Chờ Đào Nở Đỏ, Liễu Rủ Xanh Phần 2 (Minh Châu Trả Quân)

Chương 5




Phần 5/5

17

Dưới sự hun đúc của sách thánh hiền, biên cương không hề có dấu hiệu sẽ bùng nổ chiến tranh mà ngược lại, có tay Đại công tử phủ quốc công Phó Kỳ Sơn và người cầm quyền tổ chức Tư Phương Đường vun vén, hai nước Bắc Ngụy và Đại Hạ kết nghĩa huynh đệ, đôi bên lập lời thề không xâm phạm lãnh thổ và thắt chặt mối quan hệ đối tác mậu dịch.

Từ đó, quân địch mấy đời biến thành bạn làm ăn, giương nỏ giơ đao biến thành xưng huynh gọi đệ, thành trì trấn giữ biên cương ngày càng phồn vinh. Sản vật của Đại Hạ như đồ sứ, hương liệu, tơ lụa… không ngừng được chuyển ra biên giới. Gia súc, da thuộc, đồng, muối của Bắc Ngụy cũng liên tục được chuyển vào Trung Nguyên.

Tướng giữ thành, Lý Quảng Phú, và Phó Kỳ Sơn cùng uống rượu.

Lòng Lý Quảng Phú như tro tàn, đã ngoài tứ tuần mà hắn không có lấy nổi một mụn con nối dõi cũng không thể làm một đôi uyên ương sánh bước bên phu nhân, đành nâng chén mượn rượu vừa tiêu sầu vừa giãi bày nhân sinh.

"Ta đã từng có một đứa con trai, trắng hồng mềm mại, đáng yêu vô cùng. Đáng tiếc, sốt một hồi thì chết yểu."

Lý Quảng Phú vừa hồi tưởng vừa nhấc vò rượu lên, rót ồng ộc vào bát.

Thê tử Diêu Thái Lam của hắn yếu ớt khó sinh, hắn giấu phu nhân nạp Thích thị làm thiếp nuôi ngoài phủ, rốt cục cũng sinh được một mụn con trai.

Thích thị ỷ mình sinh Đại công tử, muốn mẹ quý nhờ con nên đến trước mặt chủ mẫu diễu võ giương oai giữa yến tiệc, khiến nàng ấy tái phát bệnh cũ.

Hắn tức ả Thích thị kia không biết điều, trong cơn thịnh nộ lỡ tay giết chết ả ta.

Nào ngờ cảnh tượng này bị đứa con trai đang bi bô tập nói của hắn bắt gặp, nó hoảng sợ đến sốt cao liên tục rồi không qua khỏi.

Nghĩ lại hình như đây là tình hình chung của con nhà võ tướng, có lẽ là mấy đời tổ tiên tích tụ nghiệp sát sinh nên báo ứng đến hậu thế, càng ngày con cháu càng ít ỏi như lông phượng sừng lân. Nhưng trong triều có mấy kẻ ngu đâu, nhà họ Lý không có con nối dõi nên bọn họ sẽ nhanh chóng chuyển sang bè phái khác, cứ thế này thì hàng ngũ phía sau nhà họ Lý tứ tán không còn mảnh nào? Còn ai nghe lệnh hắn nữa đây?

Phó Kỳ Sơn tiếp rượu hắn hết chén này đến chén khác, uống đến lúc vò rượu thấy đáy.

Lý Quảng Phú lẩm bẩm tự nhủ: "Ta và phu nhân tình cảm mặn nồng, thế nhưng mấy năm gần đây không biết vì sao ta cứ buồn bực trong lòng, thường mơ thấy một nữ tử. Nàng sinh cho ta năm trai bốn gái, lúc nào cũng vò võ một mình ngồi bên bậc cửa vừa ngắm hoa lựu trước sân vừa khâu áo cho con. Gọi nàng, nàng không trả lời. Ta hỏi nàng quê ở đâu, nàng mới ngẩng đầu nhìn ta. Khuôn mặt như bị sương che, ta không thấy gì ngoài đôi mắt xinh đẹp long lanh. Nàng nói nhà nàng ở huyện Liêu, nàng muốn về nhà."

"Liên tục mơ thế mấy năm liền, năm nào ta cũng sai người đi dò la tin tức về nàng ở huyện Liêu."

Mấy năm nay, hắn chẳng làm được việc gì nên hồn, xung quanh cũng toàn những kẻ xu nịnh bợ đỡ lá mặt lá trái, không có lấy một người có thể gọi là tri kỷ.

Từ lật đổ phủ tể tướng, phá vỡ bè cánh của phủ tướng quân đến theo đuôi tới biên cương, làm hỏng cuộc chinh chiến oai hùng của hắn, không việc gì mà không có công của gã Phó Kỳ Sơn này.

Nhưng giờ hắn đã tới nông nỗi chỉ có thể giãi bày tâm sự với người trước mặt.

Thật đáng buồn làm sao.

Lý Quang Phú đau đầu cực kỳ, tình trạng của hắn hiện tại là muốn tiến không được muốn lùi không xong.

Hắn cũng là người có trách nhiệm chứ, ngần ấy năm không quản ngại giá lạnh hay nóng bức, chưa từng lười biếng dù chỉ một ngày, càng không dám sa vào nữ sắc, thề phải dùng thanh kiếm ba thước biến phương bắc thành đất của Trung Nguyên, lập chiến công có một không hai.

Sao còn chưa kịp tiến hành mà trời đã muốn diệt hắn rồi!

Cứ cho là hắn có thể ra lệnh lui binh đi, thế nhưng mười mấy vạn quân hắn âm thầm nuôi dưỡng phải lui đi đâu?

Hắn là người của gia tộc họ Lý, có vinh cùng hưởng, có nhục cùng chịu. Hoàng Đế mà biết hắn lén sở hữu quân đội riêng thì xuống suối vàng hắn còn mặt mũi nào nhìn liệt tổ liệt tông.

18

Thiên hạ thái bình, chúng ta lại chuyển nhà về quê cũ.

Bây giờ phủ quốc công và phố Tư Phương đã thành lập quan hệ hữu nghị, không lâu trước lão phu nhân Phó thị cũng đã từ trần, đặt dấu chấm hết cho ân oán của hai nhà.

Về sau ta lại gặp Phó Kỳ Sơn dẫn thuộc hạ đến thăm hỏi cha ta mấy lần, trông hắn rắn rỏi hơn nhiều. Hắn cung kính với cha ta một cách quá mức, mỗi khi gặp ta thì thường nhộn nhạo rạo rực.

Ta nhìn thấu ý đồ của hắn, nhưng chỉ coi như hắn không được tỉnh táo mà thôi.

Cả nhà chúng ta an cư lạc nghiệp.

Khi nhóc con lên mười, nó la hét đòi đi học võ. Ta giật mình, cha ta và Tử Mặc cũng im lặng. Nó hùng hồn nói:

"Đạo lý của thiên hạ trước nay đều là chia cắt lâu rồi ắt phải tập hợp lại, tụ họp lâu tất sẽ phân ly. Nếu muốn giữ hoà bình phồn vinh của đất nước thì chỉ có nắm chặt đao thương trong tay mới làm được."

Ta hết sức ngạc nhiên vì nó có thể nhìn thấu bản chất như vậy, lòng thầm nghĩ hẳn là nó thật sự có thiên phú võ nghệ.

Tương lai dù không làm ra trò trống gì nhưng có thể một chấp bốn thì cũng miễn cưỡng đủ tiêu chuẩn làm bảo vệ ở Tư Phương Đường.

Sáng hôm sau ta dẫn con trai đi vào thành tìm thầy học võ.

Trên đường, thằng nhỏ ngậm một nhánh cỏ đuôi chó không biết vặt từ bao giờ, đắc ý đi phía trước. Ta phải ráng rảo bước theo sau mới có thể bắt kịp. Ai ngờ vào nội thành, thằng nhóc thối kia cố ý nghịch ngợm chui vào khoảng cách giữa hai tấm ván phơi ngô dựng ở ven đường mà đi.

Ta hoảng hồn, cao giọng quát tên nó. Trận ồn ào này khiến một gã nam tử chú ý, hắn đi tới.

Dưới cái nhìn chăm chú của hắn, nỗi sợ hãi xộc thẳng lên đầu ta, năng lượng vô hình quen thuộc lại bóp chặt cổ ta không buông. Ta muốn xông lên hét lớn nhưng âm thanh nghẹn ứ ở trong họng, tay chân co cóng, mồ hôi lạnh rịn ra ướt trán.

Ta trơ mắt nhìn tấm ván lung lay nghiêng ngả, lúc chuẩn bị đổ ập xuống người thằng bé thì người kia giơ tay đỡ lấy. An toàn rồi hắn mới gõ cái đầu nhỏ của nhóc con, nói:

"Về nhà ngoan ngoãn nghe lời cha mẹ. Chờ khi nào ngươi lớn thì đến biên cương tìm Lý tướng quân ta đây. Ta sẽ dạy ngươi làm sao để thành đại tướng quân."

Ta còn chưa hoàn hồn thì thằng bé đã nhào vào trong lòng, ríu rít kể chuyện.

Ta bế con quay người đi nhanh, thằng nhỏ ôm cổ, nhìn qua sau vai ta: "Mẹ, vừa nãy ván phơi ngô lệch đi suýt nữa rơi vào đầu con, may mà có một thúc thúc cứu con. Thúc ấy nói mình là đại tướng quân, về sau con cũng muốn làm đại tướng quân."

Lý Quảng Phú đang đi lại bất giác quay đầu.

Trông thấy đứa bé, trong lòng hắn nảy ra cảm giác quen thuộc khó hiểu, giống như đã quen biết cả mười năm vậy.

Hắn nhìn hai bóng dáng lồng vào nhau trên cây cầu, tưởng đã trải qua mấy đời.

Lý Quảng Phú ngửa đầu cười chua chát, gần đây quả thật là quá sa đà vào rượu rồi.

19

Lý Song Vọng không giống những đứa trẻ khác, nó còn nhỏ nhưng chịu được cái vất vả của việc luyện võ, lại rất có thiên phú nên được lòng thầy lắm.

Người điều hành Tư Phương Đường nhiều lần tự mình bàn với cha ta và Tử Mặc rằng dăm ba năm nữa mong Lý Song Vọng có thể cầm đầu đám trẻ ở Tư Phương Đường thành lập nên thế lực nòng cốt của tổ chức nhà mình.

"Chủ yếu là khống chế mấy kẻ đến làm loạn, ai không biết võ thì đứng vào hàng để hù doạ cũng được! Bây giờ hai nước hoà hợp thanh bình yên vui, Tư Phương Đường nhờ thế mà ăn nên làm ra. Nhưng nhỡ chẳng may chiến tranh ập đến hoặc nếu có kẻ rắp tâm gây sự, lấy thế lực Tư Phương Đường của chúng ta hiện tại mà nói thì ngoài mặc chúng xâu xé chúng ta không thể làm gì hơn. Tới lúc đó thật thì hối cũng không kịp."

Nghe vậy, cha nhìn sang ta và Tử Mặc, thấy hai ta gật đầu, ông ấy mới nói tiếp:

"Lập trại huấn luyện thế lực không phải kế lâu dài, nhưng ngươi cứ việc an bài thử xem. Tương lai nếu có việc ấy xảy ra thì cũng dễ bề tập hợp nhân tài, để Tư Phương Đường chân chính phát triển thành tri cục bảo vệ người dân."

Ta đứng bên cạnh ngẫm nghĩ một hồi, bổ sung: "Chăn ngựa, nuôi quân, đúc gươm mua giáp, cái gì cũng cần một số bạc lớn, chúng ta cần một con đường kiếm tiền."

Đầu lĩnh gật gù, chúng ta lại bàn thêm mấy việc vặt trong tổ chức.

Trời ngả ráng chiều, Tống Liễu Kỳ ra về, mang trên vai gánh nặng bình an của trăm hộ gia đình.

Cha ta thở dài tiễn khách.

Bao năm nay, từ khi nơi này vẫn còn là huyện Liêu, trong đám học trò cưng thì cha vừa ý Lý Tử Mặc nhất. Mỗi lần nhắc đến Lý Tử Mặc là cha ta gật gù liên tục: sáng dạ, nghiêm túc, tâm tính ổn định, đáng giá phó thác.

Ngược lại khi nói về Tống Liễu Kỳ thì chỉ biết thở dài tiếc nuối: không biết sợ, quá ham mê thành tựu, trưởng thành sớm hơn tuổi lại thông minh đến tinh quái, e sau này khó sống thọ.

Ta ngóng theo bóng lưng của Tống Liễu Kỳ, ai mà ngờ được đầu lĩnh thiên tài sát phạt quyết đoán vang danh cả thành này thế mà lại là một ả tố nga.

20

Thấm thoắt mấy năm trôi qua, Tư Phương Đường giờ đã giàu có ngang cả quốc gia, sức mạnh quân sự cũng ngày càng mạnh mẽ, uy hiếp khu vực phía bắc.

Thế lực của chúng ta có đủ loại người, từ hậu duệ của những gia tộc danh giá, đến những nhân tài lánh đời, và thậm chí cả những tội thần bị lưu đày. Nhóm khố rách áo ôm năm nào đã phát triển thành một thế lực đáng gờm khiến tất cả mọi người phải dè chừng, họ là những chiến thần bảo vệ vùng đất của chúng ta.

Đến tận lúc này ta mới thở phào một hơi dài.

Ta vẫn luôn coi như mình đang vay mượn thời gian của kiếp trước, dù ta biết Lý Quảng Phú đã chết trong cuộc tranh giành đảng từ lâu mà cứ lo sợ bất an trong lòng.

Mười lăm năm dày vò ở kiếp trước đã khắc vào tâm khảm ta quá sâu khiến việc sợ hãi nam nhân kia và những vị quyền cao chức trọng như hắn trở thành bản năng.

Giới quý tộc ở tận trên cao ấy muốn ta đi hướng đông ta không thể sang hướng tây, bọn họ đòi hỏi chúng ta phải phục tùng trong khi chính bọn họ mới là ác quỷ.

Một lời nói, một ánh mắt của bọn họ có thể để chúng ta sống, cũng có thể đưa chúng ta vào chỗ chết.

Mẹ ta, cha ta, ta, mấy trăm mạng người huyện Liêu, hay vô số vong linh khắp chân trời góc bể đều phải chịu ân huệ của bọn họ như thế.

Người ta hay nói ‘lôi đình mưa móc đều là thánh ân’, nhưng chỉ có những người chân chính trải qua mới biết được là ân hay là họa, hãy để miệng đời sống trong cảm giác nghẹt thở ấy đi xem ai có thể chịu đựng được sự tàn khốc của số phận?

Ở vùng biên cương hỗn loạn này, tình trạng bất ổn ngổn ngang khắp nơi, thù hận cũ âm ỉ cháy dưới xung đột mới, sẵn sàng bùng phát bất cứ lúc nào, chỉ chực chờ nhấn chìm tất cả chúng ta.

Bao đắng cay chỉ của người Tư Phương đường mới thấu, thời điểm vất vả nhất chúng ta phải chịu cảnh màn trời chiếu đất hai năm ròng rã.

Mấy năm qua, chúng ta phải bò bằng đầu gối, chật vật tìm đường sống sót. Bây giờ, cuối cùng chúng ta cũng có thể sống mà không sợ hãi.

Các nữ nhân không cần buôn da bán thịt nuôi mẹ già con thơ, cả nhà ta rốt cục có thể yên tâm bình tĩnh tận hưởng cuộc sống.

Ta mua một cái viện lớn hơn, trồng cây nuôi cá vờn chim, đung đưa trên xích đu nhâm nhi trà bánh.

Lý Tử Mặc thấy cảnh này thì quay mặt đi lén gạt nước mắt.

Nhiều năm như vậy rồi, có lẽ huynh ấy đã đoán được điều gì đó nhưng vẫn lựa chọn không hé nửa lời.

Huynh ấy chỉ ra sức nắm chặt tay ta, cần lúc nào có mặt lúc đó.

Cha và mẹ cứ hay càm ràm ta giấu diếm như hũ nút, để hai người họ phải gánh hết tội khiến cả nhà lao đao chạy trốn.

21

Vài năm sau, ngai vàng của Đại Hạ đổi chủ. Thiên Tử mới chẳng khác gì con rối dưới tay bà Thái hậu tham vọng. Triều đình bất ổn, Bắc Ngụy ngo ngoe định nhân dịp này khơi dậy chiến tranh. Biên giới là vùng chịu trận đầu tiên.

Trên triều các quan lại tranh luận nảy lửa, đa số nghiêng về phương án cống nạp bạc cầu hòa bình.

Nhà ngoại của Thái hậu chính là phủ quốc công, gần đây quyền thế của nhà họ Phó lên cao như mặt trời ban trưa.

Phó Kỳ Sơn phụng mệnh triều đình làm sứ thần đến biên cương đàm phán, dừng chân nghỉ tạm ở khu vực tự trị của Tư Phương Đường. Thủ lĩnh Tống Liễu Kỳ mở tiệc thết đãi hắn, ta và Tử Mặc cũng coi như người quen cũ, đến hàn huyên một phen.

Lúc giã biệt, Phó Kỳ Sơn không nhìn ta chằm chằm giống như nhiều năm trước mà vừa cúi đầu cười vừa nói: "Lão thái quân đang an hưởng tuổi già, còn minh mẫn lắm. Mỗi bữa ăn được một chén cơm, đêm ngủ đẫy giấc, có ma ma thân cận chăm sóc tỉ mỉ. Nàng không cần lo."

Tiệc tàn người tan, ta định hỏi thêm thì Phó Kỳ Sơn đã vào xe ngựa vung roi rời đi.

Lần từ biệt này cũng là lần cuối ta và hắn gặp nhau.

(HẾT)