Biết Quân Như Cũ - Tiêu Lạt Thố Đầu

Chương 20




 

Ngày xuất phát của Bùi gia, Lâm An chìm trong làn mưa khói mờ ảo.

 

Ta và A Yên che ô, sóng bước đứng bên nhau, cứ tiễn mãi rồi lại tiễn, đến khi trèo lên cổng thành nhìn xa xăm, không còn thấy bóng người nữa.

 

Có lẽ gió trên cổng thành quá lớn, A Yên lấy tay che miệng, ho liên tục mấy tiếng, nàng siết chặt chiếc áo khoác trên người, hỏi ta, nếu lưu luyến như thế, vì sao không cùng đi đến kinh thành?

 

Ta không nói cho nàng chuyện có liên quan đến Vương gia Nhữ Dương.

 

Kiếp trước hắn đã ra tay với Bùi Tri Hành, có lẽ một nửa lý do là vì ta.

 

Kiếp này ta không tiến kinh, hẳn là kết cục sẽ khác.

 

Trên đường về Thôi phủ, nàng hỏi ta, tiếp theo định tính toán gì?

 

Ta suy nghĩ về A phụ, ông ở lại Thục Châu một mình, không có ai để nghe ông lải nhải, chắc là cô đơn lắm.

 

Lâu rồi ta không nhận được thư của ông, có lẽ đã đến lúc quay về Thục Châu.

 

Nửa tháng sau khi về đến Thục Châu, ta mới nhận ra, mình đã nghĩ quá nhiều.

 

A phụ cùng sư phụ của tiêu cục đang đánh bài mã điếu trong trà lâu, chơi vui không kể xiết.

 

Nhưng khi nhìn thấy người thứ tư ngồi bên bàn chính là Nhữ Dương vương Triệu Kỳ, bước chân ta lập tức khựng lại, trong lòng thoáng hiện một suy nghĩ đáng sợ.

 

Kiếp trước, ta chỉ gặp hắn khi đã tiến kinh.

 



Đó là vào yến thọ của thánh thượng, ta cùng Bùi Tri Hành vào cung dự yến.

 

Trong buổi yến, các nữ tử gia đình quan viên lần lượt dâng tài nghệ chúc thọ thánh thượng.

 

Lần đầu tham dự, ta không chuẩn bị gì, lại bị một nữ tử chỉ đích danh.

 

Ta bị ép phải ra biểu diễn, đành múa một đoạn kiếm thuật.

 

Dường như từ sau buổi yến ấy, Triệu Kỳ luôn tìm cớ đến Bùi phủ để giao việc.

 

Kiếp này, thời điểm gặp mặt lại sớm hơn.

 

Chẳng lẽ hắn cũng giống như ta, có ký ức từ kiếp trước?

 

Vậy còn Thái tử?

 

Nếu Thái tử không có ký ức từ kiếp trước mà chỉ bị hắn xúi giục, mới vội vàng ra tay?

 

Ban đầu, Thái tử bị trị tội, Triệu Kỳ mới là người ngồi yên hưởng lợi, chỉ có điều lần này người hưởng lợi lại là Yến vương Triệu Ngự Châu.

 

Ta cố nén những nghi hoặc trong lòng, giả vờ như không quen biết hắn, chào sư phụ xong, liền kéo A phụ về nhà.

 

A phụ cũng thoải mái rút lui, đứng dậy rời đi.

 

Lúc ra cửa, Triệu Kỳ lạnh lùng nói với A phụ một câu: “Ngài nghĩ kỹ chưa?”

 

Trên đường về nhà, ta hỏi A phụ có biết thân phận và lai lịch của Triệu Kỳ hay không? Có nói với hắn chuyện ta đến Lâm An không?

 



A phụ nói hắn tự xưng là người của Binh bộ, đến Thục Châu là muốn rèn một món binh khí dâng lên thánh thượng, vì không ai có thể làm được, cuối cùng tìm đến ông.

 

Trùng hợp là chuyện này xảy ra đúng vào thời gian Bùi gia rời Lâm An vào kinh.

 

Lời của hắn nửa thật nửa giả, khó mà phân biệt.

 

May mắn là A phụ tinh tường như khỉ, không tiết lộ bất cứ chuyện gì về ta, cũng không để lộ tin tức hữu ích nào.

 

Ta nói: “Triều đình muốn rèn binh khí, vốn có người ở Cục quân khí phụ trách, hắn tìm ngài làm gì? Rõ ràng là mang tâm địa bất chính.”

 

A phụ liền phụ họa: “Yên tâm đi, A phụ của con đâu phải là kẻ ngốc. Ta xem bản thiết kế ấy, người thường quả thật không làm nổi. Tuy ta có tự tin thử một lần, nhưng nhà họ Sở chúng ta đã không còn liên hệ gì với triều đình nữa. Ta nói thẳng là không hiểu thứ đó, liền từ chối ngay. Hắn muốn lừa ta ư, còn non lắm. Muối ta ăn còn nhiều hơn đường hắn đi, nếu ngay cả chút sáng suốt này mà không có, ta đã sớm không trụ nổi ở Thục Châu rồi.”

 

Ta cảm thấy lời của ông có ẩn ý, cái gì mà nhà họ Sở chúng ta không còn liên hệ với triều đình?

 

Tổ tiên nhà ta chẳng phải do phạm tội mà bị đày đến đây sao?

 

Ta nắm lấy chòm râu quý báu của ông, hỏi: “Cha, cha không giấu con chuyện gì đấy chứ?”

 

Ông đẩy tay ta ra, trợn mắt, râu ria phồng lên: “Con bé này, còn dám chất vấn A phụ của con? Ta còn chưa hỏi con đấy, dạo này đi đâu hả? Làm ta lo lắng mấy tháng trời. Ăn không ngon, ngủ không yên, chỉ nghĩ đến việc lỡ mà con xảy ra chuyện gì, ta biết ăn nói sao với mẹ con…”

 

Ông còn định nói tiếp, ta liền ngắt lời: “Được rồi, chẳng phải mỗi tháng con đều gửi thư cho cha sao?”

 

“Thư? Ồ, chỉ có một câu ‘Cha đừng lo, nhi nữ vẫn khỏe’ thôi hả?”

 

Ta vốn sợ nói nhiều lại thành nói sai, nên chỉ báo bình an là đủ, còn cố tình viết xấu và sai chữ để cha không lo.

 

Nếu ta kể với ông về chuyện trọng sinh, chắc ông cũng không tin.