Chương 414: Giao kèo với thần đồng
Ngôi nhà ba gian mái tranh vách đất cùng căn bếp đầu hồi ngăn cách với ngõ nhỏ giữa làng bởi hàng rào râm bụt và cánh cổng bằng tre. Mẹ của Lương Tích Am bối rối khi tiếp những vị khách lạ ăn vận tươm tất. Nhìn người phụ nữ tuổi chừng ba mươi mà nét khắc khổ đã hiện rõ. Trái với vẻ thiếu tự tin của mẹ, Lương Tích Am dường như chẳng để tâm đến bọn Chương lắm.
-Thiếu gia, mời cậu ngồi! Thằng bé nhà tôi có điều gì không hay không phải mong cậu bỏ quá cho. Dạ bẩm, chả là tính nó cũng hơi…
Chương giơ tay ngắt lời người phụ nữ, anh nói:
-Tích Am rất tốt bụng, chị không phải lo. Thực là… tôi tò mò muốn vào nhà cho tỏ. Tích Am nói với tôi, nó muốn xin học lớp 5 mà cô giáo không thuận, chẳng hay đầu đuôi là thế nào vậy chị?
Người phụ nữ đứng đó, lưng hơi khom, hai tay nắm chặt vào nhau. Nói gì thì nói, một người nông dân đứng trước một kẻ lắm tiền, ăn vận tinh tươm thật khó bình đẳng cho được. Chương chăm chú lắng nghe người mẹ lược bày về cậu con trai có nước da đen nhẻm, gầy gò như thể Tích Am vừa khiến Chương phật lòng.
-Đi chưa anh?
Tích Am từ trong nhà bước ra, khoác áo tơi bện rơm, buộc thêm cái khăn che hai vành tai cho đỡ lạnh. Người phụ nữ vội đứng chắn mặt con trai, đẩy cậu về sau và nói:
-Chẳng mấy khi thiếu gia đến nhà, cậu cho nó bạc như vậy là nhiều. Thiếu gia không ngại, cũng là tiện bữa cơm, mẹ con tôi mời cậu ở lại xơi cơm.
-Không phải mời đâu mẹ, anh chị ấy còn có việc. Nào ta đi mau thôi.
Người mẹ lườm:
-Cái thằng này… không được gọi thiếu gia kiểu đó.
-Thời nay mới rồi, cô giáo con nói mọi người bình đẳng. Mẹ gặp người quyền quý cũng không cần phải khom lưng lựa lời với họ đâu. Họ có cho gì đâu mà cần lấy lòng. Anh này trả công thì con làm. Đi mau con xong việc, con phải đi chợ nữa.
Người mẹ thẹn đỏ mặt. Chương cười mà rằng:
-Em nói không sai! Tiên học lễ, hậu học văn. Anh đến nhà chơi mà em chưa mời nước. Mẹ em mời cơm nhưng em lại cứ muốn đi ngay, em là không đúng lắm nhỉ?
Lương Tích Am đưa tay gãi mũi:
-Cũng đúng! Vậy anh ngồi chơi, em mang nước mời.
Dứt lời, Tích Am trở vào trong lấy nước mời khách.
-Nó… nó… vâng… bố nó mất mấy năm trước nên…
-Chị đừng bận tâm. Tôi cũng chỉ là khách qua đường. Như chị nói khi nãy, Tích Am ham học và khác lạ so với những đứa trẻ cùng tuổi là điều tốt đấy.
-Thưa cậu! Tốt xấu ra sao thực tôi chẳng biết. Có điều nó hay nói linh tinh khiến nhiều người lớn mất lòng. Thi thoảng có người tìm đến mắng vốn. Vâng… cậu với cô đây ngồi chơi một lúc, tôi bắc nồi cơm.
Tích Am rót nước mang ra mời nhưng bộ dáng nhấp nhổm khiến Chương phì cười.
-Sách nay chưa mua, mai mua! Em gấp làm gì?
-Em mua để tối có cái đọc, phải mua ngay.
-Chữ Hán em biết được bao nhiêu?
-Em học lóm được một ít, cũng không nhiều. Chữ Vạn Xuân học chả mất tiền. Còn như chữ Hán vẫn phải học thầy đồ. Làng này toàn người mù chữ, chán lắm! Muốn học lóm phải sang làng bên anh ạ.
Nhã Lâm đưa cho Chương một cuốn sách chữ Hán. Chương lật giở vài tờ rồi đưa cho Tích Am:
-Quyển này viết về lề thói phong tục của người Vạn Xuân cũ. Tặng em.
Tích Am nhận ngay.
-Anh không biết chữ thì đem sách làm gì?
-Cho đẹp mặt.
-À! Cũng phải đấy. Nhưng anh vẫn nên đi học chữ, chữ Vạn Xuân cũng được. Đừng sợ học với trẻ con, mù chữ mới sợ. Anh lắm tiền, anh thuê người về dạy là biết mau. Hồi em học bảng chữ cái chỉ hai ngày là thuộc làu. Anh lớn như thế này chắc cũng chỉ hai ngày.
Chương tỏ ra ngạc nhiên bèn hỏi thử:
-9x8-2+9 bằng bao nhiêu?
-79!
Tích Am đáp mau lẹ. Chương gật đầu tán dương.
-Ngoài mong muốn được ngao du sơn thuỷ xem sự lạ trên đời, em còn muốn gì nữa không?
Tích Am gật đầu:
-Em muốn phục vụ Vạn Thắng vương.
-Hử? - Chương chau mày. - Hình như… không liên quan đến nhau lắm thì phải?
-Mù chữ thật tai hại! Anh phải biết rằng Vạn Thắng vương sáng tạo ra chữ Vạn Xuân, dạy được cả toán và làm nhiều thứ kỳ lạ. Nếu em biết nhiều, em sẽ có cơ hội được trọng dụng. Hầu cận Vạn Thắng vương kiểu gì chẳng học được thứ hay.
-Thế cần gì phải ngao du, cứ học cho giỏi rồi đi thi như mấy tháng trước là xong.
Lương Tích Am nhếch miệng cười:
-Đất này không thiếu gì người giỏi. Dẫu học ngày đêm chắc gì đã hơn họ. Em phải biết nhiều, học mà không biết thiên hạ thực tế ra sao khác nào học gạo?
Chương lại gật gù tán thành:
-Cũng đúng! Nghe chừng em có hoài bão lớn đấy. Hay anh em mình làm giao kèo nhỉ?
Lương Tích Am nhìn Chương với ánh mắt nghi ngờ:
-Anh tính chuyện gì?
-Anh sẽ tài trợ em tiền bạc học hành, sách vở theo yêu cầu.
-Em không làm kẻ hầu của anh đâu.
-À không! Anh là thương nhân, cái gì có lãi là anh mua rồi bán.
-Mua người là phạm luật.
-Anh mua trí khôn, không mua người.
Lương Tích Am nhìn Chương, lại nghiêng người nhìn hai quân Thân Vệ đứng ngoài cổng, nhăn mặt:
-Em có trí khôn nhưng em không mang ra bán được. - Tích Am nói. - Anh muốn em làm kẻ dưới cho anh vì anh mù chữ à?
-Vợ anh biết chữ là đủ rồi, anh nhiều tiền bạc.
-Vậy anh mua thế nào?
-Anh sẽ tài trợ toàn bộ theo mong muốn của em về sách vở, học hành. Đổi lại, nếu ngày sau em làm quan lớn, làm thân tín của Vạn Thắng vương thì phải cho anh…
Lương Tích Am lắc đầu, ngắt lời Chương:
-Không được đâu. Thương nhân kiếm lợi là lẽ tất nhiên. Nếu em có được làm quan thì em cũng chỉ có một cái đầu. Em bao che cho anh kiếm tiền, người khác biết em sẽ bị tội. Như thế chả phải em vẫn bán mạng cho anh à?
-Ây! Làm quan lớn rồi ai cũng sợ em, họ biết cũng chẳng nói đâu.
Lương Tích Am vẫn lắc đầu:
-Họ không nói nhưng em vẫn sẽ bị anh sai. Anh lắm tiền nên tìm người dễ bảo mà thuê trí khôn.
-Thế em không cần học, cần nhiều sách à?
-Cần thì vẫn cần nhưng không làm thế được. Vạn Thắng vương lo cho dân có no áo ấm, trẻ con như em được đi học. Em lớn lên phải báo đền ơn ấy, đem tài trí ra phò vua giúp nước, chăm lo bách tính. Các thầy cô giáo có dạy như vậy, điều này rất đúng.
-Ui trời! Vương chứ có phải vua đâu mà em phải trung thành như thế. Chả phải bố của em t·ử t·rận bởi quân Thiên Đức sao? Phải thù Vương mới đúng.
-Vạn Thắng vương cầm tướng chứ không cầm quân. Người khiến em mồ côi là ông Lê Hoan dại dột. Ông ấy làm càn khiến bao người vạ lây. Làng này có mấy người vì ông ấy mà m·ất m·ạng nhưng nhiều người còn sống. Các bác ấy về làm ruộng chẳng ai hạch tội cũ. Vạn Thắng vương nhân đức như vậy, lại kế ngôi tiên vương lo cho nước. Bây giờ Vương chỉ là vương nhưng hai, ba năm nữa sẽ là vua đấy.
-Cô giáo dạy em như thế à?
-Một nửa thầy cô em dạy, một nửa em tự nhìn và nghĩ thế.
-Em học trường nào? Gần đây không?
-Bên Trung An có trường, làng em nhỏ không có.
-Thật là không thoả hiệp thêm được à? Anh buôn bán cũng cần có người che chở.
-Anh buôn ngay bán thẳng sợ cái gì. Em thấy anh đàng hoàng, cử chỉ nho nhã, không phải phường gian thương đâu.
Lam Khuê bê mâm cơm đạm bạc bày ra cái chõng tre cũ kỹ, nơi Chương đang dụ dỗ Lương Tích Am rồi trở vào. Lam Khuê ngồi trong bếp vẫn dỏng tai nghe chuyện, nàng cũng lấy làm hài lòng lắm. Chẳng cần phải đoán, cái ngôi trường nơi Lương Tích Am học nhất định sẽ được trọng thưởng vì dạy ra những đứa trẻ có lòng dạ hướng về người chủ vùng đất Thiên Đức.
-Thế anh cho em vay bạc, em học thành tài, làm quan to rồi trả anh thì sao? - Chương vẫn cố vớt vát.
-Nhưng em phải trả bao nhiêu lãi?
-Ờ… mỗi năm tính bằng một phần mười số gốc được không?
-Anh cho em vay bao nhiêu?
-Năm mươi nén bạc có đủ không?
Lam Khuê và mẹ của Lương Tích Am ngồi trong bếp, mẹ Tích Am nói:
-Lý thiếu gia thật nhân hậu. Mấy năm rồi thằng bé không được nói chuyện lâu như vậy với người lớn. Tiểu thư là vợ của thiếu gia, thực là trời sinh một cặp.
-Chị có một đứa con rất lạ. Thiếu gia có tài xem tướng. Thiếu gia nói thằng bé sau này trở thành hiền tài nên muốn đầu tư ấy mà. Chị nên động viên em nó thay vì lo lắng. Xưa nay hiền nhân nào có giống người thường.
-Mẹ goá con côi, nhà tôi cũng không dám nghĩ xa xôi. Ngặt nỗi làng bé tí mà cháu nó chẳng có bạn bè, sớm tối cứ ở nhà chơi một mình.
Bên ngoài sân, tiếng Tích Am oang oang:
-Đây ạ! Anh cho em vay năm mươi nén, nếu mỗi năm trả anh năm nén, mười năm cả gốc và lãi rất nhiều.
Chương giả ngây hỏi lại:
-Thế là bao nhiêu?
-Em chưa tính ra nhưng không phải năm mươi nén vì lãi sẽ tính cả lãi của năm trước nữa. Anh đích thị là gian thương định lừa trẻ con. Với lại em không biết bổng lộc của quan lớn bao nhiêu, sợ là cả đời không trả hết.
-Nhận của đút lót làm ngơ lấy tiền trả, có khi một năm là xong.
-Quanh đi quẩn lại anh vẫn cứ muốn người khác làm chuyện bậy bạ.
-Buôn bán phải có lãi chứ.
-Được rồi, vậy anh có năm mươi nén bạc không?
-Có! Đồng ý dễ thế à?
-Nếu em không làm quan lớn, anh không được đòi. Có lãi phải có lỗ chứ?
-Phải trả gốc!
Một khoảng im lặng kéo dài. Hai người phụ nữ trong bếp nhìn nhau cười. Mẹ của Lương Tích Am nghĩ chuyện đùa, Lam Khuê thì không.
-Trả gốc thì trả.
-Không trả được thì sao? Cái này phải tính luôn nhé.
-Nếu không trả được gốc tốt nhất không nên sống nữa. Sống như thế vô tích sự.
-Vậy em viết giao kèo đi, chúng ta điểm chỉ.
Lam Khuê ra khỏi bếp, trông thấy Lương Tích Am đang nắn nót viết giao kèo. Nàng lấy làm ngạc nhiên vì nét chữ chân phương của cậu bé. Mẹ của Tích Am vẫn nghĩ là trò đùa cho đến khi bạc đưa ra trước mặt, đôi chân chị ta run rẩy ngã quỵ xuống đất.
-Mẹ đừng có sợ! Con có chỗ bạc này con nhất định sẽ đi tìm thầy giỏi để học. Con làm quan mới phải trả, còn như gốc chẳng trả được thì con chẳng sống làm gì cho chật đất. Nhưng mẹ yên tâm, con sẽ lấy vợ để mẹ có cháu nối dõi.
Chương ho lụ khụ.
Lam Khuê cảm thấy thằng bé đỡ xấu hẳn. Đôi mắt sáng của Lương Tích Am chứa đựng hoài bão lớn trong tấm thân gầy trơ xương. Trước khi theo chân Tích Am đến làng Trung An, Chương đưa cho mẹ Tích Am một Tinh hoa ngũ hành thiết và dặn, đó là bảo bối gia truyền đem lại may mắn.
-Thằng bé rất có tài, tôi rất thích nó. Ngặt nỗi nó ngay thẳng, sớm muộn cũng vạ miệng với người khác. Giả như có chuyện liên quan đến chính quyền mà nguy cho thằng bé, chị hãy đem vật này trình lên quan đứng đầu địa hạt.
-Đội ơn Lý thiếu gia đã ban ơn. Mẹ con tôi chẳng biết phải đền đáp người thế nào.
-Tôi thích thằng bé lắm. Nếu nó thành tài có khi tôi gả con gái cho không chừng.
-Đội ơn thiếu gia, đội ơn thiếu gia.
-Chị nhớ lời tôi dặn. Thân phụ của tôi là Lý An, vật này đại diện cho ông ấy nên quan quân sẽ không làm khó cho chị. Chị đừng cho thằng bé biết làm gì.
Trên đường đi, Lam Khuê lại hỏi:
-Anh nghĩ thằng bé này sẽ trở thành nhân tài chứ?
-Mới 11 tuổi mà nó đã nhận ra cách tính lãi kép, ắt ngày sau trở thành rường cột nước nhà. Cần phải tạo cơ hội cho những đứa trẻ như vậy.