Đọc truyện vip online, đọc truyện chữ, truyện full, truyện hay. Tổng hợp đầy đủ và cập nhật liên tục.
Vạn Xuân Đế Quốc

Chương 587: Xứ Mường Động




Chương 587: Xứ Mường Động

Đinh Sơn tổ chức cúng thổ binh t·hiệt m·ạng vì nghĩa lớn tại nhà lang rất trọng thể, bản thân Đinh Sơn vận áo dài lụa màu chàm, cài khuy bạc, quần dài trắng ống rộng, thắt lưng lụa quấn quanh cạp, đầu búi và quấn khăn dài, đầu khăn giắt sang hai bên lần lượt thắp hương vái lạy từng l·inh c·ữu.

Ma chay xong xuôi, Đinh Sơn gọi tả hữu đến nhà lang hội họp. Đinh Sơn người Mường, tằng tổ mấy đời hùng trưởng đất Mường Động, thời trai trẻ bôn ba khắp chốn, từng chiêu mộ mấy trăm thổ binh tụ nghĩa dưới cờ họ Lý đuổi binh Hoa quốc. Tiên Vương Lý Nam Vương luận công ban thưởng, cho Đinh Sơn làm quan lang cai quản đất Mường Động, con cháu thế tục. Đinh Sơn trọng võ tướng, kính văn nhân, chẳng tiếc tiền bạc chiêu hiền đãi sĩ, mời thầy dạy đủ thứ trên đời cho các con. Bởi vậy, dưới trướng Đinh Sơn có gần hai mươi mưu sĩ tứ xứ tụ họp.

Lang Cun, Lang Đạo và mưu sĩ ngồi dãy bên tả nhà lang, võ tướng ngồi xếp bằng dãy bên hữu. Qua cách sắp xếp có thể nhận thấy Đinh Sơn coi trọng văn nhân. Nổi bật trong đám mưu sĩ có Điền Hoành người Hán ở Vân Nam quốc, Âu Minh Thông quê Sơn Vi, lộ Tam giang, Lạc Hi ở phủ Vĩnh Yên và Yên Định, một mưu sĩ người Mường, quê xứ Thanh Hoa.

Đinh Sơn bảo Bùi Tượng thuật đầu đuôi những điều mắt thấy tai nghe khi sang đất Sơn Lăng. Sau đó Đinh Sơn hỏi ý tả hữu nên làm gì tiếp theo? Có nên thuận theo điều kiện của Thiên Đức đặt ra hay không. Tả hữu người nọ chờ kẻ kia mở lời.

- Bọn Thiên Đức ở Sơn Lăng chỉ đôi ba nghìn, chẳng phải binh bản địa, dẫu quân sơn cước gì đó, bảo rằng đạp rừng như đất bằng cũng không phải đối thủ của chúng ta. Tiên hạ thủ vi cường, thừa lúc chúng lo đối phó với bọn Đỗ Thục, Lý Long Xưởng, ta vượt sông đánh sang chiếm lấy là hợp lẽ nhất đấy ạ.

Người vừa cất giọng oang oang như sấm rền là Lang Nha tướng Bùi Lạc Thủy. Thủy cao to, sức địch muôn người, binh khí thường dùng là cây rìu lớn sắc bén, đốn cây như chém xuống nước. Thủy là nước, song Lang Nha tướng tính nóng như lửa, ưa chém g·iết, giải quyết xung đột bằng sức mạnh. Thủy đeo vòng cổ gồm nhiều nanh chó sói đầu đàn nên có ngoại hiệu Lang Nha tướng là vậy.

Đinh Sơn tin dùng Bùi Lạc Thủy.

- Thuộc hạ đồng ý với Lang Nha tướng. Bọn Thiên Đức xảo quyệt, nếu ta khoanh tay ngồi chờ đến khi chúng đánh bại Lý Long Xưởng sẽ nguy lắm. Mũi dùi khi ấy nhất định chĩa vào chúng ta, chẳng thể khác được.

Đinh Sơn hướng ánh nhìn về người ngồi bên cạnh Bùi Lạc Thủy, đó là Bùi Sơn Lâm. Bùi Sơn Lâm mặt vuông chữ điền, cặp lông mày sâu róm, chòm râu đen tiệp với nước da bánh mật. Sơn Lâm nghĩa là núi rừng, bởi thế mọi người đặt ngoại hiệu cho Bùi Sơn Lâm là Ngọa Hổ tướng (con hổ nằm). Bùi Sơn Lâm là anh con bác ruột của Bùi Lạc Thủy nhưng gọi Thủy là anh vì Lâm ít hơn Thủy 2 tuổi. Xứ Mường Động có lệ ai nhìn thấy mặt trời trước là anh.

Bùi Sơn Lâm là một mãnh tướng, sức như cọp beo, nhanh nhẹn như sóc, tính tình bộc trực, ăn nói chẳng kiêng dè ai và có cố tật… thèm ngủ trong bờ bụi sau khi say rượu.

Đinh Sơn có ý chờ đợi người ngồi thứ ba bên dãy phải, cạnh Bùi Sơn Lâm. Người này có cặp lông mày xếch, hai mắt to, hơi lồi khiến kẻ yếu bóng vía chẳng dám nhìn thẳng.

- Ấu Kỳ tướng quân, ý ngươi thế nào?

Nghe Đinh Sơn hỏi đến, Ấu Kỳ tướng Bạch Gia Môi liền đáp:

- Thuộc hạ chờ lệnh quan lang.

Đinh Sơn gật gù, không hỏi thêm Ấu Kỳ tướng. Bạch Gia Mô vừa tròn 25 tuổi, lầm lì ít nói, chỉ biết tuân mệnh hành sự. Ngoại hiệu Ấu Kỳ có nghĩa là con kỳ lân nhỏ.

Đinh Sơn hỏi thêm ý kiến của Hắc Mã tướng Hà Duy (tướng cưỡi chiến mã lông đen) Song Tiên tướng Đinh Đệ (tướng hai roi) và Phác Thiên Điêu tướng quân (đại bàng tung cánh v·út trời) Trương Bồ, cả ba nhất trí với ý của Lang Nha tướng. Đinh Sơn hỏi đến Trấn Giang tướng Quách Cư Dĩ. Quách Cư Dĩ chỉ huy thủy quân Mường Động trên dòng Hắc Giang.

Quách Cư Dĩ bày tỏ:



- Ta chưa rõ binh lực Thiên Đức ở Sơn Lăng, đại quân Thiên Đức lại tụ về ven dòng Hát, cần kíp họ kéo đến chẳng tính là xa, đi nhanh chỉ mấy canh giờ. Thuộc hạ nghĩ, trước khi đánh sang Sơn Lăng cần suy xét kỹ mọi lẽ thiệt hơn ạ.

Quách Cư Dĩ không được bọn Lang Nha tướng, Ngọa Hổ tướng coi trọng bởi Dĩ nắm trong tay gần năm trăm thủy quân, trăm con thuyền nhỏ bé. Người Mường quen rừng núi, thủy quân không được coi trọng. Trong mắt Bùi Lạc Thủy, Bùi Sơn Lâm thì Quách Cư Dĩ và đám thuộc hạ hỗn tạp chẳng khác nào một gã ngư phủ lay lắt quăng chài lưới kiếm sống qua ngày trên dòng Hắc Giang. Quách Cư Dĩ biết điều ấy, chẳng muốn xích mích nên luôn giữ thái độ trung dung.

Đinh Sơn nhìn sang hàng bên tả chờ đợi trưởng tử Đinh Công đứng đầu Mường Chiềng, một xứ mường lớn, đông người và giàu mạnh. Đinh Công tuổi vừa ba mươi, vóc người tầm thước, thâm trầm và đa nghi giống Đinh Sơn.

- Lang Cun có cao kiến nào khác hãy nói ra để cùng bàn luận.

Đinh Công nhường lời cho mưu sĩ bởi Đinh Công chẳng ưa phường giá áo túi cơm chuyên hắt nước theo mưa, dùng ba tấc lưỡi kiếm miếng ăn và tiến thân. Đinh Sơn không bằng lòng nhưng vẫn hỏi các mưu sĩ nãy giờ đang ngồi xếp bằng, hai tay giấu trong ống tay áo.

Điền Hoành lim dim như kẻ ngủ gật, thấy Đinh Sơn hỏi đến liền đứng lên chỉnh vạt áo cho ngay ngắn, bước ra chắp tay cung kính, nói:

- Chủ ý của chư vị võ tướng vừa nghe thấy hợp lẽ nhưng ngẫm kĩ lại là thất sách đấy ạ.

Khoé miệng Đinh Công khẽ động đậy. Bên đối diện, Lang Nha tướng vừa nghe Điền Hoành có ý phản bác liền đứng bật dậy, xẵng giọng:

- Điền tiên sinh có cao kiến gì cứ nói huỵch toẹt ra, cần gì phải úp mở. Tại hạ ít chữ, thích ăn ngay nói thẳng, chẳng thích vòng vo, ẩn ý.

Điền Hoành từ tốn thưa với Đinh Sơn:

- Thiên Đức binh hùng tướng mạnh, cùng lúc trải quân ba, bốn nơi. Họ bình định được La thành, Đỗ Động Giang tất chĩa mũi nhọn vào các xứ mường. Theo thiển ý của tại hạ, trước tìm mọi cách giúp Đỗ Thục, sau tìm cách hoà hoãn Thiên Đức. Mường Động tuy rộng, đồi núi tuy cao, rừng tuy rậm rạp nhưng Thiên Đức đánh chậm, tiến chậm ắt dồn chúng ta vào nguy khốn.

Lang Nha tướng nói oang oang:

- Trước sau chúng đánh ta, vậy lúc này đánh chúng là hơn cả, ý của Thủy đây sai chỗ nào mà tiên sinh bảo thất sách?

Điền Hoành bấy giờ mới quay sang nói với Bùi Lạc Thủy:

- Tướng quân t·ấn c·ông mà chưa rõ binh lực địch, phép dùng quân nên tránh. Địch chủ động chờ đánh, lại đánh trên đất địch là nắm phần thất lợi. Muốn sang Sơn Lăng chỉ có cách qua Hắc Giang mà thủy quân yếu, địch chặn đường lui ắt trung quân r·ối l·oạn, ấy là chỗ nhược thứ ba. Tại hạ đánh giá cao uy dũng của tướng quân nhưng Thiên Đức suốt chục năm trời nam chinh bắc chiến, phép dùng binh ắt có chỗ ảo diệu, binh sĩ quen chiến trận, thuộc phép tiến thoái. Sau nữa, Bố Giáp vốn Tả tướng Sơn Tây, chẳng phải kẻ hữu danh vô thực.

Lang Nha tướng nhíu mày, hai hàm răng nghiến chặt lại, gằn giọng cật vấn:

- Ý của tiên sinh bảo ta không phải đối thủ của Bố Giáp?

Điền Hoành ôn tồn giải thích:



- Tướng quân có uy dũng, khí khái hơn vạn người. Bố Giáp thạo cầm ba quân, lại có thần khí Thiên Đức. Tại hạ nghĩ mãi chẳng biết nên so sánh thế nào cho đúng vì hai người sở trường khác nhau.

Bùi Lạc Thủy nhếch miệng cười khinh mạn:

- Chưa bàn xong đánh như thế nào đã bàn lui, vậy cao kiến của Điền tiên sinh ra sao? Toạ sơn quan hổ đấu, tiếp thực tiếp người cho Đỗ Thục chống Thiên Đức ư?

- Ngoài mặt ta thuận theo yêu cầu của Thiên Đức để chúng thả người. Quan lang bảo Đỗ Thục cấp y phục quân Đỗ, ta dùng y phục đó quấy phá Thiên Đức, tội vạ đâu do nhà họ Đỗ, liên quan gì chúng ta?

Ngọa Hổ tướng Bùi Sơn Lâm giấu nụ cười, hỏi Điền Hoành:

- Vẫn lời tiên sinh nói, qua sông phải luỵ đò, vậy thuyền bè tính sao? Dùng số thuyền rách của Quách tướng quân qua sông? Ta sợ chưa đến bờ thì binh sĩ ướt hết cả.

Bọn Hà Duy, Đinh Đệ, Trương Bồ và một số bộ tướng hơi cúi đầu cố nhịn cười. Quách Cư Dĩ điềm nhiên, tưởng như chẳng nghe thấy Ngọa Hổ tướng bóng gió.

- Muốn sang sông chẳng cần thuyền không tính là khó. - Điền Hoành tự tin nói. - Có điều làm cách ấy chẳng thể đem đại binh, nhiều thì dăm trăm tráng sĩ mà thôi.

Đinh Sơn nghe được lời đó vô cùng tò mò, bèn bảo:

- Điền tiên sinh, phiền tiên sinh nói rõ hơn được không?

- Thiên cơ bất khả lộ, tại hạ ăn bổng lộc của quan lang, nghĩ đến lúc phải đền đáp. Việc hệ trọng này tại hạ xin được thưa riêng với ngài.

Đinh Sơn vỗ đùi, vui mừng nói:

- Được, được! Mời tiên sinh lại gần đây ta cùng trao đổi.

Điền Hoành đến cạnh Đinh Sơn, ghé vào tai thì thào gì đó, chỉ biết Đinh Sơn gật đầu luôn, nét mặt mỗi lúc một rạng rỡ.

- Diệu kế, diệu kế! Thực là diệu kế. Điền tiên sinh quả không hổ sanh mưu thần hạng nhất Vân Nam.

Điền Hoành chắp tay cung kính bái tạ:



- Tại hạ không dám nhận, chỉ là góp chút sức mọn mà thôi, xin quan lang chớ vội khen.

Điền Hoành trở về chỗ ngồi, Đinh Sơn nhắc tả hữu cùng uống rượu cần trước khi bàn bạc tiếp.

- Âu tiên sinh, Lạc tiên sinh, Yên tiên sinh! - Đinh Sơn hỏi những mưu sĩ còn lại. - Ý các ông thế nào? Xin cho Sơn này được tỏ.

Âu Minh Thông vuốt thẳng vạt áo, vòng tay thi lễ, cất giọng từ tốn:

- Theo tại hạ thấy, quan lang kết giao hảo với Thiên Đức là kế dài lâu. Thiên Đức tuy khác giọng nói, phong tục với ta nhưng Vạn Thắng vương Mạc Thiên Chương tuổi còn trẻ, lại có lòng thương dân.

Chẳng chờ Âu Minh Thông nói hết câu, Đinh Công đứng bật dậy, hướng cái nhìn hằn học lên người Âu Minh Thông:

- Cha ta là vua xứ mường, chẳng lẽ quỳ gối xưng thần với thằng oắt con họ Mạc đó?

Âu Minh Thông vẫn khẳng khái đáp:

- Lý tiên vương từng sắc phong Đinh quan lang làm vua xứ Mường Động. Mạc Thiên Chương kế tục ngai vàng, theo lý mà nói phải vỗ về bách tính, lấy lòng muôn dân.

Âu Minh Thông thấy Đinh Sơn có vẻ chẳng hài lòng với lời vừa rồi đành xin bảo lưu ý kiến. Lạc Hi ngắm thấy căng thẳng sẽ không có lợi bèn đứng lên thưa rằng:

- Ngoài xứ mường của ta còn hai xứ mường khác, quan lang kết giao với họ làm thế chân kiềng. Giả như Thiên Đức đắc lợi vẫn phải dè chừng. Thêm nữa, ta kéo dài thêm thời gian xem thế sự rồi định liệu tiếp cũng chưa muộn ạ. Chống Thiên Đức là việc phải làm song… chưa phải lúc này đâu ạ.

Đinh Công nói mát mẻ:

- Xứ Tam Đái từ chủ đến tớ đều đi bằng đầu gối, Sứ quân nơi ấy là một ông trọc đầu ngày đêm ngồi sám hối mà chẳng hiểu sám hối cái gì nữa, nực cười.

Thấy Yên Định nhấp nhổm, Đinh Công bèn tiện miệng:

- Xứ Thanh Hoa còn tệ hơn, từ tướng đến quân đồng lòng quỳ gối. Bởi thế người trong thiên hạ bảo rằng chơi với bọn Kinh lâu dần sẽ nhiễm tính gian trá, hèn hạ và bủn xỉn của chúng là vậy.

Yên Định và Lạc Hi tức lắm song không nói được, lời nghẹn ở cổ họng.

Đinh Sơn bảo tả hữu ngưng tranh cãi, hỏi Quân lương tướng Bùi Nghiệp về lương thảo. Bùi Nghiệp báo cáo rành rẽ, Đinh Sơn hài lòng lắm.

- Xông pha trận mạc là việc của các tướng, kẻ sĩ ngồi sau bàn tre sao có thể trông xa nhìn rộng. Bao đời này thắng bại định trên sa trường, nào có múa mép khua môi mà thắng được địch. - Bùi Nghiệp nói. - Mạt tướng sẵn sàng quân lương đánh với Thiên Đức cả năm cũng chẳng hết.

Âu Minh Thông, Lạc Hi, Yên Định ấm ức từ nãy đang chịu nhịn, lại nghe lời khích bác của Bùi Nghiệp thì tức anh ách. Lạc Hi bèn đổi giọng, trả đũa:

- Còn nhớ năm xưa lúc Lý tiên vương mới lên ngôi, trong ngoài còn lộn xộn chưa yên, đám sâu mọt cậy công thi nhau đục khoét. Có Trương Càn tay hòm thìa khoá táy máy đem của công về phủ. Đồ quý ở nhà Trương Càn nhiều hơn trong cung. Lý tiên vương biết chuyện gọi Càn đến hỏi, Càn nói giữ hộ vì sợ phường t·rộm c·ắp. Tiên vương xét thấy Trương Càn từng vào sinh ra tử, lại mới lên ngôi mà bêu đầu kẻ tắt mắt sợ trăm quan dị nghị nên tha bổng. Trương Càn được miễn tội nhưng năm sau bị hạ nhân cắt bỏ của quý vì chung chạ với vợ hắn, thật đáng thẹn.

Bùi Nghiệp biết Lạc Hi chỉ gà mắng chó nhưng nói đúng quá cãi không được đành ngậm miệng. Số là Bùi Nghiệp từng đem thóc lúa trong kho quân lương cho vợ một thuộc hạ có nhan sắc, đương lúc tằng tịu bên đống rơm b·ị b·ắt quả tang. Nếu Bùi Nghiệp không phải con cháu quan lang đã m·ất m·ạng trong tư thế khó coi. Bùi Nghiệp chịu phạt vạ trâu, bò và mấy bồ thóc cho yên chuyện nhưng dân xứ Mường Động ai ai cũng biết cả.