Công Chúa Lưu Lạc: Đệ Nhất Đại Vương Phi

Chương 105: Nhún Nhường





Theo như ý chỉ của Lê Đông Hoạt, chỉ hai tháng sau đó thì quân doanh đã được dựng lên ở biên giới Tây Nam. Không ngờ chỉ một động thái như vậy đã khiến các nước láng giềng trở nên căng thẳng. Dẫu rằng Lê Dực Định vẫn ở lại Kinh thành lo liệu chính vụ nhưng chiếc chiến kỳ được phất cao ở biên giới lại là chiến kỳ được thêu chữ “Bình” to tướng, cũng là chiến kỳ cùng hắn trải qua biết bao nhiêu cuộc càn quét suốt mười mấy năm qua.

Trong quãng thời gian này, Lê Dực Định lợi dụng thời cơ giăng một cái bẫy ở Lộ Giang, khiến Lê Dư Mạnh cùng vây cánh phạm vào tội cắt xén quân lương, tham ô, tham nhũng, đồng thời lật lại vụ án năm xưa Lê Lương Khoác tạo phản cùng nhân chứng và vật chứng hẳn hoi. Chính vì là một trong những Hoàng thất cùng tranh đoạt vương quyền nên hắn từ lâu đã là cái gai trong mắt của Lê Dực Định và Lê Đông Hoạt. Chỉ cần một sai phạm nhỏ cũng đủ để mọi chuyện được đào bới càng to. Tuy nhiên, mặc dầu Lê Đông Hoạt đã gán tội cho hắn rất nhiều nhưng vì mình vừa lên ngôi chưa lâu, không thể quá mạnh tay với anh em ruột thịt rồi bị thế nhân phê phán. Vì thế nên chỉ ra lệnh tước bỏ toàn bộ phong hiệu, phế làm thứ dân, xoá tên khỏi Hoàng gia và giam lỏng ở Đại Tông Chính; Vương phi Phan thị bị đuổi về nhà mẹ đẻ; các vây cánh liên quan đều bị lưu đày đến Túc Thủy, vĩnh viễn không được hồi Kinh.

Có tấm gương của Lê Dư Mạnh ở trước mắt nên các Hoàng thất khác đều đã thu mình lại, làm việc cẩn trọng hơn, không dám ngang nhiên phách lối. Nhất là Lê Hiến Đản. Dẫu trong lòng không thực sự phục tùng nhưng hắn lại sợ mình bước vào con đường của Lê Dư Mạnh, gia can đổ nát, thê tử bị đuổi đi, hài tử không ai dạy dỗ. Chính vì lẽ ấy mà hắn vẫn xử lý rất tốt chính vụ, mặc dầu đôi khi vẫn còn bất đồng với các quan viên, không những vậy mà có vô số lần đối đầu với Lê Thạch Thành.

Lúc bấy giờ ở Thành Vu cứ như ngồi trên đống lửa khi quân doanh của Lê Dực Định được dựng ở cách biên giới Tây Nam không xa, khoảng cách so với cửa Nam Tây Nam cũng tương đối gần. Biết rõ động thái này diễn ra là vì lí do gì nhưng Chỉ Ni không muốn gả, Hoàng đế cũng không an tâm khi để Hoàng nữ gả đến nơi xa xôi khi bản thân vẫn chưa hoàn toàn bình phục. Động thái này nhanh chóng đã bị Tế Linh nắm bắt và ngấm ngầm tạo sức ép với nhà Thành Vu. Tế Linh không biết đây chỉ là động thái uy hiếp của nhà Qui Nam nên đã tạo nên không biết bao nhiêu là áp lực vào việc thông thương bấy lâu nay giữa cả hai nước. Thành Vu vừa kết thúc nội chiến không đến bốn năm, để hoàn toàn khôi phục lại nguyên trạng ban đầu thực sự là rất khó. Đứng giữa động thái của Qui Nam và sức ép của Tế Linh càng khiến triều đình thêm nhiễu loạn. Không những thế mà còn tạo tiền đề cho các nước chư hầu dấy quân đánh chiếm. Chính Hoàng đế cũng không ngờ, chỉ là một động thái nhỏ của nhà Qui Nam cũng đủ khiến thế cục tứ phương thay đổi.

[Bộp!]

Hoàng đế đặt tấu chương lên bàn, lưng ngã ra sau cùng với sắc mặt không thể căng thẳng hơn được nữa. Bao nhiêu tấu sớ chất chồng ở đây đa số đều khuyên Hoàng đế nên đồng ý thư cầu hôn của nhà Qui Nam, đưa trưởng công chúa đi hoà thân để tránh xảy ra xung đột không đáng có. Hiện tại Thành Vu đã có quá nhiều thứ để lo, chưa kể hiện nay Qui Nam lại là một nước đại cường với sự bành trướng về lãnh thổ rất mạnh mẽ. Nếu như không xảy ra nội chiến kéo dài suốt mười mấy năm, với thế lực bao lâu nay của Thành Vu thì cần gì phải mở cửa Nam Tây Nam, tay bắt mặt mừng cùng Qui Nam cơ chứ? Trong lúc Thành Vu đang ở lúc dầu sôi lửa bỏng thì Qui Nam lại trọng dụng hiền tài, gần hai mươi năm đã phát triển vượt bậc không ít.

Dẫu biết ngay lúc này đối đầu với Qui Nam chẳng mang lại ích lợi gì, không những vậy mà còn phải chịu bao nhiêu là tổn thất. Nhưng Chỉ Ni là trưởng nữ, cũng là vị công chúa cao quý nhất của nhà Thành Vu. Không những Hoàng đế không nỡ gả đi xa mà thể trạng của nàng cũng không cho phép.

Đang suy nghĩ mông lung thì bên ngoài có người đi vào. Hốt Tu vừa dừng chân thì đã cúi thấp người, tâu:

- Dạ bẩm Bệ hạ, Định Tư đồ đã đợi ở bên ngoài từ lâu, xin được vào yết kiến.

Hoàng đế khẽ đảo mắt, trầm giọng đáp:

- Cho truyền!

- Dạ!

Hốt Tu lui ra ngoài. Không bao lâu sau thì dắt vào thư phòng một lão thần đã bạc phơ mái tóc. Lão dừng chân trước Hoàng đế rồi quỳ xuống hành lễ.

- Thần, Anh Mã Nhã Lưu Thuận xin bái kiến Bệ hạ.

- Miễn lễ! Ban toạ.

- Thần tạ ơn Bệ hạ.

Lưu Thuận được thái giám đỡ dậy rồi an toạ ở ghế bên cánh phải. Anh Mã Nhã Lưu Thuận nguyên họ Triện, xuất thân từ thường dân, không có địa vị cao trong xã hội. Tổ tiên của Lưu Thuận tự nhận biết xuất thân thấp kém nên nhiều đời đã chăm chỉ học hành, bước lên từ các chức quan nhỏ bé ở xã, huyện. Cho đến khi Thành Vu bước vào cuộc nội chiến, vì họ Triện tận trung tận lực với triều đình nhiều đời nên Hoàng đế đã tin tưởng giao Trưởng công chúa cho Lưu Thuận chăm sóc. Sau khi hồi cố hương, để bày tỏ lòng biết ơn với Lưu Thuận khi đã nuôi dạy và bảo vệ cho Trưởng công chúa rất tốt nên Hoàng đế đã ban thưởng hậu hĩnh, đặc biệt chiếu cố hậu duệ các đời sau. Không những ban cho nhiều chức quan ở tiền triều mà còn ban cho trưởng nữ của Lưu Thuận tước vị Huyện chúa, đổi họ Triện thành Anh Mã Nhã, thuộc một trong những họ Quý tộc cao quý của Thành Vu.

Lưu Thuận vừa ngồi xuống thì đã mở lời với Hoàng đế. Biết rõ những chuyện trước kia nên lão cũng muốn góp vài lời.

- Dạ bẩm Bệ hạ, hôm nay thần xin diện thánh chính vì Trưởng công chúa.

- Nếu như ái khanh không yết kiến thì trẫm cũng sẽ triệu vào Cung.

Hoàng đế tựa khủy tay vào thành ghế rồi tiếp lời:

- Ái khanh nuôi dưỡng trưởng công chúa từ nhỏ, ắt hẳn cũng hiểu được tính tình phần nào. Ban đầu trẫm còn lo rằng Chỉ Ni sẽ một mực muốn gả đến Qui Nam nhưng lại không ngờ lúc này lại kiên quyết từ chối. Theo như ái khanh nghĩ thì nguyên do là ở đâu?

Lưu Thuận thở một hơi dài rồi khẽ nói:

- Lão thần nuôi dạy trưởng công chúa từ nhỏ nên biết rõ người vẫn luôn nhẫn nhịn, cam chịu. Phàm những chuyện không quá đáng thì sẽ tự giữ trong lòng, hiếm khi san sẻ với ai. Hiện nhà Qui Nam đã gửi thư ngỏ đến cho Bệ hạ thì tức Lê Dực Định sẽ không bao giờ từ bỏ trưởng công chúa. Động thái mới nhất của hắn ở biên cương cũng xem như là lời cảnh tỉnh cho ta. Có thể nhà Qui Nam vì nể mặt trưởng công chúa nhưng các nước láng giềng và nước chư hầu không giống như vậy. Từ ban đầu Thành Vu ta đã yếu thế hơn hẳn. Nếu Bệ hạ muốn xoa dịu đối ngoại, một lòng chú trọng đến khôi phục Thành Vu sau nội chiến thì nên chấp nhận thư cầu hôn của nhà Qui Nam. Trưởng công chúa được gả đến đó xem như được viên mãn mà Thành Vu ta cũng có không ít vinh hiển, an tâm khôi phục quốc gia. Bệ hạ là Thành Vu chi chủ, người trong thiên hạ đều là con dân của người, lão thần mong Bệ hạ suy xét thật kỹ để tránh xung đột giữa các bên.

Làm sao Hoàng đế không biết được rằng nên làm cách nào để xoa dịu được tình hình chung của bấy giờ. Nhưng trong chuyện lần này có quá nhiều thứ đáng quan ngại. Chưa kể Chỉ Ni đột nhiên trầm mặc thấy rõ, một mực không muốn gả đi, thể trạng lại chưa được ổn định, còn Qui Nam vẫn đang phải chịu tang Thạc Hoà đế nên chuyện hỉ sự này còn lâu mới được giải quyết ổn thỏa.

- Trẫm biết Qui Nam làm vậy chỉ có ý ép ta gả Chỉ Ni. Nhưng các nước láng giềng làm sao hiểu được sự tình bên trong đó. Họ đơn giản nghĩ rằng Qui Nam đang rục rịch đánh chiếm chúng ta, từ đó mượn gió bẻ măng, gây ra nhiễu loạn không ít. Nếu như trẫm đồng ý thì khác nào tạo cho người đời nghị luận rằng bán con cầu hoà. Lê Dực Định vốn dĩ muốn dồn chúng ta vào con đường cùng, không hề giữ lại cho ta một chút mặt mũi. Thành Vu chịu gần hai mươi năm nội chiến, không phải trẫm nghĩ đến bách tánh, nghĩ mẫu quốc đã bị tàn phá nặng nề thì cũng không cần đau đầu như hiện tại. Lê Dực Định cũng không có cơ hội mang binh lực ra kiêu ngạo khiêu khích. Có phò mã nào lại hỗn xược như hắn? Chỉ vì muốn cầu hôn mà tát thẳng vào mặt trẫm.

Càng nhắc đến càng khiến Hoàng đế thập phần tức giận, bàn tay không tự chủ mà dằn lên mặt bàn. Điều đáng lo ngại nhất lúc này là Thành Vu có thể sẽ bị quân thiện chiến của Tế Linh nhắm đến. Nếu như chúng liên thủ thành công với các nước chư hầu thì sẽ khiến Thành Vu lại một lần nữa bị xáo trộn. Hoàng đế không sợ thế lực bên ngoài dốn ép, chỉ sợ nội bộ lung lay, thật sự là vậy thì có trời cũng không thể nào cứu được. Không bây giờ thì vài chục năm nữa triều đại này sẽ có thể sụp đổ rồi vương quyền rơi vào tay kẻ địch.

Lưu Thuận biết chuyện này làm cách nào cũng là bất lợi cho Thành Vu. Nhưng nếu không gả Chỉ Ni thì các mầm họa sẽ dần dần lớn hơn theo từng ngày.

- Bệ hạ, hiện tại thì chỉ là phỏng đoán của mọi người về mục đích của Lê Dực Định khi dựng quân doanh ở biên giới Tây Nam. Chi bằng Bệ hạ viết một mật thư gửi đến Vĩnh Bảo đế, vừa ôn hòa đối ngoại vừa giữ được thánh dự của Bệ hạ trước khi mọi chuyện tồi tệ hơn. Còn về trưởng công chúa thì xin Bệ hạ nhờ Lệnh bà và chư vị hậu phi khuyên nhủ. Đây không còn là chuyện tùy theo tâm ý của trưởng công chúa mà còn là vì cả Thành Vu bao nhiêu năm văn hiến. Trưởng công chúa hiếu thuận thì sẽ nghĩ cho Bệ hạ và Lệnh bà, trưởng công chúa từ tâm thì sẽ nghĩ cho lê dân bách tánh.

- Làm người không thể quá quyết đoán. Trẫm là Hoàng đế nên việc nhún nhường trong đối ngoại đã là chuyện tất yếu. Nếu mật thư được gửi đi mà hắn vẫn chứng nào tật nấy thì đừng hòng nhìn thấy được ái nữ của trẫm.

Trong lòng vạn phần tức giận nhưng chẳng còn cách nào tốt hơn là gửi mật thư cho Vĩnh Bảo đế. Dẫu sao thì họ cũng không thực sự muốn dấy quân xâm lấn Thành Vu. Nhưng với tình hình này kéo dài sẽ gây ra vô vàn hệ lụy.