Chương 95: 高高在上 (cao cao tại thượng)
Nhật Hiệu làm sứ giả cùng hai người khác, đón Hiệu ở ven sông chẳng ai xa lạ, chính là Trần Thông tự Mạnh Đức. Xưa nay Nhật Hiệu không để Trần Thông vào mắt vì Thông chỉ là thư lại giúp việc cho Kiều Công Ngạn, là nho sĩ nhưng công danh chưa đạt thành tựu gì đáng biểu dương. Những người như Trần Thông, trong thành Bát Vạn có đến hàng trăm. Tính theo thứ bậc, Thông ngang hàng với thuộc hạ của Hiệu.
Thấy Thông, Nhật Hiệu không tránh khỏi xem thường. Một kẻ bất tài, việc gọi là lớn mà chủ tướng giao cho làm không xong lại trở cờ thành tay sai cho kẻ khác. Kẻ sĩ như Nhật Hiệu rất coi khinh những kẻ như Thông.
Nhật Hiệu đang giữ chức Thủ phụ Đại học sĩ, tương đương Tể tướng thời Lý Nam Vương, trong tay không nắm binh quyền nhưng đứng đầu văn sĩ giúp việc Vũ Ninh vương nên quyền hành thực là có.
Trần Thông xuống tận bến đón Nhật Hiệu, cùng Thông có cô gái mới làm sứ giả và vài kẻ khác. Nhìn y phục của Thông, Nhật Hiệu đồ rằng nơi này còn gian khổ. Tuy nhiên nét mặt kẻ nào kẻ nấy đều mười phần tự tin. Nhất là Thông, Nhật Hiệu thoáng khó chịu khi Thông không còn là kẻ khom lưng như trước nữa.
-Được đón tiếp Thủ phụ Đại học sĩ thật là vinh hạnh, mời ngài đi lối này.
Nhật Hiệu gật đầu, khoé miệng khẽ cử động, khoan thai đặt chân lên những tấm ván gỗ mà đi.
-Mạnh Đức tiên sinh sang đây đường công danh rộng mở, bảo sao không có ý trở về. Chúc mừng tiên sinh, chúc mừng.
-Thủ phụ Đại học sĩ chê cười, ta ở đây chẳng nắm giữ chức vụ gì, chỉ là một ông thầy đồ gõ đầu đồng ấu kiếm kế sinh nhai.
-Ồ! Thiên Đức quân không trọng dụng tiên sinh ư? - Nhật Hiệu thở dài. - Âu cũng phải, chả ai người ta tin dùng phường phản phúc.
-Ta bất tài, cũng may có ít chữ lận lưng. Thiên Đức quân ít người biết chữ nên ta mới được gọi đến đón Thủ phụ Đại học sĩ. Ngài là đại nhân không chấp tiểu nhân như ta. Ta cũng chỉ vì miếng cơm manh áo, để được sống yên phận. Nếu đại nhân nể tình ta từng giúp việc cho Vũ Ninh vương, mong đại nhân nói tốt cho ta vài câu đã là giúp ta ngày sau dễ sống hơn bao nhiêu.
-Hử? Thiên Đức quân ít người hay chữ?
-Quả đúng là vậy, thế nên mới phải để Diệu Huyền cô nương, một nữ nhân, đi sứ.
-Nay ta sang đây theo lệnh của Vũ Ninh vương hòng thương lượng việc các người ngang ngược đòi đền bù chiến phí. Vũ Ninh vương anh minh nhân từ, đã đồng ý cho gia quyến đám phản phúc được sang sông. Vậy mà… các người còn đòi bạc, thật là tiền vô cổ nhân, hậu vô lai giả.
-Ta chỉ biết đưa đón đại nhân, những điều ấy đại nhân nên nói với chủ tướng của ta.
-Chả hay chủ tướng của tiên sinh tên hiệu là gì?
-Chủ tướng không có tên hiệu, chỉ có tên huý là Văn Chương, họ Mạc.
-Hừ! - Nhật Hiệu cười mũi. - Đến tên hiệu cũng chẳng có ắt là kẻ võ biền hoặc dân cày vỗ ngực xưng danh.
Thông dẫn Nhật Hiệu và tuỳ tùng đến nhà bà Cả Ngư. Qua đoạn đường ngắn, Nhật Hiệu thấy kỳ hiệu bay phấp phới chẳng ra con gì, quân doanh còn đang dựng rào, lèo tèo vài trăm kẻ võ phu cởi trần. Nhật Hiệu cho rằng Thiên Đức quân chẳng khác gì đám c·ướp cạn thất học tụ lại với nhau, là đầu sai của Thiên Gia Bảo Hựu.
Chủ tướng Thiên Đức quân đúng như lời đồn, một gã trai tuổi đôi mươi, dáng vẻ thư sinh, mặt mày anh tuấn. Nhật Hiệu nhìn mãi không thấy chủ tướng Thiên Đức có điểm nào giống kẻ có thể cầm đao định giang sơn, mà trái lại, gã này giống một nho sĩ. Nhật Hiệu càng khẳng định Thiên Đức là đầu sai của Thiên Gia Bảo Hựu.
Phân ngôi chủ khách xong, Nhật Hiệu đi thẳng vào mục đích của chuyến đi sứ với giọng có phần kẻ cả. Và rằng Hiệu muốn tận mắt thấy mồ mả mới chôn cất binh sĩ cũng như lúa bị giẫm đạp trên cánh đồng.
-Theo phong tục bấy lâu, n·gười đ·ã k·huất yên nghỉ chưa được ba năm không thể quật mồ. Tuy vậy, Thủ phụ Đại học sĩ đại nhân muốn xem tận mắt cũng không sao. Bây giờ ta cho người dẫn ngài đi quật mồ mả nào ngài muốn.
Miêu nói với thuộc hạ:
-Các người mau đi lấy cuốc xẻng rồi dẫn đại nhân đây đến nơi chôn cất tử sĩ. Ngài ấy chỉ mả nào các ngươi quật mả ấy lên. Nhớ tuân lệnh ngài đây, ngài ấy là Thủ phụ Đại học sĩ, một chức quan lớn, cả đời các người cũng không có cơ hội gặp ngài ấy đâu. Nhân cơ hội này mà ngắm tướng mạo của ngài.
-Mạc chủ tướng, thật ngài sẽ quật mồ ư?
-Ôi trời, chỉ là mồ mả quân sĩ thôi mà. Bọn ta có đến mấy ngàn, c·hết vài kẻ cũng đâu có gì lớn lao.
-Những gì ta nghe nói về Mạc chủ tướng khác cơ.
Miêu nhếch miệng cười đuổi hết kẻ dưới ra, chỉ giữ Duệ lại.
-Trước mặt ba quân làm thế mới lấy lòng được đám thất học chứ. Thủ phụ đại nhân, ngài cứ đi kiểm tra theo chức trách, có sao thì bẩm báo với Vũ Ninh vương như vậy.
-Chả hay… mạn phép ta muốn hỏi chủ tướng, số bạc ngài đòi thật không nhỏ, thêm cả lương. Số ấy để nuôi quân của ngài?
-Quân ta tự làm tự ăn, thiếu đói thì sang Thiên Gia Bảo Hựu vay mượn. Ta cần có bạc, có lương để chiêu mộ thêm quân.
-Tính mạng binh sĩ lẽ nào chỉ đáng hai mươi nén bạc? Đó chả phải những kẻ tâm phúc của ngài ư?
-Thủ phụ Đại học sĩ, ngài đứng đầu văn quan không biết đó thôi, ta làm chủ tướng nhưng chưa có gì trong tay. Xưa nay kẻ dấy cờ xưng bá cũng để đổi vận, ta không muốn là kẻ ăn bán Phạm lão gia.
-Mạc chủ tướng đây có quan hệ thế nào với Tả Đô đốc?
-Xem như tế tử. Thân phụ của ta xưa kia có chỗ giao tình.
Thuộc hạ vào bẩm báo đã sẵn sàng đưa Thủ phụ Đại học sĩ đi kiểm tra mồ mả. Nhật Hiệu được dẫn đến một khoảnh đất gần quân doanh, nơi này có hàng trăm ngôi mộ mới đắp, cỏ đã úa, chân hương hãy còn mới.
Thực sự Vũ Ninh vương muốn xem Thiên Đức quân thiệt hại bao nhiêu. Mồ mả là thật hay mộ gió chỉ cần kiểm tra ngẫu nhiên là biết nhưng Nhật Hiệu trù trừ vì có hàng trăm dân làng già trẻ lớn bé đứng xem. Quân Thiên Đức đang ra sức nói với dân làng rằng Nhật Hiệu là Thủ phụ Đại học sĩ của Vũ Ninh vương, học cao hiểu rộng, tài đức hơn người nay đến quật mồ tra xem thực hư Thiên Đức quân thiệt hại bao người.
Quân Thiên Đức càng tâng bốc Nhật Hiệu thì Hiệu biết, nếu bảo quật mộ binh sĩ thì Hiệu sẽ nghe hàng trăm lời sỉ vả, sợ là gia tiên khuất núi cũng bị réo cho đội mồ sống dậy. Là kẻ sĩ, Nhật Hiệu hiểu quật mồ là việc xưa nay chính nhân quân tử không làm, nho sĩ lại càng không.
-“Thằng ranh con họ Mạc không đơn giản, nó cố ý cho dân đứng xem, nếu ta cho quật mồ thì họ rủa ta suốt kiếp, Vũ Ninh vương đâu có bị réo tên.”
Ngẫm vậy, Nhật Hiệu nói vài lời hay ý đẹp, rằng thì là chỉ cần trông thấy mộ đã được rồi. Chỉ có kẻ không biết đạo lý mới làm việc thương thiên hại lý. Nhật Hiệu cũng thắp hương thành tâm khấn vái trong khi dỏng tai nghe người ta khen Thủ phụ Đại học sĩ đúng là tài trí hơn người, là bậc danh sĩ trong thiên hạ.
Biết mình bị phỉnh nịnh nhưng Nhật Hiệu vẫn thấy dễ chịu hơn nghe người ta rủa ba đời tám kiếp tổ tông. Đây có lẽ là cái nhược của kẻ sĩ, lòng nghĩ một đằng nhưng miệng nói một nẻo.
-Mồ mả thì đúng rồi nhưng… - Nhật Hiệu cười khỉnh. - Rạ trơ gốc, khô queo khắp cánh đồng, kẻ mù cũng biết lúa đã gặt ngót một tháng. Chả hay ở đây có gì nhầm lẫn không Mạc chủ tướng?
-Nhầm? Nhầm gì nhỉ?
Miêu tỉnh bơ hỏi lại rồi đuổi hết kẻ dưới ra ngoài, kể cả Duệ.
-Thủ phụ Đại học sĩ, bổng lộc của ngài một năm liệu có được năm nén bạc?
-Ơn Vũ Ninh vương, bổng lộc hàng tháng của ta là mười nén.
-Mười… mười nén cơ à? Sao… sao nhiều thế?
-Ta giữ chức Thủ phụ Đại học sĩ, đứng đầu văn thân nho sĩ, mười nén có đáng là bao. Ta một lòng phò tá Vũ Ninh vương, bổng lộc là vật ngoài thân. Chủ tướng, khi không ngài hỏi làm gì?
Miêu khịt mũi, nhìn ra cửa rồi nói:
-Ta cũng là kẻ biết trước biết sau, ta đòi bồi thường 750 nén nhưng đâu ăn hết một mình. Tướng sĩ không tiếc xương máu giúp ta mà nay còn đói rách.
Đoạn Miêu giơ ba ngón tay ra trước mặt Nhật Hiệu, hạ giọng:
-Nếu Thủ phụ Đại học sĩ đây giúp ta, ta gửi biếu ngài ba phần.
-Mạc chủ tướng, ta là kẻ liêm chính chí công vô tư. Ta chỉ làm phận sự Vương giao phó, mong Mạc chủ tưởng đừng đem của nả ra nói chuyện như phường con buôn như thế.
-Ba phần cũng bằng hai năm bổng lộc của đại nhân, ngài muốn bớt thì bạc ấy cũng là bớt cho Vũ Ninh vương chứ nào bớt cho ngài. Ngài có tài cũng không thể về bẩm báo là ta không đòi bạc được. Trên danh nghĩa, ta nhận 750 nén, kẻ dưới sẽ gửi tại chỗ biếu ngài ba phần, vị chi là 225 nén. Ta cũng ba phần, còn lại chia cho các tướng rồi cho bọn sĩ tốt đánh chén một bữa no say.
-Mạc chủ tướng, ngài đây muốn ton lót ta?
-Ta đâu ton lót để nhận được phần của mình? Nếu Thủ phụ đại nhân có ý khác thì ta nói luôn, ta không thể nhận ít hơn 500 nén bạc. Tiền bạc còn làm ra được chứ người đẻ ra hai mươi năm sau còn chưa biết có dùng được không kia.
-Mạc chủ tướng thật biết tính toán, ngài kiếm tiền trên xương máu binh sĩ của mình mà không thấy ghê tởm?
-Ta ghê tởm một mình được rồi, dù gì trong mắt sĩ tốt ta cũng chỉ là chó chui gầm chạn, thanh cao làm gì.
-Phạm lão gia có biết?
-Mặc ông ấy. - Miêu gạt tay, tỏ vẻ bất mãn.
-Thóc lúa thì…
Miêu vội cắt ngang:
-Sắp tới dân sang đây, bọn ta thân mình chưa lo xong, ôm cục nợ vào thân làm gì? Đại nhân lựa lời xin giúp 40 hộc gạo thì tốt, số còn lại cho ngô, sắn, đậu gì cũng được cả.
-Năm nay mất mùa.
Miêu chồm tới vồ lấy tay Nhật Hiệu:
-Ngài là Thủ phụ Đại học sĩ, lời ngài nói có cân có lượng. Ngài giúp ta lần này, về sau ta sẽ không quên ngài.
-Sứ của Mạc chủ tướng có tặng cho Vũ Ninh vương một lệnh bài.
Miêu thở hắt ra, cười khinh mạn:
-Thứ đó là của Phạm lão gia chứ ta thì… cũng chỉ là kẻ hữu danh vô thực.
-Mạnh Đức tiên sinh ở trong quân Thiên Đức nay đang giữ chữ vụ gì nhỉ?
-Lão Mạnh Đức? À… Mạnh Đức tiên sinh ngoài quét chuồng gà, dọn dẹp thì đôi khi cũng lo việc bếp núc.
-Sao Mạnh Đức tiên sinh nói rằng ông ta gõ đầu trẻ?
-Như ta là chủ tướng đây. - Miêu tỏ vẻ chán chường. - Nơi này tạp nham, chức vụ đầy, ai muốn nhặt chức gì thì có chức ấy nhưng chủ yếu vẫn là nô bộc thôi.
-Ta thấy không đúng, Mạnh Đức tiên sinh nói nơi này rất tốt.
-Con cái của ông ta bị giữ ở làng Vạn, nói vậy đại nhân đã hiểu. Đề nghị của ta, đại nhân thấy sao?
-Ta sẽ cân nhắc, ta không thể hứa gì.
-Nếu đại nhân giúp cho ta nguyện ý. Nếu ngài giá·m s·át việc giao người hay giao tiền bạc thì tốt, nhược bằng không để giữ thanh danh, ngài cho thuộc hạ nhận ở ngay bến sông. Ta đảm bảo sẽ rất kín đáo. Ta mang tiếng xấu, miệng đời chửi rủa chứ ngài nào có ô danh?
-Ta thực thấy Mạc chủ tướng là kẻ biết làm ăn, thật tiếc nếu ngài không làm thương nhân.
-Nói vậy là Thủ phụ Đại học sĩ đã đồng ý với ta?
-Vũ Ninh vương là quyết chứ không phải ta, Mạc chủ tướng đừng kỳ vọng.
-Đại nhân đồng ý với ta là được. Ngài quyền cao chức trọng, nói có kẻ nghe, đe có kẻ sợ.
Miêu tiễn Nhật Hiệu cùng hai tuỳ tùng xuống tận bến sông để tỏ rõ trọng thị. Trần Thông đứng ở một góc khẽ lắc đầu, tủm tỉm cười, nói với Chương:
-Thật đáng thương, tôi ngày xưa cũng có bộ dạng đắc chí như vậy. Thật đáng xấu hổ.
-Có gì mà ông xấu hổ? Ông nhận ra bản thân của trước đây nghĩa là ông đã khác, đã hơn chính ông. Ông nên vui vì điều ấy mới phải.
-Chủ tướng dạy phải, đều nhờ ơn chủ tướng đã khai nhãn cho bầy tôi.
-Ông thấy cậu Miêu thế nào?
-Thưa chủ tướng, cậu ta học rất nhanh, một người có tư chất thông minh.
-Ta thì không biết ông có tài hơn cậu ta không, điều ấy chả quan trọng. - Chương vỗ vai Trần Thông. - Nhưng ông hơn cậu ta cả giáp, kẻ nhìn thấy mặt trời trước bao giờ cũng trải đời nhiều hơn. Hãy giúp đỡ cậu ta.
-Chủ tướng yên lòng, tôi nhất định sẽ ghi nhớ lời chủ tướng.
-Mấy hôm nữa tiếp nhận gia quyến là việc trọng đại, ta tin cả vào ông.
-Bầy tôi sẽ cố hết sức để chủ tướng không thất vọng.
-Mà này, nếu lấy được bạc của mấy lão thủ cựu, ông nói với cô Duệ tổ chức đại tiệc ở gần làng đang dựng. Ta dặn cô Duệ rồi nhưng ta giao việc này cho ông thì làm sao do ông quyết. Ta sẽ không có mặt.
-Thưa chủ tướng, sao chủ tướng lại không đến?
-Ta không quen những nơi như vậy. - Chương cười. - Ta để ông, cô Duệ, cô Bình và cậu Miêu chiếm spotlight chứ.
-Sờ pót lai là gì ạ?
-Ý là toả sáng, ông hiểu vậy là được. Ngày sau ông dạy dỗ những đứa trẻ ấy, ông cũng là người bờ Bắc sang nên hiểu tâm tính họ hơn ai hết.
-Chủ tướng có cái nhìn xa quá, nay tôi mới hiểu hết thâm ý.
-Thế nhé, cố làm tốt. Bây giờ ta còn có việc ở bên làng Vạn.
Chương về làng Vạn cùng Thiên Bình và Uyển Như. Chương muốn gặp Phạm Tu và các vị đầu lĩnh để bàn tính vài chuyện, đồng thời chính thức giới thiệu Lâm Uyển Như.