Chương 247: An trí Lý Lệnh công
Chương thẳng bước đến Lý gia trang ở ấp Cồi. Mới bước qua cổng chính anh giật mình thất kinh khi Lý Lệnh công đang quỳ gối chờ sẵn, già trẻ lớn bé quỳ theo hàng lối phía sau. Chương quay ra hỏi Phạm Cự Lượng:
-Các anh có phổ biến với Lý Lệnh công việc quỳ gối như vậy là sai không?
-Thưa Vương, chúng tôi đã nói rất rõ.
Duệ nhanh chân bước đến bên cạnh Lý Lệnh công, nói nhỏ:
-Lệnh công, ngài muốn hại c·hết anh em binh sĩ hay sao mà quỳ gối nơi đây? Mau đứng dậy, đứng lên.
Duệ đỡ Lý Lệnh công đứng dậy, gia quyến cũng làm theo. Bấy giờ Chương mới bước đến gần. Lý Lệnh công lại vòng hai tay ra trước mặt, định cúi người thi lễ, Chương đỡ lấy, hạ giọng nói:
-Lý đại nhân, trời nắng thế này ông bắt con cháu quỳ gối như vậy liệu có đáng không?
-Bẩm Vương, lão phu tội đáng muôn c·hết, thật không biết phải làm gì. Nay Vương hạ cố đến gia trang, lão phu dẫn già trẻ trai gái hơn trăm người quỳ gối đợi ngài, muốn tạ ơn ngài đã đối đãi tử tế trong cả tháng qua mà thôi.
-Được rồi, có gì chúng ta vào nhà hãy nói. Những người đây đều là con cháu của Lý đại nhân ư?
-Dạ bẩm, lão phu có 5 bà vợ, bốn bà theo về. Mậu phu nhân nhất quyết không theo nên lão cũng chẳng biết phải làm sao, mong Vương thứ tội.
-Lý đại nhân có những năm bà cơ à? - Chương tỏ ra ngạc nhiên. - Ta mới chỉ có 4, nhìn con cháu Lý đại nhân đông đúc như thế này, ta nhất định phải lấy thêm dăm bà nữa hối thúc đẻ cho mau mới được.
Đoạn Chương mời Lý Lệnh công trở vào nhà. Cự Lượng và Duệ đi trước mở đường, tả hữu theo sau cùng gia quyến.
Chương ngồi vào ghế ở giữa, Lý Lệnh công và gia quyến đều ngồi cả. Người nào người nấy len lén nhìn người sẽ quyết định tính mạng của họ. Duệ đứng bên tả, Cự Lượng đứng bên hữu, bọn Trương Văn Long và Lạc Thổ chia hai bên cùng đứng sau gia quyến. Lý Lệnh công nhìn thấy sắp xếp như vậy có phần ái ngại, cơ hồ chờ Vạn Thắng vương hạ lệnh, những thanh đoản đao sẽ nhất loạt hạ xuống.
Đoán biết suy nghĩ của Lý Lệnh công và những người khác, Chương nói:
-Hôm nay ta đến đây không phải để lấy mạng mọi người, mà đến lắng nghe tâm tư, nguyện vọng sau đó sắp đặt mọi sự cho yên. Chuyện gì ở bên Tế Giang hãy để lại Tế Giang, Lý đại nhân và mọi người ở đây là những người Thiên Đức, hãy nhớ điều đó là được.
-Thưa Vương, lão phu hèn nhát mà chạy trốn, khiến Vương lao tâm khổ tứ cho người đến bắt về. Tội này của lão phu rất lớn, lão phu xin nhận mọi h·ình p·hạt, chỉ mong Vương có lòng nhân từ xin tha cho già trẻ trong nhà một mạng.
Chương nhìn Lý Lệnh công, giọng ôn tồn:
-Lý đại nhân nói có chỗ chưa đúng nên ta đính chính. Thứ nhất, đại nhân là dân Siêu Loại cũ, dân đẻ ra quân, có quân mới sinh tướng, có tướng mới có soái, có soái mới có vương. Đại nhân là dân Siêu Loại cớ sao phải nương nhờ Tế Giang. Đất này là của bách tính, gia trang này của đại nhân, xưa nay vốn là vậy. Ta đòi người về vì lẽ ấy chứ không đòi về để hạch tội.
Chương nhìn gia quyến của Lý Lệnh công một lượt, nói tiếp:
-Thứ hai, ông Lý An, họ tộc của Lý đại nhân đây đang là nhạc phụ của ta. Ông ấy cũng vừa cầm quân, chỉ dạy tướng sĩ, chẳng có công lao cũng có khổ lao. Quân Thiên Đức vốn có lệ, gia quyến tướng sĩ là gia quyến của quân Thiên Đức. Lý đại nhân là thúc bá của nhạc phụ ta, chính là gia quyến của quân Thiên Đức.
Chương quay ra hỏi Duệ:
-Ta nói như vậy liệu có phải không, Huyện trưởng?
-Vạn Thắng vương nói đúng. Bẩm Vương, theo tôi được biết, Tổng Tư lệnh chiến dịch, Lý An Lý tổng khi đòi người từ La phủ không bắt trói. Từ ngày Lý đại nhân và gia quyến về gia trang cũng chưa ai làm khó dễ.
Chương cười, nói với Lý Lệnh công:
-Đại nhân nghe rõ cả rồi chứ?
-Bẩm Vương, lão phu đã nghe rõ cả. Thay mặt gia quyến, lão phu đội ơn Vương đã bỏ qua cho những lỗi lầm từng phạm phải.
Chương nghe vậy liền gạt đi:
-Thôi, cái gì trước đây bỏ qua hết. Lý đại nhân là người Thiên Đức mới, từ bây giờ đại nhân và gia quyến là những người tự do, muốn làm gì, đi đâu đều được cả. Nay mai ta khánh thành làng Vạn Xuân, mong Lý đại nhân đến thăm tệ xá.
Đoạn Chương nói với Phạm Cự Lượng:
-Anh Lượng cho mở một lối chính từ ấp Cồi nhé, ta từ Ngõ Dưới đến đây thực thấy xa lắm.
Cự Lượng tuân lệnh. Chương gọi Võ Văn Dũng đang đứng gần cửa đến và bảo:
-Anh Dũng cấp giấy tờ cho gia quyến trong Lý gia trang giúp ta, làm sớm nhé. Lý đại nhân tuổi cao sức yếu, muốn đi đâu nhớ sắp xếp hai cô gái theo giúp việc giấy tờ. Bà con cô bác Thiên Đức đến thăm Lý đại nhân là quyền của họ.
Võ Văn Dũng tuân lệnh. Chương gọi Trương Văn Long lại và dặn:
-Anh nói với anh em, ai muốn đến Lý gia trang uống trà thăm hỏi sức khoẻ Lý đại nhân cứ thoải mái. Anh mà ngăn cản, dân họ phàn nàn ta sẽ nhè đầu anh mà trách tội.
Gia quyến Lý Lệnh công đem tay nải lớn nhỏ đặt hết lên mặt bàn, Chương có chút ngạc nhiên. Lý Lệnh công nói:
-Bẩm Vương, đây là số của cải còn lại mà lão phu đem theo sang Tế Giang, xin nộp lại cho Vương.
Chương nói:
-Quân Thiên Đức không lấy của cải của dân, mong Lý đại nhân hiểu cho. Ta ghi nhận ý tốt của đại nhân.
Chương quay sang nói với Duệ:
-Huyện trưởng đại nhân, Lý đại nhân và bốn phu nhân tuổi đều đã cao, lại từng có ơn với bách tính Siêu Loại cũ. Ta thiết nghĩ Huyện trưởng đại nhân cũng làm sao cho phải chứ?
Duệ đáp:
-Bẩm Vương, tôi đã thảo sẵn công văn, kể từ tháng này, Lý đại nhân và bốn vị phu nhân mỗi tháng sẽ nhận tổng cộng 50 nén bạc để chi dùng.
Lý Lệnh công ngạc nhiên rồi tạ ơn tấm lòng của Chương. Gia quyến cũng theo đó đứng dậy đưa tay trái lên ngực cúi đầu. Chương hỏi Lý Lệnh công:
-Nãy giờ hỏi chuyện mà ta chưa được biết lệnh lang, lệnh ái của Lý đại nhân. Ta nghe nhạc phụ ta nói lệnh lang, lệnh ái của Lý đại nhân đều tài trí hơn người, chả hay Lý đại nhân có thể giới thiệu giúp ta được không?
Lý Lệnh công đứng dậy lần lượt giới thiệu với Chương 4 phu nhân, tiếp đó là con cháu. Trong số con cháu lớn bé của Lý Lệnh công, Chương đã để ý đến một số người trong danh sách mà Duệ đưa từ trước.
Lý Tài, 39 tuổi, con trai út của Lý Lệnh công. Lý Tài văn hay chữ tốt, nhiều năm cai quản sổ sách giấy tờ, tiền bạc trong Lý gia trang.
Lý Nhân, 29 tuổi, cháu đích tôn của Lý Lệnh công là người thông minh, có học võ nghệ song chỉ đủ phòng thân, không thích đao kiếm. Từng kết giao với bọn Vũ Trinh, Lê Văn Thịnh. Lý Nhân từng được Lý Lệnh công và cha, Lý Bưu đã mất, rèn giũa hòng sau nối nghiệp cai quản đất Siêu Loại. Theo Lý An cho biết, Lý Nhân tính tình điềm đạm, có lòng nhân nghĩa.
Lý Ngọc Mai, 21 tuổi, con gái Lý Lệnh công với bà vợ thứ năm. Cô này làu kinh sử, gương mặt thanh tú, đoan trang.
Lý Hữu Thiện, 21 tuổi, cháu trai Lý Lệnh công, người này ham mê sách y thuật. Lý Lệnh công từng mời nhiều thầy về dạy.
Lý Phúc Điền, 19 tuổi, em của Lý Ngọc Mai. Lý Phúc Điền thích trồng trọt, câu cá, không màng chính sự. Trước đây Phúc Điền thường giao du với nông dân hoặc con nhà nông.
Lưu Chấn Minh, 22 tuổi, cháu ngoại Lý Lệnh công, chàng trai này từng buôn bán vải vóc với ông Cả Lụa một thời gian ngắn, thích ngao du, kết giao bất kể sang hèn.
Trình Liên Hạ, 17 tuổi, cháu ngoại Lý Lệnh công, thông chữ nghĩa nhưng thích đao cung, từng nhiều lần được Lý An chỉ dạy mấy năm trước.
Lý Thái Dương, 17 tuổi, con trai Lý Tài, biết chữ nghĩa, hoạt bát nhanh nhẹn, thích cung kiếm, đam mê binh pháp.
Lý Lệnh công giới thiệu đến ai, Chương tiến đến bắt tay từng người với nụ cười hiền lành thường trực trên môi trong những ánh mắt ngạc nhiên của hết thảy mọi người có mặt.
Xong xuôi, Chương hỏi chuyện vài người và hỏi nhiều hơn với những cá nhân anh nhắm đến từ trước. Chương hỏi Lý Tài:
-Lý Tài Lý thúc thúc thì ta nghe nhạc phụ nhắc nhiều. Chẳng giấu gì Lý thúc thúc, Thiên Đức mới tiếp quản huyện Kim Động, một vùng đất khá lớn nằm ở Đông Bắc của Tế Giang, dân ước hơn 4 vạn. Chức Huyện trưởng cai quản nơi đó ta giao cho Bùi Quốc Khái, chẳng hay Lý thúc thúc có biết người đó không?
-Thưa Vương, tại hạ có được hân hạnh biết Bùi đại nhân. Trước đây nhiều lần cùng thưởng trà đối thơ.
-Ta muốn mời Lý thúc thúc làm Huyện phó huyện Kim Động, cai quản thư khố, nhân khẩu trong huyện. Chả hay có được không?
-Tạ ơn Vương, Vương đã có lòng tin dùng, tại hạ xin tuân mệnh.
Chương lần lượt hỏi mấy người còn lại, chẳng ai từ chối. Thoát được c·ái c·hết lơ lửng trên đầu bấy lâu, nay được bố trí công việc, dù chưa biết sẽ làm gì nhưng cũng vì vậy mà yên lòng.
Lưu Chấn Minh được bố trí vào Ty Thương nghiệp, trông coi buôn bán vải vóc, mua bán quân trang quân phục cho binh sĩ.
Lý Phúc Điền được bổ vào nhân sự Ty Nông nghiệp.
Lý Hữu Thiện sẽ giúp việc cho hai vị cao tăng và trường y thuật.
Bổ nhiệm Lý Nhân làm Phó ty Giáo dục đang để trống.
Lý Ngọc Mai vào làm ở Ty Thông tin. Trình Liên Hạ và Lý Thái Dương theo học trường quân sự, định hướng trở thành chỉ huy trong quân.
Lý Lệnh công và gia quyến theo tiễn Chương đến tận cổng gia trang, nhất loạt cúi đầu chào theo lệ mới ở Thiên Đức. Chương cũng mời Lý Lệnh công và Lý Tài cùng những người khác đến Lý phủ dự tiệc mừng công. Chương và đoàn tuỳ tùng đi khuất rồi, Lý Lệnh công dẫn con cháu trở vào trang, khẽ thở dài chép miệng nói với Lý Tài:
-Con gắng làm cho tốt, cẩn trọng lời ăn tiếng nói, tụ tập kết giao với ai cũng được nhưng tuyệt không được bàn định đến việc quân tình không hoạ sát thân đấy con ạ. Kẻ làm Vương tuổi mới ngoài đôi mươi mà cư xử khéo léo khoan hoà như vậy đừng tưởng dễ. Lý An từng căn dặn, làm sai không sao, làm chưa tốt không sao nhưng có ý phản nghịch thì hoạ sát thân khó tránh.
Con cháu trong Lý gia trang đều được căn dặn kỹ, không được nhắc đến những chuyện xưa cũ, và rằng người trong Lý gia trang cũng như bao bách tính phủ Thiên Đức.
-Hoạ từ miệng mà ra cả, các con hãy nhớ. Người ta dùng mình ngoài bản thân mình có ích, họ cũng muốn bách tính nhìn vào để thấy lòng nhân của bậc đế vương. Các con làm hay sống cứ tuân theo lệ mới ắt không ai đụng đến.
Lý An thường đến ấp Cồi thăm Lý Lệnh công, có khi ở lại chơi qua đêm. Thảng hoặc, Lý An đem cả Thiên Kim theo cùng. Bọn Trương Văn Long hay Hoàng Thái Công chỉ đến thăm khi có Lý An, còn như có việc cần đến, dù công nay tư đều rủ thêm bọn Lạc Thổ, Cự Lượng hoặc một ai đó khác. Chương không căn dặn điều này mà chính Phạm Cự Lượng nói với Trương Văn Long. Người mách Lượng dĩ nhiên là Nguyệt.
Bách tính, nhân sĩ tri thức Thiên Đức biết Lý Lệnh công không bị hạch tội, trong nhà không ai bị hại, hàng tháng nhận bạc từ huyện Thừa Thiên, con cháu làm trong quân, con út làm Huyện phó thì đều cho rằng Vạn Thắng vương khoan thứ, đối đãi với người cũ trọng thị đúng là người có lòng nhân.
Những ngọn lửa âm ỉ trong giới nhân sĩ trí thức theo thời gian mà tàn lụi, chẳng ai còn dám bàn tán nữa dù Chương chẳng ban bố lệnh cấm nào. Đơn giản là vì không còn ai muốn nghe thì nói với ai đây?