Điền Quý nhảy xuống khỏi cái xe ba gác, ba lô trên vai nảy lên một cái. Anh chàng đưa tay chào bác lái, nói:
“Cảm ơn bác nhé. Hôm nào cháu mời bác cốc bia.”
Người lái xe là một ông bác cao tuổi, râu tóc bắt đầu ngả sang màu xám khói. Những vết chân chim, những đốm đồi mồi trên mặt ông hằn rõ dấu vết của phong sương và năm tháng. Lão tên là Quang, hàng xóm của Điền Quý, làm nghề chở hàng thuê cho người ta.
Lão Quang xua tay, bảo:
“Thôi. Mày đừng có gạ mà tao thèm, ông bác sĩ đang kêu cái lá gan của tao lắm đấy.”
Vừa nói, lão vừa nổ máy, cái xe ba gác bon bon chạy trên phố, tiến về phía khu chợ nằm sát bên bờ hồ.
Điền Quý vươn vai một cái, lọc cọc xỏ chìa rồi kéo cái cửa sắt han rỉ sang một bên. Lộ ra trước mắt anh chàng là một khu cầu thang ngổn ngang rác rưởi, bụi bặm bám đầy trên các phiến gạch hoa. Một bóng đèn duy nhất, bé tin hin treo vắt vẻo trên trần. Điền Quý xỏ tay vào túi quần, đạp trên đống rác mà tiến về phía cầu thang, đèn cũng chẳng buồn bật. Cái đèn bé tẹo, chả sáng được mấy, mà ban ngày bật đèn thì mụ chủ nhà ở tầng dưới lại làu bàu nhức cả tai. Anh chàng chân nam đá chân chiêu, vừa đi vừa ngáp nghe chừng thiếu ngủ lắm. Dọc đường lên tầng, có mấy người thuê trọ nhìn ra cửa, phát hiện được Điền Quý. Song, có vẻ do đã quen với dáng vẻ lờ đờ như nghiện thiếu thuốc này của anh chàng, nên họ không để tâm mấy.
Điền Quý leo lên đến tầng mười ba thì mệt nhừ cả người, đứng lại thở hồng hộc. Anh chàng tung chân đá vào cái thùng rác bằng nhôm ở đầu cầu thang một cái, rồi mới đi về phía căn phòng ở cuối dãy. Lúc đi ngang qua cửa phòng áp chót, anh chàng bèn đứng lại theo bản năng. Tiếng xào nấu và một mùi hương nức mũi phả ra ngoài, khiến Điền Quý thèm nhỏ cả nước miếng.
Cũng gần một năm rồi chưa được ăn đồ ăn của dì Tư.
Anh chàng hắng giong, kề mặt vào bên cửa sổ, rồi gọi vọng vào nhà:
“Dì ơi, con về rồi. Hôm nay có gì nấu cho con ăn với dì nhé.”
Điền Quý chờ độ vài giây, thì nghe tiếng muôi thìa gõ vào nhau đánh “keng” một cái. Biết dì Tư đã nghe thấy mình, anh chàng mới tiếp tục bước về phòng trọ, tưởng tượng xem bữa tối hôm nay sẽ được thưởng thức món gì.
Dì Tư này thực ra không phải đứng hàng thứ tư, mà tên thật của dì là Tư. Một cái tên khá là lạ tai, kể cả với người ở tuổi của dì ấy. Điền Quý nghe loáng thoáng mấy ông hàng xóm bảo nhau sở dĩ tên dì Tư lạ tai như thế là bởi dì có tật ở lưỡi, từ bé đã không nói được. Cha mẹ dì sợ khó nuôi, nên đặt cái tên xấu như vậy.
Điền Quý và dì Tư là hai người duy nhất dám thuê phòng ở tầng mười ba của tòa nhà này. Người ta đồn tầng nhà này có ma ám, nên ai cũng né tầng mười ba ra. Trước đây, chỉ có Điền Quý sống trên cái tầng cấm kỵ này, sau rủ thêm cả dì Tư lên làm hàng xóm cho rẻ.
Dì mưu sinh bằng nghề làm quán, một quán cơm lưu động không hề có thực đơn cố định. Bình thường dì Tư nấu một đống đồ ăn rồi mang xuống xe đẩy bán cho cánh lao động đi làm về, mỗi ngày một món chẳng hôm nào giống hôm nào. Gần như là dì ăn gì thì khách người ta ăn nấy. Người ta chắc cũng tội người đàn bà câm, hoặc có lẽ tại tay nghề của dì cao thật, hoặc có vài người xa quê, nhớ cái kiểu đổi món ăn ở quê nhà, nên dì Tư kiếm cũng đủ sống.
Điền Quý thường không nấu nướng, nên được một dạo thì anh chàng ngỏ ý nộp tiền ăn theo tháng, dì Tư nấu ăn hộ luôn. Cứ lúc nào dì chuẩn bị mang đồ xuống xe đẩy thì sẽ treo một cặp lồng ở cửa sổ cho Điền Quý.
Anh chàng vừa mở cửa, thì đã thấy mụ chủ nhà ngồi vắt chân trên giường, tay cầm sổ sách nhẩm đi nhẩm lại. Mụ thè lưỡi liếm cái ngón tay xương xẩu, lật giở từng trang một trên quyển vở cũ mèm nhàu nát của mụ.
“Về rồi à? Tiền nhà tháng này chưa đóng đấy nhé.”
Điền Quý vừa mới vào nhà còn chưa ráo được giày, mụ đã tung ngay một đòn phủ đầu. Anh chàng nghe cái bài ca đòi tiền của mụ mãi cũng quen cả tai rồi, bèn thảy cái ba lô đánh bịch xuống một cái. Mụ chủ nhà tít cả mắt, cười:
“Tiếng tiền đúng không? Làm gì mà vớ thế? Phạm pháp à?”
Điền Quý ngó lơ mụ, quăng mình đánh phịch xuống cái xô pha cạnh bàn uống nước. Anh chàng tung mạnh chân đá văng cả đôi giày mỗi chiếc một góc, cái mùi tất bẩn vì nước vì bùn xộc lên chua lòm cả căn phòng khiến mũi mụ chủ nhà nhăn hí cả lại. Điền Quý ngáp một cái, nói:
“Không liên quan gì đến chị. Mà tôi đóng tiền cả năm rồi cơ mà?”
“Thì đúng. Nhưng chú cũng biết dạo này vật giá leo thang, chị có tăng một xíu tiền nhà. Thành ra tiền hồi trước chú đóng không đủ mười hai tháng, còn thiếu mất một tháng nữa.”
Mụ chủ nhà gõ gõ ngón tay vào cạnh giường, giọng ngọt xớt. Nghe cái tiếng từ ba lô của anh chàng là mụ nuốt luôn cái ngữ điệu nặng chịch, hách dịch của mình.
Điền Quý lườm mụ một cái, nói:
“Giá nhà thỏa thuận với nhau, đâu phải chị thích tăng là tăng? Có cần lôi nhau ra phường không?”
“Ấy. Gì mà nóng tính thế? Chú cũng phải thông cảm cho chị. Dạo này tiền điện, tiền nước, tiền ga, tiền điện thoại tháng nào cũng phải đóng một mớ, tháng sau cao hơn tháng trước. Không tăng giá nhà thì lấy đâu ra mà sống?”
Mụ chủ nhà bình thản nói.
Điền Quý trợn mắt lên một cái, cười khanh khách:
“Giờ mới đầu tháng chín, tháng nào chị cũng đòi tăng giá một lần thì quá bằng một năm có mười lăm tháng à? Dẹp. Khôn thế thì chỉ có ‘loanh quanh đằng đít lại đằng đầu’ thôi. Chị có muốn tôi gọi cảnh sát không?”
“Thì thôi. Chú sống thế này hàng xóm láng giềng ai mà dám giao du?”
Mụ chủ nghe nhắc đến cảnh sát thì có vẻ chột dạ, vội vàng đứng dậy, dông thẳng ra phía cửa.
Điền Quý nhếch mép, nói mỉa:
“Chuyện ấy không cần chị quản.”
Mụ chủ nhà hứ một cái dài cả cây số, rồi ngúng nguẩy bỏ đi. Lúc ra về còn đóng sầm cái cửa rõ mạnh vào mặt Điền Quý, như thể đang ra oai vậy.
Anh chàng ngáp một cái, cũng chẳng buồn chấp với mụ. Số là mụ này thấy Điền Quý có vài lần mang cả đống tiền về, nghĩ anh chàng làm ăn phi pháp nên đòi chia chác. Điền Quý không chịu, thì mụ tố cáo công an phường, chắc mẩm là sẽ được thưởng ít nhiều.
Đến lúc anh chàng trình hóa đơn của kho bạc thì mụ mới tròn mắt, công an xác nhận chữ ký rồi, thì bỏ về. Mà từ hồi ấy chắc bên phường cũng ghét mụ, nên thỉnh thoảng lại đến kiểm tra điện nước vệ sinh đột xuất, phạt cho mụ tóe máu đầu ra. Thế là mụ có vẻ ghét anh chàng, nhưng lại sợ không đám đuổi Điền Quý khỏi cửa, nên thỉnh thoảng mới lại bày trò làm khó dễ nhau thế này,
Mụ chủ nhà vừa đi khuất, thì anh chàng mới lật đật đứng dậy, đi đến chỗ bốn chậu cây dặt trên bậu cửa sổ.
Cửa sổ phòng Điền Quý quay về phía tây, lại bị một tòa nhà khác chắn mất, thành ra quanh năm suốt tháng chẳng được miếng nắng nào cả. Gần một năm nay anh chàng không về văn phòng, thành ra cũng chẳng ai tưới tắm gì cho mấy cây cảnh cả. Ấy thế mà cả bốn cái cây chẳng những không héo hon tàn úa, mà lại xanh tốt lạ thường.
Điền Quý cắm vào mỗi chậu cây một que nhang, mới nguyên vừa rút từ bao ra, đầu nhang còn lạnh ngắt. Bốn nén hương chưa cần thắp mà đầu cây nào cũng le lói tàn lửa, rồi mùi hương trầm nhè nhẹ bốc ra tỏa khắp phòng.
“Vất vả rồi.”
Anh chàng chắp tay với mấy chậu cây một cái, rồi lấy ra một cái chuông gió bằng đồng ở góc nhà, treo lên giữa nhà. Căn phòng đóng cửa im ỉm, mà bỗng nhiên cái chuông gió lại kêu lên “leng keng”, “leng keng”, giống như báo hiệu có một vài tồn tại mắt thường không thấy được đang lảng vảng trong căn phòng này. Điền Quý cởi tất, quăng vào chậu giặt rồi đi chân đất luôn trong phòng. Nền nhà gạch hoa cũ kỹ, nhưng mát rượi và không đóng một hạt bụi nào, giống như có người lau dọn hàng ngày vậy.
Điền Quý vẩy vẩy tay về phía sàn nhà, rồi lại giơ tay ngửi nách mình mấy cái, đoạn cười khổ:
“Mẹ khỉ, người hôi hơn cả cái sàn nhà.”
Anh chàng hắng giọng, nhỏ giọng bảo:
“Này, tôi sắp sửa đi tắm đây, các cô quay mặt đi nhé.”
Chuông gió lại kêu lên “leng keng”, nhưng lần này ngữ điệu nghe khác hẳn, giống như tiếng cười giòn tan của thiếu nữ đang tuổi trăng tròn vậy. Điền Quý ngáp một cái, lắc mạnh đầu, rồi sau đó chuẩn bị quần áo đi tắm.
Từ sau cái chuyện ở bệnh xá, anh chàng cứ căng thẳng không ngủ được tí nào.
Hôm nay trong cặp lồng của Điền Quý là nửa con gà ủ muối, một bát canh bí nấu tôm, cơm và ngồng cải luộc. Anh chàng nghĩ mãi mới sực nhớ ra hôm nay là ngày rằm tháng bảy, cũng là giỗ bố dì Tư.
“Chẳng trách hôm nay dì lại cầu kỳ thế. Nhưng thôi, thằng có phúc ăn là mình cơ mà.”
Anh chàng nhún vai một cái, lấy trong tủ lạnh ra một lon nước có ga vừa chạy ù xuống mua ở đầu ngõ. Điền Quý xé cái đùi gà đặt lên đĩa, khui lon nước rồi mang cả hai ra bậu cửa sổ. Da gà ủ muối vàng ươm, nhìn đến là ngon mắt.
“Đây. Toàn các món mấy cô thích đấy nhé. Phần ngon nhất cũng nhường các cô rồi, đừng có nói tôi bạc đãi mấy cô đấy.”
Anh chàng vừa cười, vừa quay lại bàn ăn toan đánh chén bữa tối, thì ngoài cửa đã nghe giọng lão Quang cất lên thất thanh:
“Quý ơi! Bỏ mẹ rồi!”