Cữu Chưởng Huyền Công

Cữu Chưởng Huyền Công - Chương 22: Gió giang hồ, sóng võ lâm





Vị Phong và Tịnh Nghi đi dọc theo bờ sông Dương Tử cho đến khi gần sáng thì bắt gặp chiếc thuyền nan của Diệu Tịnh và Tịnh Ngọc, Tịnh Vân. Ba người vẫn ngồi trên thuyền như ba pho tượng bởi đã bị phong bế huyệt đạo. Ba người có vẻ bị lạnh cóng bởi sương đêm. Tịnh Nghi lo lắng lên tiếng gọi:


- Sư thái…


Mặc dù nàng gọi nhưng Diệu Tịnh sư thái vẫn không đáp lời nàng. Tịnh Nghi đặt tay vào thân Diệu Tịnh. Nàng không khỏi lo âu khi nhận ra toàn thân vị sư thái Hằng Sơn phái lạnh như băng hàn.


Vị Phong nhìn nàng nói:


- Cần phải nhóm lửa hơ nóng họ lại. Nếu không hàn khí sẽ xâm nhập vào lục phủ ngũ tạng.


Vị Phong gom những cành cây mục trên bờ sông. Phải nhọc công rất lâu chàng mới có thể nhóm được bếp lửa. Vị Phong bê từng người đặt quanh bếp lửa. Phải mất một canh giờ Diệu Tịnh sư thái mới hồi tỉnh.


Vừa hồi tỉnh, Diệu Tịnh sư thái nhận ra ngay Tịnh Nghi và Vị Phong. Người liền gắt giọng nói:


- Tiểu tặc, tránh xa bần ni ra.


Nghe Diệu Tịnh sư thái thốt ra câu này, Vị Phong không khỏi ngớ ngẩn. Chàng buông tiếng thở dài:


- Sư thái… đang lúc này người vẫn coi tại hạ là kẻ bại hoại à?


- Trong mắt ta, ngươi vẫn là kẻ bại hoại… Đáng bị trừng phạt.


Vị Phong buông tiếng thở dài, lắc đầu nói:


- Vị Phong rất tiếc đã nhọc công nhóm bếp sưởi ấm cho sư thái.


Chàng cau mày nhìn sư thái Diệu Tịnh rồi quay lại Tịnh Nghi:


- Tịnh Nghi cô nương… Những gì cần làm Vị Phong và Tịnh Nghi đã làm cả rồi. Có lẽ sư thái cũng không cần đến chúng ta nữa. Vị Phong nghĩ chúng ta nên rời khỏi đây thôi.


Tịnh Nghi nhìn chàng, nàng lắc đầu:


- Vị Phong hãy đi đi.


Đôi chân mày Vị Phong nhíu lại. Chàng miễn cưỡng nói:


- Diệu Tịnh sư thái đã không cần nàng, sao nàng cứ gì phải tự hạ mình chứ?


Nói rồi Vị Phong buông luôn một tiếng thở dài, biểu lộ sự ngao ngán trước thái độ cố chấp của Diệu Tịnh sư thái. Chàng nhìn lại Diệu Tịnh sư thái, từ tốn nói:


- Vị Phong phải làm gì thì sư thái mới tin Vị Phong không phải là kẻ bại hoại?


Diệu Tịnh sư thái lắc đầu nhìn chàng:


- Ngươi là kẻ bại hoại thì mãi mãi là kẻ bại hoại. Không thể nào thay đổi được.


- Nói như thế Khắc Vị Phong chẳng có gì để phân giải với sư thái nữa. Có lẽ trong tâm tưởng của sư thái chỉ có mỗi một người sư thái ngưỡng mộ, đó là Thượng Quan Đại Phu tiên sinh.


Diệu Tịnh sư thái gật đầu:


- Không sai.


Lời nói khẳng khái này của Diệu Tịnh sư thái khiến Vị Phong phải cau mày. Chàng nhủ thầm: “Nếu mụ chứng kiến cảnh lão Thượng Quan Đại Phu tiên sinh kia bại hoại, với những dục tình mà mình đã từng chứng kiến trong Vọng Nguyệt lầu, không biết mụ còn ngưỡng mộ kẻ đức cao trọng vọng đó nữa hay không?”


Mặc dù nghĩ vậy nhưng Vị Phong chỉ còn biết lắc đầu. Tịnh Nghi nói:


- Vị Phong hãy đi đi, Tịnh Nghi ở lại đây lo cho sư thái.


Vị Phong gắt gỏng nói:


- Tịnh Nghi lo lắng cho sư thái để rồi lại nhận lãnh sự trừng phạt khe khắt của sư thái ư?


Diệu Tịnh sư thái nói:


- Nếu như tiểu tử không muốn bần ni trừng phạt Tịnh Nghi thì hãy giải huyệt cho bần ni.


- Được… nhưng giải huyệt cho sư thái thế nào?


Chân diện Diệu Tịnh sư thái sượng hẳn lại:


- Ngươi có võ công mà không biết giải tịnh huyệt à?


Nghe Diệu Tịnh sư thái thốt ra lời nói này, Vị Phong không khỏi bối rối. Chẳng lẽ chàng phải tường tận nói với Diệu Tịnh những gì mình thi triển được để đối phó với người chỉ là chút võ công tàm tạm vừa lĩnh giáo được của lão Hựu. Còn về căn bản thì chàng chưa thể nói là người có võ công ngoại trừ bộ pháp vô ảnh cước đã luyện thành trên đỉnh vọng phong.


Vị Phong miễn cường nói:


- Vị Phong đúng là có võ công nhưng không biết giải tịnh huyệt mà Hàn công tử đã phong trên mạch môn của sư thái.


- Ngươi chỉ cần thọc vào nách ta mà phát tác khí kình.


Vị Phong tròn mắt nhìn Diệu Tịnh:


- Hây… vãn bối không dám mạo phạm.


Diệu Tịnh sư thái như nghiệm ra điều gì liền nói luôn:


- Đúng rồi… Tiểu tử không thể chạm vào người ta được. Ngươi là kẻ bại hoại làm sao chạm vào người của bần ni.




Vị Phong muốn bật cười thành tiếng. Chàng nhìn Tịnh Nghi. Tịnh Nghi đọc được ý tưởng trong đầu Vị Phong liền nói:


- Khắc công tử… Tịnh Nghi giờ đã không còn võ công.


Vị Phong cau mày.


Diệu Tịnh sư thái nói:


- Bần ni đã phế bỏ võ công của ả rồi.


Vị Phong chỉ còn biết thở dài, lắc đầu khi nghe câu nói này của Diệu Tịnh. Chàng buột miệng nói:


- Sư thái phế bỏ võ công của Tịnh Nghi hẳn không nghĩ đến tình cảnh này.


- Bần ni không ngờ.


Vị Phong cau mày. Chàng suy nghĩ một lúc rồi nói:


- Thôi được… vãn bối là kẻ bại hoại không thể giải huyệt cho sư thái được thì đành nhờ đến Tịnh Vân vậy.


Chàng nhìn lại Tịnh Vân:


- Tịnh Vân cô nương hẳn không ngại Khắc Vị Phong chạm vào người của Tịnh Vân?


Đôi lưỡng quyền của Tịnh Vân ửng hồng. Nàng miễn cưỡng nói:


- Nếu công tử có tâm trong sáng.


- Chỉ có những kẻ cho tại hạ là người bại hoại mới xem Khắc Vị Phong này có cái tâm tối thui, tối thủi. Mong rằng Tịnh Vân đừng xem tại hạ có cái tâm như Di Hoa công tử là được rồi.


Chàng nói dứt câu thọc chỉ pháp vào nách Tịnh Vân, vừa phát tán nội lực.


Tịnh Vân thốt lên:


- Ui…


Thốt ra tiếng nói đó nhưng sắc mặt Tịnh Vân lại đỏ rần vì e thẹn. Nàng vừa giải được huyệt liền đứng thẳng lên. Tịnh Vân ôm quyền xá Vị Phong:


- Đa tạ công tử…


Tịnh Vân bước lại bên Diệu Tịnh sư thái. Nàng toan giải huyệt cho người thì Vị Phong cản lại:


- Khoan… Tịnh Vân cho tại hạ hỏi sư thái một câu.


Diệu Tịnh sư thái nhìn chàng nghiêm giọng hỏi:


- Tiểu tử muốn hỏi gì?


- Nếu sư thái được giải huyệt đạo còn giữ ý định bắt tiểu bối giao cho Thượng Quan Đại Phu tiên sinh không?


Diệu Tịnh sư thái im lặng không đáp lời chàng.


Buông một tiếng thở dài, Vị Phong nói:


- Sư thái vẫn khăng khăng cho tại hạ là kẻ bại hoại?


Hừ nhạt một tiếng, Diệu Tịnh sư thái nói:


- Tiểu tử tạo ra nghiệp quả thì phải nhận lãnh hậu quả của nghiệp quả đó.


Nhìn lại Khắc Vị Phong, Diệu Tịnh sư thái nghiêm giọng nói:


- Lần này bần ni sẽ không làm khó dễ ngươi. Nhưng nếu có lần sau thì bần ni quyết cũng bắt bằng được ngươi.


Vị Phong lắc đầu:


- Tại hạ không muốn gặp sư thái chút nào.


Tịnh Vân điềm chỉ giải khai huyệt đạo cho Diệu Tịnh sư thái. Người từ từ đứng lên, mắt chăm chăm nhìn Khắc Vị Phong:


- Tiểu tử… mau ly khai đi…


- Tiểu bối sẵn sàng ly khai, nhưng còn Tịnh Nghi…


Diệu Tịnh sư thái khoát tay, gắt gỏng nói:


- Chuyện của bổn phái do bổn phái giải quyết, ngươi không nhất thiết phải xen vào.


Nghe Diệu Tịnh sư thái nói vậy, Vị Phong chỉ còn biết lắc đầu. Chàng nhìn lại Tịnh Nghi.


Tịnh Nghi từ tốn nói:


- Khắc huynh hãy đi đi… đừng lo cho Tịnh Nghi.


- Nhưng…



Nàng lắc đầu không muốn Vị Phong nói ra ý niệm trong đầu nàng.


Buông tiếng thở dài, Vị Phong nói:


- Tịnh Nghi bảo trọng.


Quay sang Diệu Tịnh sư thái, Vị Phong ôm quyền xá:


- Hy vọng một ngày nào đó, sư thái sẽ hiểu cho tiểu bối.


Diệu Tịnh sư thái quay mặt chỗ khác, chẳng màng đến lời nói của chàng.


Thấy thái độ của Diệu Tịnh sư thái buộc Vị Phong buông tiếng thở dài. Chàng khẽ lắc đầu, rồi nhìn lại Tịnh Nghi lần nữa. Vị Phong nghĩ thầm: “Nếu Khắc Vị Phong không phải gánh cái nghiệp oan của Thượng Quan Đại Phu thì sẽ dẫn nàng đi.”


Vị Phong từ tốn nói:


- Vị Phong nhất định sẽ tìm lại nàng.


Chàng nói rồi dợm bước quay lưng toan bỏ đi thì bất thình lình Diệu Tịnh sư thái lại phát động chiêu công. Chưởng pháp của người chụp tới tử huyệt thiên linh cái của Khắc Vị Phong. Tịnh Nghi biến sắc:


- Sư thái.


Nghe Tịnh Nghi thốt ra lời nói đó, Vị Phong biết ngay có sự biến, cũng là lúc áp lực chưởng kình chụp đến tử huyệt chàng.


Vị Phong toan thi triển Vô Ảnh cước để né tránh chưởng của Diệu Tịnh sư thái thì một luồng gió ôn nhu lướt qua. Luồng nhu phong kia tưởng chừng rất tầm thường chẳng có uy lực gì, nhưng khi chạm vào chưởng ảnh của Diệu Tịnh sư thái thì lại có uy lực thật kỳ diệu. Nó tựa một sợi dây thừng vô hình được kết bằng khí công, quấn ngay lấy đôi chưởng ảnh của vị sư thái Hằng Sơn phái.


Âm thanh khô khốc phát ra như tiếng cành cây gãy.


- Rắc.


Liền sau âm thanh đó, Diệu Tịnh sư thái thốt lên một tiếng đau đớn.


- Ôi cha…


Người loạng choạng thoái bộ, hai tay buông thẳng theo thân người như bị gãy cánh, sắc diện thì tái nhờn, tái nhợt. Tịnh Vân, Tịnh Ngọc vội vã lướt đến hai bên Diệu Tịnh sư thái để hộ vệ cho người.


Vị Phong hoàn toàn bất ngờ bởi hiện tượng kỳ lạ đó. Nhưng sự ngạc nhiên và bất ngờ của chàng nhanh chóng được giải tỏa bởi sự xuất hiện của một bạch y nữ lang. Với thân pháp phiêu bồng như nước chảy mây trôi, bạch y nữ lang lướt đến đứng bên Khắc Vị Phong. Vị Phong hơi thất vọng vì nhận ra bạch y nữ che mạng bằng một tấm rèm lụa trắng, nhưng đôi thu nhãn sáng ngời, biểu lộ một nội lực của một đại cao thủ trong giới võ lâm.


Bạch y nữ lang chắp tay sau lưng nhìn Diệu Tịnh sư thái ôn nhu nói:


- Người ta đồn đãi không sai. Kẻ hồ đồ nhất trong giang hồ chính là lão ni của phái Hằng Sơn.


Nghe bạch y nữ lang thốt ra câu nói này, sắc diện Diệu Tịnh sư thái đỏ bừng như than hồng. Làm sao người không thẹn thùng được khi phải nhận lời nói xúc xiển kia.


Vừa thẹn vừa giận, Diệu Tịnh sư thái gắt gỏng nói:


- Quỷ nữ… Ngươi là ai?


Bạch y nữ lang nhún vai, từ tốn nói:


- Một kẻ hồ đồ như mụ thì đâu đáng hỏi ngoại danh của bổn cô nương.


Lời nói này của bạch y nữ lang càng khiến cho Diệu Tịnh sư thái phẫn uất hơn, nhưng khốn nỗi lại chỉ biết đứng thừ ra như pho tượng nhìn nàng mà không dám có hành động phát tác sự phẫn nộ đó, bởi lẽ, Diệu Tịnh sư thái đã chứng nghiệm võ công của bạch y nữ lang không tầm thường nếu không muốn nói là cao hẳn hơn người.


Bạch y nữ lang cười khẩy một tiếng rồi nói:


- Mụ đừng nhìn bổn cô nương bằng ánh mắt hằn học như thế. Nếu có bản lĩnh thì hãy tìm bổn cô nương mà trút giận, đừng ôm sự căm tức để rồi tổn hại chân nguyên không thọ được đâu.


Nàng nói xong nhìn lại Khắc Vị Phong:


- Đạo vương Khắc Vị Phong… công tử đi theo ta chứ?


Vị Phong miễn cưỡng hỏi:


- Cô nương muốn đưa tại hạ đi đâu?


- Một chỗ an toàn cho công tử, hay công tử muốn đi theo những ni cô của phái Hằng Sơn?


Vị Phong lắc đầu:


- Không… Vị Phong theo cô nương.


- Vậy chúng ta đi.


Vị Phong gật đầu:


- Chúng ta đi.


Bạch y nữ lang nhìn lại Diệu Tịnh sư thái, trang trọng nói:


- Mụ bần ni đừng tìm Khắc Vị Phong nữa nhé. Mụ sẽ không bao giờ có được Đạo vương Khắc Vị Phong dâng nạp cho Thượng Quan Đại Phu tiên sinh để lập công đâu.


Nàng cười khẩy, nói với Vị Phong:


- Mời công tử.



Hai người vừa dợm bước bỏ đi thì một chiếc tăng bào lướt đến chặn họ lại.


Đôi mày lá liễu của bạch y nữ lang thoạt nhíu lại khi đối nhãn với bị tăng lữ có thân hình lực lưỡng, trên cổ là sợi xâu chuỗi to bằng sắt. Vị tăng lữ chắp ta niệm Phật hiệu.


- A Di Đà Phật…


Bạch y nữ lang khoát tay, từ tốn nói:


- Thiết Đầu Đà đại sư cũng muốn bắt Đạo vương Khắc Vị Phong nạp cho Thượng Quan Đại Phu tiên sinh ư?


- A Di Đà Phật… Khắc tiểu thí chủ gieo nghiệp ác, nên bần tăng muốn đưa y về Phật môn để sám hối tội lỗi và chờ sự phán quyết của võ lâm đồng đạo.


Bạch y nữ lang khẽ gật đầu. Nàng từ tốn nói:


- Nói rất đúng. Nhưng rất tiếc Khắc công tử đây lại không phải là người gieo nghiệp như đại sư nghĩ thì sao? Đã không gieo nghiệp thì lấy gì mà sám hối tội lỗi?


- A Di Đà Phật… tội lỗi của Đạo vương thí chủ thì cả võ lâm thảy ai đều cũng biết. Chẳng lẽ tín nữ lại không biết?


- Bổn cô nương có nghe thiên hạ bàn tán về cái nghiệp quả của Khắc công tử. Nhưng nói thật với đại sư, bổn cô nương không tin Khắc công tử là người gieo nghiệp ác. Lời nói của thiên hạ chỉ là lời nói, đại sư hẳn không có bằng chứng gì.


Nàng nhướng mày, từ tốn nói tiếp:


- Thiết Đầu Đà đại sư cho Khắc công tử là người gieo nghiệp ác, vậy đại sư có bằng chứng gì không? Hay cũng chỉ nghe lời đồn đãi của thiên hạ?


- A Di Đà Phật… Chẳng lẽ thiên hạ võ lâm nói sai cho Khắc thí chủ?


- Bổn cô nương nghĩ thiên hạ nói sai cho Khắc công tử đó. Bổn cô nương có thể làm chứng cho Khắc công tử.


- A Di Đà Phật… Tín nữ có thể cho bần tăng xem bằng chứng đó chứ?


- Bằng chứng ở ngay trước mặt đại sư.


Thiết Đầu Đà đại sư nheo mày:


- A Di Đà Phật… bần tăng không hiểu ý của tín nữ.


- Có thế mà đại sư cũng không hiểu… Bổn cô nương nói bằng chứng ngay trước mắt đại sư, là những vị ni cô Hằng Sơn phái đây. Nếu như Khắc công tử là người bại hoại như thiên hạ đồn đãi thì thử hỏi những vị ni cô xinh đẹp của phái Hằng Sơn có còn giữ được sự trong sạch của bản thân mình không?


Chân diện Diệu Tịnh sư thái đỏ bừng khi nghe lời nói của bạch y nữ lang.


Thiết Đầu Đà chấp tay niệm phật hiệu:


- A Di Đà Phật. Dù tín nữ muốn hay không muốn, thì bần tăng cũng phải đưa Khắc thí chủ về Thiếu Lâm tự để võ lâm phán quyết. Nếu Khắc thí chủ trong sạch thì quần hào võ lâm sẽ trả lại sự trong sạch cho Khắc thí chủ.


Bạch y nữ lang khoát tay:


- Bổn cô nương không tin phật môn hay võ lâm có thể trả lại sự trong sạch cho Khắc công tử.


- A Di Đà Phật… bần tăng đã nói hết lời, đã cạn hết ý. Mong tín nữ đừng buộc bần tăng phải dùng đến võ công để đưa Khắc thí chủ đi.


- Nếu đại sư có bản lĩnh mới có thể đưa được Khắc công tử về phật môn hoặc giao người cho Thượng Quan Đại Phu.


- A Di Đà Phật… Phật môn lúc nào cũng mở rộng cửa từ bi nhưng tín nữ đã buộc bần tăng phải dùng đến võ học của phật gia.


- Võ công của phật môn, bổn cô nương đã từng nghe đến, trong lòng rất ngưỡng mộ và cũng từng có ý thỉnh giáo cao chiêu của các vị thánh tăng Thiếu Lâm Tự. Nhất là võ học của Thiết Đầu Đà đại sư.


- A Di Đà Phật… bần tăng chìu theo ý của tín nữ vậy.


Nói dứt câu, Thiết Đầu Đà đại sư vận hóa chân ngươn. Vừa vận công Thiết Đầu Đà đại sư vừa nói:


- Tín nữ bảo trọng.


Cùng với lời nói đó, Thiết Đầu Đà đại sư dựng đứng song thủ, thi triển Tuyệt Thức Giáng Long Thần Chưởng công thẳng đến bạch y nữ lang. Uy lực của Tuyệt Thức Giáng Long Thần Chưởng đâu phải tầm thường, thậm chí nó đã từng là chiêu công vô địch trong chốn võ lâm, thế nhưng bạch y nữ lang vẫn không một chút e dè, lưỡng lực mà dựng ngọc thủ đón thẳng, đỡ thẳng.


- Ầm…


Hai người giao thẳng với nhau một chưởng, nhưng tưởng đâu bạch y nữ lang sẽ rơi ngay vào thế hạ phong trước uy lực vô biên của Tuyệt Thức Giáng Long Thần Chưởng do Thiết Đầu Đà đại sư thi triển, nhưng thật những diễn biến lại thật bất ngờ. Bạch y nữ lang đã không rơi vào thế hạ phong mà ngược lại còn trụ vững như thái sơn.


Chân diện của Thiết Đầu Đà đại sư lộ rõ vẻ ngạc nhiên trước sự biến này. Vị cao tăng Thiếu Lâm bất giá phải niệm phật hiệu để không biểu lộ sự ngạc nhiên đó bằng lời nói:


- A Di Đà Phật.


Nữ lang bạch y nhướng mày nói:


- Giáng Long Thần Chưởng của Thiếu Lâm quả là danh bất hư truyền. Bổn cô nương phải ngưỡng mộ. Nếu có dịp bổn cô nương sẽ đến Thiếu Lâm tham kiến đại sư ề võ học tinh thông của phật môn. Giờ thì cáo từ.


Nàng nói rồi ôm quyền xá. Cùng với động tác nhún nhường đó, thì một đạo nhu kình theo cái xá tay của nàng phát ra chụp tới Thiết Đầu Đà. Tất nhiên Thiết Đầu Đà đại sư nhận ra ngay kỳ biến do nàng tạo ra, liền xoay nửa bộ, giũ mạnh hai ống tăng bào phát động trưởng khí đánh lấy đạo nhu kình của bạch y nữ lang.


Khi Thiết Đầu Đà phát tác nội lực mới biết mình bị hớ, bởi bạch y nữ lang vừa phát động nhu kình liền thu hồi ngay lại và lắc vai lướt đến nắm lấy tay Khắc Vị Phong.


Bằng thân pháp như nước chảy mây trôi, nàng kèm theo Khắc Vị Phong lướt đi như một cánh chim sắc, trong khi Thiết Đầu Đà lại phải hóa giải nội lực vừa phát tán mà không thể thi triển khinh công đuổi theo nàng.


Thiết Đầu Đà chấp tay niệm phật hiệu:


- A Di Đà Phật.