Chí Tôn Vô Lại

Chương 284: Minh Nguyệt gia sự





"Nhưng, chúng ta không thể cả đời đều trốn trong nhà ngươi được." Diệp Bất Quần cau mày, vẻ mặt Constantine cũng tương tự có phần âu lo.
"Tại sao lại không được?" Tiểu Lôi cười nói: "Đây là một thành phố mỹ lệ, rất thích hợp để cư trú. Các ngươi có thể ở luôn ở chỗ này." Tiếp đó hắn thở dài, nghiêm túc nói: "Diệp… thân ái, ta cũng không còn biện pháp khác, dẫu sao hiện tại xem ra, tạm thời ẩn trốn là phương sách duy nhất chúng ta có thể thực hiện… trừ phi Giáo hội đột nhiên biến mất, bằng không, bọn họ sẽ không bỏ qua việc truy bắt ngươi."
Con mắt hắn bỗng nhiên sáng lên rồi cười nói: "Ta vừa nghĩ ra một chủ ý tuyệt diệu!"
Ừm, cho dù không thể lưu lại Diệp Bất Quần luôn trong nhà, vậy hay là có thể để bọn hắn đến Tiêu Dao phái trên Nga Mi sơn ngụ một khoảng thời gian…
Giáo hội của ngươi lợi hại thế nào, chẳng lẽ dám tới Nga Mi sơn cướp người sao?
Đó không phải là chốn phàm gian, mà là phạm vi thế lực của giới tu hành chánh phái Đông phương! Trừ phi Giáo hội muốn chánh diện chọi thẳng với các môn phái trong giới tu hành Đông phương?!
Giáo hội chẳng kiêng dè tới Tiêu Dao phái cướp người?
Nếu Giáo hội dám trực diện khiêu chiến với một trong thiên hạ tam đại tông phái Tiêu Dao phái, vậy chẳng khác nào trực tiếp khiêu chiến với cả giới tu hành chánh đạo Đông phương!
Tiểu Lôi tịnh không quan tâm nếu thấy một đám đạo sĩ suốt đời nô lệ phi kiếm và pháp bảo, cùng với đám Thánh kỵ sĩ, Thiên sứ của Giáo hội đại chiến một trận quyết liệt.
Thực sự là một chủ ý không tệ a.
Đợi mình đi Chiết Giang về, có thể thật sự phải suy xét cân nhắc chút…
Đứng ở mũi con thuyền nhỏ, Tiểu Lôi thoáng cái đã thấy thích thú trước "Thuỷ Hương Trạch Quốc" trứ danh này.
Đường sông trong Thiệu Hưng dày đặc, vận chuyển đường sông cực kỳ phát triển. Hiện tại Tiểu Lôi đang ở trên một loại phương tiện giao thông đặc thù - Thuyền Ô Bồng.
Nguyệt Hoa đang ngồi bên cạnh khoang thuyền, khẽ ôm gối, ánh mắt mang theo vài phần mê ly cùng một chút hoài niệm, dường như đang tĩnh lặng ngắm nhìn kiến trúc hai bên đường sông.
Đây là hình thức điển hình của sông nước Giang Nam, hai bên bờ sông là các bến đò bến phà nhỏ, đá xanh lát đường, đường bao. Thuyền Ô Bồng tới lui trên các đường sông ngòi, cùng với những cây cầu nhỏ hình vòm…
"Bảo bối, em sao thế?" Cảm nhận rõ được viền mắt Nguyệt Hoa đã phủ một tầng hơi nước, Tiểu Lôi vội ngồi xuống bên cạnh ôm lấy nàng.
Nguyệt Hoa bỗng nhiên nhào vào vai Tiểu Lôi, khe khẽ sụt sùi. Tiếng khóc yếu đuối của nàng làm cho Tiểu Lôi luống cuống tay chân, vội vàng nâng khuôn mặt nàng lên rồi ôn nhu nói: "Bảo bối, em đừng khóc… đừng khóc…"
Nguyệt Hoa lắc lắc đầu, nước mặt lã chã trên gương mặt, thì thầm: "Tiểu Lôi… em, em đã mấy năm rồi chưa trở về."
Tiểu Lôi trông thấy nước mắt Nguyệt Hoa rơi mà lòng đau đớn không thôi, nhẹ nhàng lau đi những hạt lệ trên mặt nàng, ôn nhu nói: "Được rồi, đừng khóc nữa. Anh sẽ mang em trở về để thấy."
"Có lẽ không cần đâu…" Nguyệt Hoa thở dài: "Em không thuộc về thế giới này… trên thế giới này người như em không có tồn tại, ngay cả đi xem thì có thể thế nào chứ…"
Ngữ khí của nàng mang theo vẻ bi thương vô cùng.
Trong lòng Tiểu Lôi đột nhiên thấy mình vô cùng đáng trách.
Đúng là Nguyệt Hoa ở lại bên cạnh mình, tựa hồ cái gì cũng không thiếu. Nhưng bất luận thứ gì, đều không thể thay thế được nỗi nhớ cố hương cùng thân nhân của mình.
Mình từ trước đến nay, có phải đã quá xem nhẹ tâm tư của Nguyệt Hoa không?
Trông thấy Tiểu Lôi bỗng trầm mặc hẳn, Nguyệt Hoa gạt lệ thuỷ, gượng cười: "Được rồi, là tính em quá trẻ con. Tiểu Lôi, anh biết không, lúc còn nhỏ em thường ngồi thuyền Ô Bồng chạy tới chạy lui trên sông. Khi đó trong gia tộc có đôi khi lại tụ tập mọi người tụ hội trong từ đường. Còn có lúc, em với các huynh đệ tỷ muội khác cùng nhau len lén chạy đến miếu hội xem nhiệt náo. Anh biết không, con đường sông này, thuở nhỏ em đã đi qua cũng không biết đã bao nhiêu lần rồi. Còn nhớ khi lão thái công tổ chức đại thọ trong tộc, ở miếu Quan đế dựng đài hát kịch. Em cùng với Nguyệt Tinh Nguyệt Sơn cầm theo ghế gấp ngồi thuyền tới xem. Sau đó có một lần Nguyệt Tinh còn không cẩn thận bị lạc, chúng em ở miếu Quan đế tìm tỷ ấy suốt một đêm mới thấy, lần đó em còn bị ngã nữa, đầu gối bị gãy nữa chứ. Lúc đó cũng không biết đau là gì, đến khi tìm thấy Nguyệt Tinh, hai người chúng em cứ ôm nhau mà khóc thật lâu. Em thì bởi vì đầu gối bị gãy rất đau, mà tỷ ấy lại do sợ hãi.
Nhìn thấy lệ thuỷ lã chã nơi hốc mắt, bộ dạng lại gượng gạo cười vui, trong tim Tiểu Lôi đau đớn vạn phần.
Chính vào lúc này, hai con thuyền lớn trước mặt chạy tới. Hai con thuyền đó so với chiếc tiểu thuyền Ô Bồng mà Tiểu Lôi ngồi phải to hơn mấy lần. Trên khoang thuyền chất không ít thứ, đều dùng vải dầu che lại, dường như là một số cây trúc cùng bản gỗ chi đó. Còn chất không ít hòm gỗ.
Sau khi hai con thuyền tiếp cận, trên con thuyền của Tiểu Lôi, thuyền phu chèo thuyền lập tức cổ họng sang sảng, hú đối phương một tiếng. Lập tức thuyền phu trên hai con thuyền kia cũng cười ha ha đáp lại, song phương lớn tiếng qua lại mấy câu. Tiểu Lôi trông thấy biểu tình trên khuôn mặt thuyền phu chèo thuyền mình đầy vẻ vui sướng.
Thế nhưng bọn họ nói đều là tiếng địa phương, Tiểu Lôi nghe mà không hiểu gì hết.
"Thuyền phu trên tuyến đường sông này hàng năm đều trôi dạt kiếm sống ở đây, rất nhiều người đều quen biết nhau. Hai chiếc vừa rồi chạy đến là thuyền hàng." Nguyệt Hoa nhẹ nhàng nói: "Thuyền phu chúng ta vừa hỏi bọn họ đi đâu, bọn họ nói là tới miếu Quan đế. Hình như hôm nay ở đó có hội nghị gì đó. Trên thuyền hàng đó quá nửa là để các đồ vật dựng đài diễn, phía sau trên thuyền có khả năng là một đoàn kịch nhỏ."
"Kịch?" Tiểu Lôi khá kinh ngạc: "Thời đại hiện giờ, còn có người xem kịch sao?"
"Đương nhiên có." Nguyệt Hoa tựa hồ nói ra những lời này, tâm tình có phần kích động: "Đây không phải là thành thị lớn, không có siêu thị khổng lồ, không có những khu chợ cấp bậc cao, nơi này là vùng sông nước a. Mặc dù hiện tại xã hội bất đồng, nhưng ở những địa phương thế này, hội làng vẫn là không thể thiếu, đó không chỉ là một kiểu nhu cầu sinh hoạt, mà còn là một loại truyền thống. Về phần xem kịch, đó cũng là một loại truyền thống. Cũng giống như anh đến Tô Châu, cũng sẽ trông thấy rất nhiều bình đàn (một hình thức văn nghệ dân gian, vừa kể chuyện, vừa hát vừa đàn) được biểu diễn trong quán trà.
Tiểu Lôi cười nói: "Cái này thật là rất thú vị, thực muốn đi xem quá."
Nguyệt Hoa thở dài, nhỏ giọng nói: "Hay là thôi đi."
Tiểu Lôi lại mở miệng, cười nói với bác lái đò: "Xin hỏi một chút, hôm nay ở miếu Quan đế có hoạt động gì sao?"
Bởi vì nơi này thường có liên quan đến du khách ngoại địa, bác lái đò cũng có thể nói được tiếng phổ thông nhưng vẫn lẫn theo tiếng địa phương, nghe Tiểu Lôi hỏi thăm, tối nay đích xác tại miếu Quan đế có nhiệt náo để xem, có dựng đài hát kịch, quá nửa phải hát ba ngày.
"Ba ngày?" Tiểu Lôi càng thêm hiếu kỳ: "Là ai dùng tiền mướn đoàn kịch về hát? Là chính phủ tổ chức? Hoạt động văn hoá?"
Lần này là Nguyệt Hoa trả lời: "Không phải là chính phủ đâu. Bình thường loại đoàn kịch nhỏ đều là tư nhân mời tới. Một số gia tộc địa phương có công việc hiếu hỉ gì đó, cũng sẽ mời người tới diễn. Đơn giản chính là nhiệt náo một chút. Mời bao nhiêu gánh hát, hát bao nhiêu ngày, dựng đài lớn thế nào, đều được để ý tới. Thực lực của gia tộc càng mạnh, phong thái càng lớn."
"Vậy vừa rồi hai chiếc thuyền chạy tới…"
"Vừa rồi nghe đối thoại giữa các bác lái đò, hình như là người ta tổ chức đại thọ." Nguyệt Hoa thuận miệng trả lời.
Đột nhiên tâm ý Tiểu Lôi máy động, quay đầu nhìn lại phía sau.
Hai chiếc thuyền hàng kia đã đi được khá xa, thế nhưng với thị lực siêu cấp của Tiểu Lôi, vẫn nhìn thấy rõ ràng…
Rất rõ rệt, hắn đã nhìn thấy trên hai chiếc thuyền hàng, ở phía đuôi thuyền đều cắm một lá cờ! Trên đó chỉ có một chữ:
Nguyệt!
Nhìn thấy vẻ mặt giả bộ trấn định của Nguyệt Hoa, Tiểu Lôi lập tức liền minh bạch. Nguyệt Hoa sớm đã nhìn ra đó là thuyền của Minh Nguyệt gia, cũng biết đó nhất định là tụ hội gì đó mà Minh Nguyệt gia tổ chức, nhưng nàng một chữ cũng không đề cập đến, hiển nhiên là không muốn làm khó mình.
Nghĩ tới đây, Tiểu Lôi hốt nhiên lớn tiếng nói: "Bác lái đò, phiền bác quay thuyền lại, đi tới miếu Quan đế!"
"A!" Nguyệt Hoa cả kinh, liền nói: "Không nên… chốc nữa chúng ta còn phải tìm địa phương để nghỉ."
Tiểu Lôi thở dài, nhẹ ôm lấy Nguyệt Hoa, thủ thỉ bên tai nàng: "Bảo bối, anh hiểu được tâm tư của em. Anh cũng không muốn làm em lại thương tâm buồn bực nữa. Anh biết hai chiếc thuyền vừa rồi là Minh Nguyệt gia, anh biết em rất muốn tới xem xem… vậy chúng ta hãy tới xem! Hôm nay anh nhất định phải hoàn thành nguyện vọng của em!"
"Nhưng…"
"Không nhưng gì cả!" Tiểu Lôi nói dứt khoát: "Thân là nam nhân của em, lại luôn khiến em rơi lệ. Anh thực sự vô dụng quá." Ngừng một lát, hắn cười nói: "Em hãy yên tâm, anh sẽ dùng một chút chướng nhãn pháp, người khác sẽ không nhận ra được chân diện mục của em."
Nói xong, hắn lại thúc giục một tiếng: "Bác lái đò, phiền bác quay thuyền lại, chúng ta cũng tới miếu Quan đế xem náo nhiệt một chút."
Nguyệt Hoa không nói gì, nhưng trong mắt lại ánh lên mấy phần kích động cùng hưng phấn, ánh mắt nhìn Tiểu Lôi đầy cảm động.
Miếu Quan đế ở tiểu trấn này nghe nói là nơi có miếu hội lớn nhất quanh vùng sông nước gần xa.
Trước miếu có một khoảng ngã tư trống trải rộng lớn. Ở địa phương mà đường thuỷ dày đặc thế này xem như khó có được. Đến khi Tiểu Lôi cùng Nguyệt Hoa xuống thuyền lên bờ, sân khấu diễn kịch phía trước miếu Quan đế đã được dựng xong hơn phân nửa.
Trên bến thuyền nho nhỏ đỗ bảy tám chiếc thuyền hàng. Một số hán tử cường tráng đang không ngừng bận rộn vác những cây trúc cùng các loại dụng cụ tiếp nối nhau.
Từ tiếng bước chân cùng thân hình bọn họ, Tiểu Lôi liếc một cái đã nhìn ra, những hán tử này đều không phải là phu khuân vác bình thường. Bọn họ nhiều ít đều có một điểm công phu căn bản!
Rất rõ ràng, những người này đều là người của Minh Nguyệt gia rồi.
Hình dạng của kịch đài được dựng cao chừng ba bốn mét. Chung quanh dùng trúc để treo từng chiếc đèn lồng, còn dựng đứng mấy cây lên thành một cái cột cờ cao, trên đó cũng treo các loại tranh dọc mừng việc vui, còn có cờ xí của Minh Nguyệt gia.
Mấy người trẻ tuổi trông như tháo vát lanh lợi đang qua lại chỉ huy.
Mà ở phía trước sân khấu, đã có không ít người vây xem, một bộ phận là người bản xứ, còn có một số du khách ngoại địa.
Tiểu Lôi kéo Nguyệt Hoa đi thẳng đến gần, tiện tay cầm hai chiếc bánh ngọt mua bên đường cắn hai miếng, cười nói: "Mùi vị đồ ở đây thực sự không tệ."
Nguyệt Hoa dẩu môi cười, nói: "Anh ở nhà đã ăn nhiều nên quen, giờ bỗng được nếm những thứ khác ở mấy chỗ nhỏ chúng em nên cảm thấy mới mẻ thôi. Phải để cho anh ăn mỗi ngày, xem anh có thể không chịu được rồi."
Tiểu Lôi nhéo nhéo tay Nguyệt Hoa, thì thầm cười nói: "Chỉ cần có thể ở cùng em một chỗ, ngày ngày ăn bánh ngô, anh cũng cam tâm tình nguyện."
"Hứ, toàn nói những lời đường mật." Nguyệt Hoa lườm yêu hắn, nhưng ngữ khí thần sắc lại rất hạnh phúc.
Càng đi tới gần, tâm tình của Nguyệt Hoa tựa hồ cũng thoải mái hơn rất nhiều. Đứng trong đám người vây xem, nhìn những người đang dựng sân khấu rất lâu, Nguyệt Hoa hốt nhiên thấp giọng thở dài, nói: "Tiểu Lôi… anh có thấy người mặc áo khoác đen kia không? Em nhận ra hắn, hắn là nhi tử của tam đường thúc em, trong thế hệ đồng lứa chúng em đứng hàng thứ chín, mọi người đều gọi hắn là Nguyệt Cửu. Năm nay hẳn là… ba mươi tuổi rồi. Nhớ rõ năm đó công phu của hắn rất tốt, trong hàng con cháu trong gia tộc, trưởng bối trong nhà đều rất thích hắn."
Tiểu Lôi liếc qua người này một cái, người hắn cao cao gầy gầy, thế nhưng đôi mắt lấp lánh có thần, trông rất tinh minh, cước bộ trầm ổn, đích xác có chút không tầm thường.
Đột nhiên Tiểu Lôi nắm lấy một người trông như dân bản xứ, hỏi: "Xin hỏi, ở đây đang có hoạt động gì sao?"
Đáng tiếc, người nọ hình như không hiểu tiếng phổ thông lắm. Tiểu Lôi lại hỏi một người khác, người này mới dùng tiếng phổ thông pha lẫn khẩu âm địa phương rất nặng nói: "Ai, các ngươi là người bên ngoài phải không. Lão thái gia của Minh Nguyệt gia vừa mất, đây là làm lễ tang*. Lão thái gia thọ hơn chín mươi tuổi… ngươi không biết, sân khấu này xem như tràng diện nhỏ đấy! Lúc đưa tang hôm trước, Minh Nguyệt gia còn bao hết thuyền trên sông! Lúc đó mới gọi là náo nhiệt a!"
Người này vừa nói xong, Nguyệt Hoa ở bên cạnh nghe thấy được, người nàng run bắn lên, sắc mặt tái nhợt, suýt nữa trượt từ trong lòng Tiểu Lôi xuống. Tiểu Lôi vội vàng ôm chặt lấy nàng, cũng không để ý tới mục quang kỳ quái của người bên cạnh, nhanh chóng dìu Nguyệt Hoa tới một chỗ an tĩnh. Nguyệt Hoa không kìm được nước mắt trào ra, đau buồn khóc: "Thái công công… thái công lão nhân gia người… lão nhân gia… mất rồi…"
Nói xong, dựa vào ngực Tiểu Lôi khóc lớn tiếng.
Tiểu Lôi không biết làm sao, ôm chặt lấy Nguyệt Hoa, ngầm thi triển một pháp thuật cách âm ở chung quanh, để cho tiếng khóc của Nguyệt Hoa không truyền được ra ngoài. Cũng may người bên cạnh đều đang xem dựng kịch đài, cũng không có người nào để ý đến một đôi nam nữ đứng ở góc ven đường đang ôm nhau.
Nguyệt Hoa khóc hồi lâu, lúc này mới dần dần ngừng lại, chỉ là ánh mắt của nàng làm Tiểu Lôi đau lòng vô cùng, trong lòng không kìm được có chút hối hận khi dẫn Nguyệt Hoa tới nơi này.
"Tiểu Lôi… em, em muốn trở về xem thái công công… anh dẫn em đi xem có được không? Em chỉ cần nhìn từ xa xa là được." Nguyệt Hoa khẩn nài.
"Được được! Được được!" Tiểu Lôi đau lòng ôm lấy Nguyệt Hoa, thì thầm: "Em muốn thế nào thì làm thế ấy, em muốn thế nào anh đều đáp ứng em hết!"
Ngay tại lúc này, thình lình trên đài vọng đến một tràng ồn ào.
Tiểu Lôi dõi mắt nhìn lại, hán tử cao gầy Nguyệt Cửu gì đó mà Nguyệt Hoa vừa mới trông thấy bỗng nhiên lớn tiếng trách mắng: "Ngươi tới làm gì! Ai cho ngươi tới nơi này!"
Lập tức một giọng nói hùng hậu rất quen thuộc với Tiểu Lôi vang lên: "Thái công đã mất, ta chỉ muốn đại biểu cho chính ta đến treo lá cờ này lên, đưa tiễn lão nhân gia người."
Nguyệt Sơn!
Là Nguyệt Sơn!
*Nguyên văn là bạch hỉ: ý nói đến việc tiễn đưa một người đã khuất nhưng mang nghĩa tích cực chứ không đau buồn.