ phóng ngựa trên những con phố dài của thị trấn Dương Sách, chỉ nghe từng hồi tiếng vó ngựa vô cùng nặng nề và ức chế.

- Chết tiệt, đây là một doanh trại trống không.

Quan Vũ nhảy xuống ngựa, bước nhanh tới trước Lưu Bị:

- Huynh trưởng, chúng ta bị lừa rồi… Đây là một doanh trại trống không, không một bóng người.

Hai gò má Lưu Bị giật giật, đột nhiên quát lên:

- Tên tiểu tặc đi đâu rồi?

Đúng vậy, Tào Hữu Học đang ở đâu?

Thị trấn Dương Sách to như thế, sao lại trở thành một tòa thành trống không? Tào quân đâu rồi? Bách tính của Dương Sách ở đâu? Rốt cuộc là chuyện gì?

Trong lòng Lưu Bị bỗng thấy có dự cảm xấu.

Y cảm giác, lần này rất có thể mình đã trúng gian kế của Tào Bằng.

- Lập tức sai người tới bến phía Nam, thông báo cho Thản Chi, bảo gã cẩn thận Tào Bằng đánh lén.

Tung tích của Tào Bằng đều không rõ, vậy chắc chắn là có chuẩn bị hành động.

Một là trở về cứu viện thành Vũ Âm, nhưng Lưu Bị và Quan Vũ chờ mãi không thấy đến, chứng tỏ Tào Bằng không hề hồi binh. Nếu không viện trợ huyện Vũ Âm thì chắc là đang gấp rút tiếp viện Cức Dương. Lưu Bị cũng coi như khá hiểu Tào Bằng. Đặc biệt là trong chuỗi chinh chiến liên tiếp ở Lương Châu, hắn đã thể hiện ra là người rất giỏi dùng kỳ binh, mưu trí hơn người. Nếu chẳng may, hắn từ bỏ Vũ Âm và dồn sức tấn công bến phía Nam, chẳng phải đã chặt đứt đường lui của mình sao? Nghĩ đến đây, Lưu Bị bỗng giật mình, toát mồ hôi, vội vàng lớn tiếng ra lệnh cho quân tốt tập kết xuất phát.

- Huynh trưởng, Thản Chi ở Bến phía Nam đã chuẩn bị sẵn từ lâu.

Lại có cả Tử Trọng và Hiếu Khởi giúp sức, tên tiểu tặc dù có đánh lén, e rằng cũng khó thành công. Sao chúng ta không hồi binh về Vũ Âm, hợp binh lại với đám quân sư. Tên tiểu tặc rõ ràng muốn dùng kế vây Ngụy cứu Triệu, chúng ta không để cho hắn toại nguyện, công hãm Vũ Âm thì sẽ mã đáo thành công.

Lưu Bị nghe thế lập tức trầm tư suy nghĩ.

Không sai, nếu tấn công Vũ Âm, hẳn cũng là một lựa chọn rất tốt.

Lần xuất binh này vốn định tấn công vào thành chiếm đất, tiến đánh Tào Bằng. Mà nay Tào Bằng không bị mắc lừa, còn binh lực ở Vũ Âm trống rỗng. Đám quân sư đã ở huyện thành Vũ Âm suốt một ngày rồi, chắc hẳn đã có thu hoạch. Bản thân mình lúc này tới Vũ Âm đúng lúc có thể tập trung binh lực.

Kể cả Lưu Bị quay về viện trợ Vũ Âm thì y cũng không cần lo lắng về đường lui…

Lưu Bị dụng binh khá linh hoạt.

Điều quan trọng nhất là, y có thể tiếp thu kiến nghị của người khác.

Kế này của Quan Vũ đối với Lưu Bị mà nói có rất nhiều điểm hay. Sau một hồi suy nghĩ, Lưu Bị cắn răng, gật đầu nói:

- Hãy theo lời Vân Trường đã nói, lập tức xuất kích tới Vũ Âm.

Mệnh lệnh được truyền đi, quân tốt lập tức khởi động.

Tuy nhiên, Quan Vũ hình như lại không bằng lòng lắm, sau khi do dự một lát, hắn ta đề xuất với Lưu Bị:

- Huynh trưởng, chi bằng đệ và huynh chia hai đường, đệ tiếp tục mai phục ở đầu bến Bỉ Thủy, huynh hãy về Vũ Âm hợp binh lại với đám quân sư. Tên tiểu tặc nghe được tin chắc chắn sẽ từ bỏ kế hoạch ban đầu, quay về cứu viện Vũ Âm. Đệ có thể tiếp tục ở đầu bến Bỉ Thủy. Cho dù không giết được tiểu tặc thì cũng có thể làm tổn binh hao tướng… Tới khi đó, huynh trưởng có thể toàn lực tấn công Vũ Âm mà không phải lo lắng gì, như thế quận Nam Dương tất sẽ thần phục.

- Kế sách của Vân Trường rất tuyệt, cứ theo đó mà làm.

Ngay lập tức, Lưu Bị và Quan Vũ chia binh thành hai đường, chuẩn bị rời khỏi thị trấn Dương Sách.

Thế nhưng đúng lúc này, bỗng thấy một tên thám mã phi như bay tới.

Tên thám báo đó xuống ngựa trước người Lưu Bị, phủ phục trên mặt đất, thở hổn hển nói:

- Khởi bẩm chủ công, việc lớn không hay rồi… Vừa nhận được tin, sáng sớm nay Tào Bằng và Đặng Chi, Đỗ Kỳ ở Cức Dương đã đánh gọng kìm Bến phía Nam, thiếu tướng quân liều chết chiến đấu, mặc dù đã đánh lui quân Tào nhưng lại chịu tổn thất nghiêm trọng. Thiếu tướng quân bị trọng thương, Hiếu Khởi tiên sinh không rõ tung tích… May mà Tử Trọng tướng quân từ Niết Dương xuất binh tới viện trợ, khó khăn lắm mới ổn định được trận tuyến.

- Cái gì?

Lưu Bị kinh ngạc.

Tào Bằng quả nhiên đã đánh úp Bến phía Nam rồi sao?

Trong khi đó Quan Vũ càng có vẻ căng thẳng:

- Thản Chi có gặp nguy hiểm không?

- Thiếu tướng quân đã được đưa đến Niết Dương cứu chữa, giờ còn chưa rõ tình hình lắm.

Tử Trọng tướng quân sai người đến cầu cứu, nếu không có viện quân, Tử Trọng tướng quân e là khó có thể giữ được đại doanh của Bến phía Nam, xin Chủ công nhanh chóng quyết định.

Một khi Bến phía Nam bị mất, quân Tào quân có thể qua sông, tiến thẳng đến Niết Dương.

Nếu Tào quân công chiếm được Niết Dương, đồng nghĩa với việc cắt đứt liên lạc giữa Kinh Châu và Uyển Thành. Những chuyện khác chưa cần nói, chỉ riêng về lương thực sẽ phải đối mặt với vấn đề lớn. Lưu Bị công chiếm Uyển Thành, cướp lấy Bác Vọng, Tây Ngạc, thế nhưng quân lương không nhiều lắm. Đặc biệt là khi Lưu Bị chiêu binh mãi mã ở Uyển Thành, binh lực lên tới năm vạn. Điều này cũng khiến ba vùng ở Uyển Thành gánh chịu áp lực cực lớn! Lưu Bị muốn lôi kéo lòng dân nên không chưng thu thuế má ở ba huyện này. Quân lương của y dường như hoàn toàn từ Tân Dã vận chuyển đến, do Kinh Châu tiếp viện.

Niết Dương mà mất đi…

Lưu Bị bỗng giật mình, lạnh toát sống lưng.

Y vốn định sau mùa thu mới tấn công Tào Bằng, nguyên nhân cũng nằm ở vấn đề quân lương này.

Còn giờ y dám dụng binh với Tào Bằng, phần lớn là dựa vào sự đảm bảo lương thực ở Tân Dã.

- Tào Hữu Học, thủ đoạn hay lắm!

Lúc đầu, Lưu Bị muốn tranh thủ thời gian với Tào Bằng.

Nhưng giờ xem ra, Tào Bằng hình như đã nhanh hơn một nước cờ…

Cho dù lúc này y tiến đánh Vũ Âm, nhưng nếu Niết Dương bị mất, chắc chắn sẽ khiến lòng quân bất an.

Kế sách hiện giờ là trước tiên giữ vững đại doanh của Bến phía Nam, tuyệt đối không được để Tào Bằng qua sông tấn công. Còn về huyện thành Vũ Âm, có Tuân Kham ở đây ắt thắng.

Chỉ là sớm hay muộn mà thôi.

Lưu Bị đã có chủ định, lập tức lệnh cho Quan Vũ làm quân tiên phong, gấp rút tới đại doanh Bến phía Nam.

Tử Trọng chính là Mi Chúc.

Mi Chúc có thể nói là một tay giỏi về nội chính, nhưng về quân vụ có phần chưa đủ thực lực.

Lòng trung thành của gã đương nhiên không cần phải nghi ngờ. Mi Hoàn là phu nhân của Lưu Bị, có quan hệ như vậy nên Lưu Bị cũng không lo lắng nhiều.

Thế nhưng vấn đề là, nếu Tào Bằng thật sự muốn tiến công mạnh mẽ vào Bến phía Nam, gã có đỡ nổi không?

Lưu Bị lo lắng không yên, thúc đại quân phải tới Bến phía Nam vào lúc chính ngọ.

Lúc này, đại doanh Bến phía Nam mù mịt khói lửa. Trên cửa bến phà vẫn còn lưu lại các vết máu loang lổ, có thể thấy ở đây đã từng trải qua một trận chiến ác liệt.

Quân tốt đang dọn dẹp chiến trường, sắp xếp gọn ghẽ từng đồng xác chết.

Đúng giữa mùa hạ, thời tiết cực kỳ oi bức.

Nếu không kịp thời xử lý những xác chết đó, làm không tốt sẽ xuất hiện bệnh dịch quy mô lớn. Về chuyện này, dù là Lưu Bị hay Mi Chúc đều rất rõ hậu quả. Vì thế, sau khi Lưu Bị tới đại doanh của Bến phía Nam, trước tiên liền đi tuần tra chiến trường một vòng để kiểm tra tình hình.

Trước lúc bình minh, Tào quân đột nhiên phát động tập kích vào Bến phía Nam.

Điển Mãn và Hứa Nghi từng có lần đánh vào đại doanh Bến phía Nam… Quan Bình vội vã ứng chiến, nhưng lại gặp phải cuộc tấn công liên thủ của hai người này. Hai bọn họ đều là hào dũng chi sĩ, có thể còn chưa bằng phụ thân của bọn họ. Tuy nhiên cũng đã đạt tới võ tướng chuẩn hạng nhất. Quan Bình mặc dù thiện chiến nhưng bị hai người đánh từ hai mặt nên cũng không thể có lợi thế. Trong chiến loạn, Quan Bình bị Hứa Nghi dùng thiết lưu tinh đả thương, sau đó lại bị Điển Mãn chém một đao, hôn mê tại chỗ. Nếu không phải người tùy tùng của Quan Bình liều chết cướp Quan Bình về, có lẽ Quan Vũ lúc này đã phải chịu nỗi đau tang tóc cho đứa con thứ của mình… Tiếp sau đó, Viện Binh của Mi Chúc tới mới coi như đuổi được Tào quân ra khỏi đại doanh Bến phía Nam.

Trong trận chiến này, quân Lưu Bị chịu tổn thất thê thảm.

Số người chết và bị thương trên một ngàn người, còn số quân sỹ mất tích nhiều vô số kể.

Những chướng ngại vật trước đại doanh Bến phía Nam gần như bị hủy hoại triệt để, chỉ để lại một đống lộn xộn sau khi bị thiêu hủy.

Thế nhưng đáng tiếc nhất vẫn là cuộc mất tích của Trần Chấn.

Trần Chấn, tự là Hiếu Kỳ, người Uyển Thành.

Trần Thị ở Nam Dương bản thân cũng là hào cường một phương, có cội nguồn thuộc một phân chi của Trần Thị ở Toánh Xuyên, thanh danh vô cùng lớn trong vùng.

Đó là người trung thành, già nhưng kiên định.

Người này trước kia từng là mưu sĩ dưới trướng của Viên Thiệu, sau cuộc chiến Thương Đình, Trần Chấn mới trở về quê hương.

Hắn ta và Lưu Bị quen biết đã lâu, thế nên khi Lưu Bị làm chủ Tân Dã, Trần Chấn là người đầu tiên tới đầu quân cho Lưu Bị.

Lúc ấy, Gia Cát Lượng còn chưa xuất núi, Trần Chấn và Tuân Kham, một trong một ngoài, có thể nói là hợp nhau tăng thêm sức mạnh, là trợ thủ đắc lực cho Lưu Bị… Tuy nhiên, với sự xuất hiện của Gia Cát Lượng địa vị của Trần Chấn đã bị giảm sút. Suy cho cùng, xét về đại cục thì Trần Chấn không sánh được với Gia Cát Lượng, nhưng trong một vài chi tiết, Lưu Bị vẫn cần Trần Chấn giúp sức. Không ngờ, cuộc chiến Bến phía Nam này đã khiến Trần Chấn mất tích…

Trong lịch sử lúc đầu thì Trần Chấn là công thần có công lớn đi theo Lưu Bị vào Toánh Xuyên.

Khi Lưu Bị xưng đế, Trần Chấn từng làm quan tới chức Thái úy.

Mà nay, tung tích không rõ, sống chết không biết… Theo đám binh lính nói thì lúc đại doanh Bến phía Nam hỗn loạn nhất, Trần Chấn vì muốn bảo đảm không bị mất bến phà nên đã dẫn bộ binh đi cứu viện. Còn người tấn công vào bến phà Bến phía Nam khi ấy chính là Binh Tào sử của quận Nam Dương Đỗ Kỳ… Theo đó, Trần Chấn tuyệt đối lành ít dữ nhiều. Kể cả không bị giết thì cũng nhất định bị bắt làm tù binh, nếu không sẽ sống mà không thấy người, chết không thấy xác.

Lưu Bị cực kỳ đau xót trong lòng.

- Tào Bằng đã từng khiêu chiến ư?

- Từ sau khi trời sáng, Tào quân đã rút binh, nhưng sau đó lại tập kích.

Hiện giờ, Đỗ Tập dựa lưng vào rừng hoa đào, hạ trại ở bờ phía đông Cức Thủy, cùng với Cức Dương tạo thành thế đặc biệt… Nhị tướng quân từng tới thỏa hiệp nhưng Tào quân cũng nhất quyết không ra. Còn về tên tiểu tặc Tào Bằng lại chưa hề xuất hiện. Nói không chừng lúc này đang đóng giữ trong huyện thành Cức Dương.

- Tào Hữu Học chưa từng xuất hiện sao?

Lưu Bị nghe xong chợt ngẩn người ra.

Y quay đầu hỏi Quan Vũ:

- Vân Trường, khi ngươi đi khiêu chiến, có từng gặp Tào Hữu Học không?

- Chưa hề gặp.

Tâm trạng Quan Vũ đang rất đau đớn, con trai thứ mất mạng, con trưởng bị trọng thương, khiến hắn ta bất an trong lòng.

Nếu không phải là đợi Lưu Bị, giờ này có lẽ hắn đã tới Niết Dương lâu rồi. Nghe Lưu Bị hỏi, hắn ta đáp lại một câu mà thần trí đang để ở tận nơi đâu, sau đó không nói gì nữa.

Lưu Bị lại hít một luồng khí lạnh.

Hình như có gì đó không đúng!

Theo những gì Lưu Bị biết về Tào Bằng, đó là chủ nhân luôn làm gương cho binh sỹ, thích xung phong đi trước.

Quân Tào đánh úp đại doanh Bến phía Nam nhưng lại không thấy tung tích Tào Bằng; Vậy thì, Tào Bằng giờ đang ở đâu?

- Đã phái người tới Cức Dương dò la chưa?

- Đã phái người tới đó rồi!

Mi Chúc gượng cười nói:

- Chỉ là về phía Cức Dương được canh phòng nghiêm ngặt, dù trà trộn vào được, muốn đưa thư ra cũng không phải là chuyện dễ.

Có điều tại hạ lại nghe thấy một số binh lính Tào quân bị bắt nói, tối qua có một đội nhân mã tới Cức Dương.

Theo miêu tả của gã, hình như là Phi Đà binh của Tào Bằng… Nếu Phi Đà Binh của Tào Bằng đã tới nơi, có lẽ lúc này Tào Bằng cũng đang ở trong huyện thành.

Về lý mà nói thì suy luận này rất đúng.

Thế nhưng không biết tại sao, Lưu Bị lại cảm thấy trong lòng bất an, có phần đứng ngồi không yên…

Truyện convert hay : Huyền Huyễn Chi Thần Cấp Đế Hoàng Hệ Thống