Chương 599: Liêu Nhất Khổng đến Mường Động
Tôn Ninh Hà sau khi lặn một hơi ngoi lên, thấy quan binh trên thuyền dưới sông lùng bắt, e khó thoát bèn lợi dụng sương mù cố sống cố c·hết bơi qua sông. May thay, Tô Ninh Hà vớ được một thân cây mục lững lờ trôi trên dòng mới không bỏ mạng dưới vì sông rất rộng.
Lên được bờ, Tôn Ninh Hà lần đến hang núi trông xuống, thấy quân Thiên Đức vượt sông lần theo dấu vết liền lấy ngựa chạy thẳng một mạch về Mường Động. Tôn thị cật vấn vì Tôn Ninh Hà đi hơn nửa tuần trăng mà về tay không, binh khí cũng chẳng còn. Tôn Ninh Hà dối quanh có, cốt cho qua chuyện. Bởi thế chẳng ai hay biết Tôn Ninh Hà đã làm gì.
Hai hôm sau, dân huyện Sơn Lăng kháo nhau chuyện Vạn Thắng vương bị hành thích hụt, Tôn Ninh Hà chẳng để tâm. Trong lòng Tôn Ninh Hà còn hậm hực vì ý đồ bất thành vì Yên Thư ngăn trở. Sau lại nghe bọn Hà Công Rộng chén chú chén anh bên vò rượu cần tán chuyện nghe từ đám ngư phủ, Tôn Ninh Hà có để tâm vì thoạt nghe rất giống chuyện bản thân đã làm, có khác chăng đối tượng mà Tôn Ninh Hà nhắm đến là thượng quan Thiên Đức.
- Nghe ngư phủ và đám buôn thúng bán bưng dưới sông Hắc bảo rằng thích khách là nữ nhân Mường Động chúng ta. - Hà Công Rộng nói. - Mạc Thiên Chương thoát c·hết vì bọn thuộc hạ quên mình che chắn. Nghe bảo hắn đến thị sát quân tình, còn chưa đặt chân lên đất Sơn Lăng đã suýt toi mạng.
Sáng hôm sau, Tôn Ninh Hà đang ngồi dãi thẻ cặm cụi vót tên, hay tin sứ Thiên Đức đang trên đường đến, đòi gặp quan lang nói chuyện phải quấy thì lấy làm tò mò, bỏ dở công việc chạy đi xem sứ thần Thiên Đức mày ngang mũi dọc ra sao.
Đoàn sứ hơn năm mươi người, cờ phướn đủ loại. Liêu Nhất Khổng cưỡi ngựa, đội mũ phác đầu (mũ cánh chuồn) áo choàng màu lam, thắt đai da, cầm hốt ngà, chân xỏ giày vải dẫn đầu đoàn sứ. Sát bên tả Liêu Nhất Khổng, thua nửa thân ngựa là Nguyễn Văn Giáp tướng mạo uy nghi, đầu đội khăn võ quan, áo màu huyết dụ, thắt lưng da sáng màu, xỏ giày vải, hông đeo trường kiếm.
Dương Yên Thư cao cao tại thượng, tóc mây xoã dài, tay cầm quạt lông vũ chim công, vận y phục áo giao lĩnh xanh trên đỏ dưới, thắt lưng vải màu vàng, hài màu đen cưỡi ngựa sau một quãng, quân kị che lọng tía thu hút mọi ánh nhìn. Dân chúng hai bên đường chỉ trỏ bàn tán xôn xao.
Tôn Ninh Hà nhận ra Dương Yên Thư, tâm trạng chuyển từ tức giận sang hoang mang. Dương Yên Thư hôm nay khác hẳn với Dương Yên Thư lúc ban đêm đấu võ, khi ngoài chợ rong chơi hay khoảnh khắc đỡ tiễn trên thuyền. Chẳng ai biết Yên Thư giữ chức vụ gì trong đoàn sứ, đồ rằng nàng là thê th·iếp hoặc ái nữ của hai vị chánh và phó sứ.
Tôn Ninh Hành học lễ học nghĩa của người dưới xuôi, biết chút phép tắc, mau chóng nhận ra thắt lưng vải lụa màu vàng quấn quanh eo Dương Yên Thư, màu đó không dành cho dân thường. Ngay cả trên bản mường, màu vàng cũng chỉ dành cho quan lang, chính thất và trưởng từ mà thôi. Thứ nữa, hai quan chánh phó sứ chẳng có quân che lọng, Yên Thư lại có quân kị che lọng tía, nhìn là biết địa vị hơn người.
Yên Thư cưỡi ngựa đi ngang qua, mặt vênh nhìn trời, chẳng phát hiện Tôn Ninh Hà lẫn trong đám người bàn tán. Tôn Ninh Hà nhìn gần hơn nữa, lại thấy trâm cài tóc của Yên Thư bằng ngọc quý thì tròn mắt ra nhìn không chớp lấy một cái.
Đoàn người ngựa đã đi một quãng xa, hướng về phía nhà lang. Tôn Ninh Hà đứng như pho tượng trông theo, mồ hôi lấm tấm hai bên thái dương dù trời đang lạnh. Cô nàng nghĩ:
- “Hỏng rồi! Ả đó hẳn là người hoàng thất, kẻ mặt trắng kia lẽ nào là Vạn Thắng vương ư? Không thể nào! Hắn là Quan Bình, thượng quan coi việc cấy cày cơ mà. Hỏng rồi! Lớn chuyện rồi. Nếu Quan Bình đó là Vạn Thắng vương và đám sứ đến hạch tội thì vạ đến mình. Phải trốn thôi, trốn thôi.”
Tôn Ninh Hà chạy về nhà nhanh như cơn gió lốc, vơ vội tư trang, chút lương khô, binh khí… bỏ hết vào hai gùi lớn trong tiếng cồng chiêng đón tiếp quan khách rộn rã bên tai. Bước xuống khỏi nhà sàn, nhìn đông ngó tây, cô nàng lấy thêm tảng thịt trâu gác bếp, xúc thêm gạo ngô rồi thắng yên cương nhảy tót lên ngựa, dắt theo một con ngựa thồ mất hút trong rừng thẳm. Vừa đi Tôn Ninh Hà vừa tự trấn an bản thân:
- Thằng đó nhất định không phải là Vạn Thắng vương, Vạn Thắng vương không phải thằng đó đâu.”
Nghĩ thì nghĩ vậy nhưng cô nàng vẫn ra roi cho ngựa đi mau vì sợ quan lang sai người đuổi kịp. Cô nàng chọn một hang núi bí mật cách nhà chừng hơn chục dặm làm nơi ẩn náu tạm thời. Tôn Ninh Hà phải trốn là bởi tránh cơn thịnh nộ của quan lang. Cô nàng tự ý rời Mường Động đã là một tội, lại hành thích kẻ không nên động vào là tội thứ hai. Giấu biệt mọi chuyện, gian dối mới thân mẫu là tội thứ ba.
Sau một ngày một đêm trốn trong hang núi, Tôn Ninh Hà trông thấy một số người cưỡi ngựa ngang qua, rõ là đang tìm nàng.
- Chờ đôi ba ngày nữa mò về nghe ngóng xem sao. Tình hình yên ắng thế này thật đáng lo, hẳn thằng mặt trắng, mắt cú vọ, mũi diều hâu kia là vương Thiên Đức thật rồi. Nghĩ tức thật, nếu ta g·iết được nó chả phải lập đại công rồi sao? Nó là vương một cõi, quyền uy khuynh loát thiên hạ, nó không c·hết ắt mình sẽ c·hết. Liệu eng có giao nộp ta không nhỉ? Chắc là không đâu, eng thương ta mà.
Sau phần nghi lễ đón tiếp sứ giả tương đối trọng thị, Đinh Sơn mời Liêu Nhất Khổng vào nhà lang nghị bàn. Yên Thư xếp bằng, ngồi đầu dãy, tiếp đến là Liêu Nhất Khổn và Bố Giáp. Quan lang, Điền Hoành, Đinh Công cùng vài văn nhân ngoài chú ý vẻ đẹp rạng rỡ của nữ nhân miền xuôi thì ít mà vì vị trí ngồi của Yên Thư thì nhiều.
Liêu Nhất Khổng nói rằng Yên Thư thuộc Thần Vũ quân, là phó sứ nhưng chức vị trong quân cao, bọn Liễu Môn Nhân không thể xếp ngồi xuống thứ ba được.
Điền Hoành bèn buông lời châm chọc:
- Thiên hạ nói chẳng sai, nam nhân Thiên Đức trường sinh bất tử do đội nữ nhân trên đầu, thật tốt.
Liêu Nhất Khổng từ tốn nói:
- Lệ mỗi nơi mỗi khác, Thiên Đức dụng người bất kể xuất thân, có tôn ti trật tự, chủ nói tớ nghe, chủ chưa bảo tớ nào được múa mép khua môi. Điền tiên sinh thông cảm cho.
Điền Hoành biết Liêu Nhất Khổng mắng vậy thì giận lắm, song đành ngậm tăm.
Đinh Sơn xem như chẳng nghe thấy, cũng như võ tướng vậy, đám văn nhân không ưa nhau lúc chạm mặt kiểu gì cũng buông lời xúc xiểm lẫn nhau, nào có lạ.
Đinh Công đã nghe Điền Hoành nói tiểu sử của Liêu Nhất Khổng, không ưa hạng người sớm đầu tối đánh, đổi chủ như thay áo nên chẳng thiện cảm với họ Liêu.
Liêu Nhất Khổng trình bày nguyên do của chuyến đi sứ, đòi Đinh Sơn phải có câu trả lời cho Vạn Thắng vương biết, có dừng toàn bộ các hành động trợ giúp Đỗ Động Giang hay không. Đinh Sơn mặt không biến sắc, khoanh tay ngồi, hai mắt lim dim để Điền Hoành đáp thay. Điền Hoành nói:
- Quan lang không lệ thuộc Thiên Đức, giúp hay không giúp nhà họ Đỗ nào can gì đến họ Mạc? Vạn Thắng vương làm chủ đồng bằng, chủ tại hạ làm chúa trên cao, rừng nào cọp nấy, cớ sao Thiên Đức lại có quyền ra lệnh cho quan lang phải làm thế nào?
Liêu Nhất Khổng nói:
- Năm xưa quan lang nhận sắc phong quan lang của Lý tiên vương. Vạn Thắng vương kế thừa ngôi vị của tiên vương, theo lý mà nói thì xứ Mường Động phải nghe theo chỉ của Thiên Đức chứ?
Điền Hoành phẩy tay cười nhạt:
- Cái gọi là kế thừa ngai vị mà Liêu tiên sinh nói thật nực cười. Ngai vị của Lý tiên vương ở điện Càn Nguyên, nào ở nơi quê kệch gọi là điện Hưng Quốc. Đến cái gọi là di chiếu, thiên hạ đồn rằng Phạm lão tướng quân đã tạo ra, thực hư còn chưa rõ.
Liêu Nhất Khổng lại nói:
- Được, Điền tiên sinh đã nói như vậy thì tại hạ cũng phân định rõ mọi chuyện. Thiên Đức và Mường Động không thù oán, khi không Mường Động đem thổ binh sang quấy phá quan quân Thiên Đức trú ở Sơn Lăng. Chuyện này Điền tiên sinh trả lời thế nào?
Điền Hoành thản nhiên:
- Trữ quân ở kinh sư có nhờ cậy quan lang giúp sức đòi lại đất tổ nghiệp phát tích để đưa tiên vương về quê cũ theo ý nguyện. Quan lang xét thấy Trữ quân sống có tình nghĩa nên giúp một tay. Liêu tiên sinh, chủ của ngài là phò mã còn chưa một lần bái lạy tông miếu nhà họ Lý. Quan lang giúp cho Trữ quân, thiên hạ đều cho là phải.
Liêu Nhất Khổng chẳng chịu kém, nói rằng:
- Núi Vua là nơi dự kiến xây sơn lăng của tiên vương, Lý Long Xưởng cùng đám ngoại thích làm càn gây loạn nên chẳng thể đưa tiên vương về táng ở sơn lăng. Chuyện này người trong thiên hạ đều tỏ. Vạn Thắng vương ngay khi làm chủ đất Sơn Tây đã sai kẻ dưới tôn tạo mộ phần tổ tiên họ Lý, xây cất sơn lăng chờ ngày đưa Lý tiên vương về an táng.
Hai bên tranh cãi hồi lâu chẳng đi đến đâu, đến lượt Bố Giáp lên tiếng. Bố Giáp chẳng nói lý lẽ, chỉ nói ngắn gọn:
- Quan lang không chấp thuận yêu cầu của Vạn Thắng vương, quyết giúp sức Đỗ Thạc và Trữ quân là quyền của ngài. Điền tiên sinh nói phải, ai lo việc người nấy, xưa nay đã vậy rồi. Giờ Ngọ ba khắc ngày 30 tháng 10, quan lang sai thuộc hạ sang Sơn Lăng nhận thủ cấp của Tôn Viết Văn và Đinh Tiên Phong về an táng.
Đinh Sơn mở trừng mắt nhìn Bố Giáp, Bố Giáp không tránh né, mặt lạnh như tiền.
Đinh Sơn rít lên:
- Vạn Thắng vương dám chém con ta, ta sẽ không để Thiên Đức yên đâu.
Bố Giáp nói:
- Mọi chuyện đang rối như canh hẹ, rối lên cũng chẳng sao. Giáp thân là tướng, chỉ biết thừa mệnh trên, muốn phân định mọi chuyện trên sa trường. Giáp không doạ quan lang, chỉ muốn báo cho quan lang một tiếng như vậy.
Điền Hoành nói chêm vào:
- Như vậy Thiên Đức và Mường Động kết cừu từ đây, lấy dòng Hắc Giang phân định.
Bố Giáp nhếch miệng cười nhạt không đáp. Liêu Nhất Khổng thấy vậy liền nói:
- Giang sơn bốn cõi đều của họ Mạc, hôm nay chưa thì ngày mai. Mường Động không thần phục, ủng hộ đám phản dân hại nước, vậy Thiên Đức đành kết liên minh với các xứ mường còn lại chia đất Mường Động, Điền tiên sinh thấy thế nào?
Đinh Sơn cả giận đập bàn, chỉ mặt Liêu Nhất Khổng lớn giọng:
- Các người dám không? Người Mường bọn ta không đời nào chung sống với bọn Thiên Đức.
Liêu Nhất Khổng tủm tỉm cười, nói rằng:
- Nguyễn tướng quân vừa nói, Thiên Đức tôn trọng quyền của quan lang. Quan lang nay đã là Đà Bắc động chủ, có chỗ dựa vững như bàn thạch khiến Quách quan lang ở Mường Then chẳng vui, Hà quan lang ở Mường La cũng chẳng ngủ được. Chủ tôi đã sai sứ đến Mường La và Mường Then đặt quan hệ, biếu vạn tấn muối. Ai cũng bận cả.
Đinh Sơn giận đến tím mặt, muốn nói gì đó song lại không biết nên nói gì. Điền Hoành giải vây cho chủ, hạ giọng bảo rằng Đinh Sơn cần thêm nửa con trăng suy tính mới có thể trả lời. Liêu Nhất Khổng đã gieo được vào đầu Đinh Sơn nỗi lo, xem như đạt được mục đích, chẳng muốn hơn thua nên thuận với lời Điền Hoành để đi đến mục đích thứ hai của chuyến đi.
Liêu Nhất Khổng nêu đích danh Tôn Ninh Hà là thích khách á·m s·át Vạn Thắng vương. Đinh Sơn cùng tả hữu ngơ ngác, hỏi lại mấy lần, lần nào Liêu Nhất Khổng cũng khẳng định chắc nịch. Một bên buộc, một bên chối, sau cùng Liêu Nhất Khổng nói:
- Người Mường vốn tự cho rằng tính tình ngay thẳng, chẳng lươn lẹo như người Kinh. Chủ tại hạ không thể vu cho Mường Động việc Mường Động không làm, vậy xin quan lang cho mời Tôn tiểu thư đến đối chất.
Đinh Sơn lúng túng, nhìn thái độ cương quyết của Liêu Nhất Khổng và Bố Giáp, không tin họ dựng chuyện.
Điền Hoành bèn hỏi:
- Lấy gì làm bằng rằng lệnh nữ của quan lang thích sát Vạn Thắng vương?
Bố Giáp bấy giờ mới gọi thuộc hạ khiêng hòm gỗ vào, mở hòm bày ta những vật dụng đã thu được trên thuyền, có một thanh chủy thủ nạm bạc có khắc gia huy họ Đinh kèm tên Tôn Ninh Hà. Vừa nhìn thấy thanh chủy thủ, nét mặt Đinh Sơn và Đinh Công liền biến sắc. Ngay cả cây nỏ cũng đính miếng bạc thể hiện nó thuộc sở hữu của ái nữ quan lang họ Đinh.
Điền Hoành đoán được sự tình nhưng vẫn nói cứng:
- Đồ vật có thể của Tôn tiểu thư nhưng chưa chắc tiểu thư đã là h·ung t·hủ.
Đinh Sơn chớp lấy câu nói ấy, thuận theo.
Liêu Nhất Khổng nhìn Yên Thư, nàng vừa nhếch miệng cười nhạt, lại ngoái sang nhìn Bố Giáp ra hiệu. Bố Giáp nói:
- Trừ Liêu đại nhân ra, tất cả bọn tại hạ từ tướng đến sĩ tốt đều tận mắt trông rõ dung mạo của Tôn tiểu thư. Chỉ cần đưa tiểu thư ra chung với hàng chục cô gái bản, bọn tại hạ đều có thể chỉ ra được ngay tức khắc. Chưa kể trên cung nỏ, chủy thủ, khiên gỗ… đều có lưu dấu vân tay của Tôn tiểu thư.
Đinh Sơn gọi Đinh Công và Điền Hoành ra một góc, Điền Hoành chẳng hiểu dấu vân tay giúp ích được gì cho bọn Bố Giáp vì vân tay ai chẳng như ai, bèn rỉ tai Đinh Sơn:
- Đại nhân cứ đưa hàng trăm gái bản trạc tuổi tiểu thư, cho họ ăn vận giống nhau thì chúng nhận mặt sao được.
Đinh Công nói:
- Thực hư chưa biết thế nào nhưng thích khách hẳn là con Hà rồi, nó đã dắt ngựa trốn mất dạng.
Đinh Sơn bảo Điền Hoành:
- Phải tìm cách kéo dài thì giờ, chối được cứ chối. Con hà trốn lại hay, gái bản cả nghìn đứa, nhận mặt sao được mà nhận. Bọn nó xem chán thì về thôi
Đinh Công liền hỏi:
- Còn thằng Văn, thằng Phong tính sao ạ?
Đinh Sơn quyết định:
- Bọn nó về là sai binh sang Sơn Tây đánh chúng nó, bắt lấy người đem về trao đổi là xong thôi, nào còn cách khác.
Điền Hoành nhìn về phía Yên Thư, nói:
- Vậy phải giữ kẻ có giá trị, hay…
Đinh Sơn hiểu ý, gạt đi:
- Ta không phải kẻ tiểu nhân, làm vậy càng có cớ cho chúng bêu rếu, thiên hạ mắng chửi. Ả đó hẳn là đàn bà của Mạc Thiên Chương, cứ nhìn thắt lưng đính ngọc là biết. Ta không dùng đàn bà phục vụ m·ưu đ·ồ như thế. Người Mường theo mẫu hệ, đàn bà Mường biết ta bắt nữ nhân trong đoàn sứ làm con tin thì bọn Mường Then, Mường La càng chê bai.
Như vậy, mấy trăm cô gái bản ăn vận giống nhau lần lượt đến trước sân nhà lang để bọn Bố Giáp nhận mặt, tất nhiên chẳng có Tôn Ninh Hà. Liêu Nhất Khổng đã tiên liệu trước, đoàn sứ thong thả xem mặt đến mãi lúc bữa tối dọn ra mời khách mới tạm dừng.
Trò xem mặt còn diễn ra vào buổi sáng hôm sau, Đinh Sơn có hơn mười cô con gái, chỉ vào một cô bảo đó là Tôn Ninh Hà. Đoàn sứ chỉ nhoẻn miệng cười trừ.
Xem ra người Mường thật thà cũng tuỳ lúc thôi.