Bồ Công Anh Nở Muộn

Bồ Công Anh Nở Muộn - Chương 1: Cậu ấy...




Vào một ngày mưa phùn cuối đông, tiết trời se se lạnh, xe buýt tầm năm rưỡi sáng vắng vẻ và dễ chịu hơn những giờ cao điểm rất nhiều. Trên xe chỉ có tôi, bác tài và anh soát vé đang trầm mặc thưởng thức bản nhạc u sầu ướt át, lúc thấy tôi chìa vé tháng anh ta gật đầu nhẹ rồi lại tiếp tục ngâm nga.

-"Tớ gọi tên cậu, tớ đã gọi cậu, không chỉ một lần, không chỉ một nơi. Vì sao cậu cứ nhất định không quay đầu lại?"

Bài hát này do bạn tôi sáng tác, lời lẽ sến sẩm nhưng lại thành hit một thời, vượt ngoài sự mong đợi của tôi. Lúc mới phát hành, đêm đêm cày view cho thần tượng, đêm đêm tôi trằn trọc thao thức, cậu ta gọi ai?

Là ai đã không quay đầu lại? Vì sao tôi không hề hay biết?

Một loạt những nghi vấn cứ quẩn quanh trong tôi, giày vò tôi từ tuần này sang tuần khác. Cho đến khi xem được một clip phỏng vấn, thấy cậu ta đáp rằng giai điệu này viết thay quà cúng người bạn gái đã khuất núi, hôm nay tròn kỉ niệm ba tháng ngày giỗ của cô ấy, tự dưng tôi bật cười khanh khách.

Đùa à? Tính đến ngày hôm đó thì chúng tôi cũng đã xa nhau ba tháng, nhưng vấn đề quan trọng là, cái thời khắc gặp mặt tạm biệt, tên chết dẫm ấy còn tâm sự với tôi hắn đang độc thân thì lấy đâu ra bạn gái, lại còn đã chết?

Xin lưu ý đây không phải lần đầu tiên cậu ta chém gió trêu phóng viên, có lần khi được hỏi anh có cảm nghĩ gì khi mà album của mình bị đá văng khỏi top 5 bảng xếp hạng sau một năm bám dai như đỉa, bạn thân tôi đáp.

-"Buồn kinh khủng em ạ, tối qua tính mua thuốc chuột tự tử rồi nhưng thế nào nhà lắm chuột quá, kêu lít nhít nhức đầu nên đành phải để cho tụi nó dùng trước."

Chuyện sao hạng A tìm đến cái chết chỉ vì thứ hạng nhỏ nhoi ngay lập tức trở thành tiêu điểm nóng. Người thương cảm, kẻ chê trách, quả thật khi đọc bình luận, tôi chẳng biết nên khóc hay cười?

Thấm thoát đã không gặp cậu ấy ba năm có thừa, chính xác là một ngàn không trăm chín tám ngày. Và tôi sẽ có cuộc phỏng vấn lúc tám giờ ở hãng phim của cậu ấy. Tôi xuống xe buýt tầm sáu giờ hai mươi, tôi luôn đi sớm hơn giờ hẹn ít nhất một tiếng, đối với người khác là thừa thãi, nhưng đối với tôi lại cần thiết.

Tôi từ khi sinh ra đã chậm chạp, não nhỏ tưởng chừng chỉ chứa được một quả nho. Mà đời phàm những người không có tài năng nổi trội muốn đạt được thành công phải nỗ lực hơn kẻ khác mười phần, thậm chí một trăm phần, bởi vậy, ngoài tính thời gian trễ trong trường hợp kẹt xe và những sự cố bất ngờ thì tôi cần thời gian để ôn lại một lượt các câu hỏi đạo diễn có thể thắc mắc.

Tôi muốn chuẩn bị kĩ càng để câu trả lời của mình trơn tru mạch lạc. Kịch bản phim của tôi đã qua vòng hai, có được ký hợp đồng hay không là ở lần gặp chốt điểm sắp tới.

Tôi thật chẳng hiểu sao sáu tháng trước thần tượng nhà mình lại quyết định mua lại hãng phim này, tôi biết với những hãng phim lớn hơn thì trẻ tuổi như cậu ấy khó lòng thâu tóm toàn bộ, nhưng chí ít cũng có thể góp cổ phẩn, chứ cái hãng phim thua lỗ chồng chất chất chồng, tương lai e sẽ gặp nhiều khó khăn.

Tôi càng không thể hiểu được một người ở vị trí cao như vậy, sao lại đích thân phỏng vấn một biên kịch chưa có tên tuổi? Tôi siết đôi bàn tay đang rịn mồ hôi của mình vào nhau thật chặt, cố hít một hơi thật sâu, lấy can đảm đối diện với hội đồng thẩm định.

Cậu ấy ngồi chính giữa!

Cậu ấy ở ngoài đời, đẹp hơn trên các phương tiện truyền thông rất nhiều.

Ngược lại với trái tim đang run rẩy của tôi, cậu ấy thản nhiên hỏi.

-"Bạn tên gì?"

Tôi tưởng mình nhìn nhầm, nhưng không. Tôi đã quan sát khẩu hình miệng của cậu ấy rất kỹ, và cậu ấy thậm chí còn lặp lại hai lần. Không chút sửng sốt, ngạc nhiên hay bối rối, do thái độ làm việc quá chuyên nghiệp, hay do tôi đã thay đổi quá nhiều, khiến đối phương chẳng thể nhận ra?



Tôi nhớ, lần đầu tiên cậu ấy hỏi tên tôi, cũng vào một ngày mùa đông giá rét. Khi ấy tôi bảy tuổi, đang cùng cha chạy trốn trên đất Pháp xa xôi. Mẹ tôi là doanh nhân, khoản nợ mẹ để lại cho cha con tôi trước khi sang thế giới bên kia, thực sự quá khủng khiếp.

Ba tôi chỉ là một thầy giáo dạy văn. Mẹ mất, ba dắt tôi đến chân trời mới nương tựa sự giúp đỡ của họ hàng. Ngặt nỗi, hình như đi tới đâu, cũng có chủ nợ của mẹ tôi, cũng có người đòi mạng cha con tôi.

-"Đêm khuya lắm rồi mà các bác chẳng chịu đi ngủ gì sất, cứ đuổi hoài ba à."

Tôi mếu máo than thở, các bác to khoẻ ráo riết bám đằng sau, bất quá, ba nhét tôi vào đám đông ven đường, dặn tôi ở quanh đây chờ ba rồi một mình chạy đánh lạc hướng. Khi ấy, tôi cứ nấc nghẹn từng cơn, vừa sụt sịt chùi nước mắt vừa ngước lên nhìn những người da trắng tóc vàng xung quanh đang đắm chìm trong những điệu nhạc êm đềm.

Tôi đoán vậy thôi, bởi tôi thấy ở góc đường có chú tóc đen ngồi đánh đàn, tiếng đàn kia chắc trầm bổng du dương lắm, bởi thi thoảng có người nán lại xem, họ vỗ tay rồi bỏ những đồng xu lẻ vào chiếc ống nhôm cũ kỹ.

Bên cạnh chú là một cậu bé đang nhún nhảy theo phong cách của Michael Jackson. Cậu ta chỉ cao hơn tôi một cái đầu, nhưng từng bước chân thật điêu luyện, tôi ngưỡng mộ vô cùng. Màn biểu diễn kết thúc, tôi mon men đến gần bắt chuyện.

-"Ê, dạy tớ nhảy được không?"

-"Ơ ba ơi, bạn này cũng là người Việt mình nè ba."

Cậu ấy thích thú khoe chú đánh đàn, đoạn quay sang hỏi tôi.

-"Cậu thích học nhảy à?"

-"Không thích lắm, nhưng tớ muốn được người ta cho tiền giống cậu."

-"Cậu cần tiền làm gì?"

-"Để trả nợ cho ba tớ."

-"Nhưng giờ tớ bận đi xem pháo hoa rồi, mai tớ dạy cậu được không?"

Tôi bẽn lẽn gật đầu, cậu ấy lấy trong ống nhôm vài đồng xu, đi một lát thì quay lại, cầm trên tay ba chiếc bánh crepe, một chiếc sầu riêng cho chú, một chiếc sô cô la của cậu ấy, và chiếc dâu tây cho tôi.

-"Đi xem pháo hoa với tớ không?"

Tôi lại tiếp tục gật đầu. Thì ra hôm đó là ngày cuối cùng của tháng mười hai, khoảnh khắc cậu ấy nắm tay dắt tôi chạy dọc trên đại lộ Champs-Élysées, chính là thời điểm giao thừa chào đón năm mới. Những chùm pháo hoa tíu tít bám đuôi nhau bay vút lên cao, sau đó nổ tung thành nhiều màu sắc và hình thù lạ lẫm, thứ ánh sáng mỹ miều lấp lánh trên bầu trời đêm khiến tôi mê mẩn.

-"Sao cậu bóp tay tớ?"



Bị làm phiền nên tôi quay sang cằn nhằn. Cậu bé bên cạnh tôi nhe răng giải thích.

-"Đâu có, tớ chỉ siết nhẹ thôi mà, tại tớ gọi mãi cậu chả nghe gì cả."

-"Ờ...tại pháo nổ to quá...với cả tớ bảo này, khi nói chuyện với tớ thì hãy nhìn thẳng vào mắt tớ!"

-"Được rồi, con gái các cậu thật nhiễu sự."

Tôi không giải thích gì thêm, bởi tôi thà là một đứa con gái nhiễu sự còn hơn là một đứa trẻ tật nguyền. Cậu ấy bảo rất thích âm thanh của pháo hoa, nghe vui tai lắm, cậu ấy còn phùng mang trợn má mô tả lại những tiếng động được cho là vô cùng thú vị, điệu bộ trông như chú ếch nhỏ vậy, tôi cười ngất.

Tôi ước mình có thể nghe thứ âm thanh lộp bộp đó!

-"Tớ tên Nguyên Anh, có nghĩa là vẻ đẹp tinh khôi. Mẹ tớ bảo thế, nhưng mẹ tớ đi tới một nơi rất xa rồi. Còn cậu, cậu tên gì?"

Tôi đáp, tớ tên Kiều Anh. Tớ chả biết nghĩa là gì nữa, và mẹ tớ cũng tới chỗ của mẹ cậu rồi nên chắc tớ không hỏi được. Cậu ấy xoa đầu tôi tỏ vẻ cảm thông, còn đưa tôi cắn thử một miếng bánh crepe sô cô la.

Nguyên rất lười, chỉ thích gọi Kiều. Mỗi lần tôi nhắc cậu ấy thường cằn nhằn, hai từ là quá dài, quá mất sức. Còn tôi thì tuỳ theo cảm hứng, lúc thích sẽ trịnh trọng kêu Nguyên Anh, khi nhọc thì học theo tính xấu của ai đó, có vẻ như Nguyên cũng không thấy phiền khi tên mình bị ăn bớt.

Sau bao nhiêu năm, không biết vô tình hay cố ý, cậu ấy đã quên mất tên tôi. Tôi đành đáp rành mạch một lần nữa, cả họ lẫn tên, đầy trịnh trọng.

-"Dạ, em tên Huỳnh Mai Kiều Anh."

Tôi xưng em, vì còn có đạo diễn, hai tiểu thuyết gia đình đám và cả ba vị biên kịch gạo cội ngồi đó nữa. Nguyên lật qua lật lại tập hồ sơ của tôi, sau đó chất vấn.

-"Bạn Kiều Anh, mong muốn của bạn nếu như được ký hợp đồng là nhận thù lao bằng hình thức chuyển khoản một lần. Tôi thắc mắc vì sao không phải là để sau khi chiếu rồi ăn chia theo doanh thu bộ phim?"

Vì tớ cần tiền!

Vì tớ có một khối u, bác sĩ nói cần phải cắt bỏ. Vì gấp lắm rồi, tớ không xoay được số tiền lớn như thế ở đâu cả.

Lòng tôi trĩu nặng, thiết nghĩ những người giàu có ở đây chẳng thể thấu hiểu nỗi khổ sở của dân nghèo đâu, nên tôi chỉ kiếm đại cái cớ, lấp liếm cho qua.

-"Tại em sợ phim flop thì nhà sản xuất quỵt tiền."

Mấy người kia tủm tỉm cười, chị Loan, một trong hai tác giả viết tiểu thuyết còn khen tôi thật thà. Duy chỉ có cậu ấy, gương mặt cau có khó coi, nhàn nhạt kết luận.

-"Nộp cho chúng tôi một kịch bản mà biết trước khi lên phim sẽ flop, chi bằng bạn về luôn cho rồi."