Đáp Xuống Từ Độ Cao Mười Nghìn Mét

Chương 19: Hồng Kông






Đây không phải lần đầu Trần Gia Dư gặp ác mộng liên quan tới vụ việc hạ cánh khẩn cấp tại Hồng Kông, thế nhưng là lần đầu sau một thời gian rất dài.

Phương Thịnh Kiệt nghe theo gợi ý hôm thứ Sáu của Trần Gia Dư, mua một vài trò chơi trên Switch, trong đó có trò “Overcooked”[1]. Sau đấy, cậu đã được chứng kiến trình độ thao tác áp đảo trong trò chơi này của Phương Hạo.

“Overcooked” là dạng game hiệu suất phối hợp. Người chơi cần tính toán và sắp xếp thời gian hợp lý để hoàn thành các nhiệm vụ như cắt thái thực phẩm, bày biện đồ ăn, phục vụ món ăn và rửa bát đĩa. Người bình thường để từ không quen đến nắm bắt được nhịp điệu trò chơi thì sẽ phải mất một khoảng thời gian. Thế nhưng, Phương Hạo không phải người bình thường. Anh có khả năng làm n việc một lúc, trong thời gian ngắn đã nhanh chóng ghi nhớ hết tất cả các bước quy trình. Trong điều kiện áp lực cao, có thêm một chiếc đồng hồ cùng lúc đếm ngược trong đầu, đây không phải sở trường của kiểm soát viên không lưu sao. Phương Hạo nắm bắt cơ hội, dẫn theo Phương Thịnh Kiệt trong hai ngày nghỉ cuối tuần phá đảo hết tất cả các màn trên “Overcooked”. Mà như này vẫn chưa là gì. Anh còn lôi kéo Phương Thịnh Kiệt cày lại một lượt, một sao qua màn vẫn chưa được, anh phải cày tất cả các màn lên ba sao mới thỏa mãn.

Khi thứ Hai đến, Phương Thịnh Kiệt thở dài thườn thượt. Cậu nghe nhạc hiệu trò chơi này đến phát ngán rồi, cũng may mà Phương Hạo sáu giờ sáng phải dậy tới sân bay đi làm.

Trải qua hai ngày nghỉ cuối tuần vui vẻ chơi game, xem phim cùng Phương Thịnh Kiệt, tâm trạng Phương Hạo rất phấn khởi. Thế nhưng gần như ngay giây đầu tiên anh bước chân vào phòng Cơ sở Tiếp cận, bầu không khí đã lập tức thay đổi. Phó Tử Tường vừa trực xong ca đêm nói với anh: “Anh Hạo, Phó chủ nhiệm Diêm tìm anh.”

Phương Hạo đáp một tiếng rồi để túi xuống, đi vào phòng. Anh biết chuyện radar ngừng hoạt động chắc chắn vẫn chưa kết thúc. Không kể tới chuyện tổ bay khen ngợi, đến ngay cả Quách Tri Phương, Phó Tử Tường cùng cậu học trò Vương Triển Bác cũng đều đã ngầm khen riêng anh, nhưng bên phía lãnh đạo lại mãi chẳng thấy có tin tức gì. Phương Hạo chờ rồi lại chờ, chờ được bốn chữ “Diêm Hùng tìm anh” thì cơ bản cũng đoán được là không phải lời hay tiếng đẹp gì. Lời hay tiếng đẹp trước giờ không do Diêm Hùng tới truyền đạt.

Có lẽ, lời Trần Gia Dư ngày hôm đó đã thật sự ứng nghiệm, cái gì nên đến rồi cũng sẽ đến.

Quả nhiên, sau khi khen Phương Hạo được hai câu “Tình huống đặc biệt quả thực rất cấp bách. Trong tình huống cấp bách như vậy, cậu xử lý coi như ổn” thì Diêm Hùng đổi chủ đề, đưa cho anh một văn bản: “Vì tình huống tương đối nghiêm trọng nên cuối tuần phòng An toàn đã tái hiện lại sự việc, nghe lại băng ghi âm khoảng thời gian cậu chỉ huy trên kênh radio hôm ấy, có đưa ra một vài góp ý cho cậu. Tuần sau cậu cũng viết một báo cáo sự cố đi. Phương Hạo à, tôi biết có lẽ cậu không thích nghe những lời này, nhưng mà lời thật mất lòng, chúng ta phải biết lắng nghe thì mới có thể cải thiện được.”

Đến thời điểm này Phương Hạo đã hoàn toàn miễn dịch với kiểu nói chuyện nặng mùi dạy đời này của Diêm Hùng, anh chỉ đưa tay nhận lấy báo cáo.

Thật ra, sau chuyện ngày hôm đó, vì lo sợ nên Phương Hạo đã lặp đi lặp lại rất nhiều lần từng giây từng phút của bốn phút đó trong đầu. Anh có thể chắc chắn gần như một trăm phần trăm rằng mọi huấn lệnh mình đưa ra đều không có sai sót gì. Cho nên, anh thật sự không tin, bản thân rốt cuộc còn chỗ nào làm chưa đến nơi đến chốn?

Trên báo cáo viết vài ý kiến góp ý, Phương Hạo lướt mắt là đã đọc xong. Một ý kiến trong đó nêu rằng khi cấp huấn lệnh cho tổ lái, Phương Hạo chưa tuân thủ đúng tiêu chuẩn thuật ngữ của chế độ kiểm soát theo thủ tục, có chỗ quá giản lược, dễ gây hiểu nhầm. Một ý kiến khác nêu rằng băng phi diễn được ghi chép không đúng quy tắc. Tóm lại đều là những lỗi nhỏ bới lông tìm vết.

Phương Hạo thậm chí còn hoài nghi Diêm Hùng đã quên mất tình huống lúc đó là như thế nào, hoặc không hiểu cặn kẽ. Đây là bốn phút radar bị hỏng, chứ không phải đang kiểm tra chất lượng, chọn trích xuất ngẫu nhiên một đoạn ghi âm kênh radio của một ngày nào đó. Trong bốn phút ấy, Phương Hạo không thể xem được bất kỳ một thông tin chuyến bay nào của bất kỳ một tàu bay nào, nếu đổi thành ai khác không có kinh nghiệm hoặc tâm lý không vững thì có lẽ đã trực tiếp ngừng chỉ huy, hậu quả thì không thể nào tưởng tượng nổi. Việc đàm thoại cùng tổ lái và ghi chép trên băng phi diễn đều là để phục vụ việc điều hành bay, anh lược bớt hay viết tắt vài chỗ cùng là vì khi ấy đang trong thời gian cao điểm tối, lại cộng thêm các tàu bay chuyển hướng hạ cánh từ bên sân bay Thủ Đô, chứ không hề mắc lỗi mang tính nguyên tắc. Có thể đạt hiệu quả cao, tỷ lệ mắc lỗi thấp đã là quá tốt rồi.

Phương Hạo nói với Diêm Hùng: “Phó chủ nhiệm Diêm, hôm ấy tất cả mọi màn hình radar đều mất tín hiệu, ngay cả hệ thống dự phòng cũng tối đen, tôi…”

Không đợi anh giải thích xong, Diêm Hùng đã phẩy tay: “Tiểu Phương à, tôi biết cậu cũng không dễ dàng gì. Thế nhưng việc càng khó thì chúng ta lại càng phải cố gắng vượt qua, cậu thấy có phải không nào?”

Phương Hạo thật sự không nhịn nổi nữa: “Phó chủ nhiệm Diêm, anh chưa từng cầm micro nên anh không hiểu được cảm giác này.”

Lời này có phần quá khích. Diêm Hùng sầm mặt, nhưng vẫn ra vẻ khách sáo: “Phương Hạo này, tôi đều là vì muốn tốt cho cậu nên mới nói với cậu những lời này. Nếu không lãnh đạo đã trực tiếp tới tìm cậu nói chuyện rồi.”

Diêm Hùng khi nói chuyện có một đặc điểm là lúc nào cũng giương cao ngọn cơ “vì muốn tốt cho cậu” nhưng thực tế thì chẳng bao giờ đứng từ góc độ của người khác.

Đã nói tới nước này rồi, Phương Hạo thấy cũng chẳng còn mấy hy vọng Diêm Hùng sẽ đột nhiên lương tâm trỗi dậy hay chợt nhận ra công việc của kiểm soát viên tuyến đầu áp lực tới mức nào. Anh bèn qua loa cho xong chuyện, rồi dặn bản thân không nghĩ tiếp nữa. Thế nhưng khi về tới vị trí, đeo tai nghe và micro lên, đăng nhập vào hệ thống, Phương Hạo vẫn cảm thấy bức bối.

Từ trước tới nay không ngừng có những kiểm soát viên không lưu có thâm niên bỏ nghề, người vào thì ít người ra thì nhiều, khiến bọn họ luôn trong tình trạng thiếu hụt nhân lực. Trong số những người đã rời đi ấy, một số là do nhận ra mình không thích, không hợp với công việc này; nhưng cũng có một số kiểm soát viên rất tài giỏi rời đi mà Phương Hạo mấy năm trước vẫn mãi không hiểu nguyên do. Hiện tại, anh đã bắt đầu hiểu được phần nào rồi. Anh đã cố gắng hết sức để hoàn thành điều không thể, thế nhưng lãnh đạo lại chỉ nhìn thấy khuyết điểm. Phương Hạo vốn mệt mỏi, giờ chỉ thấy trong lòng nguội lạnh.

Sở Di Nhu nhận ra Phương Hạo không vui, giờ nghỉ trưa bèn kéo anh đi ăn, tán gẫu cho khuây khỏa. Một tuần nay, chuyện giữa cô và Trịnh Hiểu Húc tiến triển rất suôn sẻ. Hai người bọn họ không những có một cuộc hẹn đi ăn ở sân bay mà còn cùng nhau đi xem buổi biểu diễn của một ban nhạc không nhiều người biết tới. Phương Hạo nghe cô kể về tiến trình tình cảm của mình thì quả thật cũng vui hơn đôi chút.

Trong lúc Sở Di Nhu đi lấy đồ ăn, Phương Hạo lấy điện thoại ra, đột nhiên nhớ ra chuyện gì, bèn gõ mấy chữ “Bắc Kinh Hồng Kông, Air China” vào thanh tìm kiếm. Ngay hàng đầu tiên phía bên dưới là chuyến bay CA3701 từ Bắc Kinh tới Hồng Kông. Phương Hạo mở trang FlightRadar ra xem thử, thấy hiển thị đã cất cánh từ một tiếng trước. Nếu anh nhớ không nhầm thì đây hắn là chuyến bay đầu tiên tới Hồng Kông của Trần Gia Dư. Phương Hạo nhớ tới đây thì cảm thấy lòng bàn tay cũng lấm tấm mồ hôi, bèn vội vàng tắt màn hình.

Nhưng Sở Di Nhu mắt tinh, vẫn nhìn thấy, hỏi anh: “Thịnh Kiệt lại sắp đi ạ? Không phải mới về hôm Thứ Sáu sao?”

Cô biết Phương Hạo có thói quen theo dõi chuyến bay trên FlightRadar, cũng chỉ giới hạn với người nhà, hoặc có thể nói chỉ giới hạn với Phương Thịnh Kiệt thường xuyên bay các chuyến quốc tế.

Phương Hạo vội cất điện thoại đi: “Đâu có đâu.”

Thế nhưng chuyến bay Phương Hạo theo dõi viết rõ ràng “Beijing to Hong Kong” mà, Sở Di Nhu chắc chắn mình không nhìn nhầm, “Không phải chuyến của Thịnh Kiệt ạ?”

Phương Hạo chỉ đành cắn răng đáp: “Ừ, hôm thứ Sáu đi ăn, Trần Gia Dư có bảo với anh hôm nay là lần đầu tiên anh ấy bay lại tới Hồng Kông.”

Sở Di Nhu nhìn ánh mắt anh lập tức cảm nhận được có chút ý tứ sâu xa, thế nhưng cô không nói thẳng, chỉ phỏng đoán: “Sẽ có báo chi đưa tin sao?”

Phương Hạo đáp: “Chắc là không đâu. Chuyến bay không ổn mới lên tin tức.”

Sở Di Nhu gật đầu: “Nếu em làm ở Đài kiểm soát sân bay Hồng Kông thì chắc chắn sẽ nhiệt tình chào đón anh Gia.”

Phương Hạo khẽ nói: “Với sân bay Hồng Kông thì anh ấy là ngôi sao may mắn, nhưng Hồng Kông với anh ấy lại không phải vậy.”

Sở Di Nhu ngạc nhiên trước sự thay đổi trong góc nhìn của anh nhưng không vạch trần: “Anh suy nghĩ cho anh ấy ghê.”

Phương Hạo cười, lần này trả lời rất nhẹ nhàng: “Anh ấy không như anh tưởng tượng. Đều là bạn bè cả mà.”

Sở Di Nhu gật đầu, không nói gì tiếp.

Sau ba năm, lại một lần nữa hạ cánh sân bay Hồng Kông, trong lòng Trần Gia Dư cảm xúc rối bời. Hôm nay thời tiết đẹp, trời xanh mây trắng, sóng biển dập dềnh, cùng chuyến với anh là Từ Hành Xuyên. Tuần này Trần Gia Dư bay chuyến bốn chặng nội địa, từ Bạch Vân tới Bắc Kinh, từ Bắc Kinh tới Hồng Kông, từ Hồng Kông tới Bắc Kinh, rồi lại từ Bắc Kinh bay về Bạch Vân, lặp lại hai lần. Hôm ấy ở ngoài quán lẩu, anh nhận được điện thoại từ bộ phận điều phối của hãng, báo đã sắp xếp để anh bay liên tiếp hai ngày từ Bắc Kinh tới Hồng Kông, từ Hồng Kông tới Bắc Kinh. Hai người họ chỉ trùng ca ngày đầu tiên. Từ Hành Xuyên là một cơ phó giàu kinh nghiệm, Trần Gia Dư cảm thấy cậu ta rất đáng tin cậy nên trong lòng cũng yên tâm hơn phần nào.

Chặng bay tới Hồng Kông, vốn ban đầu Từ Hành Xuyên nói để cậu ta lái chính, Trần Gia Dư đã tính đồng ý rồi nhưng sau lại đổi ý: “Không sao đâu, để anh lái.”

Từ Hành Xuyên trước giờ luôn rất tôn trọng Trần Gia Dư, vậy nên cậu ta cũng không hỏi han gì, trực tiếp giao lại quyền cầm lái.

Tàu bay 733 do Trần Gia Dư cầm lái đã chuẩn bị hoàn thành bước tiếp cận cuối cùng: xác nhận thông tin sân bay, kiểm tra cao độ kế, chuyển tần số sóng vô tuyến, kiểm tra lượng nhiên liệu còn lại cùng mức cân bằng giữa hai thùng nhiên liệu trái và phải, kiểm tra càng hạ cánh cùng cánh tà đều đã thu vào, kiểm tra thời tiết.

(Cao độ kế: là một thiết bị đo khoảng cách của một vị trí trên mực nước biển. Hầu hết cao độ kế là khí áp, nghĩa là chúng đo độ cao bằng cách tính áp suất không khí của vị trí)

Trần Gia Dư nhủ thầm anh đang lái Boeing, không phải Airbus. Anh hạ cánh xuống đường cất hạ cánh 10L có hơi ngắn, không phải 26R dài nhất, phía cuối đường cũng không phải mặt biển. Tốc độ bay của anh là tầm 180mph – mức tiêu chuẩn để hoàn thành vòng lượn chứ không phải 246mph đáng sợ. Những phi công có kinh nghiệm có khả năng cảm nhận được những thay đổi dù là nhỏ nhất của máy bay, đương nhiên cũng có thể cảm nhận được vận tốc bay. Tiếp cận ở vận tốc 150mph và tiếp cận ở vận tốc 250mph cách biệt rất xa, trên cơ bản là sự chênh lệch giữa máy bay thương mại và tàu con thoi bay vào vũ trụ. Hiện tại, Trần Gia Dư đang kiểm soát nhịp độ rất tốt, từ vận tốc, vị trí, đường trượt hạ cánh tới đường cất hạ cánh sắp chọn, tất cả đều khác so với lúc trước.

(mph: đơn vị đo vận tốc, có nghĩa dặm trên giờ)

Trần Gia Dư nín thở, nhìn tròng trọc một dãy thiết bị đo trước mặt: cao độ kế, máy đo tốc độ, thiết bị hiển thị đường chân trời cùng thiết bị hiển thị lực đẩy động cơ[2]. Anh nhìn tất cả mọi thiết bị đo hết lần này tới lần khác, lần nào cũng đều bình thường.

Mãi tới khi Từ Hành Xuyên lên tiếng phá vỡ sự im lặng: “Anh Gia, chúng ta bắt đầu kiểm tra checklist hạ cánh thôi.”

Trần Gia Dư lúc này mới đáp: “Ừm.” Anh phát hiện lòng bàn tay nắm cần điều khiển của mình đã lấm tấm mồ hôi.

“Mực bay đài Localizer.”

“Mực bay theo đài Localizer.”

“Đèn báo thắt dây an toàn.”

“Đèn báo thắt dây an toàn.”



Giây phút bánh lốp tàu bay chạm đất tại Sân bay Quốc tế Hồng Kông, Từ Hành Xuyên không nhìn thấy, nhưng Trần Gia Dư đã thầm thở ra một hơi thật chậm. Gần như là phản xạ có điều kiện, khi lăn vào vị trí đỗ, Trần Gia Dư thuận tiện kiểm tra áp suất cũng như nhiệt độ bánh lốp.

Chặng về Bắc Kinh do Từ Hành Xuyên lái chính, Trần Gia Dư vui vẻ ngồi ở bên cạnh phụ trách checklist cùng radio. Lúc tiến vào tần số Tiếp cận, anh có chút mong chờ nhưng lại nghe thấy một giọng nói xa lạ ở đầu bên kia. Anh cũng biết không thể may mắn và trùng hợp đến mức đó lần nào cũng gặp Phương Hạo được. Trần Gia Dư không quen kiểm soát viên Cơ sở tiếp cận nhưng bên Đài kiểm soát do Sở Di Nhu trực. Lúc hạ cánh, Trần Gia Dư hỏi cô thêm một câu: “Hôm nay Phương Hạo có ở tháp chỉ huy không?” Anh cũng không rõ mình hỏi vậy để làm gì. Chẳng qua lúc này có điều gì đó thôi thúc anh hỏi và thế là câu hỏi thốt ra khỏi miệng.

Sở Di Nhu đáp: “Không có, hôm nay anh ấy trực ca chiều tối. Anh có việc gì à?”

Trần Gia Dư nghĩ: Anh có việc gì sao? Đương nhiên chẳng có việc gì quan trọng cả. Thế nhưng anh vẫn mong được nói chuyện cùng Phương Hạo, có lẽ đối phương sẽ an ủi anh vài câu để cảm ơn lần trước anh đã an ủi cậu sau sự cố radar. Thế nhưng, thật không khéo, Phương Hạo không trực, Trần Gia Dư cũng không thể ở nguyên tại chỗ hai tiếng chờ cậu đến nhận ca rồi lại để một Phương Hạo đang bận giao ca tới tiếp chuyện với mình. Điều ấy quá viển vông rồi. Hơn nữa, nếu vậy thì lộ quá.

Trần Gia Dư chỉ đành nói với Sở Di Nhu: “Không có gì, chợt nhớ tới chuyện này, để có gì anh nói riêng với cậu ấy. Cảm ơn Tiểu Nhu nhé.” Sau đó, anh thoát khỏi kênh radio của Đài kiểm soát.

Bay tới Hồng Kông không phải tốn quá sức lực, cũng chỉ như bay tới Quảng Châu, thế nhưng Trần Gia Dư lại cảm thấy kiệt sức về mặt tinh thần. Anh căng thẳng từ đầu tới cuối chuyến bay, không chấp nhận bất kỳ một sai sót nào. Mà cũng may, Trần Gia Dư nghĩ, lần này bay cùng anh là Từ Hành Xuyên.

Phi công được đào tạo để tin tưởng tàu bay, tin tưởng trang thiết bị, tin tưởng các đồng hồ đo lường. Bọn họ có thể lặp đi lặp lại hàng trăm hàng ngàn lần một quá trình bay từ cất cánh tới hạ cánh mà an toàn, suôn sẻ. Song một sự cố nho nhỏ cũng có thể làm đảo lộn mọi sự huấn luyện trước đó, mọi thói quen vốn có cũng như mọi nhận thức về việc bay.

Rất nhiều cơ trưởng và cơ phó có kinh nghiệm bay lên tới năm nghìn, sáu nghìn giờ bay nhưng năm nghìn, sáu nghìn giờ bay ấy đều là bay an toàn, còn thời gian huấn luyện tình huống bay gặp sự cố so ra lại ít tới đáng thương. Chính vì thế, việc huấn luyện mô phỏng các tình huống sự cố trên buồng lái mô phỏng cực kỳ quan trọng. Mà dù là vậy, khi thật sự xảy ra sự cố, trong buồng lái vẫn hỗn loạn vô cùng – Thân tàu bay rung lắc tới mức không thể nhìn rõ các thiết bị đo; hoặc tàu bay tạm thời mất lái dẫn tới tình trạng lộn nhào điên cuồng, cần cơ trưởng dùng sức đẩy hoặc kéo cần điều khiển để điều chỉnh; hoặc năm, sáu chuông cảnh báo vang lên cùng một lúc, buồng lái và khoang hành khách ngập ngụa trong khói. Trên tất cả những điều ấy, hai phi công cần xác định được chỗ nào xảy ra sự cố, sau đó mở sổ tay và thực hiện các bước kiểm tra đối với sự cố đó. Cả quá trình, điều đáng sợ nhất không phải những thủ tục kia mà là áp lực tâm lý khi biết rằng có hơn một trăm sinh mạng đang phụ thuộc vào nhất cử nhất động của mình.

Thực ra, Trần Gia Dư chưa bao giờ cảm thấy mình quá xuất sắc. Anh là một phi công giỏi, luôn nằm ở tốp đầu trong các bài thi sát hạch. Từ các hạng mục sát hạch về kỹ thuật tới việc quan hệ giao tiếp, anh đều chưa từng mắc lỗi. Ở hãng hàng không, Trần Gia Dư cũng giành được rất nhiều danh hiệu “trẻ tuổi nhất”. Khi được thăng lên làm cơ phó, anh là cơ phó trẻ tuổi nhất, sau này thăng lên làm cơ trưởng, anh lại là cơ trưởng trẻ tuổi nhất. Thế nhưng, không kể tới các hãng khác, ngay trong nội bộ Air China, số lượng phi công có năng lực giống anh không tới hàng nghìn cũng phải hàng trăm, ví dụ như Từ Hành Xuyên bên cạnh đây cũng là một trong số đó. Việc chuyến bay 416 có thể xoay chuyển tình thế, hạ cánh thành công, Trần Gia Dư chưa từng cảm thấy mình đã làm đúng điều gì. Anh chẳng qua không làm sai điều gì, chẳng qua là đã may mắn mà thôi.

Tối đó, Trần Gia Dư nằm mơ. Anh vẫn đang hạ cánh khẩn cấp xuống Hồng Kông trong vận tốc hơn 200 nút. Trước thời điểm chạm đất, càng hạ cánh đột nhiên đứt gãy, mũi tàu bay đập mạnh xuống nền đất, trượt dài một đường tới mức tóe lửa và cuối cùng lao vào biển.

Nước biển tràn vào buồng lái. Trần Gia Dư muốn thoát ra, muốn đẩy mở cửa buồng lái nhưng cánh tay anh lại nặng tựa nghìn cân, không làm gì được, chỉ có thể trơ mắt nhìn nước biển nhấn chìm chính mình…

Trần Gia Dư bật dậy. Giây phút ấy anh gần như bị cảm giác ngột ngạt và tức thở đánh thức, phải ngồi thở hổn hển một lúc lâu trên giường mới ổn định lại được.

Chỉ có một con đường để chuyến bay thành công, nhưng lại có hàng ngàn, hàng vạn cách để khiến tàu bay rơi vỡ. Đây không phải lần đầu Trần Gia Dư gặp ác mộng liên quan tới vụ việc hạ cánh khẩn cấp tại Hồng Kông, thế nhưng là lần đầu sau một thời gian rất dài.

Anh còn nhớ rõ, vài tuần sau vụ việc hạ cánh khẩn cấp, có một đêm anh giật mình tỉnh giấc vào ba giờ sáng vì cơn ác mộng, trằn trọc mãi không ngủ được. Nghiêm Vũ nằm bên cạnh anh bật đèn lên, mắt nhắm mắt mở trách anh: “Trần Gia Dư, anh đứng có xoay qua xoay lại nữa có được không. Ồn quá đi thôi. Mai em còn có chuyến sáng.”

Khi ấy, Trần Gia Dư không nói năng gì, xuống giường rồi ra sofa ngủ, hoặc nên nói là ra sofa nằm một đêm. Anh không tranh cãi nổi với Nghiêm Vũ mà cũng không muốn tranh cãi.Chú thích:[1] Game Overcooked:



[2] Các thiết bị cơ bản trong buồng lái: có 06 thiết bị cơ bản (hay được gọi là the 6 pack)

Máy đo vận tốc (airspeed indicator): Hiển thị tốc độ của máy bayThiết bị hiển thị đường chân trời (attitude indicator): Hiển thị vị trí của mũi máy bay so với đường chân trời (hoặc mũi máy bay đang được hướng lên/xuống bao nhiêu độ) và góc lượn của máy bay (bank angle)Cao độ kế (altimeter): Thể hiện cao độ của máy bayThiết bị điều phối rẽ hướng (turn coordinator): hỗ trợ việc rẽ hướng máy bay, ngoài ra còn hiển thị máy bay đang nghiêng về phía nào.Thiết bị hiển thị hướng mũi (heading indicator): Cho thấy mũi của máy bay đang hướng về phía nào.Thăng tốc kế (vertical speed indicator): thể hiện tốc độ theo chiều thẳng đứng khi tàu bay tăng hoặc giảm độ cao.Phía trên là mẫu cổ điển trong các dòng máy bay cũ, các máy bay hiện đại mới hiện này thì các thiết bị trên đã được tích hợp thành giao diện như ảnh dưới: