Chương 600: Ý đồ sứ thần?
Đoàn sứ thần kinh sư không muốn chạm mặt đoàn sứ Thiên Đức, song Đinh Sơn lại phô trương, muốn khẳng định vị thế xứ mường bèn bày tiệc khoản đãi hai đoàn sứ thần tại nhà lang lớn.
Nhà lang tập hợp nhiều nhà sàn, như một kinh đô thu nhỏ giữa núi rừng, ở giữa khu nhà lang có nhà sàn chính. Nhà sàn chính có tất cả 5 gian, 2 chái, tổng cộng 7 gian được xây cất trên phần đất rất cao, thể hiện sự tôn kính và uy quyền, đứng trên cao để chỉ đạo, cai quản cả một vùng mường. Nhà sàn chính dựng bằng những loại gỗ quý hiếm, dùng làm nơi quan lang hội họp, tiếp quan khách, xung quanh có các dãy nhà của người hầu, nhà kho phục vụ cho các công tác quản lý và điều hành của quan lang.
Trước cửa chính nhà sàn lớn, bên ngoài mái hiên là một khoảng sàn rộng chừng năm chục mét vuông gọi là Khạp. Cái Khạp được xếp bằng những cây tre dài, ngày thường phơi ngô, thóc, chăn màn, có cỗ bàn dùng làm nơi sắp cỗ, lúc tiếp khách, cái Khạp là nơi quan khách đi qua, bỏ giày dép hoặc rửa chân trước khi bước vào gian chính của nhà sàn chính.
Có thể nói nhà sàn lớn đại diện và là trung tâm quyền lực của nhà lang, nhà dân không được phép dựng to hơn nhà sàn lớn.
Hai bên vách dọc theo nhà sàn lớn bày biện nhiều cồng, chiêng, sừng voi, đầu hổ, các loại khí giới. Cuối gian nhà sàn lớn có bếp lửa, gần đó là mấy bình rượu cần, quan lang sẽ ngồi bên bếp lửa, tả hữu chia hai bên, theo thứ bậc mà ngồi. Trên cột gần bếp có treo lịch Mường, gọi là sách Đoi, lịch Đoi. Lịch Đoi của người Mường Động phân chia ngày tháng dựa theo vận hành của sao Rua, khác với người Kinh làm lịch dựa vào mặt trăng. Người Mường Động dựa vào lịch Đoi để cấy cày.
Cũng giống như người Kinh ở dưới xuôi, người Mường Động chia mỗi tháng thành 3 tuần gồm Thượng tuần, Trung tuần và Hạ tuần. Lịch Thiên Đức hay lịch Vạn Xuân do Chương ban hành chia khác ở chỗ mỗi tuần có 7 ngày, từ thứ Một đến thứ Bảy. Tuy nhiên, lịch Thiên Đức chỉ mới phổ biến trong quân, phủ Thiên Đức và phụ cận.
Sứ thần kinh sư ngồi dãy bên tả, sứ thần Thiên Đức ngồi bên hữu, dựa theo vị trí ngồi thấy rằng quan lang coi trọng sứ thần kinh sư hơn sứ thần Thiên Đức.
Gặp lại cố nhân, Liễu Môn Nhân và Liêu Nhất Khổng mang những tâm trạng khác nhau, ban đầu có chút ái ngại nhưng dần dà mọi chuyện vẫn theo chiều hướng dùng lời lẽ khích bác nhau. Liễu Môn Nhân ám chỉ Liêu Nhất Khổng ăn ở hai lòng, là phường phản phúc, chịu phép đàn bà, quên ân đức cưu mang của Tô Thái uý lúc ban sơ trên đất Giao Châu. Liêu Nhất Khổng lặng im không đáp bởi những lời cay nghiệt của họ Liễu chẳng sai.
Bố Giáp ngồi kế bên chẳng muốn Liêu Nhất Khổng chịu nhục bèn nói rằng Liêu Nhất Khổng tài trí hơn người, Vạn Thắng vương có được khổng như rồng thêm vây, hổ thêm nanh vuốt, và rằng Liêu Nhất Khổng có con mắt nhìn xa trông rộng, chọn đúng minh chúa mà thờ khác hẳn kẻ đui mù không phân biệt trắng đen, tài trí có hạn, thủ đoạn vô biên, dăm lần bảy lượt bày kế cho chủ đều bại.
Liễu Môn Nhân lại nói Bố Giáp hèn mạt, chỉ giỏi ra lệnh cho đám đàn bà, chưa đánh đã hàng, đương chức Hữu tướng quân thống lĩnh thiên binh vạn mã lại khom lưng nhận lấy một chức quan nhỏ thống lĩnh hơn nghìn quân.
Hai bên cứ vậy nhẹ nhàng dùng lời lẽ mạt sát, móc họng lẫn nhau cho đến khi bọn Liễu Môn Nhân được mời đến ngồi gần bếp lửa mới thôi. Bấy giờ bọn Âu Minh Thông, Lạc Hi và Yên Định bèn đến chào hỏi. Thái độ của Liêu Nhất Khổng và Bố Giáp rất nhã nhặn.
- Với bọn tại hạ mà nói, Thiên Đức ẩn chứa nhiều bí mật, nhiều điều lạ lùng. Nay có cơ duyên được gặp các vị là yếu nhân dưới quyền Vạn Thắng vương nên lấy làm tò mò và vinh hạnh lắm. - Âu Minh Thông nói. - Tại hạ được biết Liêu tiên sinh phục vụ cho Vạn Thắng vương, chẳng hay lí do gì khiến ngài bỏ kinh sư, bỏ Thái uý về Sơn Tây?
Liêu Nhất Khổng từ tốn đáp:
- Tại hạ vinh hạnh là môn khách của Thái uý, chẳng phải thuộc hạ. Tại hạ vong quốc, lưu lạc đến Vạn Xuân tìm minh chủ. Vạn Thắng vương tuổi trẻ tài cao, chí lớn đặt trong thiên hạ nên tại hạ theo về.
Âu Minh Thông lại hỏi:
- Nghe nói Vạn Thắng vương dụng người chẳng kể xuất thân, phải chăng Liêu tiên sinh được trọng dụng? Với tài trí của tiên sinh hẳn đang giữ trọng trách lớn?
Liêu Nhất Khổng chậm rãi trả lời:
- Tại hạ chỉ mong những hiểu biết hạn hẹp của bản thân giúp ích được cho Vạn Thắng vương. Vạn Thắng vương dụng người không kể xuất thân, lại cũng dụng người theo sở trường. Tại hạ biết chút ăn nói, được Vạn Thắng vương giao trọng trách đi sứ lần này. Tiếc thay… chẳng đạt được như ý.
Lại Hi bèn hỏi:
- Liêu tiên sinh trở về sẽ bị trách phạt ra sao?
Liêu Nhất Khổng nói:
- Vạn Thắng vương có dạy tại hạ, thất bại là mẹ thành công, nếu dễ dàng đạt được ý nguyện thì cần gì đến sứ. Tại hạ về Sơn Tây sẽ được bố trí công việc khác phù hợp hơn.
- Chẳng hay công việc cụ thể của Liêu tiên sinh trước khi đi sứ là gì? - Đến lượt Yên Định hỏi.
- Vạn Thắng vương giao cho tại hạ nhiệm vụ kiểm kê, thống kê dân số, tái bố trí các vùng dân cư. - Liêu Nhất Khổng đáp.
Yên Định khẽ chau mày, Liêu Nhất Khổng nói thêm:
- Liêu Nhất Khổng tài hèn trí mọn, được Vạn Thắng vương tin tưởng giao phó cho công việc đã là tốt rồi.
Bọn Âu Minh Thông nhìn nhau, đoạn rồi Âu Minh Thông hỏi:
- Liêu tiên sinh và Từ tiên sinh vốn chỗ thâm tình, nay chia đôi đường, hội ngộ ở đây sao lại chẳng nói với nhau một lời?
Liêu Nhất Khổng liền đáp:
- Mỗi người có cách nghĩ riêng, im lặng là cách tốt nhất để giữ hoà khí.
Yên Định quay ra hỏi đến Yên Thư:
- Xin thứ lỗi cho tại hạ, Dương tiểu thư đây có phải gia muội của Dương tướng quân trấn thành Ốc phải không ạ?
Dương Yên Thư nhoẻn miệng cười, nhẹ giọng bổ sung:
- Thân phụ của tiểu nữ là Chưởng môn Dương gia côn, người Đằng Châu.
Yên Định ngạc nhiên:
- Tại hạ nghe rằng mấy năm trước có một cô nương xứ Đằng Châu từng hành thích Thần phi và… chẳng lẽ…
Yên Thư thản nhiên đáp:
- Chính là tiểu nữ. Tiểu nữ lúc ấy nông nổi, thiếu chín chắn nên hành động hồ đồ. Vạn Thắng vương nhân từ, cho tiểu nữ một cơ hội làm lại nên tiểu nữ mới ngồi ở đây.
Những ánh mắt hồ nghi đổ lên người Yên Thư một lượt.
Âu Minh Thông ngập ngừng:
- Tại hạ mạn phép hỏi tiểu thư thêm một câu, ở Thiên Đức có quy định về y phục cho văn quan võ tướng hay không?
Dương Yên Thư hiểu ý của Âu Minh Thông, nàng khẽ chỉnh lại tà áo, đáp rằng:
- Vạn Thắng vương là người kế tục Lý tiên vương, lễ nghi ở Thiên Đức tiếp nối truyền thống kèm với chút thay đổi cho hợp thời cuộc. Giống như ở kinh sư và các xứ khác, màu vàng chỉ dành cho bậc quân vương một cõi. Tiểu nữ được vương ban thắt lưng lụa vàng, tiểu nữ là người của Vạn Thắng vương, các vị hiểu theo nghĩa nào cũng đúng cả.
Trong lúc ba văn nhân trao đổi ánh mắt với nhau, Dương Yên Thư kín đáo liếc sang Liêu Nhất Khổng và Bố Giáp, hai người khẽ gật đầu. Yên Thư liền lấy 3 miếng Tinh hoa ngũ hành thiết giắt ở thắt lưng lần lượt dúi vào tay ba vị mưu sĩ hãy còn ngơ ngác.
Yên Thư nói:
- Vạn Thắng vương cầu hiền tài như nắng hạn chờ mưa, người tài trong thiên hạ chẳng ít, tiếc thay vương bận rộn việc quân nên chẳng thể gặp hết được. Hôm nay hội ngộ ba vị mưu sĩ, Yên Thư tặng các vị tín vật, một mai có lưu lạc xuống dưới xuôi cứ tìm doanh trại gần nhất đưa thứ đó ra tự khắc sẽ được giúp đỡ. Vật quý trao cho quý nhân, không thể tuỳ tiện khoe thiên hạ.
Bọn Âu Minh Thông nghe vậy liền giấu tín vật vào tay áo, hỏi xã giao thêm dăm câu nữa thì trở về chỗ cũ. Dường như muốn lưu lại chút ân tình nào đó, trước khi đứng dậy, Âu Minh Thông nói nhỏ:
- Xin các vị hãy đề phòng Điền Hoành.
Liêu Nhất Khổng cúi người đáp lời:
- Trời tối rồi, đêm dài lắm mộng, chờ chi trời sáng.
Tiệc tàn, Từ Quý Châu mới đến chào Liêu Nhất Khổng vì đoàn sứ Thiên Đức sẽ trở về vào sớm ngày hôm sau. Liễu Môn Nhân đứng gần đó nên Từ Quý Châu chẳng thể nói nhiều, lúc chắp tay bái biệt, Bố Giáp tiến đến bên Liễu Môn Nhân có ý che chắn, Liêu Nhất Không tận dụng cơ hội dúi vào tay Từ Quý Châu miếng sắt nhỏ, nói nhanh:
- Thuyền sắp đắm, xin huynh bảo trọng, vật này đảm bảo tính mạng cho huynh lúc can qua, hãy giữ gìn.
Đoàn sứ Thiên Đức về nơi nghỉ trước. Liễu Môn Nhân nán lại nói chuyện thêm với võ tướng Mường Động.
Bọn Âu Minh Thông dìu nhau về ngồi quanh bếp lửa, lấy miếng sắt ra cùng xem nhưng chẳng biết đó là gì.
Thông hỏi:
- Thứ bằng sắt này đại diện cho cái gì? Phải chăng có nó đồng nghĩa ta là người của Mạc Thiên Chương?
Lạc Hi nói:
- Kí hiệu trên này hẳn người trong quân mới biết, lại do chính tay nữ nhân của Mạc Thiên Chương đưa cho hẳn không tầm thường.
Yên Định lấy làm thắc mắc:
- Tại sao chỉ cho chúng ta? Thái độ của sứ thần Thiên Đức đối chúng ta có phần khác lạ. Chẳng lẽ…
Âu Minh Thông gạt đi, nói rằng:
- Gian tế Thiên Đức ắt có ở Mường Động.
Lạc Hi nói:
- Nhưng cũng không thể biết bọn ta đương không bằng lòng với cách quan lang đối đãi chứ.
Cả ba cùng trầm ngâm, lát sau Âu Minh Thông nói:
- Chỗ đáng sợ của Thiên Đức là vậy, họ đánh vào nhân tâm, dùng nhân tâm chia rẽ nội bộ. Tại hạ chẳng thể hiểu nổi, Mạc Thiên Chương sao có thể để người từng hành thích thê th·iếp kề bên? Dụng bọn hàng tướng hay văn nhân còn có thể hiểu vì đại cuộc.
Lạc Hi cười mà rằng:
- Đầu tiên là bởi ả đó có sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành, xưa nay anh hùng khó qua ải mĩ nhân. Mạc Thiên Chương có tiếng thiên vị đám đàn bà. Cơ mà nhờ vậy nữ nhân trong vùng hắn kiểm soát rất ủng hộ. Có được lòng đàn bà đã chiếm nửa giang sơn mất rồi. Đàn bà chẳng cầm đao kiếm nhưng đêm hôm rỉ tai đức lang quân thì đáng sợ lắm. Thứ nữa, các cụ nói “Đàn ông nông nổi giếng khơi, đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu". Ví von là thế, hiểu sâu chẳng phải thế. Cái giếng chứa được bao nhiêu nước mà so với cơi trầu? Có nghĩa đàn bà luôn ra vẻ sâu sắc, thâm thúy hơn đàn ông, song lại nông cạn. Suy nghĩ hạn hẹp lại tỏ ra nguy hiểm, thoáng qua có vẻ sâu sắc mà thực ra rỗng tuếch. Đàn bà nghĩ chẳng quá tầm mắt, đái không qua ngọn cỏ. Còn như đàn ông bọn ta hiểu sâu biết rộng, làm nhiều hơn nói, nhìn thoáng có vẻ đần đụt, nông cạn.
Đoạn Lạc Hi bỗng thở dài:
- Nhưng… một khi lòng dạ đàn bà đã trao cho người, họ mụ mị và bất chấp. Mạc Thiên Chương quân vương một cõi, lấy lòng nhân đối đãi kẻ sĩ và mấy kẻ lạc lối, thử hỏi nữ nhân trong thiên hạ nghĩ thế nào? Chả cần nghĩ cũng đoán được đám đàn bà thực coi hắn là minh quân.
Yên Định gật gù tán đồng:
- Mạc Thiên Chương đáng sợ đến nhường nào? Hắn dùng hàng tướng, dùng văn nhân đối địch, lại dùng cả nữ nhân từng muốn lấy mạng thê th·iếp, kẻ như vậy trong thiên hạ nào có mấy người.
Âu Minh Thông ngồi tư lự, nhặt thêm mấy cành củi khô bỏ vào bếp, nói rằng:
- Ban đầu cứ nghĩ sứ Thiên Đức đến làm to chuyện, xong rồi mới thấy họ đến dường như có ý đồ khác. Các huynh nghĩ xem ý đồ thực sự của Liêu Nhất Khổng là gì?
Lạc Hi thở dài:
- Từ tiên sinh nói Liêu Nhất Khổng chẳng phải hạng tầm thường, biết nhìn xa trông rộng, ông ta tự vượt sông đầu quân trước khi chiến sự ngã ngũ dù ở La thành đối đãi trọng thị. Tại hạ cho rằng Khổng đến chẳng phải đòi người mà thực chất muốn nắn gân quan lang đó thôi. Quan lang có sự ủng hộ của Lưu Trừng, lại thêm Trữ quân cậy nhờ nên đương tự đắc. Khổng đến huỵch toẹt rằng Mường Động chơi với Lưu Trừng thì Thiên Đức chơi với Mường Then, Mường La. Các huynh nghĩ đi, có Thiên Đức ủng hộ, liệu họ Hà, họ Quách có chịu nghe họ Đinh sau khiến không?
Yên Định cười nhạt:
- Còn chưa nói Lưu Trừng mới hứa hẹn trong khi Thiên Đức đã hành động rồi. Vậy… ai đi sứ Mường Then và Mường La nhỉ? Sao chẳng nghe động tĩnh?
Âu Minh Thông bóp trán suy nghĩ rồi nói:
- Khả năng là Kiều Liêm, chẳng ai thích hợp hơn họ Kiều. Họ Kiều chống Thiên Đức, bây giờ con cái lại là tướng Thiên Đức, gia sản chẳng bị tịch thu, lại cho chức quan đứng đầu một cõi. Họ Hà với họ Quách nhìn vào đó tự cân nhắc nặng nhẹ.
- Nói như vậy chả phải Mạc Thiên Chương đã tính từ trước rồi ư? - Yên Định nói.
Lạc Hi lại thở dài:
- Một kẻ mới ba mươi tay không dựng nghiệp ắt có chỗ ta không thể hiểu. Khổng có nói tối rồi đừng chờ trời sáng, các huynh đừng quên.
Lại thêm một đêm dài bọn Âu Minh Thông ngồi đến sáng bàn định với hàng trăm câu hỏi mà thực hư không tỏ đúng sai.