Chương 275: Thần Ngư miếu - Thuỷ Đường tự
Dân làng Thuỷ Đường cùng Công Tích, Sỹ Nghị và 1000 quân sĩ chờ đón ven đường nhỏ từ sớm tinh mơ, cách làng Thuỷ Đường đến mươi dặm. Dân mấy làng ven đường chẳng biết có chuyện gì, hỏi dân làng Thuỷ Đường, họ chỉ bảo chờ đón n·gười đ·ã k·huất trong quân.
Bà con họ Nguyễn, họ Tạ đội khăn trắng đứng hàng đầu. Duệ trông thấy những tấm khăn trắng từ xa, nước mắt cứ thế tuôn rơi mà không cầm lòng được. Dân làng đã được hướng dẫn, hành lễ theo nghi thức mới khi gặp Chương. Chương chẳng nói được gì bởi Duệ khóc mãi không thôi. Họ Nguyễn, họ Tạ bấy giờ mới nhào đến vây quanh Duệ. Một người phụ nữ mà sau Duệ biết là Mè, chị con chú bác, ôm chặt lấy Duệ rồi cũng khóc rống lên. Bấy giờ không khí mới thực giống một đám cất bốc. Mừng tủi trùng phùng, người cũ không gặp được, người mới còn bỡ ngỡ, những cảm xúc ấy quện lại thành bầu không khi rất khó tả. Có t·ang t·hương nhưng ít hơn nỗi vui mừng.
Người bên đường chẳng biết ai nằm trong quách, chỉ đoán rằng nhân vật ấy không tầm thường mà thôi. Đến khi những làng xung quanh biết thì Chương đã không còn ở Thuỷ Đường nữa.
Mỗi người bốc một nắm đất ném xuống huyệt mộ như cách tiễn người mới khuất. Duệ ngồi đó khóc vật vã, khản đặc cả giọng.
Hai ngôi mộ nhanh chóng được xây bằng xi măng, ốp đá cẩm thạch ngay trong ngày. Nội dung khắc trên bia đá lớn:
“Nơi an nghỉ của song thân Thần phi Nguyễn Diệu Huyền.
Tế tử Vạn Thắng vương cùng Đại Thắng Hoàng hậu, Nguyễn Thần phi, Lâm Ái phi và Trịnh Quý phi của Thiên Đức phủ đồng lập mộ.
Mùa thu, hạ tuần tháng 9, năm Thiên Đức 30.”
Vạn Thắng vương sẽ cấp cho làng Thuỷ Đường mỗi năm 10 nén vàng, 20 nén bạc và 1 mẫu ruộng để lo nhang đèn.
Xong xuôi, Duệ về nhà ông Nguyễn Sông trong khi Trưởng làng Tạ Khôn cùng hương thân phụ lão đưa Chương đi quanh làng một lượt. Tạ Khôn thay mặt dân làng tạ ơn Vạn Thắng vương đã quan tâm đến làng nhỏ. Chương nói:
-Ta không thiếu bạc vàng, cổ nhân nói nước sông công lính. Ta có thể dùng những thứ ấy giúp làng ta thay đổi trong ngày một ngày hai, ta không tiếc. Tuy nhiên, muốn Thuỷ Đường thay da đổi thịt, trước hết ông phải là người đi đầu trong việc vận động dân làng đổi thay, tuân thủ thực hiện chính sách Thiên Đức đưa ra. Ta cũng muốn quê cha đất tổ của Thần phi giàu đẹp, làm gương cho nơi khác. Làng ta giàu vì làng ta giỏi, không phải do ta ưu ái, thật mong các cụ hiểu cho.
Tạ Khôn và hương thân phụ lão đều ghi nhớ. Chương dừng chân trước một ngôi miếu nhỏ hoang tàn, bên cạnh có một cây duối cổ thụ phủ bóng. Tạ Khôn thưa:
-Bẩm Vương, miếu Thần Ngư rất linh thiêng, phù hộ cho dân làng no ấm bấy lâu. Miếu này do dân Thuỷ Đường dựng từ thời trước. Hôm rồi các cậu lính muốn tu sửa nhưng còn e ngại nơi này thanh tịnh, linh thiêng nên chưa dám.
Chương tản bộ vào bên trong miếu, ngước nhìn mái ngói nhuốm màu thời gian đã có nhiều viên bị vỡ. Tường gạch, vôi cát tróc lở. Anh châm năm nén hương cắm vào bát hương cũ kỹ trên bệ thờ được quét tước sạch sẽ. Khấn vái xong, Chương đứng trước khoảng sân nhỏ trước miếu, nói với mọi người:
-Làng ta xưa nay còn nghèo nên miếu thờ Thần Ngư hoang tàn đổ nát mà chưa tu sửa được. Ta là tế tử của làng, của ít lòng nhiều, nay ta phát tâm dựng lại miếu thờ Thần Ngư, sau nhờ các cụ chăm nom hương khói. Vì thời gian có hạn, lúc khánh thành ta khó mà có mặt, vậy ta sẽ làm một tấm bảng trước miếu, nhờ các cụ chọn giờ lành tháng tốt gắn cho.
Hương thân phụ lão nhất loạt vui mừng tạ ơn. Chương hỏi làng có chùa không, hương thân phụ lão dẫn anh đến.
Quang cảnh Thuỷ Đường tự vô cùng hoang sơ, điện thờ chính ba gian lợp mái tranh vách đất, mặt tiền có ván gỗ bạc màu. Một ni sư tuổi đã ngoại tứ tuần hôm sớm khói hương, tụng kinh gõ mõ. Hương khói lễ lạt xong đâu đấy, Chương nói với Thiền sư Sùng Phạm:
-Bạch thầy! Ta có thể phát tâm dựng một ngôi chùa mới được không? Nhìn cảnh chùa như này, ta thực muốn xây mới và… nếu có một vị cao tăng trụ trì sẽ hay biết mấy.
Thiền sư Sùng Phạm đáp:
-Mô Phật! Vương phát tâm xây chùa là tích phúc, việc này rất nên làm. Bần tăng sẽ vời một cao tăng đức cao vọng trọng đến chăm nom Thuỷ Đường tự.
Chương nghe vậy lấy làm hài lòng, anh hỏi ni sư thêm vài chuyện, hứa với ni sư rằng Thuỷ Đường tự sẽ sớm được dựng.
-Bần ni tạ ơn Vương đã đoái đến nhà chùa, mong Vương khoẻ mạnh. A di đà Phật!
Chương nhắc ông Trưởng làng rằng, 2 mẫu ruộng công sẽ tặng nhà chùa để sau lo hương khói. Anh dặn:
-Nếu làng ta thấy nhà chùa còn thiếu gì hãy đề đạt lên trên. Con cháu vinh quy bái tổ, áo gấm về làng sau này phải nói họ đến miếu, chùa thăm viếng. Nhà chùa lo phần tâm linh, tinh thần cho làng nước, không được sao nhãng.
Một năm sau đó, miếu Thần Ngư và chùa Thuỷ Đường khánh thành cùng một ngày. Chùa thành nơi tụ họp của các bà các cô. Miếu thành nơi hội họp việc làng của các ông. Tấm biển gỗ treo trên cổng chùa ghi song ngữ mạ chữ vàng.
Chẳng biết có phải miếu, chùa được xây mới khang trang, đẹp đẽ nên thần Phật vui lòng mà độ cho dân làng hay không. Chỉ biết sau này, con cháu trong làng nhiều người hiển đạt, hàng năm dù về thăm viếng hay không đều có lễ dâng lên tạ ơn. Lệ của làng vốn vậy. Hai tấm biển gỗ treo bên trên được bảo quản rất cẩn thận, con cháu trong làng đều biết tầm quan trọng của hai tấm bảng ấy. Miếu và chùa sau này còn nhận thêm một số sắc phong, trở thành chốn linh thiêng.
Duệ lấy danh nghĩa là cháu, bỏ tiền ra xây nhà mới cho bác ruột là Nguyễn Sông. Nàng cũng xuất tiền giao cho Nguyễn Rô xây nhà từ đường dòng họ Nguyễn Thuỷ Đường. Linh vị của cha mẹ nàng được thờ bên cánh hữu của từ đường kể từ khi khánh thành, theo thống nhất của dòng tộc.
Các cháu sẽ theo Duệ về huyện Thừa Thiên chuyên tâm học hành. Nguyễn Thị Mè cũng đi theo để trông nom. Gần một năm sau đó, Mè bén duyên và trở thành vợ của Bùi Như Lạc, người đàn ông tuổi ngoại tứ tuần từng quyết chí không lấy vợ. Mè đẻ sòn sòn một lượt bốn con trong 6 năm sau đó, đủ nếp tẻ. Cuộc đời cô gái goá 28 tuổi tưởng chừng buồn tẻ nơi thôn dã bỗng vụt một cái trở thành thân thích ruột thịt của Thần phi, lấy thêm chồng và có con. Mè chỉ là một trong số nhỏ những số phận đổi thay ở làng Thuỷ Đường, bằng cách này hay cách khác.
Duệ đi khắp làng một lượt, tạ ơn dân làng vì đủ lý do, kèm theo đồng quà tấm bánh từ trẻ đến già. Đôi mắt nàng mọng đỏ nhưng nụ cười chẳng lúc nào tắt trong ba ngày ở Thuỷ Đường. Nàng còn về làng rất nhiều lần và nâng đỡ nhiều con em xuất thân từ làng.
Chừng một tháng sau đó, làng Thuỷ Đường có một lớp học với hai cô giáo hoặc hai thầy giáo luân phiên giảng dạy chữ Bụt. Tỉ lệ mù chữ ở làng gần như tuyệt đối. Trẻ già trong làng, nhất là ông Tạ Khôn, luôn đốc thúc con trẻ học hành chăm chỉ ngày đêm theo lời Vạn Thắng vương.
Với sự nỗ lực của làng và giúp đỡ của nhiều nơi, chỉ sau một thế hệ, làng Thuỷ Đường trở thành đất học, nơi sản sinh nhiều văn nhân kiệt xuất trung thành với vương triều ở xứ Đoài, tiếp nối truyền thống bà tổ học của làng, Thần phi Nguyễn Diệu Huyền.
Chương chỉ ngủ ở làng Thuỷ Đường một đêm, sớm hôm sau tỉnh giấc liền dẫn theo Trần Nhật Tôn cùng đội thân vệ và một trăm nữ binh rời đi gấp. Quân sĩ Đường Vỹ ở lại với Duệ, quân và những người khác về thành Kinh Môn hoặc An Sơn phủ đệ bắt đầu việc công. Chương sẽ đến sau.