Anh Ở Phía Sau Em

Anh Ở Phía Sau Em - Chương 17: Hiến gan




Trong tiểu thuyết vẫn thường có câu này “không có vô sỉ nhất, chỉ có vô sỉ hơn”. Hôm nay tôi quả thực đã được chứng kiến ví dụ thực tế vô cùng sinh động.

Bà tôi từng nói không nên giữ mãi lòng thù hận, phải để bản thân mình thanh thản thì mới tìm được niềm vui trong cuộc sống. Tôi rất cố gắng để làm theo, nhưng có những kẻ quá khốn kiếp để có thể tha thứ, mà kể cả chúng ta có nỗ lực đem bọn họ thành virus bệnh tả, tránh càng xa càng tốt thì họ cũng chẳng để ta yên.

Huệ Lan, cái tên nghe thì đầy hương hoa, người phụ nữ này mặt mũi cũng dễ nhìn, chỉ có lòng dạ là rắn rết.

Nhiều năm trước, bà ta đuổi tôi ra khỏi chính ngôi nhà mà tôi đã sống mười bảy năm, đập phá giày xéo đồ dùng cá nhân của tôi, xỉa xói mẹ tôi… Còn bây giờ, bà ta mang dáng vẻ của một phu nhân sang trọng ngồi đối diện tôi trong quán cà phê, dùng bộ mặt trát đầy phấn son và cái miệng đỏ chót giống như một con quái vật nói ra những lời mà ngay cả người đã quen ẩn nhẫn như tôi cũng phải dùng toàn bộ sức kiềm chế để không hỏi bà ta rằng: “thưa bà, có phải bà mới rời khỏi trại tâm thần cách đây ít ngày không?”

Mà thật ra tôi thấy bà ta nên vào trại phục hồi nhân phẩm thì thích hợp hơn.

- Thế nào, sao cô không nói gì? Ngày mai cô xin nghỉ rồi theo tôi đến bệnh viện ngay, bệnh của bố cô không thể để lâu được!

Người ta vẫn thường nói gieo gió thì gặt bão, ở hiền gặp lành, trời không phụ lòng người. Thật ra khối kẻ gieo gió mà chẳng thấy bão đâu, ở hiền toàn bị người ta bắt nạt và trời thì phụ đầy người.

Sau những gì họ đã làm với mẹ tôi, cậu tôi, và cả tôi, bà ta còn dám đến đây đòi tôi hiến gan cho người cha đáng kính của tôi. Lúc bọn họ cướp gia sản của ông ngoại tôi, giết chết mẹ tôi, đuổi tôi không xu dính túi ra khỏi nhà… vì sao không nghĩ đến ngày này? Họ tưởng tôi là ai, thánh mẫu chắc, tưởng chỉ cần hô một câu tôi sẽ tình nguyện không chút oán hận đi hiến gan cứu người cha máu lạnh kia à?

- Từ nãy đến giờ bà nói gì tôi hoàn toàn không hiểu. Bố tôi bị bệnh cần ghép gan sao bà lại đến tìm tôi? Chẳng phải hai cậu con quý tử của bà cũng có thể hiến gan hay sao? –Tôi thản nhiên hỏi lại bà ta, nhìn sắc mặt Huệ Lan đanh lại tôi vô cùng hài lòng.

- Gan của chúng không phù hợp với bố cô.

Tôi à lên vẻ đã hiểu, gật gù nói:

- Lúc muốn nhận người thân để hưởng sung sướng thì không thấy nói không hợp. Bà Huệ Lan, hôm nay tôi đúng là nhờ bà mà được mở rộng tầm mắt. Có điều hợp hay không hợp tôi chẳng quan tâm, phiền bà chuyển lời tới bố tôi, sau khi ông ấy để mặc mẹ con bà đuổi tôi ra ngoài đường thì tôi coi như ông ấy đã chết rồi.

- Mày… mày dám nói thế à? Đồ mất dạy! –Bà ta đứng phắt dậy, chỉ vào mặt tôi rồi quát lên.

Tôi ngay lập tức đứng lên. So về chiều cao, cơ bản tôi đã nhỉnh hơn bà ta, cộng thêm đôi giày cao gót gần chục phân, tôi đứng hơn hẳn bà ta một cái đầu. Phải nói thật là chưa bao giờ tôi cảm thấy giày cao gót lại là một phát minh vĩ đại như bây giờ. Cái cảm giác nhìn xuống đối thủ một cách khinh miệt vô cùng thoải mái, nói chung là khi bạn cao hơn, bạn cũng sẽ thấy mình có ưu thế hơn.

- Tôi mất dạy thì chí ít cũng học hành tử tế, kiếm việc đàng hoàng. Còn hai cậu con trai có dạy của bà bây giờ đang làm gì, chẳng phải cứ năm hôm ba bữa lại ẩu đả nhậu nhẹt lung tung ở khắp các vũ trường sao. Tôi rất ngưỡng mộ phương pháp giáo dục con cái của bà, hy vọng sau này có dịp được học hỏi thêm.

Trương Huệ Lan nghiến răng nghiến lợi, giơ tay lên định tát tôi. Buồn cười thật, bà ta tưởng tôi vẫn là đứa con gái ngốc nghếch dễ bị bắt nạt năm ấy chắc!

Tôi túm lấy tay bà ta, xiết thật mạnh, thản nhiên mỉm cười.

- Bà đừng nghĩ có thể bắt nạt được tôi! Nếu tôi là bà, có khi tôi sẽ xuống nước mà cầu xin đấy. Bà thử nói xem, nếu bố tôi chết thì ai sẽ là chỗ dựa cho bà? Hai thằng con cả ngày chỉ biết chơi bời lêu lổng, ăn tàn phá hại… hay là gã tình nhân trẻ mà bà vẫn bao nuôi?

Sắc mặt bà ta tái đi, miệng lắp bắp không thành lời.

Tôi hài lòng buông tay bà ta, nhẹ nhàng nói:

- Bố tôi gây thù chuốc oán với không ít người đâu. Chỉ cần ông ấy nằm xuống, những kẻ đó sẽ đạp mẹ con bà xuống bùn, suốt đời cũng không ngoi lên được. Các người chắc chắn còn thê thảm hơn gia đình tôi năm đó!

Mặc kệ người đàn bà đang luống cuống trong quán cà phê, tôi thản nhiên ra về. Tôi biết bà ta sẽ không đơn giản bỏ qua chuyện này, vừa rồi tôi chỉ doạ nạt được bà ta chốc lát, chắc chắn Trương Huệ Lan sẽ tìm ra thủ đoạn đối phó với tôi.

Đúng là xúi quẩy, chắc tôi nên tính chuyện cúng giải hạn xem sao. Nếu bây giờ tôi vẫn là vợ Nguyên Bảo thì Trương Huệ Lan còn lâu mới dám có thái độ như vừa rồi, thế lực của gia đình Nguyên Bảo không phải nhỏ. Nhưng tôi và anh ấy đã ly hôn, chuyện này chắc bọn họ đã biết rồi nên mới nhân lúc tôi không có chỗ dựa đến bắt nạt tôi.

Từ sau cuộc nói chuyện với Trương Huệ Lan, thi thoảng tôi lại thiếu tập trung, cứ vô tình đặt tay lên bụng mình.

Diệp Chí Minh, bố tôi, ông ta bị bệnh gan. Nếu tôi không hiến gan thì ông ta có chết không?

Không, ông ta còn hai đứa con quý tử cơ mà, làm sao chết dễ dàng như vậy được. Trương Huệ Lan chắc chắn đang nói dối, bà ta sợ động dao kéo lên người hai thằng con yêu nên mới đến tìm tôi.

Hừ, đừng hòng! Cho dù bà ta nói thật hay nói dối thì tôi cũng không hiến gan, bố tôi có gặp chuyện gì cũng là quả báo của ông ta. Nếu so với việc cậu tôi bị tù oan rồi mất trong tù, so với cái chết tức tưởi của mẹ tôi, chút bệnh tật đó của ông ta có đáng là gì.

Chỉ là… ông trời thật sự có mắt nhanh như vậy sao? Những kẻ ác độc nhất, tham lam nhất chẳng phải luôn sống đến cuối cùng sao.

Ngay cả phim truyền hình cũng nắm được đạo lý ấy, các nhân vật phản diện toàn tới tận cuối phim mới chết, mà để tiêu diệt kẻ xấu thì vô số người tốt cũng phải xuống chỗ Diêm vương lót đường rồi. Ngươi duy nhất may mắn sống sót là nhân vật chính anh hùng (thường là lúc ấy cũng đã trầy vi tróc vảy).

Phải nói rằng gừng càng già càng cay. So với Trương Huệ Lan thì tôi dù đã trưởng thành hơn đứa con gái mười bảy tuổi năm đó nhưng vẫn chưa đủ thâm hiểm bằng bà ta.

Buổi sáng thứ ba, khi tôi đang ở văn phòng thì nhận được điện thoại của Ngọc Kỳ, em họ tôi, giọng nói của nó có vẻ rất hoảng loạn.

- Chị Thư, Ngọc Anh bị một bọn côn đồ chặn đường, con bé… nó đang ở viện A, chị vào viện bây giờ được không ạ, một mình em không biết làm thế nào!

Tôi lập tức xin nghỉ rồi đến bệnh viện. Trong lòng không hiểu sao lại có dự cảm chẳng lành, chuyện này và Trương Huệ Lan liệu có liên quan gì không?

Bà ta biết rõ tôi vẫn luôn áy náy với gia đình cậu…

Trong phòng bệnh, Ngọc Anh nằm mê man. Ngọc Kỳ đứng bên cạnh, sắc mặt tái mét.

- Kỳ, em đã nói chuyện này cho mợ chưa?

- Chưa ạ, sức khoẻ của mẹ em không tốt. Em sợ nói ra mẹ lại…

Tôi cũng nghĩ Ngọc Kỳ làm đúng, tạm thời chưa nên vội vàng, còn phải xem thương tích của Ngọc Anh đến đâu.

- Bác sĩ nói Ngọc Anh bị làm sao?

- Nó bị đánh, cộng thêm với việc quá hoảng sợ nên ngất đi. Em nghe người đi đường đưa nó vào viện bảo là có mấy gã chặn đường chọc ghẹo nó, nó kháng cự, bọn chúng… May mà lúc đấy có một nhóm sinh viên đi qua, họ hô hoán gọi công an nên chúng bỏ chạy rồi.

Tôi nghi hoặc nhìn gương mặt còn vết bầm tím vô cùng đáng sợ của Ngọc Anh. Chuyện này liệu có phải do Trương Huệ Lan làm không hay chỉ là tình cờ?

Cánh tay và mi mắt Ngọc Anh hơi cử động. Cả tôi lẫn Ngọc Kỳ vội vàng cúi xuống xem con bé.

Vừa mở mắt ra nhìn thấy tôi, Ngọc Anh liền run rẩy thốt lên.

- Chị… chị đi đi!

Ngọc Kỳ ngạc nhiên đỡ con bé.

- Ngọc Anh, em làm sao thế?

Hai mắt Ngọc Anh đỏ hồng, nó nhào vào lòng Ngọc Kỳ,khoé miệng sưng phù mếu máo.

- Anh, là tại chị ta. Bọn chúng đánh em là tại chị ta!

Tôi cứng đờ người nhìn con bé.

Quả nhiên là Trương Huệ Lan đã ra tay. Bà ta không tấn công tôi mà nhằm vào những người bên cạnh tôi.

Người đàn bà này thực sự không từ thủ đoạn nào để bức tôi vào đường cùng.