Danh Môn

Chương 32: Kinh đô Trường An




Quyển 2: Kinh thành phong vân

Chương 31: Kinh đô Trường An

Dịch : Tử Lăng

Nguồn: Tàng Thư Viện

Thành Trường An của Đại Đường là đô thành có quy mô to lớn hùng tráng nhất trong lịch sử Trung Quốc, là thành lớn nhất thế giới lúc đó, có trăm vạn nhân khẩu. Nó nằm ở phía nam Long Thủ Nguyên (1), do Tùy Văn Đế - Dương Kiên ở năm Khai Hoàng (2) thứ hai chính thức ban chiếu xây dựng, ban đầu gọi là thành Đại Hưng.

Trường An chia làm ba bộ phận lớn là cung thành, hoàng thành và thành bao ngoài, xếp song song. Hoàng đế sống trong cung thành. Cung thành tượng trưng cho sao Bắc Cực, là trung tâm của Trường An. Còn hoàng thành là nơi đặt các bộ môn của chính phủ như công sở của các quan lại, tượng trưng cho nhóm sao Tử Vi Viên vây quanh sao Bắc Cực; thành bao ngoài là nơi cư trú sinh sống, tổng cộng chia ra một trăm linh tám phường, tượng trưng cho một trăm linh tám ngôi sao bao quanh ngoài cùng đều hướng về phía bắc.

Trong đó, huyện Trường An nằm ở phía tây, chiếm năm mươi lăm phường; còn huyện Vạn Niên ở phía đông, chiếm năm mươi ba phường. Trục đối xứng giữa hai huyện chính là đường lớn Chu Tước, kéo dài về phía bắc thì là đường lớn Thừa Thiên Môn. Lại để những nhóm công trình kiến trúc to lớn hùng vỹ như cửa Thừa Thiên, điện Thái Cực, điện Lưỡng Nghi, điện Cam Lộ, điện Duyên Gia và cửa Huyền Vũ nằm sát đầu bắc của trục đối xứng, lấy khí thế hùng tráng của chúng để phô bày oai nghiêm của hoàng quyền.

Hôm nay là ngày hai mươi, tháng mười hai, năm Khánh Trị thứ mười lăm. Lúc này, sắc trời hoàng hôn, muôn vàn tia sáng vàng óng rải lên tường thành nguy nga sừng sững của Trường An. Bên ngoài cửa Minh Đức, những đoàn người dân muốn vào thành chen chúc chật ních, tiếng nói ồn ã, vô cùng náo nhiệt.

Nhóm Trương Hoán sau khi đi qua Phượng Tường, lại đi ba ngày, cuối cùng đã tới đích của chuyến đi này, đô thành Trường An của vương triều Đại Đường. Suốt dọc đường, đám sỹ tử tràn trề háo hức, đến bây giờ càng kích động muôn phần, như thể bọn họ đã đề tên trên bảng vàng, đi qua cửa này là liền bước lên chầu trong cung điện của thiên tử vậy.

Trương Hoán không nói cho mọi người chuyện phát sinh dọc đường. Tuy y đã mơ hồ đoán ra mục đích của Thôi Khánh Công, nhưng trước khi gặp gia chủ, y không muốn hành động khinh suất. Với thế lực khổng lồ của Thôi gia, một sỹ tử dự thi nhỏ nhoi như y há có thể lay động được.

Mọi người lần lượt vào cửa Minh Đức. Một con đường lớn khí thế hoành tráng lập tức hiện ra trước mắt, bề rộng chừng tám mươi trượng (*). Đây chính là trục đối xứng của Trường An - đường lớn Chu Tước. Ở hai bên đường đều là tường cao cao của các phường, được quét màu đỏ cam, ẩn hiện giữa hai hàng tán cây cao lớn quanh năm xanh tốt.

Trên đường lớn có đông nghìn nghịt người dân Trường An chen lấn rộn ràng. Khi thì có mấy thương nhân mặc quần áo to rộng cười nói đi qua; lúc thì các thiếu niên phóng túng ngông cuồng hò hét hai bên, thúc ngựa lao nhanh, khiến người đi đường tránh né tới tấp; một đội lạc đà tới từ Tây Vực lắc lư đi qua bên cạnh bọn họ, hướng về chợ Đông. Lạc đà chở đầy rương hòm nặng trình trịch trên lưng. Mười mấy người Hồ tóc nâu mắt xanh biếc ngồi trên lưng lạc đà cao ngắm nhìn tòa thành thị vĩ đại nhất thiên hạ này, trong mắt chan chứa vẻ sùng kính ao ước.

Rốt cuộc đã tới lúc chia tay. Bọn Tân Lãng sẽ ở trong một phân viện tại kinh thành của thư viện Lũng Hữu, nằm trong phường Duyên Khang ở lân cận chợ Tây. Còn nơi Trương Hoán muốn đến là khách sạn Cao Thăng đệ lục ở phường Bình Khang, chưởng quỹ của khách sạn là biểu cữu (4) của Triệu Nghiêm. Một tháng trước khi xuất phát từ Thái Nguyên, phụ thân của Triệu Nghiêm đã viết một bức thư, thu xếp xong xuôi việc ăn ở cho bọn họ.

"Khu Bệnh, tạm thời đừng suy nghĩ quá nhiều chuyện lập công, nên tĩnh tâm chuẩn bị dự thi. Qua mấy ngày, ta bố trí ổn thỏa rồi, đương nhiên sẽ tới gặp huynh!"



Trương Hoán gật đầu. Y chắp tay cười nói với đám sỹ tử của thư viện Lũng Hữu:"Chỉ còn nửa tháng nữa, thời gian rất eo hẹp, các huynh cũng phải chuẩn bị thật tốt. Chỉ mong mọi người chúng ta đều được đề tên trên bảng vàng."

"Chúng ta hãy so tài, xem trạng nguyên lần này thuộc về nhà ai?"

"Ha ha! Đương nhiên là thư viện Tấn Dương bọn ta giành được đầu bảng!"

Mọi người lưu luyến chia tay. Bốn người Trương Hoán hỏi rõ đường, rồi quành sang phía phường Bình Khang. Phường Bình Khang nằm giữa chợ Đông và hoàng thành. Nơi này cũng là nơi tập trung các sỹ tử cư trú. Mỗi năm, vài vạn sỹ tử vào kinh thi cử phần lớn là ở nơi này. Cho nên, trong phường Bình Khang có rất nhiều khách sạn, tửu lâu, kỹ viện, thương nghiệp cực kỳ thịnh vượng. 'Ngày đêm ồn ào, đèn đuốc sáng trưng, các phường trong kinh không thể sánh bằng!' (3)


Khi bốn người Trương Hoán tìm được khách sạn, trời đã hoàn toàn tối. Lâm Tri Ngu và Lâm Xảo Xảo đã ở nơi đây nhiều ngày. Bọn Trương Hoán bình an quay về khiến hai người hết sức vui mừng. Lâm Xảo Xảo kéo chồng về phòng nói chuyện nhớ nhung của những ngày xa cách. Trịnh Thanh Minh và Tống Liêm Ngọc tuy rất mệt mỏi, nhưng hai người sớm đã bị sự phồn vinh trên đường của kinh thành hấp dẫn, cùng nhau đi dạo.

Sự phồn thịnh của Trường An cũng hấp dẫn Trương Hoán. Y dạo tới một tửu điếm nhỏ nằm đối diện khách sạn. Trong quán, đèn đuốc sáng rực, sỹ tử tới từ các quận ngồi chật cứng. Một cô gái bán rượu trẻ tuổi xách bình rượu cười chúm chím đi giữa quán, thỉnh thoảng đám sỹ tử trêu ghẹo vài câu, cô rót đầy rượu cho bọn họ xong, liền như bươm bướm rời đi rất nhanh.

Trương Hoán tìm một góc ngồi xuống. Cô gái bán rượu ánh mắt nhạy bén liền nhìn thấy y. Cô nhanh nhẹn bày chén rượu, bát đũa cho y, đoạn rót đầy rượu vào chén, liếc mắt đưa tình nói:"Sao công tử không có bạn vậy? Buồn tẻ lắm. Có muốn Kinh Nương uống vài chén cùng công tử không?"

Trương Hoán nâng chén rượu lên uống cạn, rồi cười nói với cô gái:"Gọi tiểu nhị qua đây, ta có chút chuyện muốn hỏi y."

Cô gái bán rượu lại dịu dàng rót đầy rượu cho Trương Hoán, lập tức cười khanh khách gọi tiểu nhị tới.

Tiểu nhị lật đật chạy tới, cung kính nói với Trương Hoán:"Khách quan, hay là tôi mang vài món đặc biệt của tiểu điếm tới, rồi thêm một bình rượu nữa, người thấy sao?"

Trương Hoán gật đầu nói:"Ngươi cứ lo liệu rượu và đồ ăn! Có điều, ta rất muốn biết chiến cuộc ở Lũng Hữu, người có biết tình hình không?"

Nói đến chiến cuộc ở Lũng Hữu, trên mặt tiểu nhị có đầy vẻ tự hào, y giơ ngón cái nói:"Hôm qua truyền đến tin tức cuộc chiến, Thôi nguyên soái đã tiêu diệt toàn bộ kẻ địch tới xâm phạm ở phía bắc quận Kim Thành. Nghe nói là nhờ đối phương mất lương thảo, lòng quân đại loạn."

Nhắc đến lương thảo, trên mặt cô gái bán rượu bên cạnh lộ ra vẻ hết sức sùng bái, cô khẽ thở dài, "mọi người đều nói là Thôi tiểu tướng quân đơn thương độc mã đánh vào trọng địa cất trữ lương thảo của người Hồi Hột, đốt cháy hai mươi vạn thạch quân lương, quả thật là anh hùng hào kiệt của Đại Đường ta!"


"Đúng là như vậy!" Một sỹ tử ngồi gần đó nói chen vào:"Là giáo úy Thôi Hùng của quân trinh sát phát hiện chỗ cất lương của người Hồi Hột ở Mã An lĩnh. Y nhân lúc đêm tối lén vào đại doanh, đốt cháy toàn bộ lương thực. Buổi sáng hôm nay, ở cửa lớn của Binh Bộ đã dán ra bảng công tích, công đầu thuộc về Thôi giáo úy."

Quả nhiên không ngoài dự liệu của mình, Thôi Khánh Công đã mưu đồ giết người bịt miệng ở giữa đường, tất nhiên là lão muốn mạo nhận quân công của mình. Trương Hoán cười nhạt, đây chính là Thôi gia sao?

Y uống một hơi cạn chén rượu, bỏ một nắm đồng tiền xuống, đoạn sải bước đi ra tửu điếm. Bên ngoài tửu điếm, gió lạnh lướt qua mặt, nhưng nó không thể nào làm lạnh bầu nhiệt huyết trong lòng Trương Hoán. Y hỏi chưởng quỹ khách sạn đường đi, rồi cưỡi ngựa phóng tới dinh thự của gia chủ.

Dinh thự của Trương Nhược Hạo nằm ở phường Sùng Nhân. Nhà của ông ở Thái Nguyên, phủ đệ này cũng chính là nơi ông ở một mình. Sự thật, đây là một tòa nhà lớn xa hoa, bên trong có đủ đình đài lầu các, vườn hoa ao bể, ngay cả đầy tớ thị thiếp cũng không dưới trăm người.

Trương Hoán báo tên xong, rất nhanh sau đó liền được một lão nhân, có vẻ là quản gia, dắt tới một gian phòng khách. Lão là một gia nhân già thích lảm nhảm, làm ở Trương gia đã gần năm mươi năm, theo gia chủ tới Trương An từ rất lâu rồi.

"Đám hậu sinh các cậu đều quên gốc cả, đến Trường An dự thi lại chẳng tới bái kiến gia chủ. Đáng trách nhất là đại công tử, suốt ngày qua lại thanh lâu kỹ viện, vậy mà viết thư nói y bận học hành. Hừ! Y đã quên gia chủ rồi."

Lão nhân hiển nhiên rất bất mãn với Trương Huyên. Lão run rẩy mở một cánh cửa, ngoảnh đầu nói với Trương Hoán:"Chỉ có cậu còn tốt, vừa đến Trường An đã tới bái kiến gia chủ. Cậu ngồi một lát ở đây, ta đi bẩm báo gia chủ."

Trương Hoán đi vào trong phòng, quan sát xung quanh một lượt. Gian phòng không lớn, bày biện hết sức giản dị, hai cây đèn đồng hình lá sen cháy phùn phụt.


Trong phòng chỉ có một chiếc giường tre, trên giường có lót đệm mềm, bên trên lại bày một chiếc bàn nhỏ. Văn phòng tứ bảo (5) được xếp đủ trên bàn. Mà ở cạnh bốn bức tường đều là giá sách, bên trên có không thiếu các loại sách vở, trục cuốn. Xem ra, đây là một gian thư phòng.

"Sao hôm nay Thập bát lang mới đến Trường An?" Đằng sau chợt vang lên tiếng của Trương Nhược Hạo, Trương Hoán vội quay đầu. Chỉ thấy Trương Nhược Hạo đang đứng ở cửa, ông mặc một chiếc áo đơn mỏng thân rộng màu trắng, dáng vẻ nhàn nhã, trong ánh mắt lộ ra nét vui vẻ ôn hòa.

Trương Hoán liền cúi người hành lễ với ông, "Thập bát lang kính chào gia chủ!"

"Tới đây! Ngồi xuống nói chuyện."

Trương Nhược Hạo bảo Trương Hoán ngồi xuống. Lúc này, có a hoàn qua dâng trà, Trương Nhược Hạo nâng chén trà lên thổi nhẹ, đoạn mỉm cười nói:"Năm nay Trương gia có hai mươi hai con cháu tham gia thi cử. Ngươi đến kinh muộn nhất, nhưng lại là người đầu tiên tới gặp ta. Lão phu không được người ta hoan nghênh vậy sao?"


Trương Hoán khom người giải thích:"Cháu nghe nói năm nay có gần mười vạn sỹ tử tham gia thi cử, vượt qua mọi khoa thi trước. Có lẽ mọi người đều rất căng thẳng, nhất thời không bứt ra được. Nếu không phải cháu có chuyện quan trọng cần báo cáo, e là cũng sẽ đợi hết khoa thi mới tới bái kiến gia chủ."

"Có lẽ người khác là như vậy, nhưng đứa nghịch tử của ta lại tuyệt đối không phải vậy. Thôi! Không nhắc đến nó nữa." Trương Nhược Hạo thở dài. Ông lại liếc nhìn Trương Hoán hỏi:"Ngươi có chuyện quan trọng gì phải tới báo cáo ngay lúc đêm tối vậy?"

Trương Hoán cân nhắc giây lát, đoạn nói:"Từ quận Khai Dương tới Phượng Tường, cháu chỉ cần một ngày. Nhưng viện quân của Phượng Tường lại đi mất ba ngày, đến tận sau khi thành bị phá mới tới được quận Khai Dương. Gia chủ cho rằng chuyện này hợp lý không?"

Chú thích:

(*) Tác giả chú: tương đương với độ rộng của hơn hai sân bóng.

(1): tên một sườn dốc.

(2): niên hiệu của Tùy Văn Đế (581-600).

(3): trích trong cuốn “Trường An chí” về sự phồn thịnh của phường Sùng Nhân. “Trường An chí” là cuốn ghi chép về cố đô cổ nhất còn tồn tại của Trung Quốc, do Tống Mẫn viết năm 1076.

(4): cậu họ.

(5): gồm bút, mực, giấy, nghiên.

Danh Môn

Tác giả: Cao Nguyệt