Đọc truyện vip online, đọc truyện chữ, truyện full, truyện hay. Tổng hợp đầy đủ và cập nhật liên tục.
Vạn Xuân Đế Quốc

Chương 146: Cải cách rộng




Chương 146: Cải cách rộng

Công trình hạ tầng góp phần xoá đói giảm nghèo có: Điện, đường, trường, trạm.

Phát triển kinh tế cần chú trọng vào chất lượng năm nhóm: Sĩ, nông, công, thương. Lấy nhóm thứ năm là binh sĩ Thiên Đức làm nòng cốt.

Điện chưa thể làm khi nhân lực có chất xám còn ít. Trường học đã được dựng nhiều, chất lượng có thể chưa giống như Chương mong muốn song cải cách cần có thời gian. Chương vẫn đang cho dựng thêm các điểm trường, tiến tới mở các lớp Bình dân học vụ dạy chữ Bụt cho tất cả người dưới ba mươi tuổi.

Trạm y tế hãy còn sơ khai, hai nhà sư đang giúp dạy cho các nữ binh và quân sĩ cách dùng các loại lá, rễ cây hay các loại hạt giã nhuyễn chăm sóc thương binh, gọi là thuốc Nam. Dự kiến sau nửa năm Chương sẽ có những chiến sĩ quân y đầu tiên.

Nhân lực đông đảo, có thể huy động cả vạn người, Chương quyết định bắt tay vào xây dựng đường sá trước tiên. Đường sá thuận lợi trước giúp điều động binh mã do địa hình trải dài. Sau là thông thương giữa các làng với nhau.

Yết Kiêu nhận nhiệm vụ làm bến phà Dâu, phà là các bè tre lớn, chở được pháo, xe ngựa… mỗi phà có sáu guồng xoay với ca bin kín đảm bảo bí mật thiết kế. Mỗi ca bin đều có rìu, xà beng để phòng hữu sự. Bốn phà tre được hoàn thành trong một tháng. Dân qua lại không mất tiền, nửa canh giờ có một chuyến phà qua lại, phà hoạt động từ đầu giờ Mão đến giữa giờ Dậu. Hai đầu bến phà có tháp canh và trại binh, mỗi trại năm mươi binh sĩ kèm bốn pháo tất cả.

Quân cảng nằm ở ngã ba sông Dâu và Thiên Đức với quân số vài trăm người. Tất cả thuyền bè qua lại đều bị kiểm soát.

Chương lệnh bọn Tôn và Thái Hương phao tin về làng Trống, Mái rằng Hàn Thuyên đã đầu quân cho Thiên Gia Bảo Hựu, hiện nắm chức vụ quan trọng. Nho sinh của Thuyên thấy thầy bặt vô âm tín, nay biết tin thầy lần lượt tìm cách trốn sang gần hai chục người.

Nhân sĩ chiếm thiểu số trong vùng Thiên Đức kiểm soát, Chương cần tìm mọi cách tăng cơ học số này lên hàng nghìn. Nông dân đông, một phần nông dân sẽ trở thành công nhân trong các công xưởng như: Đóng tàu, may mặc, làm máy may, lương khô và các xưởng khí cụ, quân khí.



Thương nghiệp có tám thương nhân mới, thêm năm thương nhân nhỏ trong vùng Thiên Đức cùng bốn hào phú muốn tìm cơ hội làm giàu được Cự Lượng đưa về từ bên kia sông Dâu. Tổng cộng 17 thương nhân. Chương họp mặt số thương nhân này, cho biết những ý định cải cách lớn.

Xây dựng công trình quân sự, đường sá, đê điều, tường thành, tháp canh đều cần có xi măng. Bà Lê Thị Vinh nhận nhiệm vụ đi thu mua vỏ sò từ các vùng ven biển cùng đất sét các loại, số lượng càng nhiều càng tốt dưới vỏ bọc là thu mua hải sản, mua đất sét làm gốm. Khu đầm lầy có nhiều đất sét dưới lớp bùn nhưng Chương chưa dùng đến bởi muốn giữ đầm lầy phục vụ phòng thủ.

Xã Chánh Quyền với hai thương nhân Thiên Đức nhận nhiệm vụ thu mua đá vôi cùng các loại đá khác, thêm các loại gỗ tốt, đặc biệt chú ý đến gỗ xoan. Gỗ xoan mua về đốt lò lấy than củi.

Phùng Cát Khánh, Vũ Kiêm cùng một hào phú sẽ chuyên thu mua đồng, sắt, than đá và các loại quặng cần thiết. Ưu tiên mua than đá và sắt.

Bạch Cân cùng ba thương nhân Thiên Đức mua ngựa, trâu, bò, bò lấy sữa, dê, gia súc, gia cầm…

Thành Mậu Cường, Quách Đàm, Trần Thị Bông và ba hào phú mới gia nhập nhận nhiệm vụ mua phân chim, phân rơi, nhựa thông từ khắp các nơi đem về làm phân bón.

Mỗi thương nhân được tặng 20 nén vàng, 50 nén bạc hòng ghi nhận thiện chí. Bên cạnh đó, họ được mượn số vốn ban đầu gồm 100 nén vàng, 300 nén bạc không tính lãi. Số hàng hoá mua về phải đảm bảo đúng yêu cầu số lượng, chất lượng, chủng loại. Lợi nhuận trong năm đầu tiên không được quá 5% sau khi trừ tiền nhân công phải thuê. Bản thân các thương nhân cũng tự tính lương của mình trong phần chi phí. Lương tự trả cho bản thân phải báo cáo vào đầu năm. Sau một năm mà làm không tốt thì tự điều chỉnh lương giảm xuống tương đương với năng lực năm trước đó.

Ngân hàng Thiên Đức do Vương Khang, em vợ của Hàn Thuyên, quản lý nhưng tiền vẫn thông qua bà chúa kho là Duệ. Cô gái nhỏ bé dần nắm kinh tài của toàn quân Thiên Đức, người thuộc quyền Duệ lên đến gần trăm, tất cả đều biết chữ.

Các thương nhân tuy không hiểu hết dụng ý của Chương nhưng xác định tiến không lui. Thứ nữa, việc chưa làm, chưa rõ kết quả đã được tặng tiền bạc, được đối đãi tử tế thì chả lý nào mà không tận hiến. Giai đoạn này họ phải toả ra khắp Vạn Xuân thu mua những thứ được giao. Ngoài những thuộc hạ thân tín đem theo gia quyến đến ở Thiên Đức, họ tuyển thêm người trong vùng đi cùng. Mỗi thương nhân sẽ có ba nữ binh Thần Vũ được Thiên Bình cắt cử giả trang tì nữ làm nhiệm vụ bảo vệ khi họ rời Thiên Đức.



Đây là cơ chế giá·m s·át mà Chương nói với Thiên Bình. Các nữ binh chỉ bảo vệ và sau đó báo cáo lại với Thiên Bình sau mỗi hành trình. Chỉ có những đầu lĩnh mới biết ý định sâu xa trong việc các nữ binh hay nông dân trong vùng theo thương thuyền đi buôn.

Chương dự tính cho làm ba con đường đất có bề ngang chừng 1 trượng 4 thước (khoảng năm mét) kéo dài từ Đường Vỹ đến tận bờ sông Dâu. Chiều dài của mỗi con đường lên đến hai mươi lăm dặm (khoảng hơn 13 cây số).

Con đường đầu tiên lấy tên Thiên Đức sẽ cải tạo, mở rộng, nắn lại cho thẳng đường đất cũ ven bờ sông. Đồng thời, dùng đá vụn, đá hộc các loại làm bờ kè, xây tường cao hơn 4 thước, mặt tường rộng 1 thước ngăn lụt và làm tường thành phòng đối phương đổ quân sang.

Già trẻ lớn bé trong tất cả các làng, lên đến hơn vạn người, được huy động việc làm đường, đắp đê mà không tốn tiền công. Chương thông qua Thiên Đức hội giải thích rõ với các bậc cao niên về lợi ích mà con đường mang lại.

Con đường thứ hai gọi là đường Liên Xã, kết nối các làng với nhau, mặt đường rộng hơn một trượng.

Con đường cuối cùng gọi là đường Linh Sơn vì chạy từ Tam Vạn đến xã Vũ Ninh, song song với chân núi. Đường Linh Sơn và đường Thiên Đức đều được làm gần như thẳng tắp. Việc giải toả không gặp trở ngại, dân tự nguyện giúp, không cần mệnh lệnh đưa xuống.

Có nhiều đường đất thẳng nối đường Linh Sơn với đường Thiên Đức, cắt ngang đường Liên Xã. Nhìn không khác gì bàn cờ tướng. Bên cạnh các con đường đều có hai rãnh nước làm thuỷ lợi, nước cấp từ sông Thiên Đức qua hàng trăm guồng nước. Nước từ trên núi Linh Sơn chảy xuống con suối được đào rãnh cho thoát vào cánh đồng.

Nông dân nhìn là biết sau này thu hoạch sẽ thuận tiện hơn nhiều.

Đường Thiên Đức làm đến đâu được rải đá dăm đến đấy. Tiếp đó, gỗ mua về được chọn ra làm đường ray bằng gỗ đặt giữa tim đường, khổ đường ray rộng 3 thước. Các xe goòng ngựa kéo sẽ chạy trên ray này chở được một hoặc hai pháo tuỳ số ngựa.



Mỗi làng trong vùng cử người đến bản doanh Thiên Đức học cách làm xe goòng. Xe goòng không cần dùng ngựa, cứ hai người đứng hai bên tay đòn cùng kéo, đẩy lên xuống như bơm nước thì xe sẽ chạy, mỗi xe như vậy chở được sáu người và phải đánh số thứ tự cùng với tên làng. Mỗi làng được dùng năm xe, vì ray chỉ có một nên ưu tiên theo thứ tự: Xe của quân, xe chở hàng hoá của dân sau đó mới đến xe chở người. Trường hợp có hai xe đối đầu, xe nào nhẹ hơn sẽ khiêng ra nhường đường.

Đây thực sự là cuộc cách mạng lớn về giao thông mà Chương có thể làm. Thời gian di chuyển từ đầu nọ sang đầu kia được rút ngắn phân nửa. Bộ binh khi cần điều động cũng nhanh hơn. Về sau, đường Linh Sơn hoàn thành chuyên dùng cho việc chở quân, đường Thiên Đức dùng cho giao thương và chỉ sử dụng cho quân sự duy nhất một lần, phát huy hiệu quả đến mức không ngờ.

Bản doanh của Đại đội pháo binh được di rời về gần làng Môn. Pháo được lắp ráp và tập bắn ở đây. Thời điểm cao nhất, bản doanh có đến một trăm năm mươi khẩu hạng nhẹ. Phạm Bạch Hổ cùng Trần Thái Bộc, Dương Cát Lợi, Cao Lịch ngày đêm mày mò cải tiến cho pháo. Đến giữa năm Thiên Đức 26, Chương gợi ý thêm để Hổ hoàn thiện. Cần bắn làm hoàn toàn bằng gỗ, hình dáng y như muôi múc canh. Các mốc 30 - 50 - 70 - 90 - 110 và 130 trượng được vạch sẵn, pháo thủ theo màu cờ của chỉ huy mà lắp đạn, chỉnh tầm bắn.

Vỏ sò, đá vôi, đất sét, sỏi, cát đá các loại được các thương nhân nườm nượp đem đến bán với tốt vì quân Thiên Đức không mua thiếu. Xưởng sản xuất xi măng rộng nghìn mét vuông có mái che được thành hình, xưởng do quân Thiên Đức quản lý. Nhân công là binh sĩ Thiên Đức. Phụ nữ, người lớn tuổi… muốn xin vào làm đều được, điều kiện là nhân thân rõ ràng. Lương công nhật hoặc giao theo khối lượng công việc.

Xi măng làm ra thời kỳ đầu còn chưa đạt do nhiều nguyên nhân, chủ yếu là thiếu máy nghiền đá, bên cạnh đó là tỉ lệ pha trộn. Nửa cuối năm Thiên Đức 26, Chương cho làm con lăn đúc bằng sắt, dùng trâu, bò hoặc ngựa kéo quanh trục như cối xay nên thành phẩm tốt hơn đáng kể.

Giữa năm mưa nhiều, nước sông Thiên Đức dâng cao nhưng không gây ngập úng, dân trong vùng nhận ra tác dụng của bờ tường đá nên nước rút liền thông qua Thiên Đức hội, đề nghị quân Thiên Đức kè đá thêm ở triền đê. Chương đồng ý. Dân đan nhiều sọt tre các loại, đá xếp vào gia cố bờ đê không cho s·ạt l·ở, nhất là những khúc sông uốn lượn.

Dân trong vùng bắt buộc phải nuôi cá, nuôi chim hoặc nuôi lợn, bò… để bán lại cho các thương nhân. Giống do các thương nhân cấp, thu mua tại chuồng không phải tìm nơi bán. Đối với phân chim, dân gom lại theo hướng dẫn, quân Thiên Đức đến đem về hàng tuần, nghe nói để sản xuất phân bón lúa. Đến chuồng nuôi gà, hàng tháng quân Thiên Đức đều đến dọn hộ, chả hiểu họ lấy lớp đất đen sì dính đầy phân gà về làm gì.

Với nhiều cải cách diễn ra cùng lúc, áp dụng cả bắt buộc lẫn tự nguyện với hơn hai vạn. Cuối năm Thiên Đức 26, dân vùng Thiên Đức và Thiên Gia Bảo Hựu được mùa lúa, khoai… thêm việc xuất chuồng đàn lợn chăn nuôi và gia cầm… dân chúng có phần no đủ.

Thông qua Thiên Đức hội, Chương quán triệt dân trong vùng khi có tiền bạc hãy cất giữ hoặc đem đi gửi ngân hàng lấy lãi, cần thì lấy về dùng. Nếu không muốn giữ tiền, hãy mua tích trữ ngũ cốc sau có thể bán lại cho quân. Tuyệt không dùng tiền bạc xây nhà cao cửa lớn vội bởi còn có nạn binh đao. Nhà cao chỉ một mồi lửa tan thành mây khói.

Bách tính có thiểu số không muốn nhưng sống ở đâu phải theo ở đấy. Thuận thì có nhiều cái lợi, không thuận cũng chẳng ai đến bắt hay tịch thu gia sản nhưng muốn bán thứ gì làm ra cũng chả biết bán cho ai. Mùa cấy, mùa gặt hay cần quân giúp việc gì là không được.

Nhìn chung các chính sách Chương đưa ra đều được thực thi, có cái vượt mong đợi, có cái chỉ phân nửa nhưng so với các vùng lân cận thì thực là một trời một vực.