Chương 274: Thôn Thuỷ Đường
Kế Nguyên hỏi Trưởng làng:
-Ông Trưởng làng đây họ Tạ phải không?
-Bẩm, đúng ạ.
-Làng ta họ Tạ có bao nhiêu nhà, thưa ông?
-Bẩm, Lý đại nhân, họ Tạ có cả thảy hai mươi mốt nóc nhà với tám mươi hai khẩu.
-Chả hay ông Trưởng làng có biết một bà Tạ thị tên huý là Diệu không?
Nét mặt Tạ Khôn thoáng thay đổi, ông đáp:
-Bẩm Lý đại nhân, Tạ Thị Diệu là gia muội của thảo dân nhưng đã biệt tích hơn mấy mươi năm nay.
-Có phải bà Tạ Thị Diệu làm dâu nhà họ Nguyễn trong làng, chồng là ông Nguyễn Đê đã mất hơn hai chục năm không?
Bấy giờ Tạ Khôn mới thẳng lưng, ngẩng lên nhìn Lý Kế Nguyên, ông đáp:
-Dạ bẩm, đúng là như vậy. Thưa Lý đại nhân, chả hay thảo dân có thể giúp gì cho ngài?
Lý Kế Nguyên nghe vậy lấy làm mừng, bèn hỏi luôn:
-Vậy gia quyến nhà ông Nguyễn Đê còn hay mất? Có ở trong làng ta không?
-Bẩm Lý đại nhân, Nguyễn Đê có gia quyến là Nguyễn Sông, con cháu Nguyễn Sông vẫn ở trong làng.
-Phiền ông Trưởng làng đưa chúng ta đến nhà ông Nguyễn Sông đó nhé?
-Dạ bẩm…
Tạ Khôn quay lại nhìn một lượt, một người đàn ông từ đám đông chậm rãi chen chân lên, người con trai cạnh bên. Hai người nhìn Lý Kế Nguyên với ánh mắt lấm lét, sợ sệt. Phạm Ngũ Lão chợt bước đến bên cạnh Kế Nguyên, chỉ vào người đàn ông và nói:
-Anh kia chả phải từng là hàng binh ở thành Kinh Môn sao?
Người đàn ông đó chính là Nguyễn Rô, Rô vội quỳ sụp xuống chắp tay vái như tế sao:
-Xin quan tha mạng, con về làng lo cấy cày chứ không dám đi đâu, cũng không theo Lê Đại tướng quân đâu ạ.
Lý Kế Nguyên bước nhanh đến, kéo Nguyễn Rô đứng dậy, vỗ vai Rô vài cái và bảo:
-Chúng tôi có đến bắt vạ gì anh đâu mà anh làm vậy, chỉ là trùng hợp thôi. Tôi đang tìm gia quyến của ông Nguyễn Đê.
Nguyễn Rô chắp ray run lẩy bẩy thưa rằng:
-Bẩm ngài, cha… đây là cha của… của thảo dân ạ. Thảo dân là Nguyễn Rô, cha thảo dân là Nguyễn Sông. Dạ bẩm, Nguyễn Đê là chú ruột của thảo dân.
Kế Nguyên thoáng ngạc nhiên, quay ra nhìn ông cụ đang có phần run sợ. Tạ Khôn bước đến bên, thưa rằng:
-Bẩm Lý đại nhân, đây là ông Nguyễn Sông mà đại nhân cần tìm.
Nguyễn Đê định quỳ sụp xuống, Phạm Ngũ Lão bước nhanh đến, cùng Kế Nguyên đỡ cho đứng vững. Cả hai mừng rỡ nói:
-Vậy ra đây là bác Sông, thật may quá, may quá. Chúng cháu không ngờ gia quyến của bác Đê và bác Diệu vẫn còn ở làng. Gặp được bác còn mạnh khoẻ thế này thật chẳng vui nào bằng, tốt quá.
Nguyễn Sông run rẩy hỏi:
-Thưa hai quan, thảo dân thật là Nguyễn Sông, người làng Thuỷ Đường. Quan nhân tìm thảo dân có việc gì dạy bảo ạ?
Lý Kế Nguyên và Phạm Ngũ Lão đỡ Nguyễn Sông ngồi luôn xuống thúng thóc vì chân ông run đứng không vững. Đoạn hai người chân chống chân quỳ bên cạnh, vẻ mặt rạng rỡ giới thiệu:
-Cháu tên Nguyên, còn đây là Ngũ Lão. Bác đừng sợ, chúng cháu đến tìm bác là để báo tin vui, không có chuyện gì đâu.
Đoạn rồi Lý Kế Nguyên đứng dậy nói lớn:
-Thưa các bậc hương thân phụ lão, bà con cô bác thôn Thuỷ Đường. Tôi là Lý Kế Nguyên, vâng mệnh Vạn Thắng vương đến thôn ta tìm gia quyến của Thần phi. Xin bà con đừng lo sợ.
Dân làng ngơ ngác nhìn nhau, Kế Nguyên nói cặn kẽ cho mọi người cùng tỏ:
-Thưa các ông bà! Bác trai Nguyễn Đê và bác gái Tạ Thị Diệu vốn con dân làng Thuỷ Đường. Bác Đê từng là thân tín của Tả Đô đốc Phạm Tu, bác chẳng may mất sớm. Bác gái Tạ Thị Diệu ở vậy nuôi con gái khôn lớn, bác Diệu đã mất được 12 năm, an táng tại huyện Thiên Đức. Con gái của bác Đê là Nguyễn Diệu Huyền tài trí hơn vạn người, là bậc tuyệt sắc giai nhân, bách tính Thiên Đức ai ai cũng biết. Sáu năm trước, Nguyễn Diệu Huyền gặp Vạn Thắng vương, nàng ấy ngày đêm quán xuyến, lo việc trong ngoài giúp Vạn Thắng vương gầy dựng cơ đồ như này nay. Vạn Thắng vương ngay khi lên ngôi đã lập nàng Nguyễn Diệu Huyền, con gái làng Thuỷ Đường, làm Thần phi. Ngày hôm nay chúng tôi vâng mệnh Vạn Thắng vương tìm đến làng ta, trước là tra gốc tích, tìm nguồn cội của người mà Vương hết mực thương yêu, sau là chuẩn bị mọi sự để Vạn Thắng vương và Thần phi đưa bác Tạ Thị Diệu về an nghỉ bên cạnh bác Nguyễn Đê. Kính mong bà con cô bác làng Thuỷ Đường giúp cho chúng tôi.
Bấy giờ già trẻ gái trai mới nhao nhao lên. Tạ Khôn đứng không vững, vớ lấy gậy tre tiến đến, nắm cánh tay Lý Kế Nguyên, nước mắt rưng rưng:
-Đại… đại nhân… đại nhân… ngài không nói đùa chứ? Cháu… cháu gái ta là Thần phi của Vạn Thắng vương? Có thật không?
Nguyễn Sông được con trai xốc nách đứng dậy, cũng vịn vào tay còn lại của Kế Nguyên mà hỏi, giọng đầy xúc động:
-Cháu ta… cháu ta còn… còn sống sao? Trời ơi! Bấy lâu nay… ta tưởng nó đã mất, ta… ta còn lập ban thờ, trời ơi. Đại nhân… đại nhân không nhầm chứ?
Lý Kế Nguyên cười mà đáp rằng:
-Nhầm sao được mà nhầm ạ? Cháu đây lớn lên cùng Thần phi.
Đoạn Kế Nguyên ngoái lại hỏi binh sĩ:
-Này các cậu, chúng ta có nhầm không hả?
Binh sĩ đồng thanh đáp:
-Không nhầm!
Kế Nguyên cười tươi:
-Đó! Sao mà nhầm được. Đúng ra bọn cháu nên đến sớm hơn nhưng việc công chưa xong, nay xong rồi mới làm việc tư là thế.
Tạ Khôn và những người họ Tạ nước mắt ngắn dài khóc rống lên. Nguyễn Sông cũng ngồi thừ xuống thúng thóc mà khóc, hai hàng lệ lăn dài trên khuôn mặt nhăn nheo, khắc khổ. Dân làng ai nấy đều bùi ngùi, họ nhất thời chưa biết phải làm sao cho đúng.
Phạm Ngũ Lão thấy Nguyễn Rô đứng bần thần, vỗ vai mấy cái, lắc mạnh rồi bảo:
-Sao hả? Giờ hay biết mình cầm giáo chống lại em gái, ông anh nghĩ sao?
-Bẩm… thưa… thưa đại nhân…
-Anh đừng có sợ hãi gì, trước đây chúng ta chưa biết nhau, chúng tôi vẫn đối đãi bình thường. Nay em gái anh là Thần phi, anh còn lo sợ điều gì?
-Bẩm đại nhân. - Nguyễn Rô lúng túng. - Thảo dân chưa từng gặp Thần phi.
-Anh là trưởng nam trong nhà?
-Thưa vâng.
-Các cụ đương xúc động, anh mau đưa chúng tôi về nhà thắp nén hương trước đã, mọi chuyện tính sau.
-Thưa vâng, vâng, mời đại nhân đi lối này.
Lý Kế Nguyên nói thêm đôi ba lời, sau đó binh sĩ khiêng gạo, mắm, muối vào làng. Tạ Khôn gọi tráng đinh trong làng ra giúp sức, tính dựng lều trại cho quân nhưng Kế Nguyên bày tỏ:
-Chúng cháu sẽ cắt cử quân ở lại làng ta đến khi Vương đến. Bác Trưởng thôn giúp cho anh em binh sĩ ở nhờ nhà dân, chuyện cơm canh anh em tự lo, được như vậy thì tốt lắm.
Hai trăm binh sĩ theo đó mà toả ra ở nhờ các nhà trong làng sau bữa tiệc của làng tổ chức ngay buổi chiều hôm ấy. Bấy giờ dân làng Thuỷ Đường mới tiếp nhận niềm vui. Thuỷ Đường là nguồn cội của Thần phi, nay mai vương đến, làng sẽ theo đó mà nở mày nở mặt.
Ban thờ nhà ông Nguyễn Sông thiếu đi một bát hương.
Binh sĩ Tam Vạn kéo nhau ra nghĩa địa của làng, cùng dân Thuỷ Đường phát quang cỏ lau, bờ bụi, dọn cỏ các nơi quanh làng. Hai nấm mồ lớn nhỏ cạnh mộ ông Nguyễn Đê biến mất.
Ba ngày sau, Nghị cử 500 binh sĩ đến Thuỷ Đường dọn dẹp lại đường làng ngõ xóm, lợp mái tranh cho hầu hết các ngôi nhà trong làng, làm lại cổng rào… đào mương, đắp đường.
Lý Kế Nguyên cho dựng mái che quanh mộ ông Nguyễn Đê, tập kết gạch, ngói, đá, cát, vôi sẵn gần đó. Xi măng sẽ được đem từ huyện Thuận Thiên đến sau.
Làng Thuỷ Đường thay đổi nhanh đến chóng mặt.
Thương nhân Cả Lụa hay tin, cho người đem vải vóc đến tặng dân làng, già trẻ lớn bé mỗi người có ba bộ quần áo mới.
Bến sông làng Thuỷ Đường được làm rộng hẳn ra, lối vào làng, lối trong làng hay lối từ làng dẫn ra nghĩa địa đều làm rộng, lát gạch đỏ tươi.
Trần Công Tích gửi tặng dân làng Thuỷ Đường 20 con trâu, 10 con bò.
Sau khi làm xong xuôi mọi lẽ, Lý Kế Nguyên cắt năm mươi binh sĩ ở lại làng lo những việc cần thiết. Trong thời gian chờ Vạn Thắng vương và Thần phi đưa hài cốt bà Tạ Thị Diệu về làng, binh sĩ Tam Vạn lo giúp dân làng đủ việc nọ kia. Chỉ biết thời gian sau, các chàng trai rút về bản doanh, làng Thuỷ Đường thiếu hơn hai chục thiếu nữ vì phải lòng các chàng khéo mồm.
Thời vận ngôi làng, số phận nhiều người sống ở đó rồi đây sẽ bước sang một trang hoàn toàn mới.