Thập Niên 60: Làm Giàu, Dạy Con

Chương 192




Lâm Thanh Hoà: “Không có học bổng đâu, khen thưởng bút máy hay cái ly tráng men là cùng.”

Tuy trước mắt chính sách đang dần coi trọng giáo dục hơn nhưng chưa tới mức độ cổ vũ bằng học bổng.

Quay lại vấn đề Đại Oa dậy thì xuất hiện hiện tượng chuột rút. Cái này không phải Lâm Thanh Hoà thổi phồng cho thêm phần nghiêm trọng mà đây là sự thật, vì thế cô không chần chừ, nói là làm, lập tức gia tăng lượng sữa bò tươi mỗi ngày.

Ngoài sữa bò tươi, còn có trứng gà, hàng ngày Đại Oa đi học cầm theo một quả trứng gà luộc, giữ giờ đói bụng thì lấy ra ăn.

Liên tục như thế trong suốt nửa tháng, Đại Oa không còn kêu chuột rút nữa.

Ông Chu yên tâm rất nhiều.

Bà Chu cảm khái, vợ thằng tư thật là chịu chi!

Hồi Chu Thanh Bách tầm tuổi này cũng thường xuyên bị chuột rút căng cơ. Nhưng lúc đó điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, được ăn no bụng đã là tốt lắm rồi, kể cả cha mẹ có cưng chiều anh nhất nhà đi nữa thì cũng chẳng lấy đâu ra sữa bò với cả trứng gà tẩm bổ.

Rảnh rỗi, hai vợ chồng Lâm Thanh Hoà lại tựa vai nhau tâm sự.

Cô cười trêu anh: “Sống trong hoàn cảnh ấy mà cũng có được vóc dáng cao to thế này. Vất vả cho anh rồi.”

Chu Thanh Bách: “Anh chỉ ở nhà có mấy năm là đi bộ đội rồi.”

Sau khi anh nhập ngũ mới bắt đầu phát triển chiều cao. Tốc độ rất nhanh, thời kỳ đỉnh điểm anh tăng 13cm trong vòng một năm. Mỗi lần về thăm nhà là một lần cha mẹ bất ngờ. Dĩ nhiên đây đều là nghe bà Chu kể lại.

Nghe thấy thương ghê hông, Lâm Thanh Hoà cười dịu dàng: “Vậy để vợ đền bù cho anh nhé. Anh muốn ăn gì em làm cho anh. Tuy rằng đã muộn nhưng em sẽ cố gắng tẩm bổ cho chồng.”

Chu Thanh Bách biết thừa cô vợ nhỏ lại đang chọc ghẹo mình đây mà, anh không giận mà cũng không nói gì cả, khoé miệng khẽ nhếch lên, ánh mắt nhìn vợ càng lúc càng âu yếm.

Lâm Thanh Hoà vẫn đam mê với các món hầm, từ xương sườn cho tới xương ống, cá hay tôm, rong biển gì đó, tất tần tật đều có thể trở thành nguyên liệu trong các nồi canh hầm của cô.

Ăn ngon như thế mà dường như vẫn chẳng thấm tháp vào đâu. Đại Oa chả béo thêm tí nào, thậm chí trông còn hơi gầy. Nhưng mà đấy là nhìn bên ngoài thôi chứ cởi quần áo ra thì không gầy tí nào đâu, da thịt của nó rất săn chắc. Thể chất này được di truyền 100% từ cha.

Nhị Oa với Tam Oa cũng vậy người ngợm thuộc diện rắn rỏi, dong dỏng cao, còn hai anh em Tiểu Tô Thành và Tiểu Tô Tốn thì béo tròn trùng trục, mũm mĩm lắm ai nhìn thấy cũng không kìm được phải lại gần nhéo má cưng nựng một cái. Bên ngoài, không một ai không khen cô giáo Lâm tốt bụng, đối xử với cháu chồng như con đẻ.

Hôm nay Lâm Thanh Hoà không có lớp, sáng sớm cô đạp xe lên huyện thành mua cá.

Cô tính tranh thủ mua nhiều một chút, lưu trữ trong không gian riêng để ăn dần, đặc biệt là cá diếc, toàn cá thuần tự nhiên chứ không phải cá nuôi như ở thời hiện đại, thịt cá rất thơm và dai không bị bở và tanh một chút xíu nào. Lâm Thanh Hoà mê nhất món cá diếc om đậu hũ, nước sốt sánh, ngậy, đậm đà… chẹp chẹp…mới chỉ nghĩ tới thôi đã chảy nước miếng rồi!

Mà cô chỉ thích ăn nước thôi còn cái thì nhường hết cho ông chồng bởi cá diếc cực kỳ nhiều xương, cô ngại lựa xương.

Lâm Thanh Hoà đi thẳng tới chợ đen. Không hổ danh là chợ đen, trên trời dưới đất cái gì cũng có.

Cô mão nguyên 1 túi lưới to cá nước ngọt, bên trong có cá diếc, cá rô phi, còn có cả cá vược.

Trả tiền xong, cô xách túi cá đi thẳng một đường, tới đoạn vắng vẻ cô mới dừng chân thu vào không gian riêng.

Sau đó cô quay lại mua một bọc kỷ tử, một bọc táo đỏ, một gói kẹo sữa rồi lên đường về nhà.

Về tới nhà, Lâm Thanh Hoà không nghỉ ngơi mà xắn tay áo lên xử lý cá diếc ngay. Sau đó xếp cá và đậu hũ vào nồi, bắc lên bếp om lửa liu riu. Gần chín, cô còn thả vào một nắm kỷ tử.

Bữa trưa, cả nhà vừa ăn vừa tấm tắc khen ngợi.

Lâm Thanh Hoà: “Không biết chiều nay có mưa không nhỉ, con định lên núi hái ít nấm về ăn.”

Bà Chu nghe vậy liền quay qua hỏi ông Chu: “Ông già, ông đoán xem liệu khi nào trời đổ mưa?”

Người già kinh nghiệm đầy mình, ông Chu trầm ngâm: “Mau thôi, mấy ngày nay bầu trời xám xịt.”

Liên tiếp mấy hôm chẳng có tí gió nào, thời tiết oi ơi là oi, nóng không thể nào ngủ nổi, tối nào Chu Thanh Bách cũng phải quạt cho vợ ngủ.

Đúng như lời dự đoán của ông Chu, 5 ngày sau, mây đen vần vũ giăng kín bầu trời, chạng váng tối những hạt mưa đầu tiên bắt đầu rơi xuống, lúc đầu chỉ lác đác vài hạt rồi chuyển sang nặng hạt hơn, tích tắc sau đã ào ào đổ xuống như trút nước.

Âm lịch vừa sang tháng 5, ngoài đồng hoa màu đã trổ cao, ông trời thật hiểu lòng người, cho mưa đúng lúc, tiết kiệm được bao công tưới tiêu.

Người nông dân chẳng mong cầu cao sang, họ chỉ cầu quanh năm mưa thuận gió hoà như thế này là hạnh phúc nhất rồi.

Đến hẹn lại lên, Lâm Thanh Hoà bắt tay thiêu ngải cứu từ trong ra ngoài, không bỏ sót bất cứ một ngóc ngách nào trong nhà. Bao năm nay, việc này đã trở thành thói quen, trời mưa và sau khi mưa tạnh, cô đều đốt ngải cứu.

Đang hun nghi ngút khói thì Nhị Oa chạy ra gọi: “Mẹ ơi, đề này con nghĩ mãi không ra.”

Nhị Oa năm nay đã nhảy đến lớp 3.

Lâm Thanh Hoà nheo nheo mắt nhìn thoáng qua rồi nói: “Dạng đề này tương tự đề ngày hôm qua con mới làm xong. Con đi vào thử tư duy theo hướng đó xem có ra không?”

Nhị Oa ôm tập ngồi vào bàn, vò đầu bứt tóc khoảng nửa giờ sau mới nghĩ ra.

Một khi thông rồi lại thấy đề này không phải quá khó.

Nhị Oa tâm phục khẩu phục: “Mẹ ra đề quá hiểm, toàn bẫy là bẫy.”

Mấy đề bài ở trường dễ ợt, nó chỉ cần đọc qua là hiểu ngay nhưng đề mẹ ra thì lại là một đẳng cấp hoàn toàn khác, câu hỏi rất lắt léo lại còn bẫy trong bẫy, không tỉnh táo một chút là bị lừa ngay.

Lâm Thanh Hoà cười thẩm, không hiểm mới là lạ, đây là đề Toán Olympic đấy chứ có phải đề lớp 3 thông thường đâu con trai.

Đại Oa vừa vùi đầu vào quyển vở vừa bĩu môi: “Đề đấy mà cũng kêu khó, nhìn đề mẹ cho tao đây này, cô giáo ở trường còn không biết giải cơ mà.”

Trong mắt Đại Oa, bài của Nhị Oa dễ như ăn kẹo, chỉ cần liếc sơ là nó nghĩ ra cách giải ngay, bài trong tay nó mới xứng đáng với từ “khó” nhá, nghĩ nát óc rồi mà vẫn tắc tịt.

Nghĩ từ trên lớp nghĩ về tới nhà mà bí vẫn hoàn bí. Lúc ở trường, cô giáo thấy nó loay hoay cũng ghé vào giải cùng…cuối cùng cô đành bó tay.

Sau khi hỏi ra mới biết đề này là cô giáo Lâm ra, giáo viên của Đại Oa càng thêm bội phục, không hổ danh người duy nhất tại Chu gia thôn tự học thành tài, thậm chí còn vượt xa cả nhóm thanh niên trí thức.

Lâm Thanh Hoà buồn cười, thấy anh lớn nhăn nhó quá cô đành tiến tới gợi ý vài đường.

Đang mông lung, mẹ vừa gợi ý một cái, Đại Oa như người mù tự nhiên sáng mắt, mây mù bỗng nhiên được gạt hết sang hai bên, thông rồi, Đại Oa thành công vượt qua độ khó 4 sao.

Lâm Thanh Hoà kiểm tra một lượt, tốt lắm. Sau đó cô nâng cấp lên 5 sao cho Đại Oa tiếp tục luyện tư duy.

Còn về phần Tam Oa, Lâm Thanh Hoà đang tập cho nó viết số.

Năm nay nhóc con lên 6, khai giảng năm học tới là nó vào lớp 1 rồi. Tất nhiên Tam Oa cũng giống hai anh, phát triển giáo dục đi đầu, ngày ngày cắp sách tới trường trau dồi tri thức.

Như vậy qua năm, cả 3 đứa nhà Lâm Thanh Hoà đều đi học.

Trong nhà, Đại Oa, Nhị Oa, Tam Oa vùi đầu vào sách vở, bên ngoài trời vẫn mưa giông bão giật không ngừng nghỉ.

Một lát sau, Chu Thanh Bách khoác áo tơi khiêng cái cuốc đẩy cửa đi vào. Trời mưa không cần xuất công nhưng anh vẫn phải đi thăm ruộng, kiểm tra thường xuyên để có những biện pháp xử lý kịp thời tránh cho nước mưa làm ngập úng hoa màu.

Nói người nông dân vất vả không sai một tí nào, bởi tất cả đều dựa hết vào thiên nhiên, không mưa thì hạn hán, mưa nhiều thì ngập lụt, mưa ít quá cũng khổ mà mưa trái mùa lại càng khổ, tóm lại một câu, nông gia cực nhọc lại bấp bênh.

Lâm Thanh Hoà tiến lại ân cần hỏi thăm: “Không sao chứ anh?”

Chu Thanh Bách gật đầu: “Không sao.”

Mưa to nhưng mực nước tràn vào ruộng vẫn chưa vượt mức báo động.

Chỉ cần nghe anh nói không có việc gì là được rồi, Lâm Thanh Hoà không hỏi thêm nữa mà nhanh tay hấp màn thầu, nấu thức ăn.

Cơm chín, cô sắp đồ ăn vào một cái khay tre đan để Chu Thanh Bách bưng sang Chu gia cho ông bà Chu. Đợi anh quay về cả nhà mới vào bàn ăn cơm.