Chương 160: Những người con trở về.
Vài ngày sau, thương thuyền Vạn Xuân của Uyển Như, Cả Lụa được huy động chở vải vóc đến bán cho Sơn Tây vương với giá tốt, sau đó chở hơn một nghìn già trẻ lớn bé về Thiên Đức cùng khoáng vật Sơn Tây vương cho.
Nguyệt dâng thư của Chương lên Sơn Tây vương, trong thư là lời cảm tạ, đồng thời từ chối nhận mỏ vàng mà Sơn Tây vương hứa cho. Chương muốn xin hai mỏ khoáng vật không phải bạc hay vàng. Đổi lại, Chương hẹn sau Tết sẽ giao cho Sơn Tây vương cách thiết kế nỏ Liên Châu vì gấp quá chưa chuẩn bị kịp.
Nhận thấy lời Lý Đạo Thành đã đúng, Sơn Tây vương rất mừng. Ngoài khoáng vật các loại theo thuyền về Thiên Đức, còn có 300 nén vàng, 300 nén bạc cùng 300 hộc ngũ cốc.
Nguyệt liên tục thả chim câu báo tin về bản doanh khi các đoàn thương thuyền nhổ neo. Nguyệt về chuyến cuối cùng với thư của Sơn Tây vương.
Tất cả những người con xa xứ trở về đều không cầm được nước mắt, tưởng chừng họ đã không còn cơ hội thấy quê hương. Sau hơn chục năm, dải đất ven sông nay hoàn toàn khác lạ trong mắt họ. Ngày b·ị b·ắt lính, kẻ đi người ở đều nước mắt ngắn dài, ngày trở về cũng là nước mắt trên bến dưới thuyền, kèm theo những tiếng khóc xé lòng của các ông, các bà nơi bến sông.
Cùng là nước mắt nhưng bây giờ là nước mắt đoàn viên sau nhiều năm xa cách.
Quân sĩ Thiên Đức nhận lệnh ăn vận chỉnh tề, nghiêm trang chào đón những người con xa xứ, cùng với hàng nghìn dân trong vùng đổ ra bến sông nôn nao chờ đợi trong ba ngày.
Dân Đường Vỹ, Long Ngô Động và làng Môn nhốn nháo, thấy con em các làng trở về song con em làng mình vẫn bặt tăm. Họ kéo nhau đến bản doanh Thiên Đức, bà Cả Ngư cũng ở trong số này. Bấy giờ Duệ và Thiên Bình mới nói với bà con, rằng do việc quân cơ, không thể đón cùng lúc hết lượt, dễ bị lộ.
Quân Thần Vũ thay nhau đọc danh tính những người trở về kèm theo vợ, con, đôi khi cả thông gia. Bởi vậy, dân trong ba làng nhấp nhổm không yên, kéo nhau ra bến Huyết đốt lửa chờ dù chiều mai thuyền mới về đến.
Bà Cả Ngư khóc như mưa. Bọn Lam Khuê, Duệ và Thiên Bình thay nhau an ủi. Bà cụ trách Chương biết tin Kình Ngư từ đầu năm mà giấu biệt, nay cho Nguyệt đi đón về bà cũng không hay. Bà cụ giận nhưng Chương thản nhiên như không, cười cười nói nói đến gặp, vừa ngồi ăn cơm vừa nghe bà cụ mát mẻ đến mỏi miệng thì về.
-Anh ấy có khi còn vui hơn bà vì sau gần ba năm trời, cuối cùng anh ấy đã trả ơn được bà phần nào. Mấy hôm nay anh ấy cười suốt. - Duệ thủ thỉ. - Anh ấy nói sớm sợ bà ngóng trông, ăn không ngon ngủ không yên đổ bệnh lại khổ.
-Để cứu được anh Ngư và mọi người về đây, anh Chương phải đổi bí mật của nỏ Liên Châu cho Sơn Tây vương đấy bà ạ. Bà đừng giận ấy anh ấy. - Thiên Bình nói thêm. - Giờ bà ăn no ngủ kỹ, chiều mai là được gặp cháu nội nữa cơ.
-Từ mai bọn cháu ra rìa cả. - Lam Khuê vừa cười vừa nói. - Vèo một cái bà có con dâu với hai cháu nội. Bà nên tính xem nấu gì thết đãi chúng chứ.
Thế là bà cụ chả còn tâm trí đâu mà giận nhưng cả đêm thao thức chờ trời sáng.
Dân ba làng tụ tập hết cả ở bến Huyết, khi thấy thương thuyền từ xa, họ thi nhau vẫy tay reo hò vang dậy một khúc sông, thét gọi tên con cháu nhà mình đến lạc giọng. Những đứa bé trên thuyền ngơ ngác trong khi cha, ông của chúng người nào người nấy không giữ được xúc động, nước mắt cứ thế chảy ra.
Bà Cả Ngư khóc không thành tiếng, giọng khàn đặc, ôm chặt đứa con trai xa cách hơn chục năm, như thể chỉ cần bà nới tay, con trai sẽ lại đi mất. Chả riêng bà Cả Ngư mà bất kỳ người mẹ, người vợ nào trên bến sông lúc ấy cũng vậy cả.
Những người con, người ông, người cha bị vây kín, ngập trong các câu hỏi mà không thể trả lời được ai, chỉ cười và gật đầu trong nước mắt.
Chương thấy Nguyệt trên thuyền, vỗ vai Cự Lượng cười:
-Giao lại cho anh nhé, bố vợ, anh vợ, chị dâu của anh cả.
-Thầy đi đâu?
-Ta không chịu được những cảnh uỷ mị, chả lẽ anh muốn mọi người nhìn thấy ta khóc chắc. Xin kiếu.
Nguyệt dẫn Cự Lượng đến ra mắt cha, anh và chị dâu, những cái ôm thay cho lời hỏi thăm nhau từ những người chưa gặp mặt.
Quân sĩ Thiên Đức giúp đem đồ đạc của mọi người về tận nhà rồi lui. Dành không gian riêng cho dân trong ba làng. Ba cô gái, thiếu Uyển Như, đến chung vui với bà Cả Ngư. Chương lấy lý do bận việc trong Nhất Vạn tránh mặt. Thực tế Chương nằm trên thảm cỏ ven bờ sông thả hồn theo những cơn gió lạnh mà trong lòng ấm áp lạ thường. Bởi ý nguyện đầu tiên đã đạt được, cậu muốn gặm nhấm niềm vui một mình, cũng muốn gia đình bà Cả Ngư sum họp cho thoả bao ngày nhớ mong. Cậu đến lại rườm rà.
Uyển Như im lặng ngồi bên cạnh Chương không nói. Mấy cô nàng dần hiểu tính Chương, khi đạt được thành quả gì đó thường thích ở một mình, bởi vậy cắt cử nhau để ý. Thường các cô hay pha trà, để hoa quả kèm bát cơm, canh rau muống hay dưa gang phơi khô trên bàn, khi nào đói Chương tự ăn chứ nhắc cũng thừa.
Sớm hôm sau Chương đến nhà bà Cả Ngư một mình, thấy một phụ nữ đang quét sân bèn chào ngọt sớt:
-Chị mới ở xa về hãy còn mệt sao sớm ra đã quét tước làm gì.
-Chào cậu, chả hay cậu tìm ai?
-Dạ, em nghe ông Lăng với anh Ngư mới về nên đến chơi chị ạ.
-Vâng, mời cậu vào nhà xơi nước.
Bà Cả Ngư và Kình Ngư thấy có người đến chia vui liền bước ra cửa, nhận ra Chương, bà cụ hỏi:
-Tối hôm qua mày về muộn lắm hay sao, tao chờ mày mãi. Đây là thằng Chương.
Chương tươi cười, cúi đầu chào bà cụ và Kình Ngư sau đó là ông Lăng.
-Giờ cháu đến rồi đây.
Ông Ngư, Kình Ngư và vợ, gọi là chị Ngư liền thay đổi thái độ, niềm nở mời cậu vào nhà. Kình Ngư rót trà mời Chương.
-Mời Mạc chủ tướng uống nước.
Chương giơ hay tay đón chén trà vào bảo:
-Ông với anh chị cứ tự nhiên đi, nhà mình ngồi cả đi. Em là con cháu trong nhà chứ có phải là vương là tướng gì. Anh cứ ngồi đi, ông ngồi đi.
-Vâng, vâng. Tạ ơn chủ tướng.
-Chủ tướng hay gì em để ngoài cổng, anh cứ gọi em là Chương, chứ cứ chủ tướng thế này em ngại sao dám đến.
-Thằng Chương nói vậy rồi nhà mình đừng có làm khó nó. Làng này các ông các bà đều gọi nó là thằng Chương cả. Quân của nó mới gọi nó là chủ tướng thôi.
-Bà nói đúng rồi đấy, từ từ ông với anh Ngư sẽ quen ấy mà. Ông với anh chị cứ nghỉ ngơi thêm đi, qua Tết bắt tay vào cày cấy. Nhìn bà vui thế này em yên tâm. Thế bà còn giận cháu nữa không nhỉ?
-Mày còn hỏi kháy thân già này nữa. Thôi, anh em chúng bay ngồi uống nước, để tao làm cái gì cho mà ăn. Giờ này chắc mấy cô tiên nữ nhà mày chưa cho mày ăn đúng chứ?
-Lạnh thế này, cháu lại được cái lười ăn nên để các cô ấy ngủ bà ạ.
-Mày cứ chiều chúng nó quá có ngày mày khổ thôi con ạ.
Chương nghe vậy chỉ cười tít mắt. Bà Cả Ngư và con dâu xuống bếp, còn lại ba người đàn ông. Sau những lời cảm ơn qua lại theo lẽ cần phải có, cũng thân tình hơn đôi chút, Kình Ngư rụt rè đề nghị:
-Anh em trước khi về đây đã một lòng muốn xin vào quân Thiên Đức. Ngư này còn có cơ hội gặp lại mẹ già em nhỏ đều nhờ ơn của cậu. Hôm nay cậu chưa đến thì Ngư cùng anh em đến quân doanh, trước tạ ơn Thiên Đức quân sau là xin làm lính. Thật Ngư tôi…
Chương vội nói:
-Anh mới về cứ tranh thủ nghỉ ngơi ít bữa. Anh em nào muốn vào quân cứ gặp cô Duệ trình bày. Giờ anh về rồi thực em cũng mừng. Chuyện xưa chuyện nay chắc bà đã nói với anh cả rồi, em cũng mong ông và anh đây coi em là con cháu trong nhà. Chúng ta tuy không ruột thịt nhưng đùm bọc nhau, anh đừng nghĩ ngợi nhiều.
-Ngư tôi đã nghe em Nguyệt nói cả rồi, cậu là thầy của nó, lại thay Ngư tôi chăm sóc mẹ già. Ngư tôi và cha giờ được ngồi đây đều do một tay cậu cả. Xin hãy nhận của Ngư một lạy.
-Ấy ấy! Anh đừng làm thế. Bà không lôi em về chắc em mất xác từ đời nào rồi, ơn đấy mới là ơn lớn. - Chương vỗ nhẹ vào tay Kình Ngư. - Mà nhà khi xưa của anh bây giờ bị quân Thiên Đức chiếm mất rồi, trả anh cũng khó.
-Cậu Chương lại đùa. Mẹ đã nói với tôi rằng cậu chọn nhà ấy làm nơi tiếp thượng khách, thật không chỉ riêng Ngư tôi mà anh em khi nghe vậy đều cho cậu là người nhân nghĩa, trọng tình. Cậu làm cái nhà này to đẹp hơn cho mẹ, cha và Ngư tôi đội ơn còn không hết.
Bà Cả Ngư dọn cơm, bữa cơm có thịt gà thết đãi Chương. Chưa ai kịp đụng đũa thì bốn cô tiên kéo nhau đến ăn chực. Bữa sáng đột xuất tràn ngập tiếng cười nói.
Sớm hôm sau hơn bốn trăm người trở về cùng gia quyến, họ tộc kéo đến trước bản doanh Thiên Đức với quà cáp là lồng gà, đôi lợn, mâm xôi, hoa quả đủ cả. Chương mời tất cả vào bản doanh, thay mặt ba quân tướng sĩ nhận lời cảm ơn của mọi người, nhận người, nhận xôi, nhận hoa quả. Còn gà, vịt, lợn, ngan thì Chương từ chối khéo bằng cách nhờ bà con nuôi hộ cho đẻ thêm nhiều trứng, nhiều gà sẽ nhận sau.
Hơn bốn trăm người đều được nhận vào quân nhưng mùng 5 Tết mới phải trình diện.
Do tình tình thực tế, Chương chưa thể thực hiện lời hứa với hai cô vợ chưa cưới, song cậu ấn định ngày mùng 3 Tết làm lễ ăn hỏi với Thiên Bình và Duệ. Bà Cả Ngư và ông Lăng một lần nữa đến Lâm gia phủ đem lễ vật ăn hỏi.
Lý phủ ở Siêu Loại sớm mùng 1 lại có lễ vật ăn hỏi khiến Lý An phải suy nghĩ một cách nghiêm túc về số phận nghĩa nữ bặt vô âm tín. Vợ Lý An lại đến chùa Diên Ứng bốc quẻ, Thiền sư Sùng Phạm giải quẻ bảo rằng quẻ số nói Lý phủ năm nay tin vui nhiều hơn tin buồn và vẫn cứ là nữ nhân đỡ vận hạn cho.
-Số bà chắc chắn sẽ là dưỡng mẫu của Ái phi, quẻ năm nay còn rõ hơn quẻ năm trước.
-Thưa thầy, con chỉ có một nghĩa nữ tên huý Trịnh Lam Khuê đã m·ất m·ạng vì nghĩa. Thầy xem kỹ hộ con.
Thiền sư Sùng Phạm khẽ lắc đầu:
-Nghĩa nữ của bà vẫn còn, vận số rất xán lạn. Năm nay nghĩa nữ của bà còn có tin vui sao lại m·ất m·ạng được? Người này là quý nhân của phủ, tai kiếp của Lý phủ theo đó mà tan. Chả phải hôm nay quý phủ có hỉ sự hay sao?
-Thưa thầy, ngày đầu năm ngoái và… và sớm nay đều có lễ vật gửi đến nhưng không rõ của ai. Lễ vật sớm nay là lễ ăn hỏi ạ.
-Như vậy là rõ rồi, nghĩa nữ của bà đã tự gả cho người ta. Vì lý do nào đó mà tế tử chưa lộ mặt, chuyện này với quý phủ mà nói là chuyện tốt. Có khi… còn tốt với cả dân Siêu Loại.
Lý phu nhân bán tín bán nghi, xin rút một quẻ nữa nhưng lạ thay vẫn rút đúng quẻ trước đó.
-A di đà Phật, số trời đã định.
-Sao có thể như vậy ạ? Bạch thầy, thầy có thể nói rõ hơn giúp nhà con không?
-Lý phu nhân, bà là người nhân hậu. Lão nạp biết đến đâu đều đã nói với bà cả rồi. Bà nhất định là dưỡng mẫu của Ái phi, dân Siêu Loại này phải mang ơn bà. Nhờ bà nuôi nấng dạy dỗ Ái phi mà Siêu Loại nhiều người còn thấy ngày mai. Chuyện tốt, chuyện tốt, bà đừng lo.
-Chả lẽ nghĩa nữ của con đã thành thân với vua?
-Thế thời thời thế, con tạo xoay vần, thiên cơ bất khả lộ. Bà cứ an lòng.
Lý An nghe vợ thuật lại cũng bỏ ngoài tai vì cuối năm vừa rồi chẳng có sự biến gì trong phủ và nghĩa nữ trở thành Ái phi? Mười phần chỉ có trong mộng tưởng.