Thập Niên 60: Làm Giàu, Dạy Con

Chương 148: Vuốt Mông Ngựa




Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên



Chương 148: Vuốt mông ngựa



Là mẹ của ba con rồi, còn thi đại học nỗi gì, mẹ Đại Oa thật là hài hước.



Bà Chu cười xoà chỉ nghĩ con dâu đang nói đùa.



Giữa trưa, bốn cha con Chu Thanh Bách rồng rắn kéo nhau về, tuy chẳng thu hoạch được gì nhưng không hề ảnh hưởng tới tâm trạng chung, vẫn cười nói đùa giỡn như thường.



Thấy cảnh này, Lâm Thanh Hoà cũng vui lây, thời đại này chẳng có thú vui gì tiêu khiển, coi như cho bọn trẻ đi dã ngoại vận động gân cốt đi.



Buổi chiều, Chu Thanh Bách lại đi một đợt nữa nhưng tiếc rằng vẫn trắng tay quay về. Thú hoang mà, tinh ranh cực kỳ, đâu có dễ bắt như thế.



Ngặt một nỗi gặp ngay ông quân nhân xuất ngũ, không chịu khuất phục, liên tiếp mấy ngày anh đều lên rừng săn bắt. Cuối cùng cũng tóm được một con gà rừng.



Hồ hởi xách về nhà đưa cho vợ. Lâm Thanh Hoà tròn mắt ngạc nhiên, thật sự khâm phục ý chí của anh.



Cô bảo anh mau mau giết thịt, cô sẽ nấu món ngon thưởng cho anh.



Chu Thanh Bách kín đáo thở phào một hơi, hôm nay bắt được con gà này coi như vớt vát được chút ít mặt mũi, từ mai khỏi cần lê thân đi săn nữa.



Lâm Thanh Hoà nhìn thấu tâm tư anh nhưng không bóc mẽ chỉ trộm cười, hoá ra đây là sĩ diện đàn ông đấy hả?!



Nhìn anh thoăn thoắt cắt tiết, nhổ lông, cô bất chợt cảm khái, hễ anh ở nhà là việc gì cũng tranh làm, nếu không phải trù nghệ của cô quá tốt chắc anh cũng giành luôn việc nấu cơm ấy chứ.



Thật ra Chu Thanh Bách rất biết người biết ta, bảo anh nấu mấy món đơn giản còn được ví như nấu cháo, chưng màn thầu hoặc cùng lắm luộc sủi cảo chứ cao cấp như xào rau là hỏng đấy, chỉ có nát bét.



Rất nhiều lần, nếu không phải nhờ Lâm Thanh Hoà kịp thời ứng cứu, thì có khi phải đổ hết cho heo ăn.



Thời buổi này, nguyên liệu khan hiếm, cô không muốn cản bước đường học hỏi của chồng nhưng cái giá phải trả hơi đắt, thế cho nên cứ để cô phụ trách khâu nấu nướng cho lành.



Một con gà ngả được hai món, nửa xào cay, nửa hầm canh. Gà rừng chạy nhảy nhiều, giò khoẻ, thịt dai và săn chắc. Ăn rất ngon.



Cơm nước xong xuôi, rảnh rỗi Lâm Thanh Hoà lại lấy sách ra tiếp tục sự nghiệp bồi đắp tri thức.



Chu Thanh Bách liếc sơ qua, thấy vợ đang cầm sách sơ trung thì chợt giật mình, cô ấy học nhanh vậy à?



Nhìn bộ dáng thì không giống kiểu đọc cho vui, có nghiền ngẫm suy nghĩ, không lẽ cô ấy đúng là có thể tự học thành tài?



Chu Thanh Bách bất ngờ hỏi: “Vợ à, em học cùng với ai vậy?”



Lâm Thanh Hoà không ngẩng đầu, bâng quơ đáp: “Em tự học.”



Mắt vẫn nhìn vào trang sách nhưng khoé miệng không nhịn được nở một nụ cười, hôm nay anh chàng này học được cách thử cô nữa cơ đấy!




Mỡ đấy mà húp! Không xem xem Lâm Thanh Hoà cô là ai?



Chu Thanh Bách thấy không dò hỏi được gì nên không tiếp tục nhưng trong lòng anh vẫn cứ cảm thấy mơ mơ hồ hồ, dường như trước nay anh chưa từng hiểu tí nào về vợ mình thì phải?!



Không đúng, nếu nói chưa từng hiểu thì cũng không hẳn, nói chính xác hơn là mỗi lần anh tự tin rằng mình đã hiểu rõ vợ mình thì cô ấy lại thể hiện ra một khía cạnh hoàn toàn mới.



Điều này cứ liên tục thúc đẩy anh phải thăm dò, phải thăm dò nhiều hơn nữa.



Lâm Thanh Hoà ở một bên lặng lẽ quan sát, nếu người đàn ông này có bản lĩnh bóc trần sự thật thì cô không ngại thẳng thắn cùng anh. Nhưng nếu không thể, vậy thì anh cứ tiếp tục sống với những nghi hoặc và khó hiểu của mình đi, tới khi nào chán thì thôi vậy.



Hết tháng ăn chơi, những người nông dân lại bắt đầu vác cuốc ra ruộng cày sâu cuốc bẫm. Cái giá rét không thể cản trở bầu nhiệt huyết của đoàn người.



Xét trên mặt bằng chung, đội sản xuất thôn này hơn hẳn mấy đội sản xuất khác trong công xã. Tuy nhiên vẫn không thể đồng lòng 100%, trong đội vẫn có một vài thành phần cá biệt, ham ăn biếng làm và Lâm Thanh Hoà luôn vinh dự nằm trong số đó.



Từ ngày được gả về thôn, chưa có ai thấy cô xắn quần lội xuống ruộng lần nào, đây không phải lười biếng trốn việc thì là gì?



Nhưng chẳng ai có thể đấu tố hay làm gì được Lâm Thanh Hoà vì cô sống bằng tiền trợ cấp của chồng, không những không phải lo cơm ăn áo mặc mà còn được thể lên mặt huyênh hoang tự đắc.



Sau này, chồng cô xuất ngũ, trụ cột trở về, cô càng không cần làm việc, nghe nói mỗi ngày cô chỉ có việc ở nhà nghĩ xem thích ăn món gì thì nấu món đó. Muốn nhìn bộ dạng chật vật nghèo túng của Lâm Thanh Hoà, e rằng hơi khó.



Cứ như vậy, bảo sao dân làng không ngứa mắt khó chịu cơ chứ?!




Đáng kể nhất chính là trải qua một mùa đông khắc nghiệt, sắc mặt ông Chu bà Chu hồng hào hẳn lên, tinh thần đặc biệt phấn chấn.



Người dân được dịp tha hồ xì xào bàn tán.



Lời ít mà ý nhiều, ông Chu nói: “Có gì đâu, chẳng qua ngày đông giá rét vợ thằng tư chịu khó nấu cho chúng tôi trà gừng đường đỏ, ấm phổi bổ thân.”



Những người bạn già trong thôn nghe được hâm mộ cực kỳ. Phải công nhận cô con dâu này của nhà họ Chu tuy không chịu làm việc nhà nông nhưng rất có bản lĩnh chăm sóc người khác. Trước đây là chồng và con trai, giờ tới cha mẹ chồng.



Nhóc Tô Thành đã bắt đầu tập ăn dặm, hôm nay bà Chu đút cho nó một chén nhỏ nước cháo loãng.



Nhị Oa và Tam Oa cũng bưng hai chén nhưng là chí mà phù (芝麻糊).



Những đứa trẻ khác tò mò: “Chí mà phù là cái gì?”



Nhị Oa giới thiệu: “Là chè mè đen đó. Nghiền hạt mè thành bột mịn, hoà tan vào nước sôi, nấu tới khi đặc quánh lại là ăn được rồi."



Chu Hạ hỏi: “Ngon không?”



Nhị Oa gật đầu: “Đương nhiên, về bảo mẹ làm cho mà ăn.”



Bột mè quấy với nước sôi bỏ thêm chút đường, ngon khỏi bàn!




Chu Hạ thở dài thườn thượt, nói với mẹ á? Thôi bỏ đi, chắc chắn không được ăn chè mà thể nào cũng bị ăn chửi một trận.



Tam Oa hô: “Há miệng.”



Chu Hạ lập tức ngồi xổm xuống trước mặt Tam Oa, há to miệng. Tam Oa xúc một thìa đổ vào miệng nó, khoé léo để cái thìa không dính nước miếng Chu Hạ.



Tam Oa hỏi: “Sao? Ngon không?”



Chu Hạ gật như bổ củi: “Ngon, ngon lắm.”



“Phần của em ít lắm, chỉ có thể cho anh nếm thử 1 miếng thôi.” Nói xong, Tam Oa ăn nốt chén chè của mình rồi mang chén vào nhà cất, sau đó chạy ra ngoài bắn bi với đồng bọn.



Chu Hạ quay sang hỏi Nhị Oa: “Nhị Oa, năm nay mày đi học à?”



Nhị Oa gật đầu: “Ừ, thế còn mày, có muốn đi học chung luôn không?”



Chu Hạ thở dài: “Mẹ tao còn lâu mới cho.”



Nhị Oa: “Đi học tốt mà, làm gì mà mẹ mày không cho?”



“Mẹ tao bảo đọc sách vô dụng.”



“Cái gì mà vô dụng? Nếu học giỏi có thể thi đậu đại học, sau này còn mang được tiền về nhà ấy chứ, làm gì có việc nào hữu dụng hơn việc học?”



Đang đút cháo cho nhóc Tô Thành gần đó, bà Chu nghe được đoạn đối thoại của hai thằng cháu nên hỏi: “Nhị Oa có muốn thi đại học không?”



“Cháu có chứ. Nếu được học đại học, sau này sẽ được đi làm, mỗi tháng sẽ kiếm thật nhiều tiền về, lúc đó cháu sẽ mua thật nhiều đồ tốt cho mẹ.” Nói xong, Nhị Oa vội vàng bổ sung thêm một câu: “Mua cả đồ tốt cho bà nội nữa.”



Tí tuổi đầu đã biết vuốt mông ngựa, nhưng phải công nhận nghe được câu này thật mát lòng mát dạ, bà Chu cười vui vẻ: “Được, được, được, bà nội chờ Nhị Oa thi đậu đại học, kiếm thật nhiều tiền mua đồ về cho bà nội.”



Rồi bà quay qua nói với Chu Hạ: “Về nói với mẹ rằng bà nội bảo năm nay cho con đi học cùng Nhị Oa. Sau này nếu con thi đậu Đại Học Công Nông Binh nhất định sẽ về hiếu thuận với mẹ.”



“Dạ.” Chu Hạ hai mắt sáng ngời, dạ rõ to rồi hí hửng chạy về nhà tìm mẹ.



Ai ngờ, bị mẹ dội cho một chậu nước lạnh.



Chị hai Chu: “Hừ!!! Bà nội nói dễ nghe thật đấy. Học phí một học kỳ đắt lắm biết không hả, nhà thì nghèo rách mồng tơi, tiền ăn còn chẳng có, lấy đâu ra tiền cho đi học?”



Chu Tam Ni mím môi lúc sau mới dám lí nhí nói: “Mẹ, mẹ cho em trai đi học đi.”



Chị hai Chu hừ lạnh: “Học học cái gì, không có tiền.”