3 - 1 = Mấy

3 - 1 = Mấy - Chương 17: Chương 17: Một Thằng Bé Xoa Khác




Tâm trạng của Trương Cổ rất sa sút.

Đến cơ quan làm việc thì lầm lì ít nói, về nhà thì toàn lên giường ngủ. Anh bắt đầu ngờ rằng, có phải mọi chuyện anh trải qua chỉ là ảo giác? Mình đa nghi, có phải là một chứng bệnh?

Hôm nay anh phải làm thêm giờ, rất muộn mới ra về.

Trên đường đi, anh nhìn thấy bà già đồng nát đang đẩy xe bước lại. Đèn đường lờ mờ, sắc mặt bà ta vàng nhợt.

Trương Cổ quá sợ hãi.

Anh hiểu rằng mình đã “bại trận”. Hiện nay anh giống như quả bóng đã xì hơi. Anh sợ thằng bé kia, sợ bà già quái dị này. Anh cảm thấy mình không bao giờ có thể biết rõ mối liên quan bí hiểm giữa nó và bà già. Anh quá chán nản, buông xuôi, anh chỉ muốn thu mình lại như con rùa mà sống, không sắc sảo va chạm gì hết, lại chắc chắn sống thọ dài lâu. Hy vọng lớn nhất của anh là không bao giờ gặp lại hai kẻ xúi quẩy nặng vía này nữa.

Vô số kinh nghiệm trên đời cho chúng ta thấy rằng, ghét của nào trời trao của ấy, không sai đâu: trong lúc âm u tối trời, bà già ấy đang bước đến.

Trương Cổ muốn quay lại bỏ chạy luôn, nhưng lại nghĩ, sau khi chạy một quãng, ngẩng đầu lên, rất có thể bà già này lại đứng ngay trước mặt, thế thì mình sẽ sợ chết ngất.

Anh quyết định không bỏ chạy, đành gượng gạo tiến thẳng về phía bà già đang đi lại.

Vẫn như trước kia, bà già đi rất chậm, cứ như các khớp xương đã bị gỉ hết.

Rồi Trương Cổ và bà già đối diện nhau. Anh sợ sệt, mặt cúi gằm.

Bà già không dừng lại, cứ thế đẩy xe đi lên, cũng không nhìn Trương Cổ, mắt bà ta nhìn thẳng về phía trước.

Sau khi cả hai lướt qua nhau, Trương Cổ cảm thấy bà ta từ từ dừng bước. Anh không dám ngoảnh đầu lại, nhưng nghe thấy phía sau, bà ta gọi anh giọng chắc nịch: “Anh đứng lại!”

Trương Cổ rùng mình.

Anh ngoái nhìn, đúng thế, bà già đã dừng lại, lưng quay về phía anh, chứ không xoay người lại.

“Anh có muốn biết chuyện thằng bé con ấy kỳ quái ấy là thế nào không?” Bà già hỏi. Giọng nói cứ như là giọng người máy phát ra, không có màu sắc tình cảm gì hết.

Trương Cổ khẽ nói: “Tôi muốn… tôi không… muốn biết.”

Bà già lạnh lùng nói: “Anh cứ sang thị trấn Thái Bình mà xem!”

Đời nào Trương Cổ lại tin bà già này? Anh thậm chí ngờ rằng bà ta điệu hổ ly sơn, lừa anh đi để bọn họ thực hiện một âm mưu lớn nào đó.



Anh can đảm nêu câu hỏi: “Bà đâu có thể khiến tôi tin bà được?”

Bà già thở dài, nói: “Anh không tin thì thôi!”

Sau đó bà ta lại đẩy xe phế liệu đi. Trương Cổ nhìn theo, cho đến khi bóng bà ta chìm vào vùng tối mà đèn đường không chiếu tới.

Anh nhanh chóng đi về phía nhà mình. Trên đường đi, thỉnh thoảng anh lại ngoái đầu nhìn, anh rất sợ bà già ấy bám theo.

Nằm trên giường, Trương Cổ suy nghĩ mãi về câu nói của bà già. Anh lại khẳng định những suy đoán của mình trước đây và lại bắt đầu tin ở đôi tai, đôi mắt và thần kinh của mình.

Anh cảm thấy mình nên đi một chuyến.



Anh cảm thấy hành động của mình rất nghiêm túc, giống như hành động chống tha hóa biến chất.

Từ thị trấn Tuyệt Luân Đế đến thị trấn Thái Bình chỉ một trăm cây số, nhưng đường khó đi, phải chuyển hai lần ô tô.

Tối hôm nay Trương Cổ đến thị trấn Thái Bình. Thị trấn này rộng gấp ba thị trấn Tuyệt Luân Đế.

Anh vào ở một khách sạn, bắt chuyện làm quen với chủ khách sạn để nghe ngóng các tin tức liên quan. Chủ nhân là một người rất nhiệt tình, Trương Cổ nhanh chóng thu lượm được một thông tin quan trọng.

Trương Cổ: “Bác có nghe nói về một đứa bé kỳ quái không?”

Chủ khách sạn: “Chắc anh nói đến đứa bé của một người hát rong?”

Trương Cổ: “Người hát rong?”

Chủ khách sạn: “Gần đây có một người hát rong đến thị trấn này, đem theo đứa con mới 1 tuổi mà đã biết hát ca kịch, hát rất siêu!”

Trương Cổ: “Thế thì nó là thần đồng, nên quan tâm bồi dưỡng nó.”


Chủ khách sạn: “Đi giang hồ hát rong kiếm ăn bữa đực bữa cái, đâu có dư dật gì?”

Lẽ nào là thằng bé Xoa?

Hôm sau, khá sớm, Trương Cổ đã ra phố tìm người hát rong kia.

Cuối cùng anh cũng nhìn thấy họ ở ngoài đường. Đám đông vây kín trong ngoài để xem họ biểu diễn.



Trương Cổ cũng chen vào xem thằng bé trổ tài.

Nó bé tẹo, được mặc trang phục hý kịch cổ điển sặc sỡ đủ màu may riêng cho nó. Mặt nó cũng được son phấn hóa trang rất đậm, trông kỳ quái thực khó diễn tả. Trương Cổ không thể nhìn rõ gương mặt thật của nó nhưng anh có cảm giác nó chính là thằng bé Xoa, mặt mũi miệng, ánh mắt, Trương Cổ đều rất quen…

Trương Cổ bất giác thu mình lùi lại. Nhưng rồi lại nghĩ, nó đâu có thể là thằng bé Xoa? Cho nên anh lại chen lên.

Giọng thằng bé thanh mảnh, nhòn nhọn. Nó đang hát: “Mặt trời khuất sau núi, màn đêm buông xuống; Ta phi ngựa vượt qua ải Âm Dương…” Đó là lời ca của phù thủy lên đồng.

Một người lớn ngồi phía sau đang kéo đàn nhị, tiếng đàn nhị cũng thanh mảnh, nhòn nhọn.

Nhìn thấy người lớn này, Trương Cổ lập tức thót tim. Trên mặt ông ta có vết sẹo dao chém. Anh cảm thấy ông ta chính là một ác nhân như sách bói toán vẫn nói.

Ông chủ khách sạn đã kể với Trương Cổ rằng, người hát rong ấy nói thằng bé là con của ông ta. Nhưng Trương Cổ cảm thấy nó rất giống như một con rối không có sức sống, còn gã ác nhân chính là kẻ đứng sau giật dây thao túng nó.

Mọi người đứng xem ném tiền vào thưởng. Trương Cổ cũng làm theo họ.

Anh kiên nhẫn chờ đến lúc kết thúc. Anh muốn tiếp cận thằng bé để biết rõ nó có phải là con rối không, hay nó là một sinh mệnh bằng xương bằng thịt. Anh có rất nhiều câu hỏi để hỏi nó: Cháu mấy tuổi rồi? Cháu từ đâu đến? Cháu sẽ đi đâu? Cháu có biết đang có một thằng bé giống hệt như cháu không? Thực ra cháu là gì? Có bao nhiêu nhân vật như cháu? Các cháu định làm gì?

Trời sắp tối, khán giả vãn dần, gã ác nhân kia cũng bắt đầu thu dọn.

Trương Cổ giả bộ như ngẫu hứng, thong thả bước lại gần họ: “Hôm nay ông thu nhập có khá không?”


Gã ác nhân liếc nhìn Trương Cổ, không đáp. Ánh mắt gã gườm gườm. Gã tăng nhanh tốc độ thu dọn các thứ.

Trương Cổ hơi mất tự nhiên.

Anh nhìn đứa bé. Nó vẫn đang mặc bộ áo hý kịch sặc sỡ, son phấn trát đầy mặt, chẳng khác gì đeo mặt nạ. Trương Cổ không thể nhìn thấy khuôn mặt thật của nó. Như một con rối gọt bằng gỗ, nó ngồi trên phiến đá, không nói một câu, bất động.

Trương Cổ ngồi xuống thử hỏi nó: “Cháu lên mấy tuổi?”

Thằng bé chẳng thiết nhìn anh.

Gã ác nhân ngồi gần đó bỗng huýt sáo, tiếng huýt kỳ quái, hình như là một ám hiệu. Giống như một con khỉ đã được thuần hóa, đứa bé nghe thấy tiếng huýt sáo lập tức chạy lại rất nhanh nhẹn.



Gã ác nhân tóm tay nó rồi vội vã bước đi.

Gã hoàn toàn không muốn để cho Trương Cổ tiếp cận đứa bé.

Trương Cổ thậm chí không dám chắc, đứa bé đó có phải một động vật giống hình người hay không.

… Đêm nay, Trương Cổ lại nghe thấy tiếng sủa của con chó mọi ngày. Anh thầm nghĩ: đang cách xa trăm cây số, chắc chắn không phải con chó ấy. Nhưng tiếng sủa lại rất giống, giống hệt.

Hôm sau, Trương Cổ lại ra phố.

Anh vẫn muốn tiếp cận đứa bé ấy.

Gã ác nhân thấy vậy càng ra sức đề phòng. Tuy người đứng xem rất đông, khu vực “sàn diễn” rất ồn ào, nhưng gã vẫn nhận ra Trương Cổ. Nhìn thấy Trương Cổ, gã như nhìn thấy khắc tinh, lập tức huýt một tiếng sáo lạ lùng với đứa bé, đứa bé bèn ngừng hát, lủi ngay đến bên gã. Gã nhanh chóng thu dọn đồ nghề, rồi dắt đứa bé đi.

Lúc bước đi, gã trợn mắt, lườm Trương Cổ. Gã đã đi xa rồi mà Trương Cổ vẫn cảm thấy những tia hung ác trong ánh mắt của gã khiến người ta phải rùng mình.

Anh cảm nhận, dường như gã ác nhân này có một sự uy hiếp khiến đứa bé bất khả kháng; anh còn cảm thấy hình như đứa bé ấy là một phần của gã ác nhân.

Đêm, Trương Cổ không thể chợp mắt. Anh nhớ lại ánh mắt của gã ác nhân. Anh phân tích, suy đoán…

Thắng bé Xoa kia xuất hiện ở thị trấn Tuyệt Luân Đế bằng phương thức bị bỏ rơi.


Thằng bé này xuất hiện ở thị trấn Thái Bình bằng phương thức hát rong.

Nhưng thằng bé ở Tuyệt Luân Đế hoàn toàn không phải bị bỏ rơi.

Và thằng bé xuất hiện ở Thái Bình chắc chắn không nhằm đi hát rong.

Chúng đều có mục đích riêng của mình.

Trương Cổ không biết mục đích của chúng là gì, anh chỉ biết thằng bé kia đã gây ra bao bi kịch cho thị trấn Tuyệt Luân Đế, thì chắc chắn thằng bé này cũng sẽ đem lại tai họa cho thị trấn Thái Bình.

Sang ngày thứ ba, Trương Cổ lại đi tìm gã nghệ nhân bí hiểm ấy.

Lần này anh không muốn đánh động để họ phải dè chừng.


Anh dành cả buổi sáng để hóa trang: mặc bộ quần áo của thế hệ mới, nhuộm tóc thành màu nâu, và thay cặp kính râm mốt mới.

Anh đứng xa xa, bên ngoài đám đông xem hát, chờ kết thúc buổi hát rong.

Anh đã hóa trang thành công, hình như gã ác nhân không phát hiện ra anh. Buổi trình diễn vẫn đang tiếp tục, cho đến khi trời gần tối mới kết thúc.

Trương Cổ thấy gã ác nhân kéo thằng bé đi, anh liền bám theo cách họ một quãng xa xa, anh muốn xem xem họ đi về đâu.



Ánh trăng chỉ sáng lờ mờ.

Đôi mắt Trương Cổ căng ra làm việc, khỏi cần nhìn đường, đôi lúc bị vấp anh vẫn bước đi.

Anh bám theo hai người, đi từ ngõ này sang ngõ khác, họ đi miết không dừng chân. Cuối cùng Trương Cổ đi theo họ ra vùng ngoại thành.

Hai thầy trò người hát rong vẫn không dừng lại, họ vẫn rảo bước về phía trước.

Từ lúc ra khỏi thị trấn, Trương Cổ cảm thấy hình như bọn họ không phải người lớn dắt đứa bé mà là đứa bé dắt người lớn đi.

Họ đi mỗi lúc một nhanh hơn.

Khoảng cách giữa họ và Trương Cổ càng lúc càng xa.

Trương Cổ phải chạy, anh quyết bám riết bọn họ.

Gió nổi lên, cây cối hai bên đường thì thầm với nhau. Một con cú mèo bỗng bay ra, rồi phóng thẳng về miền xa xa, nó vỗ cánh “rào, rào, rào…”

Trương Cổ cảm thấy rờn rợn: chắc không phải bọn họ dẫn dụ anh đến nghĩa địa, như các câu chuyện ma vẫn nói chứ?

Anh đang nghĩ đến đây thì thằng bé kia bất ngờ quay người lại!

Nó vẫn mặc bộ áo diễn kịch, mặt vẫn đầy son phấn hóa trang, dưới ánh trăng mờ, trông bộ dạng nó cực kỳ đáng sợ.

Gã có vết sẹo dao chém trên mặt cũng quay người lại.

Thằng bé lên tiếng, giọng nó ồm ồm: “Này! Chúng ta cùng đi, được chứ?”

Trương Cổ sợ hết hồn, anh quay người lại co cẳng bỏ chạy. Đương nhiên là chạy về phía có ánh đèn sáng.

… Hôm sau, người có vết sẹo dao chém và đứa bé con không xuất hiện.

Ba ngày liền, không thấy bóng dáng họ đâu.

Trương Cổ đứng giữa ngã tư thị trấn Thái Bình nhìn bốn phía đông tây nam bắc, không hề thấy tung tích bọn họ. Anh biết, bọn họ đang ẩn thân nơi kín đáo và từng giờ từng phút quan sát mọi hành vi động tác của anh. Nếu anh không đi khỏi thị trấn Thái Bình này thì bọn họ sẽ không ló mặt ra; họ như những con cuốc mùa hè lủi trong đồng cỏ, không ai biết đâu mà lần.

Có phải gã người lớn thao túng đứa trẻ con chỉ là một động tác bề ngoài để che mắt thiên hạ? Liệu có phải đứa bé đang thao túng gã ấy? Có phải, phía sau cặp đôi một người lớn một trẻ con kia còn có những điều bí mật càng đáng sợ hơn?

Trương Cổ chưa thể có câu trả lời.