Dẫn Ta Bỏ Trốn Được Không?

Chương 2




Triệu Lam có một mơ ước.

Lúc nhỏ khi mẫu thân còn khỏe mạnh, y cũng đã từng được đến học đường một vài năm. Y rất thích đi học, bởi vì đến lớp có nhiều bạn cùng tuổi chơi với nhau, được học chữ, và nhất là được nghe lão sư kể chuyện.

Lão sư của Triệu Lam tuy chỉ là một tú tài không làm quan nhưng ông có kiến thức rất uyên bác. Thời trẻ tuổi, sau khi thi đỗ tú tài thì ông không thi tiếp nữa mà dành thời gian để đi đó đi đây. Lão sư đã từng nói với học trò của mình: “Kiến thức không chỉ nằm ở trong sách vở. Nếu chỉ chăm chăm đọc sách thánh hiền mà không chịu quan sát và thu thập những thông tin từ cuộc sống xung quanh thì kiến thức đó chẳng giúp ích gì cả.” Nhìn lũ học trò nhỏ mở to đôi mắt nhìn, lão sư cười ha ha vuốt chòm râu bạc trắng: “Quên mất là các con còn nhỏ, không sao, sau này lớn lên sẽ hiểu thôi.”

Lão sư đã đi qua nhiều nơi trên quốc gia này, gặp gỡ rất nhiều người, chứng kiến biết bao câu chuyện, ông thường kể cho lũ học trò của mình nghe những câu chuyện thú vị khiến bọn nhỏ say mê. Qua lời kể của lão sư, Triệu Lam như nhìn thấy được thế giới thật rộng lớn, ngoài Xuân Phong trấn này thì còn rất rất nhiều thôn xóm làng bản khác, có kinh đô hào hoa náo nhiệt, có đại mạc cát trắng trải dài, có đại dương xanh thẳm, có tuyết sơn phủ tuyết ngàn năm… và còn rất rất nhiều nơi mà lão sư đã đi qua. Ngày qua ngày, y càng hy vọng được đến thăm thú những nơi đó dù chỉ một lần. Ước mơ đó cứ đâm sâu bén rễ vào trong lòng y, trở thành một chấp niệm.

Từ lúc sinh ra đến giờ, Triệu Lam chỉ quanh quẩn trong Xuân Phong trấn, sau khi phụ mẫu lần lượt qua đời, y lại càng sống khép kín, cả ngày chỉ biết bó mình trong khu vườn nhỏ của mình mà trồng rau. Vậy nhưng khát vọng đi khám phá vẫn luôn được y ấp ủ.

Một tiếng đập cổng gấp gáp cắt ngang suy nghĩ của Triệu Lam. Y ra mở cổng, thì ra là Lý đại thúc ở cách vách. Lý thúc thở hổn hển nói với Triệu Lam: “A Lam à, cháu có bận gì không?”

“Dạ, giờ thì cháu đang rảnh đây ạ.”

“Thế hả, may quá. Có chút việc muốn nhờ cháu giúp đây. Có người đặt mua số lượng lớn rượu mang đến tận nơi, thế mà thằng Đại Cẩu nó lại có chút việc sang trấn bên. Giờ thúc không biết phải xoay sở thế nào đành sang nhờ cháu đi cùng.”

“Vâng, thúc cứ về trước, đợi cháu thu xếp một chút rồi cháu sang ngay ạ.”

Lý đại thúc cảm tạ rồi xoay người về, Triệu Lam vào thu xếp một chút, đóng cổng rồi đi sang theo. Lý đại thúc là có truyền thống làm rượu nổi tiếng nhất trong trấn. Rượu của gia đình thúc làm từ gạo ngon, không pha nước lã để tăng số lượng như những hàng khác nên bán rất chạy, trong trấn phàm là nhà ai có đám cỗ đều đến đặt rượu ở đây. Hôm nay số lượng đặt quá lớn mà con trai thúc không có nhà nên phải sang nhờ Triệu Lam. Triệu Lam từ nhỏ nổi tiếng hiền lành chịu khó, nghe vậy liền đáp ứng ngay.

Lý thúc kéo một chiếc xe chở rượu, ước chừng có đến năm chục vò, Triệu Lam đi đằng sau đẩy cho thúc. Đi qua nửa trấn thì đến nơi. Lần này đặt hàng chính là hộ đại phú mới chuyển từ kinh thành về.

Triệu Lam đang đứng trước cánh cửa sơn son thiếp vàng, hai bên có hai con sư tử uy nghi. Hai chữ ‘Phong phủ’ như phượng múa rồng bay trên tấm bảng, đủ nhìn ra khí thế của chủ nhân nơi này.

Sau khi thủ vệ vào báo thì ngay lập tức có một người đi ra, là quản sự trù phòng của Phong phủ. Người này nói với Lý đại thúc mấy câu, Lý đại thúc liền quay sang bảo Triệu Lam: “Mang rượu vào thôi cháu.”

Thế là hai người cùng với một gia đinh nữa chuyển rượu vào trong trù phòng của phủ. Mấy người đi theo quản sự, vòng vo mấy lần trong đường nhỏ thì đến trù phòng.

Chuyển xong, Lý đại thúc quay ra bảo Triệu Lam: “Thúc còn phải đi thanh toán tiền, nếu cháu có việc bận thì cứ về trước.”

“Vâng, vậy cháu về trước.”

“Tối nay nhớ sang nhà thúc ăn cơm nhé.” Lý thúc biết hoàn cảnh của Triệu Lam, thương y một mình cô độc nên thỉnh thoảng lại gọi sang ăn cơm.

“Ôi tháng này cháu đã ăn chực bên nhà thúc mấy bữa rồi đấy ạ.”

“Thằng nhóc này còn xấu hổ, không sang là thúc giận đấy.”

Hai người cười hi ha rồi Triệu Lam cáo từ.

Triệu Lam đi ra, nhưng thật không may, y bị lạc! Có trách thì cũng là trách cái phủ này quá rộng, y không để ý rẽ nhầm đường một cái, thế là giờ không biết mình đang ở chỗ nào. Triệu Lam đầu đầy mồ hôi, nhìn những hòn giả sơn, ao sen, đình đài lầu các trong này mà hoa cả mắt cả mũi. Y đã lạc chừng một khắc rồi mà không tìm được đường ra.

Đang xoay hoay thì nghe thấy tiếng người quát: “Ngươi là ai, sao lại đứng ở trong viện của Tam thiếu gia?”

Một cô nương ăn mặc trang phục của nha hoàn tiến đến, vẻ mặt cảnh giác. Nàng chắc khoảng mười bốn, mười lăm tuổi, dung mạo xinh đẹp, trên mặt cũng trang điểm không ít.

Triệu Lam vội vàng thanh minh: “Ta đi nhầm đường…”

Cô nương kia không để cho y có cơ hội thanh minh: “Nhầm cái gì mà nhầm, ta xem ngươi là có ý đồ ăn trộm đi. Ai chẳng biết Phong phủ chúng ta giàu có như thế nào, lũ dân thường các ngươi đúng là không biết trời cao đất dày là gì mà!”

“Cô nương đừng hiểu lầm. Ta mang rượu đến quý phủ, đang đi về thì chẳng may lạc đường thôi. Thỉnh cô nương đừng nói những lời khó nghe như vậy.”

“A! Ngươi dám nói ta đổ điêu cho ngươi phải không, người đâu, bắt tên ăn trộm này lại cho ta!”

“Chuyện gì ồn ào vậy? Minh Nguyệt, chẳng phải ta đã bảo ngươi là cô nương cần nói năng nhỏ nhẹ một chút sao…” Một thanh âm nhàn nhã từ trong phòng truyền ra.

“Dạ, công, công tử…” Minh Nguyệt đổ mồ hôi, gấp muốn chết. Thôi rồi, công tử đã nhìn thấy dáng vẻ không đoan trang hiền thục của mình, sẽ có ấn tượng không tốt về mình, làm sao đây làm sao đây… Tại tên quê mùa này, đúng, tất cả là tại tên quê mùa ngu ngốc này làm hại ta. Minh Nguyệt muốn phát tác mà không dám phát, chỉ tức giận nhìn trừng trừng Triệu Lam.

Triệu Lam mạc danh kỳ diệu bị cô nương gia trừng như thế, có chút không hiểu. Y quay người về phía phòng nọ, dè dặt nói: “Công tử xin tha lỗi vì ta đã quấy rầy, quả thật là ta đến đưa rượu bị lạc đường chứ không hề có ý trộm cắp gì.”

Phong Thiên Trí mỉm cười, hắn đương nhiên biết. Từ lúc người này bước chân vào viện tử của hắn thì ngơ ngác nhìn như nai con chạy loạn thật hảo ngoạn. Bộ dáng ấy, giống như trong ký ức của hắn, vẫn là ngơ ngơ như vậy, nốt ruồi nhỏ ở khóe mắt chẳng thể lẫn với ai. Bảo người này đi ăn trộm thì ai tin cơ chứ. Đặt giấy tờ trong tay xuống bàn, hắn bước ra ngoài.

Hắn đứng trên thềm, ánh nắng chiếu trên thân thể thon dài khiến người khác phải chói mắt. Ngũ quan tuấn tú, đôi mắt đào hoa hẹp dài, chiếc mũi cao thẳng, đôi môi mỏng đang câu lên một nụ cười như có như không. Vì thời tiết nóng bức nên mái tóc dài được cột lên cao sau gáy. Hắn mặc trên người bộ y sam màu lam, nhìn họa tiết may trên đó sống động, hẳn là do thợ thủ công lành nghề thêu nên, bên hông đeo ngọc bội. Không quá nhiều phục sức, nhưng khí chất toát ra thì hoàn toàn bất đồng với người xung quanh.

Nếu để Triệu Lam hình dung thì chỉ có một từ “Đẹp”.  Xin lỗi vì vốn từ miêu tả người của y chỉ bó hẹp như vậy thôi, còn nếu muốn hơn, chắc sẽ là ‘so với Tây thi đậu phụ còn đẹp hơn’, nếu Phong Thiên Trí mà biết được suy nghĩ so sánh hắn với một nữ nhân trong đầu Triệu Lam, không biết hắn sẽ có cảm nghĩ gì.

Minh Nguyệt đứng bên cạnh chỉ thiếu lấy xô hứng nước miếng chảy tong tỏng. Nàng đã hầu hạ bên cạnh Tam thiếu gia được một thời gian rồi mà vẫn chưa thể thích ứng được với vẻ anh tuấn của hắn, mà có riêng gì nàng đâu, các nha hoàn trong phủ ai chả mê mẩn Tam thiếu gia. Biết nàng được chọn vào trong viện của thiếu gia, các nàng kia ghen tị đến đỏ mắt. Vào viện của tam thiếu gia, không chỉ có ngày ngày được ngắm dung nhan anh tuấn, bên cạnh đó còn có cơ hội lọt vào mắt xanh của thiếu gia, từ chim sẻ biến thành phượng hoàng. Vì thế ngày nào Minh Nguyệt cũng ăn mặc trang điểm cẩn thận, biến mình thật xinh đẹp mong lấy lòng thiếu gia. Không ngờ hôm nay tên nhà quê này lại làm nàng mất điểm, tức chết.

Phong Thiên Trí không nhìn Minh Nguyệt, lệnh cho nàng lui xuống. Dù không cam lòng, Minh Nguyệt cũng chỉ có thể trừng Triệu Lam rồi cắn môi, lui ra ngoài. Trong phút chốc viện tử chỉ còn lại Phong Thiên Trí và Triệu Lam.

“Triệu nhân huynh, thật có duyên, chúng ta lại gặp nhau rồi.” Phong Thiên Trí cười khẽ, nói.

“Phong công tử…” Triệu Lam kinh ngạc, không ngờ người này vẫn còn nhớ mình. Từ khi nha hoàn tên Minh Nguyệt này nói ‘viện của Tam thiếu gia’ là y đã lờ mờ đoán được thân phận người nọ. Trước đây cũng tính như họ có chút quen biết. Nhưng trước không nói thân phận cao quý của hắn làm sao có thể để ý đến người như y, chỉ riêng chuyện đã trôi qua hơn chục năm, ngay cả y cũng bắt đầu không nhớ nữa.

“Ta nhớ ngày xưa ngươi không gọi ta như thế.” Phong Thiên Trí nói.

“Phong công tử thân phận như thế nào? Ta bất quá chỉ là một nông phu, làm sao dám với cao, ngày xưa nhỏ dại chưa hiểu chuyện, mong công tử lượng thứ.” Triệu Lam cúi đầu nói.

Phong Thiên Trí yên lặng không nói, chỉ nhìn chằm chằm Triệu Lam. Triệu Lam bị hắn nhìn đến phát sốt.

Phong Thiên Trí nói tiếp: “Hiếm có cơ hội gặp lại nhau, chúng ta uống trà nói chuyện thôi.”

Triệu Lam không dám nói câu từ chối, để Phong Thiên Trí lôi kéo vào lương đình gần ao sen. Có nha hoàn lập tức châm trà, bưng hoa quả, điểm tâm tinh xảo lên.

Vẫn là Phong Thiên Trí mở lời trước: “Ta cùng gia phụ mới trở về nên công việc còn bề bộn, chưa có thời gian thăm hỏi cố nhân. Cuộc sống của ngươi tốt chứ?”

“Vẫn ổn, đa tạ Tam công tử quan tâm.”

Phong Thiên Trí thở dài, không làm sao được đành tiếp tục câu chuyện. Nói là nói chuyện, nhưng phần lớn thời gian là Phong Thiên Trí hỏi, Triệu Lam đáp. Cuối cùng, không chịu đựng được nữa, Phong Thiên Trí ai oán:

“Nãy giờ ngươi cũng không hỏi một câu về ta. Ngươi không quan tâm ta sống thế nào sao?”

“Nga, những năm qua ngươi sống thế nào?”

Thật là, Phong Thiên Trí ôm trán, cái người đầu gỗ này khiến hắn tức chết mà. Nhìn ra Triệu Lam không được tự nhiên, Phong Thiên Trí cũng không miễn cưỡng giữ y nữa. Sau khi hẹn với Triệu Lam rằng khi nào rảnh sẽ ghé qua nhà y bái phỏng, Phong Thiên Trí gọi người đưa Triệu Lam ra tận cổng phủ.

Vốn Triệu Lam không để tâm lời hứa hẹn của Phong Thiên Trí trong đầu, lại chú tâm vào công tác trồng trọt chăn nuôi của mình. Vì thế Triệu Lam lại một lần nữa kinh ngạc, vài ngày sau, Phong Thiên Trí một thân bạch y đứng trước cổng nhà y, cười như gió xuân: “Triệu huynh, hôm nay ta đến quấy rầy.”