Đáp Xuống Từ Độ Cao Mười Nghìn Mét

Chương 43: Nếu như




Bộ phim… còn xem nữa không?

Tại sân bay Đại Hưng Bắc Kinh, sau cú hạ cánh êm ái, tàu bay Boeing-737 MAX của hãng Air China lăn vào vị trí cổng ra tàu bay.

“Hệ thống phanh khí động.”

“Đã hạ xuống.”

(Hệ thống phanh khí động: tiếng Anh là speed brake hoặc air brake, hệ thống gồm các cánh lưng (spoiler) nhằm hỗ trợ tạo lực cản ngược chiều chuyển động của máy bay, giúp máy bay giảm độ cao để hạ xuống)

“Cánh tà.”

“Đã thu lên, đèn tắt.”

“Nút khởi động động cơ.”

“Đã tắt.”

“Radar khí tượng.”

“Đóng.”



Tổ lái hôm nay được bố trí gồm ba người: cơ trưởng Trần Gia Dư; đảm nhiệm vị trí cơ phó chặng về là Thiệu Anh Bằng cấp huấn luyện bay; cơ phó dự bị ngồi phía sau là một khuôn mặt quen thuộc – cậu phi công trẻ tuổi Dương Duy An trước đó đã từng bay cùng Trần Gia Dư một lần.

Trần Gia Dư và Thiệu Anh Bằng đều rất chuyên nghiệp, thực hiện xong quy trình rời tàu bày, chờ hành khách xuống khỏi tàu bay được tương đối thì mới bắt đầu nói chuyện.

Trước mặt Dương Duy An là một vị cơ trưởng anh hùng và một vị cơ trưởng năm sao, thấy bọn họ lên tiếng thì bản thân cậu ta mới dám nói.

“Anh Gia, anh biết không, thời gian huấn luyện bay dạo gần đây đã mô phỏng lại tình huống hạ cánh khẩn cấp ở Hồng Kông năm ấy của anh đấy ạ.” Cậu ta chỉ đơn thuần cảm thấy thú vị, cho rằng có lẽ Trần Gia Dư cũng muốn biết, lại thêm vì trước đây từng bay cùng một chuyến với anh, có thể coi là có quen biết nên mới nhắc tới.

Lúc đó, Thiệu Anh Bằng thoáng liếc mắt qua Trần Gia Dư, chẳng qua vì câu hỏi là dành cho Trần Gia Dư nên anh ta không nói gì.

“Ồ, cậu không phải lái Boeing sao?” Trần Gia Dư hờ hững đáp lại một câu, không nhiệt tình như trong suy nghĩ chủ quan của Dương Duy An. Tàu bay từ Indonesia tới Thượng Hải xảy ra sự cố năm đó là Airbus A330 mà hiện tại Dương Duy An rõ ràng là phi công Boeing.

Dương Duy An ngoan ngoãn trả lời: “À, em không tham gia, là nghe bạn học lái Airbus cùng khóa kể ạ.”

Thực ra câu hỏi đó của Trần Gia Dư là có ý thăm dò. Trong quá trình huấn luyện năm xưa, Trần Gia Dư cũng có vài lần thực hành bay mô phỏng tình huống, thế nhưng đó đều là những tình huống giả tưởng được thiết kế. Dương Duy An bảo bên hãng lấy vụ việc hạ cánh khẩn cấp ở Hồng Kông xây dựng thành bài huấn luyện tình huống hạ cánh khẩn cấp trên giả lập, Trần Gia Dư không rõ tình huống ấy được mô phỏng lại thật tới mức nào, cũng không rõ việc làm này rốt cuộc có ý nghĩa gì. Nghe Dương Duy An trả lời đúng là tình huống mô phỏng của Airbus, xem ra đã mô phỏng theo đúng chủng loại tàu bay, tim Trần Gia Dư khẽ siết lại. Thế nhưng ngoài mặt anh không thể hiện ra, chỉ trả lời Dương Duy An một cách rất rập khuôn: “Huấn luyện trên giả lập bây giờ không giống thời của tôi. Mô phỏng lại tình huống thực tế cho mấy cậu, đây cũng là chuyện tốt.”

Đợi tới khi Dương Duy An xuống máy bay trước, đi tìm nam tiếp viên hàng không quen thân để trò chuyện, bỏ lại anh và Thiệu Anh Bằng ở phía sau, Trần Gia Dư mới nhắc lại chuyện này. Anh chậm rãi hỏi: “Anh Bằng, chuyện này… anh có nghe nhắc tới không?”

Lúc nãy khi trong buồng lái, Thiệu Anh Bằng có liếc thoáng qua anh, Trần Gia Dư bắt được ánh nhìn đó. Thiệu Anh Bằng là giáo viên huấn luyện bay loại B[1], bình thường hay có nhiệm vụ giảng dạy với buồng lái giả lập. Trần Gia Dư đoán Thiệu Anh Bằng nhất định có nghe nói về sự việc Dương Duy An vừa nhắc tới.

Quả nhiên, Thiệu Anh Bằng không giấu Trần Gia Dư, đáp: “Đúng là có chuyện như vậy.” Anh ta quay qua nhìn Trần Gia Dư, vẫn chọn nói ra: “Giáo viên huấn luyện bay Airbus sẽ hiểu hơn, tôi dạo này không đi dạy. Gia Dư, cậu đừng quá bận lòng, những gì cậu làm khi ấy đều không có vấn đề gì cả.”

Trần Gia Dư cũng không giấu diếm trước mặt đàn anh, lúc này hơi cau mày, nhanh chóng đáp “Vâng”. Anh chỉ không hiểu vì sao lại lấy vụ việc ở Hồng Kông làm bài huấn luyện trên giả lập. Nếu thật sự giống như anh nói với Dương Duy An – nhằm rèn luyện phản ứng của phi công trước những tình huống thực tế nên xây dựng bài huấn luyện trên giả lập bám sát nhất với sự cố thực tế – thì cũng không vấn đề gì. Dùng trải nghiệm đau thương của anh và Thường Tân để đào tạo hàng trăm phi công Airbus, đương nhiên Trần Gia Dư thấy đáng. Thế nhưng, trên thế giới có hàng trăm hàng ngàn vụ tai nạn hàng không, tại sao lại chọn vụ việc ở Hồng Kông, nhẽ nào thật sự chỉ là huấn luyện thông thường?

Trong quá trình điều tra nguyên nhân sự cố, có lúc vì để phân tích tính hợp lý trong thao tác của phi công, người ta có mời những phi công khác tới thực hiện bay mô phỏng. Biến tất cả những dữ liệu về thời tiết, vị trí địa lý, tình trạng hư hỏng của thiết bị máy bay thành tham số, thử xem liệu phi công có thể đưa máy bay hạ cánh thành công hay không, từ đó phân tích màn thể hiện của tổ lái trong sự cố. Lấy ví dụ chuyến bay JAL123[2] nổi tiếng nhất gặp sự cố rơi đuôi thăng bằng dọc, dầu thủy lực rò rỉ cạn khiến tàu bay mất kiểm soát, sau 30 phút khống chế điều khiển tàu bay, cơ trưởng vẫn không cách nào thay đổi tình thế. Cuối cùng, máy bay rơi vỡ, trở thành một trong những vụ tai nạn hàng không thảm khốc nhất trong lịch sử. Tổ lái phải đối mặt với sự chất vấn dữ dội, thế nhưng cuộc điều tra mô phỏng sau tai nạn phát hiện thấy trong cùng điều kiện, không một phi công mô phỏng nào có thể giữ tàu bay bay quá nửa tiếng. Đọc‎ 𝘵ru𝗒ện‎ 𝘵ại‎ +‎ 𝘵rum𝘵ru𝗒𝓮‎ n.𝘃n‎ +

Thiệu Anh Bằng đoán được suy nghĩ của Trần Gia Dư. Đổi sang bất kỳ một phi công nào khác, trải qua sự cố như vậy, đều sẽ bị ảnh hưởng – dù là hào quang hay là bóng ma – bám theo cả đời. Anh ta dừng bước, hỏi Trần Gia Dư: “Nếu cậu không yên tâm thì để tôi nghe ngóng giúp nhé?”

Trần Gia Dư cũng dừng lại, một lúc sau mới đáp: “Thôi anh Bằng ạ. Em nghe lời anh.”

Sau vụ việc hạ cánh khẩn cấp tại Hồng Kông, hai người Trần Gia Dư và Thường Tân đã trải qua cuộc điều tra kéo dài hai tháng. Dù là hãng hàng không hay lãnh đạo cấp cao hơn nữa, hoặc là một nước bất kỳ trong ba nước tham gia điều tra đều chưa từng thực hiện thử nghiệm mô phỏng kiểu đó. Ít nhất là trong tầm hiểu biết của anh thì chưa có ai thực hiện. Báo cáo cũng đã ngầm thừa nhận rằng cách thức xử lý từ đầu tới cuối của anh và Thường Tân đều không có bất kỳ sai sót nào.

Thế nhưng trong lòng Trần Gia Dư từng đặt ra nghi vấn rằng liệu việc đẩy động cơ lên 70% có phải là lựa chọn tốt nhất và thực sự thì vẫn chưa có kết luận. Nếu như khi ấy đẩy chậm một chút, đến mức 65% thì thu về rồi phát hiện lực đẩy động cơ đứng im ở 65% thì sao? Hậu quả của việc đẩy tới 70% là đứng im ở mức 70% và không giảm xuống được. Cái giá của việc đứng im ở mức 70% là vận tốc tiếp cận 226 nút, chỉ còn 200m nữa là máy bay rơi xuống biển. Nếu như lực đẩy tăng ít hơn một chút, đứng im ở 65% hoặc là 60% thì liệu có phải vừa hay bay được tới Hồng Kông mà cũng có thể kiểm soát vận tốc tiếp cận một cách tốt hơn không? Vận tốc tiếp cận 226 nút hoàn toàn vượt quá mức vận tốc hạ cánh cao nhất theo lý thuyết thiết kế của Airbus A330, chưa từng ai dùng máy bay thật để mô phỏng lại cả, vậy nên cũng không ai có thể nói rõ nếu như lặp lại thao tác đi ngược với lý lẽ thông thường ấy một lần nữa thì liệu có ra được kết cục tất cả đều an toàn hay không. Những câu hỏi “nếu như” này không được ai mô phỏng cũng không có đáp án. Báo cáo điều tra sự cố tuyên bố bọn họ thực hiện hoàn hảo; báo cáo ban đầu, báo cáo giữa kỳ hay báo cáo cuối cùng đều nói như vậy, Trần Gia Dư và Thường Tân cũng vui vẻ đón nhận. Anh thừa nhận bản thân khi ấy đang tìm kiếm một sự kết thúc, một kết luận cuối cùng, có lẽ trong đó có chút tự dối gạt bản thân. Không phải anh không tò mò nhưng hiện tại khi Thiệu Anh Bằng thật sự hỏi tới thì Trần Gia Dư lại trở nên dè dặt, không muốn tỏ ra quá tò mò.

Trần Gia Dư nhấc đồng hồ lên xem. Hôm nay là ngày 27 tháng 11, chỉ còn hai tuần nữa là đến cái ngày 11 tháng 12 đã thay đổi tất cả, khiến cuộc đời anh đảo lộn vào ba năm trước. Lúc này đâu, nếu bên hãng hay ai khác thật sự muốn nhắc lại chuyện cũ, hơn nữa còn đưa ra kết luận bất lợi cho anh thì không chỉ là xát muối vào vết thương của Trần Gia Dư. Xát muối vào vết thương chỉ đau, đau có thể chịu đựng nhưng sai lầm thì không thể bù đắp.

Trần Gia Dư từng nghĩ tới chuyện hỏi ý kiến của Thường Tân về vấn đề này. Hôm hai người đi ăn, tuy Thường Tân đã giãi bày tâm sự và Trần Gia Dư cũng ăn ý hiểu được phần lớn tâm trạng của Thường Tân, thế nhưng bản thân anh lại chưa hoàn toàn nói ra hết được những suy nghĩ của mình. “Liệu 70% có phải lựa chọn tốt nhất” là thắc mắc mang tính cá nhân của Trần Gia Dư. Khi đấy người đưa ra quyết định là anh và thực hiện tăng lực đẩy động cơ cũng là anh. Thường Tân đã nghỉ hưu rồi, hơn nữa còn từng nói rõ với anh là ông muốn vứt bỏ mọi chuyện liên quan tới Hồng Kông ra sau đầu, thậm chí còn tạm gác lại sự nghiệp bay lượn của bản thân. Trần Gia Dư có trăn trở tới đâu thì cũng không muốn làm phiền tới Thường Tân.

Bữa cơm tối đó, Phương Hạo nhận thấy Trần Gia Dư có điều gì đó không ổn. Bình thường Trần Gia Dư là người rất hoạt ngôn, thế nhưng suốt bữa ăn hôm nay, anh ấy lại chẳng nói năng gì, cứ được một lúc lại xem điện thoại. Vốn hẹn sau khi ăn tối ở nhà Phương Hạo sẽ xem phim, Phương Hạo vừa lướt máy tính, vừa đưa ra vài ba lựa chọn nhưng Trần Gia Dư lại không có vẻ hào hứng cho lắm. Khi ấy Phương Hạo cảm giác được rằng tâm trí của Trần Gia Dư không ở nơi đây.

Quả nhiên, ăn cơm xong, Trần Gia Dư bảo nhà có việc rồi đứng dậy, chuẩn bị ra về. Phương Hạo cũng biết nhà Trần Gia Dư có người ốm, nếu muốn rời đi thì anh ấy chẳng thiếu lý do.

Phương Hạo cũng đứng dậy, tiễn Trần Gia Dư tới tận chỗ để xe và hỏi anh ấy mấy lần xem có phải chuyện liên quan tới mẹ anh ấy không.

Trần Gia Dư có chút bất đắc dĩ, nhưng ngoài bất đắc dĩ thì còn cảm thấy ấm lòng, chỉ biết cam đoan với Phương Hạo: “Không có gì đâu, không phải chuyện gì lớn đâu.”

Trần Gia Dư đã lên xe rồi, Phương Hạo vẫn đứng bên ngoài làm anh ấy chỉ đành hạ cửa kính xuống. Phương Hạo gác một bên khuỷu tay lên cửa kính xe của Trần Gia Dư, chậm rãi hỏi: “Đúng rồi, bó hoa hôm đó… dì có thích không anh?”

Phương Hạo không nhận được tin tức gì kể từ sau hôm tặng hoa. Trần Gia Dư thầm bực bản thân đã quên không báo lại cho cậu ấy, vội nói: “Mẹ anh thích lắm. Anh giúp bà ấy cắm rồi.”

Phương Hạo lúc này yên tâm hơn được một chút, dặn dò Trần Gia Dư đi cẩn thận rồi mới quay người, một mình đi lên tầng.

Sau khi về đến nhà, Trần Gia Dư thấy Trần Chính chưa ngủ, đang hút thuốc trong phòng khách. Cả đường về anh không ngừng băn khoăn, không ngừng suy nghĩ, thật sự không chịu được nữa, cuối cùng tóm lấy đối tượng khó tâm sự nhất để giãi bày.

“Vụ việc Hồng Kông ba năm trước, ba nói xem nếu như con không tăng lực đẩy động cơ tới 70% thì có phải sẽ có thể hạ cánh êm hơn cũng không mạo hiểm như vậy không?” Trần Gia Dư vào tới nhà, không chào hỏi gì đã phủ đầu bằng câu hỏi này.

Cũng thật mỉa mai, người mà Trần Gia Dư không muốn bày tỏ nỗi băn khoăn và nghi ngờ của bản thân nhất không phải chính là Trần Chính sao. Thế nhưng nhìn từ góc độ khác thì Trần Chính lại là người phù hợp nhất vì ông là bố của anh, là phi công lão thành với ba năm tuổi nghề, cũng đã nghỉ hưu lâu năm. Ông tuyệt đối sẽ dùng 120% sức lực để bảo vệ anh, cho dù là xuất phát từ động cơ gì. Ông cũng chắc chắn sẽ không nói chuyện này ra ngoài.

Trần Chính hơi ngạc nhiên, thậm chí còn dụi tắt điếu thuốc đang hút được nửa. Sau đó, như thể tâm linh tương thông, ông cũng nhấc cổ tay lên xem đồng hồ: “Sao đột nhiên lại hỏi chuyện này? Sắp tròn ba năm rồi?” Trong hai năm trước ông cũng không thấy Trần Gia Dư có gì khác thường. Trong mắt Trần Chính, con trai ông mọi thứ đều rất ổn, không phải đợt trước mới bay tới Hồng Kông đó sao.

Trần Gia Dư chỉ cảm thấy bực bội, phủ nhận: “Không phải vì chuyện đó, chỉ là con nghĩ tới thôi.”

Trần Chính nhìn anh không nói gì, ánh mắt có chút dò xét. Trần Gia Dư lúc này cũng cảm nhận thấy, bèn quay mặt đi chỗ khác.

“Nếu con không tăng lực đẩy động cơ thì sẽ không tới được sân bay Hồng Kông.” Trần Chính cuối cùng vẫn trả lời, chẳng qua không phải đáp án mà Trần Gia Dư muốn nghe.

“Nếu tăng tới mức 60% thì sao ạ? Không phải sẽ tốt hơn sao? Cho dù lúc thu về bị đứng ở mức đó thì vận tốc tiếp cận cũng sẽ không nhanh đến nỗi như kia.” Trần Gia Dư bày tỏ.

Trần Chính cao giọng nói: “Nhảm nhí. Lúc con tăng lực đẩy sao biết nó sẽ đứng im được?”

Trần Gia Dư mấp máy môi nhưng không thành tiếng. Trần Chính rõ ràng đang nói thay anh nhưng giọng điệu lại giống như đang trách móc anh.

“Con có thể thử tăng lên một chút rồi lại thu về một chút.” Cuối cùng Trần Gia Dư nói.

Trần Chính thở dài: “Mấy suy nghĩ này của con từ đâu ra vậy? Ba năm rồi đâu thấy con nhắc tới.”

Trần Gia Dư suy nghĩ có nên nói cho ông biết chuyện buồng lái giả lập hay không, sau cùng quyết định không nói: “Chỉ là con nghĩ tới thôi.”

Trước khi rời khỏi khu chung cư của bố mẹ, Trần Gia Dư cất công đi thay nước cho bình ly Tresor ở phòng khách. Chỉ mới hai ngày thôi mà những bông hoa đã nở rộ. Phòng khách của bố mẹ anh được trang trí theo phong cách đơn giản và cổ điển, toàn bộ đều là đồ đạc cần thiết. Trước đây khi Tào Tuệ còn khỏe, bà sẽ làm một vài món trang trí và thêu thùa, bây giờ sức khỏe bà không tốt nên cũng không có hơi sức làm mấy thứ đó nữa. Có lẽ vì đã quá muộn, có lẽ vì tâm lý, cộng thêm khói thuốc lững lờ của Trần Chính mà mỗi một centimet trong căn phòng khách đều mang cảm giác hiu hắt.

Ngoại lệ duy nhất có lẽ là bình hoa màu cam kia. Nó tựa như ánh mặt trời mang tới hơi ấm, nhiệt độ và màu sắc, không chút ngần ngại và cũng không chút né tránh, chiếu rọi vào cuộc đời xám xịt.

Trần Gia Dư cầm điện thoại lên, chụp một tấm ảnh dưới ánh đèn vàng mờ rồi gửi cho Phương Hạo.

Tối đó, lúc Trần Gia Dư về tới nhà thì cũng đã gần 12 giờ. Anh trằn trọc trên giường hồi lâu, thấy Phương Hạo mới trả lời bức ảnh bình hoa ly màu cam anh gửi, biết cậu ấy hẳn vẫn chưa ngủ. Vậy là trong một phút bốc đồng, anh đã gọi điện cho Phương Hạo.

Đêm đã về khuya, giọng Trần Gia Dư trầm thấp, ở trong lớp chăn nghe nghèn nghẹt. Sau khi cuộc gọi được kết nối, anh lập tức hỏi: “Em ngủ chưa?” Sau đó không đợi Phương Hạo nói gì đã hỏi tiếp: “Mai… có đi làm không?”

Phương Hạo mới tắm rửa xong, chuẩn bị đi ngủ, bèn trả lời Trần Gia Dư: “Em chưa, không đi làm. Vậy nên mới cũng không vội.” Anh suy nghĩ một chốc, quyết định không hỏi thẳng mà vòng vo: “Anh không ngủ được à?”

“Ừm, có một chút.” Trần Gia Dư trả lời thành thật.

Phía bên Phương Hạo truyền tới tiếng sột soạt, là Phương Hạo đang mặc quần áo.

“Có chuyện gì sao?” Phương Hạo nhẹ nhàng hỏi.

Giọng nói vẫn là giọng nói quen thuộc với Trần Gia Dư nhưng giọng điệu lại rất cẩn trọng, không còn sự chắc chắn tuyệt đối. Trần Gia Dư có chút lạ lẫm trước cách nói chuyện này của cậu ấy, vậy nên câu “Không sao” treo trước cửa miệng lại nuốt ngược trở vào. Sau cùng, Trần Gia Dư nói: “Bộ phim… còn xem nữa không?”

Phương Hạo không ngờ Trần Gia Dư đã về nhà rồi mà giờ lại hỏi vậy. Anh nhìn đồng hồ, vốn định bảo đã muộn lắm rồi, có gì để mai nói nhưng rồi cũng lời tới cửa miệng lại thay đổi: “Xem. Hay lần này để em tới nhà anh, anh gửi địa chỉ cho em?”

Thật ra đề nghị này của Phương Hạo cũng có mục đích riêng. Ta có thể nhìn ra được rất nhiều điều từ việc xem nhà của một người, quan sát không gian sống của người đó. Việc trang trí theo phong cách nào, trong tủ bày huy chương hay ảnh chụp ra sao đều chứa đựng rất nhiều thông tin, có thể nhìn ra điều người đó quan tâm nhất. Bản thân Phương Hạo là một người thích trang hoàng nên tất nhiên anh cũng chú ý hơn tới nhà cửa của người thân và bạn bè xung quanh. Trong ấn tượng có hạn của mình, Phương Hạo chỉ biết Trần Gia Dư thích sạch sẽ và là người rất nghiêm khắc với bản thân. Ngoài đó ra, anh không biết gì cả. Đã gần ba tuần rồi, hai người họ luôn tới nhà Phương Hạo mà anh lại chưa từng đến nhà Trần Gia Dư, nguyên nhân luôn là vì ở trong thành phố, khoảng cách xa. Cuối tuần Phương Hạo sẽ vào thành phố gặp Phiền Nhã Lan và mấy người bạn khác nhưng lúc này Trần Gia Dư lại không rảnh. Thế nên, chọn ngày không bằng được ngày, dù sao mai anh cũng không phải đi làm, không cần dậy sớm, trong phút bốc đồng anh đã ra quyết định.

“Phòng 415, đơn nguyên 1, tòa 3, khu Thủ Đô Lệ Cảnh II. Mật khẩu cửa vào khu nhà là 3724.” Trần Gia Dư nói một tràng, sau đó chu đáo bảo: “Để anh gửi vào điện thoại cho em.”

“Không sao. Em nhớ rồi.” Phương Hạo đáp. Anh là người thuộc trường phái hành động, đã ra quyết định là sẽ thực hiện. Trong hai phút, Phương Hạo đã mặc xong quần áo gồm quần thể thao, áo cộc tay, bên ngoài khoác một chiếc áo phao dày. Điện thoại còn chưa cúp máy, Trần Gia Dư ở đầu bên kia nghe thấy tiếng khóa xe leng keng.

Trần Gia Dư không nhịn được bật cười. Cũng phải, mấy tuần nay anh quá tập trung vào việc xây dựng tình cảm mà suýt quên mất Phương Hạo là kiểm soát viên không lưu tài giỏi nhất sân bay Đại Hưng. Nhớ địa chỉ, nhớ dãy số với cậu ấy mà nói chẳng khác gì trò chơi.

“Lái xe từ tốn, không vội.” Trần Gia Dư dặn dò Phương Hạo một câu, sau đó cúp máy.Chú thích:[1] Giáo viên huấn luyện bay: Giáo viên huấn luyện bay bên Trung được chia thành 03 cấp:Giáo viên huấn luyện bay cấp A chỉ được phép hỗ trợ phi công trau dồi kinh nghiệm vận hành tàu bay trên các chuyến bay của hãng.Giáo viên huấn luyện bay cấp B được phép thực hiện hướng dẫn trên thiết bị bay giả lập và các công việc của huấn luyện bay cấp A.Giáo viên huấn luyện bay cấp C được phép thực hiện hướng dẫn trên máy bay thực và các công việc của huấn luyện bay cấp A và B.Ở Việt Nam theo mình tìm hiểu thì chia thành 02 mức: Giáo viên hướng dẫn bay và giáo viên dạy trên mặt đất.

[2] Vụ tai nạn JAL123: Chiếc tàu bay Boeing 747SR-46 mang số đăng ký JA8119 của hãng Japan Airline vào ngày 02/6/1978, khi thực hiện chuyến bay 115, đã gặp sự cố “dập đuôi” – phi công đã đáp máy bay với phần đầu quá cao, đuôi máy bay đập xuống mặt đường băng – khiến cho vách ngăn áp suất phía sau đuôi bị hỏng.

Sau vụ việc này, các hư hỏng đã được các kĩ thuật viên của Boeing sửa chữa và máy bay trở lại hoạt động. Tuy nhiên, trên thực tế, đội sửa chữa lúc đó đã không thực hiện đúng quy trình sửa chữa khi quyết định nối 02 nửa vách ngăn bằng các đinh tán thay vì nối lại bằng 1 tấm thép nối duy nhất như theo quy định. Điều này đã làm giảm khả năng chịu lực của tấm thép nối xuống 70%. Sau nhiều những lần bay, các rãnh nứt dần hình thành ở hàng đinh tán giữa.

Và rồi, bảy năm sau đó, vào ngày 12/8/1985, chuyến bay JAL123 sau 12 phút cất cánh, máy bay đạt độ cao 7.300m, sự chênh lệch áp suất bên trong cabin và không khí không bị nén đã kéo căng vách ngăn cùng với việc các vết nứt quá lớn ở vị trí của hàng đinh tán chính giữa ghép nối hai miếng kim loại khiến cho 2 tấm thép bị xé toạc, kéo theo việc hình thành vụ nổ giảm áp đã thổi bay phần đuôi điều hướng dọc. Ngoài ra, vụ nổ còn khiến cho hệ thống thủy lực hỏng khiến cho máy bay mất phần lớn khả năng điều khiển. Tổ lái đã cố gắng điều khiển chiếc máy bay quay về từ đảo Oshima về Haneda nhưng không thành. 32 phút sau, chiếc máy bay đâm vào dãy núi ở Ueno