Đất Ma

Chương 108




Võ phóng xuống cầu thang, hộc tốc chạy về phía cửa ra vào. Vừa cất bước, anh chàng vừa ôm ngực trái, nước mắt không ngừng rơi xuống. Lúc này tim Võ thắt lại, nhói đau như có kim nhọn chảy xuôi trong từng mạch máu.

Anh phải chạy trốn...

Anh không có cái bản lĩnh bảo vệ vợ con, đánh lại con yêu quái.

Trong đầu Võ, hiện giờ chỉ có cái tòa chung cư cũ kỹ nằm gần hồ, với tầng nhà mười ba bị ma ám khét tiếng Hà thành. Ở đó, có một văn phòng quái lạ, và một thằng cha còn kì dị hơn. Điền Quý! Chỉ có Điền Quý mới cứu được hai mẹ con Huyền khỏi tay con mèo tinh hung ác.

Võ không ngừng lặp đi lặp lại điều này trong lòng, anh chạy thục mạng ra cửa.

Cửa chính tất nhiên là đã bị khóa.

Võ luống cuống thọc tay vào túi quần, lúc này mới phát hiện là chùm chìa khóa của anh đã biến mất. Con mèo tinh nham hiểm kia chẳng những lấy viên đá phù thủy, mà còn tịch thu luôn chùm chìa khóa của Võ để anh không thể chạy ra ngoài được.

Lòng anh nóng như lửa đốt. Nếu không nhanh chóng thoát ra khỏi căn nhà này thì một lát nữa chắc chắn con mèo tinh sẽ sai khiến Huyền và cậu con trai xuống bắt Võ. Đến lúc ấy đánh vợ đập con hay đứng yên chịu trói cũng đều dở tệ cả.

Chợt, Võ nhớ đến một trò nghịch ngợm ngày xưa. Chẳng là căn nhà này xây theo kiểu cũ, cửa chính bao gồm hai cánh, bên phải là cửa có tay đấm, chìa khóa như bao căn nhà khác. Cánh bên trái là cửa phụ, có một cái tay đấm, điều khiển một thanh kim loại trượt lên trượt xuống. Lúc khóa, thanh kim loại đâm vào một lỗ trên sàn nhà, giúp cố định cái cửa phụ lại.

Cửa chính là để đi lại, còn cửa phụ là dùng khi cần dắt xe máy lên nhà. Sau này ông Huy mở công ty ngay gần nhà, không còn nhu cầu đi lại nữa nên xe máy đã đem cho họ hàng, cái cửa phụ cũng không còn được mở ra nữa.

Hồi bé, Võ là đứa tinh nghịch, buổi trưa thường hay đi trốn nhà bỏ đi chơi, bố mẹ mắng mãi cũng không sửa. Thành ra ông Huy mới khóa cửa, cất chìa vào phòng sách. Thế nhưng có câu “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”, cái đám choai choai nó đã muốn thì cửa trời cũng không cản được. Võ phát hiện nếu mở chốt cửa phụ, rồi kéo cả hai cánh thật khéo thì sẽ khiến khóa cửa chính long ra, hai cánh cửa đều mở toang được. Võ thường hay dùng chiêu này để lẻn đi chơi, rồi về trước khi bố mình đọc sách xong. Trong nhà, chỉ có anh và con Miu biết điều này.

Võ không kịp nghĩ nhiều, mở chốt cửa phụ, rồi kéo cả hai cánh. Cánh cửa to và dày hé ra một đường, rồi sau đó mở hẳn. Lúc này trời đã bắt đầu tối, trong vườn nhà tối mịt. Võ như con thiêu thân, phóng ra ngoài, leo rào muốn chạy ra đường.

Thế nhưng vừa mới leo lên được đầu hàng rào, thì Võ đã phát hiện những người giúp việc trong nhà đã đứng bu kín mít bên dưới. Chẳng là công ty của ông Huy có cả một khu cho nhân viên ở ngay đối diện nhà riêng, những người giúp việc trong nhà mà chưa có chỗ trọ ở Hà Nội cũng vào đấy sống.

Mấy người này đều bị giống hai mẹ con Huyền, vừa cười toe toét vừa vươn tay muốn đẩy Võ ngã lại vào trong sân. Bốn cặp mắt trắng dã nhìn chằm chằm không rời lấy một chút khiến Võ rợn tóc gáy.

“Làm gì thế? Ăn trộm à?”

Võ còn đang không biết phải chạy thoát thân thế nào, thì bỗng cuối phố có người kêu to. Những người giúp việc đứng ở chân tường bỗng rùng mình, chớp mắt mấy cái rồi bắt đầu cư xử như bình thường. Mọi người thấy Võ đứng trên đầu hàng rào thì kinh ngạc, hò nhau đỡ anh xuống.

Anh không dám ở lâu với những người này, gật đầu cám ơn một cái, ròi hộc tốc chạy về phía tiếng nói ban nãy. Võ nghĩ bụng:

“Người này quát một cái mà phép yêu tinh đã bị phá thì chắc là kẻ cao tay ấn lắm.”

Dưới ánh đèn đường, vóc dáng của người vừa cứu anh cuối cùng cũng hiện ra. Ấy là một cô gái độ hai mươi mốt hai mươi hai tuổi, lưng đeo ba lô, mặc một bộ áo dài tay và quần ống. Mái tóc dài đến thắt lưng xõa tự nhiên, chảy xuôi xuống bờ vai mảnh mai. Võ há hốc miệng, không tài nào tưởng tượng nổi cô gái dịu dàng này là người vừa lên tiếng giải vây cho mình.

Cô nàng này hơi cúi người, rồi đưa tay vẫy mấy cái trước mặt anh. Lúc này Võ mới giật mình, ho khan một cái vì xấu hổ, rồi nói:

“Ban nãy cảm ơn cô nhé.”

“Anh không phải ăn trộm à?”

Có lẽ vì thấy đám đông đỡ Võ xuống, rồi lại bỏ đi, nên cô gái này đã bác bỏ giả thuyết Võ là phường đầu trộm đuôi cướp. Anh cười chua chát, lắc đầu:

“Chuyện kể ra dài lắm.”

“Anh không muốn giải thích thì thôi vậy. Đúng rồi, ở đây có một cái địa chỉ, anh chỉ đường cho tôi được không. Tôi hỏi mấy người rồi mà không ai giúp, có người còn to tiếng nữa.”

Vừa nói, cô gái nọ vừa lấy trong túi ra một mẩu giấy nhàu nát, đưa cho Võ xem.

Trên mảnh giấy là địa chỉ của ngôi nhà trọ ma ám, nơi có cái văn phòng quái dị của Điền Quý.

Võ thấy cô gái này cũng muốn đến khu nhà khét tiếng này, mới hỏi:

“Cô tìm chỗ này làm gì?”

“Tôi có người quen ở đấy. Đúng ra định ngồi xe buýt đến thẳng chỗ anh ta mà người ta lại sửa đường, vòng theo lối khác. Tôi mới định xuống đi bộ cho nhanh, ai mà ngờ được cái chỗ này khó đi thế? Được một hồi tôi lạc luôn.”

Cô gái nọ kể lại chuyện của mình, giọng nói hơi có vẻ xấu hổ.

Võ gật gù, bảo:

“Gì chứ cái khu phố cổ này như cái mê cung ấy mà, xe ôm lâu năm cũng còn ngại nữa là người mới lên Hà thành. Thôi, để tôi dẫn đường cho. Tôi cũng muốn đến chỗ đấy đây.”

“Trùng hợp thế à? Vậy phiền anh...”

Hai người vừa đi vừa tán gẫu, lúc này đang giờ cơm chiều, mấy người làm tăng ca tranh thủ phóng về nhà. Nghe tiếng còi xe kêu tin tin, tiếng máy nổ ầm ầm đưa người ta về nhà sum họp bên mâm cơm mà Võ bất giác chạnh lòng. Cô gái nọ liên tục đổi chủ đề, nói hết chuyện này sang chuyện khác. Có lẽ cô ấy nhận ra tâm trạng Võ không tốt, nên cố tình nói chuyện để giúp anh thấy tốt lên. Võ chặc lưỡi, thầm khen cái cô Phượng Ngân này đúng là một người rất tinh tế.

Phượng Ngân chợt nói:

“Đúng rồi. Nghe nói đây là con phố làm ô mai truyền thống ngon nổi tiếng, anh chỉ giúp tôi một cửa hiệu được không. Tôi mua một ít làm quà biếu người bạn.”

Võ chỉ cho cô nàng một cửa tiệm hẹp, sát cạnh một cái cửa sắt, mặt tiền tính thoáng ra cũng không được nổi một mét. Các loại ô mai đủ vị chua mặn ngọt được đặt trong tủ kính, mỗi loại trong một cái khay nhôm. Từ biển tên cho đến bảng giá mỗi loại ô mai đều được viết bằng tay, nét chữ không quá đẹp nhưng cực kì nắn nót cẩn thận. Người bán là một bà cụ lưng còng, râu tóc bạc trắng phau, hai mắt không mở to như hồi trẻ trung, thành ra trông bà lúc nào cũng như đang cười híp mắt lại. Trước hai người Phượng Ngân có một đám trẻ con ê a chạy đến mua, chắc là để nhâm nhi sau bữa cơm tối. Bọn nó chỉ loại nào, thì bà cụ lấy tay bốc loại ấy, cân lên một quả cân nhỏ rồi cho vào túi ni lông. Bà cụ bán cũng kì lạ, bọn trẻ mua một lạng thì bà lại cân lên lạng mốt, lạng hai. Trong nhóm có đứa nhắc, thì bà bảo:

“Cân của bà bị vênh, nên bù cho mấy đứa ấy mà.”

So với các cửa thương hiệu lớn, có cửa hiệu sạch sẽ, đèn điện sáng trưng, đóng gói bắt mắt, chủng loại đa dạng thì cái cửa tiệm ô mai ở một góc phố cũ này thật không lấy gì ra so bì được.

Thế nhưng, Võ biết dân khu phố này đã đến quán ô mai Cổng Sắt này mua từ những ngày Hà Nội còn hứng mưa bom bão đạn. Đối với nhiều người, chừng nào bà cụ còn bán thì người ta còn đến ăn. Còn với bà cụ, Võ vẫn nhớ như in mười lăm năm trước, trong buổi hẹn hò đầu tiên của anh và Huyền, bà cụ ô mai từng chính miệng nói là chừng nào bà còn khỏe bà vẫn còn bán. Bà bán vì người ta còn thích ăn, người ta ăn thay cả phần của con bà nữa.

Khách đứng mua ô mai, nếu nhìn chếch vào bên trong sẽ thấy một tấm ảnh trắng đen, treo trang trọng trên tường cùng với một tấm giấy A4 vuông vức. Ấy là tấm ảnh cuối cùng của anh con trai chụp ngày nhập ngũ, và tờ giấy chứng nhận liệt sĩ.

Phượng Ngân mua một lúc ba bốn loại ô mai, rồi chào bà cụ.

Võ dẫn cô nàng rời khỏi khu phố cổ, đi đến cái bốt nước bằng đá. Anh bỗng bất giác chỉ con dốc, một con đường nằm trong ngã sáu, nói:

“Chỗ này từng gọi là Đông Bộ Đầu, ghi dấu chiến thắng quan trọng nhất trong cuộc chiến chống Mông Nguyên lần đầu tiên.”

“Anh giỏi sử quá nhỉ?”

Phượng Ngân vừa nhón một quả ô mai bỏ vào miệng, vừa quay sang hỏi. Võ thở dài, nói:

“Là vợ tôi. Cô ấy từng học chuyên sử.”

Trong lần đầu tiên hẹn hò, Võ cũng dẫn vợ ra quán ô mai Cửa Sắt, rồi đi đến bốt nước này hóng gió. Lúc ấy Huyền ngồi ở hàng ghế đá trong vườn hoa, chỉ con dốc mà nói. Cái thời hai vợ chồng còn học cấp ba ấy bỗng nhiên ùa về, khiến giọng Võ có đôi phần nghẹn ngào.

Hai người đi thêm một lúc thì đến nhà trọ ma ám.

Có lẽ vì trọ ở chỗ đặc biệt, nên cư dân ở đây khóa cửa nẻo rất sớm, thường thường cứ đến giờ ăn cơm là cửa đóng then cài chẳng ai ra ngoài nữa. Võ lấy điện thoại gọi điện, ngó lơ ánh mắt kinh ngạc của Phượng Ngân. Những năm chín mươi này không phải ai cũng có điện thoại cầm tay mà sử dụng.

Hai người đứng chờ một lúc thì cửa mở, một cái đầu với mái tóc bù xù rũ rượi thò ra, cái chất giọng đặc sệt vẻ ngái ngủ cất lên:

“Chịu gọi điện rồi à?”