Đọc truyện vip online, đọc truyện chữ, truyện full, truyện hay. Tổng hợp đầy đủ và cập nhật liên tục.
Vạn Xuân Đế Quốc

Chương 446: Đồng Quỳ thôn trang




Chương 446: Đồng Quỳ thôn trang

Tất cả tráng niên và đàn ông b·ị b·ắt đều được tha bổng. Trưởng làng và trưởng họ phải đứng ra cam kết con cháu, người trong họ không được phép rời khỏi làng khi chưa có sự đồng ý của quan quân đóng chốt tại đầu mỗi làng. Đặc biệt, Nguyễn Lạc Thổ áp dụng Thiết quân luật từ cuối giờ Dậu đến giữa giờ Dần, trong khoảng thời gian này nội bất xuất, ngoại bất nhập. Nếu có người trốn bị quân bắt được lập tức đưa đi lao động khổ sai và trưởng làng, trưởng họ chịu trách nhiệm liên đới.

Bên cạnh đó, lúc này là thời kỳ giáp hạt, nhân lực trong vùng bị huy động ngót năm nay nên đồng ruộng phần lớn bỏ không. Theo nguyện vọng của các cụ cao niên trong 8 làng thuộc hương Kẻ Cánh, Nguyễn Lạc Thổ đồng ý trợ cấp lương thực cũng như giống lúa, ngô, mía, khoai, sắn chuẩn bị gieo trồng trong thời gian tới đây. Về chế độ quân dịch, quân Thiên Đức không bắt buộc mà thực hiện trên tinh thần tự nguyện đối với tráng đinh tuổi từ 16 đến 25. Ngoài ra, Nguyễn Lạc Thổ đại diện cho Vạn Thắng vương, tuyên bố sẽ thành lập 3 ngôi trường dạy chữ cho trẻ nhỏ. Việc này mặc nhiên giao cho Nguyễn Duy Thìn bởi theo lời các cụ, Nguyễn Duy Thìn có chữ nghĩa nhất trong hương.

Thực tế, Nguyễn Duy Thìn nghi ngờ chính sách do Nguyễn Lạc Thổ đưa ra bởi anh chàng đồ rằng đây là lời chót lưỡi đầu môi hòng mị dân tạm thời chứ chẳng thực bụng. Lạc Thổ đoán được những suy nghĩ đó nên sau cuộc gặp mặt bậc cao niên, anh giữ Nguyễn Duy Thìn ở lại giúp việc. Qua lời của Duy Thìn, Lạc Thổ biết được những người từng làm việc cho Quảng Trí quân đã không còn ở địa phương, họ sợ b·ị s·át h·ại. Lạc Thổ khá tiếc bởi đó là những người có chữ nghĩa và kinh nghiệm song anh không lấy đó làm phiền lòng.

- Vạn Thắng vương trọng người có chữ nghĩa, anh làu chữ nghĩa, lại không có chí làm quan chỉ thích gõ đầu trẻ. Tạm thời anh giúp ta hiểu hơn về tập quán địa phương, nay mai lập trường dạy học, ta sẽ đề đạt lên trên giao cho anh quản.

Nguyễn Duy Thìn có phần e ngại, Lạc Thổ liền nói thêm vào:

- Quân Thiên Đức đã đến đây sẽ ở đây, đất này từ bây giờ thuộc về Thiên Đức. Nếu chúng ta phải rút sẽ đưa anh và gia quyến theo, anh đừng sợ. Vạn Thắng vương cần nhiều người có lòng, có tài đứng ra giúp dân và ngài trọng dụng hiền tài bất kể xuất thân, anh đọc sách có từng nghe chứ?

Phải mất mấy ngày Nguyễn Duy Thìn mới vững dạ khi anh chàng ra vào quân doanh tự do. Những binh sĩ anh chạm mặt đều vô cùng thân thiện khiến những lo nghĩ vẩn vơ của Duy Thìn dần phai nhạt đi.

Tin tức do thám mã đưa đến khiến Nguyễn Lạc Thổ lập tức triệu tập tướng sĩ. Sau khi họp bàn, Lê Phụng Hiểu và Dương Vũ Thư sẽ dẫn quân kỵ bộ, khoảng hai nghìn người, tiến dọc theo bờ sông Cánh về phía hạ lưu hòng chặn đường lui của Phan Văn Hầu. Số quân còn lại vẫn ở trại nhằm tránh gây kinh động lòng dân trong vùng do nhiều gia đình vẫn có con em trong quân Tam Đái.

Lê Phụng Hiểu dẫn quân Thiết kỵ đi trước, quyết trí bắt sống Phan Sứ tướng. Ngày hôm sau, Lê Phụng Hiểu chạm mặt một toán tàn binh hơn trăm người. Lê Phụng Hiểu phải vất vả mới bắt sống được hết bởi ngay khi thấy bóng dáng quân Thiết kỵ, đám tàn binh chạy toán loạn. Hỏi ra mới biết, toán này chạy ban đêm bị lạc mất đội hình đành cắt hướng Đông Bắc mà chạy tiếp. Tông tích của Phan Sứ tướng không thấy đâu. Chiều hôm ấy, Lê Phụng Hiểu hội quân với cánh Trương Lôi đang đuổi đến. Trương Lôi dẫn quân quay lại Cỏ Lác trong khi Lê Phụng Hiểu cắt về hướng Đông, hướng sông Cánh, với hi vọng chạm mặt tượng binh.

Dương Vũ Thư dẫn bộ binh bám theo bờ sông được chừng hai chục dặm, anh bắt được hơn chục tàn binh bộ dáng nhếch nhác đang tìm cách vượt sông. Khai thác tại chỗ, Dương Vũ Thư biết họ là toán trinh sát chuẩn bị qua sông trước, Phan Văn Hầu đi sau. Chờ thêm hơn một canh giờ không thấy bóng dáng đối phương, Dương Vũ Thư đồ rằng Phan Văn Hầu thấy động, khả năng sẽ không vượt sông ở quãng này bèn dẫn quân tiến nhanh về hướng hạ lưu thêm chừng hơn chục dặm. Quả nhiên Dương Vũ Thư chạm mặt tàn quân Tam Đái đang tìm cách vượt sông.

Lúc này trời đã nhá nhem tối.

Binh lực hai bên tương đương song Dương Vũ Thư có lợi hơn khi quân sĩ còn sức khoẻ, tinh thần đang tốt trong khi quân sĩ Tam Đái tinh thần bạc nhược. Dương Vũ Thư đốc quân đánh thẳng vào đội hình quân Tam Đái. Phan Văn Hầu cũng chẳng còn lòng dạ chiến đấu bởi nếu chậm trễ, truy binh Thiên Đức kéo đến là xong đời. Dưới sông chỉ có hơn chục chiếc thuyền nhỏ mà bọn Phan Văn Hầu trưng dụng được của ngư phủ. Quân cận vệ hối thúc Phan Văn Hầu qua sông trước, Hầu dẫu không cam tâm vẫn phải xuống thuyền về Tam Đái.

Binh sĩ Tam Đái có một số c·hết đ·uối giữa dòng khi vội nhảy xuống sông tìm đường thoát. Phan Văn Hầu qua được sông cũng là lúc Lê Phụng Hiểu cùng quân Thiết kỵ kéo đến. Hai đánh một chẳng chột cũng què, tàn quân Tam Đái đành thúc thủ khi trời tối hẳn, hơn năm trăm binh sĩ vứt khí giới xin hàng bảo toàn mạng sống.

Tù binh là tiểu tướng Tam Đái khai rằng đã mất dấu Sùng Phán vào ban đêm, không rõ Sùng Phán dẫn tượng binh chạy theo lối nào. Lê Phụng Hiểu và Dương Vũ Thư áp giải số hàng binh về trại chính cách nơi giao chiến khoảng ba chục dặm đường. Đồng thời cử một tiểu đội Thiết kỵ cấp kỳ phi ngựa về hướng Tây Nam báo tin cho bọn Phạm Ngũ Lão, Lý Kế Nguyên.

Lý Kế Nguyên, Phạm Ngũ Lão hay tin lúc nửa đêm song phải chờ trời sáng rõ, người ngựa lần ngược lại mò dấu tích đội tượng binh Sùng Phán. Hai chiến tướng cho binh sĩ vào các làng gần quan lộ hỏi, mãi cũng có tin tức. Theo đó, một bà lão có trông thấy đoàn voi chạy rầm rập về hướng Tây Bắc lúc nửa đêm về sáng.

- Như vậy đã một ngày một đêm, dù ta có kỵ binh cũng khó mà đuổi theo hắn. Có điều… hắn dẫn quân chạy về hướng đó là như thế nào nhỉ?

Nghe Phạm Ngũ Lão hỏi, Lý Kế Nguyên trầm tư nhìn hoạ đồ cũ kỹ, lúc sau Kế Nguyên đưa ra nhận định:

- Hướng ấy rừng thiêng nước độc, tôi nhớ dạo trước Phan Sứ tướng có cắt đặt tượng binh trấn phía Tây ngăn quân ta từ thành Xương Giang tràn qua.

- Anh nghĩ chúng có cứ địa bí mật?



- Voi ăn rất nhiều, chúng ta lần theo đó ắt có kết quả. Nếu không lần theo cũng chẳng biết làm gì bây giờ, tàn cuộc rồi mà.

Bọn Kế Nguyên vừa đi vừa hỏi dò, may thay ban đêm trời có mưa nhẹ, dấu chân của đàn voi hàng chục con thi thoảng vẫn in trên bờ lau, ngọn cỏ hay góc ruộng.

- Nhìn này, nếu ta cứ đi mãi sẽ đến thung lũng Đồng Thông, nơi đó có một cái hồ lớn và… hẳn là dân cư không ít. Tay họ Sùng gốc gác ở đó chăng? - Lý Kế Nguyên đưa ra giả định.

Phạm Ngũ Lão liền đáp:

- Chúng ta có gần một nghìn chiến binh, nơi đó nếu là hậu phương của Sùng Phán thì anh em ta cũng chơi được.

- Vẫn nên cho bồ câu đưa tin về sau xin thêm tăng viện, giả như bọn chúng đông quá cũng dễ liệu tứ bề.

Ngay khi hay tin, Chương lập tức giao nhiệm vụ cho Nghiêm Phúc Lý dẫn một nghìn Thần Vũ quân trang bị mạnh đi tiếp ứng cho bọn Lý Kế Nguyên, Phạm Ngũ Lão bởi Chương tin nhận định của hai người này. Anh muốn lực lượng tượng binh thêm đông đảo, bởi vậy Bùi Thị Xuân cũng có trong đoàn quân tiếp viện xuất phát lúc chính Ngọ.

Đồng Thông là một thung lũng lòng chảo rộng lớn, ba mặt bao quanh bởi rừng, mặt Bắc tựa lưng vào dãy núi cao trùng điệp ẩn hiện trong mây mù. Giữa thung lũng có một hồ nước ngọt tự nhiên rất lớn, quanh hồ này có nhiều làng mạc. Phần lớn cư dân trong số gần vạn nóc nhà dưới dưới thung lũng thuộc tộc Sán Dìu. Bình thường họ vốn là những người thật thà, hiền lành, chất phác song khi xung trận họ là những chiến binh thiện chiến và vô cùng gan dạ. Một bộ phận nhỏ cư dân thuộc tộc Nùng, Dao và Mường.

Trước khi đất Vạn Xuân thuộc về họ Lý, tộc Sán Dìu mang họ Tạ, Diệp, Từ, Trương… Kể từ khi tộc trưởng người Sán Dìu là Tạ Cảo đầu quân dưới cờ họ Lý đánh quân phương Bắc thành công, hầu hết tộc Sán Dìu cư ngụ ở thung lũng Đồng Thông chuyển sang mang họ Lý. Về cơ bản, cư dân sinh sống ở Đồng Thông ít giao thiệp với dân nơi khác. Vạn Xuân biến loạn, dân trong vùng càng sống khép kín hơn.

Do muốn thu phục vùng này về dưới trướng, Quảng Trí quân đã cho họ nhiều lợi ích, đặc biệt là thuế nộp chỉ bằng phân nửa các nơi khác. Bên cạnh đó, Quảng Trí quân cung cấp khá nhiều muối và kim loại như sắt, đồng cho dân trong vùng. Nhờ đó, Lý Tường, tộc trưởng hiện tại quy thuận Quảng Trí quân.

Vợ cả của Sùng Phán là Lý thị, con gái Lý Tường. Sùng Phán chủ đích dẫn tượng binh về trú tạm ở Đồng Thông sau đó vòng theo đường thượng đạo về Tam Đái sẽ an toàn hơn khi theo Phan Văn Hầu về thằng Tam Đái bằng cách vượt sông Cánh. Sông Cánh rất rộng, truy binh Thiên Đức có thể đuổi đến bất cứ lúc nào. Thứ nữa, voi là con vật to lớn, chẳng phải thuyền nào cũng có thể chở qua sông được. Chưa kể Sùng Phán đã biết tin quân Thiên Đức đã luồn sâu vào hậu phương quấy phá.

Dấu vết đàn voi để lại càng ngày càng rõ nét khi Lý Kế Nguyên dẫn quân gần về phía những tán rừng rập rạp. Suy tính thiệt hơn, Lý Kế Nguyên đến ngôi làng nhỏ lưa thưa hơn chục nóc nhà gần bìa rừng. Anh và Phạm Ngũ Lão cùng hơn chục binh sĩ bỏ lại binh khí xuống ngựa quá bộ vào hỏi thăm. Trông thấy bọn Lý Kế Nguyên từ xa, già trẻ vội chạy vào nhà đóng chặt cửa nẻo. Lý Kế Nguyên sau một thôi một hồi trình bày, cánh cổng ọp ẹp của mấy căn nhà mới hé mở. Đáp lại những cặp mắt lấm lét, sợ sệt đang nhìn chằm chằm đầy nghi hoặc, bọn Lý Kế Nguyên cười trừ, dang rộng hai cánh tay tỏ rõ thiện chí. Già trẻ tụ tập giữa khoảng sân đất tương đối rộng, y phục tả tơi, nét mặt khắc khổ và giống như nhiều ngôi làng bọn Kế Nguyên đã đi qua, nơi này vắng bóng đàn ông.

Với giọng sợ sệt, mấy bà cụ kể cho Lý Kế Nguyên những hiểu biết hạn hẹp về thung lũng Đồng Thông. Họ cầu xin Lý Kế Nguyên tha cho họ khiến Kế Nguyên tốn chút thời gian giải thích lý do anh cùng đội quân dưới trướng có mặt nơi đây. Nhìn những đứa trẻ gương mặt lấm lem nấp sau chiếc váy đụp có nhiều mảnh vá khác màu của các bà mẹ, Lý Kế Nguyên nháy mắt đầy ý nhị với Phạm Ngũ Lão. Ngũ Lão rỉ tai quân sĩ, một người chạy ù đi.

- Chúng tôi chỉ là lính? Theo lệnh Vạn Thắng vương truy đuổi đàn voi chiến. Cảm tạ các ông, các bà và các chị đã cho biết vài chuyện cần thiết. Chúng tôi vội hành quân chẳng có gì, chỗ này là ít kẹo và hơn hai chục cân gạo trắng cùng muối. Chúng tôi xin tặng mọi người, mong mọi người nhận cho chúng tôi vui.

Binh sĩ dúi vào tay đám trẻ mỗi đứa mấy cục kẹo ngọt ngọt, mặn mặn kèm theo nụ cười hiền lành. Chỗ gạo muối, bọn Kế Nguyên để xuống đất rồi cúi đầu chào từ biệt. Già trẻ đứng ở cổng thôn trang tiêu điều nhìn bọn Kế Nguyên lên ngựa. Một ông cụ dương như cao tuổi nhất trong thôn trang bé tẹo bỗng cất tiếng:

- Gần Ngọ trưa nay có hơn chục thớt voi đi nhanh về phía rừng, đó hẳn là thứ các ngài cần kiếm tìm.

Lý Kế Nguyên dừng ngựa, anh cười, chắp hai tay hành lễ thay cho lời cảm tạ rồi ra roi thúc ngựa chạy đi.

- Bây giờ đã tối trời, chúng ta không thông thuộc đường đi lối lại, qua quãng rừng kia e có phục binh. - Phạm Ngũ Lão nói. - Anh em hành quân đã lâu chưa được nghỉ.

Lý Kế Nguyên dừng ngựa dõi mắt nhìn xa xăm. Bóng chiều phủ xuống vạt rừng đằng xa, nơi ấy quả thật lành ít dữ nhiều.



- Được, vậy để anh em nghỉ tạm. Sau khi ăn tối chúng ta sẽ cử trinh sát tiến lên trước dò la tình hình ra sao.

- Liệu mấy người già trong làng kia có giúp ta không nhỉ?

Lý Kế Nguyên thở dài:

- Cậu nhìn họ rồi đấy, thiếu ăn thiếu mặc, làng xóm tiêu điều và đàn ông vắng bóng. Đồng ruộng quanh đây cỏ mọc um tùm cho thấy thôn trang này bị quên lãng hoặc nhiều người ra đi không về nữa.

Quân sĩ Thiên Đức chia thành các nhóm nhỏ bắc bếp thổi cơm ngay rìa cánh đồng làng không tên. Cơm nấu gần xong, từ trong ngôi làng có bóng dáng ba người đàn bà, một già hai trẻ cắp thúng rau lang và mồng tơi rảo bước về nơi hàng chục đống củi đang đỏ lửa.

- Làng chúng tôi nghèo nhưng chẳng nhận không của ai cái gì. Các anh cho chúng tôi muối gạo, chúng tôi cho lại các anh rau củ, như thế chẳng ai nợ ai.

Bà cụ tuổi ngoài sáu mươi, dáng thấp bé, vận áo nâu quần đen ống rộng nhưng ngắn đến gần đầu gối, miệng nhai trầu khẳng khái nói với Lý Kế Nguyên. Kế Nguyên liền giơ hai tay đón nhận kèm những lời cảm tạ mãi không thôi.

- Thưa bà, mạn phép cho tôi hỏi. Dù tôi biết ở đâu phải theo lệ đó song làng ta chỉ có hơn chục nóc nhà, tráng niên đâu hết cả mà chỉ toàn người già, đàn bà và em nhỏ? Quảng Trí quân không lí nào bắt quân hết lượt như vậy.

Bà cụ thoáng chút bối rối, hai người phụ nữ lảng tránh ánh nhìn của Lý Kế Nguyên. Kế Nguyên thở hắt ra:

- Tôi mong chồng con của hai chị, của bà đây được an toàn. Thiên Đức quân xưa nay chỉ bắt tướng không bắt lính. Cầm đao kiếm là binh, đặt xuống là dân. Dân Vạn Xuân ở đâu cũng là người một nhà, song Quảng Trí quân không thần phục người nối nghiệp Lý tiên vương nên chúng tôi mới phải đi bắt thế này. Xin hỏi bà và hai chị vùng này xưa kia thuộc châu Vũ Ninh hay vùng Tam Đái?

Bà cụ đáp lời:

- Làng này xưa thuộc châu Vũ Ninh, bên kia cánh rừng thuộc đất Tam Đái.

Ba cụ quay lưng trở về làng. Như chợt nhớ ra điều gì, Lý Kế Nguyên vội sải bước theo.

- Bà ơi! Tôi quên chưa hỏi tên làng mình.

- Làng này nhỏ bằng mắt muỗi, tục gọi là làng Đồng Quỳ. Mấy mươi năm trước còn có hơn dăm chục nóc nhà nhưng giờ chỉ còn chừng này.

- Xin hỏi làng ta đều là người tộc Sán Dìu phải không ạ?

Bà cụ lắc đầu:

- Chúng tôi tộc Dao, theo mẫu hệ. Anh nhìn nhà cửa nửa sàn nửa đấy lại không biết ư? Trước chúng tôi ở cùng với người Sán Dìu, họ chuyển về Đồng Thông ngót hai chục năm rồi.

Lý Kế Nguyên gãi đầu cười thật thà:



- Chúng tôi có nghe song chưa từng trông thấy nên… biểu biết còn hạn hẹp. Làng ta theo mẫu hệ vậy con trai mang họ mẹ rồi.

Bà cụ không trả lời định quay gót đi, Lý Kế Nguyên gặng hỏi:

- Bà họ Bàn phải không?

Bà cụ nhướng mày, thoáng ngạc nhiên rồi thừa nhận. Lý Kế Nguyên bèn nói:

- Tôi có quen một anh tên Bàn Phù Sếnh người Dao tộc, một vài người khác cũng họ Bàn, họ đều người Dao tộc nên tôi đoán đại như thế.

- Bàn Phù Sếnh à?

Bà cụ quay ra nhìn hai cô gái tuổi ngoài đôi mươi nhưng đã có đến ba mặt con:

- Làng này cũng có đứa tên như thế, nó là cháu của tôi. - Bà cụ nói. - Nó c·hết trận, nghe đâu đầu hàng quân Thiên Đức các anh nên Vũ Ninh vương sai quân về bắt hết cha mẹ, vợ con nó đưa đi cũng phải bảy, tám năm rồi.

- Sao có chuyện ấy được? Bàn Phù Sếnh là chỉ huy của chúng tôi. - Phạm Ngũ Lão bấy giờ mới lên tiếng. - Mẹ anh ấy là Bàn Thị Dựa, cha là Bàn Khuếch hay Khếch gì ấy.

- Vợ nó là Bàn Thị Thào? Có đúng không?

Lý Kế Nguyên nhìn Phạm Ngũ Lão, Ngũ Lão cười gượng:

- Chúng tôi hay gọi chị Sếnh nên không biết tên. Còn ông bà cụ thân sinh chúng tôi biết vì có lần tôi ngồi uống rượu anh ấy có nói. Anh ấy từng là bộ tướng của Dương Ngôn, đầu quân về Thiên Đức cũng làm tướng. Bây giờ anh ấy thống lĩnh một vạn quân đóng ở gần Xích Giang.

- Chả có nhẽ? Rõ ràng quân đến bắt người nói nó t·ử t·rận, phải chịu tội gì đó cơ mà. Tôi còn cúng giỗ cho nó.

Lý Kế Nguyên thắc mắc:

- Cả làng ta cùng họ Bàn hay sao ạ?

- Đều chung họ nhưng khác huyết thống. Bàn Khếnh là anh của tôi, Bàn Thị Dựa là chị dâu. Ngày quân đến bắt bớ, mẹ con chúng tôi ở trên nương nên thoát được.

Lý Kế Nguyên cả mừng quay ra nói lớn với binh sĩ hóng chuyện:

- Này các cậu, bà này là cô ruột của anh Sếnh đấy, trùng hợp chưa!

Một số binh sĩ chạy ùa đến vây quanh hóng chuyện thực hư khiến ba người đàn bà có phần hoảng hốt.

- Hoá ra đây là làng của anh Sếnh! Thực chúng tôi chưa từng biết! - Lý Kế Nguyên thở phào. - May mà chúng tôi không làm gì mạo phạm.

Bà cụ lẫn hai người đàn bà bán tín bán nghi song nhìn những gương mặt trai tráng người nào cũng hớn hở cũng dần tin là thật. Dù sao người tráng niên đang đứng trước mặt cũng nói đúng tên của những người biệt tích ở làng tám năm trời.