Cuộc Sống Của Hai Người Ở Rừng Rậm

Chương 52: Trứng cá muối




Sau cơn mưa lớn, liên tiếp vài ngày trời trong nắng ấm.

Cũng không có người khả nghi nào xuất hiện nữa.

Cuộc sống của Hà Điền và Dịch Huyền vẫn như thường lệ, trời chưa sáng thì đã rời giường, mặt trời lặn thì chìm vào giấc ngủ.

Vài tuần tới sẽ là những tuần có thời gian nắng kéo dài nhất và nhiệt độ trung bình cao nhất trong năm. Mặt trời dần dần mọc vào khoảng bốn giờ sáng, và mãi cho đến khoảng mười giờ tối, bầu trời vẫn còn sáng bừng.

Ánh nắng đầy đủ sẽ đẩy nhanh quá trình trưởng thành của các loại cây trồng. Những viên bi xanh nhỏ mọc trên nhánh cây cà chua, đậu Hà Lan dường như đã có thể hái ăn được, những bông hoa ớt lần lượt nở rộ, những quả ớt to bằng ngón tay út, một số bắt đầu chuyển sang màu đỏ, một số chuyển từ xanh sang vàng, nhiều quả vẫn còn xanh.

Kê cũng đã phát triển rất cao, thoạt nhìn cũng sắp trổ bông rồi.

Cải thảo, bắp cải, cải xoăn cũng đang lớn nhanh hơn từng ngày.

Hoa khoai tây đã nở từ lâu, những củ ẩn dưới đất ước chừng đã to bằng quả óc chó nhỏ; củ cải, cà rốt, khoai lang trông cũng đều khỏe mạnh.

Vịt con và thỏ con cũng lớn nhanh như thổi, ngay cả Gạo, nhìn sơ qua cũng có thể thấy được đã mập ra.

Thịt xông khói trong kho được treo thành hàng, đầy ấp, có lẽ sắp tới phải nhanh chóng lắp thêm một dãy khung khác.

Mọi thứ trông vô cùng sống động và tràn ngập niềm vui.

Dịch Huyền nghĩ, anh nên rất hài lòng với tình hình hiện tại, nhưng không phải vậy.

Giờ đây, mỗi sáng thức dậy, xoay mặt lại, anh không còn được thấy khuôn mặt đang ngủ say như thiên thần nhỏ của Hà Điền nữa, mà thay vào đó là một tấm rèm bông.

Mặc dù Hà Điền cảm động trước sự đáng thương của anh, không hề đả động gì đến việc xây một căn chòi ngoài luống dưa nữa, nhưng đêm đó cô đã làm một tấm rèm. Nó khá đẹp mắt. Cô lấy một vài mảnh vải từ quần áo cũ của bà mình rồi chấp vá lại để may một tấm rèm, sau đó khoét một lỗ trên hai thanh xà của gác, tìm một cái cọc tre rồi cưa nó ra với chiều dài thích hợp, treo rèm lên, luồn hai đầu cọc tre vào lỗ.

Điều này hoàn toàn khác với những gì anh muốn!

Trong lòng anh nghĩ như vậy đấy, nhưng trên mặt thì vẫn phải nở nụ cười.

Sáng hôm nay, Dịch Huyền dậy sớm.

Hôm nay họ sẽ chèo thuyền đến một ngôi làng gần thung lũng sông. Người thợ mộc làm cửa sổ gần đây nhất sống ở đó.

Vì vậy, anh phải dậy sớm, làm bữa sáng trước, rồi hoàn thành các công việc hàng ngày của mình, quét dọn, cho vịt và thỏ ăn, thả Gạo vào rừng để nó tự do kiếm ăn.



Chẳng mấy chốc Hà Điền cũng đã tỉnh dậy, sau khi rửa mặt xong, cô chuẩn bị đồ đạc mang theo hôm nay.

Thức ăn khô trên đường gồm có bánh ú gạo nếp táo đỏ, cùng với bánh mì bột yến mạch nướng và trứng cá muối.

Sau khi lấy phần trứng cá tươi trong bụng cá ra thì cho ngay vào nước muối và ngâm trong vòng 10 phút.

Trứng cá vừa lấy ra khỏi bụng cá là một bọc trứng dài không đều, có một lớp màng bao bọc hàng ngàn hạt trứng cá lớn hơn hạt kê một chút, trên lớp màng này có rất nhiều mạch máu nhỏ, chúng cung cấp dinh dưỡng cho trứng cá.

Sau 10 phút ngâm, lớp màng chuyển từ trong suốt sang trắng nhạt, các mạch máu nhỏ hơn sợi tóc ngấm muối rồi vỡ ra, lúc này có thể dễ dàng bóc lớp màng ra, toàn bộ trứng cá bên trong được bóc ra một cách hoàn hảo.

Lại đem phần trứng cá đã bóc màng tiếp tục ngâm với nước muối một lúc, sau đó thì dùng rây lọc lại.

Hà Điền dùng một cái rây mỏng làm từ những sợi tre, đổ trứng cá vào rây, vừa thêm nước rửa vừa dùng ngón tay khuấy nhẹ để tách từng hạt trứng cá ra, giữa các hạt trứng cá có một số mạch máu li ti, cứ làm như vậy trong mười phút, tất cả các mạch máu và chất nhờn trên trứng đều sẽ được rửa sạch.

Sau khi rửa đi rửa lại nhiều lần, mỗi hạt trứng cá đều bóng lưỡng, khi soi ra ánh sáng còn có thể nhìn thấy cả lòng đỏ bên trong.

Lại đổi sang nước muối sạch khác rồi đổ trứng cá đã rửa sạch vào hũ, nếu thích mặn hơn thì ngâm khoảng nửa tiếng, còn nếu không thích mặn quá thì ngâm khoảng 10 phút rồi đem chắt nước để ráo.

Lúc này, trứng cá muối đã làm xong. Có thể ăn trực tiếp, phết lên bánh mì, bánh quy hoặc rắc một muỗng nhỏ lên các món nguội để tăng thêm hương vị.

Nhưng mà tốt nhất là không nên dùng muỗng kim loại khi ăn trứng cá muối, vì kim loại sẽ phá hủy đi vị umami của món ăn này.

Dịch Huyền thường ăn trứng cá muối bằng muỗng làm từ vỏ sò hoặc từ xương. Nhà Hà Điền cũng có hai chiếc muỗng vỏ sò. Anh nhìn mà không khỏi ngạc nhiên. Nhưng Hà Điền thì lại dùng muỗng tre nhỏ, cô cho rằng muỗng tre có thể làm tăng thêm vị ngọt của trứng cá.

Đây hoàn toàn là ý kiến ​​cá nhân, Dịch Huyền vẫn dùng muỗng làm từ vỏ sò.

Trứng cá muối đã chuẩn bị xong cho vào hũ đậy kín rồi cất trong hầm, có thể bảo quản được khoảng hai hoặc ba tuần.

Hà Điền nói cách ăn ngon nhất là cắt một miếng cá hồi xông khói dày, sau đó cho một ít thì là, thêm một muỗng trứng cá muối lên trên rồi bốc đưa trực tiếp vào miệng.

"Nó ngon đến nỗi tôi suýt cắn đứt ngón tay của mình luôn." Cô vừa nói vừa phết một chiếc bánh quy, đưa cho Dịch Huyền, rồi lại lấy một chiếc khác cho chính mình.

Dịch Huyền nhận lấy bánh quy: "Nếu đặt cá hồi xông khói lên bánh quy rồi cho một chút kem chua lên trên, ăn cũng ngon lắm. Cô cũng có thể thêm một miếng lá bạc hà nhỏ nữa."

Kem chua, phô mai, bơ... Những sản phẩm từ sữa này Hà Điền rất ít khi ăn.

Vì chưa ăn nhiều nên cô khó mà hình dung được mùi vị của những món ăn này.

"Phô mai có nhiều độ mềm, cứng; cứng nhất là cứng như đá, khi ăn phải dùng bàn bào để bào thành mảnh vụn. Loại mềm nhất là loại bóp trong tay một lúc thì sẽ tan chảy ra ngay... Phết bơ lên ​​bánh mì mới nướng, thêm một chút mứt, rất thơm, nhưng thực ra không cần phết mứt cũng vẫn thơm lắm... Chỉ cần nướng phô mai trên một lát bánh mì, có thể kéo ra những sợi dài... Món ngon nhất được chế biến từ sữa chính là kem. Còn về cách làm thì... "

Dịch Huyền không biết kem được làm như thế nào. Thậm chí là cách làm phô mai và bơ.

"Đại khái là dùng sữa tươi liên tục khuấy đều, rồi lên men bằng con men hoặc vi khuẩn này nọ chăng?" Anh nghĩ ngợi một lúc, nghĩ mãi mà vẫn không nghĩ ra được, nhưng vẫn nói một cách chắc chắn: "Ăn ngon lắm."

Hương vị này hiện tại Hà Điền chỉ có thể dựa vào tưởng tượng để cảm nhận ra mà thôi.

Trong số ít những con cá chó mà cô lấy trứng, có hai con là có loại trứng màu vàng óng ánh. Món trứng cá muối làm từ những quả trứng vàng óng này không khác nhiều so với trứng cá muối thông thường, nhưng lại rất được ưa chuộng.

Dù sao thì vẫn còn nhiều cơ hội bắt được loại cá này, mà trứng cá muối thì để lâu không được, cô định cầm hai hũ trứng cá vàng óng này đi vào trong làng xem có ai mua không. Nếu có, vậy thì bán hai hũ trứng cá này đi, bù một ít vào số tiền làm lại cửa sổ.

Nghỉ ngơi mấy ngày, Lúa Mì đã khỏe lại, thấy Hà Điền bỏ một đống thức ăn vào giỏ, liền biết hôm nay lại đi ra ngoài, nó cuống quýt vẫy đuôi vòng quanh dưới chân hai anh chị chủ, sợ họ không dẫn nó theo.

Những ngày này mặt trời rất độc, vì vậy Hà Điền đã làm một cái mái che đơn giản cho thuyền bằng lau sậy và cỏ mà họ đã mang về. Mặc dù mặt trời vẫn có thể chiếu vào từ rìa, nhưng ngồi dưới mái che có thể cung cấp một chút bóng râm, thoải mái hơn nhiều so với việc bị phơi nắng.

Từ nhà của họ đến ngôi làng trong thung lũng dưới núi thường phải mất hơn hai tiếng chèo thuyền, còn khi quay về thì quãng đường sẽ tăng lên gấp đôi vì lúc đó họ phải chèo ngược dòng. Nếu tốc độ dòng nước thay đổi, thời gian cũng sẽ thay đổi theo.

Sau khi khởi hành, họ đi dọc theo con sông, hầu như không dừng lại nghỉ ngơi.



Hà Điền vẫn có chút lo lắng: "Anh có còn định che mặt nữa không?"

Dịch Huyền cười nói: "Không cần. Bây giờ không ai quan tâm đến việc tìm tôi nữa."

Ngôi làng gần nhất với nơi này nằm gần bãi sông nơi buôn bán đồ da vào mỗi mùa xuân.

Băng qua bãi lau sậy của bãi sông có một bến thuyền, từ bến thuyền đi bộ về hướng Tây vài phút là có thể thấy được ngôi làng ấy.

Trong làng chỉ có chục hộ dân, với tổng số nhân khẩu chưa đến một trăm người. Hầu hết trong số họ làm nghề đánh cá và gieo trồng để kiếm sống. Cũng có một số hộ trồng lúa, tuy đất đai màu mỡ nhưng do địa hình nên mỗi khi mưa lớn lại bị ngập úng cho nên thu hoạch cũng bình thường, họ thường chỉ giữ lại cho mình ăn, nếu có đem đổi với người khác thì cũng chỉ đổi chút ít.

Nếu đi thuyền từ bến về phía Nam dọc theo con sông thì sẽ đến một thị trấn nhỏ. Trong thị trấn có bác sĩ, có nơi bán rượu và một vài cửa hàng.

Hà Điền và Dịch Huyền chèo thuyền rẽ vào giữa những đám lau sậy trong đầm lầy, và đến bến thuyền nhỏ ở phía bên kia làng khi đã gần trưa.

Nói là bến nhưng thực chất nó chỉ là một cái thềm gỗ được dựng cạnh bờ sông, hai bên thềm mọc đầy lau sậy cao ngang một người, có vài chiếc cọc gỗ dựng đứng để neo thuyền.

Hai người dừng thuyền rồi ôm Lúa Mì lên bờ, sau khi hỏi đường thì nhanh chóng tìm được nhà người thợ mộc.

Trong sân nhà người thợ mộc bày biện đủ thứ đồ đạc dở dang, giường tủ, bàn ghế, tủ, cửa... một số đã được sơn lại và phơi khô, một số thì vẫn còn rất thô.

Thợ mộc là một ông cụ có vẻ ngoài 60 hay 70 gì đó. Miệng ngậm tẩu thuốc, đang chế tạo một chiếc thuyền độc mộc.

Ông ấy ngồi trên thân của một cây bạch dương, liên tục đục khoét phần lõi bằng những cái đục và bàn bào.

Khi nhìn thấy Hà Điền, ông ấy nheo mắt hỏi: "Bây giờ đã lớn thế này rồi à? Bà của con đâu?"

Hà Điền lắc đầu: "Không còn nữa. Đã gần hai năm rồi ạ."

Ông ấy đặt dụng cụ xuống, chắp tay trước ngực: "Cầu trời phù hộ cho bà ấy."

"Cảm ơn ông."

Ông ấy nâng cằm lên, chỉ vào Dịch Huyền đang đứng phía sau Hà Điền: ​​"Đây là người đàn ông của con?"

Mặt Hà Điền đột nhiên đỏ lên, cô còn đang ấp a ấp úng, ông cụ nhìn về phía Dịch Huyền: "Thoạt nhìn, con và cậu này rất giống người một nhà. Sạch sẽ trắng trẻo, rất xứng với con."

Dịch Huyền nghe xong mừng thầm trong lòng, nhưng không dám để lộ ra mặt.

Hà Điền ho khan một tiếng: "Ông ơi, hôm nay bọn con tới đây để làm cửa sổ."

"Cửa sổ hư rồi?"

"Dạ. Bị gấu làm hư."

"Có mang theo kích thước không?"

"Dạ có."

Xác nhận kích thước, chọn kính rồi thanh toán tiền đặt cọc. Giá tiền thật sự khiến Hà Điền đau lòng, ​​nhưng Dịch Huyền nghe ông cụ chỉ vào mình nói với Hà Điền anh là "người đàn ông" của cô, trong lòng vui lắm, không thèm trả giá mà dứt khoát trả tiền luôn.

Lúc đến đây Hà Điền vẫn còn lưỡng lự không biết có nên sử dụng số tiền lấy được từ trên người năm tên cướp kia hay không: "Tiền này rất có thể là cướp từ người khác, đây là của cải bất nghĩa."

Dịch Huyền không một chút do dự nói: "Chẳng lẽ đem số tiền này bỏ vào trong hũ rồi chôn xuống đất? Dù sao thì cũng không nhiều cho lắm."

Đúng thật là không nhiều lắm. Đợi hai tuần sau nhận lại cửa sổ mới, họ còn phải bù vào một phần tư số dư còn lại nữa.



Sau khi đặt mua cửa sổ, Hà Điền và Dịch Huyền đến cửa hàng duy nhất trong làng theo sự chỉ dẫn của ông cụ, chủ cửa hàng này cũng thu mua một số sản phẩm và đồ lưu niệm miền núi, thường xuyên lui tới với các thương lái ở phía Nam.

Cửa hàng cũng rất nhỏ, cánh cửa trên tường nhà đang mở, đối diện cửa ra vào đặt một cái kệ, trong đó nổi bật nhất là diêm, đá lửa, đèn dầu, dây gai, đồ dệt lưới đánh cá, con thoi, và những thứ như chảo sắt, xẻng, cuốc, dao làm bếp.

Hà Điền lắc chiếc chuông đặt trên quầy, đợi một lúc, cánh cửa sau quầy mở ra, một người phụ nữ khoảng 30-40 bước vào, khuôn mặt đen sẩm hồng hồng và đôi chân hơi khập khiễng, chị ta nhìn thấy Hà Điền, gật đầu chào: "Cô muốn gì?"

Hà Điền có chút ngượng ngùng: "Tôi muốn hỏi... Ừm, chỗ chị có thu mua trứng cá muối không?"

Bà chủ nhìn vào một tấm bảng đen nhỏ trên tường, trên đó có ghi ngày tháng: "Cô làm nó khi nào?"

"Hai ba ngày trước."

"Để tôi xem màu nhé? Là trứng cá hồi hay trứng cá chó vậy?"

Hà Điền đặt hai cái hũ nhỏ trên quầy, bà chủ nâng lên soi dưới ánh sáng: "Tôi nếm thử được không?"

Tất nhiên Hà Điền đồng ý, bà chủ đi lấy một cái muỗng vỏ sò nhỏ, sau khi nếm thử thì ra giá.

Thật ra đây là lần đầu tiên Hà Điền đem trứng cá muối đi bán. Cô không biết cái giá này có phù hợp hay không. Bảng đen trên tường chỉ hiển thị giá của những sản phẩm phổ biến, không đề cập đến trứng cá muối. Thấy cô lưỡng lự, bà chủ trả thêm mỗi hũ mười đồng. Thấy cô vẫn còn phân vân, chị ta nói: "Hay là tôi thêm cho cô hai hộp diêm to? Một hộp 100 que diêm lận. Dùng rất tốt, không sợ gió to đâu."

Hà Điền còn đang do dự, Dịch Huyền đã chỉ vào một lon thiếc nhỏ trên kệ cao nhất: "Bà chủ, thêm một lon sữa đặc nữa."

Bà chủ có chút làm khó: "Đâu được, hộp sữa đặc này giá những 12 đồng..."

Dịch Huyền cười: "Sắp hết hạn rồi, nên hạ giá đi. Nếu có trứng cá, lần sau chúng tôi lại đến nữa."

"Được rồi." Bà chủ bước lên ghế, lấy một lon sữa đặc xuống: "Tôi nói trước, ở đây chúng tôi chỉ chấp nhận loại trứng cá muối ngon nhất. Đối với trứng cá chó thì chỉ cần loại trứng màu vàng óng, còn trứng cá thịt trắng thì tốt nhất là loại có đường kính 5 li trở lên, màu đỏ cam. Tốt nhất là trứng cá tầm, kích cỡ như thế nào cũng đều được cả, giá cũng rất cao, một hũ nhỏ như vậy bằng với giá của một bộ lông chồn đen đấy!"

Lon sữa đặc bám đầy bụi, bà chủ cầm lên thổi một cái, sau đó ho sặc sụa, vội lấy tay quạt xua đi.

Chị ta đưa tiền cho Hà Điền, dặn: "Những người thu mua trứng cá muối hai tuần mới đến một lần, và họ chỉ đến vào giữa và cuối tháng. Tốt hơn là cô nên làm trứng cá muối trước khi họ đến năm ngày. Nếu trước đó bắt được cá, vậy thì cứ nuôi trước, đừng giết vội, trứng cá mà không tươi thì không bán được."

Hà Điền đồng ý, đem những tờ tiền mỏng này cất kỹ, cùng Dịch Huyền rời khỏi cửa hàng.

Số tiền này còn không đủ một nửa giá tiền làm cửa sổ nữa. Hơn nữa còn đi tới đi lui hết cả một ngày, thật sự rất phí công. Nhưng nếu là thuận đường thì cũng được.

Hà Điền tính, phải mất hai tuần nữa mới có cửa sổ, nếu lúc đó bắt được cá tầm về làm trứng cá muối, thuận đường đem đi bán thì cũng được lắm. Bằng với giá của một con chồn đen lận!