“Thần thiếp mời thái tử phi nương nương dùng trà” Tôi tiếp nhận chén trà bằng ngọc lưu ly hồng nhạn, nhẹ nhàng đưa lên miệng. Thuận tiện dùng ánh mắt đánh giá nữ tử trước mắt: lông mày dài rất đẹp, nhỏ nhắn mềm mại, đôi mắt sâu thăm thẳm, hiền thục nhàn nhã, trâm ngọc hoa vàng, trang sức hài hòa, áo quần thướt tha… đây là thứ phi được con báo nạp vào cung khi mười sáu tuổi, độc nữ của Binh bộ thượng thư, tên gọi là Cơ Nga. Mười lăm tuổi vào cung, năm nay đã mười chín tuổi. Mười chín tuổi ở hiện đại hẳn được xem như là đang độ hoa niên đẹp nhất, thiên tư lãng mạn đáng lẽ phải là sắc thái thuộc về nàng. Thế nhưng người con gái trước mặt, đã được gả cho người khác làm vợ bốn năm, đẹp thì đẹp thật, nhưng lại thiếu mất một tia quang hoa linh động và nhiều hơn một phần thành thục ổn trọng. Từ lúc vào cửa đến lúc dâng trà, đều nhìn không chớp mắt, khẽ cúi đầu, xem ra là đã được dạy bảo rất tốt, rất gia giáo, rất có quy củ.
Lại nhìn con báo bên cạnh, từ lúc Cơ Nga bước vào cửa, đừng nói đến nhìn thẳng, mà ngay cả liếc mắt cũng chưa từng dừng lại trên người nàng ấy đến nửa giây, lạnh lùng kiêu căng, không coi ai ra gì. Cơ Nga tuy là cử chỉ đoan trang, hào phóng, khéo léo hơn người, nhưng vẫn là kìm lòng không đậu, đôi mắt có chút lưu luyến chuyển về phía con báo khiến ta không khỏi có chút đồng tình với nàng, giống như lời phụ thân đã từng nói: “Đế vương chi gia vô chân tình” (Bậc đế vương không có chân tình), phần lớn mà nói, hôn nhân đối với họ cũng chỉ là vì mục đích chính trị. Mục đích của con báo khi lấy Cơ Nga, tôi thấy chẳng qua cũng chỉ vì ba phần binh quyền trong tay Cơ Viễn mà thôi. Có một huynh đệ là Mèo Vẫy Tay (Chiêu Tài Miêu) nắm binh quyền trong tay, nếu con báo không tiên hạ thủ vi cường, thì khẳng định là ngôi vị thái tử này cũng như ngồi trên đinh nhọn. Đương nhiên, hễ là người Trái Đất thì ai cũng biết và nói rằng đám cưới của tôi và con báo cũng chính là hôn nhân chính trị điển hình. Phụ thân mặc dù không có đến nửa phần binh quyền, nhưng lại nắm giữ huyết mạch trọng yếu của Hương Trạch Quốc trong tay, đó là thương nghiệp. Năm đó, hoàng đế lão nhân gia chỉ hôn cho tôi khi vẫn còn là một đứa trẻ sơ sinh chắc chắn là do sợ quyền lực của phụ thân quá lớn, sợ một ngày nào đó chủ giang sơn sẽ đổi sang họ Vân. Một đạo chỉ hôn nhưng lại khống chế được quyền thế của phụ thân, lại khiến cho Vân gia phải vì Triệu gia mà tận sức, đúng là mưu sâu kế hiểm. Tiện thể lại khiến con báo được hưởng tiện nghi, cưới tôi, không nghi ngờ gì nữa, có thể giúp hắn gia cố vững chắc thêm địa vị thái tử của hắn. Hai tháng trước cho nhổ bỏ tất cả những loại hoa thơm trong Đông cung, có thật là vì muốn tránh cho tôi khỏi bị dị ứng phấn hoa không? Thế nhân đều biết Tả thừa tướng Vân Thủy Hân vô cùng thương yêu Lục nữ của mình, con báo lo lắng như vậy, chỉ sợ chủ yếu còn là vì muốn mượn sức của phụ thân để củng cố địa vị thái tử của mình. Chính là, chưa ăn thịt heo, chả lẽ lại chưa nhìn thấy heo chạy bao giờ sao? Từ nhỏ đã được xem kịch cung đấu nhiều tập rồi, chẳng lẽ tôi ngu ngốc lại nhảy vào cạm bẫy ôn nhu này sao? (Độc Nhĩ: A! Ai muốn ăn thịt của ta vậy?!)
Thái giám ti lễ bên cạnh thấy tôi buông chén trà xuống, liền hướng ra ngoài cao giọng báo một câu: “Dâng tiệc!” Cung nữ liền nhanh chóng bưng đồ ngự thiện, nối đuôi nhau tiến vào. Trong bữa tiệc, tôi còn được gặp một người, chính là Thập lục hoàng tử được Hi Tông sủng ái nhất trong truyền thuyết, năm nay gần sáu tuổi, mẹ là Lan Nghi phi năm đó vì sinh khó mà qua đời, Hi Tông vì muốn tưởng nhớ đến vị sủng phi này nên mới đặt tên cho Thập lục hoàng tử là Lan Mậu. Thập lục hoàng tử từ thuở nhỏ đã đi theo bên người hoàng hậu, rất thân thiết với Tứ hoàng tử và con báo. Ngoại trừ Phượng Nghi điện của hoàng hậu, quá nửa thời gian đều ở tại Đông cung của con báo. Nghĩ đến đây, tôi không khỏi thầm than con báo có tâm tư kín đáo. Năm đó, được Hi Tông tứ hôn, không nghi ngờ gì nữa, con báo đã như hổ thêm cánh, nhưng cũng để lại một hậu quả, đó là một quy củ do tổ tiên Hương Trạch Quốc định ra: nếu chính phi chưa vào cửa thì thứ phi của hoàng tử không thể mang thai sinh con. Tôi kém con báo chừng mười tuổi, những hoàng tử khác nhỏ tuổi hơn hắn đều đã có dâu có rể, chỉ có con báo dưới gối là chưa có con rể mà thôi. Không thể như các hoàng tử khác dựa vào nhi nữ để tăng cường thế lực, con báo liền mượn sức của huynh đệ. Mà trong đám hoàng tử còn lại, chỉ có Thập lục hoàng tử này là đi theo hoàng hậu từ nhỏ, lại được Hoàng thượng sủng ái, hắn liền bồi đắp tình cảm từ nhỏ, ngày sau nhất định sẽ có lúc dùng đến. Khó trách Hi Tông nói con báo giỏi quyền mưu thuật đấu, tôi thấy hắn quả thực chính là sinh ra là để làm cho cung đình tranh đấu. Hôm nay, khi làm lễ diện thánh, Thập lục vì bị cảm mạo, sợ lây bệnh cho Hoàng thượng nên không đi, con báo liền cho người gọi hắn đến Đông cung để dự tiệc tân hôn long phượng, đủ thấy tâm tư của con báo trên người Thập lục thâm sâu như thế nào.
Chẳng qua, tên của Thập lục nghe thế nào cũng thấy giống “Lam Miêu” (mèo xanh) vậy nhỉ? Nhìn nhóc mèo xanh này, ánh mắt đen láy, hai má bầu bĩnh, cái mũi tuấn tú, môi hồng mỏng manh, thật là một đứa trẻ đáng yêu nha! Đáng tiếc, trên khuôn mặt nhỏ nhắn lại bày ra dáng vẻ cứng rắn, uy nghi của hoàng thất. Tôi rốt cục phát hiện ra ý nghĩ tiến cung của mình, hóa ra ông trời muốn để cho tôi tới cứu vớt một cậu bé sắp bị sự sa đọa của chính trị làm chơ dơ bẩn. Tôi nhất định không làm nhục sứ mệnh, không phụ lại sự chờ đợi tha thiết của Đảng và nhân dân (ông trời: Thập lục thật đáng thương, những tháng ngày khổ cực của ngươi đã đến gần rồi, đừng trách ta không cảnh tỉnh ngươi trước…)
Tôi, con báo, Cơ Nga và Lam Miêu theo thứ tự ngồi xuống. Tiệc tân hôn Long Phượng trình tự thật rườm rà, đầu tiên là cổ nhạc, cung nữ hiến bạch ngọc trà, gọi là “Trà thai mính tự”; sau là “Toàn hạp nhất phẩm”, “Tiền thái ngũ phẩm”, “Bột bột tứ phẩm”, “Tương thái tứ phẩm”, “Kính phụng hoàn tương”; “Thiện thang nhất phẩm”, “Ngự thái tam phẩm”, “Bột bột nhị phẩm” : Vô cùng thịnh soạn!
Phát hiện ra cung đình Hương Trạch Quốc lấy vi ngọt làm chủ đạo, tôi bình thường ghét nhất là đồ ngọt, cảm thấy ăn vào rất ngấy. Đồ ăn tuy rằng nhiều, nhưng sau khi “mò kim đáy bể” chỉ thấy có một thứ có vẻ hợp với khẩu vị của tôi… “Kim ti tô tước”, món điểm tâm này chế biến từ thịt chim sẻ, khẩu vị mằn mặn, chính là hợp với lòng tôi. Bất quá, hoàng thất có một quy củ thực BT: cho dù đối với đồ ăn vô cùng thích cũng phải tuân thủ nghiêm khắc nguyên tắc: “Dùng bữa không quá ba thìa”, khi ăn không được biểu hiện là mình thích ăn cái gì. Trơ mắt nhìn một mâm đầy cao lương mỹ vị, lại không thể ăn, trong lòng mắng một lượt, đánh phẫn nộ ăn hai miếng cơm trắng.