Chương 592: Trong ngục thất
Nội dung trên tấm vải đỏ dài mấy thước viết bằng chữ Vạn Xuân, là thánh chỉ theo cách gọi của Lý Nhân Nghĩa, liệt kê chi tiết tên họ bách quan cùng gia quyến đang phục vụ trong triều kèm lời nhận xét ngắn gọn năng lực, tư cách ngay gian, tốt xấu khiến trăm quan bàn tán xôn xao. Người bực dọc lộ ra mặt, người cố giữ vẻ mặt bình thản khi Vạn Thắng vương nhận xét tốt về bản thân, điều này khiến họ mơ hồ nghĩ đến ngày sau nếu có đổi ngôi vẫn được trọng dụng.
Tô Trung Từ mau chóng nhận ra điểm nguy hại và mục đích của Chương là chia rẽ văn quan, gieo vào đầu họ những suy nghĩ không phù hợp vào thời điểm này. Tô Trung Từ lệnh thị vệ bắt giữ Lý Nhân Nghĩa ngay tức khắc, song Lý Nhân Nghĩa bình tĩnh chửi xéo:
- Đúng phường bất lương, trong triều vô pháp vô thiên tự bao giờ? Chủ tử chưa lệnh mà hạ nhân làm càn, đất này của họ Tô tự bao giờ vậy?
Tô Trung Từ chỉ mặt Lý Nhân Nghĩa mắng rằng:
- Thẳng phản phúc xàm ngôn, hôm nay ta không cắt lưỡi nhà ngươi thật thẹn với lòng.
Lý Nhân Nghĩa hướng chú ý lên bệ rồng chờ được đọc tiếp, mặc lời ồn ào của các đại quan đang cả giận buông lời mắng nhiếc Vạn Thắng vương là nghịch tặc. Trữ quân trên bệ rộng lưỡng lự, trông thấy trăm quan nửa mặt đỏ như gà chọi, nửa giấu hai tay trong áo lặng thinh, lại thấy tờ sớ đọc gần xong bèn chấp thuận cho Lý Nhân Nghĩa đọc hết.
Lý Nhân Nghĩa đọc xong phần kê từng quan, đoạn cuối cùng viết:
“… nay sai Lý Nhân Nghĩa làm sứ, chuyển lời đến Trữ quân cùng văn võ bách quan La thành. Ta biết người kinh sư coi Thiên Đức là phường hạ nhân chẳng biết phép tắc, vô pháp vô thiên. Bởi thế Lý Nhân Nghĩa đi chuyến này vào hang hùm sẽ lành ít dữ nhiều, Trữ quân hay Tô tặc xử bêu đầu Nhân Nghĩa chẳng phải chuyện lạ.
Ta muốn cáo với quan quân La thành, sau nửa tuần trăng Lý Nhân Nghĩa không về trình diện dưới bệ rồng, ta sẽ đem đại quân ba mặt t·ấn c·ông, bắt toàn bộ bách quan cùng gia quyến trong triều bất kể lớn bé, già trẻ xử tử ở nơi Trữ quân xử Nhân Nghĩa.
Để tỏ lời ta như đinh đóng cột, từ ngày 12 tháng 10, ta sẽ sai người hỏi thăm sức khoẻ gia quyến quan đại thần, bắt đầu từ đại thần làm việc trong Khu mật viện bởi những kẻ này xảo ngôn, mưu cho Trữ quân mời ngoại bang dày xéo Vạn Xuân, tiếp tay cho bọn Chí, Huệ hà h·iếp bách tính gây bao cảnh t·ang t·hương.”
Lý Nhân Nghĩa vừa đọc dứt, Tô Trung Từ tuốt gươm của thị vệ xông đến định chém. Phạm Ngũ Lão bước lên chắn trước mặt Lý Nhân Nghĩa thủ thế. Tô Trung Từ vung mấy đường kiếm, Phạm Ngũ Lão đều dễ dàng tránh được cả. Bấy giờ Trữ quân mới bảo Tô Trung Từ:
- Càn Nguyên điện chẳng thể có mùi máu tanh.
Tô Trung Từ cả giận, tâu rằng:
- Xin thánh thượng hạ lệnh đem chém bọn này. Trên điện dám buông lời ngạo mạn, khinh khi.
Trữ quân đứng dậy, cả điện im phăng phắc, tưởng như nghe rõ tiếng ruồi đập cánh. Trữ quân thấy Lý Nhân Nghĩa không đổi sắc mặc, dường như sẵn sàng đón đợi c·ái c·hết. Lại thấy phó sứ Phạm Ngũ Lão tay không đứng chắn ngang, nét mặt bình thản giữa đám thị vệ đao kiếm sáng loáng thì có chút cảm phục.
- Giam vào đại lao!
Nói rồi Trữ quân rời điện Càn Nguyên. Tô Trung Từ giận lắm, nhưng mệnh vua ban không thể trái, phất tay ra hiệu thị vệ thu đao kiếm, áp giải bọn Lý Nhân Nghĩa vào đại lao. Lý Nhân Nghĩa và Phạm Ngũ Lão không để cho thị vệ trói, ngang nhiên rời điện Càn Nguyên trong những lời bàn tán xì xào, lẫn trong đó có đôi ba lời mắng chửi thậm tệ.
- Lý đại nhân. - Phạm Ngũ Lão cười toe toét khi đã ở trong đại lao. - Nếu ông bị bêu đầu, hằng năm đến ngày kị tôi nhất định sẽ đem thượng tửu đến cúng bái.
Lý Nhân Nghĩa cười nhạt:
- Đừng quên món cầy tơ và lời giao hẹn, nếu không tôi sẽ hiện về b·óp c·ổ cậu.
Phạm Ngũ Lão nhăn nhở:
- Đại nhân khéo lo, tôi nhất định sẽ truyền thụ tinh hoa võ nghệ tôi học được cho con cháu ông mà. Đại Vương còn nói với tôi, nếu ông m·ất m·ạng thì điện Càn Nguyên sẽ đổi thành điện Nhân Nghĩa cơ đấy.
Lý Nhân Nghĩa lúi húi xếp chỗ rơm tươi làm chỗ ngả lưng, bảo rằng:
- Mạng Nghĩa có là gì, để xem Trữ quân và Tô tặc có dám lấy không nào. Cuộc đời Nghĩa này có c·hết cũng mãn nguyện.
Phạm Ngũ Lão ngồi xổm bên cạnh, nhe răng cười mà bảo:
- Tôi sẽ xin với Đại Vương sắc phong ông làm Thượng đẳng thần rồi lập miếu thờ, có được không?
Lý Nhân Nghĩa nhăn mặt nhổm dậy:
- Nhớ sơn miếu màu trắng, ngày rằm nhớ cúng cầy tơ.
Đoạn thở dài:
- Cậu nói làm tôi thèm, biết vậy trước khi vào điện đánh một bụng mới phải. Tôi biết một chỗ rất ngon. Mà thôi, đánh một giấc đã, trời tối rồi tính tiếp. Ý đồ đạt được phân nửa rồi, tạm yên tâm.
Lý Nhân Nghĩa xoay người nhắm mắt ngủ, tuyệt chẳng quan tâm đến việc sẽ bị xử ra sao. Phạm Ngũ Lão ngồi xếp bằng bên cạnh, nhắm mắt luyện công chờ trời tối.
Phạm Ngũ Lão sau thời gian ở Bạch Vân am đã học thêm được chút nghệ, trong đó có thuật khinh công, nhảy cao dễ đến 2 trượng, vô cùng thích hợp cho việc đào tường khoét vách hoặc chạy trốn.
Mục đích của Lý Nhân Nghĩa và Phạm Ngũ Lão đến La thành nói nhăng nói cuội là mong muốn được nhốt vào ngục thất bởi nơi này đang giam giữ một vài người có ích cho đại cuộc của Chương, một trong số đó là lão thần Tô Hiến Thành, họ nội tộc với Tô Trung Từ bị giam trong đại lao cùng thân tín đã hơn một tháng nay.
Tô Hiến Thành phản đối việc cấu kết với ngoại bang, trong triều nghịch ý với Tô Trung Từ. Gần hai tháng trước, lúc bọn Dương Trường Huệ rút về phương Bắc, Tô Hiến Thành tấu với Trữ quân, xin thương bách tính La thành vì đói khổ lầm than mà nhượng bộ Vạn Thắng vương trước khi khắp nơi ngập cảnh đầu rơi máu chảy.
Tô Trung Từ định chém Tô Hiến Thành ngay dưới điện. Trữ quân cả giận, nghĩ công lao phò tá nhiều năm, bãi chức Tể tướng của Tô Hiến Thành, giam vào đại lao chờ định tội.
Sau các trận giao tranh với La thành trong mấy năm, Chương có trong tay một số tướng lĩnh La thành. Năm trước có cha con họ Cao, gần nhất bắt được Lý Uy nên biết được nhiều thông tin cũng như một số sự vụ trong triều. Dẫu Tô Hiến Thành nắm chức Tể tướng, song các cơ quan dưới quyền như Khu mật viện, Ngự sử đài đều do người của Tô Trung Từ nắm giữ.
Tô Hiến Thành có hai chàng rể, rể lớn Khúc Bàng Giang người Ninh Hải, thạo nghề sông nước, đương chức Tả vũ vệ tướng quân coi hơn nghìn thủy binh La thành trên sông Tô. Con rể thứ Đồng Mặc nắm một vệ năm trăm khinh kị trấn quanh khu vực cánh đồng Chuông, thuộc quyền Lý Mẫn. Cháu ngoại Tô Hiến Thành, trưởng tử của Khúc Bàng Giang là Khúc Hồng Châu chỉ huy một vệ năm trăm quân bộ binh trấn phía Nam kinh thành, chuẩn bị đối đầu với bọn Bàn Phù Sếnh.
Tô Hiến Thành có hai người con trai theo nghiệp chữ nghĩa. Trong đó trưởng tử Tô Vĩnh Khang giữ chức Hộ bộ Tả thị lang (tương đương chức Thứ trưởng Bộ Tài chính hoặc Bộ Công thương). Thứ nam Tô Hiến Khái giữ chức Công bộ Hữu thị lang (tương đương Thứ trưởng Bộ Xây dựng hoặc Giao thông Vận tải). Tô Vĩnh Khang và Tô Hiến Khái cùng con trai đang làm việc trong triều đều b·ị b·ắt giam vào ngục thất cùng Tô Hiến Thành.
Chương muốn Lý Nhân Nghĩa và Phạm Ngũ Lão vào đại lao tìm cách tiếp cận Tô Hiến Thành. Tô Hiến Thành làm quan trong triều, người thương kẻ mến chẳng ít, nếu tranh thủ được sự ủng hộ của một nhánh họ Tô, nội bộ triều đình của Trữ quân nhất định rối ren.
Trống canh ba vừa điểm, cửa ngục có tiếng lách cách, cánh cửa gỗ hé ra, đủ cho một người lách qua. Bóng người nhón chân đến bên phòng giam Lý Nhân Nghĩa và Phạm Ngũ Lão thì thào:
- Nhất Vạn!
Phạm Ngũ Lão nhổm người dậy đáp:
- Linh Sơn!
Bóng đen cẩn thận mở khoá cửa, nói nhỏ khi Phạm Ngũ Lão lách người ra:
- Quân canh đang say khật khưỡng, thuộc hạ đứng canh ngoài cửa, có động sẽ huýt một tiếng sáo. Quan Tể tướng bị giam ở khu thượng, cứ men theo lối hành lang là đến ạ.
- Xa không? - Phạm Ngũ Lão hỏi.
- Chỉ độ dăm mươi trượng.
Dứt lời bóng đen dẫn lối cho Phạm Ngũ Lão và Lý Nhân Nghĩa lẩn vào khoảng tối đến nơi giam giữ Tô Hiến Thành.
Tô Hiến Thành cùng hai con chong đèn ngồi đọc sách, ánh đèn hắt qua chấn song cửa. Nghe tiếng động bên ngoài, Tô Vĩnh Khang dỏng tai nghe rồi hỏi:
- Ai vậy?
Lý Nhân Nghĩa đáp:
- Hạ quan xin được nói chuyện với Tể tướng đại nhân.
Tô Vĩnh Khang rời khỏi bàn, bước đến bên cửa hỏi:
- Tại hạ Vĩnh Khang, xin hỏi đang tiếp chuyện vị nào?
- Trước đây trong triều hạ quan giữ chức Viên ngoại lang, về Thiên Đức làm Thượng thư Lễ bộ.
Tô Vĩnh Khang giật mình hỏi lại:
- Có phải Nguyễn Nhân Nghĩa?
- Chính tại hạ. Xin Tô đại nhân cho hạ quan nói chuyện với Tể tướng.
Lý Nhân Nghĩa vừa nói vừa thò tay qua chấn song đưa cho Tô Vĩnh Khang một vật, bảo rằng:
- Hạ quan đến theo lệnh của Vạn Thắng vương và Đại Thắng Lý Hoàng hậu. Tín vật này gọi là Tinh hoa ngũ thành thiết, Vạn Thắng vương gửi Tể tướng đại nhân.
Tô Vĩnh Khang lưỡng lự giây lát, cần tín vật quay vào đưa cho Tô Hiến Thành. Tô Hiến Thành xem tín vật chẳng hiểu ý nghĩa, nhưng nghe thân tín của Vạn Thắng vương đến tận cửa nhà giam xin gặp thì lấy làm lạ. Ông gập sách, chậm rãi đến bên chấn song nhìn ra. Ánh đèn dầu leo lét chẳng giúp Tô Hiến Thành nhìn tỏ nhân dạng của Lý Nhân Nghĩa.
Lý Nhân Nghĩa vòng tay xá dài, tự giới thiệu sơ lược bản thân và lí do ở trong ngục.
- Vị này là Phạm Ngũ Lão, thân tín của Vạn Thắng vương, cùng đi với hạ quan ạ.
Tô Hiến Thành đáp lễ, trầm giọng nói:
- Lão không còn là Tể tướng đương triều, Lý đại nhân không quản hiểm nguy đến tận đây gặp, chẳng hay có chuyện gì hệ trọng?
- Bẩm Tể tướng đại nhân, nay mai đại quân Thiên Đức đánh kinh sư chẳng tránh được cơn mưa máu. Vương thượng của hạ quan đang tìm mọi cách nhằm giải quyết xung đột sao cho ít thiệt hại nhất có thể. Lý Thái sư và Phạm Tả Đô đốc đều cho ngài có lòng yêu nước thương nòi, chán ghét c·hiến t·ranh khiến muôn dân lầm than nên…
Tô Hiến Thành lên tiếng cắt ngang:
- Lý đại nhân, ngài theo mệnh mà đến, muốn nhà họ Tô phản chủ, làm nội ứng cho Thiên Đức có phải không? Nếu là vậy xin cáo lỗi với đại nhân, nhà họ Tô tuy không bằng lòng cung cách của Trữ quân nhưng cũng không vì thế mà tiếp tay cho giặc.
Một khoảng lặng kéo dài, lúc sau Lý Nhân Nghĩa mới nói:
- Cả thiên hạ biết họ Tô bằng cách này hay cách khác, trước sau nhất dạ trung thành với vương nghiệp của tiên vương, là rường cột nước nhà. Hạ quan xin phép hỏi Tể tướng đại nhân, người nằm trên bệ rồng có phải người được tiên vương truyền ngôi hay không ạ?
Tô Hiến Thành đáp:
- Phận bề tôi không được phép luận bàn, Lý đại nhân, xin ông lui cho.
Lý Nhân Nghĩa vẫn cố cật vấn:
- Hạ quan thực chẳng hiểu lòng trung của đại nhân là thế nào. Tiên vương truyền ngôi cho Công chúa, Công chúa nhường lại vương vị cho Vạn Thắng vương, người nay mai làm chủ bốn cõi Vạn Xuân. Theo lý mà nói, Tô gia trung thành vương nghiệp phải tuân theo di chiếu phò tá Vạn Thắng vương mới đúng chứ? Đằng này Tô gia vẫn nhắm mắt khuông phò Trữ quân, người không được truyền vương vị.
Tô Hiến Thành bực dọc:
- Nữ nhi ngoại tộc, di chiếu đó là giả. Tiên vương dày công dựng nghiệp sao có thể cho không kẻ lai lịch bất minh, một hình nhân do Phạm Tu dựng lên chứ.
Lý Nhân Nghĩa cười, khẽ lắc đầu mà rằng:
- Xin đại nhân thứ lỗi cho hạ quan nếu có lời nào mạo phạm đến ngài. Ngài cố không hiểu hay không thể chấp nhận sự thật? Vạn Thắng vương tay không dựng nghiệp, quần thần xưng tôn trước khi Tả Đô đốc tuyên chiếu trước trận tiền. Thử hỏi Vạn Thắng vương có cần đến di chiếu để danh chính ngôn thuận nắm ngôi cửu ngũ chí tôn không? Bốn cõi Vạn Xuân, ngoài đất Sơn Tây tự xưng thần thì các đất khác đều do Vạn Thắng vương khuất phục. Tô gia không phục cũng thấy rõ sự thật nhãn tiền. Vả lại di chiếu của tiên vương ở làng Vạn Xuân, thật giả chả lẽ người trong thiên hạ đui cả ư? Phó Đô Ngự sử đại phu Ngô Hy Doãn, Tả Thân vệ Điện tiền chỉ huy sư bỏ tối ra sáng. Hay như Cao tướng quân nay cũng thống lĩnh binh mã Thiên Đức. Họ chẳng phải đều là người kinh sư ư?
Tô Hiến Thành không nói gì thêm, quay người trở vào bảo với Tô Vĩnh Khang:
- Tiễn khách!
Tô Vĩnh Khang đến bên cửa nhà giam, bảo Lý Nhân Nghĩa mau đi kẻo bại lộ sẽ đại hoạ. Lý Nhân Nghĩa nhỏ giọng:
- Dẫu chúng ta không phải chỗ thâm tình, song túc hạ học cao hiểu rộng, tất biết lẽ phải ở đời. Mong túc hạ bớt chút thời gian ngẫm lời của tại hạ, đêm mai đầu canh Ba, tại hạ xin được rửa tai nghe túc hạ. Tại hạ chẳng dám nói Tể tướng đại nhân sai, bởi mỗi người đều có quan niệm riêng. Tại hạ xin cáo từ.
Trở lại buồng giam, Phạm Ngũ Lão phàn nàn:
- Mấy ông già thật bảo thủ! Đại Vương cần đếch gì vương vị truyền thừa, cơ nghiệp Thiên Đức do ngài ấy tự dựng cả.
Biết Phạm Ngũ Lão bực lên mà nói, Lý Nhân Nghĩa nhẹ giọng:
- Ai chả biết vậy, có điều tiếp nối vương vị sẽ dễ chiêu tài.
Phạm Ngũ Lão gằn giọng:
- Nay mai vào kinh sư, tôi sẽ đem bọn hôm nay mắng chửi ông bêu đầu hết lượt.
Lý Nhân Nghĩa bật cười:
- Cậu nghĩ vương thượng thuận cho không?
- Hừ! Đại Vương có lòng trắc ẩn nên không lạm sát. Ngài tha nhưng kẻ dưới chưa biết à.
- Tôi đồ vương thượng sẽ bắt đám hủ nho ấy cầm cuốc vác cày khai hoang hết lượt.
Phạm Ngũ Lão nhăn mặt:
- Ây! Làm vậy chúng suốt ngày chửi thầm ngài ấy.
Lý Nhân Nghĩa cười mà rằng:
- Với người nhiều chữ thì bêu đầu vì bất đồng chính kiến chỉ làm họ vênh mặt, bách tính dị nghị, vương thượng được lợi gì? Tha cho họ, vương thượng được tiếng nhân đức trong khi đám ấy uất nghẹn đến cổ. Cậu ở trên Bạch Vân am mà quên à? Chửi người, người không nghe thì bản thân tự nhận lấy. Lắm lúc tôi tự nhận bản thân cũng thâm sâu mà sáng với vương thượng thì… tôi chỉ đáng làm môn đệ.
Phạm Ngũ Lão lại hỏi:
- Ông có nghĩ Tô lão hồi tâm chuyển ý không?
- Nước chảy đá mòn, nhiều tư tưởng ăn sâu bén rễ hơn nửa đời người sao có thể vì một câu nói mà thay đổi được. Ngay như tôi cũng mất mấy năm. Này, cậu thèm thịt chó không?
Phạm Ngũ Lão cười trừ:
- Lý đại nhân, ông trở quẻ đấy à? Thôi ngủ.
Thay vì ngủ, Phạm Ngũ Lão và Lý Nhân Nghĩa thì thào tán chuyện mãi đến canh Năm.