Đọc truyện vip online, đọc truyện chữ, truyện full, truyện hay. Tổng hợp đầy đủ và cập nhật liên tục.
Vạn Xuân Đế Quốc

Chương 589: Tôn Ninh Hà




Chương 589: Tôn Ninh Hà

Sau đám cúng ma cho những thổ binh t·hiệt m·ạng, biết Tôn Viết Văn hãy còn sống, Tôn Ninh Hà cảm thấy nhẹ lòng đôi chút. Tôn thị không còn than khóc vật vã, thay vào đó chầu trực ở nhà quan lang, thúc giục Đinh Sơn mau đưa con về. Trong số hàng chục bà vợ của Đinh Sơn, Tôn thị phần nào có tiếng nói bởi tháo vát, biết thu vén, làm kinh tế và tay hòm chìa khoá cho Đinh Sơn nhiều năm nay.

Tôn Ninh Hà hiếu thắng, chẳng thể chịu thiệt, đêm ngày suy tính, muốn tìm cách đòi lại công bằng cho bản thân. Từ nhỏ Tôn Ninh Hà được mẹ dạy dỗ phải biết giữ thân và… những chỗ kín đáo chỉ dành cho người đàn ông sẽ lấy làm chồng. Những lời ấy ăn sâu vào nếp nghĩ của Tôn Ninh Hà. Gã Kinh tộc kia đã nhìn thấy thứ không nên nhìn, phải lấy cặp mắt của hắn về cô nàng mới hả dạ.

Tôn Ninh Hà đến gặp Bùi Tượng, hỏi tình hình bên huyện Sơn Lăng. Bùi Tượng vừa ngồi đan sọt vừa kể đầu đuôi, Tôn Ninh Hà chắc mẩm kẻ cô nhắm đến chính là Quan Bình thông qua mô tả của Bùi Tượng.

- Hà ơi! - Bùi Tượng nói. - Ho nhắc da, thằng đó là thượng quan, chung quanh nó kẻ hầu người hạ hàng chục người, đều là bọn lấy mạng người trong chớp mắt. Da bỏ ý định trả thù đi, dù gì tối trời nó cũng chẳng thấy gì, da đừng cả nghĩ mà đau cái bụng a.

- Chú Tượng ơi, cháu phải trả thù chứ. Không lấy được cặp mắt cú của nó thì cháu ăn chẳng ngon, ngủ chẳng yên đâu.

Bùi Tượng thở dài:

- Ho biết là thế nhưng da phải dằn lòng lại, nay mai quan lang đánh bọn Thiên Đức, da mặc sức trả thù có hề chi.

Tôn Ninh Hà hỏi:

- Chú bảo tướng mạo nó khôi ngô, toát ra khí chất khiến người đối diện lúc nói chuyện dễ bị u mê có phải không? Tài nghệ của nó thế nào?

Bùi Tượng ngơi tay, cầm tẩu rít một hơi thuốc, nhả khói, đôi mắt lim dim:

- Trông sắc diện và đôi bàn tay của nó thì không phải kẻ luyện cung kiếm, nó là văn nhân dùng miệng lưỡi hại người. Cứ nhìn bọn thuộc hạ xung quanh toàn đám cao thủ, ánh mắt đầy sát khí sẽ thấy thân phận nó chẳng tầm thường.

- Nó là quan đứng đầu chuyên việc cày cấy. Nó hệt như mấy môn khách quan lang mời về, chú đừng đánh giá nó cao như vậy.

Bùi Tượng lại rít thêm một hơi thuốc, phả thẳng vào mặt Tôn Ninh Hà, cười và nói rằng:

- Ho thường giao thiệp với đủ hạng người xuôi bao năm nay, ho thấy nó khác thì ho bảo khác vậy thôi. Nó không biết cầm khiên cầm đao, điều này ho chắc lắm. Hà à, núi cao còn có núi cao hơn, cánh rừng này còn có cánh rừng khác rộng hơn. Người tài trong thiên hạ rất nhiều nhưng mấy ai nổi danh vì đao kiếm đâu nào. Da học chữ, đọc trăm sách là hơn vạn người xứ mường này rồi. Da ra đường bà con dân bản quý mến là bởi da biết chữ, nào phải da múa kiếm, cưỡi ngựa giỏi.

Tôn Ninh Hà chẳng chịu, vẫn nói ngang:



- Dù gì cháu cũng phải móc mắt nó về ngâm rượu mới được.

Tôn Ninh Hà đến nhà lang gặp Tôn thị. Tinh thần của Tôn thị phần nào ổn định, Tôn Ninh Hà mới hỏi về quyền thuật được truyền thụ. Tôn thị tạm dừng việc thêu khăn, nói với Tôn Ninh Hà:

- Lúc trạc tuổi con bây giờ, mế cậy nghệ, đánh nhau nhiều đận với trai tráng ở dưới sông. Mế không phải dân bản, sống dưới thuyền mà. Trai tráng chòng ghẹo nên mế đánh tất, cứ lấy mái chèo mà đuổi.

- Con chỉ muốn hỏi về môn phái Bạch Hổ Thần quyền, mế là môn đệ phải không ạ?

Tôn thị đáp:

- Nào phải! Hồi ấy dưới bến thuyền có mấy anh chị em nhà kia họ Lạc lớn hơn ta dăm ba tuổi. Có đận trai bản kéo nhau thách đấu, nếu thua thì bọn mế theo về làm vợ, nếu thắng thì đám trai bản sẽ làm phu khiêng vác không công cho bọn mế 3 năm.

- Vậy… mế thua hay thắng?

Tôn thì cười:

- Mế đánh không lại quan lang nên chịu về làm vợ. Hai người họ Lạc kia thì khác, họ đánh mấy tráng đinh ngã dúi dụi.

Tôn Ninh Hà đôi ba lần được nghe lúc nhỏ nhưng lần nào nghe lại cũng tò mò lắm.

- Eng của con có đánh với họ không ạ?

Tôn thị nheo mắt nhìn bầu trời cao vời vợi, nhớ chuyện mấy mươi năm về trước:

- Quan lang chỉ nhắm đến mế, thắng rồi đâu tham gia. Trai bản giữ lời phụ giúp khuôn vác hàng hoá hơn hai năm, sau đây chị em họ Lạc về xuôi cả. Mế nhớ… người chị tên Mua theo làm lẽ thuyền buôn họ Lâm, người em tên Lạc thì không nhớ phiêu dạt nơi nào. Do cùng cảnh ngụ cư, hai chị em họ Lạc dạy cho mế thêm quyền thuật gia truyền. Trước lúc học mế có sắm mâm lễ đơn giản, bái hai người ấy làm sư tỉ. Mế phải thề Bạch Hổ Thần quyền chỉ truyền cho nữ nhân.

Tôn Ninh Hà bó gối trầm ngâm, ánh mắt đăm đăm nhìn than hồn trong bếp lửa rực đỏ mỗi khi có cơn gió nhẹ thoảng qua. lúc sau Tôn Ninh Hà kể chi tiết cuộc giao đấu với Dương Yên Thư và kết luận:

- Ả đó dùng tuyệt chiêu Phật gia quyền có đôi chút khác so với con. Ả tận dụng sức bật để tăng thêm lực, nếu không có vòng bạc đỡ giúp e là con m·ất m·ạng rồi. Mế có nghĩ ả đó là con gái của hai bà họ Lạc đó không? Ả mới chỉ ngoài hai mươi mà thôi.



Tôn thị nhón tay véo một ít thuốc lào cho vào tẩu, nói rằng:

- Đất trời bao la sao mà biết được. Hồi ấy mế mới lấy quan lang, học nghệ còn đôi chút chểnh mảng vì mế cũng có nghệ của mế rồi. Bạch Hổ Thần quyền cần luyện tập thường xuyên và chú tâm. Ả đó dùng giáo dài, vậy ngoài quyền thuật hẳn nó cùng trường côn rất thạo. Trường côn và Bạch Hổ Thần quyền kết hợp ắt thiên về sức, con dùng song kiếm, thiên đòn thế uyển chuyển, khắc chế được mà.

Tôn Ninh Hà bày tỏ ý định trả thù Quan Bình, đòi lại sự… trong sạch.

- Ông Tượng đã nói rồi, nó là thượng quan, bên dưới lắm kẻ bảo vệ, con bỏ ý định ấy đi.

Tôn Ninh Hà vẫn cố chấp:

- Nhưng nó thấy hết ngực con rồi, bọn kẻ dưới biết chuyện, sau này con lấy chồng, chồng con sẽ khinh rẻ.

Tôn thị nhẹ giọng:

- Nó đã đụng đến đâu, là do con sơ hở. Nó ném áo cho con, như vậy cũng là kẻ đàng hoàng. Lại tha con về, ấy là nó không lợi dụng tình thế bắt con về hầu. Con phải nghĩ theo cách đó mới được.

Tôn Ninh Hà phụng phịu:

- Nói thế con phải mang ơn nó ư?

Tôn thị kết luận:

- Công bù tội, chôn xuống đất là được.

Nhưng Tôn Ninh Hà không chịu chôn thiệt thòi xuống đất.

Dăm ba ngày sau, Tôn Ninh Hà nai nịt gọn gàng, chuẩn bị cung tên, lương thực phơi khô cùng nhiều vật dụng cần thiết khác để vào rừng săn bắn dài ngày. Để tránh Tôn thị nghi hoặc, Tôn Ninh Hà dắt ngựa rời bản một quãng xa, đến lúc khuất dưới tán cây rừng mới đánh một vòng về hướng Nam. Chiều hôm sau Tôn Ninh Hà buộc ngựa, nghỉ chân trong một hốc đá ven sông Hắc, phóng tầm mắt nhìn sang bờ đối diện.

Tôn Ninh Hà dành ba ngày theo dõi và ghi nhớ các khoảng thời gian khinh thuyền Thiên Đức tuần giang. Trong ba ngày này, Tôn Ninh Hà kết sẵn một bè, làm mái chèo, chờ trời vừa sẩm tối vượt sông cùng tư trang. Con ngựa cô nàng buộc ven hốc đá cùng đống cỏ khô, nước mưa đủ cho ngựa ăn độ mươi ngày.



Lên được bờ, Tôn Ninh Hà tháo bớt gỗ, giữ lại ba thân gỗ và mái chèo đủ để bơi qua sông. Cô nàng giấu bè trong bụi rậm ven sông, nguỵ trang cẩn thận rồi nhắm hướng núi Vua băng qua cánh đồng lúa. Tôn Ninh Hà cẩn thận men theo bìa rừng xuôi về hướng Nam độ vài dặm tìm chỗ trú chân trước khi trời sáng rõ.

Từ nơi ẩn náu tạm thời, Tôn Ninh Hà thay đổi y phục, cất giấu binh khí và lương thực đem theo, lận lưng thanh chủy thủ cùng túi bạc vụn lần mò về hướng bờ sông trong bộ dạng nghèo khổ tìm việc nhổ sắn, gùi sắn, ngũ cốc từ làng ra bến sông hòng kiếm miếng cơm qua ngày, nghe ngóng tình hình, tìm bản doanh Thiên Đức nơi nào. Thời gian này dân huyện Sơn Lăng thu hoạch sắn và ngũ cốc đem bán cho thương lái. Mọi năm m·ưa l·ũ, con nước dâng cao vào quãng giữa tháng 10, các loại hoa màu trồng ven sông cần thu hoạch trước khi lũ đến.

Tôn Ninh Hà tuy tuổi mới 16 nhưng sức vóc như con gái mười tám đôi mươi, lại rất khoẻ, chẳng khó kiếm cơm qua ngày.

Trong những ngày sau đó, dẫu để ý nghe ngóng xong Tôn Ninh Hà chưa biết được nơi quân chính quy Thiên Đức đóng ở đâu. Một đêm trời mưa nhỏ Tôn Ninh Hà trở lại bờ bên kia, định bụng từ bỏ ý định trả thù. Sau một ngày nghỉ ngơi dưỡng sức, lúc cầm dây cương định dắt ngựa đi, Tôn Ninh Hà trông thấy kì hiệu một toán độ ba mươi khinh kị Thiên Đức từ hướng Nam ngược lên Bắc. Cô nàng đứng trên cao trông theo bóng tinh kì đến khi khuất hẳn.

- Phải rồi! Nơi này giáp ranh với vùng Đỗ Động Giang kiểm soát, ta phải ngược lên quãng trên mới đúng. Kẻ mặt trắng ấy không có nghệ hẳn phải ở chốn đông người lắm quân canh. Thử một lần nữa xem sao.

Tôn Ninh Hà lại vượt sông thêm lần nữa.

Chương di chuyển khỏi lều tạm nơi bìa rừng về ở trong một ngôi làng nhỏ cách bờ sông không xa nhằm tiện nắm bắt công việc. Trong khoảng thời gian này, Yên Thư và Lam Giang thường dẫn Thiên Kim đi phiên chợ quê cách làng độ 5 dặm ở ven sông. Chợ bình thường cách 5 ngày một phiên, duy có tháng 10 và tháng Chạp cách 3 ngày một phiên vì khoảng thời điểm này mua bán tấp nập. Tôn Ninh Hà sắm đòn gánh và đôi quang giả trang, khuân bê hàng hoá dưới thuyền lên bờ hoặc gánh hàng hoá từ chợ về làng nếu ai thuê.

Gánh thuê đến ngày thứ ba, Tôn Ninh Hà trông thấy Dương Yên Thư trong chợ, lòng vui như mở cờ, chỉ muốn cầm đòn gánh đến đập Yên Thư giữa chợ. Tôn Ninh Hà bám theo Yên Thư, Lam Giang và Thiên Kim rời khỏi chợ được một quãng phải nấp ven đường, bỏ ngang việc theo dõi, miệng lẩm nhẩm:

- Con ả này là ai mà theo sau có cả toán nam nhân giả trang bảo vệ? Hừ! Õng ẹo thế kia chắc chẳng đoan trang gì, có khi nó là con hầu của thằng mắt cú vọ. Chúng nó đi về hướng ấy, vậy dò là thêm sẽ được thôi.

Đêm xuống, Tôn Ninh Hà ngủ nhờ dưới thuyền ghe, đổi lại giúp việc vặt cho chủ thuyền. Tôn Ninh Hà gặp may, chưa từng bị xét hỏi giấy tờ bởi Sơn Lăng ngày nào cũng có hàng chục, hàng trăm người đến trình quan xin làm dân Thiên Đức. Vả lại, quan quân Thiên Đức trấn trong vùng nhận lệnh không làm khó bách tính buôn bán nhằm thu hút thêm thương nhân. Thương nhân có muốn vào sâu trong làng mạc tìm mua ngũ cốc sẽ có lính đưa đường.

Ba hôm sau Yên Thư, Lam Giang lại đến chợ phiên mua sắm cùng với Thiên Kim. Yên Thư dắt Thiên Kim đi ăn hàng, Lam Giang mải mê với mấy hàng bán các cây thuốc nam phơi khô. Lam Giang mua nhiều, chủ hàng đề nghị gánh về tận nhà giúp và Tôn Ninh Hà quẩy đôi quang gánh chờ sẵn từ bao giờ xin nhận việc với tiền công phân nửa bình thường, thêm một phần cơm nắm.

Yên Thư, Lam Giang và Thiên Kim ríu rít trở về, chẳng để ý đến người gánh đống nguyên liệu thuốc nam đội nón ná ở đằng sau. Ma Kê và toán Thân Vệ giả trang theo sau cũng không để ý nhiều đến Tôn Ninh Hà bởi vẻ ngoài lam lũ của cô. Tuy vậy Tôn Ninh Hà chỉ đạt được phần nào mục đích bởi gần đến làng, Lam Giang bảo cô dừng lại và dúi vào tay Tôn Ninh Hà mấy đồng bạc, bảo rằng:

- Chị gánh tới đây được rồi, chỗ bạc này em tặng chị. Mùa đông sắp đến, mua thêm cái áo lành lặn vận cho ấm nhé.

Hai người tráng niên vượt lên, chẳng nói chẳng rằng đưa cho Tôn Ninh Hà cặp quang, thúng và đòn gánh mới rồi gánh đống thuốc nam đi như bay về phía ngôi làng trước mặt, bỏ Tôn Ninh Hà đứng ngây ngốc với mấy đồng bạc trong tay.

Lững thững quay trở lại chợ tránh bị nghi ngờ, Tôn Ninh Hà biết được tên ngôi làng mà Yên Thư khuất sau rặng tre, ấy là làng Trù, một làng chuyên trồng trầu và có hàng nghìn cây cau.

- “Làng ấy toàn người Sơn Lăng gốc, chẳng như mấy làng mới đủ hạng người. Thằng mặt trắng mắt cú vọ mũi diều hâu nhất định ở trong đó cùng ả kia.”

Đêm xuống, Tô Ninh Hà muốn tiếp cận luỹ tre làng xong khó khả thi. Dưới bóng trăng, Tôn Ninh Hà phát hiện vài bóng đen thoắt ẩn thoắt hiện trên những thửa ruộng gần bờ tre. Nhớ lại lời bọn Hà Công Rộng, Quách Kín kể lúc tiếp cận Xóm Trại bị phục ngoài đồng, Tôn Ninh Hà từ bỏ cách đột nhập vào làng lúc ban đêm.